- Đôi Nét Tiểu Sử Thiền Sư Brahmavamso
- Lời giới thiệu của Jack Kornfield
- Lời giới thiệu của người dịch
- Lời cảm tạ của tác giả
- Những chữ viết tắt
- Giới thiệu tổng quát về Thiền Định
- Chương 1: Căn Bản Pháp Hành Thiền I
- Chương 2: Căn Bản Pháp Hành Thiền II
- Chương 3: Những Chướng Ngại trong Hành Thiền I
- Chương 4: Những Chướng Ngại trong Hành Thiền II
- Chương 5: Phẩm Chất Của Chánh Niệm
- Chương 6: Sử Dụng Tính Đa Dạng Để Tạo Hứng Thú Cho Hành Thiền
3
Những Chướng Ngại
trong Hành Thiền I
Trong chương này và chương tiếp theo tôi sẽ giải thích chi tiết năm triền cái, tức là những chướng ngại bạn sẽ gặp trong lúc hành thiền và bạn cần phải học cách vượt qua. Những chướng ngại trong thiền định thâm sâu trong tiếng Pali gọi là nivarana. Theo nghĩa đen, chữ này có nghĩa là “đóng cánh cửa” hay “chận đường vào một cái gì”, và đây chính là công việc của những chướng ngại. Chúng ngăn chận không cho bạn tiến vào những trạng thái thiền định thâm sâu, hay các tầng thiền. Chúng cũng ngăn chận hay làm suy nhược trí tuệ và làm vững mạnh vọng tưởng. Vì thế, nếu người ta muốn nói điều gì về những kẻ thù trong thiền định Phật giáo, người ta có thể nói rằng ‘năm chướng ngại’ là Kẻ Thù Chung Số Một. Chúng ngăn chận không cho hành giả được giác ngộ, và chính vì lý do này mà việc hiểu rõ năm chướng ngại và cách vượt qua chúng là điều tối quan trọng. Khi bạn không hiểu rõ chúng thì bạn không thể vượt qua chúng được.
Một vài vị thầy không giải thích được năm chướng ngại một cách đầy đủ rõ ràng, nhất là những chướng ngại rất vi tế. Những chướng ngại vi tế đó ngăn cản không cho bạn tiến vào thiền định thâm sâu. Nếu bạn không cố gắng nhận diện chúng và vượt qua chúng, thì chúng sẽ khống chế tâm bạn. Bạn sẽ bị ngăn chận không hưởng được niềm hỷ lạc của tâm và không phát triển được những hiểu biết thâm sâu hơn về giác ngộ.
Về mặt căn bản thì những chướng ngại ấy đứng giữa bạn và sự giác ngộ. Khi bạn biết rõ chúng, bạn có cơ may vượt qua chúng. Nếu bạn chưa đạt đến các tầng thiền, điều đó có nghĩa là bạn chưa hiểu đầy đủ về năm chướng ngại. Nếu bạn đã đạt đến các trạng thái thâm sâu của thiền định, nghĩa là bạn đã vượt qua được những chướng ngại. Chỉ đơn giản có thế.
Đức Phật đã gọi tên năm chướng ngại là: tham dục (kāma-cchanda), sân hận (vyāpāda), hôn trầm (thīna-middha), trạo hối (uddhacca- kukkucca) và nghi (vicikicchā). Đây là thứ tự mà Đức Phật thường liệt kê chúng, và đây cũng là thứ tự mà tôi sẽ trình bày.
Chướng Ngại Thứ Nhất: Tham Dục
Kāma- cchanda, hay tham dục, đứng đầu danh sách những chướng ngại bởi vì tầm quan trọng của nó. Nó là chướng ngại lớn ngăn cản hành giả tiến sâu vào thiền định. Ít hành giả hiểu đầy đủ tầm mức ảnh hưởng của nó. Nó không chỉ là tham dục như người ta thường hiểu về từ này. Trước tiên, tiếng Pali kāma có nghĩa là bất cứ cái gì thuộc về năm giác quan: Thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm. Cchanda có nghĩa là thích thú hay đồng thuận với cái gì. Kết hợp từ kép kāma-cchanda có nghĩa là “thích thú, quan tâm, dính mắc vào thế giới của năm giác quan”.
