CỔ NHÂN PHƯƠNG ĐÔNG
ĐÃ THẤY NHỮNG TIỀM NGUYÊN TỬ
ĐÃ THẤY NHỮNG TIỀM NGUYÊN TỬ
Lê Huy Trứ
Cổ nhân phương Đông không những đã thấy vi tiềm hạt nhỏ nhất trong vũ trụ mà còn biết những điều mà khoa học ngày nay chưa biết để mà tư nghị. Ngoài màu sắc hình dạng riêng, tính di động với siêu vận tốc trong vũ trụ của mỗi vi tiềm hạt nhỏ nhất trong vũ trụ (trước gọi là nguyên tử,) cổ nhân còn thấy và biết mỗi nguyên tử có mùi vị riêng, và có hai xúc giác để có thể tạo thành các căn (skandha.)
Thêm nữa, mỗi nguyên tử không những chiếm khoảng thời gian (pradena) mà còn chiếm diện tích của không gian. Các ngài còn biết bản thể những Nguyên Tử (paramanu) đó tuy là trường tồn nhưng vô thường và thay đổi trong tích tắc khắp cả vũ trụ.
Với cặp mắt ngũ nhãn giác ngộ của các vị tu chứng ở trên núi Hy Mã Lạp Sơn hay dọc theo rặng Hindukush, miền Bắc Ấn Độ, các thánh nhân đã thấy rằng ‘một hạt nhân nguyên tử quá nhỏ, mắt thường không thể thấy được, được gọi là paramanu. 36 paramanu được gọi là 1 anu, 36 anus được gọi là 1 tajjàri, 36 tajjàri được gọi là ratherenu. Như thế 1 paramanu là 1 phần 46,656 ratherenu.’
Tin hay không! Đây là những bằng chứng hùng hồn về trí tuệ cao siêu của cổ nhân.
Theo Kỳ Na Giáo, “Mọi vật trong vũ trụ đều được cấu tạo – trừ linh hồn và không gian – bằng vật thể (pulgala), mà vật thể đó là Nguyên Tử (paramanu.) Mỗi nguyên tử chiếm khoảng thời gian (pradena.) Vật đó có thể lớn (Sthula) hay nhỏ (Suksma.) Dưới trạng thái nhỏ, có vô số hạt nhân kết thành và chiếm diện tích của không gian.
Nguyên tử là thường tồn và được xem như bản thể. Mỗi nguyên tử có mùi vị riêng, màu sắc riêng, và có hai xúc giác. Nhưng tính chất này không thường còn, có thể thay đổi. Hai hay nhiều hạt nhân kết lại có thể thay đổi cường độ thô nhám hay nhẵn thín, và có thể tạo thành các căn (skandha.)
Tóm lại, nguyên tử có thể tạo thành sự di động của chính nó và sự di động này lắm lúc quá nhanh, trong tích tắc khắp cả tam thiên đại thế giới.”
Điểm lý thú trên là “Mọi vật trong vũ trụ đều được cấu tạo bằng vật thể (pulgala), mà vật thể đó là Nguyên Tử (paramanu,) trừ linh hồn và không gian.”
Theo tôi hiểu, Kỳ Na Giáo có ngụ ý: Vạn vật hợp thành bởi những vi mô (Paramanu) trừ linh hồn và không gian không phải cấu tạo bởi Paramanu.
Vậy thì linh hồn, tâm thức và không gian ngay cả thời gian cấu tạo bằng cái gì?
Phàm vật thể có sắc tướng như vạn vật hiện hữu trong vũ trụ được cấu tạo bởi những hạt siêu nguyên tử, vi mô, tương tự như Lân Hư Trần nhưng những phi vật chất khác được cấu tạo bởi những cái không thể biết bởi con người để có thể diễn tả được gọi là dark matters ở trong dark space.
Phật Giáo là tôn giáo duy nhất đã diễn tả rất rõ ràng, mạch lạc, gọi những cái vô sắc, vô tướng, vô sanh, vô diệt, vô thủy, vô chung đó là Bồ Đề Tâm, là Phật Tâm, là Tri Kiến Phật và còn dạy cho chúng sinh làm sao kiến tánh để sinh kỳ tâm đó.
Theo Wikipedia, Jaina giáo (tiếng Anh: Jainism), cũng gọi là Kì-na giáo theo âm Hán Việt, là một tôn giáo của Ấn Độ, một tôn giáo có hệ tư tưởng ngoài hệ thống thánh điển Veda, mặc dù trong số những vị mở đường ấy có Rsabha, Agitanàtha và Aritanemi; cả ba đều ở thời cổ đại và được đề cập tới trong kinh Yagur-Veda.
