Mạn Đàm Về Tôn Giáo Phần II

03/09/20183:59 SA(Xem: 4180)
Mạn Đàm Về Tôn Giáo Phần II

MẠN ĐÀM VỀ TÔN GIÁO

PHẦN II

CHỈ CÓ TÔN GIÁO MỚI NÓI:

THỜI GIANẢO TƯỞNG. (MAYA) 

chontongiaoTất cả loài người dù sống ở đâu, dù mang quốc tịch nào, màu da nào, đều có một ý thức chung đó là: xem thế gian này là thật, và xem thời gian là một cái gì không thể thay đổi được! Và năm tháng tồn tại trên quả đất là số vốn trời ban - nên họ đã bỏ ra toàn bộ cuộc sống để tranh đấu, giành giật, cướp bóc lẫn nhau những thứ có được trên đời. Rồi đến khi gần xuống lỗ, họ mới thở than vài ba câu trước cái mộng ảo của thời gianTrăm năm thì ngắn, một ngày dài ghê!

Một vài câu lếu láo như vậy, chắc chắn không đủ để tạo nên một nền minh triết!

Người Ấn độ ngày xưa đã biết rằng, thời gian không thật có. Nó chỉ là sản phẩm của tâm thức con người. Tuy vậy, thời gian vẫn chi phối cuộc sống chúng ta chỉ vì chúng ta trót ràng buộc với nó. Biết như vậy rồi, con người không dễ một sớm một chiều cắt đứt cái ảo tưởng từng trói chặt vào ta như bóng không rời hình.

Kẻ trí giả cao thượng thì không để ý đến sự có mặt của thời gian nên thong dong nhởn nhơ ngoài vòng trói buộc của nó. Còn kẻ ngu phu phàm tục thì nôn nóng ưa mau thành đạt, chóng ôm lấy kết quả trông thấy, nên ngàn triệu năm vẫn khó ra ngoài vòng cương tỏa của thời gian. Nghĩa là luôn luôn bị thời gian đặt ách toàn trị lên số phận hẩm hiu của kiếp người.

Ngài Vivekananda kể chuyện:

 …

Xưa kia, có một vị hiền triết tên là Narada. Cũng như ở cõi trần gian có những vị hiền triết, những vị đại giác, thì trên cõi thần tiên cũng có những bậc đại giác. Ngài đi vân du khắp nơi. Ngày kia, ngài đi qua một khu rừng và thấy một người đang ngồi tham thiền tại đó lâu cho đến đỗi một gò mối lớn đóng quanh mình y – Y đã ngồi như thế quá đỗi lâu. Y hỏi Narada : “Ngài đi đâu thế ?”

Narada trả lời : “Tôi đang đi lên trời” .

- “Vậy xin ngài hỏi giùm Thượng Đế  xin hãy thương xót tôi mà cho tôi biết, chừng nào tôi sẽ được giải thoát?”

Đi một lúc nữa, Narada thấy một người khác. Y đang nhảy nhót, hát múa và nói: “Ngài Narada, ngài đang đi đâu đó?”. Giọng nói và cử chỉ của y xem như cuồng loạn.

Narada nói : “Đi lên trời”.

- “Vậy nhờ ngài hỏi giùm chừng nào tôi sẽ được giải thoát.”

Narada tiếp tục đi. Về sau, có lần ngài trở lại con đường đó và người tham thiền với ổ mối quanh mình vẫn còn. Y hỏi: “Ngài Narada, ngài có hỏi Thượng Đế giùm tôi không?”.   

- “Ồ, có chớ”.

- “Vậy Thượng Đế nói sao ?”

- “Đấng Thượng Đế nói với tôi rằng anh sẽ được giải thoát sau bốn kiếp nữa”.

Người ấy liền khóc mướt và than van. “Tôi đã tham thiền cho đến mối đóng quanh tôi, vậy mà tôi còn phải chờ đến bốn kiếp nữa. Trời!”

Narada đi đến người kia.

- “Ngài có hỏi giùm tôi không?”

- “Có chớ. Anh có thấy cây me kia không? Tôi phải nói cho anh biết trên cây me đó có bao nhiêu lá thì anh còn phải đầu thai bao nhiêu lần để tiếp tục tham thiền suốt ngày suốt đêm như vậy, rồi chừng đó anh mới được giải thoát”.

Người đó liền nhảy múa vui mừng và nói: “Tôi sẽ được giải thoát sau một thời gian ngắn như thế à!”

Một tiếng nói bỗng thốt lên: “Này con, con được giải thoát ngay giờ phút này !”

Bởi vì trong thế giới Tâm linh thì không bao giờ có thời gian!

Thật ra, thời gian chỉ là sản phẩm của ảo ảnh tâm thức con người!

(VIVEKANANDA, WHAT RELIGION IS,

Tôn giáo là gì? Vương Gia Hớn dịch)

 Dường như thức tỉnh được điều này, nhà văn Pháp Albert Camus viết: Le monde existe, mais il n’est pas réel. Nghĩa là: “Thế gian hiện hữu, nhưng không có thật…”

 

TÔN GIÁO: ĐÔI KHI LÀ SỰ LỪA DỐI?

 

        Không! Làm chi có cái chuyện tôn giáo lừa dối ở đây? Có thể có con người lừa dối mà thôi!

        Thiệt mà!

Đại văn hào Léon Tolstoy đã viết một truyện ngắn như sau:

Một hôm Tolstoy tới nhà thờ vào lúc sáng sớm. Trời còn sẫm tối và Tolstoy rất ngạc nhiên khi thấy một người đang cầu nguyện trước Thượng đế. Người này là một đại phú ông, nổi tiếng giàu có nhất trong vùng. Ông ta cầu nguyện rất chân thànhthú tội với Thượng đế rất kính cẩn, và xưng rằng, mình là kẻ tội lỗi. Ông ta hoàn toàn không biết rằng có một người thứ ba đang đứng sau lưng mình.

Tất nhiên Tolstoy vì tò mò nên cũng vô cùng quan tâm đến những lời thú tội ấy. Và ông ta đang kể lại tất cả tội lỗi của mình: như là ông ta đã lừa dối vợ mình, làm ăn phi pháp, có nhiều thứ quan hệ bất chính đối với mọi người, thường xuyên quan hệ xác thịt với những người phụ nữ làm trong công ty của ông ta...           

Tolstoy trở nên bị lôi cuốn không thể nào cưỡng lại. Thói quen nghề nghiệp của một nhà văn, khiến Tolstoy không thể bỏ qua sự kiện hiếm có này. Đại văn hào của chúng ta bèn xích lại mỗi lúc mỗi gần hơn để lắng nghe cho thật đầy đủ câu chuyện và ông này kể lại với nhiều khoái chí, hãnh diện - ông này thú tội với Thượng đế:

“Con là kẻ tội lỗi thực sự và chừng nào ngài chưa tha thứ cho con thì con không thể nào an tâm. Con đã bóc lột những người nghèo khổ hơn mình, con đã hà hiếp những người yếu đuối hơn mình. Con là kẻ tội lỗi đầy mình và chưa hề biết thay đổi bản thân. Chừng nào ân huệ thiêng liêng của ngài chưa giáng xuống thì con không  biết phải làm gì đây... “

Và cứ thế, nước mắt chảy ròng ròng trên khuôn mặt ăn năn của ông ta.

