Nghe Thấy Trong Đời

10/01/20243:58 SA(Xem: 816)
Nghe Thấy Trong Đời

NGHE THẤY TRONG ĐỜI
Tiểu Lục Thần Phong

 

hoa senNước chảy mây bay có khoảnh khắc nào ngưng, hoa rơi lá rụng bốn mùa luân chuyển, người đến rồi đi cũng chưa từng gián đoạn bao giờ. Dòng sanh tử luân hồi bất tận, biết đâu là điểm đầu đâu là điểm cuối, chỉ biết rằng khởi từ vô minh và sẽ kết thúc khi vô minh tận. Tâm Kinh thì lại bảo “ Vô vô minh”  thì lấy đâu ra “ Vô  vô minh diệt, vô vô minh tận”, thế thì sanh diệt hay vô sanh diệt nào phải là hai.

Ngàn luận muôn thuyết cũng không ngoài mười hai nhân duyên. Tứ cú bách phi cũng không sao ra khỏi:” Cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt” . Vũ trụ vô cùng tận cũng không ngoài quy luật “ Thành- trụ- hoại- không” . Sự nghiệp con người dù có công cao cái thế thế nào đi nữa cũng trong vòng “ Sanh- trụ- dị- diệt”. Đời người dài lắm cũng trăm năm, trăm năm ấy với người này chỉ là khoảnh khắc nếu họ có nhiều phước báo, sống tháng ngày hoan lạc nhưng số này vô cùng ít ỏi. Cũng trăm năm ấy nhưng với kẻ khác thì ác mộng đêm dài, nếu họ ít phước báo, sống tháng ngày đau khổ, đói kém, bệnh tật, hoạn nạn, số này thì đông đảo vô cùng. Trăm năm ấy, người có phước báo có cầu sống thêm cũng chẳng đặng, người bạc phước có mong chết sớm cũng không xong. Chúng ta đến cõi này chỉ vì báo ân- báo oán- đòi nợ- trả nợ mà thôi!

Thế gian này người bần cùng nhiều lắm, chiếm phần lớn nhân loại, cái bần cùng vật chất còn có thể khắc phục và nó chỉ đau khổ một đời; cái sự bần cùng của trí huệ thì vô cùng khó chữa, nó dây dưa đau khổ nhiều đời. Trí huệ ở đây theo ý nghĩa Phật pháp chứ không phải trí thông minh thế trí biện thông. Trí huệ ở đây là sự nhận biết chân lý, chánh tà, nhận biết bản chất thật của sự vật sự việc, nhận biết con đường giải thoát khỏi vô minh.

Phật pháp như biển lớn, kinh điển chất cao như núi. Phật pháp với lịch sử hai mươi lăm thế kỷ qua đã hình thành và phát triển nhiều tông môn pháp phái, nhiều dòng truyền thừa khác nhau, nhiều quan điểm khác biệt, nhiều phương pháp hành trì… nhưng tất cả đều căn cứ vào “ Cương lĩnh” chung là:

Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật giáo
( Kinh Pháp Cú)

