Phần Iii Những Tư Liệu Lịch Sử Và Bán Lịch Sử Do Pháp Hiển Ghi Lại

10/10/201012:00 SA(Xem: 20481)
Phần Iii Những Tư Liệu Lịch Sử Và Bán Lịch Sử Do Pháp Hiển Ghi Lại

PHÁP HIỂN, NHÀ CHIÊM BÁI
Thích Minh Châu (1963) Thích Nữ Trí Hải dịch Việt (1997)
Nguyên tác: Thich Minh Chau (1963), "Fa-Hsien, The Unassuming Pilgrim", Nalanda, India Bản dịch Việt ngữ: "Pháp Hiển, Nhà Chiêm Bái",
Thích Nữ Trí Hải dịch Việt (1997), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Thiền viện Vạn Hạnh, Phú Nhuận, Sài Gòn.

Phần III

Những tư liệu lịch sử và bán lịch sử
do Pháp Hiển ghi lại


1. Lịch sử và huyền thoại về đời Phật

Một bằng chứng sự cống hiến giá trị của Pháp Hiển cho lịch sử Phật giáochúng ta có thể căn cứ vào những tư liệu cung cấp trong ký sự của Ngài để viết lại lịch sử đức Phật. Không những ngài đã viếng thăm tất cả những địa điểm quan trọng liên hệ đến những hoạt động chính của Phật, mà ngài cũng không quên ghi lại những nơi trở thành Thánh địa nhờ sự hiện diện của đức Thế Tôn, và kể lại những giai thoại hay huyền thoại thuộc về vài khía cạnh của đời Phật. Những dữ kiện rải rác khắp ký sự của ngài cung cấp cho chúng ta đầy đủ tư liệu để khôi phục những giai đoạn chính trong cuộc đời của nhà sáng lập Phật giáo.

A. Đản sanh

Giấc mộng của Hoàng hậu Ma-gia và sự đản sanh của Phật tại vườn Lâm tỳ ni được chứng minh bằng những đoạn văn: "Trong cung điện cũ cuả vua Suddhodana [Tịnh Phạn], có hình ảnh của bà mẹ Thái Tử, với Thái Tử cỡi voi trắng vào thai mẹ" (c: 4a, 18-19). "Cách 50 dặm về phía Đông đô thành, có một vườn thượng uyển tên Lumbini [Lâm-tỳ-ni]. Hoàng hậu tắm xong từ bờ phía Bắc đi ra khỏi ao tắm bước 20 bước, đưa tay vin một cành cây, và trong khi mặt day về phương Đông, bà sinh Thái Tử. Khi Thái Tử xuất hiện trên đất, ngai bước đi 7 bước và được hai Long vưong tắm rửa. Nơi ngài tắm biến thành một cái giếng. Những tu sĩ thường đến uống nước trong giếng này, và trong ao" (c: 4b, 2-4).

B. Thiếu thờituổi trẻ

Tuổi thơ của Thái tử, một vài việc quan trọng lúc thiếu thời của ngài, khát vọng của ngài sống đời cao thượng được mô tả trong đoạn sau đây: "Ở đây cũng là những nơi A-tư-đà xem tướng thái tử, nơi thái tử cùng Nan-đà và những vị khác thắng một con voi và bắn tên. Một mũi tên được bắn ra từ đây bay về phưong Tây Nam cách 30 dặm, xuyên xuống đất khiến một dòng suối chảy lên. Người sau đã đào tại đấy một cái giếng cho người đi đường uống" (c: 4a, 19-20). "Cách thành vài dặm về phía Đông Bắc là một thửa ruộng của hoàng gia, nơi Thái tử đã ngồi dưới cây ngắm nhìn những người cày ruộng" (c: 4b, 2).

C. Xuất giatu khổ hạnh

Những đoạn sau đây tả Thái tử lần đầu tiên tiếp xúc cuộc đời, sự xuất gia tu khổ hạnh của ngài:

"Một ngôi tháp được xây dựng tại chỗ Thái tử ra cổng Đông thành, trông thấy một người ốm và bảo người đánh xe quay về". (c: 4a, 19).

"Từ tu viện Sràmanera đi về phía Đông cách 3 do-tuần là nơi Thái Tử bảo Xa-nặc quay xe bạch mã trở về" (c: 4b. 11).

"Đi về Phía Nam 20 dặm, họ đến một nơi ngày xưa Bồ tát tu khổ hạnh trong 6 năm. Chỗ này là một rừng cây gỗ" (c: 6a, 2-3).

"Lại đi 2 lý về phía Bắc, họ đến một nơi ở đấy cô gái Gramika dâng cháo sữa cúng Phật" (c: 6a, 3-4).

"Từ nơi này đi thêm 2 dặm về phía Bắc, họ đến một nơi ngày xưa Phật đã ngồi trên tảng đá dưới gốc cây để dùng cháo ấy, mặt hướng về phương Đông" (c: 6a, 4).

"Từ chỗ này đi thêm nữa do-tuần ề phía Đông Bắc, họ đến một hang đá. Nơi đây đức Bồ tát đã ngồi kiết-già mặt hướng về Tây, nghĩ rằng nếu ngài sẽ thành Phật thì hãy có vài phép lạ hiện ra. Khi ấy trên vách đá liền xuất hiện một cái bóng của Phật cao chừng 3 tấc. Ngay cả bây giờ, cái bóng ấy vẫn còn hiện rõ.

Lúc ấy, trời đất rung chuyển mạnh, và chư Thiên trong không trung nói: "Đây không phải chỗ mà chư Phật quá khứ vị lai sẽ đạt giác ngộ. Từ đây đi về phía Tây Nam chưa đến nửa do tuần, dưới một cây bối đa, là nơi mà chư Phật quá khứ vị lai đạt thành Chánh Giác". Nói xong chư Thiên ca hát đi trước dẫn đường; Bồ tát đứng dậy đi theo".

"Ba mươi bước cách cây ấy, chư Thiên dâng cúng ngài một ít cỏ cát tường và đức Bồ-tất đã nhận lấy. Ngài bước thêm 15 bước, bỗng có 500 con chim xanh bay đến liệng quanh ngài 3 vòng rồi bay đi. Đức Bồ Tát đến trước cây pattra [Bối đa] trải cỏ cát tường và ngồi xây mặt về hướng Đông. Vào lúc ấy Ác ma sai 3 cô gái đẹp từ hướng Bắc đến cám dỗ ngài, còn chính ông ta thì đến từ hướng Nam để thách thức Bồ Tát. Ngài ấn mũi chân trên đất thì đạo quân ma bỏ trốn, còn 3 cô gái biến thành những bà già" (c: 6a, 5-9).

"Ngưòi đời sau đã dựng những tháp và hình ảnh còn tồn tại đến ngày nay tại nhưng nơi sau đây:

- Nơi Phật sau khi giác ngộ, trải qua 7 ngày ngắm cây và thưởng thức đại lạc giải thoát.
- Nơi Đức Phật kinh hành từ Đông sang Tây dưới gốc cây bối-đa.
- Nơi chư Thiên hóa hiện một điện thờ làm bằng 7 báu để dâng Phật trong 7 ngày.
- Nơi con rắn mù mucilinda quấn quanh Phật trong 7 ngày.
- Nơi đức Phật ngồi trên một tảng đá vuông dưới cây Ni-câu-luật, mặt hướng về Đông, khi Phạm thiên đến thỉnh Ngài thuyết pháp.
- Nơi bốn vua Trời [Tứ thiên vương] dâng cúng Ngài cái bát.
- Nơi 500 người buôn dâng cúng Ngài bột và mật" (c: 6a, 9 - 11).

E. Đức Phật du hóa thuyết pháp

Bài pháp đầu tiên của Phật cho 5 vị Tỳ-kheo, sự cải hóa 3 anh em Ca-diếp, và một vài giai đoạn quan trọng trong cuộc du hóa của Ngài được Pháp Hiển kể lại, theo địa điểm như sau:

a) Tại Sarnath:

"Cách chừng 10 dặm về phía Đông Bắc thành Vàrànasi [Ba-la-nại] trong tinh xá Kỳ Viên, khởi thủy có một vị Độc Giác sống và thường có nai hoang lui tới. Khi Đức Thế Tôn sắp thành Phật, chư Thiên trên trời loan báo: "Thái tử của vua Tịnh Phạn, người từ bỏ đời sống gia đình để thực hành Chánh Pháp, 7 ngày nữa sẽ thành Phật". Vị Độc Giác Phật sau khi nghe thế bèn nhập Niết Bàn, do vậy nơi này được gọi là vuờn Nai của cac vị Tiên nhân. Sau khi đức Phật thành Chánh Giác, người đời sau dựng một tinh xá tại đây." (c: 6b, 9-11).

"Đức Phật muốn độ cho Kiều-Trần Như và 4 người bạn đồng tu. Cả 5 vị này bảo nhau, ẩn sĩ Gotama đã thực hành khổ hạnh trong 6 năm, chỉ ăn mỗi ngày một hột mè và một hột gạo mà vẫn không thể đạt thành Chánh Giác. Thế mà bây giờ lại đi vào trong nhân gian, buông thả thân miệng ý, thì làm sao đạt chân lý được? Khi anh ta đã đến; chúng ta đừng nói chuyện với y. Nhưng khi Đức Phật đến gần thì cả 5 người đều đứng lên thi lễ" (c: 6b, 11 - 13).

"Lại đi thêm 60 bước về phía Bắc họ đến một nơi ở đấy ngày xưa đức Phật đã ngồi xoay mặt về hướng Đông mà chuyển hóa độ 5 anh em ông Kiều Trần Như" (c: 6b, 13),

"Hai mươi bước từ nơi này đi về hướng Bắc, là nơi mà đức Phật đã tiên đoán tương lai của Bồ tát Di-lặc" (c: 6b, 13).

"Năm mươi bước về phía Bắc nơi này, là chỗ mà con rồng Y-bát-la đã hỏi Phật: "Khi nào thì con có thể thoát thân rồng?" (c: 6b 13-14).

b) Tại Gayà:

"Nơi Đức Phật độ cho ba anh em Ca-diếp và 1000 đệ tử của họ" (c: 6a, 11 - 12).

c) Tại Pàtaliputra [Ba-liên-phất].

"Từ chỗ này (đô thị Địa Ngục) về phía Đông Nam 9 do-tuần, có một ngọn núi nhỏ đứng cô đơn, trên đỉnh có một hang đá. Trong cái hang này Đức Phật đã từng ngồi xoay mặt về hướng Nam. Trời Đế Thích phái nhạc công cõi trời là Pancasikha [Pan Che] đến thổi sáo cho Phật nghe và hỏi Phật về 42 điểm. Đức Phật làm dấu mỗi câu hỏi bằng một vạch trên đá với ngón tay của Ngài. Những dấu ấy nay vẫn còn" (c: 5b; 5-6).

"Đi về phía Tây dọc sông Hằng 10 do tuần. Pháp Hiển đến một tu viện tên Anavi (Hoang Dã) Đức Phật đã từng sống ở đấy" (c: 6b; 8-9).

d) Tại Xương Xá:

"... Đấy là nơi Ni-kiền-tử đào một hố lửa và dọn cơm độc để hại Phật, nơi A-xà-thế phục rượu cho voi đen say để hại Ngài" (c: 5b, 9-10).

"Ở khúc quanh về phía Đông Bắc đô thị, là nơi Jìvaka [Kỳ-bà] dựng một tu viện trong vườn xoài để dâng cúng Phật và 1250 đệ tử" (c: 5b, 10).

