Những Lời Cầu Nguyện

20/11/20173:52 SA(Xem: 23351)
Những Lời Cầu Nguyện

NHỮNG LỜI CẦU NGUYỆN
Nguyễn Xuân Chiến

 

cau nguyenLỜI CẦU NGUYỆN CỦA KẺ ĂN MÀY

Chuyện xảy ra ở Ấn Độ thời xa xưa, do Ngài đại sư Vivekananda thuật lại:

Một ông vua của một quốc gia hùng mạnh, giàu có – sau khi đạt vinh quang tột đỉnh, ông bèn nghĩ tới kiếp sau, bèn tham vấn các bậc đạo sư ở trong xứ. Nhưng ông không thể thỏa mãn với câu trả lời tầm thường, cạn cợt tầm thường của các đạo sĩ cung đình vốn dễ dãi.

Nghe đồn rằng, ở trên núi rừng xa xôi, có một nhà hiền triết, ẩn sĩ đạo hạnh cao siêu, từng khổ tu khổ luyện đã mấy ngàn năm ròng và từ khước mọi tiện nghi vật chất. Ông vua này quyết tâm vượt mấy núi rừng cheo leo, hiểm trở để yết kiến và cung thỉnh nhà hiền triết này về kinh đô giảng dạy cho cả hoàng tộc lẫn bá quan triều đình.

Sau khi băng qua nhiều hiểm nguy và khó khăn, bằng các phương tiện sẵn có của một bậc quyền cao chức trọng bậc nhất, nhà vua đã đến trước một am thất tre nứa nhỏ bé, có vẻ nghèo nàn rách rưới. Và nhà vua khấu đầu quỳ lạy rất tha thiết:

Nhà vua muốn được vị hiền triết ban ân bằng cách nhận một lễ vật của mình. Nhà hiền triết từ chối:

- Những trái cây trên rừng đã cho tôi đủ thức ăn, những dòng nước trong sạch từ núi chảy xuống, cho tôi đủ nước uống. Vỏ của những cây trong rừng đủ để cho tôi che thân. Và những hang hóc của núi này là nhà cửa của tôi. Vì sao tôi lại nhận lễ vật của vua hay của ai khác?

Nhà vua thưa:

- Chỉ để cho tôi hưởng được chút ân huệ xin ngài vui lòng nhận chút lễ vật từ tay tôi và xin ngài vui lòng hãy dời gót ngọc, quá bộ về hoàng cung giảng pháp cho tôi và cả cho dân chúng đang mến mộ đức tu của ngài!

Vị đạothản nhiên từ chối.

Qua ba bốn lần khẩn cầu vô cùng nồng nàn không kém  chân thật, vị đạomềm lòng và hứa rằng, sẽ về kinh thành giảng dạy xong ba thời pháp thì đạo sĩ sẽ từ biệt.

Đến kinh thành, nhà vua tổ chức lễ cúng dường và trao tặng, để cầu mưa thuận gió hòa. Trước lễ cúng dường, nhà vua bỏ ra một thời gian để cầu nguyện trước sự chứng minh của vị hiền triết.

Nhà vua cầu nguyện như sau:

Cúi lạy Thượng đế chí tôn chí kính,
Xin cho con bữa ăn hàng ngày dùng đủ.
Xin cho con thân thể được mạnh khỏe hơn,
Xin cho con nhiều con cái hơn,
Xin cho con nhiều của cải hơn,
Xin cho con đầy đủ sức mạnh để cai trị một quốc gia hùng mạnh và có thể thống trị cả thế giới.
Xin cho con giàu có hơn, đất nước thịnh vượng hơn.
Xin cho kẻ thù con càng ngày càng suy yếu và binh lực của con càng ngày càng hùng mạnh
Xin cho con…

Nhà vua vừa cầu nguyện đến đây thì… đạo sĩ tự nhiên biến mất hồi nào chẳng hay!

Nhà vua thất kinh hồn vía, vội ra lệnh lùng sục khắp nơi và ra buộc thuộc cấp phải kiếm cho ra tung tích của đạo sĩ hiền triết. Nhưng, một lát sau, dân chúng phát hiện nhà hiền triết vừa ra khỏi hoàng thành và đang đi bộ có vẻ nhàn tản, vô ưu – phía sau là nhà vua cùng một bầy người ngợm đang rượt theo hối hả, gấp rút. Giây lát, nhà vua đuổi kịp đạo sĩ, ông vua vừa thở hồng hộc vừa thưa:

- Kính bạch Bậc Thầy chí tôn chí kính! Sao ngài lại bỏ đi như vậy?

Vị hiền triết quay mặt lại và nói:

- Tôi không ăn xin nơi kẻ ăn mày. Chính Ngài không khác gì hơn một kẻ ăn mày. Và làm sao ngài có thể trao tặng cho tôi thứ gì được? Qua lời cầu nguyện của ngươi vừa rồi, chứng tỏ ngươi là một kẻ ăn xin, một tên nô dịch của Thượng đế. Ta không cần quà tặng của kẻ ăn mày, dẫu là ăn mày của Thượng đế!

Ta không phải là người điên rồ để có thể nghĩ đến việc nhận một quà tặng của một kẻ ăn mày như ông. Hãy cút đi! Đừng có theo tôi!

(theo cuốn sách TÔN GIÁO LÀ GÌ? THEO LỜI DẠY CỦA ĐẠI Sư VIVEKANANDA, CỦA TÁC GIẢ JOHN YALE, Dịch giả: Vương Gia Hớn)

* * *

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI KINH DOANH

Người kinh doanh luôn luôn đặt nặng lòng tham lên trên hết. Từ việc làm ăn, giao dịch, buôn bán cho đến việc tình cảm đều lấy lòng tham của mình để trang trải giữa đời, chẳng bao giờ sử dụng lòng thương hoặc tri kiến cao thượng để hành xử với mọi người xung quanh.

Khi đến với tôn giáo, những người kinh doanh vẫn giữ thái độ cầu lợi hoặc trục lợi của mình.

Một lần nọ, hồi đó đất nước còn chưa phát triển mấy tôi đi tàu hỏa từ Saigon ra Huế, phải mất một ngày rưỡi. Tôi ngồi nghe hai người không quen tán chuyện với nhau. Một người nói:

- Ông đi lễ chùa Thiên Hậu chưa? Chùa này thiêng lắm, cầu chi là được nấy. Thằng con trai tôi thì vào y khoa, tui sắm lễ vật dâng cúng và cầu nguyện liên tục lên các thánh, quả nhiên thi đỗ ngay.

