DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN
(333 Câu Chuyện Thiền)
tức GÓP NHẶT CÁT ĐÁ
Hiệu Đính và Bổ Sung
211. ĐƯỜNG ĐẾN NIẾT BÀN
Một ông tăng hỏi hòa thượng Càn Phong:
- Chư bậc Đại Tự Tại mười phương đều do một đường thẳng đến Niết bàn. Dám hỏi con đường ấy bắt đầu từ đâu?
Càn Phong lấy gậy vạch một đường trên mặt đất, nói:
- Ngay đây.
(Chơn Không Gầm Thét)
212. LẠNH KHI LẠNH, NÓNG KHI NÓNG
Một ông tăng hỏi Thiền sư Động Sơn Lương Giới:
- Khi mùa hè hay mùa đông đến, chúng ta nên đi đâu để tránh?
Động Sơn bảo:
- Sao ông không đến nơi nào không có mùa hè và mùa đông mà ở?
Ông tăng hỏi:
- Có chỗ nào không có nóng và lạnh chăng?
Động Sơn đáp:
- Khi nóng đến thì nóng; khi lạnh đến thì lạnh.
(Chơn Không Gầm Thét)
213. NƠI KHÔNG SANH TỬ
Thiền sư Minh Lương ở núi Phù Lãng nghe hòa thượng Chuyết Công từ Trung Hoa sang, bèn tìm đế tham vấn.
Sư hỏi:
- Khi sinh tử đến làm thế nào trốn tránh?
Chuyết Công đáp:
- Chọn nơi không sanh tử trốn tránh.
- Thế nào là nơi không sanh tử?
- Ở trong sanh tử nhận lấy mới được.
Nghe nói thế, sư vẫn chưa ngộ.
Chuyết Công bảo:
- Hãy lui đi, đợi chiều sẽ đến.
Sư giữ đúng hẹn, chiều lại phòng phương trượng.
Chuyết Công bảo:
- Đợi sáng mai chúng sẽ vì ngươi chứng minh chứng.
Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ, liền sụp xuống lạy. Sư được Chuyết Công hứa khả và truyền tâm ấn cho.
(ThiềnSư Việt Nam)
214. AI BIẾT CÔ
Một ni cô hỏi Thiền sư Long Đàm:
- Con phải tu như thế nào để kiếp sau con có thể trở thành một ông tăng được?
Long Đàm hỏi:
- Cô làm ni bao lâu rồi?
Ni cô nói:
Câu hỏi của con là, bao giờ con mới trở thành một ông tăng?
Long Đàm hỏi:
- Bây giờ cô là gì?
Ni cô đáp:
- Ai chẳng biết bây giờ con là ni cô.
Long Đàm hỏi:
- Ai biết cô?
(Chơn Không Gầm Thét)
215. BA CÂN GAI
Một ông tăng hỏi Động Sơn Thủ Sơ:
- Thế nào là Phật?
Thủ Sơ đáp:
- Ba cân gai.
Sau ông tăng đến hỏi hoà thượng Trí Môn:
- Con hỏi hoà thượng Động Sơn: “Thế nào là Phật?” Hòa thượng Động Sơn trả lời: “Ba cân gai.” Câu ấy ý nói gì?
Trí Môn đáp:
- Hoa từng nhóm, gấm từng khóm.
Ông tăng nói:
- Con vẫn chưa hiểu.
Trí Môn thêm:
- Trúc phương nam chừ cây phương bắc.
Ông tăng lại nói:
- Con càng nghe càng không hiểu.
Ông tăng trở về Động Sơn, thuật lại. Thủ Sơ nói:
- Ngôn ngữ chỉ là khí cụ để diễn đạt sự vật, chớ bám lời hại ý, chuốc lấy lầm lạc, mê mờ. Chẳng hạn, nếu lấy đá chọi chó, chó sẽ đuổi theo đá; nhưng nếu lấy đá ném sư tử, sư tử sẽ đuổi theo người ném. Khi tham ngữ cú Thiền các ông nên giống như sư tử, đừng giống như chó.