"Không đầy 3 dặm từ đỉnh núi Linh Thứu, có một hang đá hướng về Nam. Ngày xưa đức Phật đã ngồi Thiền ở đấy. Phía Tây Bắc, cách 30 bước có một hang đá khác. Một hôm trong lúc A-nan ngồi Thiền tại đây, Ma vương Pisuna hóa làm con chim Thứu đến khủng bố Tôn giả. Đức Phật đã duỗi tay xuyên qua đá mà vỗ vai A-nan. Nỗi sợ hãi của Tôn giả liền tiêu tan" (c: 5b, 11-12)

"Một lần khi đức Phật đang kinh hành theo hướng Đông Nam trước hang đá của Ngài, Đề-bà-đạt-đa từ hướng Bắc của mỏm núi đã lăn đá xuống làm chảy máu chân Phật (c: 5b, 13-14).

"Ngày xưa đức Phật giảng Kinh Lăng Nghiêm tại núi Linh Thứu" (c: 5b, 15).

"Cách 300 bước về phía Tây của Nan Sơn, có một hang đá tên là Pippala nơi Đức Phật thường ngồi Thiền sau bữa ăn" (c: 5b, 17-18).

e) Tại Ca-tỳ-la-vệ:

Những ngôi tháp đã được xây dựng tại những chỗ sau đây: "Nơi Phật về thăm thân phụ sau khi thành Chánh Giác; nơi 500 người con trai dòng Thích Ca xuất gia đến đảnh lễ Ưu-ba-ly; vào lúc ấy quả đất rung động 6 lần; nơi Đức Phật giảng pháp cho chư Thiên với Tứ thiên vương canh giữ bốn cửa để ngăn vua Tịnh Phạn đi vào; nơi Đức Phật ngồi dưới cây Ni-câu-luật xoay mặt về Đông lúc bà Mahàpàjapati [Ma-ha-ba-xà-ba-đề, Đại Ái Đạo] cúng Ngài y Tăng-già-lê. Cây ấy hiện nay vẫn còn. Tại đây cũng có một cái tháp dựng lên tại chỗ vua Lưu Ly tàn hại con cháu dòng Thích Ca, những người này đã đắc Sơ quả Tu-đà-hoàn" (c: 4a, 30; 4b, 1-2).

f) Ở Ô-trường [Udyàna]:

"Theo truyền thuyết, khi đức Phật viếng thăm miền Bắc Ấn Độ. Ngài đã viếng xứ này.Ngài để lại dấu chân ngắn dài tùy tâm trí người nhìn. Dấu chân này hiện nay vẫn còn. Người ta còn thấy được tảng đá trên đó Ngài đã phơi áo, chỗ Ngài đã cải hóa một con rồng dữ..." (c: 2a, 1-2).

g) Ở Phất-lâu-sa [Purushapura]:

"Xưa đức Phật cùng chúng đệ tử đã du hành trong xứ này. Ngài đã nói với A-nan: "Sau khi ta nhập Niết Bàn, một vị vua tên Kanishka [Ca-nị-sắc-ca] sẽ xây một cái tháp ở đây" (c: 2a, 8-9).

h) Tại Na-kiệt [Nagarahàra]:

"Cách thành Nagarahàra nửa do tuần về phía Nam, hướng Tây Nam ngọn núi, có một hang đá nơi đức Phật đã để lại cái bóng của Ngài" (c: 2b, 6).

"Chừng 100 bước vè phía Tây của hang Bóng Phật, là nơi Đức Phật đã cạo tóc và cắt móng tay. Ngài đã đích thân cùng các đệ tử xây một cái tháp cao 70-80 bộ để làm mẫu cho những cái tháp tương lai. Tháp này hiện nay vẫn còn" (c: 2b, 8).

i) Tại Tăng-già-thi [Sankàsya]:

"Từ đây họ du hành 18 do-tuần về phía Đông Nam thì đến một xứ gọi là Sankàsya nơi đức Phật đã xuống từ cõi trời 33 sau khi lên trời giảng pháp cho mẹ trong 3 tháng. Đức Phật đã vân thần thông lên trời nên chúng đệ tử không biết được việc ấy. Bảy ngày sau ngài rút phép thần thông. Anuraudha [A-na-luật] với thiên nhãn đã thấy được đức Thế Tôn nên bảo Mục-kiền-Liên: "Hiền giả hãy đi đảnh lễ đức Thế Tôn" Mục-Kiền-Liên bèn đi đến nơk, cúi đầu dưới chân Phật và kính chào Ngài. Sau đó đức Phật bảo Mục-kiền-liên, 7 ngày sau ta sẽ trở xuống Diêm-phủ-đề. Mục-kiền Liên liền trở về cõi đất. Bấy giờ vua của 8 nước cùng đại thần và dân chúng đã lâu không thấy Phật nên rất nóng lòng yết kiến Ngài, họ tụ lại như mây tại xứ này để chờ Ngài trở về. Khi ấy một Ni cô tên là Utpala nghĩ: "Nay các vua quan và quần chúng ai cũng chờ đón đức Phật. Là một nữ nhân làm sao ta có thể thấy được Ngài trước tiên?". Cô liền hóa phép tự biến thành một vua. Chuyển luân nên được yết kiến Đức Phật trước tiên".

Huyền Trang cũng nói đến việc này nhưng ít chi tiết hơn; ngài đã bỏ bớt vai trò A-na-luật và Mục Kiền Liên, và bỏ chuyện A-dục vương làm những cái thang. Trong ký sự của Huyền Trang, 3 cái thang được trời Đế Thích làm ra, giữa bằng vàng, cái bên trái bằng pha lê và bên phải bằng bạc . Ngài kể rằng nhiều thế kỷ về trước, những cái thang vẫn còn, nhưng bây giờ đã biến mất. Bởi thế những vương tử ở vùng lân cận đã xây 3 cái thang bằng gạch và đá, mỗi cái cao 70 bộ. Trên nóc những thang ấy họ dựng một tinh xá [Vihara, Tòng Lâm]. Tại đây A-dục vương đã xây một trụ đá cao 70 bộ, trên đỉnh đặt một tượng sư tử. Huyền Trang cũng nói đến câu chuyện Ni Utpala nhưng với một kết thúc khác. Mặc dù bà hoá làm vua Chuyển luân, nhưng cũng không được thấy Phật trước tiên. Trong lúc ấy Tu-bồ-đề vẫn ngồi yên trong hang đá, nhưng nhờ liễu trí tánh không của vạn pháp với tuệ nhãn ngài đã thấy được pháp thân của Phật trước. Điều này được Phật xác nhận với Utpala khi Ngài từ trên trời trở xuống".

"Đức Thế Tôn từ cõi trời ba mươi ba xuống đất và làm xuất hiện một chiếc thang với 3 đường làm bằng châu báu. Phật xuống đường giữa làm bằng 7 báu. Phạm thiên hóa hiện một cái thang bằng bạc, tay cầm quạt lông theo hầu bên phải Phật. Vô số chư Thiên tháp tùng theo hầu Phật xuống đất. Khi Ngài xuống đến đất thì cả 3 cái thang biến mất trong đất, chỉ còn trồi lên bảy bực. Về sau vua A-dục muốn biết chiều sâu của những cái thang, đã cho người đào thử. Họ đào xuống đến hoàng tuyền mà cũng chưa tới đầu kia cái thang. Điều này càng làm cho vua thêm tín tâm, bởi thế ông đã xây một ngôi chùa trên những bực thang ấy. Trên cái thang giữa, ông đã đăt tượng Phật cao 16 bộ" (c: 3a, 8 - 15).

"Cách năm mươi do-tuần phía Bắc chùa Rồng, có một ngôi chùa gọi là Agnidagdha, tên một ác quỷ đã được Phật hóa độ" (c: 3b, 2-3)

j) Tại thành Kanyàkubja:

"Cách sáu bảy dặm phía Tây thành, trên bờ bắc sông Hằng, là nơi đất Phật giảng pháp cho chúng đệ tử. Theo truyền thuyết, Ngài đã giảng về vô thường khổ không, và dụ thân này với bọt nước' (c: 3b, 8-9).

k) Tại làng Hari:

"Họ vượt qua sông Hằng, đi bộ về hướng Nam do tuần thì đến làng Hari. Những ngôi tháp dựng tại những nơi Phật thuyết pháp, noơi Ngài kinh hành và ngồi thiền" (c: 3b, 9).

l) Tại Vaisàkha:

"Ở cổng Nam Thành này, phía Đông con đường, Phật có lần chà răng bằng cành dương xong, cắm nó xuống đất. Cành ấy mọc thành một cây cao bảy bộ, và từ đấy trở đi vẫn giữ chiều cao ấy không Tăng giảm. Ngoại đạo ganh ghét chặt phá, nhổ gốc quăng bỏ, nhưng cây khác lại mọc lên" (c: 3b, 10-11).

m) Tại Xá vệ:

"Khi Phật lên cung trời ba mươi ba để thuyết pháp cho mẹ trong ba tháng, vua pasenadi [Ba-tư-nặc] nhớ Phật, sai thợ khắc hình tượng Ngài bằng gỗ chiên-đàn và đặt tượng ngồi trên tòa của Phật. Về sau, khi Phật trở về, tượng bèn rời chỗ đi ra đón chào Ngài. Phât dạy: "Ngài cứ ngồi yên chỗ. Sau khi tôi nhập Niết bàn. Ngài sẽ làm mẫu mực cho bốn chúng đệ tử tạc tượng trong tương lai". Khi ấy tượng trở lại chỗ ngồi. Đây là pho tưọng Phật đầu tiên đã được tạc, và người đời sau lấy mẫu từ đó. Rồi đức Phật dời về một tu viện nhỏ khác ở phía Nam, cách chỗ của tượng tưởng chừng 20 bộ" (c: 3b, 15 - 17).

"Cách tinh xá 4 dặm về phía Tây Bắc là một khu rừng có tên Được Mắt. Ngày xưa 500 người mù sống tại đây, gần nơi Phật ở. Đức Phật đã giảng Pháp cho họ, và tất cả đều sáng mắt trở lại. Những người mù mừng rỡ cắm gậy vào đất và cúi đầu đảnh lễ Phật. Những cây gậy của họ mọc rễ và lớn lên cao. Dân chúng không dám chặt, bởi thế chúng thành một khu rừng có tên là rừng Được Mắt. Chư Tăng từ tinh Xá Kỳ Viên sau khi ngọ trai thưòng đến khu rừng này để ngồi Thiền" (c: 4a, 2 - 3).

"Từ 6-7 dặm về phía Đông Bắc của tinh xá Kỳ Viên là nơi bà Visàkha [Tỳ-xá-khư] đã dựng một tu viện để cúng Phật và chúng đệ tử, đến nay vẫn còn dấu tích ngôi chùa đổ nát" (c: 3a, 3 - 4).

"Tu viện Kỳ Hoàn có 2 cổng, một hướng về Đông, một hướng về Bắc. Ngôi vườn này là nơi ngày xưa trưởng giả Cấp Cô Độc lót vàng trên đất để mua. Hương thất của Phật đứng ở giữa. Đức Phật ở đây trong một thời gian khá dài, giảng dạy giáo pháp, cải hóa nhiều người, kinh hànhThiền Định. Khắp nơi đều có tháp kỷ niệm, mỗi cái có một tên riêng. Ở đây cũng là nơi ngoại đạo nữ tên Sundari [Tôn đà lợi] tự để cho đồng đạo giết để vu oan cho Phật" (c: 4a, 4-5).

