Bhagavadgītā là một trong những thánh điển quan trọng của Ấn giáo. Tuy xuất hiện sau các Veda và một vài Upanishad nhưng Bhagavadgītā có một vị trí đáng kể trong hệ thống triết học và có ảnh hưởng lớn vào quan điểm xã hội của tôn giáo này. Bhagavadgītā được sáng tác vào khoảng thể kỷ thứ II (tr. TL)[1]; nhưng theo S. Radhakrishnan, niên đại của nó vào khoảng giữa thế kỷ thứ V đến thế kỷ III (tr. TL)[2].
Bhagavadgītā nằm trong bộ Mahabharata, gồm có 18 chương với 700 khổ thơ, nội dung xoay quanh cuộc đối thoại giữa thần Krishna và vị hoàng tử Arjuna, khi vị hoàng tử này đang ở trước bãi chiến trường để chuẩn bị cho cuộc chiến Kurukshetra, một cuộc chiến xảy ra giữa hai đám hậu duệ của Bharata là Pandava và Kaurava. Arjuna là người lãnh đạo đội quân Pandava. Lúc sắp bước vào cuộc chiến, Arjuna cảm thấy vô cùng bối rối và đau khổ khi phải đối diện với một cuộc tàn sát đối phương mà họ là những người thân, thầy giáo và bạn bè. Vào lúc đó, thần Krishna, qua hiện thân làm người đánh ngựa của Arjuna, đã khuyên Arjuna nên thực hiện đúng vai trò xã hội của mình như là một thành viên của tầng lớp chiến sĩ. Và thông qua cuộc đối thoại này, triết học về đời sống, những nguyên tắc đạo đức và những phương pháp thực hành yoga để đạt lấy giải thoát đã được đặt ra.
Triết học của Bhagavadgītā chính yếu tập trung vào ba phương pháp thực hành Yoga: Jnāna-yoga, Bhakti yoga và Karma yoga. Jnāna-yoga là trí tuệ nhận biết được thực tại cuối cùng, đó là Phạm thiên (Brahman). Bhakti yoga là thể hiện sự sùng kính đến một vị thần đặc biệt nào đó, trong Bhagavadgītā là thần Krishna, vị hóa thân của thần Vishnu. Theo Bhagavadgītā, sự sùng kính thần linh được xem là con đường dễ dàng nhưng lại cao nhất cho việc đạt lấy giải thoát. Karma yoga, chỉ cho cách thức mà người ta cần biết để hành động trong đời sống thường nhật; tức là người ta nên biết các nhiệm vụ và bổn phận của mình, và cần nên thực hiện chúng với một tinh thần như thế nào. Và thêm vào, làm nền tảng cho ba phương pháp yoga ở trên là thiền định, điều kiện bắt buộc phải có trước khi thực hiện ba phép yoga nói trên.
Về cơ bản, triết học của Bhagavadgītā cũng tương tự với triết học Upanishads, cùng thuộc chủ đề Vedanta. Nó thiết lập một mối liên hệ giữa thần linh và con người, và một sự hợp nhất cả hai. Mối liên hệ giữa Krishna và Arjuna là mối liên hệ giữa thần linh và con người, giữa Brahman và Atman. Tuy nhiên sự khác nhau giữa hai hệ thống này là, trong khi Upanishads nhấn mạnh vào tri thức, xem đó như là điều kiện và phương tiện tiên quyết để nhận chân thực tại cuối cùng là Brahman, Bhagavadgītā nhấn mạnh vào sự sùng bái thần linh, xem đây như là con đường tâm linh mà người ta phải có trong việc nhận ra thực tại sau cùng. Thờ phụng và sùng bái thần linh là điều kiện cần cho việc đạt lấy giải thoát. Tri thức mà không có sự sùng kính là không thể đủ để đạt đến giải thoát, và không thể nào có một trí tuệ toàn vẹn nếu không có sự sùng kính thần linh. Do đó người ta nên giữ Thần linh ở vị trí trung tâm trong thái độ và nhận thức của mình, chấp nhận thần linh như là người thực hiện, người điều khiển, và con người chỉ là công cụ thực thi hành động.