Thế rồi, đột nhiên ông ta bỗng trực giác hình như có kẻ lạ đứng sau lưng mình, cho nên ông ta quay lui nhìn, và dĩ nhiên ông ta bắt gặp đại văn hào của chúng ta: Tolstoy đang tình cờ nghe rõ tất cả mọi lời thú tội của mình.        

Và nhanh như chớp, ông ta trở nên vô cùng giận dữ, chăm chú nhìn Tolstoy với đôi mắt đổ lửa, ròi gào lên the thé :

- Này ông kia! Hãy nhớ lấy! Những lời thú tội của tôi là chỉ dành cho Thượng đế mà thôi, không phải là cho ông đâu! Và nếu ông hé lộ tất cả những điều này cho những người khác, cho bất kỳ ai, thì tôi sẽ đưa ông ra tòa vì đã bôi lọ danh dự của tôi. Cho nên, nếu ông khôn hồn muốn sống sót thì ông hãy xem như chưa hề nghe biết những lời thú tội này bao giờ cả. Đây là cuộc đối thoại giữa cá nhân tôi và Thượng đế và tôi không  biết rằng ông đang có mặt nơi đây!”

Thưa bạn, một khuôn mặt khác trước Thượng đế và một khuôn mặt hoàn toàn khác trước thế giới con người.

Con người lừa dối lẫn nhau và đem tôn giáo ra làm cái bình phong để che chắn.

Tôn giáo là gì? Hay là tôn giáo chỉ là một cái ngăn khép kín? Và cầu nguyện là một thủ đoạn để tránh né thế giới con người? Tội nghiệp cho tôn giáo quá! Đây là một hành động có vẻ như là tôn giáo nhưng không bao giờ là tôn giáo chút nào - chỉ là một sự lừa dối của con người và là đây không phải là niềm tin chi cả!

 Tác giả Léon Tolstoy không nên có mặt trong khung cảnh như thế này!

Léon Tolstoy  

 

NƠI ĐÂU

CŨNG LÀ THÁNH TÍCH

của Nikos Kazantzaki

 Với người có đức tin chắc thật, còn gọi là niềm tin chân chánh, thì họ sẽ thấy Phật ở khắp mọi nơi, gặp Chúa ở dưới mọi hình thức nào. Người đó sẽ thấy Tịnh Độ ở bên hiên nhà và Nước Chúa rất gần gũi. Và đây là câu chuyện nói lên giáo lý ấy, dù bạn thuộc về tôn giáo nào đi nữa!

Một tín đồ trung thành, ngoan đạo luôn luôn ước mơ và cố thực hiện trong đời mình ít nhất một lần thăm viếnglễ lạy các thánh tích. Đôi khi, gần kề miệng lổ mà vẫn chưa có cơ hội hoàn thành tâm nguyện lớn lao ấy.

Chuyện kể về một vị thầy tu ôm giấc mộng lớn là sẽ hạnh phúc biết bao khi được Thượng đế cho đi hành hương và quỳ lạy trước thánh mộ của Chúa Jesus. Nhưng, khi ông ta ngộ được Đức Tin siêu nhiênthấm nhuần ơn thánh linh, thì cuộc tìm kiếm thánh tích của ông trở thành hành hương nội tại chỉ diễn ra trong tâm tưởng cũng đủ ấm lòng người và làm đời ta bừng sáng như trăng. Bởi vì nơi đâu cũng là thánh tích, bất cứ mảnh đất nào mà ta dứng lên đều thiêng liêng.

Chúng ta đọc thử xem …

          Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện về một vị thầy tu kia. Giấc mộng lớn nhất của đời thầy là được Thượng đế cho đi hành hương và quỳ lạy trước thánh mộ của Chúa Jesus.        

Như vậy, thầy đã phải đi lang thang khắp nơi trong vô số thôn làng để xin của bố thí. Sau nhiều năm dài, lúc thầy đã già, thầy thu góp được một số tiền khá lớn, vừa đủ để lên đường hành hương. Thầy đã ăn năn, khổ hạnh, xin phép Bề Trên rồi lên đường hành hương...

Vừa bước ra khỏi tu viện, thầy gặp một người nghèo khổ ăn mặc rách rưới, xanh xao gầy còm, trông thê thảm đau đớn vô cùng và y đang cúi xuống đất nhổ cỏ. Người ấy nghe tiếng gậy của thầy vang trên nền đá, liền ngước đầu lên và hỏi :

- Linh mục đi đâu đó ?

Thầy trả lời :

- Hành hương. Tôi đi đến thánh mộ của Chúa Jesus. Tôi sẽ đi ba vòng quanh thánh mộ và quỳ lạy.

Người ấy hỏi :

- Linh mục có bao nhiêu tiền ?

Thầy trả lời :

- Một số tiền khá lớn.

Người ấy nói :

- Linh mục hãy cho tôi số tiền ấy đi, tôi có vợ và một bầy con chết đói, linh mục đưa tôi số tiền ấy đi, rồi rảo bước ba vòng quanh tôi, rồi quỳ lạy trước tôi. Làm như vậy cũng được, có khác gì đâu ? 

Thầy tu ấy bèn lập tức lấy tiền ra, và đưa hết tất cả cho người nghèo ấy, xong, thầy đi ba vòng quanh kẻ ăn xin ấy, rồi quỳ gối và cúi lạy hết sức chân thành. Sau đó, thầy lặng lẽ đi trở về tu viện.

Manolios im lặng chốc lát, rồi nói tiếp :

- Buổi chiều nay, sau nhiều năm tháng trôi qua, tôi mới hiểu rằng, con người nghèo khổ ấy là ai ...

Mấy người bạn ấy hỏi dồn :

- Người nghèo khổ ấy là ai ?

Manolios lưỡng lự. Sau cùng, một cách im lặng như một trái chín ban đêm rụng sau vườn, Manolios trả lời : Đó là đức chúa Jesus Ky-tô !

Một lúc sau, Manolios giải thích :

- Như vị thầy tu kia, tôi cũng đã xây bao nhiêu là kế hoạch to lớn, đang khi tôi còn là một thằng tầm thường.

Cái chuồng cừu của tôi vẫn không bao giờ đủ đối với tôi, cho nên tôi nóng lòng muốn đáp tàu to cỡi sóng lớn, muốn đi đến tận địa cầu để tìm giải thoát cứu rỗi.

Tôi cho rằng, cho rằng, thánh mộ của Chúa luôn luôn nằm rất xa xôi trùng điệp, ở tận cuối địa cầu, và tôi luôn luôn khinh bỉ mảnh đất nhỏ bé này mà Thượng đế đã đặt ném tôi vào... Nhưng bây giờ tôi đã hiểu: Chúa Ky-tô ở khắp nơi trên trần gian này, ở kề cận lòng ta.                         

Trong thôn làng giàu sang này, Chúa Ky-tô đang nghèo đói, không  nơi trú ẩn.     