Thí dụ, khi chúng ta đang hành thiền và nghe một âm thanh, tại sao chúng ta không thể làm ngơ như không biết đến nó? Tại sao nó lại quấy rầy ta như vậy? Nhiều năm trước đây ở Thái Lan, những ngôi làng quanh tu viện của chúng tôi có tổ chức một buổi tiệc. Âm thanh từ những chiếc loa phóng thanh lớn đến nỗi hầu như chúng đã phá tan bầu không khí thanh tịnh của tu viện. Vì vậy chúng tôi đã than phiền với vị Thầy của chúng tôi là Ngài Ajahn Chah, rằng tiếng ồn ào ấy đã quấy rầy việc hành thiền của chúng tôi. Vị thiền sư đã trả lời, “Không phải tiếng ồn quấy rầy các bạn, chính các bạn quấy rầy tiếng ồn!”.
Trong thí dụ trên, tham dục là do tâm đã dính mắc với tiếng ồn. Cũng như vậy, khi sự đau nhức đôi chân làm việc hành thiền của bạn bị gián đoạn, có thể nói rằng không phải sự đau nhức quấy rầy bạn mà chính bạn quấy rầy sự đau nhức. Vì bạn đã không tỉnh giác, nên bạn không thấy rằng sự nhận biết của bạn đã quay về cơ thể, khiến bạn trở lại quan tâm đến cảm giác đau nhức của cơ thể. Đó chính là tham dục đang hoạt động.
Thật khó vượt qua tham dục bởi vì chúng ta quá dính mắc với năm giác quan và những hoạt động của chúng. Khi chúng ta dính mắc với bất cứ cái gì, ta thấy khó có thể buông nó ra. Để hiểu được sự dính mắc này, chúng ta cần khảo sát sự liên hệ giữa năm giác quan và thân thể của chúng ta. Người ta thường nói rằng năm giác quan có mặt là để bảo vệ thân thể của chúng ta, nhưng tuệ giác sẽ cho bạn biết ngược lại rằng thân thể hiện hữu là để cung cấp một phương tiện cho năm giác quan thể hiện trong thế giới. Bạn cũng nhận thấy rằng khi năm giác quan biến mất thì thân thể bạn cũng không còn. Buông bỏ cái này cũng có nghĩa là buông bỏ cái kia.
Buông Bỏ Tham Dục Từ Từ
Bạn không thể quyết định buông bỏ năm giác quan và cơ thể chỉ trong một lần nỗ lực của ý chí. Việc từ bỏtham dục trong lúc hành thiền chỉ đạt được từ từ. Bạn bắt đầu bằng việc chọn một chỗ yên tịnh và thoải mái để hành thiền. Bạn có thể ngồi trên ghế nếu việc ấy giúp bạn thoải mái hơn, nên nhớ rằng ngay cả Đức Phật thỉnh thoảng cũng đã ngồi trên ghế. Khi lần đầu bạn nhắm mắt lại, bạn sẽ không có cảm giác gì nhiều về cơ thể. Cũng giống như khi bạn từ một phòng đầy ánh sáng bước vào đêm tối, phải mất vài phút bạn mới trông thấy rõ, bạn cũng phải mất vài phút để nhận ra những cảm thọ về cơ thể. Vì thế sau khi nhắm mắt vài phút, bạn mới có những điều chỉnh thế ngồi cuối cùng cho thích hợp.
Chìu theo tham dục bằng cách này sẽ chế ngự nó được một lúc. Cơ thể của bạn sẽ cảm thấy thoải mái và năm giác quan được thỏa mãn, nhưng không lâu dài. Bạn phải dùng sự tự do thoải mái này để bắt đầu hướng tâm vượt ra khỏi tầm của năm giác quan. Bạn bắt đầu bằng sự tỉnh giác về giây phút hiện tại. Hầu hết, nếu không phải là tất cả, quá khứ và tương lai của chúng ta đều do những hoạt động của năm giác quan chiếm giữ. Ký ức của chúng ta đều thuộc về những cảm giác xúc chạm thể chất, mùi vị, âm thanh, hương thơm hay hình sắc. Những kế hoạch làm việc của chúng ta vì vậy cũng chứa đầy chuyện liên hệ đến năm giác quan. Qua việc thực tập để đạt được sự tỉnh giác về giây phút hiện tại, chúng ta cắt đứt được phần lớn các tham dục.
