Thích Nguyên Hiệp
Hệ thống đẳng cấp đã tồn tại ở Ấn hàng nghìn năm trước và vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc vào nhiều mặt đời sống của người dân Ấn hiện nay. Hệ thống đẳng cấp, như thường được biết, có nguồn gốc từ Bà La Môn giáo, hay nói khác đi là một sản phẩm của Bà La Môn giáo. Nhưng về sau, hệ thống đẳng cấp đã vượt ra khỏi Bà La Môn giáo và xâm nhập vào những tôn giáo khác nhau, bao gồm cả những tôn giáo có nguồn gốc bên ngoài Ấn Độ. Bài viết này tìm hiểu một vài khía cạnh về hệ thống đẳng cấp trong các tôn giáo ở Ấn Độ.
Bà La Môn giáo và hệ thống đẳng cấp
Đẳng cấp ở Ấn đã trải qua nhiều thay đổi trước khi trở thành có hệ thống như hiện nay. Về mặt văn bản, đẳng cấp được đề cập đầu tiên trong Rg-Veda, bản kinh cổ nhất của Bà La Môn giáo. Theo Rg-Veda thì bốn đẳng cấp đều được sinh ra từ một nguồn, từ trên cùng cơ thể của con người sơ thủy (Purusa): Bà La Môn được sinh ra từ miệng; Sát Đế Lợi sinh ra từ tay; Phệ Xá sinh ra từ bắp vế; và Thủ Đà La sinh ra từ chân (Rg-Veda, 10.90)(1).
Từ khởi đầu, sự phân chia cao thấp giữa các đẳng cấp được dựa theo vị trí trên cơ thể của con người sơ thủy mà từ đó các đẳng cấp được sinh ra. Đẳng cấp sinh ra từ miệng, do ở gần đầu nhất, nên được xếp cao nhất; và ngược lại, đẳng cấp sinh ra từ chân thì được coi là thấp nhất. Như vậy theo Rg-Veda, cả bốn đẳng cấp đều xuất phát từ một nguồn và có những liên hệ với thần linh.
Qua đến thời Upanishad, hệ thống đẳng cấp được lặp lại. Nhưng ở thời kỳ này có sự phân tranh ngôi thứ giữa hai đẳng cấp đầu là Bà La Môn và Sát Đế Lợi. Một đoạn trong Upanishad, lúc đầu cho rằng Sát Đế Lợi là đẳng cấp cao nhất vì được sinh ra trước tiên, và tại tế lễ Rajasuya(2) các Bà La Môn phải ngồi bên dưới các Sát Đế Lợi. Nhưng ngay sau đó Upanihad xác định lại: “Chính Bà La Môn là nguồn gốc của Sát Đế Lợi. Do đó, cho dù vua có quyền uy tối cao, vị ấy cuối cùng phụ thuộc vào Bà La Môn vì là nguồn gốc của mình. Vì vậy, bất cứ người nào làm tổn hại Bà La Môn là đang tấn công chính nguồn gốc của người ấy. Vị ấy chịu sự tổn hại tương xứng khi vị ấy làm hại người tốt hơn”. (Brihad-Āranyaka Upanishad 1.4.10)(3).
Trong Upanishad, Bà La Môn thậm chí được đồng nhất với Phạm thiên, và như vậy Bà La Môn cũng được xem là nguồn gốc mà từ đó tất cả các đẳng cấp khác đã sinh ra. Do đó, các đẳng cấp khác không được xâm phạm Bà La Môn, vì xâm phạm Bà La Môn là xâm phạm nguồn gốc của mình. Sát hại một Bà La Môn bị xem là tội lỗi lớn nhất. Các đẳng cấp khác, đặc biệt là Sát Đế Lợi, phải có nhiệm vụ bảo vệ đẳng cấp Bà La Môn(4).
Trong Upanishad, hai đẳng cấp Bà La Môn và Sát Đế Lợi được xem là hiện thân của hai vị thần Mitra và Varanu; và hai đẳng cấp này có những liên hệ mật thiết với nhau, nương tựa vào nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Chính việc đồng nhất mình với thần linh, hai đẳng cấp đầu đã tự “hợp pháp” vị trí của mình và phân định vai trò nắm quyền điều hành xã hội: Bà La Môn lo công việc tâm linh, Sát Đế Lợi nắm lấy quyền lực thế tục.
