Phía sau những bài kiểm tra và tình thầy trò

23/08/20182:32 SA(Xem: 4302)
Phía sau những bài kiểm tra và tình thầy trò

PHÍA SAU NHỮNG BÀI KIỂM TRA VÀ TÌNH THẦY TRÒ
Thích Trung Hữu

 

thumbnailNgười ta nói nghề nhà giáo rất bạc, như người đưa khách qua sông, qua rồi có mấy ai còn nhớ đến ông lão đưa đò. Tuy nhiên không phải kẻ qua sông nào cũng đều vô tình. Chiều này, sau lễ ra Hạ, một số tăng ni sinh đã đến đảnh lễthăm hỏi Trung Hữu (cũng như các giáo thọ khác) trong tình thầy trò hết sứ ấm áp. Và có lẽ cũng chỉ có vậy thôi mà những ai đã một lần đứng trên bục giảng thì không muốn bỏ nghề. Đối với tôi, làm một người thầy giáo, ngoài niềm vui chia sẻ kiến thứckinh nghiệm sống cho các em, thì chấm điểm các bài thi hay kiểm tra là một niềm vui khác, mà đôi khi qua đó mình học được ở các em nhiều điều thú vị.

Đức Khổng tử nói “tam thập nhi lập”, nhưng tôi không bằng bậc vạn thế sư biểu nên bốn mươi tuổi mới tạm gọi là học xong. Sau khi ra trường, tôi được mời dạy cho một số trường Phật học. Bốn mươi tuổi thì coi như đã trung niên rồi, không còn trẻ trung gì nữa, cả về thể chất lẫn tinh thần. Thế nhưng khi tiếp xúc với các tăng ni sinh trẻ, hay nói đúng hơn là với những tâm hồn trẻ, tôi thấy mình như cũng trẻ lại. Tôi không giảng những giáo lý cao siêu khó hiểu mà chú trọng vào phần ứng dụng, liên hệ đến đời sống tu tập hàng ngày của các em. Như được dịp, các em cũng tha hồ mà kể những câu chuyện của đời mình, chuyện vui chuyện buồn, chuyện gì cũng có hết. Trong đó có những câu chuyện rất đẹp về nhân duyên mà các em xuất gia trở thành tu sĩ.

Một bạn đã viết như sau: “Có thể nói đạo Phật là đạo của nhân duyên. Mỗi người đều có một nhân duyên đến với đạo khác nhau. Với bản thân con, từ khi còn rất nhỏ con đã tham gia sinh hoạt trong gia đình phật tử, những trại hè hay lớp giáo lý… Nhưng mà chưa bao giờ con nghĩ đến việc xuất gia để trờ thành tu sĩ cho đến khi ngoại con mất. Thầy đến tụng kinh A Di Đà cầu siêu cho ngoại. Con nghe tiếng niệm “Nam mô A Di Đà Phật” của thầy và đạo tràng vang lên hòa theo nhịp chuông mõ đã làm lòng con xao xuyến. Từ đó con nuôi ý nguyện xuất gia và đã được gặp sư phụ, người thầy khả kính của con hiện nay.” Có những bài viết như kéo tôi trở về với những tháng ngày tươi đẹp của thời làm Điệu: “Ngày nay được dự vào hàng tu sĩ, được làm đệ tử của Như Lai là cũng do từ nhiều kiếp trước đã phát nguyện lành… Bước chân vào cửa đạo, ai cũng trải qua thời gian tập sự. Trước là học oai nghi, giới luật, rồi sau đó học kinh nhật tụng cho thuộc để tiện việc công phu bái sám… Đó có thể nói là thời gian đẹp nhất của cuộc đời tu sĩ, được làm Điệu với tâm hồn ngây thơ trong sáng”.