Giai đoạn hành thiền tiếp theo là tỉnh giác im lặng về giây phút hiện tại. Trong giai đoạn này bạn từ bỏ mọi ý niệm. Đức Phật đã nhận diện một hình thái của tham dục được gọi là kāma-vitakkha, nghĩa là nghĩ tưởng về thế giới của năm giác quan(dục tầm). Đối với người mới bắt đầu hành thiền, hình thái dục tầm rõ ràng nhất là tưởng tượng về dục lạc thể xác. Hành giả có thể tiêu hao rất nhiều giờ với hình thái dục tầm này, nhất là trong một khóa tu dài hạn. Chướng ngại này đối với sự tiến bộ trong thiền tập có thể vượt lên được bằng cách nhận thức, qua tuệ quán hay đức tin, rằng tự do hoàn toàn thoát khỏi sự ràng buộc của năm giác quan là tuyệt diệu và sâu đậm hơn những kinh nghiệm khoái lạc thế xác. Một vị tăng hay ni từ bỏ dục lạc không phải do sợ hãi hay đè nén, nhưng là do nhận thức được một cái gì cao thượng hơn. Ngay cả những ý nghĩ về bữa ăn trưa cũng thuộc về dục tầm. Những ý nghĩ này quấy phá sự tĩnh lặng.
Một vài hành giả nhận thức rằng ghi nhận những cảm giác về thể chất, thí dụ nghĩ thầm về “hơi thở đi vào” hay “nghe một âm thanh’ hay “cảm thấy đau nhói” cũng thuộc về dục tầm và là một chướng ngại đối với sự tiến bộ.
Lão Tử, một đại hiền triết của Lão Giáo, chỉ cho phép một đệ tử theo hầu ngài vào lúc đi bách bộ trong buổi chiều tà, bao lâu mà người đệ tử ấy giữ im lặng. Một buổi chiều kia, khi họ đi đến một ngọn núi, người đệ tử nhận xét: “Mặt trời lặn đẹp quá”. Sau đó, Lão Tử không bao giờ cho phép người đệ tử ấy theo hầu ngài nữa. Khi những đệ tử khác hỏi lý do tại sao như vậy, Lão Tử giải thích: “Khi đồ đệ ấy nói ‘Mặt trời lặn đẹp quá’, anh ấy không còn theo dõi mặt trời lặn, anh ta chỉ theo dõi ngôn từ.” Đó là lý do tại sao bạn phải từ bỏ mọi ghi nhận, vì theo dõi ngôn từ không phải là tỉnh giác về điều mà tâm đang gắng sức mô tả một cách vô vọng.
Trong lúc tỉnh giác im lặng về giây phút hiện tại, thế giới của năm giác quan bây giờ có vẻ như bị nhốt trong một cái lồng, không thể chạy lăng xăng hay tạo ra bất cứ một sự tổn hại nào. Tiếp đến, để có thể buông xả hoàn toàn năm giác quan cùng với cơ thể, bạn chọn lựa tập trung tỉnh giác vào một phần nhỏ của thế giới năm giác quan, và loại trừ tất cả các phần còn lại. Bạn tập trung sự tỉnh thức vào cảm giác về hơi thở trong cơ thể, không quan tâm vào bất cứ một cảm giác nào khác và cứ tiếp tục như thế. Hơi thở trở thành bàn đạp để bạn từ thế giới của năm dục bước vào cảnh giới của tâm thức.
Khi bạn thành công trong việc hoàn toàn duy trì sự chú tâm vào hơi thở bạn sẽ chú ý đến sự vắng bặt của mọi âm thanh. Bạn không bao giờ nhận ra giây phút thính giác ngưng đọng bởi vì bản chất của nó là mờ nhạt từ từ. Sự mờ nhạt ấy, cũng giống như sự biến mất của cơ thể, là một tiến trình chứ không phải một biến cố. Thường thường bạn khám phá ra điều đó khi bạn ôn lại quá trình hành thiền vào cuối buổi ngồi thiền (như tôi đã khuyên các bạn trong chương 2) và thấy rằng trong một khoảng thời gian nào đó tâm của bạn không tiếp nhận bất cứ âm thanh nào. Bạn cũng nhận thấy rằng cơ thể của bạn cũng đã biến mất, rằng bạn đã không còn cảm giác về đôi bàn tay, và cũng không nhận thấy có cảm giác nào từ đôi chân. Tất cả những gì bạn nhận biết là cảm thọ về hơi thở.