Jaina là một trong những tôn giáo lâu đời trên thế giới. Jaina giáo do Mahavir (540 Trước Công Nguyên [TNC] - 468 TCN) sáng lập ra tại Bắc Ấn Độ gần như là cùng thời với Phật Giáo. Triết lý và phương thức thực hành của đạo này dựa vào nỗ lực bản thân để đến cõi Niết Bàn.
Trong một thời gian dài Jaina là tôn giáo của vương quốc Ấn Độ và được truyền bá rộng rãi ở tiểu lục địa Ấn Độ. Tôn giáo này đã bị suy yếu từ thế kỷ 8th do sự phát khởi và lấn áp mạnh mẽ bằng bạo lực của các tín đồ đi theo đạo Hindu và đạo Hồi.
Jaina bây giờ vẫn là một tôn giáo thiểu số ở Ấn Độ với 4,2 triệu tín đồ, và có một số nhóm nhỏ di cư đến Bỉ, Canada, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, và Hoa Kỳ. Jaina có trình độ biết chữ cao nhất trong bất kỳ cộng đồng tôn giáo nào khác ở Ấn Độ (94,1%,) và các thư viện bản thảo kinh điển của họ được lịch sử công nhận là cổ nhất ở đất nước này.
Cũng như Kỳ Na Giáo, Phật Giáo cũng chủ trương bất bạo động. Phật Giáo cũng bị những tín đồ ngoại đạo cuồng tín sát hại nhiều ở Ấn Độ. Phật Giáo Ấn Độ, hiện nay, cũng kém phổ thông so với Hindu và Muslim. May mắn thay, Phật Giáo được phổ thông trên thế giới như ngày nay bởi vì Phật Giáo đã được truyền vào Trung Hoa theo con đường tơ lụa (Silk road) và Đông Nam Á như Campuchia, Lào và Việt Nam.
Đạo Phật đã có một thời được bành trướng rất mạnh mẽ ở Phương Đông qua 2 thiên kỷ, và bây giờ đã thấy có ảnh hưởng ngấm ngầm ở Phương Tây.
Kỳ Na Giáo là một tôn giáo hơi giống với Phật Giáo nhất, nhưng có 2 điểm căn bản khác nhau: Điểm khác biệt thứ nhất, về phương pháp tu hành, Kỳ Na Giáo chuyên tu khổ hạnh, còn Phật Giáo không chủ trương tu khổ hạnh mà là Trung Đạo. Điểm khác nhau thứ 2 là quan điểm về vũ trụ quan và nhân sinh quan. Kỳ Na Giáo là hữu thần giáo, còn Phật Giáo là vô thần giáo.
Kỳ Na Giáo chủ trương có Đại Phạm Thiên Vương (Brahman) tạo ra vũ trụ và con người, con người chỉ là 1 Tiểu Ngã (Atman) chiết ra từ Đại Ngã, tu khổ hạnh, khắc kỷ để Tiểu Ngã trở về hợp nhất với Đại Ngã là Chứng Đạo, vì Kỳ Na Giáo cũng chỉ là 1 nhánh của Ấn Độ Giáo mà thôi.
Còn Đạo Phật không chấp nhận lý thuyết ấy, chủ trương không có Đại Phạm Thiên Vương nào tạo ra vũ trụ và con người cả, không có Đại Ngã, cũng không có Tiểu Ngã, mà hoàn toàn là Vô Ngã.
Sau đây là lời chính Phật Thích Ca nói ra trong bài giảng pháp đầu tiên của mình ở Vườn Nai cho 5 đạo sĩ tu khổ hạnh Kiều Trần Như:
Có 2 cực đoan mà người muốn chứng quả giải thoát phải từ bỏ - Một là sống hưởng thọ ngủ dục lạc xa hoa, không thích đáng đến bậc Thánh. Hai là tự mình làm khổ mình một cách vô ích, khổ hạnh ép xác, không liên quan đến bậc Thánh. Thoát ly 2 cực đoan ấy, con đường phải đi tới quả giải thoát là Con Đường Trung Đạo mà chính ta đã tìm ra.
