DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN
(333 Câu Chuyện Thiền)
tức GÓP NHẶT CÁT ĐÁ
Hiệu Đính và Bổ Sung
241. PHẬT MẶT TRỜI, PHẬT MẶT TRĂNG
Kinh nói rằng Phật Mặt Trời sống một ngàn tám trăm năm, và Phật Mặt Trăng chỉ sống có một ngày một đêm.
Có một lần Đại sư Mã Tổ bị bịnh nặng và lâu, viện chủ đến thăm, hỏi:
- Hòa thượng cảm thấy thế nào?
Mã Tổ đáp:
- Phật Mặt Trời, Phật Mặt Trăng.
Sống khi mình có thể sống là phúc đức, và chết khi mình có thể chết cũng là phúc đức. Đối với một người hiểu lẽ sống, thì dù sống một trăm năm hay chỉ một đêm đều có giá trị như nhau .
(Trí Tuệ Thiền Sư)
242. QUI CỦ THIỀN ĐƯỜNG CỦA BÁCH TRƯỢNG
Sau khi Đại sư Mã Tổ tịch, Thiền sư Bách Trượng thừa truyền chánh pháp.
Rồi sư thiết lập Bách Trượng Thanh Qui, hay là qui củ Thiền đường, và nó đã trở thành nền móng cho điều lệ tu viện cũng như cho Phật giáo Thiền tông nói chung. . .
Bách Trượng Thanh Qui qui định chi tiết điều lệ đời sống hằng ngàycủa vị trụ trì và tất cả những người trong tự viện dưới ông.
Điều lệ đòi hỏi vị tăng tương lai nguyện giữ năm giới chính:
-Không sát sanh;
- Không trộm cướp;
- Không tà dâm;
- Không nói dối;
- Không say sưa.
Và các điều sau:
- Không ngủ trên cái giường cao hay rộng quá;
- Không xem hay tham dự các tuồng trên sân khấu;
- Không tự tôn;
- Không cất giữ tiền bạc hoặc các vật quí;
- Không ăn các món bậy và không ăn ngoài giờ qui định.
Chỉ khi nào giữ được các giới điều trên, người tăng nhân tương lai mới được cạo tóc và trở thành tăng nhân thực thụ.
Bách Trượng cũng thiết lập hệ thống làm việc, không những cho người tăng nhân trung bình làm việc ngoài đồng, mà cho cả vị trụ trì nữa.
Ở Ấn độ, tăng nhân bị cấm làm nông và, do đó, tùy thuộc vào sự cúng dường của các thí chủ trung thành.
Với hệ thống thanh qui, Bách Trượng nhằm loại bỏ cách sống xin ăn và ký sinh trùng này.
Tại sao một tăng nhân khỏe mạnh lại sống như một loại ký sinh trùng, hút máu sống của những người dân thường?
Vì vậy sư đòi hỏi tất cả tăng chúng dùng thời giờ khai khẩn đất đai để trồng trọt và canh tác thực phẩm cho chính họ.
(Trí Tuệ Thiền Sư)
243. MA NGÔN NGỮ
Ngưỡng Sơn là học trò của Qui Sơn. Một hôm Qui Sơn nói:
- Này con, phải nhanh lên mà ngộ đi. Chớ bám vào ngôn ngữ văn tự.
Ngưỡng Sơn đáp:
- Ngay cả tin con còn chẳng muốn nữa kìa.
Qui Sơn hỏi:
- Con không muốn vì con tin hay con không muốn vì con chẳng tin?
Ngưỡng Sơn hỏi lại:
- Ngoài mình ra còn cái gì khác có thể tin được?
Qui Sơn đáp:
- Nếu vậy, con chỉ là đệ tử của Tiểu thừa.
Ngưỡng Sơn nói:
- Ngay cả Phật con còn chẳng muốn gặp.
Qui Sơn lại hỏi:
- Trong tất cả kinh điển, có bao nhiêu là lời của Phật, bao nhiêu là lời của ma?
Ngưỡng Sơn đáp:
- Tất cả là ma hết.
Qui Sơn khen:
- Giỏi lắm! Giỏi lắm! từ nay không có gì quấy rầy con được nữa .
Cuối cùng, Ngưỡng Sơn kế thừa y bát của Qui Sơn và truyền Thiền theo phong cách của sư.
(Trí Tuệ Thiền Sư)
244. TRIỆU CHÂU ĐỘI DÉP RƠM
Tăng chúng hai nhà đông tây của chùa Nam Tuyền tranh nhau một con mèo. . .
- Nó là của nhà phía đông chúng tôi.
- Nó là con mèo nhà phía tây chúng tôi.
Nam Tuyền nghe ồn ào, bèn ra bắt con mèo giơ lên bảo:
- Ai nói được thì mèo sẽ sống. Không ai nói được, tôi sẽ giết con mèo tại đây.
Tất cả đều im lặng. Vì thế, Nam Tuyền chém con mèo làm hai mảnh.
Đến chiều, Triệu Châu về, Nam Tuyền thuật lại chuyện hồi sáng. . .
Sau khi nghe xong, Triệu Châu không nói một lời, chỉ cởi đôi dép rơm đội lên đầu, đi ra.
Nam Tuyền nói:
- Hồi sáng, nếu có ông ở nhà đã cứu được con mèo.
(Trí Tuệ Thiền Sư)
245. BỊ LỪA ĐÁ
Sau khi ngộ đạo, Triệu Châu dạo bước khắp nơi, viếng nhiều Thiền sư thời ấy.