(Chơn Không Gầm Thét)
216. TUYẾT RƠI MẢNH MẢNH
Một hôm Bàng cư sĩ đến thăm Thiền sư Dược Sơn. Khi cư sĩ sắp ra về, Dược Sơn bảo hai Thiền khách tiễn cư sĩ:
- Xin chỉ đường cho cư sĩ.
Hai thiền khách đáp:
- Dạ, hẳn vậy.
Khi ra đến cửa chùa thấy tuyết đang rơi, Bàng cư sĩ nói:
- Chà, tuyết đẹp mảnh mảnh chẳng rơi chỗ khác.
Một Thiền khách hỏi:
- Rơi tại chỗ nào?
Bàng cư sĩ nói:
- Kìa xem các ông, mắt thấy như mù, miệng nói như câm, tự gọi mình là Thiền tăng chăng?
(Chơn Không Gầm Thét)
217. CẦU ĐÁ TRIỆU CHÂU
Gần viện Quan Âm của Thiền sư Triệu Châu có một chiếc cầu nổi tiếng, người ta gọi đó là cầu đá Triệu Châu.
Một hôm có người hỏi Triệu Châu:
- Tiếng đồn cầu đá Triệu Châu, đến nơi hóa ra chỉ là một chiếc cầu khỉ. Đâu là cầu đá Triệu Châu?
Triệu Châu nói:
- Ông chỉ thấy cầu khỉ mà không thấy cầu đá.
Người kia hỏi tiếp:
- Đúng vậy. Thế nào là cầu đá Triệu Châu?
Triệu Châu đáp:
- Đưa lừa qua, đưa ngựa qua, cùng tất cả những kẻ mê lầm trên thế gian.
(Chơn Không Gầm Thét)
218. RỬA CHÉN ĐI
Một ông tăng mới vừa vào viện Quan Âm, nhân lúc gặp phương trượng của viện là Thiền sư Triệu Châu, liền hỏi:
- Bạch hòa thượng, con mới nhập viện, xin hoà thượng từ bi chỉ dạy cho.
Triệu Châu hỏi:
- Ông ăn sáng chưa?
Ông tăng đáp:
- Dạ rồi.
Triệu Châu bảo:
- Rửa chén đi!
Ngay câu đó, ông tăng liền ngộ.
(Triệu Châu Ngữ Lục)
219. TRIỆU CHÂU HỎI ĐƯỜNG
Một ông tăng đang đi trên đường gặp một bà lão, liền hỏi:
- Tôi đang tìm đường đến Triệu Châu, bà có thể chỉ cho không?
Bà lão đáp:
- Cứ đi thẳng, đừng quẹo đông, đừng quẹo tây.
Khi gặp Triệu Châu, ông tăng liền nói:
- Trên đường đến đây, con có gặp một bà lão có vẻ hiểu Thiền lắm.
Triệu Chầu nói:
- Để tôi đi thử cho.
Nói xong, Triệu Châu đến gặp bà lão, hỏi:
- Tôi đang tìm đường đến Triệu Châu, bà có thể chỉ cho không?
Bà lão nói:
- Cứ đi thẳng, đừng quẹo đông, đừng quẹo tây.
Triệu Châu trở về viện nói với ông tăng:
- Bà lão chẳng biết gì cả. Chẳng phải Triệu Châu đứng ngay trước mặt bà ấy sao?
(Chơn Không Gầm Thét)
220. ĐIỂM CÁI TÂM NÀO
Thiền sư Tuyên Giám (780-865) họ Chu, quê ở Kiếm Nam, tỉnh Tứ xuyên. Sư xuất gia khi tuổi còn rất trẻ, nghiên cứu sâu rộng giáo điển. Sư học thuộc lòng kinh Kim Cang, vì vậy người ta gọi sư là Chu Kim Cang.