"Từ phía cổng Đông của tinh xá đi 70 bước, phía Tây con đường là nơi ngày xưa đức Phật đã biện luận với 96 phái ngoại đạo. Vua, đình thần và cư sĩ tụ họp lại đây để nghe tranh luận. Một nữ ngoại đạo tên Cinca dã độn bụng một bó vải giả bộ có thai để phao vu cho Phật trước mặt chúng hội. Khi ấy trời Đế Thích biến thành con chuột trắng cắt dây độn bụng làm cho bó vải rơi xuống đất. Đất bèn mở ra chôn sống nàng" (c: 4a, 5-8).

"Đây cũng là nơi Đề-bà-đạt-đa tẩm độc móng tay để hại Phật và đã sa xuống địa ngục sống đang sống. Người đời sau đã ghi dấu những nơi này" (c: 4a, 8) "Cũng tại đây Đề-bà-đạt-đa có một toán đệ tử đảnh lễ 3 vị Phật quá khứ mà không lễ đức Phật Thích-ca" (c: 4a; 1-4).

"Phía Đông Bắc thành Xá-vệ cách 4 dặm là nơi vua Lưu Ly gặp Phật đứng bên vệ đường khi ông muốn khởi hành chinh phạt bộ tộc Thích-Ca" (c: 4a, 14-15).

n) Tại xứ Kausambi [Câu diệm bì]:

"Ngôi chùa ở đây tên gọi là Ghoshira [Cù-sư-la]; ngày xưa đức Phật đã sống ở đấy" (c: 5b, 15-16).

"Từ đây đi về phía Đông 8 do-tuần, là nơi đức Phật ngày xưa đã hàng phục một ác quỷ. Cũng tại đây Ngài đã sống, kinh hành, và ngồi Thiền" (c: 6b, 15-16).

o) Tại xứ Champa:

"Về phía Đông 18 do-tuần xuôi sông Hằng, ở phía bờ Nam có một xứ lớn gọi là Champà. Ở đây có tháp được xây trên di tích tu viện của Phật, nơi Ngài kinh hành, nơi Ngài Thiền định" (c: 7a 9-10).

p) Tại đảo Sư Tử:

"Có lần Đức Phật đã đến xứ này để hàng phục một con rồng dữ. Ngài dùng thần thông đặt một chân ở phía Bắc hoàng cung, chân kia đặt trên đỉnh núi. Hai dấu chân cách nhau 15 do-tuần" (c: 7a, 16).

q) Tại Tỳ-xá-ly:

"Về phía Bắc thành Tỳ-xá-ly là Giảng đường lầu trong khu Rừng Lớn, nơi đức Phật đã từng sống" (c: 4b, 15-16).

"Trong thành này, tín nữ Amràpali đã xây một ngôi tháp cúng Phật, hiện nay vẫn còn dấu tích" (c: 4b, 16).

"Cách đô thành 3 dặm về phía Nam, ở phía Tây con đường là nơi tín nữ Amràpali đã dâng cúng Phật một khu vườn và xây cho Ngài một tu viện" (c: 4b, 16-17).

F. Đức Phật nhập Niết bàn

Hành trình cuối cùng của Phật từ Tỳ-xá-ly đến Câu thi na, sự Niết bàn của Ngài, sự hỏa thiêu Xá-lợi được kể lại trong những đoạn sau đây:

a) Tại Tỳ-xá-ly:

"Bên cạnh tháp Buông Cung Gậy, đức Phật bảo A-nan: 3 tháng nữa Như Lai sẽ nhập Niết Bàn, A-nan bị ma ám đã không thỉnh cầu Phật lưu lại đời thêm nữa" (c: 5a, 4-5).

"Khi thời gian Niết bàn của Ngài đã gần kề, đức Phật cùng các đệ tử ra khỏi thành Ty-xá-ly hàng cổng phía Nam. Ngài xoay mình v62 bên phải nhìn thành Tỳ-xá-ly mà bảo các đệ tử: Đây là nơi cuối cùngNhư Lai viếng thăm. Người đời sau đã dựng ngôi tháp tại chỗ này" (c: 4b, 17-18).

"Từ chỗ này họ đi thêm 12 dặm về phía Đông Nam, và gặp địa điểm ở đó những người dòng họ Licchavi [Lê-xa] mong muốn tiễn đưa Phật đến nơi Ngài nhập Niết-bàn. Nhưng Phật không bằng lòng và họ cũng không chịu trở lui. Đức Phật bèn hóa hiện một cái hố sâu trước mặt, làm họ không qua được. Rồi Ngài cho họ cái bát khất thực để kỷ niệm và bảo họ lui về. Một ưu đá có khắc bia được dựng tại nơi này". (c: 4b, 14-15).

b) Tại Câu-thi-na:

"Đi thêm 12 do-tuần về phía Đông, họ đến thành Câu-thi-na. Về phía Bắc thành này, giữa hai cây sala bên bờ sông Ni-liên, đức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn chỗ này, đầu hướng về phương Bắc" (c: 4b, 12-13).

"Tháp và chùa được dựng tại những nơi như sau:

- Nơi Subhadra [Tu-bạt-đà-la] đệ tử cuối cùng của Phật gia nhập Tăng đoàn.
- Nơi đức Thế Tôn nằm trong một quan tài bằng vàng và nhận cúng dường trong 7 ngày.
- Nơi Vajrapàni [Kim Cương Thủ] đặt khí giới bằng vàng xuống.
- Nơi 8 vua chia nhau Xá Lợi của Phật" (c: 4b, 12-13).

 

2. Những tiền thân của Phật

Trong Phật Quốc Ký, Pháp Hiển đã kể lại chuyện tiền thân của Phật:

"Từ đây (chùa thờ xương sọ Phật) đã về phía Bắc một do-tuần, thì đến thủ đô nước Na Kiệt [Nagarahàra]. Đây là nơi đức Bồ Tát đã mua 5 cái hoa để dâng cúng đức Phật Samàdhiprabhà [Định Quang]" (c: 2b; 3-4).

"Ngày xưa Đế Thích muốn thử Bồ Tát, đã hóa làm diều hâu quắp bồ câu, và dụ Bồ tát cắt thịt để chuộc bồ câu. Sau khi đạt giác ngộ ngang qua chỗ ấy (Suvastu - Tú-ha-đa) Phật đã nói với chúng Đệ Tử: "Đây là nơi mà ngày xưa Ta đã cắt thịt để chuộc bồ câu" (c: 2a, 3-4) "Lại Bồ tát đã bố thí mất. Một bảo tháp trang trí bằng vàng được xây trên chỗ này" (c: 2a, 5).

"Khi Đức Phật còn là Bồ Tát, ngài đã bố thí đầu tại chỗ này, do đó chỗ này có tên là Cắt Đầu (Takshasilà - Trúc-sát-thi-la)" (c: 2a, 6).

"Ba dặm về phía Tây Bắc thành Tỳ-xá-ly có một ngôi tháp gọi là Buông Cung Kiếm, Tháp có tên như vậy vì câu chuyện sau đây:

"Trên thượng lưu sông Hằng có một xứ do một ông vua cai trị. Một bà thứ phi của vua sinh một bào thai kỳ dị. Hoàng hậu do ganh tị nên bảo: "Ngươi đã sinh một điểm xấu". Rồi bà ra lệnh bỏ bào thai vào một hòm gỗ ném xuống sông Hằng. Ở hạ lưu sông Hằng có một ông vua khác đang ra ngoài dạo chơi. Trông thấy chiếc hòm nổi trên dòng sông, ông mở ra thì thấy 1000 bé trai xinh đẹp. Vua đem về nuôi, chúng trở thành những thanh niên lực lưỡng đánh đâu thắng đó. Sau đó họ đến tấn công vương quốc của người cha đang hết sức lo lắng buồn khổ. Bà thứ phi hỏi nguyên nhân, vua bảo: "Ông vua xứ kia có 1000 vương tử bách chiến bách thắng sắp kéo đến đánh nước ta. Do đó mà ta sầu não" Thứ phi nói "Hoàng thượng đừng lo. Xin dựng một tòa tháp cao cho tôi lên, tôi sẽ hàng phục được chúng". Nhà vua làm theo yêu cầu. Khi quân địch kéo đến, bà thứ phi lên đỉnh tháp gọi: "Hỡi các con trai của ta, sao dám phản nghịch". Quân giặc nói: "Con cái hồi nào? Bà nói bậy". Thứ phi nói: "Nếu các ngươi không tin ta, hãy nhìn lên đây mà hả miệng ra". Tức thì bà nặn ngực mình với hai bàn tay, và từ mỗi bầu vú bà tuôn ra 500 tia sữa rơi tuốt vào trong miệng của 1000 đứa con trai. Khi nhận ra đấy là mẹ mình, họ bèn buông gậy xuống. Hai vua trầm tư về việc này và trở thành những vị Phật Độc Giác này hiện nay vẫn còn. Về sau khi Đức Thế Tôn thành Phật, Ngài đã bảo đệ tử: "Đây là nơi ngày xưa ta đã buông cung kiếm. Người đời sau biết như vậy bèn xây tháp trên chỗ ấy và đặt tên theo đó. Một ngàn người con trai ấy chính là 1000 vị Phật trong Hiền kiếp [Bahadra Kalpa]" (c: 4b, 18-20; 5a, 1-4).

 

3. Các đức Phật khác và các vị A-la-hán

Không những chúng ta có thể viết lại đời sống của Phật Thích Ca nhờ những tài liệu trong tập Ký sự của Pháp Hiển, mà qua đó ta còn có thể biết thêm vài điều về ba vị Phật trước Phật Thích Ca, về Phật Di Lặc, về một vài vị Độc giácLa Hán.

1- Bốn đức Phật:

"Còn có tháp tại những nơi ba vị Phật quá khứ và đức Thích Ca đã ngồi thiền hoặc kinh hành " (c: 3a, 18).

"Lại nữa, ở đây (nước Vaisàkha) cũng là những nơi mà bốn đức Phật đã từng đi và ngồi. Dấu tích của tháp hiện vẫn còn đến ngày nay". (c: 3b, 11).

"Trước hang động (trên đỉnh Linh Thứu, là chỗ mà bốn đức Phật đã từng ngồi (c: 5b - 13).

"Tháp được dựng lên tại chỗ mà bốn đức Phật đã ngồi [Ở Champà]" (c: 7a, 10).

2- Đức Phật Câu-lưu-tôn:

"Từ thành Xá vệ đi thêm 12 do-tuần về phía Đông Nam, họ đến một thành phố tên Napika. Đây là nơi Đức Phật Krakucchanda [Câu-lưu-tôn] đản sinh, gặp thân phụnhập Niết bàn. Những nơi này cũng có tháp được xây lên" (c: 4a, 16-17).

3- Phật Câu-na-hàm-mâu-ni:

"Từ chỗ này đi về phía Bắc không đầy một do tuần, họ đến một thành phố nơi đức Phật Kanakamuni [Câu-na-hàm-mâu-ni] đản sinh, gặp thân phụnhập Niết Bàn; cũng có tháp xây tại những nơi này" (c: 4a, 17).

4- Phật Ca diếp:

"Cách thành Xá vệ 50 dặm về phía Tây họ đến một thành phố tên Tadwa, nơi đức Phật Ca-diếp đản sanh, gặp thân phụnhập Niết Bàn Niết-Bàn. Những nơi này cũng có tháp được xây lên" (c: 4a, 16-17).