Người kia lắc đầu:

- Chẳng bằng cầu nguyện tại chùa Thiên Công ở bắc hà. Tui ăn nên làm ra cũng nhờ dâng lễ và cầu nguyện luôn luôn, quả nhiên vợ tui trúng “quả đậm” liên tục, gần chục năm ni hoài hoài như rứa! Rồi đầu tư vào bất cứ ngành nào cũng đều thành công quá mức! Vô cùng linh thiêng!

Am miễu nào thiêng, chùa nào linh ứng, tất cả quần chúng đều nườm nượp rủ nhau đến để cầu nguyện và dâng lễ.

Đó là tôn giáo đấy ư?

Thật ra, đó chỉ là lòng tham biến dạng dưới hình thức này, dưới lốt vỏ khác mà thôi! Thay vì đặt tiền của và lòng tham vào một canh bạc, thì những kẻ ấy bị gọi là dân đổ bác (dân máu mê cờ bạc). Nếu bây giờ người ta lại chằm hăm gởi tiền bạc cùng lòng tham vào các am miễu, chùa chiền, và vũ khí chuyên dùng là cầu nguyện, xin xỏ Ơn Trên - thì những người ấy được gọi là “con nhang đệ tử”, hoặc là thành viên một đạo tràng nào đó! (tội nghiệp đức Phật quá!)

Như vậy, có phải là cầu nguyện hay không?

Cầu nguyện không phải là ham muốn,
Chẳng phải là: đòi hỏi được mới thôi,
Nói “cầu nguyện” nghĩa là sai,
Chỉ là dục vọng kéo dài tham tâm,

dục vọng chỉ làm ta thêm mệt,
Càng cầu xin, càng phết bùn đen,
Bôi lên nét mặt ưu phiền,
Làm đời chùng thấp, chẳng thèm vượt hơn!

Sự cầu nguyện bằng lòng tham và si mê như trên, không khác gì sự xin xỏ, phó thác thân phận vào sự ban ơn của một đấng siêu nhiên.

Nhưng, cầu nguyện theo tuệ giác của Phật thì hoàn toàn không phải như vậy. Người cầu nguyện phải hoàn toàn tự chủ, phải hiểu rõ luật nhân quả và quan trọng là phải thực hành cải ác hướng thiện nhằm mục đích chuyển hóa nghiệp lực của bản thân.

Hay nói cách khác, sự cầu nguyện chỉ nhằm mục đích là thắp lên ngọn đèn tỉnh thức trong tâm, từ đó giúp người cầu nguyện tự thăng hoa, chuyển hóa thân tâm theo hướng tích cực để được an lạc trong cuộc sống.

Còn thực tế, không có ông Phật nào ban phước giáng họa cho họ cả. Và càng sai lầm nếu ai đó nghĩ rằng, mình sống trái với quy luật rồi cầu nguyện, cúng dường lên Phật là có thể tránh được hậu quả! (Trung tâm Pháp Quang Hà Nội)

Bản chất của cầu nguyện là không có gì sai trái, nhưng con người bây giờ lại “đeo mặt nạ”, tô son trát phấn lên thành ra những trò chơi rẻ tiền cốt để cầu lợi!

“Cầu nguyện vì thế chính là phương pháp nhìn lại con người thật của mình, quan sát tâm mình và trừ khử khát vọng phàm tình, ích kỷ, ỷ lại, yếu đuối. Cầu nguyện là một cách định tâm định ý để chuyển hóa lòng mình, lòng người” (Thích Tịnh Từ). Hay nói bằng ngôn từ khác, “Cầu nguyện là tiến trình làm phát khởi trạng thái cao thượng nhất là Phật tính của chúng ta. Một tiềm năng mà mọi người đều sở hữu bình đẳng như nhau. Phật tínhnăng lượng sự sống căn bảnyêu thương vốn có trong vũ trụ. Cầu nguyện là tiến trình chuyển hóa những xung lực ham muốn ích kỷ thành tình thương vị tha”.

(www.sgi.org/buddhism/buddhist-concepts/prayer-in-buddhism html)

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI MINH TRIẾT

Ấn Độ là một quốc gia nổi tiếng với những người minh triết.

Dưới đôi mắt của một người minh triết thực sự, thì có hai loại tôn giáo: Tôn giáo quần chúngtôn giáo chân thật.

Bởi vì chúng ta thường hay lầm lẫn giữa tôn giáo quần chúngTôn Giáo Chân Thật.

Tôn giáo quần chúng thì được bày biện ra nhiều hình thức để làm thỏa mãn thị hiếu của đám đông mê muội, như cầu nguyện xin xỏ Ơn Trên một thứ gì. Công việc của tín đồ là chỉ tập trung vào cầu nguyện kiểu xin xỏ, van xin, mà thôi. Đối với quần chúng thì, tôn giáo chỉ là cầu nguyện, van xin, dâng lễ thành, một hình thức trao đổi như dâng cúng Ơn Trên một số phẩm vật rồi đòi hỏi được ban cho chút ân huệ: bình an cho gia đình, kinh doanh làm ăn phát tài, phát triển về mặt vật chất, tiền bạc, sức khỏe…vv…. Chấm hết. Không hơn các tôn giáo sơ khai thời cổ đại.

Còn tôn giáo chân thật chỉ yêu cầu duy nhất là: Thiền ĐịnhThiền định vừa là chìa khóa, vừa là cánh cửa mở ra tất cả cánh cửa rộng lớn của Tâm linh. Nếu có cầu nguyện, thì cầu nguyện chẳng qua là biểu lộ lòng tri ân, lòng cảm ơn Chư Phật hoặc Thượng đế. Không có xin xỏ, nài nỉ, cầu mong bất cứ điều gì. 

Điều này thật ra rất khó chấp nhận.

Nếu bạn muốn tiếp cận tôn giáo chân thật thì, điều kiện tiên quyết là bạn phải bước ra khỏi tâm thức tôn giáo quần chúng. Bạn phải dũng cảm, liều lĩnh làm một cú nhảy tuyệt phích đi vào cánh cổng của TÔN GIÁO CHÂN THẬT.

Chỉ khi đó, cho tới khi đó, bạn sẽ biết bạn là ai và đức Phật là ai?

Cách đây hơn 800 năm, ngài Thân Loan xuất hiệnNhật Bản để xiển dương Tịnh độ Chân tônggiáo lý cơ bản và gần gũi nhất mà Thân Loan chỉ dạy cho tín đồ, là: Niệm Phật là bày tỏ lòng tri ân đến với đức A Di Đà mà thôi! Ngoài ra, không đòi hỏi bất cứ điều gì khác.

Lời cầu nguyện đơn giản nghĩa là lòng biết ơn, lời cảm ơn.