Một hôm sư đến thăm Vân Cư Đạo Ưng. Vân Cư hỏi:
- Đại lão hán, đại lão hán, sao không tìm một chỗ trụ đi cho rồi?
Triệu Châu nói:
- Trụ ở đâu bây giờ?
Vân Cư đáp:
- Sau núi kia có ngôi chùa hoang, hòa thượng đến đó là phải.
Sau Triệu Châu đến viếng sư Tu Du. Tu Du hỏi:
- Đại lão nhân, đại lão nhân, sao không tìm một chỗ trụ đi cho rồi?
Triệu Châu lại nói:
- Trụ ở đâu bây giờ?
Tu Du nói:
- Ơ kìa, cái lão này còn không biết trụ ở đâu nữa mới lạ chứ!
Triệu Châu nói:
- Ba mươi năm đùa với ngựa không sao, bữa nay lại bị lừa đá.
Cuối cùng, cho đến năm tám mươi tuổi, sư mới định cư ở viện Quan Âm, phía đông ngoại ô thành Triệu Châu.
Trong thời gian trụ trì viện Quan Âm, sư dùng trí tuệ sâu xa và óc khôi hài nhàn nhã hướng dẫn đệ tử trên con đường đến chơn ngã.
Sư thường nói: “Nếu đứa trẻ bảy tuổi hơn ta, ta học nó. Nếu ông lão trăm tuổi không bằng ta, ta dạy ông lão.”
(Trí Tuệ Thiền Sư)
246. CỚ SAO LẠI CÓ BỤI
Một hôm, khi Triệu Châu đang quét sân chùa thì có người hỏi:
- Chốn già lam thanh tịnh cớ sao lại có bụi?
Triệu Châu đáp:
- Từ ngoài đến.
Một hôm khác, cũng trong lúc Triệu Châu đang đang quét sân chùa thì một ông tăng hỏi:
- Hoà thượng là thiện tri thức cũng có bụi nữa sao?
Triệu Châu đáp:
- Kìa, lại một hạt bụi nữa.
(Triệu Châu Ngữ Lục)
247. CHỖ CÓ PHẬT CHỚ ĐỨNG LẠI
Khi một ông tăng từ giả Triệu Châu để đi tham vấn các nơi, sư hỏi:
- Ông đi đâu?
Ông tăng đáp:
- Khắp các nơi để học Phật pháp.
Sư dựng cây phất tử lên nói:
- Chỗ có Phật chớ đứng lại, chỗ không Phật chạy lẹ qua! Chớ lầm đem Phật pháp cho người cách ba ngàn dặm.
(Triệu Châu Ngữ Lục)
248. KHÔNG MẮT TAI MŨI LƯỠI
Thiền sư Động Sơn Lương Giới (807-869) họ Du, quê ở Hội kê, tỉnh Triết giang. Sư xuất gia lúc còn bé. Sau khi ngộ, sư trở thành trụ trì Động Sơn ở Giang tây vào năm 860. Sư cùng với đệ tử là Tào Sơn sáng lập phái Tào Động.
Lúc còn trẻ, sư tụng Bát Nhã Tâm Kinh với thầy đến câu: “Không sắc, không thọ, không tưởng, không hành, không thức. . . Không mắt, tai, mũi, lưỡi, hay thân... Không thấy, nghe, ngửi, nếm...” sư liền lấy tay sờ mặt và hỏi thầy:
- Rõ ràng con có mắt, tai, mũi, lưỡi. . . sao kinh nói chẳng có?
Thầy trả lời:
- Ta nghĩ ngươi nên tìm thầy khác, ta chẳng thể dạy ngươi được.
Vì thế Động Sơn đi đến nhiều nơi, học với nhiều đại sư.
Trước tiên sư đến tham kiến Thiền sư Nam Tuyền và ở lại đó một thời gian...
Rồi sư đến Qui Sơn Linh Hựu và hỏi:
- Thực ra có vô tình thuyết pháp hay không? Nếu có, tại sao con không nghe ?
Qui Sơn đáp:
- Miệng do cha mẹ cho, tôi chẳng dám nói với ông.
Động Sơn hỏi:
- Vậy thì con nên hỏi ai?
Qui Sơn đáp:
- Sao không đến Đàm Thành ở Vân Nham?
Cầm lá thư giới thiệu của Qui Sơn, sư đến tham kiến Vân Nham.
Khi đến Vân Nham, sư hỏi:
- Khi vô tình thuyết pháp thì ai nghe được?
Vân Nham đáp:
- Vô tình nghe được.
Sư hỏi:
- Hoà thượng nghe được không?
Vân Nham đáp:
- Nếu nghe được, ta sẽ biến thành pháp thân, rồi ông chẳng thể nghe ta thuyết pháp.
Sư hỏi:
- Tại sao không?
Vân Nham đưa phất tử ra hỏi:
- Ông nghe chăng?
Sư đáp:
- Dạ không.
Vân Nham bảo:
- Chính khi tôi thuyết pháp ông còn chẳng nghe được, khi vô tình thuyết pháp làm sao ông nghe được?
Sư hỏi:
- Kinh nào nói vô tình thuyết pháp?
Vân Nham hỏi lại:
- Không phải kinh A-di-đà nói, “Sông, chim, cây, rừng tất cả đều niệm pháp” sao ?
Ngay đây, Động Sơn tỉnh ngộ, nói:
Kỳ lạ thay! Kỳ lạ thay!