Tuy nhiên cuộc đời của người tu không phải bao giờ cũng là những nốt nhạc bổng du dương huyền diệu, mà nhiều lúc cũng có những âm thanh trầm đục, réo rắc đến nao lòng. Trong một bài kiểm tra một tiết (cho về nhà làm), một bạn đã viết ở cuối bài những lời đầy cảm thán về tình trạng hiện tại của mình. Rằng sư phụ của bạn ấy là một người rất nổi tiếng. Bạn ấy đi xuất gia vì ngưỡng mộ, thần tượng sư phụ. Thế nhưng khi xuất gia vào ở trong Chúng rồi thì bạn ấy cảm thấy hơi bị hụt hẫng. Nói chung thì việc sinh hoạthành trì ở chùa cũng ổn, nhưng nhắc tới tiền là sư phụ không vui. “Thưa thầy”, bạn ấy viết, “khi thầy đọc bài kiểm tra này của con là con đang nằm bệnh viện. Con bị bệnh phải giải phẩu. Con ở bệnh viện chỉ có một mình. Con có nói với sư phụ con nhưng sư phụ không cho tiền, nói rằng tiền để làm việc lớn như xây chùa, còn bệnh thì xin gia đình. Nhưng con thì lại không muốn cho má con biết vì không muốn bà lo, cũng không muốn má con phải vay tiền lo cho con. Ba con bị tai biến mấy năm nay rồi thầy ạ…”.

Đọc xong những dòng chữ trên, tôi nghe lòng mình chùng xuống, một nỗi buồn bâng quơ nhưng thấm thía đang len lỏi trong tâm hồn. Tôi nhớ có lần có một người nói với tôi rằng người tu ngày nay ai cũng sung sướng, ai cũng giàu có, đi xe hơi, xài điện thoại đắc tiền, lại còn được mọi người kính trọng, nổi tiếng như ca sĩ… Nhưng họ có biết đâu cái họ thấy chỉ là số ít của những người nổi bật trong Phật giáo, chứ không phải ai tu cũng được (hay bị) như vậy. Và một số người cũng do chỉ nhìn thấy mặt hào nhoáng của một số vị nổi tiếng mà đi tu để rồi sau đó phải thất vọng khi.. đời không như mơ. Một bạn đã viết trong bài thi rằng “khi chưa vào chùa thì thấy ở đâu, chùa nào cũng lý tưởng, cũng đẹp, nhưng khi vào chùa xuất gia rồi thì muôn màu muôn vẻ. Có người may mắn gặp được thầy lành bạn tốt chỉ dạy, sách tấn trên đường tu tập; nhưng cũng có người kém may mắn không gặp được thiện tri thức”. Về vấn đề này, tôi cho rằng lỗi một phần cũng do vị thầy tế độ. Khi tôi ở một ngôi chùa nọ, tôi nghe vị trụ trì nói với trong Chúng rằng phật tử A nọ mới vô chùa tập sự chuẩn bị xuất gia, cho nên trong Chúng phải “ý tứ” một chút để đừng làm cho phật tử A đó thối tâm. Chẳng lẽ khi đang tập sự thì cần giữ ý tứ, còn khi người đó cạo tóc rồi thì được phép phơi bày cuộc sống thật sao? Như vậy có khác nào đóng kịch để đưa người ta vào bẫy.

Tôi nghĩ rằng đối với người có ý muốn tìm hiểu đời sống của người tu để quyết định có nên xuất gia hay không thì chúng ta không nên bôi đen hay tô hồng. Chúng ta cứ sống thực, thậm chí là giải thích những khó khăn thử thách mà người tu sẽ phải đối diện. Nếu người đó có thể chấp nhận được thì xuất gia. Có như vậy mới không để hối hận về sau, không phải tu một thời gian rồi thốt lên một câu rằng “tôi đã lầm”. Có người còn thậm chí sau khi hoàn tục trở lại hận chùa vì đã làm dang dở cuộc đời họ. Dù rằng đức Phật cho phép một vị tăng có thể bảy lần hoàn tục nhưng Phật giáo bắc tông nói chung, hay ít nhấtViệt Nam không có thói quen đi tu mà ra đời. Dưới cái nhìn thông thường của người dân ta thì việc một vị tăng hoàn tục là một điều rất xấu hổ cho bản thân người đó và cả gia đình. Cho nên xuất gia là một việc trọng đại, quyết định cả cuộc đời sau đó, không thể coi là chuyện chơi được.