Về phương diện xã hội, Bhagavadgītā đưa ra một lối sống phần nào tích cực khi nó chủ trương một phương thức hành động dựa trên thái độ xả kỷ, và xem hành động là tốt hơn không hành động. Bhagavadgītā đề xuất một lối sống xả bỏ, không thủ chấp, tuy nhiên không phải là lối sống từ bỏ xã hội hay cuộc đời. Quan điểm này lại khác với Upanishad mà nó xem việc từ bỏ cuộc đời và sống ở trong rừng như là điều kiện cần cho việc đạt lấy trí tuệ siêu việt. Tuy nhiên cũng giống với Upanishad, Bhagavadgītā nhấn mạnh vào sự vô nghĩa của thân xác vật lý và sự bất tử của linh hồn (atman). Và mục đích tối hậu của đời người là đưa linh hồn bất tử của mình quay về lại với Brahman.
Như vậy, mục đích tối thượng của đời người là đưa linh hồn (at- man) của mình trở về lại nơi nó đã xuất phát. Tuy nhiên không nên hiểu Brahman và Atman như hai thành phần tách biệt và cần phải đưa cái này nhập vào cái kia. Atman chỉ là một sự hiện thể của Brahman, và nó là một và không khác với Brahman, “Vào sự khởi đầu thế giới này, duy nhất chỉ có Linh hồn (atman) trong hình thức một con người. Lúc nhìn quanh, anh ta không nhìn thấy ai khác ngoài chính mình.”[3] Và, “Quả thực, điều được gọi là Brahma – điều đó giống như khoảng không bên ngoài con người. Quả thực, những gì là khoảng không bên ngoài một con người – điều đó giống như khoảng không bên trong một con người.”[4]
Atman có thể tạm so sánh như nhánh của một dòng sông. Sự luân hồi của atman vào những cảnh giới khác nhau là kết quả của việc nó tách ra khỏi Brahman; và nó vẫn mãi còn trôi nổi trong sanh tử nếu mỗi khi nó còn tách mình ra khỏi Brahman. Mỗi khi nó nhận ra được thực tại cuối cùng bên trong chính nó và đạt được một trí tuệ về Brah- man, lúc đó nó sẽ đạt được sự giải thoát.
Như đã nói ở trước, Bhagavadgītā xem sự sùng kính Thần linh là điều kiện tiên quyết cho người ta tìm đến giải thoát cuối cùng. Cũng nằm trong dòng chính Bà-la-môn giáo, Bhagavadgītā đưa ra một sự nối kết mật thiết giữa con người và thần linh. Mọi bổn phận và nghĩa vụ của con người, việc thực hiện những điều được cho là nên làm trong đời sống trần tục này… tất cả không ngoài mục đích được thể nhập lại với Thần linh. Đạo đức học của Bhagavadgītā do đó là một loại đạo đức siêu hình và duy thần. Người ta thực hiện các bổn phận và làm theo những quy định nên làm, mục đích không phải vì con người mà vì thần linh; hay nói cách khác, người ta làm những điều ấy vì đó là cơ hội để có thể đạt được giải thoát sau cùng. Và những bổn phận cùng những quy định đó, chúng không phải đến từ xã hội con người, mà xuất phát từ thần linh qua những lời mặc khải, “Do đó, hãy xem thánh điển là kẻ có thẩm quyền trong việc quyết định những gì nên làm và những gì không nên làm.”[5] Những chuẩn mực đạo đức, do đó là một thứ thiên luật. Tất cả những gì hiện hữu ở cõi đời này, đều do từ Thần linh mà có, “Ta là nguồn gốc của tất cả, từ nơi Ta vạn vật tiến hóa.”[6]
Bhagavadgītā thừa kế truyền thống đẳng cấp mà nó có bóng dáng ở trong Rig Veda, và sau đó được nói rõ hơn ở Upanisads. Bổn phận trong Bhagavadgītā do đó dính liền với hệ thống đẳng cấp. Các đẳng cấp không có những bổn phận giống nhau, và các đẳng cấp chỉ được thực hành những bổn phận dành riêng cho mình mà không được phép xen vào bổn phận và công việc của những đẳng cấp khác. Xã hội sẽ trở nên bình yên và ổn định khi mỗi đẳng cấp thực hiện đúng theo những bổn phận và quy định dành cho mình. Bổn phận ở đây được xem như pháp (dharma) mà nó là một loại nguyên tắc tối cao hướng dẫn con người và xã hội. Nếu người ta vượt qua giới hạn của pháp, là vượt qua những quy định giữa người với người, và cũng đang phạm phải thiên luật, đi ngược lại ý muốn của thần linh. Sống đúng theo bổn phận (dharma) của mình và không nghĩ đến kết quả của hành động, thì dù có làm gì cũng không gây nên tội lỗi, “Ngươi hay chiến đấu vì mục đích chiến đấu, không nghĩ đến hạnh phúc hay khổ đau, được hay mất, thắng hay bại; và bằng việc làm như vậy, ngươi không bao giờ mắc phải tội lỗi.”[7]
