Về với Thầy

29/01/20194:02 SA(Xem: 48091)
Về với Thầy

VỀ VỚI THẦY
Nguyễn Thị Đấu

 

imageNgày 26/10/2018, tin Thầy - Thiền sư  Thích Nhất Hạnh về Việt Nam làm cho chị em chúng tôi rất vui mừng, rồi rưng rưng chuyền tin cho nhau và hẹn sẽ về với Thầy, về với ngôi chùa cổ kính Từ Hiếu biết bao thân thương.

Nao nức

Mãi đến gần 20 ngày sau, hội đủ duyên lành, chín chị em chúng tôi từ TP Hồ Chí Minh và nước ngoài mới cùng nhau về với Thầy. Chúng tôi chuẩn bị trong sự nôn nao, háo hức, đợi chờ... như những người con lâu, lâu lắm mới được về thăm người cha vô cùng kính yêu của mình. Chị cả Bảy Hà đến tận chợ đầu mối Chợ Lớn mua thực phẩm chay,  chở trên chiếc xe gắn máy 3 chuyến mới hết. Chị còn tìm và phóng to mấy bức ảnh Thầy tiếp xúc với Đức Dalai Lama, với nhà làm phim Walk with me ... thật đẹp để dâng Thầy.

Chiều 13/11, chúng tôi đến chùa Diệu Hỷ, ngôi chùa cạnh chùa Diệu Đế được Thầy và Tăng thân Làng Mai ở lại trong những ngày Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế ở chùa Diệu Đế năm 2007. Chúng tôi được Sư bà Chân Hiền, trụ trì chùa Diệu Hỷ, và quý Sư cô trong chùa nhiệt tình tạo điều kiện đi lại  ăn ở trong những ngày ở Huế. Sư bà còn kể chuyện gặp Thầy mấy lần, kể chuyện ngày tảo tháp, ngày giỗ Tổ-  Sư Cố Nhất Định vừa qua và dặn dò  nhiều  điều để ngày hôm sau chúng tôi đến đảnh lễ Thầy.

Các bạn đạo ở Huế và các nơi đã từng đến chùa những ngày qua cũng cho chúng tôi biết: nào là phải đến trước 7giờ; nào là sức khỏe của Thầy, nào là thời tiết... có thể không gặp được Thầy vì có người ở xa đến đây 2-3 ngày mà không gặp được... Chúng tôi tự nhủ, nếu không gặp được  Thầy nhưng đến được Từ Hiếu, đến nhìn thất Lắng Nghe - nơi hiện nay Thầy đang tịnh dưỡng, đến những nơi mà Thầy đã để lại bao kỷ niệm đẹp ở chùa Từ Hiếu, đến để cúng dường Thầy, Tăng thân và một số chùa chung quanh Huế mà chúng tôi quen biết cũng đã là thỏa mãn lắm rồi!

Đợi chờ

Ngày 14/11, chúng tôi áo tràng chỉnh tề, nao nức, hồi hộp đến chùa trước 7giờ. Ngôi chùa Từ Hiếu uy nghiêm trầm mặc giữa rừng cây, hoa cỏ xanh tươi. Ánh nắng lung linh chiếu qua những kẻ lá đẹp tuyệt vời. Dù đã có nhiều người đến trước chúng tôi nhưng không một chút ồn ào. Một sự yên tĩnh, dễ chịumát mẻ đến lạ! Một chị trong đoàn nói nhỏ: "Nhờ năng lượng lành đó"!