Sau đó, sư biết ở phương nam có địch thủ Thiền tông được rất đông người theo. Lửa giận bốc lên, sư nhằm phương nam thẳng tiến để đọ sức giáo lý với họ. Sau này sư dựng chùa ở Đức Sơn thuộc tỉnh Hồ nam, nên người ta gọi sư là Đức Sơn.
Bọn ma phương nam! Sao chúng dám nói Thiền là chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Ta sẽ nghiền nát ngòi bút của bọn phản đạo này. Vì vậy, sư gói bộ Thanh Long Sớ Sao, luận giải kinh Kim Cang, rời Tứ xuyên nhắm Hồ nam tiến bước.
Trên đường đi, sư gặp một bà lão bán đồ giải khát, vì đói bụng, sư nói:
- Xin lỗi, tôi muốn mua hai cái bánh bao để điểm tâm.
Bà lão thấy sư mang sách, liền hỏi:
- Thầy mang sách gì vậy?
Sư đáp:
- Đây là bộ Thanh Long Sớ Sao.
- Sớ ấy giảng kinh gì?
- Kinh Kim Cang.
- Này, tôi hỏi thầy một câu, nếu thầy đáp được, tôi sẽ biếu bánh bao không lấy tiền, chịu không?
- Được. Hỏi đi!
- Trong kinh Kim Cang nói: “Tâm quá khứ không thể giữ được, tâm hiện tại không thể nắm được, tâm vị lai không thể bắt được. Vậy chớ thầy muốn điểm cái tâm nào?”
- Ừm. . . tôi không thể nói được.
- Xin lỗi nhé. Tôi ước chừng thầy phải đi chỗ khác điểm tâm vậy.
(Chơn Không Gầm Thét)
221. ANH CÓ PHẢI LÀ PHẬT TỬ KHÔNG?
Janwillem Van De Wettering, một người Hòa lan đến Nhật học Thiền vào những năm 1950, kể lại câu chuyện sau:
Một hôm tôi kiếm Han-san và thấy anh ta ngoài vườn đang chất dưa leo lên chiếc xe cút kít.
Tôi hỏi, “Anh có phải là Phật tử không?”
Han-san có vẻ là một thanh niên thôn quê giản dị, nhưng nắm bắt sự việc nhanh nhẹn.
“Tôi?” anh ta hỏi một cách ngây thơ. “Tôi học Phật giáo Thiền tông...”
Tôi nóng nảy nói, “Vâng, tôi biết. Nhưng anh có phải là Phật tử không?”
Han-san nói, “Ông biết rằng tôi không hiện hữu, tôi lúc nào cũng thay đổi. Mỗi phút tôi mỗi khác. Tôi hiện hữu theo cách mây hiện hữu. Một đám mây cũng là một Phật tử. Ông gọi tôi là Han-san và giả tưởng rằng tôi ngày hôm qua là những gì tôi sẽ là ngày hôm nay. Nhưng đó là chuyện của ông. Sự thực chẳng có Han-san nào cả. Làm sao một Han-san không thực có thể là một Phật tử được?”
Tôi nói, “Đừng có rắc rối như vậy. Tôi chỉ hỏi anh có phải là một thành viên của giáo hội Phật giáo hay không.”
Han-san hỏi, “Một đám mây có phải là một thành
viên của bầu trời?”
(Chùa Chiền Trên Đất Mỹ)
222. VÌ TÔI LÀ Y SĨ
Có một y sĩ phục vụ trong quân đội, việc của ông ta là đi theo lính ra trận và chăm sóc lính khi họ bị thương trên chiến trường. . .
Nhưng hầu như lần nào sau khi y sĩ chữa được vết thương cho một người lính là y lập tức trở lại chiến trường, rồi cuối cùng bị giết chết. . .
Sau khi điều đó tái diễn nhiều lần, người y sĩ cuối cùng đã ngã quị . . .