Điều này không chỉ ở trong sách vở mà còn được áp dụng vào trong đời sống thực tế. Ở Ấn Độ cổ đại, một vị vua chỉ được coi là hợp pháp khi vị này đã trải qua một buổi lễ phong vương có sự cúng tế của các Bà La Môn. Sau đó, trong quá trình trị vì của mình, nhà vua thường có một Bà La Môn thân cận, và vị Bà La Môn này sẽ cố vấn cho vua nhiều vấn đề, từ tâm linh cho đến những chính sách cai trị. Nhưng các Bà La Môn cũng cần đến nhà vua, nương tựa vào vua để nhận lấy những lợi ích kinh tế. Và khi một Bà La Môn được một vị vua ủng hộ thì vị này được xem có địa vị cao hơn những Bà La Môn không được vua ủng hộ; và một vị vua được Bà La Môn ủng hộ thì được xem có quyền lực hơn những vị vua không được Bà La Môn ủng hộ(5). Điều này có nghĩa rằng, một Bà La Môn làm việc cho vua thì có vị trí cao hơn các Bà La Môn không làm việc cho vua; và những vị vua có Bà La Môn cố vấn thì được xem là có quyền lực hơn những vị vua không có Bà La Môn cố vấn.
Qua đến thời Bhagavadgītā, lúc này Bà La Môn dường như yếu thế hơn so với Sát Đế Lợi. Vì vậy thánh điển này một lần nữa xác định lại hệ thống đẳng cấp và phân chia các nhóm người dựa trên các đặc tính (guna). Nếu như sự phân chia đẳng cấp trong Rg-Veda liên quan đến màu da và vị trí trên cơ thể của con người sơ thủy, thì sự phân chia đẳng cấp trong Bhagavadgītā được căn cứ trên đặc tính con người. Bhagavadgītā phân con người vào trong ba đặc tính chính: sáng suốt (sattva), linh động (rajas) và tối tăm (tamas). Đặc tính thứ nhất, sáng suốt, được xem là ưu trội ở nơi các Bà La Môn. Đặc tính thứ hai, linh động, thuộc về hai đẳng cấp Sát Đế Lợi và Phệ Xá. Và đặc tính cuối cùng dành cho những người nô lệ Thủ Đà La.
Nhưng khái niệm đặc tính (guna) này lại có liên hệ với học thuyết nghiệp. Theo Bà La Môn giáo, người ta mang những đặc tính khác nhau, theo đó có công việc và vị trí xã hội khác nhau, bởi do đã tạo nên những nghiệp nhân khác nhau. Điều này dường như nhằm giảm bớt sự “bất công” của thần linh trong việc tạo nên con người; và cũng nhằm khuyên bảo con người hãy an phận với đẳng cấp đã có, thực hiện đúng các bổn phận (dharma) của mình. Nếu ai muốn thay đổi đẳng cấp thì hãy thay đổi nghiệp, thay đổi nghiệp bằng cách thực hiện đúng những bổn phận dành cho mình, và như vậy họ sẽ có một đời sống tốt trong đời sống kế tiếp.
Có lẽ Luật Manu là cuốn sách giảng giải về hệ thống đẳng cấp chi tiết hơn cả. Mở đầu, nó đã giải thích về nguồn gốc của các đẳng cấp; và như các thánh điển trước đó, nó cũng cho rằng hệ thống đẳng cấp là do thần linh định ra. Luật Manu đi xa hơn, còn giải thích về các nhiệm vụ, bổn phận và công việc của mỗi đẳng cấp; cũng như quy định những loại thức ăn, áo quần và nơi ở mà mỗi đẳng cấp cần phải theo. Nó cũng đặt ra những hình phạt dành cho mỗi đẳng cấp nếu có sự vi phạm các luật định.
Theo Luật Manu, công việc và bổn phận của đẳng cấp Bà La Môn là nghiên cứu và giảng dạy các Veda, thực hiện bố thí và tế lễ. Bổn phận của đẳng cấp Sát Đế Lợi là bảo vệ dân chúng, ngăn chặn kẻ ác, trừng phạt kẻ cướp và tham gia chiến đấu. Sát Đế Lợi vẫn có thể thực hiện tế lễ, nhưng không được thực hiện bổn phận như một tu sĩ, tức không được thực hiện tế lễ cho người khác; được đọc Veda nhưng không được giảng dạy. Nhiệm vụ của những người Phệ Xá là tạo ra tài sản, chăn nuôi và bảo vệ súc vật. Họ cũng được thực hiện tế lễ và đọc tụng Veda, nhưng không được giảng dạy cho người khác. Bổn phận của đẳng cấp Thủ Đà La là làm nô lệ cho ba đẳng cấp trước. Họ không được sở hữu tài sản, nếu sở hữu sẽ phạm trọng tội.