Chúng ta khuyến khích mọi người đi xuất gia, nhưng không dễ dãi, tùy tiện. Khi đức Phật còn tại thế, ngài không hề tùy tiện cho người xuất gia. Theo Luật tạng thì có đến cả chục trường hợp quy định không cho phép một người xuất gia hay thọ giới tỳ kheo (sau khi thọ giới tỳ kheo thì mới được coi là một tu sĩ chính thức). Đức Phật quy định nghiêm ngặt như vậy là vì để bảo đảm tăng đoàn của ngài đều là những người ưu tú hoặc ít nhất là đủ phẩm chất để tu tập. Ngài cần chất lượng hơn là số lượng.

Vâng, đọc xong những lời đầy cảm thán như thế, tôi chợt bật lên thành tiếng: “Người tu thật cô độc”. Tôi nhìn ra khung cửa sổ, vô tình bắt gặp ánh trăng cũng đang nhìn tôi từ khi nào. Ánh trăng nhìn tôi im lặng không nói, làm cho tôi liên tưởng đến những con người thầm lặng trong cuộc sống. Họ không nói vì họ không biết nói với ai, nếu họ có nói thì cũng không ai lắng nghe họ, mà nếu có nghe thì cũng không bận tâm làm gì cho họ. Nói chung là họ không quan trọng. Ánh trăng im lặng như chờ đợi, như van xin, cầu cứu. Cho nên tôi nghĩ rằng tôi phải làm cái gì đó cho học trò của mình. Nhưng bạn ấy không ghi là đang nằm bệnh viện nào. Tôi âm thầm liên hệ với một số tăng ni sinh trong lớp và chia nhau đến các bệnh viện để tìm. Cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm ra. Chúng tôi góp tiền lại và đi thăm bạn ấy.

Chiều hôm đó tôi cùng với vài tăng ni sinh đi vào bệnh viện mà bạn đang điều trị. Bạn ấy nằm một mình, đang truyền nước biển, còn tay kia thì lần chuỗi niệm Phật. Khi thấy chúng tôi, bạn ấy hết sức ngạc nhiên, bối rối, nhưng trên tất cả là đã không giấu được một nỗi vui mừng, xúc động không không nói nên lời. Tôi bảo bạn ấy cứ nằm yên, rồi ngồi xuống bên cạnh. Một ni sinh ôm bó hoa hồng đến trước mặt bệnh nhân, cười tươi nói: “Thầy và lớp tặng huynh nè”. Bạn ấy nhìn bó hoa hồng rực rỡ, rồi nhìn tôi và từng người huynh đệ đang đứng xung quanh đó, cũng cười tươi trong khi hai hàng nước mắt lăn dài trên má. Tôi biết đó là những dòng nước mắt hạnh phúc. Tôi nắm tay bạn ấy, mĩm cười trìu mến: “Con không hề cô đơn. Thầy và các huynh đệ luôn ở bên cạnh con”.

Tôi biết có một số giáo thọ do dạy cho nhiều lớp quá nên không tự mình chấm bài mà nhờ người khác, hoặc nếu có chấm thì cũng chỉ đọc qua loa. Điều này không tốt. Vì khi tăng ni sinh làm bài là họ đặt hết tâm huyết vào bài viết. Mình đọc qua loa là không tôn trọng họ, là làm tổn thương họ, và cũng không học hỏi được gì từ họ. Người thầy không chỉ là truyền trao kiến thức mà còn chia sẻ kinh nghiệm sống để cho việc học, nhất là việc tu của họ được thông suốt. Mình không hiểu họ thì làm sao giúp họ. Mà muốn hiểu thì phải lắng nghe. Điều này phụ thuộc vào việc vị thầy có thương, có quan tâm học trò của mình hay không. Những câu chuyện của các em là bất tận. Và do đó bổn phận của người thầy cũng không bao giờ gọi là kết thúc.

Thích Trung Hữu

 Thư Viện Hoa Sen


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
20/10/2018(Xem: 6679)
23/09/2020(Xem: 3703)
18/09/2016(Xem: 11666)
14/08/2017(Xem: 6914)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.