Ông ta suy tư: “Nếu số phận của họ là như vậy, tại sao ta phải cứu họ? Nếu thuốc men của ta có ý nghĩa, thì tại sao họ trở lại đánh nhau để rồi bị giết.”
Không hiểu được làm y sĩ trong quân đội có ý nghĩa gì, ông ta cảm thấy cực kỳ bối rối và không thể tiếp tục làm việc nữa. . .
Vì vậy, ông ta vào núi tìm một Thiền sư nhờ giúp đỡ.
Sau khi học với Thiền sư mấy tháng, cuối cùng hiểu được vấn đề, ông ta xuống núi và tiếp tục hành nghề.
Từ đó về sau, khi có gì phiền phức vì nghi ngờ, ông ta chỉ nói:
- Vì tôi là y sĩ!
(Chơn Không Gầm Thét)
223. KHÔNG CẦU KHÔNG MONG
Một hôm Thiền sư Làm Tế Nghĩa Huyền đến viếng tháp thờ Bồ-đề-đạt-ma, Thiền Tổ thứ nhất ở Trung quốc.
Ông từ giữ tháp hỏi:
- Thầy lễ bái ai trước, Bồ-đề-đạt-ma hay Phật?
Lâm Tế đáp:
- Tôi lễ bái chẳng phải Bồ-đề-đạt-ma cũng chẳng phải Phật.
Ông từ giữ tháp lại hỏi:
- Họ đã làm gì thầy?
Lâm Tế phất tay áo, xoay mình bỏ đi.
(Chơn Không Gầm Thét)
224. SỐNG Ư? CHẾT Ư?
Tiệm Nguyên và thầy là Đạo Ngô cùng đến điếu tang tại nhà một người chết.
Tiệm Nguyên bước tới vỗ quan tài người chết, hỏi Đạo Ngô:
- Y sống hay là chết?
Đạo Ngô đáp:
- Sống ư? Ta không nói. Chết ư? Ta không nói.
Tiệm Nguyên hỏi:
- Tại sao hòa thượng không nói?
Đạo Ngô đáp:
- Không nói là không nói.
Tiệm Nguyên đe dọa:
- Hoà thượng không nói, con quật ngã hòa thượng liền.
Đạo Ngô nói:
- Muốn đánh cứ đánh. Không nói là không nói.
Tiệm Nguyên nói:
- Thầy gì mà lạ thế, không chịu nói cho học trò! . . Sau đó ít lâu, Đạo Ngô qua đời. Tiệm Nguyên đến một Thiền sư khác tên là Thạch Sương và hỏi cùng một câu ấy.
Thạch Sương đáp:
- Sống ư? Ta không nói. Chết ư? Ta không nói.
Ngay đây Tiệm Nguyên hoát nhiên ngộ được.
Ngày hôm sau, Tiệm Nguyên vác cây cuốc đi qua đi lại trong pháp đường.
Thạch Sương hỏi:
- Ông làm gì vậy?
Tiệm Nguyên đáp:
- Tìm linh cốt tiên sư.
Thạch Sương hỏi:
- Nước lũ linh láng, sóng dậy ngập trời. Linh cốt tiên sư ở đâu mà tìm?
Tiệm Nguyên đáp:
- Là lúc tận lực vậy.
(Chơn Không Gầm Thét)
225. CHỈ MẶT TRĂNG
Một hôm, một ni cô tên Vô Tận Tạng hỏi Huệ Năng, Thiền Tổ thứ sáu ở Trung quốc:
- Tôi đã học kinh Niết bàn nhiều năm, nhưng có vài đoạn vẫn chưa hiểu thấu đáo. Sư có thể giải thích giùm không?
Huệ Năng đáp:
- Tôi không đọc được. Nhưng nếu cô đọc vài đoạn cho tôi nghe, tôi sẽ giúp cô hiểu được.
Ni cô ngạc nhiên hỏi:
- Chữ còn chưa biết làm sao biết nghĩa?