Chúa nghèo và có bầy con đang đói. Chúa đi ăn mày, gõ cửa từng nhà, gõ cửa từng tấm lòng, và con người đã xua đuổi Chúa! Người ta đã xua đuổi Chúa, người ta khước từ Chúa từ nhà này sang nhà khác, từ làng này đến làng khác.

- Này anh em, tôi đã quyết định thay đổi hoàn toàn lối sống của tôi. Tôi quyết định cắt đứt quá khứđi theo đấng Ky-tô trên dặm trường...

- Đi đâu?

- Đi đâu ư? Anh đã quên rằng, vị thầy tu kia đã tìm thấy thánh mộ ở đâu sao?

Bất kỳ con người nào tranh đấuđau khổ trên mảnh đất nhỏ bé này, tức là người ấy đã tranh đấuđau khổ trên trái đất này.

Tôi sẽ ở lại cùng anh em mãi mãi! Ở nơi đây, nơi thôn làng này, trên giải đất của chúng ta, chính nơi đây là nơi tôi phải gieo và gặt, chính nơi đây là nơi mà Thiêng Liêng đã đặt để tôi, là nơi mà Thiêng Liêng đã dạy tôi phải tranh đấu để đặt đến hạnh phúc! Mỗi một cục đất ở bất kỳ nơi nào cũng đều là thánh mộ thiêng liêng ..

Ta hãy quỳ hôn lòng đất, bởi vì mỗi một mảnh đất đều thiêng liêng!

Bản dịch của Giáo sư Phạm Công Thiện, trích trong tác phẩm “Ý thức mới trong văn nghệtriết học, 1964.” 

2.- NÓI VỀ NHỮNG ĐIỀU MÀ MÌNH KHÔNG BIẾT

Một vị hoàng đế thường hay lui tới thăm viếng một nhà du tăng khất sỹ. Dẫu cuộc sống khác biệt nhau nhưng vẫn luôn luôn là bạn tốt, người này luôn luôn tỏ ra cần thiết đến người kia và dường như có một thứ tình bạn thiêng liêng gắn bó họ lại với nhau mà không  thông qua những thủ tục thường tình.

Hoàng đế vô cùng ngạc nhiên khi nhận thấy rằng, trong tất cả những buổi đàm thoại giữa hai người, thì trong khi nhà du tăng khất sỹ thường nói đến tiền bạc, châu báu, vương quốc, chính trị, triều đình... còn vị hoàng đế của chúng ta thì luôn luôn thảo luận đến niết bàn, thiền định, tôn giáo, giải thoát, vãng sanh, tiếp dẫn... 

Cuối cùng hoàng đế phải nói:

- Ta xin lỗi, nhưng có điều này làm ta không thể hiểu nổi. Ta đến đây là để bàn về Thượng đế, niết bàn, thiền định, tôn giáo, chứng ngộ, vãng sanh.... còn Thầy vốn là một người tu hành chân thật thì lại quan tâm đến vương quốc, chính trị, tiền bạc, quan chức.... Sao kỳ cục vậy? Thầy giải thích như thế nào?

Vị du tăng khất sỹ cười ngất. Lát sau mới nói rằng:

- Chẳng có gì  để giải thích cả. Điều này vô cùng đơn giản : Nhà vua chỉ nói đến những điều mà nhà vua không  biết. Còn tôi cũng nói về những điều mà tôi không  biết. Đơn giản thôi!

Tại sao tôi lại nói về Thượng đế, thiền định, giải thoát, vãng sanh, chứng ngộ, tôn giáo...? Bởi vì tôi quá hiểu biết về những điều này, nên tôi không bao giờ cảm thấy cần thiết phải nói đến chúng.

Còn tại sao nhà vua lại không  bao giờ bàn đến triều đình, vương quốc, tiền bạc, mỹ nữ... bởi vì nhà vua quá rành rọt về những sự vụ ấy, cho nên nhà vua không  bao giờ cảm thấy cần thiết phải nói đến chúng. Chúng ta luôn luôn thích thú khi nói đến những điều mà chúng ta không biết! Đây là quan sát của tôi: Tất cả mọi người bao giờ cũng ham nói về những điều mà họ không  biết!    

 

B. Rajneesh 

 

NGHI THỨC DƯỠNG SINH

CỦA NGƯỜI CÓ TÔN GIÁO

 

Một người có tôn giáo (tức là có niềm tin và có hành trì) chắc chắn tự nhiên biểu lộ qua mọi cung cách sinh hoạt đời thường. Bất kể y thuộc tôn giáo nào chúng ta vẫn thấy cách biểu lộ ấy rất thật và tràn đầy lòng tin.

Chuyện xảy ra trong trại tập trung của Đức Quốc Xã, vào những năm 1944, do C. V. GHEORGHIU tác giả GIỜ THỨ 25 ghi lại.

Nhân vật chính là Moritz, người Chính thống giáo thường trú ở Ru-ma-ni, bị bắt và bị đày ải qua nhiều trại giam với tội danh “dân Do thái”. Trong cảnh cùng cực của kiếp sống, y vẫn không đánh mất niềm tin và y luôn luôn gắn kết tâm hồn mình cùng với Ơn Trên Cao Cả. Ngay cả trong một bữa ăn trong tù!

Tương tự như nhà thơ Tuệ Sỹ bưng bát cơm tù và lẩm nhẩm:

Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn.

Tạm dịch:

Dâng bát cơm tù nầy
Cúng dường lên Đức Phật
Thế gian đầy oán hận
Bưng bát, lệ vô ngôn!

Mới các bạn đọc thử xem người tù thời xưa và người tù thời nay có khác gì nhau? “Bỉnh bát lệ vô ngôn!”

Trở lại câu chuyện NGHI THỨC DƯỠNG SINH CỦA NGƯỜI CÓ TÔN GIÁO trong tác phẩm GIỜ THỨ 25:

Moritz hỏi Traian:

- Ông thật tình muốn chết sao? Ông không ăn uống gì hết?

Bốn ngày qua, từ bữa Traian nhất định tuyệt thực. Trời nóng, Traian nằm ngửa dưới bóng lều. Còi báo hiệu buổi ăn trưa. Moritz cầm ga-mên của Traian, ráng thuyết phục chàng lần nữa, nói:

- Ông muốn tôi đem phần ăn của ông về không? Ông có chết thì cũng chỉ làm bọn chúng vui mừng. Nhưng muốn chết cũng là một trọng tội!

Traian đáp:

_ Nếu anh muốn thì anh cứ lấy phần ăn của tôi. Chứ tôi không cần gì nữa!

Moritz đi lấy đầy một ga-mên xúp đem về. Anh đặt xuống đất, gần Traian, và móc túi lấy muỗng ra lau trên tay. Đoạn anh để ga-mên trên đầu gối. Xúp còn nóng. Anh phồng mũi hít hơi xúp bay lên. Traian hỏi:

- Sao anh không lấy luôn phần tôi? Phần của anh anh cũng ăn không đủ no. Vả lại, khẩu phần nào cũng không đủ cho bất kỳ ai hết!