"Một ngôi đại tháp cũng được xây dựng trên Xá lợi của toàn thân Phật Ca-diếp". (c: 4a, 16).

"Ở đây có một ngôi chùa của Phật Ca-diếp ngày xưa được khắc trong núi đá, có 5 tầng. Dưới cùng là hình con voi có 500 hang đá; tầng hai có hình sư tử với 400 hang; tầng ba hình ngựa với 300 hang, tầng 4 hình bò với 200 hang và tầng 5 hình chim bồ câu với 100 hang. Trên đỉnh núi có dòng nước chảy xuống lượn quanh các hang đá qua một đường vòng cho đến khi xuống tầng thấp nhất mà ra đến cổng. Rải rác đó đây có một khe hở luồn qua các hang đá khiến cho ánh sáng lọt vào, không một xó góc nào bị chìm trong bóng tối. Bốn góc mỗi hang đá đều có những bực cấp. Người này nay nhỏ thó, phải dùng những bực cấp này để leo lên đỉnh, nhưng những người xưa chỉ cần bước một bước là lên tới. Do điều này, ngôi chùa được gọi là Po lo yuch. Po lo yuch tiếng Ấn độ nghĩa là bồ câu. Có những người xưa chỉ cần bước một bước là lên tới. Do điều này, ngôi chùa được gọi là Po lo yuch. Po lo yuch tiếng Ấn Độ nghĩa là bồ câu. Có những vị La-hán sống ở đây" (c: 6b, 16-20).

5- Phật Di Lặc:

"Tại xứ này (Darada - Đà lịch), có một vị La hánthần thông đã đưa một nhà điêu khắc lên cõi trời Đâu suất quan sát hình dung của Phật Di-lặc để về tạc tượng. Sau khi lên trời Đâu suất ba lần, thợ điêu khắc đã hoàn thành pho tượng cao 80 bộ đáy rộng 80 bộ, thường phát quang vào những ngày Bồ-tát. Vua chúa các nước tranh nhau lễ bái cúng dường, đến nay tượng vẫn còn tại nước Darada (c: 1b, 13-15).

"Hai mươi bước từ nơi này (chỗ Phật thuyết phát cho 5 Tỳ-kheo đầu tiên) là nơi đức Phật đã tiên đoán tương lai Di-lặc". (c: 6b, 13).

6- Độc giác.

"Có một ngôi chùa có 600-700 Tỳ-kheo. Đây là nơi ngày xưa một vị Độc Giác đã nhập Niết bàn. Địa điểm này lớn bằng cái bánh xe. Cỏ mọc khắp nơi nhưng không mọc ở nơi này. Tại nơi ngày xưa Ngài đã phơi áo, cỏ cũng không mọc. Những lằn y vẫn còn hiện rõ" (c: 3b, 6-7).

"Khi hai vị vua trầm từ về sự cố 1000 vương tử đã buông bỏ khí giớinhận ra mẹ mình, họ đều trở thành Độc Giác. Ngày nay tháp của hai vị Độc Giác này vẫn còn" (c: 5a, 3)

"Chừng 10 dặm về phía Đông Bắc thành Vàrànasi [Ba-la-nai] là di tích Vưòn Nai. Khởi thủy có một vị Độc Giác sống trong vườn này, nơi thường có những con nai lui tới. Khi đức Thế Tôn sắp thành Chánh Giác, chư Thiên công bố: "Thái tử con vua Tịnh Phạn người đã từ bỏ đời sống gia đình để tu tập Pháp, 7 ngày nữa sẽ thành Phật". Sau khi nghe thế, vị Độc Giáp nhập Niết Bàn. Bởi thế nơi này được gọi là Vườn Nai cuả các Tiên nhân. Sau khi Đức Phật thành Chánh giác, người đời sau đã xây một tịnh xá tại đây" (c: 6b, 9-11).

7- La hán.

"Mỗi vị La hán có một hốc đá riêng để ngồi Thiền. Có tất cả 700 hốc đá" (c: 5b, 13).

"Sau khi mặt trời lặn, những vị La hán đến sống trong núi Kê Túc này (Kukkutapada). Hằng năm dân địa phương và tín đồ từ các nước đến đây để đảnh lễ ngài Ca-diếp. Nếu những người đến đây mà tâm còn hoài nghi, thì về đêm, những vị La hán sẽ xuất hiện bàn bạc với họ. Khi những hoài nghi của họ đã được giải tỏa, các vị ấy biến mất" (6b, 7-8).

4. Đệ tử của Phật

A. Tăng nicư sĩ

Từ ký sự của Pháp Hiển, chúng ta có thể thâu thập nhiều tài liệu liên hệ đến những đại đệ tử của Phật và những cư sĩ ngoại hộ trung kiên nhất của Ngài.

1. Ma-ha Ca-diếp:

"Đi từ đây về phương Nam chừng 3 dặm, họ đến một ngọn núi gọi là Kukkanapàda [Kê Túc]. Hiện tại, Ma-ha-ca-diếp đang ở trong núi này. Ngài làm cho chân núi nứt ra rồi đi vào trong. Lối vào bây giờ đã khép lại. Cách một khoảng khá xa, có một khe núi trong đó toàn thân Tôn giả Ca-diếp vẫn còn. Bên ngoài khe có đất mà ngày xưa Tôn giả đã dùng để rửa tay. Mỗi khi dân địa phương bị đau đầu, họ thường lấy đất này bôi vào chỗ đau thì liền khỏi. Sau khi mặt trời lặn, những vị La-hán đến ở trong núi. Hằng năm, người địa phương và dân mộ đạo từ các nước khác đến đây đảnh lễ ngài Ca-diếp. Ai còn nghi ngờ trong tầm, ban đêm những vị La-hán xuất hiện giải thích làm cho họ hết hoài nghi rồi biến mất" (6b, 5-8).

"Lại đi về phía Tây thêm 5 hay 6 dặm, bên phía Bắc ngọn đồi, phía có bóng mát, là hang Thất Diệp (Saptaparna). Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, có 500 vị La-hán kết tập kinh điển. Trong lúc họ tụng đọc, có 3 pháp tòa được dựng trên cao, trang hoàng đẹp đẽ. Xá-lợi-phất ngồi bên trái. Mục-kiền-liên ngồi bên phải. Trong 500 vị La-hán thiếu mất một người. Tôn giả Ma-ha-ca-diếp chủ tọa buổi kết tập trong khi Tôn giả A-nan bị đứng ngoài hang, không được gia nhập" (c: 5b, 18-19).

2. Xá lợi phất:

"Từ đây (mỏm núi cô đơn), họ đi về phía Tây Nam một do tuần, đến một khu làng tên gọi Nalo. Đây là nơi sinh của Tôn giả Xá-lợi phất, và Ngài cũng trở về đấy để nhập Niết Bàn. Có một ngôi tháp được dựng tại chỗ này, hiện nay vẫn còn" (c: 5b, 6-7).

"Đây là đô thành cũ của vua Bình-sa, Đông Tâyi dài 5,6 dặm và Bắc Nam 7,8 dặm. Đây là nơi Xá-lợi Phất gặp Asvajit lần đầu tiên" (c: 5b, 8-9).

3. Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên:

"Trong thời gian tụng đọc Kinh tạng, ba pháp tòa được dựng lên, trang hoàng đẹp đẽ, Xá-lợi-phất ngồi tòa bên trái, Mục Kiền Liên ngồi tòa bên phải" (c: 5b, 18-19).

4. Mục-kiền-liên, A-na-luật:

"Đức Phật lên cung trời Ba mươi ba bằng thần thông làm cho đệ tử không biết được. Sau 7 ngày Ngài thu hồi phép thần. Với thiên nhãn A-na-luật trông thấy đức Thế Tôn từ xa và bảo Mục-kiền-liên hãy đi đảnh lễ đức Thế Tôn. Mục-kiền-liên đi đến cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật. Sau khi chào hỏi, đức Phật bảo Mục-kiền-liên: "Bảy ngày nữa Như Lai sẽ xuống lại Diêm-phù-đề". Mục-kiền-liên bèn trở về quả đất" (c: 3a, 9-10).

5. A nan:

"Không đầy ba dặm cách núi Linh Thứu có một động đá. Một lần khi Tôn giả A-nan ngồi Thiền, Ác ma hóa làm một con chim thứu bay đến khủng bố ngài. Đức Phật dùng thần thông đưa tay xuyên qua đá vỗ vai Tôn giả, làm Tôn giả hết sợ". (c: 5b, 11-12).

"Ngày xưa, khi Phật đang đi trong xứ này (Purushapura) cùng với chúng đệ tử, Ngài bảo A-nan: "Sau khi Như Lai nhập Niết bàn, một Quốc vương tên Kanishka [Ca-nị-sắc-ca] sẽ xây tháp ở đây. (c: 2a, 8-9). Cạnh tháp Buông Cung Gậy, đức Phật bảo A-nan: "Ba tháng nữa Như Lai sẽ nhập Niết Bàn". A-nan bị ma ám nên đã không thỉnh Phật lưu lại ở đời. (c: 5a, 4-5) "Ma-ha-ca-diếp chủ tọa hội nghị kết tập trong khi A-nan đứng ngoài cửa động, không được thâu nhận" (c: 5b, 19). "Từ nơi kết tập kỳ 2) này, họ đi về phía Đông 4 do-tuần đến chỗ hợp lưu 5 dòng sông. Tôn giả A-nan đã đirên đường từ Ma-kiệt-đà đến Tỳ-xá-ly với ý định sẽ nhập Niết Bàn tại đấy. Chư Thiên bèn thông báo cho vua A-xà-thế. Vua xa giá đem quân đi theo ngài đến bên bờ sông. Những người dòng họ Licchavi [Lê-xa] thành Tỳ-xá-ly khi nghe Tôn giả sắp đến cũng ra bờ sông đón chào. Tôn giả A-nan sợ tiến tới thì vua A-xà-thế giận mà quay lui thì người Lê-xa buồn. Bởi thế Tôn giả bay lên giữa sông, dùng hỏa quang tam muội thiêu thân mà vào Niết bàn. Xá lợi của ngài được chia cho mỗi bên sông một phần. Sau khi nhận được Xá-lợi, vua hai nước về xây tháp" (c: 5a, 7-9).

"Phía Bắc thành Tỳ-xá-ly là giảng đường lầu trong khu rừng lớn, là nơi Đức Phật từng ở có ngôi tháp được xây trên nửa phần Xá-Lợi cuả A-nan" (c: 4b, 15-16).

6. Anh em Ca-diếp:

"Tháp được xây trên chỗ đức Phật đã cải hóa ba anh em Ca-diếp cùng một ngàn đệ tử của họ" (c: 6a, 11-12).

7. Kiều-trần-như và bốn bạn đồng tu:

"Đức Phật muốn hóa độ cho Kiều-trần-như và bốn bạn đồng tu. Họ bảo nhau "Sa-môn Cổ-đàm đã thực hành khổ hạnh, mỗi ngày chỉ ăn một hột mè và một hột gạo; thế mà bây giờ ông ta trở lại giữa thế gian, không chế ngự thân lời ý, thì làm sao đạt giác ngộ được. Kìa ông ta đang đến, ta đừng có nói chuyện với Cồ đàm". Nhưng khi Đức Phật lại gần, cả năm người đều đứng dậy thi lễ" (c: 6b, 11-13).