Như vậy, rõ ràng rằng người ta thực hành đạo đức là vì muốn đạt đến sự giải thoát cuối cùng trong sự hợp nhất với Brahman. Tuy nhiên, cho dù là một loại đạo đức siêu hình và duy thần, và người ta thực hành những bổn phận mục đích chính không phải vì con người mà vì muốn được hợp nhất với thần linh, thì những ảnh hưởng của việc thực hành đạo đức ấy không phải không có sự ảnh hưởng đến đời sống con người và xã hội. Và thực ra, đạo đức nếu thiếu đi tính siêu hình cũng không phải là điều hay!
Tuy nhiên, bởi vì cấu trúc xã hội theo Ấn giáo được dựa trên hệ thống đẳng cấp, do đó bổn phận (pháp) mà người ta cần thực thi không có sự giống nhau, và như vậy không có những giá trị phổ quát trong đạo đức học của Bhagavadgītā nói riêng và hệ thống Bà-la-môn giáo nói chung. Con người không có những quyền và bổn phận giống nhau ở cuộc đời này. Sự bình đẳng về các quyền chỉ có được ở một cõi khác khi người ta thực hiện đúng những bổn phận dành cho mình ở cõi trần thế này. Cũng chính vì đạo đức được xây dựng trên hệ thống đẳng cấp và nó là một thứ quy định xuất phát từ thần linh thiếu xét đến bản chất tự nhiên của con người, Bà-la-môn giáo được xem là “không có mặt khái niệm luật tự nhiên”[8] ở trong hệ thống của nó.
Trong Veda, sự phân chia từng nhóm người được phân định theo vị trí trên cơ thể của con người vũ trụ (purusa) mà từ đó họ được sinh ra. Thuật ngữ ở trong Rig Veda mà nó liên quan đến hệ thống đẳng cấp là varṇa (màu sắc); và o đây, dường như rằng, từ lúc đầu sự phân chia nhóm người chỉ liên quan đến sắc da hơn là về bản chất. Nhưng với Bhagavadgītā thì khác, ở đây sự giải thích về hệ thống đẳng cấp được dựa trên sự phân loại đặc tính (guṇa) con người. Bhagavadgītā cho rằng con người mang trong mình ba đặc tính căn bản, đó là tính sáng suốt (sattva), linh động (rajas) và tối tăm (tamas)[9]. Đặc tính đầu hình thành nên các Bà-la-môn. Cái thứ hai dành cho các Sát-đế-lợi. Và cái cuối cùng là thành phần bản chất của Vệ-xá và Thủ- đà-la. Do vì đặc tính trong mỗi nhóm người là không giống nhau, cho nên bổn phận cho mỗi nhóm cần phải khác nhau.[10]
Bhagavadgītā có lẽ được sáng tác tại một thời điểm khi mà vị trí của tầng lớp Bà-la-môn đang suy giảm và vai trò của tầng lớp Sát-đế-lợi đang có ưu thế. Qua những giảng giải của thần Kishna, Bhagavadgītā muốn tái xác định lại vị trí xã hội của từng đẳng cấp. Một mặt nó vừa giữ lại những gì của truyền thống Ba-la-môn, nhưng mặt khác lại canh tân những phương pháp thực hành tôn giáo. Sự giải thoát có thể đạt được thông qua việc thực hành bổn phận dành cho mình và niềm tin vào thần linh vừa như để giữ lại hệ thống đẳng cấp, nhưng cũng như muốn “phổ quát hóa” con đường giải thoát cho mọi đẳng cấp. Sự thực hành bổn phận không nghĩ đến kết quả của hành động, trong khi nó nêu cao tinh thần xả kỷ và không thủ chấp, nêu cao tinh thần sống giữa cõi đời nhưng không bị cõi đời trói buộc, thì mặt khác nó cũng nhằm an bài từng đẳng cấp với từng bổn phận cụ thể và không được phép thay đổi đi trật tự đó.