- Tôi không ăn phần của ông được! thượng đế sẽ trừng phạt tôi. Lúc ông đang đau, nếu tôi ăn phần của ông thì tội tình lắm. Tôi không thể làm như vậy được!

Kèm chạt ga-mên giữa hai đầu gối, Moritz ngước mặt lên trời đang đượm màu u ám nặng nề, nhìn mây một lát lâu, môi mấp máy, rồi Moritz làm dấu thánh giá.

Trian theo dõi từng cử chỉ của anh. Moritz chậm rãi đặt cái muỗng trong ga-mên xúp, trịnh trọng như một người đang hành lễ.

Anh múc nửa muỗng xúp và nghiêm trang đưa lên môi, như rước lễ thánh. Nuốt xong, anh nghỉ một chặp. Anh cầm muỗng ngay thẳng trên tay, không cục cựa, như muỗng còn đầy.    

Mắt anh to và đen nhìn chăm chăm vào xa xăm, một cõi mà chỉ riêng anh nhìn thấy, ở một nơi ngoài biên giới chân trời mặt đất.

Moritz múc một muỗng nữa. Không bao giờ anh múc đầy muỗng. Mỗi lần, không bao giờ anh ăn hơn nửa muỗng. Không bao giờ anh ăn dưới nửa muỗng xúp. Anh đưa muỗng lên môi cũng một cách chậm rãi và trịnh trọng như trước.

Moritz ăn cũng như người ta cử hành lễ mi-xa, đều đặn, tiết độ. Ăn, đối với anh, là một hành vi thiêng liêng - lễ thụ dưỡng - phải giữ đúng theo nghi thức tôn nghiêm của thuở nguyên sơ. Và cũng như mọi hành vi căn bản thiêng liêng, ăn không được hấp tấp, phải thận trọng nghiêm trang. Một giọt xúp cũng không được dính môi, đổ rơi hoặc bỏ sót.

Các cử chỉ gần như thiêng liêng của Moritz đang ăn làm tê liệt mọi thuyết hoài nghi và tất cả học thuyết khác của con người đều bị bắt buộc phải câm lặng.

Không có vẻ gì đóng kịch, không có gì vô cớ, không có gì vô ích. Tới giờ ăn, Moritz đặt mình vào tiết điệu thiên nhiên. Anh tư dưỡng cũng như loài thảo mộc sinh dưỡng, rút nhựa sống trong lòng đất. Toàn thân anh hòa điệu với cử chỉ ấy, không thấy biết gì xung quanh, anh hoàn toàn thuộc về chân ngã, hòa mình mật thiết với tạo vật thiên nhiên. Khi ăn xong, lúc không còn giọt xúp nào dính ga-mên, anh ngồi lặng yên một hồi, nhìn quang cảnh trước mắt, quang cảnh chỉ một mình anh thấy. Rồi, với ba ngón tay nhập lại, anh làm dấu thánh giá một lần nữa.

Day qua Traian, anh nói, như vừa tỉnh dậy sau giấc mơ dài:

- Ăn phần của người khác là một tội lớn!

Rồi anh đứng dậy, đi rửa ga-men.

Traian nằm yên, mắt nhìn xa xăm, nhưng không thấy chân trời. Chàng còn lởn vởn trước mắt hình ảnh Moritz ngồi ăn, cử hành nghi lễ dưỡng sinh, một hành vi tư dưỡng trang nghiêm mà chàng vừa từ bỏ.

(Trích: Đoạn 146 trong cuốn GIỜ THỨ HAI MƯƠI LĂM,

 của C.V. Gheorghiu, bản Việt ngữ của Lê Ngọc Trụ và Võ Thị Hay, NXB Ngày Nay, Saigon 1966)              

CẶP MẮT

KHÔNG PHẢI LÀ THỦ PHẠM

 

Nhà thơ Sudras, đi qua thành phố và tình cờ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp. Ông rung độngtâm hồn bị xâm chiếm bởi vẻ đẹp kiêu kỳ, hấp dẫn của người phụ nữ ấy. Thế rồi, ông ta trở về nhà và... ông ta đã chính tay móc cặp mắt của mình ra!

Nhưng, cặp mắt không phải là thủ phạm.

Trong thực tế, khi chúng ta nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp thì chẳng có gì sai trái trong sự vụ này. Nếu chúng ta thực sự chiêm ngưỡng một người phụ nữ đẹp và chúng ta có con mắt nhạy cảm thì chúng ta sẽ xuất hiện một thoáng nhìn sùng kính ngay khi ấy - bởi vì đó là cái đẹp thực sự, và cái đẹp xuất hiện dưới mọi hình thức. Ông Sudras đã từng ca ngợi tán thán cái đẹp của thần Krishna với thái độ sùng kính, thế thì tại sao ông ta lại không thể bị xâm chiếm bởi cái đẹp của người phụ nữ?

Móc mắt mình ra: đây là hành động ngu xuẩn đã chống lại sự sùng kính. Mà Sudras là nhà thơ vĩ đại, thì ông ta buộc phải rung động vì cái đẹp, bởi vì cái đẹp chính là Thượng đế.

Làm thế nào mà một nhà thơ lại móc mắt của mình ra chỉ vì mình đã lỡ thưởng thức cái đẹp?

Tôi nghĩ rằng, câu chuyện này chắc chắn chỉ là sự bịa đặt của bọn tu sỹ nửa vời, sự chế biến ngu xuẩn bọn tu sỹ bị ức chế, luôn luôn kìm nén bản thân. Đây là sự bịa đặt sống sượng.

Nếu chúng ta nảy sinh tham dục khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của người phụ nữ thì chúng ta hãy lau đôi mắt của mình đi! Nếu chúng ta nhìn người phụ nữ mà phát sinh ham muốn thì chúng ta hãy chùi rửa tâm hồn của mình chứ không phải móc mắt!

Hãy rèn luyện bản thân để trở nên nhạy cảm hơn, cho đôi mắt trở thành thuần khiết hơn, sáng sủa hơn - thì vẻ đẹp của người phụ nữ sẽ biến thành điều thiêng liêng, và người đàn ông trở thành sự sùng kính.

Và rồi, cây cối sẽ biến mất, sẽ trở thành ngọn lửa xanh lục thiêng liêng. Dòng sông sẽ biến mất và sẽ trở thành luồng chảy thường hằng của năng lượng chúng ta.                 

Tôn giáo, tất cả các tôn giáo đều lên tiếng chống lại các giác quan của bạn. Nhưng, tôi không bao giờ chống lại các giác quan, bởi vì tôi hiểu rằng, nếu tôi chống lại các giác quan tức là tôi đã chống lại sự sùng kính, tôi đã tách rời điều thiêng liêng.        

Bởi vì mọi cánh cửa của cuộc sống đều dẫn đến Thiêng Liêng. Cho nên tôi chủ trương: hãy nâng cao các giác quan của mình, và hãy trở nên tỉnh thức, sống động hơn trong các giác quan của mình. Từ đó, hãy để cho sự nhạy cảm của mình trở nên Toàn bộ và mọi chiều hướng đều xuất hiện những thoáng nhìn sùng kính đối với cuộc sống!

