Không Có Gì Là Có Tất Cả - Tâm Đức Trần Quang Thuận

01/11/20175:19 SA(Xem: 2179)
Không Có Gì Là Có Tất Cả - Tâm Đức Trần Quang Thuận
KHÔNG CÓ GÌ LÀ CÓ TẤT CẢ
Tâm Đức Trần Quang Thuận

tran quang thuan (2)“Không có gì là có tất cả”. Hòa thượng Thích Minh Châu từ bỏ cuộc đời nhân thế với hai bàn tay trắng, không tiền tài, không chùa miếu, xem thế giới Ta-bà như chỗ dừng chân trong cuộc vân du hoàn vũ:
“Ta từ sinh tử về chơi
Ngồi trên chóp đỉnh, mỉm cười với trăng…
(“Đạt Đạo” 
Huyền Không)

Tôi may mắn cùng Hòa thượng được Tổng hội Phật giáo Việt Nam gửi sang Tích Lan tu học năm 1952. Trong suốt hai năm, từ năm 1952 đến năm 1954, chúng tôi sống trong một ngôi chùa nhỏ tại quận Maradana trung tâm thủ đô Colombo, học tiếng Anh với một giáo sư tu sĩ Phật giáo người Anh, học văn phạm Anh với một giáo sư người Tích Lan, học Abhidhamma, đặc biệt là Câu-xá luận với vị sư người Tích Lan tốt nghiệp trường Đại học Cambridge ở Anh quốc với cấp bằng tiến sĩ triết học (Ph.D.) và văn chương (D.Lit) và học Pāli với người đệ tử của ngài.

Mặc dầu sống trong một ngôi chùa Tích Lan thuộc Phật giáo Nam tông, Hòa thượng Viện chủ, vị giáo thọ dạy Luận tạng, vẫn cho phép chúng tôi được tiếp tục hành trì theo nghi thứcnếp sống truyền thống Phật giáo Việt Nam. Chúng tôi được phép mặc áo nâu sồng, được phép duy trì hai buổi công phu sáng chiều, được phép nấu ăn riêng…

Hàng ngày chúng tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng, lên chùa làm lễ công phu sáng, tụng Lăng Nghiêm, Thập chúTiếng kinh quen thuộc đầy cảm xúc: “Diệu trạm tổng trì bất động tônThủ Lăng Nghiêm vương thế hy hữu, tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng, bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thân. Nguyện kim đắc quả thành bảo vương, hoàn độ như thị hằng sa chúng. Tương thử thâm tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân. Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh, ngũ trược ác thế thệ tiên nhập, như nhất chúng sinh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ nê-hoàn. Đại hùng, đại lực, đại từ bi, hy cánh thẩm trừ vi tế hoặc, linh ngã tảo đăng vô thượng gíác. Ư thập phương giới tọa đạo tràng, thuấn nhã đa tánh khả tiêu vọng, thước ca la tâm vô động chuyển…”.

Lời nguyện hy sinhphụng sự vào những buổi sáng công phu trong chùa Tường Vân, Tây Thiên, Báo Quốc cổ kính đã làm cho chúng tôi xúc động và phấn khởi, giờ đây vẫn còn tác dụng không kém trong một ngôi chùa Nam tông tại xứ người.

Công phu xong, chúng tôi lo việc phục dịch: Hòa thượng Minh Châu lo dọn phòng, quét nhà, lau chùi bàn ghế, tôi lo buổi ăn sáng vào lúc 7:00 giờ. Từ 8:00 đến 10 giờ sáng là khóa học Abhidhamma cùng với chư Tăng Tích Lan và các Tăng sĩ ngoại quốc khác. 10:30- 11:30 là giờ học văn phạm Anh với một giáo sư người Tích Lanchúng tôi thuê dạy riêng. Xong giờ học văn phạm Anh, Hòa thượng Minh Châu phụ với tôi chuẩn bị cơm trưa lúc 12:00, buổi cơm cuối cùng của ngày. Chúng tôi không dùng cơm tối theo nếp sống của chư Tăng Tích Lan. 2:00-3:30 chiều là khóa học Pāli và 4:00-5:30 chiều là giờ học tiếng Anh với một nhà sư người Anh sống trong chùa đặc biệt giúp dạy chúng tôi. 6:00-7:00 tối công phu chiều. 8:00-10:00 tối ôn bài. 10:30 tối: chỉ tịnh.