Huệ Năng đáp:
- Chữ và đạo không quan hệ nhau. Có thể so sánh đạo với mặt trăng, và chữ với ngón tay. Tôi có thể dùng ngón tay để chỉ mặt trăng và cô không cần ngón tay của tôi để thấy mặt trăng, phải không?
(Chơn Không Gầm Thét)
226. KHỈ TRONG CHUỒNG
Một hôm Ngưỡng Sơn hỏi Thiền sư Hồng Ân:
- Thấy tánh là thế nào?
Hồng Ân cho một tỉ dụ:
- Giống như một cái chuồng có sáu cửa, bên trong có nhốt một con khỉ. Nếu phía đông có người kêu “khẹt khẹt”, bên trong khỉ cũng đáp lại “khẹt khẹt.” Tiếng kêu sẽ do sáu cửa ra vào ứng nhau.
Ngưỡng Sơn hỏi lại:
- Nếu như bên trong khỉ ngủ thì sao?
Hông Ân liền bước xuống giường thiền, một tay nắm gậy một tay nắm Ngưỡng Sơn, vừa múa vừa nói lớn:
- Khỉ ơi, khỉ ơi, ta cùng ngươi đang đối diện nhau đây.
(Thung Dung Lục)
227. VÔ TÂM
Một hôm, một ông tăng hỏi Thượng sĩ Tuệ Trung
(1230-1291):
- Bạch Thượng sĩ, tôi vì sanh tử là việc lớn, vô thường nhanh chóng, song chưa biết thân này từ đâu sanh ra, chết sẽ đi về đâu ?
Tuệ Trung đáp:
Giữa trời phỏng có đôi vành chuyển,
Bể cả ngại gì bọt nước xao.
Ông tăng lại hỏi:
- Thế nào là đạo?
TuệTrung đáp:
Đạo không có trong câu hỏi,
Câu hỏi không có trong đạo .
- Hàng đạt đức ngày xưa nói: “Không tâm tức là đạo.” Đúng chăng?
Tuệ Trung đáp:
Không tâm chẳng phải đạo,
Không đạo cũng không tâm.
Nếu họ nói “Không tâm là đạo,” thì tất cả cây cỏ đều là đạo cả sao? Bằng ngược lại nói “Không tâm chẳng phải đạo,” thì cần gì nói có không? Lắng nghe ta nói kệ đây:
Vốn không tâm không đạo,
Có đạo chẳng không tâm.
Tâm đạo vốn hư tịch,
Chỗ nào đâu đuổi tầm?
Ông tăng chợt nhận ra ý chỉ, xá lạy lui ra .
(Thiền Sư Việt Nam)
228. ĐỨA TRẺ BA TUỔI CŨNG BIẾT
Bạch Cư Dị là một nhà thơ nổi tiếng đời nhà Đường. Ông được bổ nhiệm giữ chức thái thú một vùng. Trong vùng ông quản lý có một Thiền sư được mọi người gọi là Điểu Sào, có nghĩa là cái tổ chim, vì sư hay tọa thiền trên cành cây. Một hôm Bạch Cư Dị đến viếng sư, nói:
- Chỗ thầy ngồi trên ấy thật là nguy hiểm.
Sư đáp:
- Chỗ của thái thú còn nguy hiểm hơn nhiều.
Bạch Cư Dị nói:
- Chỗ của tôi là trấn giang sơn, đâu có gì nguy hiểm.
Sư nói:
- Lửa nước qua lại, thức tánh không ngừng, sao không nguy hiểm?
Bạch Cư Dị lại hỏi:
- Phật giáo dạy điều gì?
Sư đọc bài kệ bốn câu nổi tiếng này:
Điều xấu phải tránh,
Điều tốt nên làm.
Giữ lòng trong sạch,
Là lời Phật dạy.
Song thái thú họ Bạch phản đối:
- Cái đó đứa trẻ ba tuổi cũng biết.