Vô tình thuyết pháp chẳng nghĩ bàn,
Nếu lấy tai nghe, thật khó hiểu,
Nếu dùng mắt thấy, liền nhận ra .
(Trí Tuệ Thiền Sư)
249. NƯỚC CON AN ỔN
Khi Sa di Cao đến tham vấn Thiền sư Dược Sơn, Dược Sơn hỏi:
- Ông từ đâu đến?
Cao đáp:
- Con từ Nam Nhạc đến.
- Đã đi lại những đâu?
- Đi Gia lăng thọ giới.
- Thọ giới mong làm gì?
- Mong khỏi sanh tử.
- Có một người không thọ giới cũng khỏi sanh tử, ông biết không?
- Thế thì giới luật dùng làm gì?
- Còn mồm mép lắm.
Cao lễ bái lui ra.
Khi Đạo Ngô đến đứng hầu, Dược Sơn bảo:
- Vừa rồi có một sa di mới đến có chút khí khái.
Đạo Ngô nói:
- Chưa nên tin hẳn, cần phải khám phá mới được.
Đến chiều, Dược Sơn lên tòa gọi:
- Sa di mới đến ở đâu?
Cao bước ra khỏi chúng tăng, đứng im.
Dược Sơn hỏi:
- Tôi nghe nói Trường an rất náo loạn, ông có biết không?
Cao thưa:
- Nước con an ổn.
- Ông do xem kinh được hay do tham vấn được?
- Chẳng do xem kinh hay tham vấn mà dược.
- Có người chẳng xem kinh, chẳng tham vấn, tại sao chẳng được?
- Chẳng phải không họ được, chỉ vì không chịu thừa nhận.
Dược Sơn ngó Đạo Ngô, Vân Nham, hỏi:
- Tin tôi chưa?
Một hôm, Cao đến từ giả Dược Sơn, Dược Sơn bảo:
- Sanh tử là việc lớn sao chẳng thọ giới đi?
Cao đáp:
- Biết thì những việc ấy liền thôi, lại bảo thọ giới làm gì?
Dược Sơn bèn thôi.
Hôm khác, đến giờ ăn trưa, Dược Sơn đích thân đánh trống, Cao ôm bát múa đi vào phòng ăn.
Dược Sơn bỏ dùi trống xuống, hỏi:
- Đấy là hòa thứ mấy?
Cao đáp:
- Hòa thứ hai .
- Còn hòa thứ nhất đâu?
Cao đến thùng cơm lãnh một phần rồi đi ra.
(Trung Hoa Thiền Đức)
250. KHÔNG CHỖ NÀO KHÔNG ĐẾN
Khi Thiền sư Bảo Triệt ở núi Ma Cốc đang dùng quạt phe phẩy quạt mình thì một ông tăng hỏi:
- Tánh của gió là thường tại và không có chỗ nào là không đến. Sao hoà thượng còn dùng quạt làm gì?
Sư đáp:
- Ông chỉ biết tánh gió thường tại mà chưa biết đạo lý của “không chỗ nào không đến.”
Ông tăng hỏi:
- Thế nào là đạo lý của “không chỗ nào không đến?”
Sư phe phẩy quạt mình. Ông tăng bái tạ thật sâu.
(Chánh Pháp Nhãn Tạng)
251. LÀ NGƯỜI HAY LÀ PHẬT?
Hòa thượng Từ Phong Hải Quýnh (1728-1811) là truyền nhân đời thứ ba phái Liên Tông thuộc dòng Thiền Lâm Tế Việt Nam.
Năm 16 tuổi, sư đến chùa Liên Tông đảnh lễ Thiền sư Tính Dược xin thế độ. Tính Dược bảo:
- Ngươi thân như mọi rợ đâu kham lãnh đại pháp?
Sư đáp:
- Thân tuy mọi rợ mà tâm đồng Phật Tổ.
Tính Dược bảo:
- Ta hỏi một câu ngươi đáp được thì độ cho, bằng không đáp được, cho một tiền đi tìm thiện tri thức khác.
Sư đáp:
- Thỉnh hòa thượng hỏi.
Tính Dược hỏi:
-Ngươi là người hay là Phật? Là thật hay là giả?
Sư đáp:
- Người Phật vốn không, huống hồ là có thật giả.
Tính Dược khen:
- Hay lắm! Ngươi liễu đạo vậy.
(Thiền Sư Việt Nam)
252. ĐẦY MẮT NÚI XANH
Khi Thiền sư Pháp Nhãn ra mặt với đời, hội chúng có năm trăm người. Lúc ấy Phật Pháp đại hưng thịnh, Quốc sư Đức Thiều đã ở với Sơ Sơn một thời gian lâu, tự cho là đã đạt yếu chỉ của Sơ Sơn. Vì vậy Đức Thiều mới thu thập tất cả bút tích và di ảnh của Sơ Sơn, dẫn tăng chúng đi hành cước. Đến chỗ của Pháp Nhãn, bản thân Đức Thiều không vào thất mà chỉ bảo đệ tử theo những người khác vào thất của Pháp Nhãn.
Một hôm, Pháp Nhãn lên tòa, có một ông tăng hỏi:
- Thế nào là một giọt nước Tào khê?
Pháp Nhãn đáp:
- Là một giọt nước Tào khê.
Ông tăng mờ mịt, thối lui. Lúc đó Đức Thiều có mặt trong hội chúng, nghe được, bỗng nhiên đại ngộ.