Cho nên, Đạo Phật không tin vào thần quyền và không chủ trương tu khổ hạnh mặc dù chính Đức Phật trong lúc tìm đạo đã tu khổ hạnh 6 năm sau đó bị té xỉu ở bên giòng song Ni Liên Tuyền, tỉnh dậy nhờ bầu sửa của cô gái chăn cừu đem theo để ăn trưa, sau đó ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh hành hạ thể xác vì biết là vô ích.
Trở lại vấn đề vi mô, trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật gọi tiềm nguyên tử là Lân Hư Trần. Trong thế kỷ 19th các khoa học gia tưởng nguyên tử là hạt nhỏ nhất trong vũ trụ. Nhưng sau đó họ tìm ra Quartz, hạt nhỏ hơn, và bây giờ, 10/2015, được công bố là Neutrino sau khi tìm ra được mass của nó.
Đạo Bà La Môn, kinh Nyaỳa Vărtika, trang 223, có ghi, “Nguyên tử không thể thấy vì nó không được cấu tạo bằng vật thể.”
Nguyên tử tự nó có tính linh (virtual intelligence) khi hạt khi ảo cho nên nó không được cấu tạo bằng vật thể?
Vậy thì nó được cấu tạo bởi cái gì?
Khoa học chưa nghĩ tới nhưng Phật Giáo đã giải thích vấn đề này rất rõ ràng: từ Tâm mà ra, từ không ra có.
Phật Giáo chủ trương nguyên tử thường còn trong tương đối và không thường còn trong tuyệt đối, khi có khi không, như điện như ảo, khi ẩn khi hiện, không biết được.
Phật Giáo chỉ đề cập đến nhân và duyên. Có nhân có duyên, nguyên tử có thể tạo nên bất cứ hình thể nào đó để mắt chúng ta có thể thấy được và đôi khi cực tinh vi không thể thấy được bởi nhục nhãn. Với ngũ nhãn thông, Đức Phật thấy paramanu là ‘vi thể năng động’ theo nhân duyên, nguyên tử là cội nguồn cấu tạo ra sơn hà vũ trụ vậy.
Cho nên, từ một, từ Không, từ tĩnh hóa ra động, ra Có vạn vật, và xum la vạn tượng. Đây chính là mấu chốt của tất cả mọi vấn đề.
Chúng ta không thể thấy được nguyên tử bằng nhục nhãn, cho dầu nó được phóng đại cực lớn bởi một kính hiển vi tối tân. Song khoa học gia vẫn tìm ra nguyên tử và ghi lại qua những dụng cụ đo lường chẳng hạn như họ có thể chụp được dấu xê dịch của những nguyên tử với một máy chụp hình cực bén nhạy và tinh xảo để có thể so sánh, và ví nó như là một hơi khói lạt, vô thường phảng phất, sau một luồng gió cuốn cực nhanh.
Chẳng hạn, Nguyên Tố (Element) 110 do Trung Tâm Sưu Tầm Nguyên Tử ở miền Nam Đức Quốc khám phá như sau:
“Mỗi lần xuất hiện trong một phần ngàn giây đồng hồ, Nguyên tố 110 lại tan biến đi. Tuy nhiên, các khoa học gia tin rằng Nguyên Tố 110 hiện diện bởi vì nó đã phóng ra một nhân Helium trước khi tan biến.”
Tuy rằng cách nhau trên 25 thế kỷ, việc mô tả sự ảnh hiện chớp nhoáng vô thường của Nguyên Tử và Nguyên Tố 110 của khoa học và của Phật Giáo chính xác và trùng hợp một cách bất ngờ đầy hứng thú đối với con người.
Chúng ta hãy nghiên cứu thêm những điều chư Phật và các tôn giáo Đông Phương nói cách đây mấy ngàn năm, và đối chứng với những khám phá mới của khoa học.
Kỳ Na Giáo, “Dưới trạng thái nhỏ, có vô số hạt nhân kết thành và chiếm diện tích lớn trong không gian.”
Khoa học ngày nay: Dưới Nguyên Tử có những hạt Vi Phân Tiềm Nguyên Tử (Subatomic particles) như Quarks và dòng họ (Hadron, Meson và Baryon), Lepton (Electron, Neutrino, muo,…), Gluon (Photon, Graviton, Gluon yếu…) có chừng 200 hạt như vậy.
Kỳ Na Giáo, “Mỗi nguyên tử có mùi vị và màu sắc riêng, và có hai xúc giác. Nhưng tính chất này không thường còn và có thể thay đổi. Hai hay nhiều hạt nhân kết lại có thể thay đổi cường độ thô hay nhám. Nguyên Tử có thể tạo thành sự di động của chính nó, và sự di động này lắm lúc quá nhanh, trong tích tắc đi khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới.”