"Lại đi thêm 60 bước về phía Bắc, họ đến một nơi mà ngày xưa Đức Phật đã ngồi hướng về phía Đông để chuyển Pháp luân cho Kiều-trần-như và bốn bạn đồng tu" (c: 6b, 13).

"Đây là đô thành cũ của vua Bình-sa chiều dài từ Đông sang Tây 5-6 dặm, Bắc-Nam 8,8 dặm. Đây là nơi Xá-lợi-phất lần đầu tiên gặp Asvajit" (c: 5a, 8-9).

8. Ưu-ba-ly:

"... Tại chỗ 500 người con trai thuộc bộ tộc Thích Ca xuất giađảnh lễ Ưu-ba-ly, lúc ấy quả đất rung động 6 lần" (c: 4a, 20; 4b, 1).

9. Angulimala (Chuỗi Ngón Tay, Vô Não).

"Tại những nơi Vô Não đạt giác ngộ, nhập Niết Bàn và được hỏa táng, người đời sau đã dựng tháp thờ trong đô thành này (Xá-vệ) (c: 3b, 12-13).

10. Đề-bà-đạt-đa:

"Một lần, khi Đức Phật đang kinh hành, Đề-bà-đạt-đa từ trên mõm núi phía Bắc đã lăn đá xuống làm một chân Phật bị thương" (c: 5b, 13-14). "Cũng tại đây (Kỳ-đà-Lâm, Xá-vệ). Đề-bà-đạt-đa đã tự tẩm độc các ngón tay để giết Phật, và bị đọa địa ngục ngay khi còn sống. Đời sau đã đánh dấu những nơi này". (c: 4a, 8).

"Cũng tại đây (Xá-vệ, Kỳ đà Lâm), Đề-bà-đạt-đa có một nhóm đệ tử không đảnh lễ Phật Thích Ca mà chỉ đảnh lễ ba vị Phật quá khứ" (c: 4a, 14).

"Ba dặm về phía Đông của cổng Bắc Vương đô cũ (Vương Xá) là hang động của Đề-bà-đạt-đa" (c: 5b, 20).

11. Tu-bạt-đà-la:

"Tháp và chùa được xây ở nơi Subhadra [Tu-bạt-đà-la] vị đệ tử cuối cùng của Phật, đạt giải thoát" (c: 4b, 13).

12. Một vị Tỳ kheo vô danh đã tự sát:

"Năm mươi bước từ nơi này (hang động Đề-bà-đạt-đa) có một tảng đá lớn vuông vức màu đen. Ngày xưa có một vị Tỳ-kheo kinh hành trên tảng đá này. Thiền quán về cuộc đời vô thường, khổ, không. Khi nhận chân sự bất tịnh của thân xác, cảm thấy ghê tởm, ông bèn lấy một con dao toan tự sát. Rồi ông nhớ lại đức Thế Tôn đã chế giới cấm tự sát. Nhưng ông nghĩ, nay ta chỉ muốn giết tham sân si. Rồi ông dùng dao cắt cổ họng của mình. Khi con dao rạch đến thịt, ông chứng sơ quả Dự lưu; khi nửa cổ họng đứt hẳn, ông chứng quả A-la-hán và nhập Niết bàn" (c: 5b, 20: 6a, 1-2).

13. Tỳ-kheo-ni Utpala:

"Bấy giờ các vua, quan và dân chúng thuộc tám nước đã lâu không thấy Phật, nên rất nóng lòng trông thấy Ngài. Họ tụ lại như mây trong xứ này (Sankàsya) để đợi Ngài trở về. Khi ấy một Ni cô tên Utpala nghĩ, hôm nay các vua quan và dân chúng đều chờ đón đức Phật. Là nữ nhân như ta làm sao trông thấy được đức Phật đầu tiên? Với năng lực thần thông cô bèn hóa thành vua Chuyển luân để có thể đảnh lễ Phật trước" (c: 3a, 10-12).

14. Đại Ái Đạo:

"... Tại chỗ Phật ngồi dưới cây ni-câu-luật đối diện hướng Đông, bà Đại Ái Đạo đem dâng Ngài một tấm y Tăng-già-lê" (c: 4b, 1).

"Về sau tháp được xây trong thành Xá vệ này, ngay trên tàn tích của chùa Đại Ái Đạo" (c: 3b. 12).

15. Tỳ-xá-khư:

"Cách Kỳ Hoàn Tinh xá 6,7 dặm về phía Đông Bắc, là nơi ngày xưa bà Tỳ-xá-khư đã xây cúng Phật và các đệ tử Ngài một ngôi chùa. Di tích này hiện nay vẫn còn". (c: 4a, 3-4).

16. Tu-đạt (Cấp Cô Độc):

"Đại giảng đường chùa Kỳ Viên có 2 cổng, một mở ra hướng Đông và một mở ra hướng Bắc. Ngôi vườn này là nơi mà ngày xưa trưởng giả Cấp Cô Độc đã lót vàng để mua". (c: 4a, 4-5).

"Từ cổng phía Nam đi ra khỏi thành 1200 bước, là nơi trưởng giả Cấp Cô Độc đã xây ngôi chùa. Cổng của nó mở về phía Đông, và trước hai gian phòng dựng hai trụ đá" (c: 3b, 13-14).

"Về sau những ngôi tháp được xây dựng trong thành Xá Vệ này, trên những bức tường nhà của trưởng giả Cấp Cô Độc" (c: 3b, 12).

17. Jivaka (Kỳ-bà):

"Tại khúc quanh phía Đông Bắc thành Vương Xá là nơi ngày xưa Jivaka đã xây dựng một ngôi chùa trong vườn Xoài để dâng cúng Phật1250 đệ tử của Ngài" (c: 5b, 10).

18. Tín nữ Amrapàli:

"Trong thành (Tỳ-xá-ly) này, tín nữ Amrapali đã xây một ngôi tháp cúng dường đức Phật, dấu tích tháp ấy nay vẫn còn" (c: 4b, 16).

"Ba dặm về phía Nam thành Tỳ-xá-lỳ, phía Tây con đường, tín nữ Amrapali đã dâng cúng Phật một khu vườn và xây dựng một tu việnz (c: 4b, 16-17)

B. Các bậc vua chúa

1. Bình-sa-vương (Bimbisàra):

"Ra khỏi thành Vương Xá, đi về phía Nam bốn dặm, họ vào một thung lũng có năm ngọn đồi vây quanh, như một thành lũy. Đây là thành đô cũ của vua Bình sa, Đông Tây dài năm sáu dặm, Nam Bắc dài bảy tám dặm" (c: 5b, 8-9).

2. A-xà-thế:

"Đi thêm một do-tuần về phía Tây làng Kàlapinàka, nơi sinh Tôn giả Xá-lợi-phất, họ đến thành Vương Xá mới do vua A-xà-thế xây, trong thành này có hai ngôi chùa. Cách 300 bước ngoài cổng phía Bắc, vua A-xà-thế đã xây một ngôi tháp lớn để thờ phần Xá-lợi-Phật mà vua nhận được" (c: 5b, 7-8).

"Đây là nơi vua A-xà-thế đã phục rượu cho voi say để hại Phật" (c: 5b, 9-10).

"Từ đây, (địa điểm kết tập lần 2), đi về phương Đông 4 do-tuần, họ đến chỗ hợp lưu 5 dòng sông. Trên đường đi từ Ma-kiệt-đà đến Tỳ-xá-ly. Tôn giả A-nan định nhập Niết Bàn. Chư Thiên liền báo tin cho vua A-xà-thế; vua cùng đạo quân của mình xa giá theo Tôn giả đến bờ sông. Những người bộ tộc Licchavi [Lê-xa] ở Tỳ-xá-ly nghe tôn giả đến cũng ra bờ sông đón chào. A-nan tiến thì mếch lòng vua A-xà-thế, lui thì mếch lòng người Lê-xa, nên Ngài nhập định về lửa để thiêu thân nhập Niết Bàn ở giữa sông. Xá lợi của Ngài chia làm hai phần, mỗi bên được một nửa đem về xây tháp" (c: 5a, 7-9).

3. Ba-tư-nặc:

"Đi về phía Nam 8 do-tuần, đến thăm Xá-vệ thuộc nước Kosala (Câu-tát-la). Thành này ít dân, chỉ hơn 200 gia đình, ở dưới quyền cai trị của vua Ba-tư-nặc" (c: 3b, 11-12) "Khi Phật lên cung trời Ba mươi ba để giảng pháp cho mẹ trong 90 ngày, vua Ba-Tư-nặc nóng lòng nhớ Phật nên đã cho thợ khắc hình tượng của Ngài bằng gỗ chiên đàn xứ Goshira (Cù-sư la) và đặt tượng trên tòa ngồi của Phật. Về sau khi Phật trở lại tu viện naỳ, pho tượng dời chỗ đi ra đón Phật, nhưng Phật dạy "Xin mời Ngài trở lại chỗ ngồi. Sau khi tôi nhập Niết-bàn, Ngài sẽ làm mẫu cho bốn chúng đệ tử tạc tượng trong tương lai". Khi ấy pho tượng trở về chỗ cũ. Đây là pho tượng Phật đầu tiên được tạc để người sau theo đó làm mẫu. Đức Phật di chuyển đến một ngôi chùa nhỏ khác ở phía Nam cách chỗ pho tượng chừng 20 bước" (c: 3b, 15-17).

4. Tịnh Phạn vương:

"Tại nơi Đức Phật giảng pháp cho chư Thiên, có 4 vua trời đứng cạnh 4 cửa để ngăn vua Tịnh Phạn đi vào" (c: 4b, 1).

"Những ngôi tháp cũng được xây dựng tại chỗ đức Phật trở về thăm vua cha sau khi đắc đạo" (c: 4a, 20).

5. Vua xứ Ràmagràma [Lan-mo]:

"Cách nơi Đức Phật đản sinh 5 do-tuần về phía Đông, có xứ Lan-mo. Quốc Vương xứ này được một phần Xá Lợi của Phật, đem về nước xây tháp thờ" (c: 4b, 5-6).

6. Vua Virùdhaka [Lưu Ly].

"Cũng tại đây có một ngôi tháp được xây kỷ niệm nơi vua Lưu Ly đã tàn hại dòng họ Thích Ca, những người này trước khi chết đã chứng quả Dự Lưu" (c: 4b, 1-2).

"Cách thành Xá-vệ 4 dặm về phía Đông Nam là vua Lưu Ly lúc khởi hành đi chinh phạt bộ tộc Thích-ca, đã gặp Phật đứng bên đường" (c: 4a, 14-15).

7. Dòng họ Licchavis [Lê-xa]:

"Từ Câu-thi-na đi về hướng Đông Nam 12 do-tuần, họ đến nơi ngày xưa những người dòng họ Licchavis muốn theo Đức Phật đến chỗ Ngài nhập Niết Bàn. Phật không cho họ đi theo, nhưng vì thương Phật họ không chịu trở về. Ngài bèn hóa ra một cái hố chặn đường khiến họ không thể đi qua, rồi cho họ bình bát của Ngài để làm tin, và bảo họ đi về. Có một trụ đá và bia ký được dựng lên tại nơi này" (c: 4b, 14-15).