Mục đích tối hậu của Phật pháp là giác ngộ- giải thoát, tuy nhiên con người vốn thiên sai vạn biệt, khác nhau về trình độ, căn cơ, văn hóa, năng lực, ý chí… cho nên việc tiếp nhận Phật pháp cũng khác nhau, mục đích không đồng nhau. Với bậc thượng căn lợi trí, hùng tâm tráng khí thì mục tiêu phải là xuất tam giới, liễu sanh thoát tử, chứng ngộ Phật quả. Người thấp hơn một bậc thì tu học Phật pháp để tự cứu lấy mình sau đó mới có thể độ tha. Hàng Phật tử sơ cơ như chúng ta thì tu học Phật pháp để tìm chút an lạc trong cuộc đời loạn động sóng gió này, thứ nữa tích lũy chút hành trang để hy vọng tái sanh làm người hoặc giả cao vọng hơn một chút thì sanh thiên hay sanh vào một cảnh giới tốt đẹp hơn, an lành hơn. Việc tái sanh làm người hay sanh thiên coi vậy chứ cũng vô cùng khó khăn. Thế gian muôn người chưa được một, vậy cho nên đây là mục tiêu khó chứ không phải dễ, còn như nói đến chuyện liễu sanh thoát tử thì cao vọng ngông cuồng quá, phi thực tế!
May thay đức Phật từ bi, Phật pháp nhiệm mầu mở ra nhiều cửa phương tiện để độ sanh, Pháp môn tịnh độ là một cửa phương tiện vậy! Người tu học Tịnh Độhy vọng tái sanh vào một cảnh giới an lành tốt đẹp cụ thể như Tây phương Cực Lạc, để rồi từ đó tiếp tục tu học thăng cao hơn. Người tu học Tịnh Độ cho dù nghiệp ác, nghiệp xấu vẫn còn đấy nhưng “ Đới nghiệp vãng sanh”, một khi đã sanh vào cảnh giới an lành tốt đẹp ấy thì những nghiệp xấu, nghiệp ác ấy không còn điều kiện để khởi tác dụng. Người tu học Tịnh Độ căn cứ vào ba kinh: A Di Đà, Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ, chuyên tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Tịnh Độ tiếng là dễ tu họchành trì ấy là so với các pháp môn khác, thực tế thì cũng chẳng dễ chút nào, niệm Phật để được nhất tâm bất loạn quả là thiên nan vạn nan, muôn người chưa được một.

Pháp môn Tịnh độ ở nước ta được truyến bá lâu đờisâu rộng trong dân chúng. Người không tu học Tịnh Độ cũng biết niệm Phật A Di Đà, thậm chí người khác đức tin, khác tôn giáo cũng biết Phật A Di Đà. Danh hiệu Phật A Di Đà ở một mức độ nào đó đã trở thành câu chào mỗi khi chúng ta gặp nhau ở chùa, hay gặp quý tăng ni dù là ở bất cứ nơi đâu. Pháp môn Tịnh Độ với phương pháp trì niệm danh hiệu Phật quảquảng đại quần chúng, ai cũng biết và ai cũng có thể niệm, ai cũng có thể thực hành. Tuy nhiên có một thực tế là đa phần Phật tử sơ cơ chúng ta chỉ niệm suông, niệm bằng miệng chư chưa niệm bằng tâm, chưa dụng công phu một cách đắc lực. Có một điều chúng ta cần phải nhìn nhận là Phật tử sơ cơ chúng ta rất mơ hồ về giáo lý Phật pháp, không nắm vững căn bản giáo lýđức Thế Tôn đã dày công giảng dạy. Nếu như các tín đồ của các tôn giáo khác, họ hiểu rõ và nắm vững giáo lý tôn giáo của họ, thậm chí họ còn thuộc lòng từng chương, từng hàng, từng trang kinh. Còn Phật tử sơ cơ chúng ta thì rất mơ hồ, tuy cũng đi chùa đông đảo nhưng đến chùa chỉ bỏ chút tiền vào thùng phước sương, quỳ lạy cầu xin này nọ chứ chẳng biết Phật đã dạy gì, nên làm gì, không nên làm gì. Rất nhiều Phật tử sơ cơ đi chùa để cầu xin, coi quẻ, coi hướng xuất hành, coi đất cất nhà, cầu siêu, cúng sao giải hạn, trừ tà, mở ngải, trục vong… Thậm chí đến chùa nhưng thị phi nhặng xị cả lên, bênh thầy này chê thầy kia, tranh giành ảnh hưởng, địa vị, có nhiều nhóm còn khuynh loát một cách tệ hại đặt để thầy này, đòi trục xuất thầy kia, đem chuyện chính trị vào chùa… và còn bao nhiêu chuyện khác rất đáng buồn mà mắt thấy tai nghe được. Cũng có một điều đáng nói là rất nhiều người cùng thấy cùng nghe nhưng im lặng hoặc giả là bỏ đi chùa khác chứ không một ai dám nói hay phản bác cái sai cái xấu, cái càn rỡ ngông cuồng. Tất cả những điều mắt thấy tai nghe trên hiện đã và đang diễn ra khắp các chùa, ấy cũng vì Phật tử sơ cơ chúng ta thiếu hiểu biết về căn bản Phật pháp, chỉ hành xử theo thói quen và theo đám đông.

