THƯ VỀ THƯỢNG ĐẾ CỦA ALBERT EINSTEIN
Cao Huy Hóa dịch
Báo mạng Le Figaro.fr đăng bản tin của Thông tấn xã AFP, ngày 10-10-2018, nhan đề “Estimée plus d'un million de dollars, la “lettre sur Dieu” d'Albert Einstein bientôt aux enchères” (Ước tính hơn 1 triệu đô-la, “Thư về Thượng đế” của Albert Einstein xuất hiện trong những phiên đấu giá sắp tới).
Vào tháng 12 này, nhà đấu giá Christie’s ở New York dự định bán một bản văn viết tay của nhà vật lý học thiên tài. Ước tính giá sẽ là siêu hạng. Trong bức thư đó gửi đến nhà triết học Eric Gutkind, nhà bác học xác nhận rằng ông không có tín ngưỡng cũng như không có tôn giáo.
Đó là một bức thư dưới dạng một di ngôn tâm linh. Và giá trị tài chính có thể ngang với tầm quan trọng siêu hình. Năm 1955, một năm trước khi mất, Albert Einstein đã cho biết ý tưởng về sự hiện hữu của Thượng đế. Bản viết tay, chạm đến quan niệm về tôn giáo và ý nghĩa cuộc sống, đã được đưa ra bán đấu giá tại New York vào ngày 4 tháng 12. Giá ước chừng từ 1 đến 1,5 triệu đô-la, theo nhà Christie’s cho biết.
Trong một bức thư viết bằng tiếng Đức năm 1954 gửi đến nhà triết học Eric Gutkind, nhà vật lý học lớn nhất của thế kỷ XX, người có gốc Do Thái và đã trốn thoát nước Đức của Hitler, bác mọi niềm tin tôn giáo. “Từ Thượng đế đối với tôi không có gì khác hơn là một diễn đạt và một sản phẩm của sự yếu đuối của con người, và kinh Thánh, một tuyển tập những truyền thuyết đáng kính nhưng khá là nguyên thủy”. Albert Einstein đã viết như thế, dứt khoát, từ khi ông làm việc tại Đại học Princeton tháng 4 năm 1955.
Trong bức thư đó, ông bác bỏ tất cả những giải thích nhằm đưa vào văn bản những gì mà chính ông không có. “Đối với tôi, đạo Do Thái, như tất cả các tôn giáo khác, là một hóa thân của phần lớn những mê tín sơ khai”. Đây là một điểm bất đồng giữa ông và nhà triết học nhận thư, người bày tỏ điều trái ngược trong Choisis la vie: l'appel biblique à la révolte, một cuốn sách mà nhà triết học đã gửi đến cha đẻ của thuyết Tương đối để lấy ý kiến. Albert Einstein giải thích: “Dân tộc Do Thái, dân tộc mà tôi tự nguyện thuộc về, và với dân tộc đó, tôi có một sự tương hợp sâu xa với những gì liên quan đến tâm tính, đối với tôi, không có những phẩm chất khác với tất cả những người khác”. Ông không tin vào khái niệm “dân tộc được ân sủng”. Một lời tuyên bố càng nhạy cảm hơn vì nó được phát biểu vài năm sau sự khai sinh Nhà nước Israel, mà ông ủng hộ nhưng ông sợ những chệch hướng về chủ nghĩa bành trướng.
Nhà bác học không muốn để chậm lâu dài hơn khi công bố những bất đồng với nhà triết học. Ông kết luận: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ hiểu mọi thứ nếu chúng ta nói những điều cụ thể”.
“Đây là một trong những tuyên bố dứt khoát nhất trong cuộc tranh luận khoa học chống tôn giáo”, Peter Klarnet nhắc lại với AFP.
Albert Einstein được xem là “ngôi sao đấu giá”. Lần bán cuối cùng một trong những bức thư của Einstein lên giá cao vào năm 2008, khi thư đó được bán cho nhà sưu tập tư nhân đến 404.000 đô-la, nhà Christie’s nói rõ như thế. Những thư từ trao đổi của Albert Einstein vẫn giữ giá trị trong những năm cuối đó. Vào tháng 10 năm 2017, một bản viết tay của nhà vật lý học về quan niệm hạnh phúc đã được bán đấu giá tại Jérusalem với 1,56 triệu đô-la, trong khi khởi điểm định giá ước chừng từ 5.000 đến 8.000 đô-la
“Nếu những thư và thủ bút của Einstein xuất hiện đều đều trên những phiên đấu giá, thì rất ít trong đó có tầm quan trọng và ý nghĩa lớn”, Peter Klarnet, chuyên gia về sách và thủ bút của Christie’s, giải thích. Thư đó, theo ông, có một tầm quan trọng “tương đương với bức thư của Albert Einstein gửi đến Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt năm 1939, báo trước những nỗ lực của Đức chế tạo bom nguyên tử”. Christie’s đã bán bức thư này với giá 2 triệu đô-la vào năm 2002.
- Từ khóa :
- Thư Về
- ,
- Thượng Đế
- ,
- Albert Einstein