"Tại đây - địa điểm Kết tập 2 - họ đi 4 do-tuần về hướng Đông đến chỗ hợp lưu của 5 con sông. A-nan trên đường từ Ma-kiệt-đà đến Tỳ-xá-ly định nhập Niết Bàn. Chư Thiên báo cho vua A-xà-thế xa giá đi theo Tôn giả đến bên bờ sông. Những người Licchavis ở Tỳ-xá-ly nghe A-nan đến cũng ra bờ sông bên kia để đón. Tiến thì sợ A-xà-thế buồn, lui thì mếch lòng người Licchavis nên A-nan đã nhập định về lửa tự đốt thân thể để nhập Niết-bàn khoảng giữa hai quốc gia. Xá-lợi của Ngài được chia hai, mỗi bên nhận nửa phần Xá-Lợi về xây tháp thờ" (c: 5a, 7-9).

C. Phạm thiên, Đế thích

1. Phạm Thiên:

Người đời sau đã dựng tháp và hình ảnh tại những nơi:

"... Nơi Đức Phật ngồi trên một tảng đá vuông vức dưới cây Nigrodha [Ni-câu-luật], xoay mặt về hướng Đông, khi Phạm Thiên thỉnh Ngài thuyết pháp" (c: 6a, 11).

"Đức Phật từ cõi trời Ba mươi ba xuống đất, hóa hiện một cái thang với a hàng châu báu. Phật xuống hàng giữa làm bằng bảy báu Phạm Thiên xuống thang bằng bạc, cầm quạt lông trắng theo hầu Phật phía bên phải" (c: 3a, 12-13).

2. Đế Thích:

"Từ đây - đô thị Địa Ngục - đi về Đông Nam 9 do-tuần, có một đỉnh núi nhỏ cô đơn, trên có một hang đá. Trong hang này Đức Phật đã ngồi xoay mặt về hướng Nam. Trời Đế Thích phái một nhạc công cõi trời xuống thổi sáo cho Phật nghe, và hỏi Đức Phật 42 câu. Phật đã dùng ngón tay đánh dấu mỗi câu hỏi bằng một vạch trên đá. Ngày nay những dấu ấy vẫn còn" (c: 5b, 5-6).

"Đức Thế Tôn từ cõi trời Ba mươi ba xuống đất, hóa hiện một cái thang bằng ba đường châu báu... Trời Đế Thích xuống đường bằng vàng, tay cầm lọng bảy báu theo hầu bên trái Thế Tôn" (c: 3a, 12-13).

"Bảy mươi bước cách cổng Đông tinh xá Kỳ Viên, phía Tây con đường, là nơi Đức Phật ngày xưa đã tranh luận với 96 tà kiến ngoại đạo. Vua quan và dân chúng tụ họp ở đây để nghe tranh luận. Một ngoại đạo nữ tên Cĩncamàna đã độn bụng giả có thai để vu khống Phật. Lúc ấy trời Đế Thích hóa làm con chuột trắng cắn đứt dây độn bụng làm cho bó vải rơi xuống đất. Khi ấy quả đất nứt ra chôn sống nàng". (c: 4a, 5-8).

"Ngày xưa trời Đế Thích muốn thử Bồ tát, đã hóa làm một con diều hâu quắp bồ câu và dụ ngài cắt thịt mình để chuộc bồ câu. Sau khi giác ngộ, cùng chúng đệ tử du hành ngang đấy Phật đã kể với họ, đây là nơi ngày xưa Như Lai đã cắt thịt để chuộc tội một con bồ câu" (c: 2a, 34).

3. Tứ Thiên Vương (bốn vua Trời):

"Người đời sau đã dựng những ngôi tháp và tượng... tại nơi bốn vị vua trời đã cúng dường Phật cái bát khất thực" (c: 6a, 11).

"Tại đây, đức Phật thuyết Pháp cho chư Thiên trong khi 4 vua trời đứng cạnh 4 cửa để ngăn vua Tịnh Phạn đi vào" (c: 4b, 1).

D. Ma vương, Kim cương thủ, rắn thần, Long vương Y-bát-la, các rắn rồng và phi nhân khác

1. Ma vương:

"Đức Bồ-tát đến trước cây bối-đa trải cỏ cát tường ngồi xoay mặt về phương Đông. Lúc ấy Ma vương ra lệnh cho ba cô gái đẹp từ phía Bắc đến cám dỗ Ngài, còn chính Ma vương thì từ phía Nam đến khiêu khích, Đức Bồ Tát ấn gót xuống đất, đạo quân Ma liền bỏ trốn còn ba cô gái hóa thành những bà già" (c: 6a, 8-9).

"Chưa đầy 3 dặm cách đỉnh núi Linh Thứu có một hang đá, tại đây trong khi Tôn giả A-nan Thiền định thì Thiên ma Ba-tuần (Pisuna) hóa làm con chim Thứu đến trước hang để khủng bố ngài. Đức Phật dùng thần thông duỗi tay xuyên qua đá để vỗ vai A-nan thông duỗi tay xuyên qua đá để vỗ vai A-nan làm cho nỗi sợ hãi của ngài tan biến" (c: 5b, 11-12).

"Cạnh tháp Buông Cung Gậy, đức Phật bảo A-nan: ba tháng nữa Như Lai sẽ nhập Niết-bàn. Bị Ma ám, Tôn giả A-nan đã không thỉnh cầu đức Phật ở lại trên đời lâu hơn nữa" (c: 5a, 4-5).

2. Kim Cương Thủ:

"Tháp và chùa được xây tại nơi Kim Cương Thủ đã buông bỏ khí giới" (c: 4b, 13).

3. Rắn thần Muccilinda:

"Người đời sau đã dựng tháp và tượng tại nơi Rắn thần Muccilinda đã quấn quanh đức Phật trong bảy ngày" (c: 6a, 10-11).

4. Long vương Y-bát-la:

"Năm mươi bước phía Nam nơi này - nơi đức Phật đã tiên đoán sự ra đời của Phật Di Lặc tương lai là chỗ Rồng Y-bát-la gặp Phật và hỏi: Chừng nào con mới thoát khỏi thân rồng?" (c: 6b, 13-14).

5. Rồng tốt:

"Năm do tuần về phía Đông nơi Phật đản sanh là xứ Ràmagràma [Lan-mo]. Vua xứ này có một phần Xá Lợi của Phật đem về nước xây tháp. Cạnh tháp có một cái ao; trong ao có một con rồng ở canh giữa và lễ tháp ngày đêm. Đến đời vua A-dục, vua muốn phá 8 cái tháp cũ để xây dựng 84000 tháp mới. Sau khi đã phá 7 cái tháp, vua đến tháp này sắp phá thì Long Vương xuất hiện, đưa vua về cung điện của mình, khoe tất cả những vật thờ cúng tháp và nói, nếu vật cúng của ngài tốt đẹp hơn những thứ này, thì Ngài cứ việc phá cái tháp mà lấy Xá-lợi. Vua A-dục biết những thứ ấy không có trên trần gian nên bỏ đi" (c: 4b, 5-8).

6. Rồng xấu và ác quỷ:

"Tảng đá trên đó đức Phật đã phơi áo, nơi Ngài cảm hóa một con rồng dữ, đến nay vẫn còn" (c: 2a, 2).

"Một lần, đức Phật đã đến nơi này - nước Sư Tử - để hàng phục một con rồng dữ. Ngài dùng thần thông đặt một bàn chân ở phía Bắc kinh thành, chân kia trên đỉnh núi; hai dấu chân cách nhau 15 do-tuần" (c: 7a, 16)

"Tám do tuần về phía Đông nơi này - chùa Ghoshira [Cù-sư-la] thuộc xứ Kausamibì [Câu-diệm-bì] - là nơi ngày xưa đức Phật đã cải hóa một ác quỷ" (c: 6b, 15).

"Năm mươi do-tuần phía Bắc chùa Rồng có một ngôi chùa tên Agnidagdha nguyên là một Ác quỷ đã được Phật cảm hóa" (c: 3b, 3).

E. Vua A-dục

Phật Quốc Ký của Pháp Hiển còn đóng góp thêm cho lịch sử Phật giáo với những chi tiết liên hệ đến hoàng đế A-dục, một số thân quyến của vua, những hoạt động của vua và các trụ đá vua đã dựng.

1. Con trai vua A-dục:

"Từ đây (xứ Suvastu), họ đi về hướng Đông 5 ngày đến xứ Gandhàra, ngày xưa là vương quốc của con trai vua A-dục tên Dharamatvar-dhana" (c: 2a, 4-5).

2. Em trai A-dục và thành Ba-liên-phất:

"Qua sông Ni-liên về phía Nam 1 do-tuần, họ đến thành Ba-liên-phất phía Nam xứ Ma-kiệt-đà, vương đô của vua A-dục. Cung điện thành này do phi nhân xây. Các bức tường thành bằng đá được phi nhân điêu khắc chạm trổ, ngày nay vẫn còn phế tích. Em vua A-dục đã chứng quả A-la-hán. Ông thường ở trên núi Linh Thứu độc cư nhàn tịnh, Vua A-dục muốn thỉnh ông về hoàng cung để cúng dường, nhưng vì thích cảnh núi rừng cô tịch, ông từ chối. Vua bảo em: "Nếu em nhận lời mời, anh sẽ cho xây một ngọn núi ở trong kinh thành cho em" Rồi vua cho chuẩn bị thực phẩm, triệu tập thần nhân đến nói: "Xin mời các ngài mai đến dự tiệc, đem theo tòa ngồi". Hôm sau các thần nhân đến, mỗi vị đều mang theo một tảng đá khổng lồ vuông vức 6 bước để ngồi, ngồi xong họ chồng chất các tảng đá ấy thành một ngọn đồi, và xây một cái hang dưới đó với 5 tảng đá vuông, theo yêu cầu của vua A-dục. Cái hang dài 30 bộ, rộng 20 bộ, cao hơn 10 bộ" (5a, 9-13).

3. Đô thành Địa Ngục và vua A-dục:

"Trong một tiền kiếp, vua A-dục làm một bé trai, đang chơi giữa đường thì gặp Phật Thích Ca đi khất thực. Cậu bé vui vẻ vốc một nắm đất dâng cúng Phật. Ngài nhận lấy và rắc lên chỗ Ngài thường Kinh hành. Do quả báo nghiệp lành này, A-dục tái sinh làm vua Chuyển luân cai trị toàn châu Diêm-phù-đề. Một hôm vua ngồi trên một xe sắt dạo chơi quan sát khắp nước. Vua thấy một Địa ngục giữa hai dãy núi bằng sắt (Thiết Vi), nơi đó những tội nhân đang chịu hình phạt. Vua hỏi các quan đây là nơi gì, họ trả lời đó là nơi Diêm Vương xử phạt các tội nhân Địa Ngục. Khi ấy vua nghĩ: Vua của các phi nhân còn có thể xây một Địa ngục để trị tội nhân, sao mình là chúa tể loài Người lại không làm một Địa ngục để trừng phạt kẻ có tội? Vua bèn hỏi đình thần: "Ai là người có thể xây cho ta một Địa ngục để trừng phạt những kẻ làm ác?" Đình thần tâu: "Chỉ có người ác độc nhất mới làm được việc ấy".