Suốt thời gian hai năm chung sống tại Colombo, chúng tôi không bỏ sót bất kỳ một thời công phu sáng hay chiều nào cả. Chúng tôi cũng không bao giờ đi lệch thời khóa biểu. Hòa thượng Minh Châu rất nghiêm túc, không lơ là, chểnh mảng trong việc hành trì. Đây là một đức tính quý mà tôi đã học được ở Hòa thượng.

Sau 3 tháng chúng tôi học xong cuốn văn phạm Anh. Chúng tôi không học văn phạm nữa mà dùng thì giờ này để trau dồi Pāli. Hòa thượng Minh Châu tỏ ra rất cần mẫn, siêng năng học tập. Hòa thượng học thuộc lòng những câu thành ngữ Anh trong cuốn văn phạm; học thuộc lòng cách chia danh từ, động từ, túc từ của văn phạm Pāli. Suốt ngày Hòa thượng học và học. Rất chuyên cần, kỷ luật, trật tự, ngăn nắp.

Hàng tháng vào ngày Chủ nhật của tuần đầu tháng, chúng tôi ra bờ biển ở Galle, hóng gió biển và nhìn băng qua Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương để tưởng nhớ đến quê nhà, thầy tổ, bạn bè. Từ 2 giờ đến 4:30 giờ chiều, chúng tôi ngồi trên mỏm đá đọc sách hay nhìn về cố hương.

Mặc dầu bờ biển lởm chởm đá, không có người tắm, có hấp dẫn mấy chăng nữa, chúng tôi cũng từ giã nó để về chùa đi công phu chiều. Chúng tôi không bao giờ bỏ buổi công phu sáng hay chiều suốt hai năm sống tại Tích Lan. Hòa thượng Minh Châu là người rất nghiêm túc trong lối hành trì này.

Hòa thượng Minh Châu lớn hơn tôi một giáp, kinh nghiệm đạo, đời hơn tôi bội phần nhưng chúng tôi cảm thấy thoải mái san sẻ cho nhau những ưu tư, khắc khoải đối với quê hương, xứ sở, đạo pháp, dân tộc.

Cùng chung sống trong một Phật học viện nhỏ tại Colombo, ngoài hai chúng tôi từ Việt Nam, còn có hai nhà sư Trung Hoa từ Đài Loan và Phi Luật Tân, một nhà sư người Miến Điện, 2 nhà sư người Anh, một nhà sư từ Bangladesh và nhiều nhà sư người Tích Lan. Ngoài giờ học, chúng tôi trò chuyện, trao đổi tin tức, tâm tình và hoài vọng. Đôi khi chúng tôi được ông Malalasekera, Chủ tịch Hội Phật giáo Thân hữu Thế giới (World Fellowship of Buddhists) mời về nhà dùng trà, hỏi thăm sức khỏe, học vấn, hỏi thăm Hòa thượng Tố Liên nói riêng và tình hình Phật giáo Việt Nam nói chung.

Hòa thượng Tố Liên là vị đại diện cho Phật giáo Việt Nam tham dự Đại hội Phật giáo Thế giới họp tại Colombo năm 1950, thành lập Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới, mở đầu cho việc giao lưu Phật giáo quốc tế và việc đưa Tăng sinh Việt Nam ra nước ngoài du học.

Cuối năm 1954 tôi dự thi vào trường Đại học Luân Đôn và Hòa thượng Minh Châu thi vào Đại học Nalanda ở Ấn Độ. Đầu năm 1955 tôi từ giã Hòa thượng Minh Châu đi Anh và Hòa thượng Minh Châu sẽ sang Ấn Độ vào cuối năm. Chúng tôi hẹn gặp lại nhau vào thời điểm khác ở Việt Nam để cùng nhau phụng sự, phục vụ.