Khoa học ngày nay: Theo Nguyên Lượng Sắc Động Học (Quantum Chromo dynamics – QCD,) hạt Quark có ba màu: Đỏ, xanh lá cây và xanh dương. Ngoài Quark lại có hạt Đối Quark (hai xúc giác.) Tất cả những hạt Vi Phân Tiềm Nguyên tử đều là Hạt ảo, nghĩa là không có Trọng Khối, vị trí, luôn luôn ẩn hiện ma quái, thay đổi hình dạng trong từng Sát Na. Người ta chỉ thấy những hạt này trong những phương trình toán học mà thôi. Hạt Quark (Hadron) và Photon (Quang Tử) là những hạt thay đổi hình dạng rất kỳ quái. Ngoài ra, tất cả những hạt khác cũng thay đổi hình dạng rất lạ lùng. Hầu như tất cả những hạt đó chỉ xuất hiện trong vòng 1 phần triệu cho đến 40 phần tỷ của một giây đồng hồ. Có hạt như Tachyon còn nhỏ hơn Siêu Tơ Trời, và bay nhanh hơn ánh sáng nữa (Ánh sáng bay 300,000 cây số/giây hay 186,000 dặm/giây.) Điều này cho thấy Neutrino và Tachyon có thể còn nhỏ hơn Quartz. Cho nên bây giờ khi nói Quartz là hạt vật chất nhỏ nhất thì nó đã không đúng nữa vì năm 2015, Takaaki Kajita và Arthur McDonald được giải Nobel vật lý bởi đã chứng minh là Neutrino có mass, 50,000 lần nhỏ hơn một electron, còn nhỏ hơn Quartz. Khoa học đo lường được mass (khối lượng) nhưng chưa ‘nếm’ thử được mùi vị của những hạt vi trần này.
Khoa học không ‘nếm’ được nguyên tử trừ Kỳ Na ‘Tử.’ Khoa học gia không bao giờ tưởng tượng nỗi cái thí nghiệm nếm nguyên tử dù có tơ tưởng đến thì họ cũng chưa biết làm sao để nếm nó?
Vậy thì bằng cách nào mà Kỳ Na Giáo ‘ăn’ được nguyên tử để biết nó vị như thế nào?
Nguyên tử nó ở khắp thân thể chúng ta nhưng làm sao dùng dụng cụ ngũ uẩn để ăn uống, sờ mó, hít ngữi, nghe ngóng, nhìn thấy được để lưu luyến với nó?
Thói thường của con người là khi quán thấy cái gì ngộ thì ưa nghe cái âm hấp dẫn, sờ cái đẹp mềm mại, ngữi cái thơm nồng nàn, và cuối cùng là đớp càn; càng đớp càng ghiền, cứ như người ‘quân tử thực bất kỳ vị.’
Ý rằng người quân tử Tàu và Việt ăn bất cứ vị gì, thay vì ‘bất tri kỳ vị,’ cái gì cũng đớp được bất kể thơm hay thúi, ngon hay dở. Rồi đưa đến kết luận là ngon hay dỡ, thơm hay hôi, ngọt hay bùi, mềm hay cứng, hay hay dở, và đẹp hay xấu... sau.
Trong kinh, Đức Phật gọi Hạ Nguyên Tử và những hạt Vi Phân Tiềm Nguyên Tử bằng những tên khác nhau như: Khích Du Trần, Mao Đầu Trần, Vi Trần, Cực Vi, Cực Vi Trần, Lân Hư Trần, và Lân Không,…
Khích Du Trần như là những hạt bụi mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gọi là nắng thủy tinh mà ta thường thấy khi ánh sáng mặt trời chiếu qua khe cửa. Một hạt Khích Du Trần chỉ bằng 1/200 tiết diện của một sợi tóc. Mao Đầu Trần là những hạt bụi nhỏ bằng đầu sợi lông.
Trước kia, trong kinh Phật gọi Vi Trần là Nguyên Tử. Cực vi, Cực Vi Trần, Lân Hư Trần, và Lân Không. Theo tôi nghĩ là những hạt Vi Phân Tiềm Nguyên Tử hay những Hạt ảo là những hạt gần Hư Không, nó cũng giống như Epsilon, một điểm hình học không kích thước, và có giá trị gần bằng 0 do Newton phát minh.