Một vài hành giả trở nên hoảng hốt khi nhận thấy những bộ phận của cơ thể hầu như biến mất. Điều này chứng tỏ họ đã quá dính mắc với cơ thế của họ. Đây là tham dục đang hoạt động, làm cản trở tiến bộ trong việc hành thiền. Thường thường thì bạn sẽ mau chóng quen thuộc với những cảm giác về cơ thể đang mờ nhạt dần và bắt đầu cảm thấy thích thú trong sự tĩnh lặng tuyệt vời ngoài mơ ước của mình. Đó là sự tự do và hoan hỷ phát sinh từ buông xả, tiếp tục khuyến khích bạn từ bỏ mọi dính mắc của mình.
Chẳng bao lâu hơi thở cũng biến mất và định tướng diệu kỳ chan hoà tâm thức bạn. Chỉ khi tiến đến giai đoạn này bạn mới hoàn toàn từ bỏ tham dục, là sự dính mắc của bạn vào thế giới năm giác quan. Vì khiđịnh tướng đã vững chắc, thì năm giác quan bị dập tắt, và cơ thể của bạn không còn hoạt động. Triền cái thứ nhất và cũng là chướng ngại lớn nhất đã được vượt qua và điều này thật hạnh phúc tuyệt vời. Bạn đang ở ngưỡng cửa của các tầng thiền. Đây là phương pháp loại bỏ tham dục từ từ. Và đây là lý do tại sao các giai đoạn hành thiền được giảng dạy theo cách này. Như Đức Phật đã dạy trong Những Chuyện Tiền Thân (CTThĐP 4, 173) “càng từ bỏ thế giới của năm giác quan, các ông càng hưởng được nhiều hỷ lạc. Nếu các ông muốn hưởng trọn vẹn nguồn hỷ lạc thì hãy từ bỏ hoàn toàn thế giới của năm giác quan”.
Chướng Ngại Thứ Hai: Sân hận
Chướng ngại thứ hai là sân hận hay vyāpāda, cũng là một chướng ngại lớn cho thiền định thâm sâu, nhất là đối với thiền sinh Tây phương. Thông thường ta hiểu về chướng ngại thứ hai này như là sự tức giận đối với người khác. Nhưng đó không phải là phạm vi bao quát của sân hận, bởi vì rất có thể đó là sự tức giận đối với chính bạn hay thậm chí với đối tượng hành thiền.
Sân hận với chính bạn
Sân hận với chính bạn có thể biểu hiện bằng cách nó không cho phép bạn hưởng hỷ lạc, an bình hay thành công trong thiền tập. Có rất nhiều người mang những mặc cảm tội lỗi rất sâu đậm. Điều này phần lớn là một đặc điểm của người Tây phương do bởi phương cách chúng tôi đã được nuôi dạy từ thuở nhỏ.
Sân hận với chính bạn là cái mà bạn cần phải đề phòng trong lúc hành thiền. Nó có thể là chướng ngại chính đang ngăn chận bạn không cho bạn tiến sâu vào thiền định. Vấn đề này đã được nêu lên cho tôi biết nhiều năm trước đây khi một trong những ni cô Tây phương nói với tôi về việc hành thiền của cô. Thường thì cô tiến rất sâu vào thiền định, hầu như đã tiến gần đến các tầng thiền. Cô ấy nói, cô đã tiến đến ngưỡng cửa, và điều đã làm cô dừng lại là cảm giác rằng cô không xứng đáng được hưởng hạnh phúc này! Chính là cơn sân hận với bản thân mình đã chận cô lại, nó là sự do dự không muốn cho phép cô được hưởng hạnh phúc. Tôi đã thấy điều này ở rất nhiều người từ đó đến nay. Đôi khi việc hành thiền tiến triển rất an bình, lúc hạnh phúc bắt đầu xuất hiện, chúng ta nghĩ rằng chắc phải có cái gì trục trặc. Chúng ta nổi sân hận với chính mình, và rồi chúng ta không cho phép mình được hạnh phúc và giải thoát.