Đức Phật có cái tâm vô hạn,
An ủiđộ thoát thế gian,
Thương yêu nhân loại quá chừng,
Chực căn nhà lửa, vội vàng cứu ra,

Chúng sanh quả thật là nghịch bội,
Không bao giờ biết nói tri ân,
Cầu nguyện: một hoặc nhiều lần,
Là ta gởi tiếng cảm ơn lên Ngài,

Không phải là đòi hỏi, hoặc cầu xin được ban cho một cái gì!

Bởi vì chư Phật, Bồ-tát ở trên cao, ở khắp nơi trong vũ trụ đã biết rõ cõi lòng chúng ta cần gì, muốn cái chi. Cho nên chúng ta không cần bày tỏ bằng những lời phàm tục, nặng nề ham muốn, rối rắm đòi hỏi – để làm chi?

KHỞI TÂM ĐỘNG NIỆM, QỦY THẦN ĐỀU BIẾT

* * *

Thời nhà Tống có một vị An Thiền Sư ở chùa Quang Hiếu. Trong thiền định ông nhìn thấy có hai người xuất gia đang nói chuyện. Ban đầu hai người này nói chuyện, bên cạnh có thiên thần ủng hộ, thế nhưng trải qua không bao lâu mấy vị thiên thần này đi mất. Sau đó có một số ác quỷ đi đến, quỷ vây quanh lấy họ, nhổ nước bọt vào mặt họ, mắng chửi họ. Nguyên nhân gì vậy?

Lý do như thế này: Khi hai vị xuất gia này cùng nhau nói chuyện, ban đầubàn luận Phật pháp nên thiên thần ủng hộ. Sau khi nói Phật pháp xong, họ bàn chuyện gia đình nên thiên thần đi mất. Sau đó lại nói đến danh vọng lợi dưỡng thì ác quỷ liền đến.

Chúng ta phải nên biết, khi khởi tâm động niệm, ta niệm một niệm chân thiện, thì chư Phật hộ trì, che chở, chư long thiên thiện thần ủng hộ. Khi chúng ta phát sinh một ác niệm vừa mới dấy khởi,  thì yêu ma quỷ quái liền kéo đến. Cho nên, thảo luận chuyện thế gian đều bị quỷ thần khiển trách, nếu như tư tưởng chúng ta mà nghĩ đến danh vọng lợi dưỡng thì đó là tạo thêm vọng nghiệp, mà khiến cho chư thiện thần, chư Bồ-tát đều xa lánh.

Chúng ta nghĩ thử xem, con người hiện tại thân-khẩu-ý ba nghiệp đã tạo, thực thế mà nói cùng với những người xuất gia này có hơn chứ không kém. Tại sao như thế? Bởi vì người xuất gia tuy nói chuyện thế gian nhưng vẫn còn thảo luận loanh quanh các đề tài Phật pháp, còn chúng ta bây giờ gặp mặt đều nói chuyện ích kỷ, tào lao chỉ nhằm mang lại lợi lộc dơ bẩn mà thôi! Mấy ai còn thảo luận Phật pháp?

Cho nên chúng ta cần phải hiểu rõ ràng, trong thời buổi này, thế gian đang lâm vào tình cảnh “Pháp nhược, Ma cường”, nếu chúng ta ưu tư những việc hoằng pháp lợi sanh, thì đương nhiên, làm gì không gặp chướng ngại? Chỉ cần chúng ta giữ tâm niệm sao cho chân thật, và hành động sao cho chánh đại quang minh. Có được thời gian của một ngày thì làm việc tốt một ngày. Mà trong việc tốt, thì cao đẹp nhất, thù thắng nhất chính là công việc hoằng pháp lợi sanh.

Nếu chúng ta làm được như vậy, thì các vị Bồ-tát và thiện thần luôn theo dõiủng hộ, không cần phải xin xỏ, đòi hỏi gì cả. (trích Truyện cổ Trung Hoa)

* * *

TU HÀNH CHÂN THẬT ĐƯỢC HỘ PHÁP PHÙ HỘ

Hòa thượng Thích Thiền Tâm kể chuyện:

Ngày xưa, có một vị thiền sư nọ tu hành rất tinh tấn, quyết chí chứng ngộ ngay trong kiếp sống này, nên từ bỏ chức vị trụ trì của một ngôi đại tự nổi tiếng ở thành thị không luyến tiếc. Một mình một bóng, Sư lần mò lên những dãy núi chót vót hiểm trở, kiếm tìm một hang động ẩn khuất để tu tập.

Ngoài việc thọ thực mỗi ngày một bữa ăn đạm bạc, gồm rau rừng luộc chín với một dúm cơm tấm, Sư dành toàn bộ thời gian cho việc chuyên tâm tọa thiền theo câu thoại đầu mà vị tổ sư chỉ dạy. Nhưng tu hành nghiêm ngặt suốt mấy năm liền khổ nhọc đến thế, Sư vẫn cảm thấy chưa tiến bộ bao nhiêu, bởi vì mỗi lúc tọa thiền, ngài thường hay ngủ gục, nên kết quả chưa được như ý. Một tu sỹ bản chất kiên cường đâu dễ nhanh chóng đầu hàng con ma lười biếng đến thế ư ?                 

Sư nghĩ ra một phương pháp tuyệt hảo để đối trị căn bệnh ngủ gục của mình.    

Thế là từ hôm sau, Sư ra bên sườn núi, trèo lên một mỏm đá cạnh miệng vực sâu hun hút, và chững chạc ngồi thiền. Vì biết rằng, nếu sơ sẩy ngủ gục trong giây lát, thì mình sẽ rơi xuống vực thẳm và sẽ tan xương nát thịt ngay lập tức. Do vì phải đối phó với cái chết thường trực xảy ra bất cứ lúc nào, nên Sư chẳng dám ngủ gục như trước, luôn luôn tỉnh táo, nỗ lực làm chủ công phu thiền định của mình.

Nhưng, tâm trí cùng thân thể của Sư cứ mãi căng thẳng hoài được sao? Mấy hôm đầu tiên thì Sư cảm thấy mình có thể chịu đựng nổi, nhưng qua vài tháng, Sư bắt đầu thấm mệt: sức khỏe dường như hao tổn và gân cốt suy kiệt quá nhiều. Càng ngày, càng mệt mỏi, phờ phạc hẳn đi, đến nỗi hôm nọ Sư  đã ngủ gục hồi nào không hay.

Và đương nhiên, bậc chân tu khổ hạnh này đã rơi tõm xuống vực, với tốc độ kinh hồn. Dù sao, với công phu bấy nay, vẫn giúp Sư tỉnh táo biết rằng mình sắp chết. Sư bèn nhắm mắt, nhất tâm tưởng nhớ đến Phật, và cầu nguyện được thác sanh vào một cảnh giới tốt lành để dễ bề tu tập trong kiếp sắp tới.                           