Vua sai đình thần đi tìm một người thật độc ác. Họ gặp bên một cái ao một người đàn ông cao lớn vạm vỡ, da đen, tóc vàng, mắt xanh, đang bắt cá bằng cả hai chân, miệng hô chim thú đến gần rồi bắt giết không chừa con nào. Khi tìm được người này, họ đem đến trước vua. Vua bí mật ra lệnh cho y làm một bức tường cao vây quanh bốn phía, bên trong trồng đủ thứ hoa quả và xây một ao tắm hấp dẫn, trang hoàng tuyệt đẹp để dụ mọi người. "Hãy làm cửa lớn cửa sổ thật chắc chắn. Mỗi khi người nào vào bên trong, ngươi hãy bắt lại, hành hạ tra tấn đủ cách đừng cho thoát. Ngay cả chính ta, nếu vào đấy cũng phải chịu trừng phạt không tha. Bây giờ ta cử người làm chúa ngục". Sau đó, một Tỳ kheo lúc tuần tự khất thực, đã đi vào trong cổng ngục. Chúa ngục trông thấy, toan tra tấn hành hạ. Tỳ-kheo hoảng sợ yêu cầu chờ cho ông kết thức bữa ngọ trai. Sau đó có, một người khác đi vào, liền bị chúa ngục bỏ vào cối xây giã cho đến khi bọt đỏ sủi lên. Chứng kiến cảnh ấy, vị Tỳ-kheo tư duy về tín vô thường của thân xác, về sự đau khổ và trống rỗng của đời người như bọt nước, và liền chứng quả A-la-hán.

Khi bị chúa ngục bỏ vào nồi đồng để luộc, tâm vị Tỳ-kheo vẫn an tịnh, nét mặt thanh bình. Lửa bỗng tắt ngấm nước sôi nguội lạnh, và một hoa sen vọt lên với vị Tỳ-kheo ngồi trên. Khi ấy chúa ngục đến gọi vua: "Xin Bệ hạ hãy đến mà xem", vua nói: "Ta không dám đến, vì ta đã dặn ngươi trước kia" Chúa ngục nói: "Việc này lạ lắm. Xin Vua đến mau.Chúng ta có thể xóa bỏ hiệp ước cũ". Khi ấy Vua bèn đi vào Địa ngục. Vị Tỳ-kheo giảng pháp cho Vua nghe, và nhà vua phát sinh tịnh tín. Ông liền phá Địa ngục sám hối những việc ác đã qua, tin tưởng tôn trọng Ba Ngôi Báu và từ đấy thường đến cây bối-đa để sám hối và thọ Bát quan trai" (c: 6a, 15-20, 6b, 1-3).

4. Cây Bối-đa và vua A-dục:

"Từ ngày ấy vua A-dục rất tin tưởng tôn kính Ba Ngôi Báu. Ông thường đi đến cây bối-đa để sám hối ác nghiệp và thọ Bát quan trai. Hoàng hậu hỏi đình thần: "Nhà vua thường đi những đâu thế?". Đình thần trả lời: "Vua thường đi đến cây Bối-đa". Hoàng hậu chờ đến lúc vua không đi, sai người chặt cây. Khi vua đến nơi trông thấy liền ngã ra bất tỉnh. Đình thần rưới nước cho vua tỉnh dậy. Vua chồng gạch bốn phía gốc cây tưới bằng trăm gàu sữa, quỳ giữa đất lập nguyên như sau: "Nếu cây này không sống lại, ta sẽ không đứng dậy khỏi chỗ này". Sau khi vua lập nguyện, cây bắt đầu trổ mầm trở lại cho đến khi nó cao lớn như ngày nay gần 100 bộ" (c: 6b, 3-5) Theo Mahàvamsa XX 3-6, cây Bồ đề bị phá do sự ghen tuông của Dạ-xoa Tishya, người mà vua A-dục đã lập làm thứ phi 4 năm sau. (A-dục và bi ký, trang 60).

5. Thang trời và vua A-dục:

"... Khi đức Phật từ cung trời Ba mươi ba trở xuống, 3 cái thang đã lún xuống lòng đất chỉ còn chừa 7 bực. Sau đó muốn biết chiều dài của cái thang, vua A-dục đã sai người đào xuống thật sâu. Họ đào cho đến suối vàng mà chưa tới được đầu kia của thang. Vua càng tăng thêm niềm kính tin, và dựng một ngôi chùa trên những bực cấp này. Trong chùa dựng một tượng Phật cao 16 bộ trên những bực cấp ở giữa" (c: 3a, 14-15).

6. Xá lợi của Phật và vua A-dục:

"Vua A-Dục sau khi phá 7 ngôi tháp, đã xây 84.000 tháp mới. Tháp đầu tiên là ngôi đại tháp được xây ở phía nam đô thành cách 300 dặm. Trước tháp có một ngôi chùa thờ dấu chân Phật, cổng huớng về phía Bắc chỗ có tháp". (c: 5b, 2-3) "Cạnh ngôi tháp do vua Ramagràma xây có một cái ao, trong ao có một con rồng canh giữ, lễ tháp ngày đêm. Đến đời A-dục, vua muốn phá 8 tháp cũ để xây 84.000 tháp mới. Sau khi đã phá 7 ngôi tháp, ông đến tháp này. Rồng hiện ra đưa vua đến cung điện của mình, chỉ cho vua xem tất cả những vật thờ cúng và bảo vua: "Nếu đồ cúng của vua tốt hơn, thì hãy phá tháp này mà đem Xá-lợi đi, tôi sẽ không ngăn cản". Biết rằng những thứ này không có ở nhân gian, vua bỏ đi" (c: 4b, 5-6).

7. Trụ đá của vua A-dục:

Pháp Hiển chỉ ghi lại 6 trụ đá của vua A-Dục. Một trụ đá dựng sau chùa do vua xây ở Sankàsya, tại nơi Đức Phật từ cung trời Ba mươi ba trở xuống đất. Hai trụ đá dựng ở Xá-vê, trước hai gian phòng tại tinh xá Kỳ Viên. Một trụ đá được dựng ở Tỳ-xá-ly, tại nơi Đức Phật đã cho những người Lê-sa bình bát khất thực của Ngài để làm kỷ niệm, khi Ngài rời Tỳ-Xá-ly du hành đến Câu-thi-na. Hai trụ đá kia được tìm thấy ở Ba-liên-phất, một ở phía Nam tháp A-dục vương, và một tại thành Địa ngục do chính A-dục xây. Ba trụ đá đều có khắc chữ. Trụ đá cạnh tháp A-dục mang dòng chữ: "Vua A-dục đã hiến dâng toàn cõi Diêm-phù-đề cho chư Tăng khắp nước rồi chuộc lại. Và việc này ngài đã làm 3 lần". Trụ đá kia cũng ở thành Ba-liên-phất và cũng có ghi khắc những Pháp Hiển đã không ghi gì thêm, ngoài lý do và ngày tháng xây dựng. Cái tháp thứ ba có bia được dựng tại Tỳ-xá-ly, nhưng Pháp Hiển cũng chỉ nói có một trụ đá và bi ký được dựng tại đấy.

Trong 6 trụ, Pháp Hiển chỉ ghi chiều cao của 3 tháp. Trụ đá ở Sankàsya cao 30 cubits. Trụ đá phía Nam tháp A-dục cao hơn 30 bộ, chu vi 14-15 bộ. Bốn trụ đều có hình tượng và hoa văn trang hoàng. Trên đỉnh trụ đá bên trái, trước một gian phòng của tinh xá Kỳ Viên, có hình ảnh một bánh xe, còn trụ đá bên phải có hình một con bò. Trụ đá ở Sankàsya có hình ảnh một con Sư tử trên đỉnh. Trên bốn cạnh của trụ đá sáng như gương, có chạm trổ những hình tượng Phật. Trụ đá ở thành Địa ngục tại Ba-liên-phất cũng có một con sư tử trên đỉnh.

Trụ đá A-dục kể theo quốc gia

1. Tại Sankàsya:

"Sau tu viện, vua A-Dục đã xây một trụ đá cao 30 cubits, trên đỉnh có hình một con sư tử. Bốn bên trụ có hình một tượng Phật. Trụ đá trong ngoài đều trong sáng như gương. Có lần người dị giáo đến thách đấu với các Tỳ-kheo để chiếm chỗ ở. Các Tỳ-kheo bị thua trong cuộc tranh luận nên đã khấn như sau: "Nếu nơi này dành cho Tỳ-kheo ở, thì xin điềm lạ xảy ra". Vừa lập nguyện xong, con sư tử trên đỉnh trụ cất tiếng rống lớn Những người ngoại đạo hoảng sợ bỏ đi" (c: 3a, 15-17).

2. Tại Xá Vệ:

"Cách cổng Nam 1200 bước, bên ngoài thành, là nơi ngày xưa trưởng giả Cấp Cô độc xây dựng tinh xá. Cổng mở về phía Đông, trước hai gian phòng có dựng hai trụ đá. Trên đỉnh trụ bên trái có hình một bánh xe và trụ bên phải một con bò" (c: 3b, 13-14).

3. Tại Tỳ-xá-ly:

"Từ chỗ này đi về phía Đông Nam 12 do-tuần, họ đến nơi địa điểm dòng họ Licchavis muốn theo Đức Phật đến chỗ Ngài nhập Niết Bàn nhưng đức Phật không đồng ý, và vì thương Phật họ không bỏ đi. Phật bèn hóa ra một cái hố khiến họ không vượt qua được; rồi Ngài cho họ bình bát khất thực của Ngài để làm tin và bảo họ trở lui. Một trụ đá có bia được xây dựng tại chỗ này" (c: 4b, 14-15).

4. Tại Ba-liên-phất:

"Về phía Nam ngôi đại tháp thờ Xá-Lợi của Phật, có một trụ đá chu vi 14-15 bộ, cao hơn 30 bộ. Trên trụ đá có bia ghi: "Vua A-Dục đã dâng hiến Diêm-phù-đề cho chư Tăng bốn phương rồi chuộc lại. Và điều này vua đã làm 3 lần" (c: 5b, 3).

"Phía Bắc ngôi tháp này, cách ba bốn trăm bước, vua A-dục đã cho xây thành Địa ngục. Trong thành có một trụ đá cao hơn 30 bộ, trên đỉnh có hình một con sư tử. Trên trụ đá ghi lý do xây thành Địa ngục và năm, tháng, ngày xây" (c: 3b, 3-4)

F. Ngoại đạoPhật tử

Từ khi đạo Phật nổi lên, vẫn luôn luôn hiện hữu mâu thuẫn giữa các ngoại đạoPhật tử. Những cọ xát này đôi khi ngấm ngầm, đôi khi thành những cuộc tranh luận công khai. Pháp Hiển đã ghi lại vài giai thoại về những người ngoại giáo và lối hành xử của họ đối với Phật tử. Tại Xá-vệ, Pháp Hiển ghi: Ở Trung Thổ (Ấn Độ) có 96 tà phái ngoại đạo tự hào biết được hiện tại và tương lai. Mỗi phái đều có tín đồ riêng, đi khất thực nhưng không sử dụng bình bát như khất sĩ đạo Phật. Họ cũng làm những việc thiện, như bên đường thiên lý văng vẻ cung cấp chỗ trú, ẩm thực cho Tăng tục và người đi đường. Nhưng Pháp Hiển thêm rằng mục đích hành thiện của họ không giống như của Phật tử. Pháp Hiển không nói rõ nhưng nơi nào tà giáo thịnh hành. Chỉ tại đảo Yava, ngài ghi rằng Bà-la-môn giáo thịnh hành nhưng không có nhiều Phật tử. Ở xứ Dakshinà, ngài kể có một ngôi làng cách đồi khá xa, ở đấy tất cả cư dẫn đều hoặc là Tỳ-kheo hoặc là người Bà-la-môn; những người này có tà kiến không tin Phật hoặc theo các đạo khác.