- Nhưng ông lão tám mươi cũng khó làm được.
Thiền sư ngồi trên cây kết luận.
(Chơn Không Gầm Thét)
229. TÔI CHỈ ĐỨNG ĐÂY THÔI
Các sư Thiền thường sống trên núi, nên thỉnh thoảng người đi đường chợt thấy có người đứng thong dong trên đỉnh cao chót vót. Họ không hiểu người kia đứng đó làm gì, và muốn biết lý do.
Một người hỏi:
- Người đứng trên đỉnh núi cao kia làm gì vậy?
Một người khác nói:
- Không hiểu, mình lên đó hỏi y xem.
Sau khi hì hục leo đến nơi, họ thấy đó là một nhà sư. Một người hỏi:
- Thầy đứng đây chờ bạn phải không?
Sư đáp:
- Không.
Một người khác hỏi:
- Vậy, chắc thầy đến đây để thở không khí trong lành, phải không?
Sư đáp:
- Không.
Người thứ ba hỏi:
- Thế thì thầy đứng đây làm gì?
Sư đáp:
- Tôi chỉ đứng đây thôi.
(Chơn Không Gầm Thét)
230. TRÊN ĐỈNH CÔ PHONG
Thiền sư Không Lộ, tịch năm 1119, là truyền nhân đời thứ chín dòng Vô Ngôn Thông.
Sư phong cách thoát tục, ăn mặc thế nào xong thì thôi, không vướng mắc vật chất thường tình, chỉ tinh chuyên thiền định, trải bao năm tu tập, ăn cây mặc cỏ, quên cả thân mình.
Sau khi đắc đạo, sư có thể bay lên không, hoặc đi trên mặt nước. Những pháp thuật thần bí của sư không đo lường được.
Tác phẩm của sư còn lưu lại gồm có bài kệ Ngôn Hoài và bài thơ Ngư Nhàn. Sau đây là bài kệ Ngôn Hoài:
Trạch đắc long xà địa khả cư,
Dã tình chung nhật lạc vô dư.
Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
Nghĩa là:
Đất rồng rắn an cư ta chọn,
Mối tình quê vui hưởng trọn ngày.
Đầu núi thẳm có lần lên thẳng,
Lạnh trời xanh một tiếng hú dài.
(Thiền Sư Việt Nam)
231. ĐAN HÀ ĐỐT TƯỢNG CÓ Ý GÌ?
Sau khi đọc câu chuyện Thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên đốt tượng Phật bằng gỗ trong một ngôi chùa nọ để sưởi ấm khi bất ngờ gặp thời tiết mùa đông quá lạnh, đệ tử hỏi thầy:
- Thiền sư Đan Hà đốt tượng Phật là có ý gì?
Sư liền đọc đoạn đầu câu nói sau đây của một Thiền sư khác:
Lạnh đến lò than bên lửa sưởi,
Đệ tử cắt ngang:
- Thế là Đan Hà không làm bậy, phải không?
Sư liền đọc đoạn còn lại:
Nóng ra bờ trúc cạnh khe ngồi.
(Chơn Không Gầm Thét)
232. CƯỜI VỚI ĐẤT TRỜI
Duy Nghiêm là một trong những Thiền sư vĩ đại thời nhà Đường. Sau khi đắc Pháp nơi Đại sư Thạch Đầu Hy Thiên, sư đến trụ ở Dược Sơn nên người ta gọi sư là Dược Sơn.
Một buổi chiều, khi sư dạo núi, bỗng nhiên mây mù biến tan biến, mặt trăng hiện ra, sáng ngời. Thấy vậy, sư chợt cười lên một tiếng sảng khoái.
Tiếng cười vang xa mấy dặm quanh vùng.
Sáng hôm sau dân làng nói với nhau:
- Đêm hôm qua tôi bỗng nghe một tiếng cười lớn lắm, nhưng không biết từ đâu.
- Ừ, tôi cũng nghe.