Bỗng dưng, sự kiện kỳ lạ đột ngột xảy ra: Sư thấy thân thể mình treo lơ lửng giữa thinh không. Dường như có một bàn tay rất to tướng đang từ từ nâng thân thể của Sư lên mỏm đá. Hú hồn vì đã thoát chết, lại thấy mình ngồi trên tảng đá như trước, nhìn xuống dưới kia vẫn làì đáy vực đen ngòm.                

Sư  tự hỏi:

- Tại sao ta lại không chết? Hay là có vị thần linh nào cứu ta  chăng?

Bất thần, một tiếng nói vang lên giữa cảnh núi rừng tịch mịch:

- Vâng. Tôi vừa cứu Ngài chứ ai nữa!

Vô cùng kinh dị, sư hỏi:

- Ông là ai?

Vẫn tiếng nói ấy vang lên:

- Tôi là Hộ Pháp, với đại nguyện hộ trì tất cả những bậc chân tu trên cõi Nam Diêm-phù-đề này.

- Tại sao Hộ Pháp cứu tôi?

- Vì tôi thấy ngài tu hành rất tinh tấn, nên theo giúp đỡ, bảo vệ. Luôn luôn ở sát bên lưng ngài bấy lâu nay, mà ngài không hề hay biết đó thôi!

Thiền sư sung sướng quá, vui vẻ bắt chuyện:

- Ông là Hộ Pháp, chắc nhiều dịp du hành khắp thế giới ta-bà này, phải không?          

Vị hộ pháp tuy ẩn mình trong hư không, nhưng vẫn cao giọng trả lời:

- Vâng. Tôi thường xuyên du hành khắp mọi nơi trong cõi ta-bà này, và đã từng gặp gỡ không biết cơ man nào là những bậc xuất gia chân chính, hiện đang nỗ lực tu hành tinh tấn để chóng đạt đến giải thoát viên mãn...

Thiền sư vừa mừng rỡ, vừa đắc ý hỏi:

- Như vậy, Hộ pháp có khi nào gặp được người nào chí khí tuyệt vời, tu học giỏi giang và công phu tinh tấn như tôi không?

- Nhiều lắm. Người tu hành tinh tấn như ngài rất đông. Vô số kể. Nhưng kẻ giỏi giang hơn ngài cũng gấp bội, cũng nhiều như cát sông Hằng.

- Thiệt hả?

- Vâng. Tôi nào dám nói dối. Nhưng tôi cũng ngỏ lời từ biệt ngài vĩnh viễn. Tôi xin báo cho ngài biết trước rằng, kể từ hôm nay, tôi không còn theo dõihộ trì ngài như trước nữa!

Thiền sư sửng sốt:

-Tại sao Hộ Pháp bỏ rơi tôi đành đoạn như vậy? Hộ pháp có thể cho tôi biết rõ lý do hay chăng?

Hộ pháp cười nhạt:

- Chẳng vì sao cả. Ngài đã buông lời kiêu căng, ngã mạn, nên công đức tu hành bấy lâu đã tiêu tan, chẳng còn gì hết.

Ngài từng đọc tụng kinh điển chắc đã rõ: Chướng ngại to lớn nhất của người tu, đó là Cái Ngã. Một khi cái Ngã càng trương phình, thì càng gây khó khăn cách trở cho sự nghiệp tu hành. Đồng thời, Cái Ngã ấy sẽ hủy diệt tất cả công đức mà mình thu hoạch bấy lâu. Khiêm tốn là bước khởi đầu của những người nhiệt thành cầu đạo bồ đề. Càng kiêu căng ngã mạn, thì người tu càng khó chứng ngộ, và có thể nói rằng, kẻ nào còn ló ra một chút xíu kiêu căng, phách lối, thì không những không thể chứng ngộ, mà ngược lại y luôn luôn bị giam nhốt trong vòng ngu si, dốt nát và ảo tưởng. Vì thế, tôi không thể theo bảo vệ, hộ trì một kẻ kém khuyết đức độ như ngài nữa!

Rừng núi trở lại hoang vắng, im lìm.

Dường như vị hộ pháp đã biến mất thực sự rồi, nên thiền sư chẳng còn nghe giọng nói vang lên tự thinh không. Chỉ xạc xào tiếng gió vờn quanh những mỏm núi đá nhọn hoắc.

Thiền sư tỏ ra vô cùng ân hận, vì mình trong lúc mừng vui đã không kềm chế được bản thân nên trót buông những lời lẽ quá ư kiêu ngạo, khiến công đức tu tập bị trôi theo dòng nước ngu si.

Nước mắt chảy ròng trên đôi gò má xương xẩu, thiền sư rùng mình, vội chắp tay, cúi đầu:

- “Nam mô A Di Đà Phật, cho con xin sám hối những lỗi lầm của kiếp hôm nay cũng như vô tận kiếp sống trong qúa khứ. Nammô A Di Đà PhậtNam mô A Di Đà Phật Nam mô A Di Đà Phật…

Trong cơn xúc cảm mãnh liệt, Sư niệm Nam mô A Di Đà Phật không ngớt. Lát sau, bỗng dưng xót thương mình vô cớ đánh mất biết bao công đức tu tập, tâm hồn Sư bỗng rung động cuồng nhiệt và ngài lại vừa khóc lóc vừa cất tiếng xướng niệm Nam mô A Di Đà Phật liên tục, liên tục. . .                    

Cuối cùng, Sư bùi ngùi :

- “Thôi thì đành vậy. Lỗi tại ta quá kém cỏi nên Hộ Pháp không còn ủng hộ như trước nữa, nhưng dẫu sao cũng phải ráng tu, chứ làm sao bây giờ?”

Thiền sư lại tiếp tục công phu chuyên cần như trước. Vẫn kiên gan ngồi bên cạnh mỏm núi để tập trung tham thiền, quyết không lùi bước.

Rồi một ngày kia, quá mệt mỏi ngài lại bị lăn nhào xuống vực.

Bây giờ, sư tin chắc Hộ Pháp không còn ra tay nghĩa hiệp nữa, Hộ Pháp sẽ không còn ở bên cạnh để kịp thời cứu vớt mình khỏi cơn nguy khốn nữa. Sư giữ tâm chánh niệm để mong được thác sanh vào dòng dõi nhà Phật. Đây là quan điểm của Thiền tông: lúc sắp lâm chung, họ biết rõ tầm quan trọng của việc làm sao để giữ cho tâm mình được ở trong chánh niệm, với mục đích được hạ sanh trong gia đìnhtín ngưỡng Phật pháp, hoặc sinh ra trong những xứ sở có đức Phật xuất hiện, hội đủ điều kiện tu học đạo Phật.

Lần này bất ngờ hơn, Sư vẫn thấy mình được một bàn tay khổng lồ đưa mình lên tận chỗ ngồi trên tảng đá.