Chính vì những giáo lý sai lầm ngu ngốc này, mà bạn thường xuyên sống với xung khắc bên trong bản thân. Đến nỗi, khi yêu một người đàn ông hay một người phụ nữ thì bạn đều cảm thấy tội lỗi, mặc cảm tội lỗi.

Tình yêu là cảm hứng gần gũi nhất với sự sùng kính, bởi vì trong tình yêu bạn sẽ rơi vào hài hòa với bản thể người khác, trong tình yêu thì bạn không còn là một nhạc cụ độc tấu nữa. Một giàn giao hưởng nhỏ đã được tạo ra giữa hai người. Thế rồi, trẻ con được sinh ra, và giàn giao hưởng lại xuất hiện nhiều thành viên mới. Gia đình bạn trở thành giàn hợp xướng vĩ đại : trẻ con, vợ chồng, bạn bè, quen biết... Bạn không  còn đơn độc nữa, bạn đã trở thành một cái Toàn bộ diệu kỳ, trong cái Toàn bộ lớn lao hơn, bề thế hơn, cao cả hơn, tuyệt vời hơn.

Và điều này phải cứ phát triển mãi mãi, để sao cho đến một ngày kia, tất cả mọi cái Toàn bộ đều trở thành Toàn bộ, không còn Một mà cũng không còn Nhiều, duy chỉ là Toàn bộ mà thôi!

Một khoảnh khắc mầu nhiệm sẽ tới: nếu bạn cứ trưởng thành trong sự nhạy cảm của mình, khi gia đình bạn trưởng thành thêm lên, và toàn bộ sự tồn tại của cuộc sống sẽ trở thành ngôi nhà của bạn. Ngay bây giờ, thậm chí ngôi nhà của bạn cũng không còn là nhà của bạn, bởi vì trong ngôi nhà của bạn mà bạn cũng không ở nhà!

B. Rajneesh

  

TRIẾT GIA SPINOZA

BỊ KHAI TRỪ

KHỎI GIÁO HỘI DO THÁI

 

 Ở Việt Nam rất may là chưa thấy trường hợp này xảy ra!

Người ta đã nhân danh tôn giáo để tạo ra những cảnh tượng khủng khiếp, những lời lẽ tàn khốc, để giáng xuống nạn nhân mà chẳng chút thương xót, chỉ vì y mang một cái tội “tin theo tư tưởng khác với bọn tao!”

Điều đáng buồn là: Đã đến thế kỷ 21 rồi, mà các tòa án như thế này vẫn tồn tại trên thế giới!  Gọi là văn minh hay dã man? Thờ phụng mà khác với người ta thì bị cho rằng “tà đạo”!

 …

Các giáo sỹ Do Thái buộc triết gia Spinoza trả lời những câu hỏi sau:

- Phải chăng ông tin và chủ trương rằng Thượng đế có một hình hài? Phải chăng ông chủ trương rằng thiên thần chỉ có trong tình trạng mê sảng, linh hồn chỉ là đời sống và Cựu Ước không nói gì đến sự bất tử của linh hồn?

Chúng ta không biết Spinoza trả lời như thế nào cho những câu hỏi trên. Chúng ta chỉ biết giáo hội Do Thái bằng lòng trả cho ông một số tiền nếu ông chịu phủ nhận những chủ trương có hại cho đường lối của giáo hội. Ông từ chối. Đến ngày 22/07/1656, Spinoza bị khai trừ khỏi giáo hội Do Thái.

Buổi lễ khai trừ thật ảm đạm. Vị giáo chủ xướng lên những lời tố cáo nguyền rủa, tiếng kêu la rên siết của một cái tù-và vang lên từng hồi, ánh sáng trong giáo đường dần tắt, và khi buổi lễ chấm dứt, toàn thể giáo đường chìm trong bóng tối, tượng trưng cho sự ra đi của lý trí trong tâm hồn con người phản đạo.

Sau đây là nguyên văn những lời tố cáo và nguyền rủa do vị giáo chủ đọc trong buổi lễ khai trừ:

“Các giáo phẩm long trọng tuyên bố các ngài đã làm đủ cách để lôi kéo Spinoza trở về với chánh đạo, song tất cả đều vô hiệu. Càng ngày các ngài càng nhận thấy rằng đương sự đã phổ biến luận điệu sai lầm một cách ngạo nghễ và nhiều nhân chứng đã quả quyết biết rõ những việc làm này. Do đó, hội đồng giáo phẩm quyết định khai trừ Baruch Spinoza khỏi tập thể của những người Do Thái.

Với sự phán xét của các thiên thần và các Thánh, trước những bộ thánh kinh ghi chú 613 điều răn dạy, chúng tôi nguyền rủa đương sự với tất cả điều nguyền rủa ghi trong kinh luật. Đương sự sẽ bị nguyền rủa ban ngày cũng như ban đêm, khi ngồi khi đứng cũng như khi nằm, khi đi cũng như khi lại.

Xin Thượng đế đừng bao giờ tha thứchấp nhận đương sự. Xin Thượng đế ra uy vói đương sự, bắt buộc đương sự phải chịu tất cả những nguyền rủa ghi trong kinh luật và bôi tên đương sự dưới vòm trời. Xin Thượng đế loại trừ đương sự khỏi sự che chở của ngài và bắt đương sự phải ganh chịu tất cả những lời nguyền rủa trong vũ trụ.

Kể từ hôm nay, chúng tôi cấm những người Do Thái ngoan đạo nói chuyện với y, giao dịch thư từ với y, giúp y và sống chung với y. Không ai được đến gần y và không ai được đọc những tác phẩm hoặc những chữ do y viết ra”.

 

          (Trích CÂU CHUYỆN TRIẾT HỌC, Will Durant,

Trí Hải và Bửu Đích dịch, Vạn Hạnh xuất bản, 1971)

XUNG ĐỘT BẢN NGÃ,

KHÔNG PHẢI TÔN GIÁO!

 

Xưa nay, bên cạnh những cuộc chiến tranh để cướp đất, giành dân, những cuộc tương tàn để tranh nhau gái đẹp, hy sinh thành quách cung điện để đổi lấy giai nhân… lại có  những cuộc thánh chiến đẫm máu để khẳng định niềm tin hay khẳng định sự mê muội dằng dặc của kiếp người không có lối thoát!

Ban đầu, tôi cứ ngỡ rằng, có một sự thật là: Nhờ vào lời dạy của Phật-đà hay của Chúa Jesus mà con người bớt xung đột nhau hơn. Họ sẽ sống hòa hợp cùng nhau, tay nắm tay và thốt lên bài ca “niềm tin vĩnh cửu” vang vọng chín phương trời!

Nhưng, không!

Con người vẫn xung đột với nhau như cách đây hàng triệu triệu năm đó thôi! Trước đây, loài người luôn luôn xung đột nhau vì những lý do khác, vì những nguyên cớ khác – còn bây giờ thì nhân loại xung đột nhau chỉ vì nhân danh tôn giáo! Có lẽ vừa đánh nhau vừa hô lớn: “Thượng đế ở về phe chúng ta!” thì thích thú hơn!