Chợt có một ông tăng từ trên chùa xuống, đi ngang qua nghe chuyện, liền nói:
- Đó là tiếng cười của hoà thượng đi dạo trên núi.
(Chơn Không Gầm Thét)
233. HƯƠNG NGHIÊM LEO CÂY
Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn nói với tăng chúng:
“Có người leo lên cây, dùng răng cắn cành cây, tay không chỗ bám, chân không chỗ bịn, mình buông thõng. Chợt có người đứng bên dưới hỏi: Thế nào là đại ý Phật pháp? Nếu người trên cây không trả lời thì phụ lòng người hỏi, còn nếu y trả lời thì sẽ té xuống gãy cổ. . .
Hãy nói tôi nghe, làm sao y thoát tình cảnh khó khăn này?”
Khi đó có một ông tăng bước ra, nói:
“Con không hỏi y phải làm gì khi ở trên cây, mà chỉ muốn biết trước khi leo lên cây thì y thế nào?”
Hương Nghiêm cười sảng khoái.
(Chơn Không Gầm Thét)
234. Ý KINH VÀ Ý TỔ
Có một ông tăng hỏi Thiền sư Giám Ba Lăng:
- Ý Tổ và ý kinh có gì khác nhau?
Sư đáp:
- Gà lạnh lên cây, vịt lạnh xuống nước.
(Chơn Không GầmThét)
235. NHÌN MÀ KHÔNG THẤY
Một hôm, khi Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện đang lao động trên rẫy, một ông tăng hành cước đến gần hỏi:
- Xin lỗi, thầy có thể nói cho biết ngôi chùa nổi tiếng Nam Tuyền ở chỗ nào không?
Nam Tuyền nói:
- Tôi đã trả ba đồng để mua cái lưỡi liềm này.
Ông tăng nói:
- Tôi không hỏi cái liềm, tôi chỉ muốn biết đường đến chùa thôi.
Nam Tuyền nói:
- Nó dùng được lắm, bởi vì nó rất bén.
(Chơn Không Gầm Thét)
236. TÂM BÌNH THƯỜNG
Nhân có một Luật sư đến hỏi:
- Phải tu đạo như thế nào?
Thiền sư đáp bằng câu nói của Lâm Tế:
- Khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ.
Luật sư liền nói:
- Đa số người ta đều làm vậy mà!
Thiền sư giải thích:
- Không, không, không phải vậy. Đa số khi ăn, người ta không chịu ăn mà còn nghĩ đến món này món nọ; khi ngủ, họ không chịu ngủ mà nghĩ đến điều này điều nọ.
(Chơn Không Gầm Thét)
237. CẬU BÉ BÍNH ĐINH ĐẾN XIN LỬA
Huyền Tắc hỏi Thiền sư Thanh Lâm:
- Thế nào là Phật?
Thanh Lâm đáp:
- Cậu bé Bính Đinh đến xin lửa.
Huyền Tắc nghe thế liền nghĩ: “Ha-ha! Ta được rồi! Cuối cùng ta đã hiểu.” Sau đó Huyền Tắc đến Thanh Lương làm giám viện cho Thiền sư Pháp Nhãn.
Một hôm Pháp Nhãn hỏi Huyền Tắc:
- Giám viện ở Thanh Lâm học được gì?
Huyền Tắc đáp:
- Một hôm con hỏi hòa thượng Thanh Lâm thế nào là Phật, hòa thượng đáp: “Cậu bé Bính Đinh đến xin lửa.” Con liền hiểu.
Pháp Nhãn nói:
- Lời ấy hay lắm. Giám viện hiểu thế nào?
Huyền Tắc đáp:
- Cậu bé Bính Đinh là thần lửa mà đi xin lửa. Giống như con là Phật mà đi cầu Phật.
Pháp Nhãn nói:
- Lâu nay tôi nghĩ ông hiểu, nhưng bây giờ tôi biết ông không hiểu.