Qúa sức kinh dị, bởi vì sự kiện  xảy ra ngoài sức tưởng tượng của mình, Sư hỏi lớn:

- Ai cứu ta đó?

Lại giọng nói quen thuộc vang lên :

- Ta là Hộ Pháp đây!

- Ủa, ông bảo rằng từ nay sẽ không theo hộ trì tôi nữa kia mà?                   

Vẫn tiếng nói từ thinh không vang vọng:

- Vâng. Đúng như vậy. Tôi là Hộ Pháp đây! Trước đây, tôi quyết định bỏ rơi ngài chỉ vì sự kiêu căng phách lối của ngài đã thiêu hủy tất cả công đức tu hành vốn có của mình. Nhưng trong khoảng thời gian sau đó, ngài lại xưng niệm Nam mô A Di Đà Phật liên tục như thế, cho nên tôi lại ủng hộ ngài như trước.

- Chỉ vì thế thôi ư?

- Vâng. Danh hiệu Nam mô A Di Đà Phậtnăng lực thù thắng, vi diệu bậc nhất, không những rửa sạch tội lỗi của ngài trong vô lượng kiếp xa xưa, mà còn hiển lộ tất cả công đức không thể nghĩ bàn của tất cả chư Phật mười phương. Cho nên tôi lại tình nguyện bám sát ngài mãi mãi, để âm thầm hộ trì, tạo tất cả mọi điều kiện thuận lợi tu tập, kể từ nay cho đến khi ngài giải thoát, chứng quả.

Hết chuyện!

* * *

CẦU NGUYỆN LÀ BÀY TỎ LÒNG TRI ÂN

* * *

Đúng thật như vậy, chúng ta suy nghĩ việc gì, hành động ra sao, nói năng thế nào – đều được quý vị thiên thần, hộ pháp theo dõiquán sát hết thảy! Cho nên nếu có cầu nguyện thì không nên mất công kể lể dông dài, trần tình nỗi lòng của mình làm chi. Và cũng chớ có cầu nguyện bằng cách như thế, vô ích!

Cầu nguyện như vậy là trao đổi, gần như là mua bán với thần thánh, với chư Phật, Bồ-tát mà thôi!

Và nếu bạn cứ để cho lòng tham chảy tràn lan trên khắp đầu môi, thì đó là chơi trò ngôn ngữ với Ơn Trên, với đấng quyền năng chứ không phải là lời cầu nguyện đâu. Đùa với thánh thần, giỡn cợt với niềm tin của người tu chân chính.

Vậy nên đừng gọi là lời cầu nguyện.

Một thi sĩ tâm linh của Ấn Độ đã viết:

Hãy nhìn vào điều mà đức Phật và chư Bồ-tát đã làm cho bạn! Ngài đã cho bạn cuộc sống và tình yêu và niềm vui. Ngài đã cho bạn sự nhạy cảm vô cùng về cái đẹp. Ngài đã cho bạn sự nhận biết. Ngài đã cho bạn khả năng trở thành vị Phật. Bạn còn muốn gì hơn nữa? 

Hãy cảm thấy biết ơn, và thế thì lời cầu nguyện có cánh, chúng có thể bay lên, và đạt tới điều tối thượng. Thế thì đất không thể lôi kéo được. Thế thì chúng bắt đầu vươn lên, soãi cánh bay lên, như khinh công. Với ham muốn, xin xỏ thì lời cầu nguyện bị hút xuống; không thể khinh công được. 

Nhưng hàng triệu người cứ cầu nguyện theo thái độ này: họ cầu nguyện chỉ khi họ cần cái gì đó hoặc để xin Ơn Trên ban cho cái gì đó! 

Đừng hỏi xin cái gì cả.

Cầu xin bất cứ cái gì cũng đều sai lầm!

đức Phật, chư Bồ-tát  đã ban cho chúng ta Tất Cả rồi, chúng ta chỉ đón nhận bằng cách niệm Phật – Nam mô A di đà Phật mà thôi! Thế là đủ lắm!

Hãy cám ơn ngài về tất cả những điều ngài đã làm. Hãy khấu đầu cúi lạy! Hãy gieo năm vóc sát đấtđảnh lễ chân thànhtri ân. Trong sự biết ơn, chỉ cần tới tấm lòng, do đó, lời nói thì không được sử dụng tới, vô ích. Hãy cúi lạy trong lòng biết ơn sâu sắc, trong im lặng

Lời cầu nguyện thực ra là không nên nói ra bằng ngôn ngữ; vì lời nói là không thích hợp. Ngôn ngữ được dành cho những tất cả những thứ giao dịch khác, ngoại trừ lời cầu nguyện.

Vâng, thỉnh thoảng bạn thấy nước mắt lăn dài từ mắt bạn, và chúng còn có ý nghĩa nhiều hơn là mọi lời bạn có thể thốt lên. Hay chỉ im lặng, hoặc niệm Phật bởi vì niệm Phật là lời cầu nguyện vi diệu nhất!

Và bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên: ánh sáng trí tuệ bắt đầu trút lên con người bạn, lên cuộc đời bạn. Bạn được dầm mình trong phước đức, trong ân huệ thiêng liêng và cao cả. 

Lời nói đôi khi chìm giữa cuộc,
Càng nói nhiều, diễn tả được đâu?
Im lặng sấm sét – nhiệm mầu,
Triệu cơn địa chấn xuyên thâu cõi huyền!

Im lặng: là lời cầu nguyện đệ nhất,
Cảm thông đến Đức Phật A DI ĐÀ,
Từ trong sâu thẳm nở hoa,
Mười phương pháp giới chan hòa Tri Ân,

 

CÓ MỘT CUNG CÁCH CẦU NGUYỆN

* * *

Cầu nguyện theo truyền thống Vedanta (Vệ Đàn Đà) nghĩa là tiêu trừ bản ngã, làm sao cho đến khi bản ngã trở nên thuần khiết, để thành tựu tâm linh và hòa nhập với Chân Ngã.

Đó là mục đích của những người minh triết đúng nghĩa.

Và sau đây là phong cách cầu nguyện của họ:

Bất cứ lúc nào, họ cũng chỉ nói trong lặng lẽ, xúc cảm như thế này:

Con biết con là Ngài, nhưng con vẫn đem bản thân tách rời khỏi Ngài… Để khao khát Ngài như tri kiến vô thượng. Để sùng bái Ngài như châu báu vô giá. Để hưởng thụ Ngài như đấng thân yêu…

Hoặc là:

- Tôi tìm giàu sang trong thế giới này, Ngài là sự giàu sang duy nhất mà tôi tìm kiếm được, tôi xin cung hiến bản thân tôi cho Ngài.