Gần 6 năm trôi qua một cách nhanh chóng. Ngày 14 tháng 12 năm 1960, sau khi học xong, tôi rời nước Anh sang Pháp lên tàu, rời hải cảng Marseilles miền Nam nước Pháp trở về Sài Gòn. Ngày 23 tháng 12, tàu cặp bến Bombay. Tôi xuống tàu thì thấy Hòa thượng Minh Châu đã đợi sẵn tự bao giờ. Hòa thượng cho biết đã đi tàu hỏa từ Nalanda miền Đông bắc Ấn Độ đến Bombay ở miền duyên hải Tây nam. Cuộc hành trình 2 ngày 2 đêm đã đưa Hòa thượng đến thăm tôi trong vòng 3 giờ đồng hồ. Tôi hết sức xúc động khi gặp Hòa thượng. Người đã dành cho tôi một sự ngạc nhiên, đồng thời cho tôi thấy con người tình cảm, đôn hậu của Hòa thượng như thế nào.

Chúng tôi rủ nhau vào một tiệm cơm chay ở Bombay. Tôi không quên xin họ cho một ít ớt vì ở Anh bấy lâu không được hưởng cái hương vị đặc biệt này. Người hầu bàn không chỉ cho chúng tôi vài trái ớt mà bưng lên một đĩa lớn ớt xào!

Chúng tôi vừa ăn cơm vừa nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm học hỏi. Hòa thượng chuyên học Pāli và luận án Hòa thượng đang soạn là So sánh bộ Majjhima Nikāya chữ Pāli và bộ Trung A-hàm, bản dịch ra chữ Trung Hoa. Hòa thượng cũng cho biết lý do tại sao Hòa thượng đắp y kiểu Ấn Độ thay chiếc áo tràng nâu. Hòa thượng thấy chiếc y vàng rất thân thuộc với người Ấn. Chiếc y vàng làm cho chúng Tăng tại Học viện Nalanda gần gũi hơn đối với Hòa thượng.

Nalanda là một cơ sở giáo dục nổi tiếng của Phật giáo tại Ấn Độ mà trước đây khi quân Hồi đến xâm chiếm Ấn Độ thế kỷ XII đã đốt cháy quần thể Nalanda dung chứa trên 10.000 Tăng sinh thế giới suốt 3 tháng.

Buổi cơm trưa ngày ấy không làm sao tôi quên được, kéo dài trên một tiếng rưỡi đồng hồ. Ăn cơm xong chúng tôi ngần ngừ chia tay, Hòa thượng lên xe lửa trở về Nalanda, tôi lên tàu về Việt Nam.

Năm 1961, Hòa thượng tốt nghiệp học trình với cấp bằng tiến sĩ ưu hạng do Tổng thống Ấn Độ đích thân trao tặng. Năm 1963 Hòa thượng định về nước, nhưng tình hình chính trị lúc bấy giờ quá sôi động, nên đến năm 1964 Hòa thượng mới về và được Giáo hội mời làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục GHPGVN TN và Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh.

Hòa thượng không quên tôi, mời tôi giúp sức khi tôi từ chức Bộ trưởng sau vụ Hiến chương Vũng Tàu. Tôi hoan hỷ nhận lời làm Tổng Thư ký cho Viện Đại học, chưa có cơ sở nhất định. Tôi tình nguyện làm việc không lương vì ngân sách Viện quá nghèo nàn, chỉ trên 200.000$ khi tôi bắt tay vào việc. Nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức, cơ quan công, tư và cá nhân, trong vòng 6 tháng chúng tôi đã có một ngân quỹ trên 6 triệu, ngoài ra chúng tôi còn thành lập quỹ tu thư, quỹ học bổng, mỗi quỹ trên 1 triệu đồng. Lúc đầu Viện chỉ có 2 Phân khoa là Phân khoa Phật họcVăn khoa cùng Trường Thanh niên Phụng sự xã hội của Hòa thượng Nhất Hạnh trực thuộc Viện. Văn phòng và thư viện đặt tại chùa Pháp Hội nhưng các lớp học được tổ chức tại chùa Xá Lợi, chùa Ấn Quang, chùa Phước Hòa, chùa Pháp Vân. Trong lúc sơ khai, thiếu thốn đủ mọi điều, nhưng chúng tôi không vì vậy mà nản chí. Hai năm sau Viện có trụ sở chính tọa lạc tại đường Trương Minh Giảng.