Sau này, sư xuất hiện với tư cách là một trong những người thừa kế Pháp Nhãn. Đức Thiều trình bài kệ sau đây:
Thông huyền đỉnh núi,
Chẳng phải nhân gian;
Ngoài tâm không vật,
Đầy mắt núi xanh.
Pháp Nhãn ấn chứng cho và nói: “Chỉ một bài kệ này cũng đủ thừa kế tông môn ta. Ngày sau, vua chúa sẽ tôn vinh ông. Ta chẳng bằng ông.”
(Bích Nham Lục)
253. TẤM LÒNG TRONG SẠCH
Một nhóm người ăn mày khốn khổ vì bịnh cùi đến hội chúng của Bàn Khuê, một Thiền sư có tấm lòng đại độ. Bàn Khuê chấp nhận họ vào hội chúng, và khi điểm hóa họ, sư còn tự tay tắm rửa và cạo đầu cho họ nữa.
Khi sự việc diễn ra, có một ông lịch sự có mặt ở đó, vị đại diện của một người có thế lực tin tưởngThiền sư Bàn Khuê, đã lập một ngôi chùa trong tỉnh để Bàn Khuê huấn luyện đệ tử và nói pháp cho mọi người nghe .
Tức giận vì thấy Thiền sư cạo đầu cho bọn đê tiện, người lịch sự kia vội vàng đi múc một thau nước cho Bàn Khuê rửa tay. Nhưng sư từ chối, nói: “Sự kinh tởm của ông còn dơ bẩn hơn những vết thương lở loét của họ.”
(Giai Thoại Thiền)
254. THIỀN VÀ THUẬT TRỊ NƯỚC
Một lãnh chúa thường tham kiến Thiền sư Thiên Quế Truyền Tông (1648-1735), hỏi về yếu chỉ Phật pháp. Khi sư bị bệnh lần cuối, vị lãnh chúa phái một sứ giả đến thăm hỏi. Thiên Quế gửi sứ giả một lá thư ngắn mang về cho lãnh chúa:
‘Tề gia và trị quốc cũng là tu đạo. Hãy thận trọng áp dụng những chính sách nhân từ, nhờ đó sẽ có sự tin cậy và hòa hợp giữa người cai trị và kẻ bị trị. Đây là khuyên cuối cùng của tôi.”
(Giai Thoại Thiền)
255. GIẤY ĐI CẦU
Trong đám tăng chúng của Thiền sư Bạch Ẩn có một cuồng tăng, cho rằng mình đã ngộ và đồng nhất với Phật. Y xé kinh làm giấy đi cầu. Các tăng nhân khác đã cảnh cáo ông ta về chuyện này, nhưng ông tăng điên này không quan tâm, kiêu căng vặn lại: “Dùng kinh Phật lau đít Phật có gì là sai?”
Lúc ấy có người thuật lại chuyện này với Bạch Ẩn, sư hỏi ông ta: “Người ta nói ông dùng kinh Phật làm giấy đi cầu, có phải không?”
Ông tăng điên đáp: “Phải. Tôi chính là Phật. Dùng kinh Phật lau đít Phật có gì là sai ?”
Bạch Ẩn nói: “Ông sai rồi. Vì chính là đít Phật, sao ông lại dùng giấy cũ có chữ viết trên đó? Ông nên dùng giấy trắng sạch lau mới phải chứ.”
Ông tăng điên xấu hổ và xin lỗi.
(Giai Thoại Thiền)
256. TỈNH NGỘ
Thiền sư Setsugen nói với đệ tử là Jijo, “Nếu ông chuyên tâm tọa thiền bảy ngày bảy đêm không gián đoạn mà không ngộ, thì cứ cắt đầu tôi lấy sọ làm đồ chứa phân.”
Sau đó không bao lâu, Jijo bị bệnh kiết lỵ, liền lấy một cái thùng nhỏ mang đến một chỗ biệt lập chẳng ai đến. Jijo ngồi trên thùng chú tâm thiền định.
Jijo ngồi trên thùng bảy ngày liền, đến một đêm bỗng nhiên cảm thấy cả trời đất giống như cảnh tuyết dưới ánh trăng sáng ngời và toàn thể vũ trụ trở nên quá nhỏ hẹp, không thể chứa được mình.
Jijo nhập vào trạng thái này trong thời gian khá lâu cho đến khi nghe một âm thanh làm giật mình thức tỉnh. Toàn thân Jijo toát mồ hôi, cơn bệnh cũng biến mất. Jijo làm một bài kệ kỷ niệm:
Cái gì đây mà lung linh, sáng tỏ?
Mất tiêu liền trong nháy mắt lầm qua.
Cạnh cầu tiêu, chiếc mái dầm ngời sáng;
Rốt cuộc rồi, nó vốn là ta.
(Giai Thoại Thiền)
257. GAN RUỘT
Một lãnh chúa còn trẻ và thích võ thuật, học Thiền
với Thiền sư Bàn Khuê. Một hôm, ông ta quyết định thử “gan ruột” của sư bằng cách dùng cây thương tập kích thình lình khi sư đang tĩnh tọa.
Thiền sư bình tĩnh làm lệch cú đánh bằng xâu chuỗi. Rồi sư bảo vị lãnh chúa: “Võ thuật của ông còn non nớt, tâm ông đã động trước.”