Tôi đi tìm một ai để yêu thương, Ngài là người yêu thương nhất mà tôi tìm kiếm được, tôi xin dâng hiến bản thân tôi cho Ngài.

Nếu cần, chúng ta hãy lập đi lập lại suốt ngày và đêm như thế này:

- Không có gì cho tôi cả. Bất luận công việc ấy tốt hay xấu, sang hay hèn, hoặc vô quan hệ... tôi đều không cần đến. Tôi xin dâng hiến tất cả cho Ngài.

Ngày và đêm, chúng ta hãy từ bỏ cái bản ngã của chúng ta cho đến khi trở thành thói quen, cho đến khi thấm vào máu, vào thần kinh, vào não bộ, và trọn cả thể xác bất cứ lúc nào cũng phục tùng quan niệm khắc kỷ này. Đến chừng đó, bạn hãy đi vào giữa chiến trường dầy tiếng đại bác vang rền và huyên náo của chiến tranh, và bạn sẽ tự thấy mình tự dohoan lạc hơn bao giờ hết.

(theo cuốn sách TÔN GIÁO LÀ GÌ? THEO LỜI DẠY CỦA ĐẠI Sư VIVEKANANDA, CỦA TÁC GIẢ JOHN YALE, Dịch giả: Vương Gia Hớn)

CẦU NGUYỆN NGHĨA LÀ NÓI CẢM ƠN! CẢM ƠN!

Đây là một truyện ngụ ngôn của đại văn hào Léon Tolstoi, người Nga:

Văn hào Léon Toltoy lúc quá tuổi trung niên, ông bỗng phát triển khuynh hướng tâm linh rất mực. Tuy theo Chính Thống Giáo của Nga nhưng niềm tin của ông vẫn nghiêng về một vị Thượng Đế siêu hình, vô ngã và phổ quát – Thượng đế ở khắp mọi nơi và cả trong lòng mỗi người. Quan điểm của Léon Toltoy về Cầu Nguyện chỉ là nói lên lời cảm ơn đến Thượng đế mà thôi!

Câu chuyện về ba người dân quê xứ X. bỗng dưng trở thành trung tâm điểm của vô số lời truyền miệng vang khắp các vùng lân cận.

Đó là những con người bình thường như tất cả những người dân quê khác nhưng thiên hạ bảo nhau rằng, ba người dân quê ấy quả là những con người thánh thiện bậc nhất, không phải vì họ sẵn sàng tạo ra những phép lạ hiếm thấy, kỳ đặc, không phải vì những vầng hào quang luôn luôn che phủ và bao bọc họ đêm ngày, mà theo lời tường thuật của những người may mắn sống gần họ, thì chính khuôn mặt tràn đầy từ ái cũng như nhân cách tuyệt vời của họ đã khiến cho tất cả mọi người tôn trọngquý mến ba người dân quê này. Điều này dẫn tới sự kiện: mọi người ở khắp những vùng xung quanh đã lũ lượt chen nhau đến yết kiến và xin được ban phúc lành từ những người dân quê mà họ sùng bái như là những bậc thánh ấy.   

Vị Tổng Giám Mục của Chính Thống Giáo (của nước Nga) hôm ấy tỏ ra vô cùng tức giận khi nghe được tin này. Ngài quở:

- Ba gã nhà quê kia làm gì mà ban phép lành cho những con chiên của ta? Bọn chúng mà cũng có phép lạ ư? Thật là không thể nào tin được. Đây là thời buổi nào mà bọn tà giáo xuất hiện nhiều đến như vậy?                         

Những vị thầy tu trong giáo xứ thưa rằng:

- Đó là những con người vô danh, thất học, hoàn toàn mù chữ và không bao giờ giữ được chức vụ cao cấp trong nhà thờ. Nhưng, mọi người đều nghĩ rằng, họ là những người thánh thiện bậc nhất. Đây có thể là một sự bịp bợm trắng trợn, chưa từng xảy ra trong giáo hội chúng ta!

Cho đến bây giờ, trong đạo Thiên Chúa nói chung, chừng nào mà giáo hội La-mã còn chưa xác nhận một người nào là Thánh, thì người ấy không thể là Thánh được. Thật ra, trên bình diện Chân lý thì: Tính cách thánh thiện thì không cần phải được xác nhận bởi bất cứ ai. Tính thánh thiện ngay tự bản thân nó đã là bằng chứng thực sự. Khoảnh khắc bạn thấy và cảm nhận, không cần một sự xác nhận của bất kỳ ai khác. Nhưng viên giám mục này lại vô cùng giận dữ: ”Nếu không được phép của ta, không có sự chấp nhận của ta thì làm sao ba thằng ngốc ấy lại trở thành Thánh được?”

Mệnh lệnh của Giám Mục lại không được thi hành đúng đắn, bởi vì mọi người đều không ai cần đến xem lễ nhà thờ và xin phép lành của Giám Mục mà ngược lại, họ rủ nhau đến viếng ba vị Thánh nhân hiện đang cư ngụ tại một nơi xa xuôi, hẻo lánh kia.

Cuối cùng, viên giám mục quyết định thân hành tới tận nơi để xem điều gì đang xảy ra.

Đường sá vô cùng cách trở, muốn đi tới chỗ ở của Ba Vị Thánh kia thì buộc phải sử dụng thuyền máy, bởi vì họ hiện đang ở trên một hòn đảo nhỏ, hòn đảo nhỏ đến mức chỉ có một cây cổ thụ đứng giữa trời không mông quạnh, với chiếc tàng rất rộng và đẹp. Ba vị thánh kia đang ngồi ung dung dưới tàng cây ấy.

Thoạt nhìn qua, giám mục biết ngay: ba người dân quê này hoàn toàn thất học, mù chữ và không hề kinh qua bất cứ nền giáo dục tôn giáo nào.                       

Ai đã tung ra những tin đồn nhảm này? Và tại sao mọi người lại quá mức khờ khạo đến nỗi tôn thờ những thằng nỡm, quê mùa và ngốc nghếch như thế này?

Và khi giám mục bước xuống thuyền thì cả ba người dân quê kia vội vàng chào đón một cách cung kính, bằng việc quỳ xuống và cúi hôn bàn chân của giám mục.    

Giám mục hỏi:

- Phải chăng các vị chính là ba Thầy Tu, ba bậc thánh mà cả nước đang nhắc đến đấy ư?

Ba người dân quê thưa:

- Chúng tôi không phải là thầy tu, thánh nhân gì ráo trọi, và chúng tôi cũng chẳng biết gì đến mọi việc đang xảy ra gần đây. Đột nhiên, chúng tôi thấy mọi người xúm nhau gọi chúng tôi là Thánh và đua nhau đến thăm viếng, mà chúng tôi không thể ngăn cản nổi bất cứ một ai. Xin ngài chớ có trách mắng chúng tôi!