Hòa thượng Minh Châu làm việc không thấy mệt. Hòa thượng phải dự vô số phiên họp: Hội đồng Viện, Hội đồng Văn khoa, Phật khoa, Trường Thanh niên Phụng sự xã hội, Ban Tu thư, Ban Học bổng, Ban Thư viện, Ban Bảo trợ, Ban Giao tế… Ngoài ra, Hòa thượng còn phải duyệt vô số tài liệu, biên bản, nghị quyết, dự thảo quy chế, nội quy của các ban, ngành.

Mặc dầu bề bộn công việc, Hòa thượng vẫn đảm trách giờ dạy và tiếp tục công tác dịch thuật đều đặn và bình thản. Một đức tính hiếm có.

Tình hình chính trị chuyển biến liên tục. Tôi lại phải ra tham chính. Hòa thượng Minh Châu không mấy vui, muốn tôi tiếp tục giúp Hòa thượng xây dựng Viện Đại họcchấn chỉnh nền giáo dục Phật giáo. Hòa thượng nói chính trị chỉ nhất thời, văn hóa mới vững bền. Tôi đồng ý với Hòa thượng nhưng vì tình thế bắt buộc phải từ giã Hòa thượng và mái trường thân yêu. Sau một thời gian lặn ngụp trong chính trường, bị tù tội và bị tái động viên, mỗi lần đến thăm Viện, Hòa thượng vẫn muốn tôi về với Viện. Giáo dục đối với Hòa thượng là quan trọng hơn cả. Một vị cao tăng trong Viện Hóa đạo đã nhận định về Hòa thượng như sau: “Dù Pol Pot có đến Việt Nam, Hòa thượng tuy rất đau lòng nhưng vẫn dành trọn thì giờ cho giáo dục”. Con người Hòa thượng là như vậy.

Sau 25 năm xa xứ, tôi trở về quê hương, năm 1998 và 1999, để tìm hiểu tình hình Phật giáo trong nước. Mùa xuân năm 2000 tôi về nước. Viện Cao đẳng Phật học Vạn Hạnh sau kỳ thi mãn khóa, tổ chức chuyến hành hương từ Nam ra Bắc. Hòa thượng Minh Châu đã mời tôi tháp tùng 38 Tăng Ni vừa tốt nghiệp, dưới sự hướng dẫn của hai vị giáo thọ. Tôi là người cư sĩ độc nhất trong chuyến hành hương này. Thâm tình của Hòa thượng đối với chúng tôi vẫn không thay đổi sau một phần tư thế kỷ xa cách, sống ở hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Con người của Hòa thượng là như vậy.

Mới ngày nào đó mà giờ đây Hòa thượng Minh Châu đã trở thành người thiên cổ. Mặc dầu Hòa thượng đã về với Phật, nhưng tôi có cảm tưởng như Hòa thượng vẫn còn đâu đây trong cõi Ta-bà. Hình bóng của Hòa thượng thường ẩn hiện như muốn nhắc nhở cho các bằng hữu, cho hàng hậu sinh phải siêng năng, cần mẫn trong việc tu học, phải hòa ái, đôn hậu trong việc giao tế, nhất là phải hết lòng phụng sự, hiến dâng đời mình cho sứ mạng Như Lai. Rồi đây, một ngày nào đó tôi ước mong được Hòa thượng đoái hoài cho chúng tôi cùng Hòa thượng vân du mười phương thế giới.

Trần Quang Thuận, pháp danh Tâm Đức đê đầu đảnh lễ

 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/05/2023(Xem: 1617)
06/02/2012(Xem: 28425)
22/06/2018(Xem: 12061)
28/08/2015(Xem: 7913)
16/09/2015(Xem: 14042)
17/07/2019(Xem: 8817)
04/01/2015(Xem: 10811)
02/01/2017(Xem: 6841)
25/01/2015(Xem: 9203)
17/09/2020(Xem: 6628)
11/02/2020(Xem: 7063)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.