Luật Manu còn đặt ra nhiều hình phạt nghiêm ngặt dành cho mỗi đẳng cấp. Tuy nhiên, sự thiên vị lại nghiêng về đẳng cấp Bà La Môn; và những hình phạt được đặt ra cũng chỉ nhằm củng cố quyền lực và đem lại lợi ích cho đẳng cấp này. Điều này là hiển nhiên, bởi vì Luật Manu thực sự chỉ là một sản phẩm của đẳng cấp Bà La Môn, và nó được hình thành cũng vì đặc quyền đặc lợi của đẳng cấp này.
Có những quan điểm khác nhau về nguồn gốc hệ thống đẳng cấp của Bà La Môn giáo(6). Nếu xem xét những gì được mô tả trong các thánh điển của tôn giáo này, ta thấy có hai vấn đề: 1. Đẳng cấp là một vấn đề “siêu hình”, vì nó được cho là do thần linh tạo ra, hay nói cách khác, nó có nguồn gốc từ thần linh, từ “Con người sơ thủy”. 2. Đẳng cấp được phân chia dựa trên đặc điểm sinh học, tức dựa trên sắc da và tính cách của từng nhóm người. Dựa trên sắc da, nhóm người có da trắng là các Bà La Môn; nhóm người có da đỏ là Sát Đế Lợi; nhóm người có da vàng là Phệ Xá; và nhóm người có da đen thuộc về Thủ Đà La. Về đặc tính, các Bà La Môn thường được cho có các đặc điểm như thông minh, chân thật, thanh sạch và những đặc tính tốt khác. Sát Đế Lợi và Phệ Xá thì được cho có các đặc tính như dũng cảm, kiêu hãnh, hăng hái… Đẳng cấp cuối cùng, Thủ Đà La, bị gán cho các đặc tính xấu như ngu muội, dơ bẩn và thiếu tính sáng tạo...
Về phương diện lịch sử xã hội, hệ thống đẳng cấp được cho là sản phẩm của những người Aryan khi những người này xâm chiếm Ấn Độ. Trước khi những người Aryan đến, có nhiều tộc người khác nhau sinh sống tại Ấn, trong đó tộc người Dravidian chiếm đa số. Sau khi chinh phục Ấn Độ, trong quá trình phân bổ lao động, những người Aryan đã phân chia cộng đồng của họ thành ba nhóm là Sát Đế Lợi, Bà La Môn và Phệ Xá để đảm trách những công việc khác nhau. Về sau, những người Aryan đã lập nên một đẳng cấp thứ tư, đó là Thủ Đà La, những cư dân bản địa được người Aryan chấp nhận, hoặc những người pha trộn huyết thống giữa Aryan và người bản địa. Ngoài ra, còn có một đẳng cấp thứ năm là Panchama, những người tiện dân, là những cư dân bản địa mà người Aryan không thừa nhận(7).
Đẳng cấp trong Kỳ Na giáo (Jainism)
Từ khởi đầu, giống như Phật giáo, Kỳ Na giáo phủ nhận thẩm quyền của các Veda và cũng phủ nhận luôn hệ thống đẳng cấp của Bà La Môn giáo mà nó được tin là do thần linh định ra. Kỳ Na giáo cũng tin rằng chính hành vi, chứ không phải dòng dõi, tạo nên vị trí xã hội của một con người. Tức rằng người ta trở thành Bà La Môn hay Thủ Đà La không phải từ khi mới sinh ra mà do những hành vi của họ tạo nên.