Mời các bạn đọc bài viết sau đây. Cho vui! Vậy thôi!

* * *

CÓ NGƯỜI HỎI:

Tại sao mọi người không thể hiểu được tôn giáo của nhau? Và xuất hiện nhiều xung đột tôn giáo?

 VÀ CÓ NGƯỜI TRẢ LỜI RẰNG:

Bản ngã đấy. Chẳng liên quan gì đến tôn giáo cả, chỉ là bản ngã mà thôi. Bất kỳ cái gì của bạn đều phải là tốt nhất trên thế giới. Bất kỳ cái gì của người khác đều xấu xa nhất thế giới, không thể được phép là tốt nhất trên thế giới.

Vợ của bạn là người đàn bà đẹp nhất, chồng của bạn là con người đẹp nhất. Bạn là người vĩ đại nhất trên thế giới. Bạn không nói thẳng như vậy, nhưng tất cả những gì bạn nói đều mang ý nghĩa đó theo cả muôn ngàn cách thức diễn tả khác nhau. Và bất kỳ cái gì thuộc về bạn cũng phải là tốt nhất. Người ta cũng giống hệt đứa trẻ. Trẻ nhỏ cứ tranh nhau: Bố tao có thể đánh bại bố mày bất kỳ lúc nào!

Một cậu bé đang kể chuyện cho một đứa trẻ khác: Mẹ tao là một nhà hùng biện vĩ đại. Mẹ tao có thể nói về bất kỳ chủ đề nào trong suốt hàng giờ như thế.

Đứa trẻ kia nói: Như thế chẳng ăn nhằm gì. Mẹ tao mới là nhà hùng biện vĩ đại nhất, mẹ tao có thể nói chẳng cần chủ đề nào trong hàng giờ như vậy. Chẳng ai biết được mẹ tao đang nói gì!

Người ta cứ khoe khoang khoác lác về những thứ của mình, về mọi thứ, ngay cả về tôn giáo nữa.

Con trai của Nasrudin hỏi: Bố ơi, nếu người Hồi giáo chúng tatừ bỏ tôn giáo mình để trở thành người theo đạo Hindu hay Công giáo, thì bố gọi người ấy là gì?

Mulla trở nên rất giận dữ: Nó là đồ phản bội! Nó đáng bị bắn bỏ. Đây là tội lỗi lớn nhất trên thế giới - thay đổi tôn giáo của mình, phản bội tôn giáo của mình.

Thế rồi đứa con lại hỏi: Thế bố ơi, nếu người Hindu hay Công giáo trở thành người Hồi giáo thì sao?

Mulla mỉm cười:

-Điều ấy vĩ đại đấy. Người đó là kẻ khôn ngoan, đáng được hoan nghênhkính trọng. Người ấy biết chân lý là gì và vô cùng can đảm, bởi vì người ấy là người chuyển đạo, con ạ!

Bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Nếu một người Hồi giáo trở thành tín đồ Hindu hay Công giáo thì anh ta là kẻ phản bội. Nếu người Hindu hay Công giáo trở thành người theo Hồi giáo thì anh ta là người chuyển đạo vĩ đại, đáng được tôn kính, anh ta là kẻ khôn ngoan vì đã thừa nhận tôn giáo thực sự là gì!   

Đó là cách vận hành của bản ngã chúng ta. Đó là lý do tại sao các tôn giáo thay vì mang lại hòa bình cho thế giới lại chính là nguyên nhân của cac cuộc chiến tranh đẫm máu. Nhiều người đã bị giết nhân danh tôn giáo hơn bất kỳ nhân danh nào khác. Thậm chí, các chính khách cũng không thể vượt qua tôn giáo trong việc giết người. Những kẻ giết người ghê gớm nhất thế giới chính là những nhân vật trong nhà thờ, giáo đường, và đền thờ.

Trong tương lai, vết nhơ xấu xa này cần phải bị vứt bỏ, chúng ta nên vứt bỏ ngay lập tức!

Tôn giáo sự lựa chọn cá nhânNếu có ai đó không thích hoa hồng, thì bạn đâu có giết anh ta mà bạn cũng không nói anh ta xấu, bạn cũng không nói anh ta sai. Mà bạn nói rằng, đó là sở thích của anh ta. Anh ta không thích hoa hồng, chấm hết. Tôi thích hoa hồng. Nhưng đó là vấn đề sở thích. Không có vấn đề chân lý trong đó, không có tranh luận về nó và không có lý do để chứng minh tại sao tôi không thích hoa hồng. Nếu tôi không thích, thì đó là tôi không thích. Nếu bạn thích, thì là bạn thích. Không có xung khắc, đối kháng. Tôn giáo cũng nên là như vậy.

Ai đó thích Jesus - hoàn toàn tuyệt vời. Ai đó thích đức Phật, ai đó thích Krishna - chỉ là sở thích. Tôn giáo không liên quan gì với sự cao quý cả.   

Tôn giáo nên là thuần túy sở thích. Do vậy cho nên không có xung khắc, do vậy cho nên không có việc tranh biện vô bổ vẫn diễn ra hàng thế kỷ nay.

Thay vì cầu nguyện, (hay thiền định) người ta lại tranh biện.

Toàn bộ năng lượng mà người ta đã đổ vào các cuộc tranh biện, nếu như được dồn vào cầu nguyện thì người ta đã cảm nhận Chân lý là gì. Nhưng người ta cứ tranh biện, cãi cọ, các cuộc bút chiến khẩu chiến lớn nhỏ vẫn cứ xảy ra và tiếp diễn, và chẳng có gì được chứng minh cả, bởi vì chẳng có cái gì có thể chứng minh được.

Nếu bạn yêu Jesus, nó cũng hệt như khi bạn yêu một người đàn bà. Bạn không thể chứng minh được điều gì. Tại sao? Và bất kỳ cái gì bạn chứng minh cũng đều có vẻ ngây ngô đối với người khác. Nếu bạn nói với người khác: nhìn mũi cô ấy mà xem, dài thế, đẹp thế, thì mọi người sẽ nói: trông xấu thế, ngoại cỡ, mũi to quá, mặt không cân xứng. Nếu bạn nói: nhìn mắt cô ta kìa, to thế, đẹp thế. Thì ai đó sẽ nói : Trông khiếp hãi làm sao. Mắt gì mà thô lố, tôi ngán lắm ...

Chẳng có cách nào chứng minh cái thích của bạn cả. Ai đó thích Jesus và một ai khác thích đức Phật. Ấy là thuần túy tình yêu. Bạn không cần phải chứng minh.

Và nếu bạn chứng minh thì bạn trở thành ngớ ngẩn với người khác. Đây là cách thức để tỏ ra ngớ ngẩn không có gì hơn.