Ở trên là một vài nét về Bhagavadgītā và đặc điểm đạo đức của nó. Từ đây chúng ta đi đến một vài liên hệ đạo đức học của nó với đạo đức học Phật giáo.
Như đã nói ở trước, nếu ta xem việc thực hành các bổn phận và một vài nguyên tắc sống trong Bhagavadgītā là những chuẩn mực đạo đức, thì việc thực hiện đạo đức là một phương tiện cho việc đạt lấy một mục đích cao hơn là giải thoát, hay sự thể nhập với thần linh.
Phật giáo xem việc thực hành đạo đức (giới) và làm những điều thiện là bước quan trọng hỗ trợ cho việc thực hành thiền định và để đạt đến trí tuệ và giải thoát. Đạo đức do đó cũng là phương tiện để người ta tiến lên một mục đích cao hơn. Tuy nhiên, trong khi những chuẩn mực đạo đức trong Bhagavadgītā có nguồn gốc từ thần linh, và đạo đức học của nó là siêu hình và duy thần[11], đạo đức Phật giáo là những chuẩn tắc rút ra từ kinh nghiệm mà nó cần thiết cho việc thực hành thiền định để đạt đến giải thoát. Như vậy việc áp dụng những nguyên tắc đạo đức chỉ là một bước tạm thời cho việc tiến lên một mục đích cao hơn. Ngay cả việc chọn lấy một đời sống thánh hạnh, nó là phương tiện người ta cần đến để vượt qua khỏi đời sống thánh hạnh. Đạo đức sẽ đánh mất ý nghĩa của nó khi người ta vượt qua khỏi đời sống xã hội.
Karmayoga là một phương cách hành động xã hội trong Bhagavadgītā. Nhưng dù đặt ra khái niệm karma (hành động), Bhagavadgītā xem karmayoga vượt qua khỏi phạm trù đạo đức thông thường là tốt và xấu, đúng và sai, cũng như trách nhiệm cá nhân, bởi vì người thực hành karmayoga không còn nghĩ đến động cơ và mục đích, nếu có động cơ thì đó là động cơ thể hiện sự sùng kính để thể nhập với thần linh. Bởi vì linh hồn (atman) không bao giờ bị giết chết mà chỉ có thân xác vật lý bị giết chết, và người ta thực hiện hành động theo đúng bổn phận của mình sẽ không tạo nên tội lỗi, vì họ thực hiện hành động đó thay cho thần linh, trách nhiệm cá nhân không được đặt ra ở đây, “Người thoát khỏi ý niệm vị kỷ, trí óc không bị uế nhiễm (bởi tốt hay xấu), thì cho dù anh ta giết những người này, anh ta không giết và không bị trói buộc (bởi hành động).[12]
Giáo lý nghiệp của Phật giáo đặt ra một trách nhiệm cá nhân. Luật nhân quả trong Phật giáo như là một thứ luật tự nhiên, không có sự can thiệp của thần linh; và người ta sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình theo sự “quyết định” của định luật nhân quả mà không phải bởi thần linh. Người ta không thể thoát khỏi nghiệp quả mỗi khi đã tạo ra nghiệp nhân, “Không trên trời, giữa biển/ Không lánh vào động núi/ Không chỗ nào trên đời/ Trốn được quả ác nghiệp.” (Pháp cú 127). Tuy nhiên, cách giải thích về nghiệp nhân và cách giải thoát nghiệp quả trong Phật giáo có sự khác nhau ở từng thời kỳ phát triển Phật giáo.