Chúng ta vẫn thường nghe nói:” Học mà không tu là đãy sách, tu mà không học là tu mù” , bởi vậy Phật tử sơ cơ chúng ta cần phải trang bị cho mình một vốn kiến thức Phật pháp căn bản, phải hiểu được cốt lõi giáo lý là gì, Phật dạy chúng ta những gì chứ không thể nói chung chung mơ hồ được!

 Hàng ngày chúng ta vẫn thường nghe người này than khổ, người kia nói khổ, đời là bể khổ… nhưng chúng chúng ta không biết tại sao khổ, làm thế nào để hết khổ, con đường nào dẫn đến hết khổ. Chúng ta tìm đến chùa để cầu xin Phật và Bồ Tát độ cho. Rõ ràng đáng tiếc lắm thay, Phât đã dạy mà chúng ta không chịu học. Chúng ta khổ vì sanh- lão - bệnh- tử, khổ vì cầu không được, khổ vì thương phải lìa xa, ghét phải chung đụng, khổ vì cả thân và tâm cháy bừng ( xí thạnh hỏa), nói xa hơn chút nữa là khổ vì ở trong nhà lửa của tam giới, có vô vàn nỗi khổ.

Nguyên nhân khổ cũng quá nhiều nhưng tựu trung bởi sự tham sân si của mình, tham đắm mà không thõa mãn chính là nguyên nhân tái sanh, vì tham danh lợi vật chất mà thân, khẩu, ý luôn trong trạng thái tranh đoạt hay thủ giữ. Vì si mê mà tham và nổi sân, vì sân hậnsi mê, vì tham mà sân hậnsi mê cái vòng lẩn quẩn khổ này làm chúng ta khổ não và Phật gọi là vô minh.

Muốn hết khổ, thoát khổ, ra khỏi sanh tử luân hồi thì phải đạt đến cảnh giới niết bàn. Niết bàn là một khái niệm khó mà giải thích được vì niết bàn vừa là một cảnh giới mà cũng là một trạng thái tâm lý ý thức. Niết bàn tịch diệt hoàn toàn vắng lặng, tâm ý không còn tham sân si dĩ nhiên là không còn khổ và sanh tử luân hồi.  Hàng Phật tử sơ cơ như chúng ta không thể nào cảm nhận, không thể hiểu và cũng không thể với tới được. Mặc dù đức Phật đã dạy: “ Ta là Phật đã thành các ông là Phật sẽ thành” hoặc “ Tất cả chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”… Nhưng Chúng ta cũng phải tự biết mình, năng lực mình, khả năng mình. Lý thuyết thì là thế nhưng căn cứ vào thực tế thì chí ít ở kiếp này chúng ta chưa thể đạt được. Đức Phật cũng như chư Phật ba đời mười phương cũng phải tu đến ba a tăng kỳ kiếp mới thành chánh quả kia mà.

Đã biết khổ đế, tập đế, diệt đế vậy thì giờ con đường đi đến hết khổ là gì? Đó chính là con đường trung đạo, bát chánh đạo. Pháp của Phật chỉ có một vị duy nhấtgiải thoát, đạo của Phật là một con đường tuy nhiên có nhiều cửa để vào, nhiều phương pháp để tu, nhiều phương tiện hành trì . Chúng ta thường nghe tám vạn bốn ngàn pháp môn ( cũng có ý kiến cho là tám vạn bốn ngàn uẩn. Việc này để cho các bậc tôn túc cao tăng thạc đức bàn).