Viên giám mục tỏ vẻ bằng lòng, phán:

- Thế thì các ngươi theo giáo hội nào và tu hành như thế nào? Cầu nguyện và sống khổ hạnh như thế nào? Đến nỗi các ngươi gây ra nhiều tiếng tăm như vậy?

Cả ba người dân quê kinh ngạc:

- Thưa ngài giám mục chí tôn chí kính, thú thật, chúng tôi chẳng có tôn giáo nào hết. Chúng tôi chỉ lao động siêng năng hàng ngày, và bằng lòng với tất cả những gì mà Thượng đế mang lại cho bản thân chúng tôichúng tôi hoàn toàn không có bất kỳ ham muốn nào. Trong cùng tận đáy tâm hồn, chúng tôi không có một tí ti tham vọng nào tồn tại cả. Đối với chúng tôi, cuộc sống chỉ là niềm phúc lạc vô biên mênh mông, và chúng tôi vui vẻ tận hưởng với lòng tri ân tất cả.

Giám mục gật gù:

- Cũng được. Nhưng các ngươi thường xuyên cầu nguyện ai và thực hiện buổi lễ cầu nguyện theo giáo phái nào? Và lời cầu nguyện như thế nào?

Ba người dân quê lúng túng nhìn nhau. Xấu hổ. Họ không biết ăn nói ra làm sao trước lời chất vấn của giám mục. Cuối cùng họ bẽn lẽn, thưa:  

- Chúng tôi không biết tới nghi thức cầu nguyện của Nhà Thờ, và cũng chưa bao giờ thực hành theo nghi thức của bất kỳ giáo phái nào cả. Chúng tôi không thuộc về bất cứ tôn giáo nào, nhưng chúng tôi cũng thường xuyên thực hiện những lời cầu nguyện theo kiểu tự nhiên của chúng tôi...

- Các ngươi cầu nguyện như thế nào, cứ thử trình bày cho ta xem sao?

- Vâng, thưa ngài. Chúng tôi cầu nguyện như thế này: “Cứ nghĩ rằng, các ngài là ba: Cha, Con và Thánh thần. Thế thì chúng tôi cũng là ba, xin hãy thương yêu chúng tôi. Cảm ơn! Cảm ơn!”. Nếu có lời cầu nguyện nào dài dòng hơn thế, thì chúng tôi không thuộc nổi!

Viên giám mục tức giận:

- Đây không phải là nghi thức cầu nguyện của Thiên Chúa giáo chúng ta. Các ông lại dám bịa ra những lời cầu nguyện ngu xuẩnsai lầm như vậy sao? Tất cả các con chiên buộc phải thực hiện những nghi thức mà Nhà Thờ đã chấp nhận. Nếu các ngươi không biết, thì ta sẽ dạy cho các ngươi.

Ba người dân quê vô cùng mừng rỡ:

- Vâng. Xin hãy dạy cho chúng tôi những lời cầu nguyện chân thật, đúng đắn. Nhưng, ngăn ngắn mà thôi, bởi vì chúng tôi không được học hành chữ nghĩa chi nhiều, chúng tôi không thể nhớ những cái gì có vẻ dài dài...

Giám mục lắc đầu:

- Đây là nghi thức truyền thống, cố định của Nhà Thờ. Chỉ có nghi thức này là có thẩm quyền dẫn dắt chúng ta vào thiên đàng. Nghi thức này đã được thừa nhận công khai trong nhiều thế kỷ. Dẫu dài hay ngắn các ngươi cũng buộc phải ghi nhớ nằm lòng và tụng niệm luôn luôn. Nếu không, các ngươi không thể đi vào nước Chúa được.

- Nếu ngài khăng khăng quả quyết như vậy, thì chúng tôi phải vâng theo.

Giám mục trích đọc trọn nghi thức và cả lời cầu nguyện căn bản của Nhà Thờ.

Nghi thức cầu nguyện này khá dài, đến nỗi ba người dân quê này không thể ghi nhớ tức khắc nổi. Họ thưa:  

- Xin ngài lập lại lần nữa. Chúng tôi là ba người, xin ngài lập lại ba lần. Xin hãy tốt bụngxót thương để chúng tôi có thể ghi nhớ kịp.

Đương nhiên giám mục chấp thuận đề nghị ấy, và tuyên đọc ba lần. Họ im lặng, lắng nghe, và lẩm nhẩm theo. Giám mục vô cùng hả hê, sung sướng, nói:

- Các ông cũng là những người tốt. Hãy thuộc lòng và luôn luôn thực hiện nghi thức cầu nguyện này hàng ngày.

Ba người dân quê lại cúi hôn bàn chân của giám mục:

- Cầu Thượng đế phù hộ cho tất cả chúng ta!

Giám mục từ giã, vui vẻ bước xuống thuyền. Thuyền máy từ từ chạy hướng về phía đất liền.

Khi thuyền vừa ra tới biển, thì mọi người trông thấy dường như có một đám mây đuổi theo chiếc thuyền của giám mục. Không ai có thể hình dung được điều gì đang xảy ra: té ra ba người dân quê đang rượt theo bằng cách phi thân trên mặt nước. Họ lướt đi trên mặt nước cũng như chúng ta bước đi trên đất vậy. Một sự kiện hết sức kỳ lạ, khiến ai nấy kinh dị vô cùng.

Vừa chạy trên mặt nước, họ vừa nói lớn:

- Xin ngài hãy gượm một chút! Chúng tôi đã quên mất lời cầu nguyện của ngài rồi. Xin ngài từ bi dạy lại cho chúng tôi. Ít nhất là ba lần nữa. Bởi vì chúng tôi cũng là ba, xin hãy xót thương chúng tôi! Cảm ơn!

Giám mục trong thấy rõ ràng: ba người dân quê chắc hẳn là Ba Vị Thánh mới có thể đi trên mặt nước dễ dàng như vậy. Không còn nghi ngờ gì nữa. Giám mục nhủ thầm: “Về đi thôi! Ta không nên quấy rối những người thánh thiện như thế này. Hãy để cho những con người chất phác, bình dị này được tự do tự tại với tất cả ân sủng mà họ có được”.

Giám mục bảo thuyền dừng lại, chân thành nói:

- “Xin lỗi, vì ta đã can thiệp vô lối vào cuộc sống của các ông. Các ông cứ tiếp tục thực hành những lời cầu nguyện tự nhiên của mình.

“Thượng đế đã nghe thấy các ông mà không cần thông qua bất cứ nghi thức nào.                   

“Lời cầu nguyện của ta thì vẫn chưa được Thượng đế nghe thấy, bởi vì quá bài bản và quá lý trí. Lời cầu nguyện của ta chỉ là cách tiếp cận trí năng tới một Thượng đế giả thuyếtgiả định.