Người Hindu nghĩ những ai yêu Jesus đều là kẻ đần độn cả. Có gì ở con người này? Bạn hãy hỏi người Hindu mà xem. Họ có một giáo thuyết thâm sâu về nghiệp. Họ nói bạn nhận lãnh đau khổ hôm nay chỉ vì bạn đã làm điều gì sai trái trong quá khứ. Tại sao Jesus bị đóng đinh? Ông ấy chắc chắn đã phạm tội lỗi lớn lao trong nhiều kiếp trước. Nếu không thì tại sao khốn đôn như vậy? Ngài Krishna thì không bị đóng đinh, thánh Rama không bị đóng đinh. Tại sao Jesus lại bị đóng đinh? Ông ấy nhất định là một tội nhân nghiệp nặng.

Bây giờ, toàn bộ câu chuyện xảy ra ngược lại. Bạn hỏi một người Công giáo về hình ảnh đức Krishna đang thổi sáo. Điều ấy trông đẹp biết bao! Còn Jesus trên cây thập tự trông sao buồn bã thế?

Và người công giáo sẽ nói: Anh đang nói gì? Thế giới này đầy khốn khổ, cái ông Krishna chắc chắn phải mang trái tim bằng đá mới ngang nhiên thổi sáo trong khi mọi người đang sống trong đau khổ, chết chóc, bịnh tật. 

Nếu y mà có trái tim thật sự thì y sẽ hy sinh thân mình cho những người bị chà đạp, khốn khổ.

Hãy nhìn Jesus mà xem. Ngài là vị cứu tinh, Ngài chết cho chúng ta được sống, để chuộc lỗi cho chúng ta. Còn cái ôngKrishna trông hời hợt làm sao ấy!

Nhưng hãy hỏi người Hindu, người theo Krishna mà xem. Người ấy sẽ nói: Anh nói gì thế? Làm gì có đau khổ trên thế giới này? Đau khổ chỉ là ảo tưởng. Và nếu người ta đau khổ thì họ đau khổ chỉ vì tội lỗi của họ, chẳng có ai có thể chuộc lỗi cho họ được. Làm sao bạn có thể chuộc lỗi cho bất kỳ ai?

Người Hindu nói, nếu có một người nào đó đang khóc và bạn ngồi cạnh đó và bạn cũng gào lên và khóc, nếu như vậy thì bạn có thể chuộc lỗi cho hắn ta được không? Không, sự tang tóc thống khổ sẽ tăng gấp đôi lên. Nếu có một kẻ nào đó đang ốm đau và bạn tự nguyện nằm bên cạnh như là người đồng cảm với nỗi đau của y, thì có giúp ích được gì chăng? Để mang lại lợi ích thiết thực cho nhân loại, bạn phải là kẻ khỏe mạnh, bạn không phải là người ốm đau bịnh tật. Krishna là người khỏe mạnh, Krishna là người vui vẻ. Thế giới khốn khổ như vậy cho nên Ngài mang đến cây sáo trong mục đích làm vơi nỗi đau ghê rợn kia. Cây sáo là cần thiết thực sự.

Và người ta cứ tranh biện mãi như vậy, mãi mãi như vậy ...                  

Với tôi, Bhagavan nói, tôn giáo chỉ là chuyện tình.

Tôn giáo chẳng liên quan gì đến tri thức, tôn giáo chẳng liên quan gì đến lập luận của lý trí. Tôn giáoviệc làm của tình yêu. Với bất kỳ ai mà bạn yêu dấu, đó là con đường của bạn. Hãy đi qua tôn giáo - bởi vì tôn giáo là cánh cửa của bạn.

Tình yêu là cánh cửa. Bạn yêu ai cũng chẳng liên quan gì mấy đến đối tượng được yêu. Bởi vì vấn đề duy nhất chỉ là Tình Yêu mà thôi. Tình yêu cứu rỗi, chẳng Jesus, cũng chẳng Krishna. Tình yêu cứu rỗi. Bạn hãy yêu. Tình yêu là năng lực cứu rỗi duy nhất. Tình yêu là vị cứu tinh.

Nhưng bản ngã của bạn thì ...

(“Kim Cương kinh” của Osho. GS. Ngô Trung Việt dịch)

TÔN GIÁO

DƯỚI CÁI NHÌN CỦA NHÀ THƠ LỚN

KAHLIL GIBRAN

Năm 1969, tháng có mưa và buổi chiều Đà Lạt âm u bởi những đám mây giông bất chợt, tôi đang rảo tới rảo lui trên phố, chờ những chuyến xe từ Saigon lên đây và chở theo những cuốn sách mới xuất bản. Gần tối mịt mới có chuyến xe cuối cùng tấp vào nhà sách Tuyên Đức. Tôi băng mình theo và hỏi xem có gì mới không? Quả nhiên, dường như để đáp lại tấm thịnh tình của một thằng nhóc mê sách, ông chủ nhà sách trao cho tôi cuốn MẬT KHẢI. Bìa màu xanh lợt, trang trí bằng chữ và chữ, có vẻ tầm thường mà tên tác giả thì lạ hoắc lạ huơ: KAHLIL GIBRAN và tên người dịch lại càng xa lạ trong giới học thuật, văn nghệ, tư tưởng: Phạm Bích Thủy.

Lật xem bìa sau, đề giá bán 20 đồng. Thật ra, đó là cái giá phải chăng, không có gì gọi là mắc mỏ. Nhưng, bọn trẻ như tôi thì đâu có nhiều tiền để mua một cuốn sách bá vơ rồi quăng vào sọt rác? Tôi lật nhanh cuốn sách mỏng ấy, ngẫu nhiên đọc thấy mấy hàng trong sách:

“Đời sống hàng ngày chính là đền thờ và tôn giáo cho các ngươi.

Tôi thầm nghĩ: Chỉ một câu này thôi cũng đủ cho mình gỡ gạc, chấp nhận hy sinh 20 đồng để mua cuốn sách này! Nhưng, tôi vẫn cố đọc thêm vài ba câu nữa xem sao:

Mỗi khi vào đền thờ, hãy mang theo mọi thứ của mình.

Hãy đem theo cái cày, lò rèn, cái vồ và cây đàn.

Những thứ các ngươi đã tạo nên trong cần thiết hay trong hân hoan.

Vì trong mơ màng các ngươi không thể vươn cao quá những thành quả mình, cũng không thể sa thấp hơn những thất bại mình.

Và tôi mua ngay cuốn Mật Khải tuy biết rằng, đêm nay mình sẽ ngủ không yên vì những đề tài gay cấnhấp dẫn trong sách mà tác giả khơi dậy, ngay từ đêm hôm ấy cho tới gần 50 năm sau. Bây giờ vẫn còn thao thức, mất ăn bỏ ngủ bởi những vấn đề mà Kahlil Gibran kết tinh và cô đọng bằng những xương máu và hơi thở của mình. Rồi ra, tôi vẫn là “thằng nhóc” dễ tin, dễ rung động, trước những minh triết cao xa, uyên áo, như mây trời… và cũng gần gũi, bình thường như bàn tay đất mẹ nẩy sinh bánh bọc lọc hoặc bánh nếp, xôi dừa…

Ừ, ừ nhỉ, làm sao lại không rung động trước những minh triết như thế này, in ở đầu sách:

Tôi đến để nói một lời, và tôi sẽ nói bây giờ. Nhưng nếu cái chết ngăn trở tôi, thì Ngày Mai sẽ nói lên. Bởi vì Ngày Mai không bao giờ đơn sai một bí mật trong cuốn sách Đời Đời.