Trong khi chờ đợi, chúng tôi lặng lẽ bên nhau đi qua những nơi chú Phùng Xuân (tên của Thầy lúc hành điệu) đã để lại nhiều kỷ niệm êm đềmchúng tôi được biết qua những quyển sách của Thầy: từ cổng tam quan, hồ bán nguyệt, chánh điện, tháp Tổ, trai đường... đến những con đường, bụi trúc, cây cảnh... Chúng tôi dừng lại rất lâu bên cây khế cổ thụ sum sê trĩu quả, hình dung hơn 75 năm trước chú Phùng Xuân được Sư Cố cho một  quả khế khi đi học về; rồi bên hồ Bán Nguyệt chú gọt mít, thái mít; rồi bên những gò cạnh các tháp, chú hái lá vả nướng măng, nướng nấm; rồi bên tấm phảng gỗ nhẵn thín, chú được Sư Cố chỉ dạy... với bao bồi hồi xúc động.

Trong khi chờ đợi, bên bộ bàn đá dưới tán cây mát rượi, chúng tôi ôn lại những kỷ niệm mà chúng tôi đã đi theo Thầy từ ngày Thầy được trở về sau gần 40 năm đau đáu với quê hương, đất nước. Nào là đón Thầy ở sân bay; nào là các khóa tu với Tăng thân Làng Mai ở chùa Hoàng Pháp, tu viện Bát Nhã; nào là các buổi thuyết pháp của Thầy; nào là các buổi lễ Đại trai đàn bình đẳng chẩn tếVĩnh Nghiêm(TP Hồ Chí Minh), ở Đại Tùng Lâm ( Bà Rịa - Vũng Tàu), ở chùa Diệu Đế ( Huế); nào là Vesak 2008 ở Hà Nội... Đúng là những kỷ niệm đẹp, những tháng ngày không thể nào quên!

Trong khi chờ đợi, chúng tôi làm quen rồi trở nên thân thiết với những người bạn đạo cùng về với Thầy. Có bạn đi cùng chuyến bay; có bạn tận Hà Nội, Nghệ An, Cần Thơ; có bạn ở Huế và vùng lân cận đã đến đây liên tiếp nhiều ngày.Với những bạn người nước ngoài thì ai nấy không thiếu những nụ cười thân thiện, những ánh mắt trìu mến thân thương mỗi khi gặp nhau.

Trong khi chờ đợi, cả đoàn chúng tôi hồi hộp, nhất là chị cả của đoàn, theo dõi từng giờ, từng phút người con trai của chị cùng 3 người bạn đáp chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh lúc 6giờ 30phút và sẽ về lại trong buổi chiều cùng ngày. Liệu các cháu có kịp được đảnh lễ Thầy? Và nếu không được thì biết ăn nói  làm sao với các cháu bởi các cháu chưa phải là Phật tử thuần thành, chưa có nhiều tín tâm cho lắm... Bao nhiêu cuộc điện thoại liên tiếp chỉ để hỏi một câu:  Đến đâu rồi? Nhiều lúc đến nghẹt thở. 9giờ 15 phút, cháu và các bạn đến! Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm!

Gặp gỡ

9giờ 20 phút, Thầy xuất hiện. Chúng tôimọi người vỡ òa hạnh phúc! Thầy ngồi xe lăn. Thầy gầy. Thương quá! Nhưng đầu, mắt, tay Thầy còn minh mẫn, còn biết " nói". Chúng tôi tự hào vì sự hồi phục của Thầy thật sự là một điều kỳ diệu như những vị bác sĩ người Mỹ đã điều trị Thầy từng nói. Chúng tôi khoảng hơn 100 người không phân biệt màu da, sắc áo, lặng lẽ, bình an bên Thầy, được thiền hành với Thầy. Chúng tôi bước đi chậm rãi, cố gắng chánh niệm nhưng cũng không kiềm chế được những tiếng nấc nghẹn ngào xúc động, tiếng thút thít, sụt sịt và nước mắt lăn dài... Đi bên Thầy, thú thật, chúng tôi không được chánh niệm lắm. Lời bài hát: Đã về, đã tới. Bây giờ, ở đây. Nay tôi đã về. Nay tôi đã tới...Vững chãi thảnh thơi... Vững chãi như núi xanh...Thong dong dường mây trắng... cứ vang vang, vang vang trong đầu, trong tim...