Chính Pháp Hiển cũng suýt trở thành nạn nhân cuộc tranh chấp giữa các Phật tửngoại đạo. Khi Ngài đi tàu buồm từ đảo Yava về Trung Quốc, vào giai đoạn chót của cuộc hành trình, con tàu ngài đi chở 200 hành bị bão tố suýt chìm. Ngày hôm sau những người Bà-la-môn cùng đi trên tàu họp nhau quyết định bỏ Pháp Hiển lên bờ, lấy cớ vì có thầy tu Phật giáo mà tàu bị bão. Nhưng người bảo trợ (thí chủ) của Pháp Hiển phản đối, nói rằng nếu thả Pháp Hiển lên bờ, thì thà giết ông hoặc thả ông xuống chung với ngài. Ông còn hăm dọa sẽ về tâu trình sự việc lên hoàng đế Trung Quốc, một người theo đạo Phật giáo, chắc chắ sẽ không tha kẻ nào làm hại đến một Tỳ-kheo. Nhờ vậy những người Bà-la-môn không dám thi hành quỷ kếPháp Hiển được cứu thoát. Pháp Hiển thường kể những câu chuyện liên hệ đến thời Phật để chứng tỏ ngoại đạo luôn muốn vu khống, giết hại Phật, hoặc gây rắc rối cho đoàn thể Tăng già.

Tại Xá-vệ, Pháp Hiển kể câu chuyện về hai âm mưu phỉ báng Phật bằng cách vu khống. Trong tinh xá Kỳ Hoàn. "Đây là nơi ngoại đạo nữ Tôn-đà-lợi tự sát thân để vu cáo Phật" (c: 4a, 5) "Cũng ở Xá-vệ, 70 bước về phía Bắc cổng Đông tinh xá Kỳ Viên, phía Tây con đường, là nơi 96 luận sư ngoại đạo đã tranh luận với Phật. Vua quan cư sĩ tụ lại để nghe cuộc tranh luận. Một ngoại đạo nữ tên Cincamàna độn bụng giả bộ có thai để vu cáo Phật. Khi ấy trời Đế Thích hóa làm con chuột trắng cắt dây cho bó vải độn rớt xuống, làm âm mưu của nàng bại lộ. Đất liền nứt ra để chôn sống nàng. Một người Bà-la-môn nữ ganh ghét danh tiếng của Phật, âm mưu phá hoại để một mình thầy của bà ta nổi tiếng. Bà cột một mảnh gỗ vào bụng, đi đến tinh xá Kỳ Viên và ở giữa chúng hội, bà đã lớn tiếng vu khống đức Phậttư thông vói bà, bây giờ bà đang có thai.Cũng có người ngoại đạo tin lời bà, nhưng có những người dè dặt chưa tin. Khi ấy Đế Thích hóa làm con chuột trắng cắn đứt dây buộc làm cho miếng gỗ rơi xuống đất kêu cái rầm. Thế là sự vu khống của bà đã được xác chứng, và bà đã bị rơi xuống địa ngục" (T.H.T trang 265).

Pháp Hiển còn kể nhiều chuyện khác về âm mưu của ngoại đạo đối với Phật giáo; nhưng lần nào cũng bị hỏng do sự can thiệp của những phép lạ. Tại Sankàsya, ở ngôi chùa dựng tại địa điểm đức Phật từ cung trời Ba mươi ba xuống đất bấy giờ có một số Tỳ-kheo đang cư trú. Một hôm, luân sư ngoại đạo đến thách đấu để tranh giành chỗ ở. Những Tỳ-kheo bị thua cuộc tranh luận, đã cầu xảy ra một phép lạ để chứng tỏ họ được quyền ở đấy. Khi họ cầu nguyện xong, con sử tử trên đỉnh trụ đá do vua A-dục xây bỗng rống lên ầm ĩ, làm cho các luận sư ngoại đạo kinh hãi bỏ đi.

Ở Đại quốc Vaisàkha, ngoài cổng Nam, phía Đông con đường, là nơi Đức Phật đã cắm xuống một cái tăm xỉa răng bằng cành dương. Nó lớn lên thành một cây cao 7 tấc và vẫn giữ chiều cao ấy. Những Bà-la-môn ngoại đạo vì ganh tị thường cắt bỏ nó, nhổ gốc rễ ném đi chỗ khác, nhưng một cây dương khác lại mọc lên chỗ cũ.

Tại thành Xá-vệ, có những ngôi tháp được dựng lên di tích tu viện của bà Đại Ái Đạo, trên nhà cũ của ông Cấp Cô Độc và tại những nơi Angulimàla chứng quả A-la-hán và hỏa thiêu. Ngoại đạo Bà-la-môn ganh ghét muốn phá những tháp này, nhưng trời nổi sấm chớp phá hỏng âm mưu xấu xa của họ. Cũng ở Xá-Vệ, "Tại nơi diễn ra các cuộc tranh luận với ngoại đạo, có một tu viện cao 60 bộ được dựng lên với một tượng Phật ngồi trong đó. Phía Đông con đường chỉ có một ngôi đền thờ các thần tà giáo và có tên là Đền Thờ Bị Che Bóng. Ngôi đền này cũng cao 60 bộ, được dựng phía bên kia đường, đối diện với tu viện dựng tại chỗ kỷ niệm cuộc tranh luận. Ngôi đền này được đặt tên như vậy vì khi mặt trời ở về phía Tây thì bóng của chùa Phật rơi trên ngôi đền thờ Thần. Khi mặt trời ở phía Đông thì bóng của đền thờ Thần lại rơi về phía Bắc chứ không thể nào che được chùa thờ Phật. "Tíndồ tà giáo thường xuyên phái người đến chăm sóc ngôi đền thờ Thần, quét dọn, rưới nước, đốt hương thắp đèn và dâng đồ cúng. Nhưng sáng hôm sau tất cả những ngọn đèn của họ đều được tìm thấy trong chùa thờ Phật". Những người Bà-la-Môn tức giận bảo: "Sa-môn trọc đầu đã cuỗm đèn của ta để đem về chùa! Họ luôn luôn làm như thế". Rồi họ thay phiên nhau canh chừng ban đêm. Họ thấy các vị Thần đem đèn đi nhiễu quanh chùa Phật 3 lần, dâng cúng Phật rồi biến mất. Nhân đấy Bà-la-môn nhận ra đức Phật cao hơn Thần của họ. Họ bèn từ bỏ gia đình xin gia nhập Tăng đoàn. Người ta bảo, biến cố này chỉ mới xảy ra không lâu". (c: 4a, 8-12)

Tại Vương Xá, Pháp Hiển nói đến địa điểm người Ni-kiền Từ dã đào hố lửa và dọn cơm độc để ám sát Phật, nhưng bị thất bại. [Huyền Trang kể đầy đủ âm mưu ám sát đức Phật. Bị những người ngoại đạo xúi giục, Sryputa muốn giết Phật, ngụy trang một cái hố đầy lửa giữa nhà và sửa soạn bữa cơm chứa đầy thuốc độc. Dân chúng biết âm mưu đó. Khi Phật bước qua ngưỡng cửa nhà Sryputa, hố lửa bỗng hóa thành ao nước mát mẻ đầy những hoa sen nổi trên mặt. Rồi đức Phật cứ dùng cơm độc xong thuyết Pháp. Chất độc vẫn không ảnh hưởng gì đến Ngài. Khi thấy những phép lạ ấy, Sryputa hổ thẹn, và sau khi nghe bài Pháp đã trở thành đệ tử của Phật [T.H.T trang 371].

Nhưng không phải vì tất cả những sự cố này mà ta bảo rằng mọi người Bà-la-môn giáo đều là kẻ thù của Phật tử. Một số người Bà-la-môn đã ủng hộ Phật giáocương quyết chống lại sự xâm phạm của những Bà-la-môn khác đối với Phật giáo. Như ở thành Ba-liên-phất có một Bà-la-môn tên là Radhasvàmi. Ông là một người theo Đại thừa giáo, 50 tuổi, được vua và dân chúng kính nể. Nhờ có ông ở trong thành Ba-liên-phất mà Phật giáo được truyền bá rộng rãi và những người ngoại đạo không thể nào thắng lướt Phật tử. Những người Bà-la-môn ở Ba-liên-phất dường như lại còn tham gia những hoạt động Phật giáo, như lễ rước tượng Phật. Điều này chứng tỏ rằng có một sự hợp tác giữa Phật tử và người Bà-la-môn vào thời Pháp Hiển thăm viếng, và không phải rằng tất cả những người Bà-la-môn đều thù nghịch với Phật giáo.

G. Những hội nghị kết tập kinh điển

Trong tập ký sự của Pháp Hiển, Ngài cũng ghi lại hai kỳ kết tập kinh điển. Mặc dù vắn tắt, những tường thuật ngài có vẻ chính xác hơn Huyền Trang rất nhiều.

1. Kỳ kết tập thứ nhất:

"Về hướng Tây [Trúc Lâm tinh xá], cách năm sáu dặm, phía Bắc ngọn đồi rợp bóng có hang Thất Diệp. Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, 500 vị La-hán đã làm một cuộc kết tập kinh điển. Vào thời tụng đọc, có 3 pháp tòa được dựng lên, trang hoàng đẹp đẽ. Xá-lợi Phất ngồi tòa bên trái, Mục-kiền-liên bên phải. Trong 500 vị La-hán thiếu mất một vị. Tôn giả Đại-Ca-diếp chủ tọa hội nghị trong khi Tôn giả A-nan đứng ngoài hành lang, không được thâu nhận". (c: 5b, 18-19).

[Ngài Huyền Trang tả hội nghị Kết tập chi tiết hơn và đầy những phép lạ. Ngài ghi rằng, cách 5, 6 dặm về phía Tây Bắc Rừng Trúc, phía Bắc của Nam Sơn, có một rừng tre, ở giữa có một ngôi nhà lớn bằng đá; tại đây lần đầu tiên Tôn giả Ca-diếp triệu tập 999 vị La-hán để kết tập kinh điển. Ngài còn nói đến sự việc vua A-xà-thế xây một nhà lớn để làm chỗ cư trú cho chư Tăng. Pháp Hiển chỉ nói 500 La-hán trong khi Huyền Trang nói 1000 vị kể cả A-nan. Huyền Trang bỏ sự hiện diện của Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, chỉ nói A-nan tụng đọc kinh tạng, Ưu-ba-ly tụng đọc luật tạngĐại Ca diếp tụng A-tỳ-đàm tạng. Huyền Trang nói đến một hội nghị Kết tập phản đối hội nghị này, tên là Đại chúng bộ, do những người bị Ca-diếp không cho vào họp, số lượng lên đến một trăm ngàn người. Hội nghị này kết tập 5 Tạng, gồm 3 Tạng trên cộng thêm Tiểu bộ Nykàya và Minh chú hay Đà-la-ni - T.H.T trang 379].

2. Kết tập kỳ hai:

"Cách 3 - 4 dặm xa hơn nữa về phía Đông có một ngôi tháp. Sau Phật Niết Bàn 100 năm một số Tỳ-kheo ở thành Tỳ-xá-ly làm 10 điều phi pháp ngược lại giới luật Tăng già, lại cho rằng chính đức Phật đã cho phép những hành vi ấy. Bấy giờ những vị A-la-hán và những Tỳ-kheo trì luật gồm 700 vị tất cả, khởi sự Kết tập Luật tạng. Người đời sau dựng một cái tháp tại chỗ này hiện nay vẫn còn" (c: 5a, 5-7).

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/07/2013(Xem: 13030)
21/07/2013(Xem: 13003)
21/07/2013(Xem: 13847)
08/12/2010(Xem: 43352)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.