Tôi đến để sống trong Vinh Quang Tình yêu và Ánh Sáng Cái Đẹp, là những phản ánh của Chân lý. Tôi ở đây sống động và không thể bị lưu đày khỏi cảnh vực đời, vì qua lời hằng sống, tôi sẽ sống trong Cái Chết.

Tôi đến đây cho tất cả và với tất cả, và những gì tôi làm hôm nay trong cô đơn, thì Ngày Mai muôn người sẽ vọng lại. Những gì tôi nói bây giờ với một lòng, thì ngày mai muôn lòng sẽ thốt lên.

KAHLIL GIBRAN

Mà ông Kahlil Gibran là ai?

Là thi sĩ tâm linh của xứ Liban nằm giữa Á và Âu, Kahlil Gibran mang một thông điệp đến cho mọi người khắp nơi: đại đồng, hòa đồng tôn giáo, hạnh phúc tự nhiên, huynh đệ giữa con người, và tình yêu vượt cái chết.

Thông điệp đã truyền tự ngàn xưa nhưng chữ nghĩa nhiều khi đã cũ mòn vì ngoài sự lãng quên còn có sự đàn áp của chính trị và lừa dối của tôn giáo.

Khi cất lên tiếng hát mới, Kahlil Gibran bị giáo hội trục xuất và chính quyền lưu đày, lang thang suốt nửa địa cầu từ Anh sang Mỹ, con người bị quê hương hắt hủi đó tổng hợp thơ và đạo của cả Đông và Tây để thành một Tagore của văn chương Ả Rập, một Dante của Thế kỷ Hai Mươi và một Bậc Thầy bất tử của nhân loại.

Gần ba mươi năm trời Kahlil Gibran âm thầm ghi lại những suy tư dạt dào mà sau này người ta gom lại in thành cả chục pho. Được dịch ra Anh ngữ, sách của ông thành Thánh kinh và tác giả thành đấng Tiên tri, bậc tôn sư và người bạn thân thiết của hàng triệu người thuộc mọi quốc gia, mọi tín ngưỡng.

Cuốn Mật khải (THE PROPHET) là danh tác của Kahlil Gibran từ năm 1923 tới nay đã được ấn hành cả trăm lần, MẬT KHẢI là ngọn đuốc được thắp bằng Sự thật và Tình yêu để soi sáng những vấn đề muôn thuở, của cuộc đời mà mỗi người phải sống và nghĩ, phải hỏi và đáp cho chính mình và cho tất cả. 

 Sau gần 50 năm, người Việt Nam đã nói về Kahlil Gibran như sau:

Kahlil Gibran (1883-1931) sinh tại Bsharre, Li Băng năm 1883. Sáng tác của ông là một kết hợp tuyệt vời giữa nhạc và thơ, ca tụng những vẻ đẹp hữu hình cũng như vô hình. Mỗi câu nói là một lời thiêng. Mỗi đoạn văn là một thánh thư. Mỗi câu chuyện là một dụ ngô trình bày những chân lý cao siêu.

Không những là một nhà thơ, Kahlil Gibran còn là một triết gia, một vị tiên tri, một nghệ sĩ. Thế giới Tây Phương xưng tụng ông la “Dante của thế kỷ XX”. Thế giới Đông Phương tôn vinh ông là “Bậc thầy khả ái”. Ông là một trong những tác giả hiện nay (chú ý: sách này được xuất bản ở thập niên 80) được đọc và sùng bái nhất bởi cả hai nền văn hoá Đông cũng như Tây
Những tác phẩm chính của ông là: Nhà tiên tri (The prophet), Tiếng thầy (The voice of the master), Đôi cánh gãy (The broken wings), Tự truyện (A selfportrat), Lời thiêng (The spiritual sayings). Tất cả tác phẩm của ông đều sáng tác bằng tiếng Anh.

 NÓI VỀ TÔN GIÁO

Một thầy tế lễ già nua, thưa :

Xin hãy dạy chúng tôi về tôn giáo.

……

Người nói :

Hôm nay ta có nói điều gì khác chăng ?

Há chẳng phải tôn giáo là mọi hành vi, mọi suy tư ?

Và chẳng phải hành vi, chẳng phải suy tư,

mà một kỳ diệu, một kinh ngạc mãi mãi nẩy sinh trong tâm hồn ngay lúc đôi tay đẽo đá hay dệt cửi?

……

Ai có thể tách niềm tin ra khỏi hành động, hay tín ngưỡng mình ra khỏi công việc?

Ai có thể trải giờ giấc mình trước mặt và nói: ”Giờ này dành cho Ơn Trên, giờ này dành cho ta. Giờ này dành cho tâm linh, giờ này dành cho thân xác?

Mọi giờ giấc các ngươi là những đôi cánh vỗ qua không gian từ tự ngã này đến tự ngã khác .

Kẻ mặc phẩm hạnh mình chỉ như trang phục đẹp nhất, tốt hơn hãy trần truồng.

Gió và nắng sẽ không soi lỗ vào da của hắn.

Kẻ xác định hạnh kiểm mình bằng đạo lý đã giam con chim hót trong lồng.

Khúc hát tự do nhất sẽ không thể vươn tới được,

qua tấm rào cản là chấn song và dây thép gai.

Và kẻ thờ phượng như một cửa sổ, để mở nhưng cũng để đóng, chưa đến viếng nhà của hồn mình, nơi các cửa sổ mở từ bình minh này sang bình minh khác.

Đời sống hàng ngày chính là đền thờ và tôn giáo cho các ngươi.

Mỗi khi vào đền thờ, hãy mang theo mọi thứ của mình.

Hãy đem theo cái cày, lò rèn, cái vồ và cây đàn.

Những thứ các ngươi đã tạo nên trong cần thiết hay trong hân hoan.

Vì trong mơ màng các ngươi không thể vươn cao quá những thành quả mình, cũng không thể sa thấp hơn những thất bại mình.

Và hãy dẫn mọi người tới cùng các ngươi:

Vì trong sùng bái, các ngươi không thể bay cao hơn những ước vọng họ, cũng không thể hạ thấp hơn tuyệt vọng họ.

Nếu các ngươi hiểu Đáng Chí Tôn sẽ không là kẻ giải đáp những bí ẩn.

Tốt hơn, hãy ngó quanh mình và các ngươi sẽ thấy Ngài chơi đùa cùng con cái các ngươi.

Và nhìn vào không gian, các ngươi sẽ thấy Ngài đi trong mây, giơ tay trong lằn chớp và giáng xuống trong mưa.

Các ngươi sẽ thấy Ngài cười trong hoa lá, và đứng dậy vẫy tay trong cây cỏ...

Kahlil Gibran

Phạm Bích Thủy dịch

Nam mô A di đà Phật

NGUYỄN XUÂN CHIẾN

THƯ VIỆN HOA SEN

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/01/2019(Xem: 9681)
04/12/2020(Xem: 5924)
11/01/2013(Xem: 20160)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.