Trong trường hợp của vị ni cô, cô ấy thấy rất rõ rằng điều duy nhất cản trở cô tiến vào các tầng thiền là một hình thái vi tế của sân hận. Cô đã không nghĩ là cô xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhiều đến như vậy.Bạn xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhiều như vậy. Tại sao không? Không có gì chống lại việc này cả. Có một số hỷ lạc trong thế gian này là bất hợp pháp. Có một số khác thì vi phạm giới luật của Phật giáo, gây nên bệnh tật hay có những phản ứng phụ kinh khủng. Nhưng nhập vào các tầng thiền thì không có phản ứng phụ xấu nào cả, và niềm hỷ lạc này cũng không phải bất hợp pháp, và Đức Phật đã đặc biệt khích lệ thiền lạc.
Nếu bạn nhìn kỹ vào cách bạn hành thiền, có thể bạn sẽ thấy bạn gặp chướng ngại sân hận, nhưng không phải vào giai đoạn cuối trước khi nhập vào các tầng thiền. Bạn gặp nó vào giai đoạn đầu của thiền tập khi bạn không cho phép mình hưởng an lạc. Có lẽ bạn thích ngồi chịu đựng sự đau nhức hơn là hưởng an bình và hạnh phúc. Có lẽ bạn nghĩ rằng bạn không xứng đáng được hưởng hạnh phúc, hỷ lạc và giải thoát.
Sự sợ hãi hạnh phúc nội tâm chắc chắn là một dấu hiệu của mặc cảm tội lỗi. Khi một người bị cho là có tội, hình phạt thường theo sau, có thể do tòa tuyên án. Tội lỗi và hình phạt không thể tách rời trong nền văn hóa của chúng ta và trong tâm thức của chúng ta. Nếu chúng ta cảm thấy tội lỗi về điều gì, thì việc tiếp theo là chúng ta nghĩ đến là tự trừng phạt mình – không cho chúng ta được hưởng một vài niềm vui, hạnh phúc hay tự do. Người Tây phương cứ tiếp tục tìm hình phạt cho mình. Thật là điên rồ!
Thiện chí với chính mình
Để vượt qua chướng ngại này, hãy thực tập Từ Bi Quán. Hãy cho bạn được nghỉ ngơi. Hãy nói với chính mình, “Cánh cửa lòng ta đang mở rộng để đón ta. Ta cho phép ta được hạnh phúc. Ta cho phép ta được hưởng bình an. Ta có thiện chí với chính mình, có đầy đủ thiện chí để cho phép ta được bình an và hạnh phúc trong buổi thiền tập này”. Nếu bạn cảm thấy khó trải rộng tâm từ bi với chính mình, hãy hỏi tại sao. Có thể có một mặc cảm tội lỗi đã ăn sâu vào tiềm thức, và bạn vẫn chờ đợi một hình phạt. Bạn đã không cho phép mình được tha thứ vô điều kiện.
Một nét đẹp của đạo đức Phật giáo là cho dù có người nào làm việc gì hại bạn, hay họ đã làm việc ấy lâu dài đến đâu, dù chuyện ấy có bất công, độc ác, hay không xứng đáng thế nào đi nữa, cũng chẳng thành vấn đề - bạn vẫn có thể tha thứ cho họ tuyệt đối. Tôi nghe thiên hạ nói rằng đôi lúc có những chuyện bạn không thể tha thứ được. Đó không phải là Phật giáo! Trong Phật giáo, không có gì, tuyệt đối không có gì bạn không thể tha thứ. Vài năm trước đây, một người bị bệnh tâm thần đi vào một trường tiểu học ở Tô-Cách-Lan (Scotland) và giết rất nhiều trẻ em. Tại buổi lễ cầu nguyện sau khi vụ tàn sát xảy ra, một vị giáo sĩ đã cầu xin Chúa đừng tha thứ cho kẻ phạm tội ác này, ông lập luận rằng có những việc bạn không thể tha thứ được! Tim tôi chùng xuống khi nghe một vị tu sĩ đã không chịu ban lời tha thứ và hướng dẫn phương cách hàn gắn nỗi đau đớn của mọi người sau tấn bi kịch này.