Bhagavadgītā chủ trương một lối sống hành động, xem hành động là phương cách tốt hơn không hành động; và người ta nên hành động bằng một tinh thần xả kỷ, “Quyền của ngươi là thực hiện bổn phận được quy định cho ngươi, mà không có quyền đối với kết quả của hành động. Chớ xem kết quả của hành động là động cơ của ngươi, và cũng đừng để bị trói buộc để không thực hiện bổn phận của ngươi.”[13]
Quan điểm hành động với thái độ xả kỷ sẽ không gây tội lỗi của Bhagavadgītā phần nào gần với quan điểm hành động vì lòng đại từ bi của Đại thừa. Hành động của một vị Bồ-tát xuất phát từ tâm Bồ-đề, và khi hành động đó được dẫn dắt bởi một tâm thức thuần tịnh, không thủ chấp và vì lợi ích của chúng sanh, thì việc làm của Bồ-tát được coi là thoát khỏi sự trói buộc của nghiệp, hoặc chỉ tạo nên nghiệp nhỏ. Cũng có trường hợp rằng Bồ-tát sẵn lòng tạo nên nghiệp ác nếu hành động đó đem lại lợi ích cho số đông. Chúng ta có thể tìm thấy quan điểm này nơi chuyện kể về vua Anala ở kinh Hoa Nghiêm (phẩm Nhập pháp giới), hay câu chuyện về vị đứng đầu đoàn thương buôn năm trăm người ở kinh Phương Tiện (Upāyakauśalya Sūtra). Tuy nhiên điểm khác nhau căn bản là, trong khi Bhagavadgītā coi điều kiện tiên quyết cho một hành động không gây nên tội lỗi là sự quên thân và hiến mình cho thần linh, Đại thừa xem điều kiện tiên quyết là tâm Bồ-đề và vì lợi ích của những chúng sanh khác.
Nền tảng chính của đạo đức Phật giáo là lòng từ bi phổ quát được đặt cơ sở trên tâm vô ngã. Đại thừa cho rằng sự thấu triệt về tánh không là để phát khởi lòng từ bi. Ở góc độ khác, hiểu rõ tánh không để nhận ra sự bình đẳng trong bản chất giữa mọi chúng sanh. Và bởi vì chúng sanh không khác nhau trong bản chất (dù nghiệp khác nhau), người ta cần thương yêu kẻ khác như yêu bản thân mình. Hành động xả kỷ và sự hy sinh như vậy là vì lòng từ bi chứ không phải vì sự sùng kính thần linh. Trong Nhập Bồ-đề Hành luận của Tịch Thiên quan điểm này được thể hiện rất rõ. Tịch Thiên còn cho rằng việc làm lợi ích cho chúng sanh phước đức còn lớn hơn việc cúng Phật. Hẳn nhiên rằng việc thực hành lòng từ bi của Bồ-tát cũng là phương tiện cho việc đạt đến Phật quả; đạo đức do vậy cũng là bước khởi đầu để Bồ-tát bước đến một mục đích cao hơn.
Một điểm quan trọng khác trong đạo đức học mà những tôn giáo phát xuất từ Ấn độ đều nhấn mạnh đó là tinh thần bất bạo động và không gây hại (ahimsa). Với những lời khuyên của thần Krishna, thúc giục Arjuna hãy nên chiến đâu, Bhagavadgītā như vậy đã cổ xúy chiến tranh và bạo lực. Tuy nhiên nhiều đoạn trong Bhagavadgītā, tinh thần bất bạo động cũng được nêu ra[14]. Sự thúc giục chiến đấu vì vậy đôi khi được giải thích như là “cái cớ” để qua đó Bhagavadgītā muốn đưa ra lý thuyết về hành động và phương cách đạt đến giải thoát của mình (giải thích này của M. Ghandhi).
Phật giáo, dù Theravada hay Đại thừa, không bao giờ ca ngợi chiến tranh và bạo lực. Chiến tranh, dù thắng hay bại đều gây nên khổ đau cho con người. Không làm tổn hại con người và muôn vật là tinh thần xuyên suốt lịch sử Phật giáo. Và không những đề cao tinh thần không gây hại, Phật giáo còn khuyến khích nên hành động vì lợi ích của tha nhân và những loài sống khác.