(Giai Thoại Thiền)
258. CHỚ LO LẮNG
Thiền sư Vô Học Tổ Nguyên là một trong những người sáng lập Thiền ở Nhật Bản. Sinh ở Trung Quốc, sư đã ngộ lần đầu tiên năm mười hai tuổi khi nghe bài kệ sau đây, lúc sư cùng cha đến viếng một ngôi chùa ở miền quê:
Bóng tre quét thềm,
Không động mảy bụi;
Ánh trăng soi nước,
Không lưu vết tích.
Khi đoàn quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, tràn vào phía nam Trung Quốc năm 1275, Vô Học đã chạy tránh ngọn lửa chiến tranh; nhưng đến lúc tỉnh sư ẩn náu bị giày xéo vào năm sau, sư không chạy nữa .
Khi quân Mông Cổ gây giông bão tại tự viện Vô Học ngồi, tất cả tăng nhân khác và những người làm việc cho tự viện đều tìm chỗ trốn y như lũ chuột rúc vào hang.
Bọn lính tiến gần pháp đường chỗ sư ngồi một mình, chúng dí kiếm vào cổ sư. Sư hoàn toàn thản nhiên, bình tĩnh đọc bài kệ sau đây:
Đất trời mênh mông,
Không chỗ cắm dùi.
Vui thay biết được
Người pháp đều không.
Lưỡi kiếm Nguyên Mông
Dài và sáng rực
Chém ngọn gió xuân.
Xúc động vì phong thái không sợ hãi của sư, bọn lính Mông Cổ cất kiếm rút đi.
Vào năm 1280, Vô Học được Bắc Điều Thời Tông [Hojo Tokimune], quan nhiếp chính của chế độ tướng quân, mời đến Nhật Bản. Mùa xuân năm sau, khi Thời Tông đến viếng, Vô Học viết cho quan nhiếp chính một thông điệp ba chữ: “Chớ lo lắng.”
Khi Thời Tông yêu cầu giải thích, sư nói: “Vào lúc xuân hè tiếp nối, miền nam Nhật Bản sẽ có náo động, nhưng sẽ ổn định lại không lâu, vì vậy chớ lo lắng.”
Quả nhiên, vào chính thu, một lực lượng xâm lăng Mông Cổ tấn công phiá bắc nước Nhật, y như lời sư nói. Cũng đúng như sư tiên đoán, bọn xâm lược bị đánh dẹp, và thanh bình sớm trở lại.
(Giai Thoại Thiền)
259. ẨN CƯ
Thiền sư Đại Ngu đã sống một thời gian trong núi sâu ở vùng thôn quê phía bắc Kyoto. Sư viết bài kệ sau đây nói về chỗ sư ở:
Không còn phiền não thị thành,
Không còn tranh nhau phán quyết:
Mùa thu ta ngủ
Lá xuôi theo dòng,
Mùa xuân ta nghe
Chim hót trên cây.
Xuân đến nơi nhân giới
Với lòng tốt bao la;
Mỗi một đóa hoa nở
Là một vị Phật ra.
Tuyết còn vô ý thức
Tan chảy tất cả đi --
Vạn vật giương lông mày
Cùng nhau theo nhịp điệu
Tất cả như là một.
(Giai Thoại Thiền)
260. ĐẸP HƠN HOA
Mùa xuân năm nọ, nhà thơ bài cú lừng danh Ba Tiêu quyết định đi xem hoa ở một nơi nổi tiếng vì có cảnh đẹp. Dọc đường ông nghe nói về một cô gái nông dân nghèo nổi tiếng vì lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Vì hiếu kỳ, Ba Tiêu đi tìm cô gái. Khi gặp cô gái, Ba Tiêu đã cho cô tất cả số tiền ông mang theo để chi tiêu trong chuyến du hành. Rồi Ba Tiêu trở về nhà, không xem hoa gì cả.
Ba Tiêu nói, “Năm nay tôi thấy được một cái đẹp hơn hoa.”
(Giai Thoại Thiền)
261. HÉT TRỐNG ĐỊA NGỤC
Một samurai (chiến sĩ) phục vụ cho một người quyền thế trong tỉnh đến viếng Thiền sư Bạch Ẩn.
Sư hỏi chiến sĩ:
- Anh đã làm gì?
Chiến sĩ đáp:
- Tôi luôn luôn thích lắng nghe Phật giáo. Vì vậy mà tôi bị bịnh.
Bạch Ẩn hỏi:
- Anh bệnh như thế nào ?
Chiến sĩ đáp:
- Ban đầu tôi gặp một Thiền sư và cầu tìm yếu lý của tâm. Rồi tôi gặp một luật sư Chơn Ngôn tông và học mật giáo. Nghi ngờ và rối loạn phát triển về hai tông phái, trong khi quán tưởng mẫu tự A, bỗng nhiên trong tâm tôi hình ảnh địa ngục xuất hiện. Tôi cố gắng chận chúng lại bằng cách dùng yếu lý của tâm, thì hai thị kiến va chạm nhau, vì vậy tâm tôi bị quấy rối. Lúc ngủ tôi thấy ác mộng, khi thức tôi lao nhọc vì suy nghĩ.
Bạch Ẩn chặc lưỡi và nói:
- Anh có biết cái gì làm cho địa ngục sợ hãi không?
Chiến sĩ đáp:
- Quan điểm tánh không! Tôi bị bịnh này .