Đối với Phật giáo, bạn có thể tha thứ bất cứ điều gì. Sự tha thứ của bạn có tác dụng chữa lành vết thương. Sự tha thứ của bạn giải quyết vấn đề cũ và không bao giờ tạo ra vấn đề mới. Nhưng bởi vì thái độ đầy định kiến của bạn đối với chính mình, bạn không thể tha thứ chính mình. Đôi lúc vấn đề ấy chôn sâu trong tiềm thức bạn. Đôi lúc bạn đã quên chuyện ấy. Bạn chỉ biết rằng có cái gì đó trong tiềm thức khiến bạn cảm thấy tội lỗi mà bạn không thể tha thứ được. Bạn có lý do để không cho phép mình được tự do, được hưởng cảnh giới Định, và được giải thoát. Cơn sân hận đối với chính mình có lẽ là nguyên nhân chính khiến cho việc hành thiền của bạn không thành công. Hãy kiểm tra lại chuyện đó.
Sân hận với đối tượng hành thiền
Sân hận với đối tượng hành thiền là một vấn đề phổ biến đối với những người đã thực tập pháp Quán Niệm Hơi Thở mà chưa được thành công lắm. Tôi nói ‘chưa’ bởi vì đó chỉ là vấn đề thời gian. Mọi người sẽ thành công nếu họ theo đúng những lời chỉ dẫn. Nhưng nếu bạn chưa thành công, có thể bạn sẽ cảm thấy sân hận với việc hành thiền hay với đối tượng hành thiền. Có thể bạn ngồi xuống và nghĩ:” Ồ, ta phải làm lại chuyện này nữa” “Việc này sẽ khó khăn”, “Ta thật sự không muốn làm việc này”, “Ta phải làm việc này vì đây là việc thiền sinh phải làm”, “Ta phải trở thành một Phật tử tốt,và đây là việc mà Phật tử có bổn phận phải làm”. Nếu bạn bắt đầu buổi thiền tập bằng sự sân hận với hành thiền, bạn làm nhưng không thấy thích thú, thì việc thiền tập sẽ không thành công. Bạn đang đặt một chướng ngại ngay trước mặt bạn đấy.
Tôi yêu hành thiền. Tôi rất vui thích khi thiền tập. Có một lần tôi hướng dẫn một khóa thiền ẩn cư, tôi nói với các sư huynh đệ của tôi khi đến nơi rằng, “Tuyệt quá, một khóa thiền ẩn cư!”. Mỗi sáng tôi thức dậy sớm thực tâm mong đợi buổi thiền tập. “Ồ, ta đang dự khoá thiền ẩn cư. Ta không phải làm tất cả những công việc khác mà ta vẫn thường làm trong tu viện”. Tôi yêu hành thiền hết sức, và tôi có nhiều thiện chí đối với thiền tập đến nỗi không bao giờ tôi có chút xíu ác cảm nào với thiền. Cơ bản là vì tôi là một “người ghiền hành thiền”, và nếu bạn có thái độ như vậy, thì bạn sẽ thấy rằng tâm bạn “chạy ùa tới thiền tập”, như Đức Phật đã dạy (Tăng Ch.BK IX, 41).
Tôi thích dùng ví dụ này: Bạn đang đi xuống phố thì thấy một người bạn thân cũ ở phía bên kia đường. Hai người đã từng có những thời gian thân ái bên nhau. Dù bạn đang đi đâu hay đang dự định làm việc gì đi nữa cũng không thành vấn đề, thế nào bạn cũng phải chạy băng qua đường, không gì cản nỗi, để bắt tay người bạn thân và ôm chầm mừng rỡ. “Nào, chúng ta đi uống cà phê nhé. Nếu tôi bị trễ hẹn cũng không sao. Lâu quá không gặp bồ. Đi nào, chúng mình hãy ngồi nói chuyện với nhau một lát”. Hành thiền cũng giống như một người bạn thân cũ mà bạn muốn ở bên cạnh một thời gian. Bạn muốn bỏ tất cả mọi chuyện khác. Nếu tôi thấy bóng dáng thiền tập xa một dặm trước mặt, tôi sẽ chạy ùa đến ôm chầm lấy nó và đưa nó đi uống cà phê một nơi nào đó. Về phần đối tượng thiền tập là hơi thở, tôi và hơi thở đã thân thiết với nhau biết bao lần. Chúng tôi là đôi bạn tuyệt vời nhất. Nếu bạn xem hơi thở với thiện chí như vậy, bạn sẽ hiểu tại sao bạn có thể theo dõi hơi thở rất dễ dàng trong buổi thiền tập.