Pháp môn tu Tứ Niệm Xứpháp môn căn bản nhất, lâu đời nhất mà đức Phật dạy chúng ta. Người tu tứ niệm xứ quán thân bất tịnh, thân thể chúng ta gồm vô số tế bào hợp thành ( tứ đại giả hợp). Cái thân này ngày ngày nó tiết ra qua cửu khiếu bao nhiêu tanh hôi thúi bẩn thỉu, cái thân này là ba mươi hai thể trược: Tóc,da, lông móng, gan, ruột, phèo, phổi, đờm, dãi, nhớt, máu, mủ… Rồi khi chết đi thì nó trải qua chín giai đoạn từ tím tái đến sình trương, dòi bọ, cho đến tan rã từng lóng xương trắng… Phải qúan như thế để không còn yêu quý và chấp cái thân này. Chúng ta vì chấp cái thân này mà đời đời tạo bao nghiệp xấu, cái thân này một khi tan hoại nhưng nghiệp thì không tan nó sẽ dẫn dắt ta thọ một thân khác tương ưng với nghiệp đã tạo tác.

Quán thọ là khổ, đã thọ thì ắt khổ cho dù đó là thọ sướng vui nhưng cuối cùng vẫn đi đến khổ. Thọ là sự cảm nhận của tâm ý, thọ vừa ý thì thích và sẽ chấp thủ bám lấy, thọ không vừa ý thì chán ghét sẽ giũ bỏ, tránh né, Cả hai kiểu thọ cũng đều đi đến khổ, thọ phi khổ phi vui thì tương đối, chỉ có xả thọ là tuyệt, không bị dính mắc, không bị kẹt hai bên. Cái gì đến mặc nó đến, việc gì đi mặc nó đi, nhìn nhận nó như nó là (look as is) không để cái tâm phán xét, vì một khi để cái tâm phán xét sẽ dẫn tới sự chủ quan thọ nhận yêu- ghét, chấp thủ- chán bỏ. Cái thân tứ đại giả hợp vốn không thật thì cái thọ có thật sao? Tâm Kinh đã bảo:” Ngũ uẩn giai không”, “ Sắc thọ tưởng hành thức diệt phục như thị!” kia mà! Tất nhiên khi mới quán thọ là khổ, tập xả thọ thì không phải dễ, không phải ngày một ngày hai mà là cả một thời gian dài, một quá trình cần nhiều công phutâm lực.

Quán tâm vô thường, thế giới chúng ta đang sống vốn mong manh vô thường, sanh diệt liên lỉ trong từng phút giây. Tâm ta cũng thế, thay đổi không ngừng nghỉ, sáng ghét chiều thương, nay thích mai chán. Cái tâm chúng ta loạn động triền miên như khỉ chuyền cành như ngựa hoang chạy rông trên đồng cỏ. Vì cái tâm như thế nên bất an và khổ, cái tâm lọan động và vô thường này là cái vọng tâm.

Quán pháp vô ngã, pháp là từ để chỉ tất cả mọi sự vật, sự việc, hiện tượng trong đời sống, nhỏ nhiệm từ hạt bụi cho đến lớn lao như sơn hà đại địa thậm chí vô cùng tận như vũ trụ. Tất cả các pháp vốn vô ngã, không có một cái ngã độc lập, không có một vật gì có thể tồn tại độc lập. Bản chất các pháp vốn duyên hợp mà thành và  rồi cũng vì duyên mà tan. Ta thử xem xét chiếc xe nhé! Chẳng có cái gì để gọi là cái xe, cái xe là do kết hợp của khung gầm, cửa, máy, ghế, vỏ, đèn… Và mỗi bộ phận ấy lại được cấu thành từ sắt, thép, kiếng, cao su, nhựa… Những vật liệu gọi là sắt, thép, cao su, kiếng ấy lại được cấu thành bởi từ vô số những phân tử nhỏ đến mắt thường không thấy được. Còn phải kể đến bản thiết kế của kỹ sư chế tạo, có công sức của những người thợ, có điện, nước, gió, lửa, xăng, nhớt… Vô cùng nhiều những điều kiện hợp lại mới có được vật mà ta gọi là cái xe. Những điều kiện ấy ta gọi là duyên hợp và chiếc xe ấy sẽ có một lúc phải tan nát rã rời ra, bấy giờ ta gọi là duyên tan. Chiếc xe là thế, mọi vật khác cũng thế, cho đến núi non, sông biển, hành tinh cũng thế. Ngay cả thân xác chúng ta cũng thế, chẳng có cái gì để gọi là cái ngã độc lập, tất cả chỉ là duyên hợp và duyên tan.