Nhưng về sau, Kỳ Na giáo đã chấp nhận hệ thống đẳng cấp của Bà La Môn giáo và đã áp dụng hệ thống này vào trong tôn giáo của mình. Tuy nhiên có sự khác nhau trong niềm tin về nguồn gốc của hệ thống đẳng cấp giữa hai tôn giáo này. Trong khi Bà La Môn quan niệm hệ thống đẳng cấp có nguồn gốc từ thần linh thì Kỳ Na giáo không chấp nhận điều này. Sự phân chia đẳng cấp trong Kỳ Na giáo được dựa trên công việc hơn là dòng dõi. Nhưng bởi vì nghề nghiệp thời trước thường mang tính truyền thừa theo gia đình và dòng tộc, theo đó đẳng cấp cũng trở thành truyền thừa. Và thực tế là không có, và không thể có, sự chuyển đổi đẳng cấp ở trong Kỳ Na giáo. Một Bà La Môn thì hẳn nhiên không muốn đổi thành Thủ Đà La; và họ cũng không dễ gì chấp nhận một người tiện dân đứng ngang hàng với mình trong cùng một đẳng cấp.
Vào lúc đầu, đẳng cấp Bà La Môn không có mặt trong Kỳ Na giáo, tức Kỳ Na chỉ có ba đẳng cấp sau. Về sau, đẳng cấp Bà La Môn mới được thêm vào; có lẽ do khi có những Bà La Môn cải đạo sang tôn giáo này. Ở miền Nam Ấn Độ, những người này được gọi là “Bà La Môn Kỳ Na”(8).
Kỳ Na giáo gọi người của ba đẳng cấp đầu là “người sinh hai lần”, bởi vì những người này có một lần sinh thứ hai về mặt tâm linh bằng một nghi lễ tôn giáo đặc biệt; và sau khi trải qua lần “sinh thứ hai” này, người ta sẽ trở nên “thiêng” hơn do đã có những nối kết với thần linh. Điều này giống với Bà La Môn giáo. Nhưng trong Bà La Môn giáo, một người sau khi trải qua lần sinh thứ hai này thì không những đã có sự nối kết với thần linh mà còn chính thức trở thành thành viên của cộng đồng Aryan(9).
Cũng như Bà La Môn giáo, Thủ Đà La là đẳng cấp thấp nhất trong Kỳ Na giáo và là đẳng cấp chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống xã hội cũng như tôn giáo. Họ không có “lần sinh thứ hai” vì không có nguồn gốc Aryan. Về sau, hệ thống đẳng cấp của Kỳ Na giáo được cơ cấu chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn. Mỗi đẳng cấp còn phân chia ra vô số đẳng cấp nhỏ khác, điều cũng giống với Bà La Môn giáo. Họ đặt ra những luật lệ liên quan đến việc kết hôn, thức ăn, nơi ở và cả việc thực hiện các nghi thức tôn giáo.
Đẳng cấp trong Do Thái, Kitô và Hồi giáo
Do Thái, Kitô và Hồi giáo ở Ấn đều chấp nhận hệ thống đẳng cấp, nhưng có những khác biệt về danh xưng. Các cộng đồng của những tôn giáo này có sự phân chia về vị trí cao thấp, và có những quy định nghiêm ngặt cho từng đẳng cấp trong cùng một tôn giáo.
Do Thái ở Ấn chia làm ba cộng đồng chính, tương ứng với ba đẳng cấp: những người Do Thái Baghdadi, Do Thái Bene và Do Thái Cochini. Trong ba cộng đồng này, những người Baghdadi được xem là có ưu thế hơn cả; còn những người Do Thái Bene bị xem là thấp kém nhất. Sự phân chia cao thấp giữa các cộng đồng này được giải thích là do chịu ảnh hưởng hệ thống đẳng cấp của Ấn giáo, nhưng cũng được cho là do những luật lệ tôn giáo của mỗi cộng đồng. Sự phân chia giữa các cộng đồng Do Thái khá sâu sắc. Ví dụ, những người Do Thái Baghdadi không được kết hôn với những người Do Thái Bene, không được ăn thức ăn do những người Do Thái Bene nấu… Điều này không khác với Bà La Môn giáo, quan niệm rằng việc một đẳng cấp cao kết hôn với đẳng cấp thấp hay ăn thức ăn do đẳng cấp thấp nấu, sẽ khiến cho đẳng cấp cao bị uế nhiễm.
Kitô giáo cũng không thoát khỏi hệ thống đẳng cấp. Sự phân chia đẳng cấp trong Kitô giáo được cho là bị ảnh hưởng bởi Ấn giáo. Trước khi trở thành tín đồ của Kitô giáo, những người Ấn đã có đẳng cấp riêng của họ; và họ tiếp tục giữ lấy đẳng cấp của mình sau khi cải sang tôn giáo mới. Ở Goa, những người thuộc đẳng cấp Bà La Môn và Sát Đế Lợi, khi cải sang Kitô giáo đã trở thành những người Bamonn và Chardo, là hai đẳng cấp cao trong sự phân tầng của tôn giáo này.