Dĩ nhiên, ngược lại là khi bạn biết mình phải kết thân với cái hơi thở kỳ quái này và bạn không thích nó. Bạn đã gặp rất nhiều khó khăn với hơi thở này. Bạn thấy nó đang đến từ bên kia đường và bạn nghĩ, “Trời ơi, nó lại đến nữa rồi!”. Bạn muốn thụt cổ xuống và trốn sau cột đèn để nó đừng nhìn thấy bạn. Bạn chỉ muốn trốn chạy. Thật không may là nhiều người đã phát triển lòng sân hận như thế đối với hơi thở. Nếu không chỉ rõ điều này cho họ, thì họ xem việc hành thiền như làm công việc trong nhà. Làm việc này chẳng vui vẻ gì cả. Hành thiền trở thành một việc giống như tập thể dục dụng cụ. “Nếu không mệt nhọc thì không có kết quả”. Bạn tập nâng quả tạ cho đến khi bạn thấy đau nhức thật sự, bởi vì bạn nghĩ bằng cách này bạn có thể đạt được mục đích nào đó. Nếu đó là cách bạn suy nghĩ khi hành thiền, thì bạn không có hy vọng thành công.
Vì vậy, hãy nuôi duỡng thiện chí với đối tượng hành thiền. Hãy tự lập chương trình để cảm thấy vui thích lúc hành thiền. Hãy suy nghĩ: “Ồ, tuyệt vời! Tất cả những gì ta cần phải làm chỉ là ngồi xuống và không làm gì cả - không phải xây cất, không viết thư, không gọi điện thoại. Ta chỉ cần ngồi đây với người bạn cũ rất tốt, là hơi thở của ta.” Nếu bạn có thể làm như vậy, bạn đã buông bỏ được chướng ngại sân hận, và bạn phát triển được điều ngược lại, đó là lòng từ bi đối với hơi thở của mình.
Tôi dùng phương pháp sau đây để vượt qua bất cứ nổi sân hận nào đối với hơi thở của mình. Tôi nhìn hơi thở của tôi như nhìn một đứa con sơ sinh. Bạn có muốn để con bạn ở một khu vực mua sắm và rồi bỏ quên nó? Bạn có muốn đánh rơi con bạn khi bạn đang đi trên đường? Bạn có muốn không nhìn thấy nó trong một thời gian khá lâu? Tại sao chúng ta không thể giữ được sự chú tâm vào hơi thở? Một lần nữa, chỉ vì chúng ta thiếu lòng từ ái đối với hơi thở, chúng ta không thích nó, chúng ta không biết đúng giá trị của nó. Nếu bạn biết rõ giá trị của hơi thở cũng như giá trị đứa con của bạn hay một người nào khác hết sức thân yêu đối với bạn và lại rất dễ bị tổn thương, bạn sẽ không bao giờ đánh rơi, bỏ quên, hay từ bỏ nó. Bạn sẽ luôn luôn quan tâm đến nó. Nhưng nếu bạn có lòng sân hận đối với hơi thở, bạn sẽ thấy tâm chạy rong chơi đây đó và quên mất hơi thở. Bạn đang tìm cách vất bỏ nó, bởi vì bạn không thích nó. Đó là lý do tại sao bạn đánh mất đối tượng thiền tập.
Tóm lại, sân hận là một chướng ngại, và bạn vượt qua chướng ngại này bằng lòng từ bi đối với người khác, tha thứ chính mình, từ ái với đối tượng hành thiền, thiện chí đối với thiền tập và thân thiện đối với hơi thở. Bạn cũng có thể có lòng từ ái đối với sự im lặng và phút giây hiện tại. Khi bạn quan tâm chăm sóc những người bạn này ở trong tâm mình, bạn vượt qua được bất cứ ác cảm nào với những đối tượng thiền tập. Khi bạn có lòng từ ái với đối tượng thiền tập, bạn không cần tốn nhiều công sức để giữ vững hơi thở. Bạn yêu nó đến nỗi bạn kết thân với nó mà không cần nỗ lực nào cả.