Ở trước là một vài xem xét vắn tắt về Bhagavadgītā và một vài so sánh nhỏ với Phật giáo. Một hệ thống triết học, ngay khi nó xuất hiện không phải đều được mọi người đón nhận, và trong hiện tại hẳn không nhận được một sự đánh giá giống nhau. Và một hệ thống triết học giá trị của nó được thể hiện như thế nào vào đời sống xã hội còn tùy thuộc và sự hiểu và cách ứng dụng của những người theo nó. Đối với nhiều người, Bhagavadgītā quá nhấn mạnh vào đẳng cấp và bổn phận, do đó tất yếu gây nên sự chia rẽ xã hội và tạo ra sự bất bình đẵng, và điều này thực tế đã thể hiện quá rõ nơi đời sống xã hội Ấn. Tuy nhiên đối với người khác, một số nguyên tắc trong thánh điển này cần nên được ứng dụng để làm tốt đẹp cuộc đời. Trong thực tế, hành động xả kỷ (karmayoga) mà nó được nhấn mạnh trong Bhagavadgītā đã được M. Gandhi áp dụng vào trong đời sống và công cuộc tranh đấu của ông, tuy nhiên sự xả kỷ và hi sinh của M. Gandhi là vì con người chứ không phải vì thần linh. Và trong khi bất bạo động (ahimsa) và lẽ phải (satya) là hai nguyên tắc dù không được đề cao trong Bhagavadgītā, đã được M. Gandhi nhấn mạnh và trở thành lẽ sống của ông và nhiều người.
Sách tham khảo:
- The Thirteen Principal Upanishads, bản dịch tiếng Anh của R. E. Hume, Ox- ford: Oxford University Press,
- Bhagavadgītā, bản dịch tiếng Anh của Sri Swami Sivananda, Himalayas: The Divine Life Trust Society,
- Max Weber, The Religion of India (The Sociology of Hinduism and Buddhism), Delhi: Motilal Banarsidass,
- Radhakrishnan, Indian Philosophy, Oxford University Press, 2008.
- David J. Kalupahana, Ethics in Early Buddhism, Delhi: Motilal Banarsidass, 2008.
- Kashi Nath Upadhyaya, Early Buddhism and The Bhagavadgita, Delhi: Moti- lal Banarsidass, 2008.
- Roderick Hindery, Comparative Ethics in Hindu and Buddhist Tradition, New Delhi: Motilal
[1] Constance A. Jones and James D. Ryan, Encyclopedia of Hinduism, New Yord: Facts On File, 2007, 73.
[2] Radhakrishnan, Indian Philosophy, tr. 524.
[3] Brhadāranyaka Upanisad, trong The Thirteen Principal Upanishads, E. Hume dịch, Oxford: Oxford University Press, 1921, tr. 81.
[4] Chāndoyagya Upanisad, trong The Thirteen Principal Upanishads, E. Hume dịch, Oxford: Oxford University Press, 1921, tr. 208.
[5] Bhagavagita, XVI, 119.
[6] Bhagavadgita, Sri Swami Sivananda, Himalayas: The Divine Life Trust Society, 2000, 79.
[7] Bhagavadgita, II:38, 24.
[8] Max Weber, The Religion of In (The Sociology of Hinduism and Buddhism), tr. 143.
[9] Ba đặc tính này còn được giải thích: Sattva là sự thuần khiết, thoát khỏi những điều xấu; Rajas là xúc cảm, sinh ra ham muốn và dục vọng; Rajas là sự ngu muội và thô bạo bên trong con người.
[10] Xem, David J. Kalupahana, Ethics in Early Buddhism, Delhi: Motilal Banarsidass, 2008, 9.
[11] Kashi Nath Upadhyaya, Early Buddhism and The Bhagavadgita, Delhi: Motilal Banarsidass, 2008, xem các trang 409-422.
[12] Bhagavadgita, XVIII: 17, 127.
[13] Bhagavadgita II:47. 25.
[14] Xem thêm Bhagavadgita, chương XVI:1-3 115-116. Một vài nguyên tắc sống được đặt ra ở đây là: bố thí, tự chế, thực hiện tế lễ, nghiên cứu Vệ-đà, khổ hạnh và giản đơn, không bạo lực, chân thật, không giận dữ, xả bỏ, bình thản, thương yêu các sinh vật, khiêm tốn, tha thứ, không căm thù, không kiêu ngạo…