Những thí dụ trên đây có thể ví với Quark là hạt nhỏ nhất mà khoa học biết được nhưng ‘Cực Vi, Cực Vi Trần, Lân Hư Trần và Lân Không’ của Phật Giáo không cần phải xét lại. Trong khi đó khoa học phải luôn luôn xét lại. Họ tìm ra mass của Neutrino, 10/2015, còn nhỏ hơn cả hạt Quark như họ đã từng lầm tưởng Nguyên Tử (Atom) và những hạt khác nữa là hạt nhỏ nhất trong vũ trụ.
Nếu Phật, Bồ Tát và các vị thánh nhân thấy được Nguyên Tử và những hạt Vi Phân Tiềm Nguyên Tử thì các Ngài đã thấy được thực tại cuối cùng của sự vật mà các khoa học gia ngày nay gọi là những nền tảng cuối cùng cấu tạo vật chất.
Công án cho những phàm phu tục tử, vô minh như chúng ta, Phật, Bồ Tát và các vị thánh nhân ngày xưa 'thấy' bằng cách nào - quan sát qua nhục nhãn hay kiến giác qua thiên nhãn?
Đức Phật lịch sử, Bồ Tát hư cấu, và các vị thánh nhân tưởng tượng nào đó là siêu nhân hay phàm tục?
Những suy luận trên đây là thần học dị đoan hay khoa học thực tiễn?
Hình như, ranh giới của ngụy thực, điên tỉnh, vô minh thông minh chỉ như một sợi tơ trời?
Trong băng giảng Kinh Lăng Nghiêm, cụ Nghiêm Xuân Hồng nói, “Bản thể luận của nhà Phật cho rằng cái thực tại cuối cùng, cái cội nguồn của Pháp Giới này là chính cái Diệu Tâm không hình, không ảnh, nó tương tự như Mặt Trăng đó.”
Tôi không hiểu tại sao cụ Hồng lại ‘thấy’ Mặt Trăng không hình không ảnh?
Áo Nghĩa Thư viết: Kẻ biết thờ phụng cái vô thanh, vô cảm, vô sắc, không biến hại, không mùi, không vị, miên viễn, vô thủy, vô chung, cao hơn cả cái đại ngã, không lay chuyển được, kẻ đó đã được giải thoát, không còn là miếng mồi của thần chết.
Tương tự, Phật Giáo cũng dạy như vậy về pháp giác ngộ, giải thoát vượt trên vũ trụ, nhưng không chủ trương thờ phụng cái vô ngã đó.
Và cái tử, theo quan niệm của Phật Giáo, chỉ là một trong những luân lưu của sinh lão bệnh tử chứ không phải là cứu cánh trường sanh bất tử trong đạo Phật.
Theo quan niệm của Phật Giáo, khi nhân duyên chín mùi thì tâm nguyên tử có thể tạo nên bất cứ hình thể nào đó nhưng mắt trần của chúng ta không trông thấy được những chu trình cấu tạo đó.
Đức Phật 'lịch sử' dùng ngũ nhãn thấy nguyên tử là “vi thể năng động.”
Dĩ nhiên, có gì trong vũ trụ hiện hữu mà không năng động?
Cái vô minh của chúng ta là cứ tưởng nó tỉnh tịnh tĩnh.
Điều nghịch lý này chỉ nói nhỏ cho nhau nghe thôi, chứ thần thánh hóa Đức Phật, các Bổ Tát, và chư Tổ, nếu các Ngài mà 'nghe thấy' được chúng ta mê tín như vậy thì các Ngài quở cho là dị đoan đấy.
Tóm lại, “Thôi thì thôi để mặc mây trôi, Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan.” Và, “Tiếng quyên từng chập vầng trăng sáng.” Mây trôi và chim quyên cất tiếng kêu là động hay tĩnh? Vầng trăng sáng là tịnh hay động? Muốn thấy được chân như tự tánh của chính mình thì phải vượt thoát bờ nhị nguyên, động tĩnh, tỉnh giác để qua bến bất nhị.
Đạo học chú tâm tìm kiếm kinh nghiệm trực tiếp với thực tại, thực tại này không những chỉ xuyên suốt tư duy suy luận mà như tạng quang minh của Tỳ Lô Giá Na phóng ra từ những cõi không gian khác chiều trong vũ trụ, soi sáng cả mọi cảm thọ giác quan.