Phật tử sơ cơ chúng ta dù có tu học Tịnh Độ, tu thiền, tu Mật… cũng đều cần phải học và thực hành tứ niệm xứ, có quán thân bất tịnh mới sanh nhàm chán cái thân này, không chấp thân, một mai lâm chung thì dễ dàng rũ bỏ cái xác thân này, dễ dàng đi mà không nuối tiếc hay quyến luyến cái thân và nếu có định lực, tâm nguyện thì dễ vãng sanh cảnh giới an lành. Có quán thọ khổ thì mới chán Sa Bà uế độ để dồn tâm lực hướng về tịnh độ. Quán pháp vô ngã để biết sự thật thế gian này, cái cõi vô thường nhiều khổ lụy bất an để hướng lòng về cảnh giới an lành thanh tịnh.

Hàng Phật tử sơ cơ chúng ta dù là quy y tu học theo Nam tông hay Bắc tông, dù là đệ tử của bất cứ tông môn pháp phái nào cũng đều cần biết một cách chắc chắn về căn bản của con đường trung đạo. Đó là tám chi: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Hiểu biết căn bản, thực hànháp dụng từng tí một tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Nếu pháp học mà chẳng có pháp hành thì chẳng lợi ích gì, còn như nếu chỉ pháp hành mà không có pháp học thì lạc hướng và chẳng biết lối nào để tiến tới. Phật giáo có thiên kinh vạn quyển, ngàn kinh muôn luận rộng lược cạn sâu… nhưng tất cả cũng không ngoài con đường trung đạo, cứ theo trung đạo mà đi.

Chánh kiến đứng đầu trong bát chánh đạo, chánh kiến có hai là chánh kiến hợp thế và chánh kiến siêu thế. Chánh kiến là sự hiểu biết về khổ, nguồn gốc của khổ, con đường thoát khổ và sự chấm dứt khổ. Chánh kiến tức là tứ diệu đế vậy. Mở rộngliên hệ một chút là chánh kiến tức cái thấy, cái biết đúng đắn, chân chánh. Chánh kiến là cái nhìn sự vật, sự việc, hiện tượng đúng với bản chất của nó, nói cách khác là như thị . Vì thiếu chánh kiến mà rất nhiều Phật tử sơ cơ chúng ta đã tham gia việc cúng bái cầu xin, trừ tà, mở ngải, trục vong,lên đồng, cúng sao giải hạn, soi căn, lên đồng, xem phong thủy, tin ngày giờ tốt xấu, đốt phong long, đốt vàng mã, huy động tiền cúng dường vô tội vạ… Điều này cho thấy chánh kiến quan trọng như thế nào, thiếu chánh kiến thì việc tu học sẽ lệch lạc theo đường tà.

Chánh tư duy là sự suy tư theo hướng ly dục, thiện tâm vô sân và ly hại. Chánh tư duy là sự tư duy có chủ ý đúng, ly dục, ly sân tầm và ly hại tầm, đó là theo kinh sách. Còn chánh tư duy theo cách nghĩ của hàng Phật tử sơ cơ thì chánh tư duy là sự suy nghĩ đúng đắn, chân chánh, hợp chân lý. Chánh tư duy là những suy nghĩ hiền thiện, đúng pháp, lợi mình, lợi người, lợi vật. Chánhn tư duy dẫn dắt nói năng hay hành động của mình đi đúng hướng trên con đường tu học Phật pháp.

Chánh ngữlời nói chân chánh, hiền thiện, hợp đạo. Nói năng vì chánh pháp, vì sự thật. Người có chánh ngữ sẽ không nói linh tinh, nói xàm, nói nhảm, nói vì tư lợi, nói vì quyền thế chính trị, danh văn lợi dưỡng… Muốn có chánh ngữ thì ắt phải có chánh kiếnchánh tư duy. Người có chánh kiến tu cái miệng, là một trong tam nghiệp: Thân – khẩu – ý.