Bạch Ẩn liền hét chiến sĩ nhiều lần, hét đến nỗi anh ta tháo lui, nói:
-Anh là một chú bé khờ! Chiến sĩ là kẻ trung thành với lãnh chúa đến nỗi y không chạy trốn bão lụt hay hỏa hoạn mà phơi mình ra trước gươm giáo, không run sợ và chớp mắt. Sao anh lại sợ quan điểm tánh không? Giờ đây, anh hãy rơi vào một trong các địa ngục đó đi, và chúng ta hãy kiểm tra các địa ngục!
Chiến sĩ phàn nàn:
- Sao một ông thầy lại có thể bảo người ta rơi vào cảnh giới xấu xa như thế ?
Bạch Ẩn cười và nói:
- Số địa ngục mà tôi đã rơi vào có đến tám mươi bốn ngàn cái! Này -- không có nơi nào mà tôi không rơi vào!
Cuối cùng, thấy được ý sư, chiến sĩ tràn ngập vui mừng.
(Giai Thoại Thiền)
262. LỜI CUỐI CÙNG
O-San đã ngộ khi tham học với Thiền sư Tetsumon. Sau này, khi đại sư Bạch Ẩn đến tỉnh bà ở, O-San đến tham kiến sư.
Để trắc nghiệm, Bạch Ẩn hỏi bà về tiếng vỗ của một bàn tay.
O-San liền ứng khẩu đọc bài kệ sau đây:
Lắng nghe “Tiếng vỗ một tay,”
Chi bằng vỗ cả hai tay mà làm!
Khi O-San trong cơn bịnh cuối cùng, các con tập trung quanh bà, muốn biết những lời cuối cùng của bà. Bà mỉm cười và đọc bài kệ sau:
Trên thế gian này
Chỗ ngôn ngữ không còn gì cả
Còn gì hơn giọt sương
Trên lá,
Ta nói gì
Cho con cháu đời sau?
(Giai Thoại Thiền)
263. KINH MỘT CHỮ CỦA ĐẠI GIÁC
Người sáng lập chùa Kiến Trường ở Khiêm Thương vào thế kỷ thứ 13 là một Thiền sư Trung Hoa tên là Đại Giác. Sư được tướng quân Thời Lại [Tokiyori] mời đến truyền bá Thiền tông cho các khu vực phía đông Nhật Bản.
Một số tu sĩ và cư sĩ của các tông phái khác không hài lòng chuyện này chút nào. Lòng ganh tị lan truyền rằngThiền sư là gián điệp do Mông Cổ phái đến Nhật và dần dần nhiều người tin như vậy. Lúc ấy, các quan hệ với Mông Cổ trở nên tệ hơn, và chính phủ của Tướng quân, do tin đồn hướng dẫn sai lầm, đã thuyên chuyển sư đến Koshu. Sư không những không phiền não chút nào mà còn vui mừng đi theo nghiệp lực dẫn đường.
Có một người chuyên trì các thần chú như Pháp Hoa và A-di-đà, đến gặp sư, nói:
-Thiền đọc Tâm Kinh vừa dài vừa khó, trong khi Nhật Liên Thượng Nhân dạy chú Pháp Hoa chỉ có bảy chữ và Nhất Biến Thượng Nhân chú A-di-đà chỉ có sáu chữ. Kinh Thiền thì dài hơn nhiều mà lại khó tụng.
Đại Giác lắng nghe rồi nói:
- Đệ tử Thiền muốn gì với kinh văn dài dòng? Nếu ông muốn đọc kinh Thiền, hãy đọc nó bằng một chữ thôi. Các thần chú sáu chữ, bảy chữ cũng dài lắm.
(Thiền và Đạo Thuật)
264. KINH KHÔNG CHỮ CỦA PHẬT QUANG
Tu sĩ của Tsurugaoka Hachiman đến gặp Thiền sư Trung Hoa tên là Phật Quang, người thừa kế Thiền sư Đại Giác, kể sư nghe câu chuyện kinh một chữ của Thiền sư Đại Giác và hỏi:
- Tôi không hỏi sáu chữ, bảy chữ các phái khác tụng niệm, chỉ muốn biết thế nào là kinh một chữ của Thiền?
Phật Quang đáp:
- Tông môn chúng tôi một chữ cũng chẳng lập, giáo lý truyền riêng bên ngoài kinh điển, đạo thì lấy tâm truyền tâm. Nếu ông muốn đi sâu vào đó, thì cả cuộc đời ông sẽ là một câu thần chú, cái chết của ông cũng sẽ là một câu thần chú. Ông còn muốn một chữ, nửa chữ làm gì? Lão sư Đại Giác đi vào rừng sâu đặt xuống đó một chữ, giờ đây cả thiền lâm đang xé nát nó thành nhiều mảnh trên gai nhọn, cố tìm nó. Nếu thượng tọa đứng trước tôi đây muốn nắm lấy một chữ đó, thì không mở miệng tụng kinh không chữ. Nếu thượng tọa không biết kinh không chữ, thì liền mất kinh một chữ đó vậy. Hãy đem một chữ này gửi đến từng trời thứ ba mươi ba; hãychôn nó đi, nó ở dưới đáy đại địa ngục thứ tám. Bốn phương, trên dưới, chỗ nào có thể dấu được nó? Ngay giây phút này, ở trước thượng tọa! Có chữ nào hay không?
Kim vàng không thấu được (lớp vải thêu), tu sĩ im lặng rút lui.