Huyền Tắc kêu lên:
- Cái gì?! Như vậy mà không đúng ư! Sao lại sai được?!
Pháp Nhãn quay lưng bỏ đi. Huyền Tắc gọi:
- Khoan, khoan. . . Thế nào là Phật?
Pháp Nhãn nói:
- Cậu bé Bính Đinh đến xin lửa.
Ngay đó, Huyền Tắc liền ngộ.
(Chơn Không Gầm Thét)
238. HƯ KHÔNG CÓ ĐỂ MẮT NHÌN
HOÀNG THƯỢNG CHĂNG?
Quốc sư Nam Dương Huệ Trung (677-775) quê ở Chư kỵ, Việt châu, nay là Triết giang. Sư họ Nhiễm, là một trong năm đệ tử vĩ đại nhất của Lục Tổ Huệ Năng.
Sau khi nhận tâm ấn nơi Huệ Năng, sư đến núi Bạch Nhai ở Nam Dương và sống ở đó hơn bốn mươi năm, chưa từng bước chân xuống khỏi núi.
Vào năm 761, hoàng đế Túc Tông mời sư dến kinh đô để nhận chức Quốc sư.
Một hôm khi gặp hoàng đế, mặc dù nhà vua đã hỏi nhiều lần, nhưng thủy chung Huệ Trung vẫn không nhìn vua.
Vua có ý giận nói:
- Trẫm là Thiên tử, hoàng đế của Đại Đường, sao nhà sư dám không để mắt nhìn trẫm!
Sư hỏi:
- Hoàng thượng có thấy hư không trước mặt chăng?
Vua đáp:
- Có.
Sư hỏi tiếp:
- Vậy hư không có để mắt nhìn hoàng thượng chăng?
(Trí Tuệ Thiền Sư)
239. ÔNG BIẾT BẮN KHÔNG?
Thạch Củng Huệ Tạng vốn là một thợ săn, và loại người mà ông ta ít muốn gặp nhất là tăng nhân.
Một hôm khi đang rượt bắn một con nai, ông ta chạy tông vào Đại sư Mã Tổ.
Mã Tổ hỏi:
- Ông làm nghề gì?
Thạch Củng đáp:
- Tôi là thợ săn.
- Ông biết bắn không?
- Dĩ nhiên, tôi biết.
- Một mũi ông bắn được mấy con?
- Một mũi bắn một con.
- Ha, ha, ha . . . Vậy là ông không biết bắn rồi.
- Thầy biết bắn chăng?
- Dĩ nhiên, tôi biết.
- Một mũi thầy bắn được mấy con?
- Một mũi tôi bắn được cả bầy.
- Tất cả đều là vật sống, sao thầy nỡ bắn cả bầy?
- Ông đã biết mê lầm, sao không tự bắn đi?
- Nếu bảo tôi tự bắn, thật không biết bắt đầu tại chỗ nào.
- Ông đã nhiều kiếp mê lầm, từ nay hoàn toàn dứt sạch.
Nghe câu này, Thạch Củng buông bỏ cung tên, cạo tóc nhập chúng, và bái Mã Tổ làm thầy.
(Trí Tuệ Thiền Sư)
240. BAY MẤT SAO ĐƯỢC?
Một hôm, khi Đại sư Mã Tổ và đồ đệ là Bách Trượng cùng đi dạo, cả hai thấy một bầy vịt trời bay qua trên đầu họ.
Mã Tổ hỏi:
- Cái gì thế?
Bách Trượng đáp:
- Vịt trời.
Mã Tổ hỏi:
- Bay đi đâu vậy?
Bách Trượng đáp:
- Bay mất rồi.
Mã Tổ bèn quay lại nắm mũi Bách Trượng kéo mạnh. Bách Trượng đau quá kêu oái, oái. Mã Tổ nói:
- Chính là ở đây. Bay mất sao được?
(Trí Tuệ Thiền Sư)