Chánh nghiệp thuộc về phần tu giới, không sát sanh, trộm cắp, tà dâm; mở rộng ra thì chánh nghiệp tức là tạo tác sự nghiệp một cách đúng và chân chánh. Nghiệp dẫn dắt tất cả mọi người đi lên hay đi xuống . Nghiệp là do thân-khẩu-ý tạo ra, nghiệp là do tư duy, nói năng hành động của chính mình mà ra. Nghiệp chân chánh thì đem lại lợi lạc cho chính mình, cho gia đình mình và những người xung quanh.

Chánh mạng là sự nuôi mạng hạp đạo, đúng đắn, tuân theo những gì Phật dạy. Mình sống, mình mưu cầu để sống thì kẻ khác hay vật cũng ham sống sợ chết vậy. Chánh mạng là mưu sinh để nuôi thân mạng này nhưng không được làm hại người, hại vật, hại môi tường xung quanh. Người Phật tử sơ cơ sinh sống bằng những nghề lương thiện, mưu sinh để nuôi thân nuôi gia đình cần tránh những nghề gây đau khổ hay chết chóc cho kẻ khác như: chế tạo hay buôn bán vũ khí, ma túy, rượu, nhà thổ, lò mổ...Mình sống và cần tôn trọng sự sống của kẻ khác, không thể lấy sự đau khổ hay chết chóc của kẻ khác hay con vật để nuôi mạng mình.

Chánh tinh tấn tức là sự siêng năng, nỗ lực, kiên trì tu bốn điều cần thiết cần thiết chân chánh đó là: Việc ác chưa sanh thì đừng để sanh ra, việc ác đã sanh thì làm cho tiêu trừ đi, điều thiện chưa sanh thì hãy làm cho phát sanh, điều thiện sanh ra rồi thì làm cho tăng trưởng. Chánh tinh tấnsự cố gắng một cách đúng và hợp chánh pháp. Cố gắng tu học, nghiên cứu kinh sách, tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền, bố thí, phóng sanh… Nói chung tất cả những gì đem lại lợi mình, lợi người, lợi vật; những gì đem lại an lạc, quân bình và khai mang trí huệ.

Chánh niệm là sự có mặt của tâm ở hiện tại quan sát một cách khách quan những gì xuất hiện trong ta và quanh ta, cái tâm duy trìhiện tại, lặng lẽ, sáng suốt. Chánh niệm đóng vai trò điều khiển tu tập: Quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp, đi sâu hơn có lẽ là việc tu học của những bậc xuất gia. Hàng Phật tử sơ cơ chúng ta thì cạn cợt một tí thôi: Chánh niệm là sự nghĩ nhớ đúng, chân chánh ngay hiện tại bây giờ. Quá khứ đã qua không hối tiếc tương lai chưa đến không mong cầu, chỉ có phút giây hiện tại này. Mình làm việc gì thì biết việc ấy, toàn tâm toàn ý vào việc ấy.

Chánh định là sự định tâm đúng pháp, sách vở chỉ dẫn cụ thể có: Tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Chánh định (Samadhi) là chú tâm vào một điểm. Chánh địnhthiền chỉ (Bhavana) và thiền quán ( Vipassana), tùy trình độ mà đi từ thấp đến cao tứ thiền, tứ không… Với hàng Phật tử sơ cơ thì chúng ta chỉ cần biết chánh định tức là định tâm đúng phương pháp, Phật giáo có nhiều phương pháp để định tâm, thiền địnhphương pháp rộng rãi, phổ biến và được sử dụng nhiều nhất. Thiền định có nhiều cấp độ thích hợp với mọi căn tánhtrình độ khác nhau, có thiền bắc tông, thiền nam tông, có thiềm minh sát, tham thoại đầu, sổ tức, chỉ, quán...Nói chung tất cả đều giúp cho hành giả định được cái tâm, dẹp được cái vọng… tâm có lắng, có định thì huệ mới phát sanh.