Những người Ấn thuộc đẳng cấp thấp hay tầng lớp tiện dân, khi cải đạo sang Kitô hay Hồi giáo, với hy vọng rằng sẽ xóa đi vị trí đẳng cấp thấp hèn của họ, nhưng điều này trong thực tế đã không xảy ra, hoặc rất ít xảy ra. Những người tiện dân vẫn là tiện dân. Họ vẫn tiếp tục chịu sự thiệt thòi trong cộng đồng xã hội nói chung, và bị phân biệt đối xử ngay bên trong cộng đồng tôn giáo của họ nói riêng. Nhiều nơi ở Ấn, những người Kitô đẳng cấp thấp không được xin lễ cùng một nhà thờ với người có đẳng cấp cao, và thậm chí không được đi chung đường với những người có đẳng cấp cao. Điều này xem ra không khác mấy với Bà La Môn giáo mấy ngàn năm trước. Và sự xung đột bạo lực giữa những người Kitô có đẳng cấp cao và những người Kitô tiện dân không phải hiếm xảy ra ở Ấn.
Hệ thống đẳng cấp cũng xâm nhập vào trong Hồi giáo. Những người Ấn khi cải đạo sang Hồi giáo phần lớn đều giữ nguyên đẳng cấp của mình. Về cơ bản, người Hồi ở Ấn được phân chia thành hai đẳng cấp chính: những người đẳng cấp cao, được gọi là Sharaf (hoặc Ashraf) Jat, là những người Hồi giáo đến từ nước ngoài và những người Ấn có đẳng cấp cao cải đạo sang Hồi giáo. Đẳng cấp thấp, được gọi là Ajlaf Jat, gồm những người Ấn đẳng cấp thấp cải đạo sang Hồi giáo. Ở một vài khu vực còn có thêm đẳng cấp thứ ba, được gọi là Arza Jat, là đẳng cấp thấp nhất.
Sự phân biệt đẳng cấp trong Hồi giáo rất sâu sắc. Giữa các đẳng cấp thường không có những mối liên hệ xã hội với nhau, cho dù họ cùng một tôn giáo. Việc kết hôn với những người khác đẳng cấp là tuyệt đối bị ngăn cấm, bị xem như một tội lỗi. Và những người thuộc giai tầng tiện dân thường bị đối xử vô cùng tồi tệ. Sự phân chia đẳng cấp trong Hồi giáo ở Ấn, theo B.R. Ambedkar, còn tồi tệ hơn cả trong Ấn giáo.
Vào thời thuộc địa, người Anh đã có những nỗ lực nhằm hạn chế sự phân biệt đối xử với những người đẳng cấp thấp và tầng lớp tiện dân. Vào những năm thập niên 30-40 thế kỷ trước, chính quyền Anh đã ban luật để bảo vệ những người này. Thế nhưng chính những người Anh ở Ấn, họ cũng từng xem mình là những người thuộc đẳng cấp Bà La Môn. Năm 1947, sau khi Ấn Độ độc lập, chính phủ Ấn đã ban luật bảo vệ “những đẳng cấp chịu thiệt thòi”. Nhưng điều này có lẽ chỉ có hiệu lực trên mặt giấy tờ và trong lĩnh vực chính trị (Quốc hội Ấn có dành “ghế” cho những người Dalit), còn trong xã hội thực tế, đời sống của những người tiện dân nhìn chung không có thay đổi nhiều.
Nói chung giai cấp thấp và tầng lớp tiện dân, cho dù thuộc tôn giáo nào và cho dù vào thời nào, đều bị phân biệt đối xử. Đầu thế kỷ trước, những người thuộc giai cấp thấp ở Nam Ấn “mặc dù có tài sản, lại không có quyền xây nhà hai tầng, không được mang trang sức bằng vàng, và không được che dù”(10).
Phật giáo và vấn đề đẳng cấp
Từ ban đầu Phật giáo không chấp nhận hệ thống đẳng cấp, và cũng không có sự thay đổi quan điểm hay thỏa hiệp với vấn đề này trong quá trình phát triển về sau. Theo Phật giáo, không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn. Đức Phật cũng không chấp nhận việc phân chia con người dựa trên các đặc tính, như việc cho rằng các Bà La Môn là thanh tịnh, còn các Thủ Đà La là ngu tối và dơ bẩn. Theo Phật giáo, đẳng cấp chỉ là một vấn đề quy ước của con người.