“Còn lời cầu nguyện của các ông đã thực hiện từ chính trái tim các ông. Qua lời cầu nguyện, các ông không hỏi xin bất kỳ điều gì từ nơi Thượng đế, mà chỉ thuần túy là những lời cảm ơn với tất cả phúc lạc bao la hiện đang ngập tràn trong cuộc sống hàng ngày. Tất cả phúc lạc ấy đã làm thỏa mãn bản thân mọi người mà không cần thêm thắt bất kỳ tham vọng nào.

“Ta vô cùng ân hận vì đã bỏ lỡ cả đời trong việc tich lũy kiến thức, kinh điển thiêng liêng, nghi lễ rắc rối... nhưng vẫn chưa hề tiếp cận Thượng đế được. Còn những lời cầu nguyện đơn giản của các ông đã được Đấng Thiêng Liêng nghe thấy, và chứng thành.” (Leson Tolstoi, bản dịch của Huỳnh Hội, Làng Dừa, Thừa Thiên)

* * *

Vâng. Lời cầu nguyện đơn giản nhất và có thẩm quyền nhất, đó là: “Cảm ơn! cảm ơn!”. Và đương nhiên lời cầu nguyện này luôn luôn tạo ra muôn ngàn phép lạ trong cuộc sống hàng ngày và nếu chúng ta tỉnh thức một chút thì sẽ cảm nhận được ngay.

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI NIỆM PHẬT

Thành thật mà nói, Phật giáo tuyệt khôngcầu nguyện như các tôn giáo khác. Từ ngày tập tễnh bước vô cánh cửa giải thoát của đức Phật tôi chưa hề nghe các bậc thầy giảng dạy về một cái gọi là cầu nguyện!

Thông thường, các tu sĩ hoặc cư sĩ Phật giáo thực hành sám hối và phát đại nguyện. Gồm có: phát lộ sám hối, nghĩa là bày tỏ những lỗi lầm trong quá khứ - sau đó phát bồ đề tâm, tức là phát đại nguyện để cứu độ chúng sanh – đó mới gọi là sám hối chân chính. Ví dụ:

Khi thấy và nghe các con bò bị hành hạ, bỏ đói, áp chế để loài người lấy sữa, thì người Phật tử phát nguyện như sau:

Đệ tử hôm nay đối trước mười phương Chư PhậtChư Tôn Pháp, Chư Hiền Thánh Tăng, xin đem tâm đại từ đại bi mà chứng giám:

Từ nay trở đi cho đến ngày giác ngộ, chúng con nguyện sẽ nâng đỡ, đùm bọc, che chở hết thảy vô lượng vô biên chúng sanh; chúng con mở lòng thương xót, yêu mến, gần gũi, chia xẻ đối với tất cả loài bò cùng tất cả các loài khác. Nếu có chúng sanh nào bị các ách nạn, cưỡng bức, giam giữ, bỏ đói, bỏ khát, áp chế - chúng con thề đem thân ra cứu vớt, chăm sóc, ấp ủ, làm cho các chúng sanh ấy được an ổnhân hoan.

Nguyện xin mười phương cùng tận hư không giới, hết thảy Tam Bảo chứng minh cho chúng con.

Phát đại nguyện xong rồi, chúng con gieo năm vóc xuống sát đất,  xin đảnh lễ Tam Bảo…

Nam mô A di đà Phật …

          * * *

Hoặc, chẳng hạn như, một vị tu sĩ muốn dứt bỏ cái nghề “Đi cúng kiếm tiền” bèn nương tựa sức gia hộ của đức Phật và Bồ-tát bằng cách phát nguyện:

Đệ tử hôm nay đối trước mười phương Chư PhậtChư Tôn Pháp, Chư Hiền Thánh Tăng, xin đem tâm đại từ bi mà chứng giám:

Đệ tử nguyện từ nay cho đến cùng tận biên cương của thời gian vị laiquyết định hoằng dương Phật pháp, làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài.

Đệ tử nguyện xả bỏ thân mạngtài sản và cả danh dự của mình để chấn hưng Phật pháp, làm cho ngọn đèn chánh pháp càng ngày càng tỏ rạng, không để lu mờ, khiến chúng sanh hưởng dụng pháp lạc mãi mãi khôn cùng.

Nam mô A di đà Phật…

* * *

Nếu có cầu nguyện, thì người Phật tử theo Tịnh độ chỉ hành động như vậy – nghĩa là bày tỏ tâm tình của mình xong rồi phát đại nguyện cứu độ chúng sanh – vì ai hết, người Phật tử biết chắc rằng: Không ai có thể thành Phật một mình cả. Khi tôi thành Phật thì tất cả chúng sanh phải thành Phật trước tôi.

Đó là những gì mà Đại thừa Phật giáo đã dạy chúng tôi!

Hôm nọ, tôi ghé thăm một ngôi chùa chuyên niệm Phật, trong lúc rảo bước viếng cảnh quan thiền môn, tình cờ nghe các em Oanh Vũ vừa đi vừa vỗ tay nhịp nhàng và hát một khúc ca có vẻ quen thuộc:

“Cho tôi làm vầng mây thướt tha,
Chọn tòa sen tịnh độ làm nhà,
“Cho tôi làm cánh chim tần-già,
Bay chuyền khắp Xứ Phật bao la,
“Cho tôi làm nụ hồng đơm hoa,
Đem sắc hương lấp cơn tàn tạ,
“Cho tôi làm điện thờ nguy nga,
Để vĩnh kiếp là trụ xứ của A Di Đà… “

Bài hát này có vẻ hùng tráng, tha thiết - xem ra như một lời cầu nguyện, tôi hỏi một em lớn tuổi nhất:

- Ca khúc này ai bày cho em hát, và tác giả là ai?

Em bé cười như tiếng hót ngọt ngào một loài chim kiên nhẫn và đầy tình thương, thường vang vọng khắp cõi ta-bà mịt mờ sương khói:

- Chẳng có ai dạy và không biết ai là người bày đặt ra bài hát ni. Chỉ vì nó là bài hát mà!

Tôi chỉ biết chắp tay:

- Cảm ơn em! Nam mô A di đà Phật!

* * *

Nam mô A di đà Phật,
Nam mô A di đà Phật,
Nam mô A di đà Phật…

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/05/2023(Xem: 1606)
06/02/2012(Xem: 28422)
22/06/2018(Xem: 12061)
28/08/2015(Xem: 7907)
16/09/2015(Xem: 14037)
17/07/2019(Xem: 8814)
04/01/2015(Xem: 10808)
02/01/2017(Xem: 6836)
25/01/2015(Xem: 9198)
17/09/2020(Xem: 6627)
11/02/2020(Xem: 7062)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.