(Thiền và Đạo Thuật)
265. ĐỊA TẠNG NGUYÊN HÌNH
Sakawa Koresada, tùy viên trực tiếp của dòng họ Uesugi, bước vào chánh điện chùa Kiến Trường và cầu nguyện trước Bồ-tát Địa Tạng Ngàn Tướng. Rồi ông ta hỏi vị tăng thị giả phụ trách chánh điện:
- Trong ngàn tướng của Địa Tạng, tướng nào là Địa Tạng nguyên hình?
Thị giả đáp:
- Trong ngực của quan hộ vệ ngay trước tôi đây là ngàn niệm, vạn tưởng; cái nào là niệm tưởng đầu tiên?
Chiến sĩ (samurai) lặng câm.
Thị giả lại nói:
-Trong ngàn tướng của Địa Tạng, Địa Tạng nguyên hình là Phật thế tôn, ngài luôn luôn dùng ngàn tướng.
Chiến sĩ hỏi:
- Phật thế tôn là ai?
Thị giả bất ngờ nắm mũi chiến sĩ vặn mạnh.
Chiến sĩ bỗng nhiên tỉnh ngộ.
(Thiền và Đạo Thuật)
266. THAM VẤN BAN ĐÊM
[Myotei là một góa phụ và là một người đàn bà có cá tính mạnh. Bà đã tu tập mấy năm dưới sự hướng dẫn của Kimon, vị sư thứ 150 của chùa Viên Giác. Vào một dịp viếng chùa, bà đã có một kinh nghiệm trong khi lắng nghe sư thuyết pháp về kinh Kim Cương. Vào năm 1568, bà tham dự tuần nhiếp tâm Lạp Bát (mồng tám tháng mười hai, kỷ niệm ngày Phật thành đạo].
Trước khi vào một trong những cuộc tham vấn ban đêm, bà cởi hết tất cả y phục của mình ra, và bước vào độc tham không một mảnh vải che thân. Bà nằm xuống trước mặt sư. Sư Kimon cầm gậy như ý bằng sắt thọc vào giữa hai đùi bà, nói:
- Bày trò gì đây?
Ni cô Myotei đáp:
- Bày cái cửa chư Phật ba cõi nhờ đó đến thế gian này.
Sư nói:
- Trừ phi chư Phật ba cõi vào, [nếu không] các ngài chẳng thể ra. Hãy cho vào cửa ngay đây và bây giờ.
Và sư ngồi dang hai chân qua ni cô.
Ni cô hỏi:
- Ai sẽ vào? Đó là Phật gì?
Sư đáp:
- Cái gì xưa nay vốn có, không có “sẽ.”
Ni cô nói:
- Ai không cho biết tên thì là kẻ cướp vô lại, không được phép vào.
Sư đáp:
- Phật Di Lặc, phải đản sinh để độ người sau khi Phật Thích ca nhập diệt, vào cửa.
Ni cô làm như muốn nói nhưng sư liền lấy tay bịt miệng cô lại. Sư đè chiếc gậy sắt giữa hai đùi cô, nói:
- Phật Di Lặc vào cửa. Hãy sinh ngay lập tức!
Ni cô do dự và sư nói:
Đây chẳng phải tử cung thật; làm sao sinh được Di Lặc?
Ni cô đi ra và trong cuộc tham vấn sáng hôm sau, sư hỏi:
- Đã sinh được Di Lặc chưa?
Ni cô hét lớn:
- Ổng đã lặng lẽ sinh ra tối hôm qua rồi!
Cô nắm đứng sư, hai bàn tay ôm đỉnh đầu sư, nói:
-Tôi mời ông Phật ấy dùng đỉnh đầu này làm Tòa Sư Tử. Hãy để ổng từ bi ở đó mà thuyết pháp.
Sư nói:
- Đạo chỉ là một, không hai, không ba.
Ni cô nói:
- Do căn cơ mà chúng sinh khác nhau vạn nẻo. Làm sao hòa thượng có thể gắn họ vào một đường?
Sư nói:
- Một tướng dẫn đầu vạn quân vào kinh đô.
(Thiền và Đạo Thuật)
267. BỨC TRANH NGƯỜI ĐẸP
Vào năm 1299, khi lãnh chúa Fukuda Sadatomo đến chùa Kiến Trường để dự lễ. Ông gặp sư Saikan trong một căn phòng, bất ngờ trong phòng ấy có một bức tranh vẽ Rei Shojo, một người đẹp đương thời của triều đại nhà Tống. Lãnh chúa hỏi sư:
- Đó là ai?
Sư đáp:
- Người ta nói không ngờ đó là Rei Shojo.
Sadatomo ngắm bức tranh một cách ngưỡng mộ và nói:
- Tranh đó được vẽ như có thần lực và còn cực kỳ hiến dâng. Người đàn bà đó có phải hiện giờ ở nước Tống không?
Sư đáp:
- Ở Tống, ngài muốn nói gì? Hiện giờ ở đây, tại Nhật này.
Nhà quí tộc hỏi:
- Ở đâu thế?
Sư hét to:
- Lãnh chúa Sadatomo!
Nhà quí tộc nhìn lên.
Sư nói:
- Ở đâu thế ?
Sadatomo lãnh
hội được yếu chỉ, bái tạ.
(Thiền
và Đạo Thuật)
268. TIẾNG HÉT CỦA TODEN
Yoriyasu là một samurai tự phụ và hiếu chiến. Vào mùa xuân năm 1314, anh ta được thuyên chuyển từ Kofu đến Kamakura, ở đây anh ta đến viếng Toden, vị sư thứ 45 ở chùa Kiến Trường, để hỏi Thiền.