Kinh Phật Tự Thuyết (Udāna) nói rằng: “Ví như, này các Tỷ kheo, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunā, sông Aciracati, sông Sarabhū, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ trước, trở thành biển lớn. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, có bốn giai cấp này: Sát Đế Lợi, Bà La Môn, Phệ Xá, Thủ Đà La, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố sau này, họ từ bỏ tên và họ của họ trước đó, và trở thành những Sa môn Thích tử”. (Bản dịch của HT.Minh Châu).
Như vậy, một người khi tham gia vào cộng đồng Phật giáo thì tất cả những gì liên quan đến đẳng cấp đều bị loại trừ. Tất cả đều bình đẳng trong đời sống tôn giáo, và tất cả đều có khả năng đạt lấy giác ngộ, bất kể màu da hay nguồn gốc gia đình của họ là gì.
Nhưng bởi vì tính triệt để của Phật giáo trong vấn đề đẳng cấp đã khiến cho Phật giáo không thể tồn tại lâu dài được ở nơi mảnh đất đã khai sinh ra chính tôn giáo này. Cố thủ tướng Ấn, J. Nehru đã nói rằng: “Phật giáo, không thích ứng nó với đẳng cấp, và độc lập hơn trong tư tưởng và quan điểm của mình, cuối cùng đã biến mất khỏi Ấn Độ, mặc dù nó đã ảnh hưởng sâu sắc vào Ấn Độ và Ấn giáo”(11).
Nhiều người có chung quan điểm với cố thủ tướng J. Nehru, trong đó có cả những nhà Phật học và những tín đồ Kỳ Na giáo. Người ta cho rằng việc triệt để chống lại đẳng cấp của Phật giáo là một trong các nguyên nhân khiến Phật giáo không trụ được lâu dài ở Ấn. Nhưng tại sao việc không chấp nhận đẳng cấp lại đưa đến sự suy tàn của một tôn giáo? Vấn đề này, nếu có dịp, chúng tôi sẽ trở lại tìm hiểu trong một bài viết khác. n
(1) Textual Sources for the Studies of Hinduism, Wendy Doniger O’Flaherty dịch, Manchester: Manchester University Press, 1988, tr.28. Trong Rg-Veda, hệ thống đẳng cấp bốn bậc này chỉ được đề cập một lần duy nhất; và đoạn kinh văn này được cho là được bổ sung về sau.
(2) Đây là tế lễ do những vị vua Ấn Độ thời cổ đại thực hiện, thường sau khi giành thắng lợi từ một cuộc chiến. Buổi lễ này tương tự một buổi lễ phong vương, qua đó vị vua tổ chức tế lễ này khẳng định vị trí đế vương của mình với dân chúng và với các vị vua lân bang. Sau buổi lễ, vị vua này trở nên “hợp pháp” hơn, bởi được xem đã có sự hộ trì của thần linh.
(3) The Thirteen Principal Upanishads, R. E. Hume dịch, Oxford: Oxford University Press, 1921, tr.38.
(4) A. B. Keith, The Religion and Philosophy of Veda and Upanishads, London: Oxford University Press, 1925, tr.585.
(5) V. Kane, History of Dharmaśāstra, Vol. II, Pune: Bhandarkar Oriental Research Institute, 1941, tr.40.
(6) Ví dụ như thuyết Chủng tộc của Risley, và Thuyết Nghề nghiệp của Nesfield.
(7) Xem S. Radhakrishnan, Indian Philosophy, Vol. I, Oxford University Press, 2008, các tr.111-113.
(8) Vilas A. Sangave, Jaina Community: A Social Survey, Bombay: Popular Prakashan Private, 1980, tr.100.
(9) A.L. Basham, The Wonder That Was India: A Survey of the Culture of the Indian Subcontinent Before the Coming of the Muslims, London: Sidgwick and Jackson, 1954, tr.138.
(10) Jagjit Singh, Perspectives on Sikh Studies (the research on caste and caste system), Delhi: Guru Nanak Foundation, 1985, tr.15.
(11) Jawaharlal Nehru, The Discovery of India, New Delhi: Penguin Books, 2004, tr.122.
Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ Số Vu Lan 185 / Tuyển Tập Vu Lan TVHS(Cùng Tác Giả)