Những Ngày Cuối Cùng

22/12/20174:01 SA(Xem: 9828)
Những Ngày Cuối Cùng

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG
Vĩnh Hảo

 

hoa sen tranh veNhững ngày cuối năm không hẳn là những ngày được nghỉ ngơi, thư giãn.

Dù là dịp lễ, được nghỉ nhiều ngày trước năm mới, vẫn là những ngày bận rộn nhất của những người nhiều trách nhiệm.

Ai ở đời cũng có trách nhiệm liên đới với xã hội, đất nước và nhân loại – trực tiếp hay gián tiếp. Nếu vô trách nhiệm với đời, ít ra cũng phải biết trách nhiệm với gia đình, hoặc trách nhiệm với chính mình.

Không trách nhiệm được ngay cả với chính mình thì đời nầy xem như bỏ đi.

Hãy tự gánh cho mình trách nhiệm làm con người đàng hoàng, ngay thẳng, sống không dối trá dua nịnh trước kẻ giàu sang quí phái, không khúm núm luồn cúi trước những kẻ chức trọng quyền cao; yêu người, yêu đời, không ngại khó khăn gian khổ, thấy việc lợi ích cho người thì sẵn sàng đưa vai gánh lấy.

Nghèo không mang lại lợi lộc vật chất cho ai thì hãy làm người nghèo tốt bụng, đem trí tuệ, kiến thức, thời gian và công sức của mình ra mà làm lợi ích cho người.

Không có tài năng đóng góp được gì cho đời thì hãy làm người vô danh với từ tâm, rộng lượng, cho đi những gì có thể cho được.

Người sống có trách nhiệm là người biết cho đi, bởi khi sinh ra đã nhận được từ cuộc đời vô vàn điều kiện thuận lợi dành sẵn; và bởi ai trong đời cũng có nhu cầu thu nhận, hoạch đắc những gì họ thiếu, hoặc chưa có; ai trong đời cũng tìm kiếm, đuổi bắt những gì họ tin là có thể mang lại hạnh phúc cho họ.

Những ngày cuối năm, bước qua đầu năm, ở phương đông hay phương tây, thường là cơ hội để cho đi—và cũng là cơ hội để nhận vào.

Mà kỳ thực, nhu cầu (hay lòng tham?) của con người luôn thúc bách hàng ngày, hàng giờ, không đợi đến cuối năm đầu năm. Nỗi thống khổ của thế gian cũng diễn ra triền miên bất tận ở khắp nơi trên địa cầu, không phải chờ đến đầu năm, cuối năm để giải trừ, cứu giúp.

 

Ngày tháng qua đi. Năm cũng hết. Nhưng trong chuỗi dài sinh-tử, tử-sinh của một sinh thể, chẳng có ngày nào là ngày cuối cùng; và cũng chẳng có ngày nào là ngày đầu tiên. Có chăng thì ngày đầu tiên của người đau khổ là ngày hết khổ, được vui; và ngày cuối cùng của người hạnh phúc là ngày hết vui, bị khổ.

Người ta có thể sản xuất ra hàng loạt những cuốn lịch xác định ngày nào cuối năm, nhưng không ai có thể tiên liệu chính xác ngày nào là ngày cuối cùng của đời mình.

Vì vậy, hãy bắt đầu cho ngày mai, cho ngày mới nhất, bằng thái độ và hành động buông xả, cho đi. Ngày ấy, ít nhất có hai người hạnh phúc: người đón nhận và người trao tặng.

Đừng chờ đến cuối ngày, cuối năm, hay cuối đời mới trao đi hạnh phúc cho người. Hãy cho khi còn cơ hội để cho, và hãy cho khi người nhận vẫn còn cơ hội để nhận.

 

Dù sao, cây phong ở sân trước cũng đã trút sạch những lá vàng, và đang ươm những lộc mới đón xuân sang. Ước mơ có thể gửi đến muôn người muôn vật niềm hạnh phúc an vui như trùng trùng lá non đâm chồi.

 

California, ngày 21.12.2017

Vĩnh Hảo

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/05/2023(Xem: 1703)
06/02/2012(Xem: 28488)
22/06/2018(Xem: 12125)
28/08/2015(Xem: 7985)
16/09/2015(Xem: 14281)
17/07/2019(Xem: 8907)
04/01/2015(Xem: 10911)
02/01/2017(Xem: 6921)
25/01/2015(Xem: 9344)
17/09/2020(Xem: 6744)
11/02/2020(Xem: 7162)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.