Bát chánh đạocon đường trung đạo, con đường chuyển phàm thành thánh, con đường đi đến niết bàn tịch diệt. Người Phật tử sơ cơ cần hiểu biết căn bản, nắm vững lý thuyết, thực hành từng tí một nhưng phải dụng công, phải cố gắng mới có thể hữu dụng. Phật tử sơ cơ chúng ta tự biết khả năng và năng lực của mình, chúng ta tự biết trí lực và bản lãnh của mình nên không dám cao vọng cuồng ngôn viễn mộng. Chúng ta giữ phận mình cố gắng tu học theo sự chỉ dẫn của quý thầy, đọc thêm kinh sách. Chúng taPhật tử sơ cơ lâu nay mơ hồ về giáo lý căn bản, nay chúng ta phải học, đọc, nghe để bổ túc lại pháp học khiếm khuyết của mình. Có nắm vững giáo lý căn bản thì tu họcthực hành mới đúng hướng và hiệu quả.

Phật tử sơ cơ chúng ta xưa nay chỉ biết đi chùa cúng bái cầu xin và làm nhiều việc không đúng như pháp, giờ chúng ta phải quay về lại với chánh pháp, tất nhiên không thể ngay tức khắc được, chúng ta phải cố gắng từng ngày một, phải quyết tâm buông bỏ dần những việc tưởng là tu học nhưng thực chất không đúng như pháp, thậm chí còn là mê tín, bởi thế Phật mới bảo:” Tin ta mà không hiểu ta tức là hủy báng ta”. Trong gia đình chúng ta cũng có ông bà, cha mẹ, anh chị em, người thân… lâu nay thích làm những việc không đúng như pháp đó, chúng ta tùy duyên, tùy hoàn cảnh mà khuyên hay dụ chứ không nên chống đối cực đoan, bởi vì những việc ấy vốn đã ăn sâu và lâu dài rồi. Chúng ta tìm dịp hay cơ hội thuận tiện để hướng dẫn người thân của mình, tạo cơ hội cho người thân của mình nghe những vấn đề căn bản của giáo lý.

Phật pháp vào sâu đời mạt, suy thoái đã lâu, cả tăng tục đều nặng về hình thức, phù diễn tắc trách, chấp tướng, chuộng phù phiếm, thích sự văn vẻ màu mè, lợi dụng chữ phương tiện một cách thái quá… nên Phật tử sơ cơ thiếu hiểu biết về giáo lý căn bản là vậy, việc này chẳng phải là việc của riêng ai nhưng trước hết chính tại bản thân của hàng Phật tử sơ cơ chúng ta. Bút giả viết những dòng chữ này không phải có ý phê bình, chỉ trích mà thật lòng chỉ muốn hàng Phật tử sơ cơ chúng ta cố gắng tu học Phật pháp, phải học và đọc để nắm vững giáo lý căn bản. Những dòng chữ này chỉ là cái thấy, cái nghe của một Phật tử sơ cơ, chắc chắn có nhiều sai sót, nhiều chỗ không hợp lý, ngưỡng mong quý thầy, quý đạo hữu chỉ dạy thêm cho.

Phật pháp hay như vậy, đầy trí tuệtừ bi, rất khoa học và thực tế nhưng ngày nay bị không ít người xem như là đạo cúng bái đầy mê tín kể cũng oan uổngđau lòng lắm thay! Việc học giáo lý căn bản, tu tập tứ diệu đế, bát chánh đạo quả là có khô khan hơn so với những bài pháp nói huyền nói diệu, kể chuyện giai thoại thiền, chuyện đông tây, chuyện cười… Tuy nhiên việc nghe khoái tai, vui vẻ hay không đem lại lợi ích như tu học giáo lý căn bản. Phật tử sơ cơ chúng ta thọ tam quy ngũ giới, tu tứ niệm xứ, tu niệm Phật, thực hành bát chánh đạo… cứ giữ vững tín tâm như thế mà hành trì, đôi khi lợi ích sâu xa nhưng chúng ta chưa thể nhìn thấy ngay được. Dù tu học theo pháp môn nào, truyền thống nào chúng ta cũng cần phải nắm vững giáo lýthực hành bát chánh đạo thì mới có kết quả tốt đẹp.

 

Tiểu Lục Thần Phong

Ất lăng thành, 0223

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
27/11/2019(Xem: 9366)
01/10/2015(Xem: 6837)
09/11/2020(Xem: 6396)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.