Một vòng thiền hành quanh hồ bán nguyệt với Thầy trôi qua nhanh quá! Thầy về lại thất Lắng Nghe với bao hạnh phúc lẫn nuối tiếc ngẩn ngơ của chúng tôi, của mọi người. Chúng tôi quyết định hôm sau sẽ trở lại với Thầy, với Từ Hiếu dù chúng tôi chỉ có trọn vẹn hai ngày ở Huế. Buổi chiều, chúng tôi tranh thủ đến các chùa Từ Đàm, Huyền Không Sơn Thượng, Linh Mụ,  Lựu Bảo để lễ Phậtcúng dường.

Hôm sau, chúng tôi lại hân hoan đến Từ Hiếu mà không chắc gì có được dịp may lần nữa. Kể cũng lạ, tháng mười Âm  lịch xứ Huế luôn mưa gió  sụt sùi, thế  mà  mấy  ngày  nay mặt trời chiếu rực rỡ. Những tia nắng vàng tươi hôm nay thật ấm áp. Chúng tôi vui mừng gặp lại những người cùng chuyến bay, những người đã đến nhiều lần và những người mới. Như những người thân thuộc, chúng tôi lại ngồi bên nhau kể chuyện về Thầy, về những quyển sách của Người. Lại đi qua, nhìn lại, lắng nghe thanh âm của cây cỏ hoa lá; lại hình dung, tưởng tượng... những ngày hành điệu của chú Phùng Xuân. Chúng tôi cảm nhận như được hưởng nhiều năng lượng lành của núi đồi Dương Xuân.

Và rồi, dịp may lần nữa lại đến! Thầy lại thiền hành cùng đại chúng! Sung sướng quá! Không cầm được nước mắt, hàng trăm người chúng tôi lại bình an, lặng lẽ lần nữa bên Người. Cũng hàng trăm người lại bùi ngùi xúc động đi theo Người...

Lần này đoàn thiền hành đi trước ống kính của một đài truyền hình Pháp. Thầy Pháp Ấn giới thiệu chúng tôi với cô phóng viên người Pháp xinh đẹp, dễ thương. Chị Chín Bảo đại diện đoàn trả lời phỏng vấn. Thế là tình cảm của chúng tôi đối với Thầy sẽ được truyền lan ra thế giới. Chúng tôi trả lời: "Nhờ Pháp học của Thầy, chúng tôi thêm kính tín Đức Phật, hiểu về đạo Phật nhiều hơn, bớt mê lầm, vọng tưởng... ". Chúng tôi trả lời: "Nhờ Pháp hành theo Thầy, chúng tôi an lạc nhiều hơn,  biết buông xả nhiều hơn, biết thương yêu mọi người, mọi loài nhiều hơn... ". Chúng tôi trả lời: Chúng tôi rất tự hào về Thầy, vị thiền sư Việt Nam nổi tiếng , Người đã đem đạo Phật, đạo của từ bitrí tuệ đến với thế giới phương Tây...

và nguyện cầu

Ngày trở về phải đến. Chúng tôi từ giã Thầy, từ giã Tăng thân Làng Mai, từ giã những ngôi chùa trầm  mặc cổ kính, từ giã Huế xinh đẹp với bao niềm hân hoan hạnh phúc nhưng cũng với biết bao nỗi băn khoăn, ngậm ngùi, thương nhớ... Lòng chỉ biết nguyện cầu, nguyện cầu và nguyện cầu...

Thầy kính yêu!

Chúng con luôn nhớ đến Thầy! Mỗi hơi thở, mỗi bước đi trong chánh niệm của chúng con là Thầy  đã có mặt với chúng con!
Nguyễn Thị Đấu


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
27/11/2019(Xem: 9329)
01/10/2015(Xem: 6797)
09/11/2020(Xem: 6357)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.