Sư Toden nói:
- Ấy là trực tiếp biểu hiện Hành Động Vĩ Đại trong trăm mối quan tâm về cuộc sống. Khi nó trung như một samurai, ấy là trung của Thiền. Trung viết theo chữ Hán là kết hợp chữ “trung” và chữ “tâm”, vậy nó có nghĩa ông chủ ở giữa con người. Phải là không phiền não sai lầm. Nhưng hôm nay lão tăng đây nhìn chiến sĩ, có kẻ trung tâm nghiêng về danh và tiền, có kẻ nghiêng về rượu và sắc dục, và có kẻ nghiêng về quyền lực và can đảm. Tất cả bọn họ đều ở trên những cái dốc đó, và không thể có tâm trung. Làm sao họ có thể trung đối với quốc gia? Nếu ông, thưa Ngài, muốn tu Thiền, trước hết hãy tu trung, và đừng trượt chân vào dục vọng sai lầm.
Chiến sĩ nói:
- Trung của chúng tôi là Hành Động Vĩ Đại trực tiếp trên chiến trường. Chúng tôi cần sự thuyết pháp của nhà sư để làm gì?
Sư đáp:
- Ngài là một anh hùng trong tranh biện, tôi là kẻ thanh nhã hòa bình--chúng ta có thể không có gì để nói với nhau.
Lúc ấy chiến sĩ rút kiếm ra, nói:
- Trung ở trong lưỡi kiếm của anh hùng, nếu thầy không biết điều này thì chẳng nên nói đến trung.
Sư đáp:
- Lão tăng đây có kiếm báu Vua Kim Cương, nếu ông không biết nó, chớ nên nói đến trung.
Chiến sĩ nói:
- Trung của Kiếm Kim Cương -- thứ đó dùng làm gì trong chiến đấu thật sự?
Sư liền nhảy tới hét lên một tiếng Katsu!, khiến chiến sĩ hoảng hốt đến độ mất hết ý thức. Sau đó một chút, sư lại hét nữa và chiến sĩ liền bình phục.
Sư nói:
- Trung trong lưỡi kiếm của anh hùng, ở đâu rồi? Nói!
Kinh hãi quá, chiến sĩ xin lỗi rồi rút lui.
(Thiền và Đạo Thuật)
269. THANH KIẾM GIẤY
Vào năm 1331, khi Nitta Yoshisada đang đánh Hojo Sadatoki, một viên chức hộ vệ chính của dòng họ Bắc Điều tên là Sakurada, bị giết. Vợ của ông ta là Wasa muốn cầu nguyện cho người quá cố, bà cắt tóc vào chùa Đông Khánh làm ni cô pháp danh là Shotaku. Bà đã nhiều năm hiến mình cho Thiền dưới sự chỉ dạy của vị sư thứ 17 của chùa Viên Giác, và cuối cùng đã trở thành ni sư thứ ba của chùa Đông Khánh. Vào tuần nhiếp tâm Lạp Bát (mồng 8 tháng 12) năm 1339, sau cuộc tham vấn chiều với sư chùa Viên Giác, khi bà đang trên đường về nhà thì một người đàn ông cầm kiếm thấy bà, bị sắc đẹp của bà quyến rũ. Hắn dùng kiếm đe dọa và đến cưỡng hiếp bà. Ni sư liền lấy một tờ giấy ra, cuộn lại và đâm vào mắt người đàn ông như một lưỡi kiếm. Hắn không còn đánh được và hoảng sợ quá đỗi vì sức mạnh tinh thần của ni sư. Hắn quay đầu bỏ chạy và ni sư bồi thêm một tiếng hét Yaa!, đánh hắn bằng thanh kiếm giấy. Hắn té, rồi chạy trốn.
(Thiền và Đạo Thuật)
270. ĐẤT TRỜI TAN VỠ
Tadamasa, một viên chức hộ vệ lâu năm của quan nhiếp chính Bắc Điều Cao Thời, có pháp danh là An Sơn. Ông ta là một tín đồ mẫn nhuệ của Thiền, đã tới lui thiền đường dành cho nam cư sĩ ở chùa Kiến Trường trong hai mươi ba năm. Vào năm 1331, khi đánh nhau xảy ra khắp nơi, ông ta bị thương và chạy như bay đến chùa Kiến Trường để gặp Sosan, vị sư thứ 27 của chùa. Lúc đó chùa đang có Trà thang (Cha no yu). Sosan thấy người đàn ông mặc áo giáp đến, liền để một tách trà phía trước ông ta, nói:
- Cái này thế nào?
Chiến sĩ lập tức dẫm nát cái tách trà dưới chân và nói:
- Trời đất cùng tan vỡ.
Sư nói:
- Khi trời đất tan vỡ thì ông thế nào?
An Sơn đứng thẳng hai tay khoanh trước ngực. Sư đánh ông ta và ông ta miễn cưỡng kêu lên vì các vết thương bị đau.
Sư nói:
- Trời đất vẫn chưa hoàn toàn tan vỡ.
Tiếng trống vang lên từ trại lính phiá núi bên kia và Tadamasa chạy thật nhanh về trại. Sáng hôm sau, ông ta trở lại chùa, mình dính đầy máu, để gặp sư. Sư bước ra, lại nói:
- Khi trời đất tan vỡ thì ông thế nào?
An Sơn nương mình lên thanh kiếm đẫm máu, hét một tiếng Yaa! lớn rồi chết đứng trước mặt sư.
(Thiền và Đạo Thuật)