Tiền Đề Huyền Linh Tâm Pháp

15/07/20225:25 CH(Xem: 2135)
Tiền Đề Huyền Linh Tâm Pháp

 

TIỀN ĐỀ
_____________________________________

HUYỀN LINH TÂM PHÁP

 Hành trình Chứng Đạo
của Thiền sư  Nikos Kazantzakis

Dịch Việt: Tuệ Hạnh

 

Nikos Kazantzakis
Nikos Kazantzakis

Nikos Kazantzakis từng làm quen với giới văn học và độc giả Việt nam qua tác phẩmAlexis Zorba[1] vào khoảng giữa thập niên 1960’. Từ đó đến nay hầu như không còn ai chú ý đến nhà văn hào Hi lạp này nữa. Tuy rằng đã có một số tác phẩm được dịch sang Việt ngữ, nhưng hầu như không gây nhiều ảnh hưởng trong giới văn học hiện đại.[2] Không chỉ ở Việt nam, mà ngay trên thế giới, lúc sanh tiền ông cũng không được biết đến nhiều; những tác phẩm của ông không được bán chạy như các nhà văn hiện sinh khác. Cho mãi đến khi tiểu thuyết này được quay thành phim, với các diễn viên chánh là Anthony Quinn, Alan Bates và Irene Papas, nhất là qua điệu nhạc syrtaki tuyệt vời trong phim do Mikis Theodorakis phổ, Nikos Kazantzakis mới được thường xuyên nhắc đến.

Nikos Kazantzakis không phải là một người theo đạo Phật thuần thành. Lại càng không phải là Thiền sư. Tiểu sử ông ghi đã từng du lịch sang Trung hoa và Nhật bổn, nhưng không thấy là ông có gặp được một vị đại sư nào, hay tu tập trong một thiền viện nào ở hai quốc gia đó hay không. Tuy nhiên, tựa bài này, không phải gượng ép, cũng không gán ghép, danh xưng “Thiền sư” cho nhà văn đại tài này, mà là hệ luận quyết xác qua nội dung của tác phẩmSpiritual Exercises” (Hi-lạp ngữ: “Ασκητική”, Ascesis, Việt dịch: Huyền linh Tâm pháp), xuất bản năm 1927. Sách được Kimon Friar dịch sang Anh ngữ năm 1960 với tựa đề: The Saviors of God (Salvatores dei, Những vị Cứu tinh của Chúa). Theo đó, Nikos Kazantzakis quả là một hành giả thâm hậu về Thiền, đã bước qua cánh cửa giác ngộ rồi; còn chứng đắc hay không, chỉ một mình ông biết; khi đó, vắng bặt nói năng.

Spiritual Exercises cho ta thấy Nikos Kazantzakis rất thâm hiểu Duy thức học Phật giáo, khi nói đến năm giác quan, biểu tượng, v.v. Tuy nhiên, ở đây, chân thành theo tiêu đề của sách, chỉ tạm bàn về sự chứng đắc thông qua tư tưởng về Chúa của ông. Cũng như những triết giathần học gia cổ điển khác từ xưa đến nay, Nikos cứ mãi bị ám ảnh bởi câu hỏi muôn đời: “Ta từ đâu tới? và sẽ đi về đâu?”:

Chúng ta từ đâu tới? Chúng ta đang đi về đâu? Ý nghĩa của cuộc sống này là gì? Đấy là những gì mà mỗi một con tim đang thét to, mỗi một cái đầu đang vặn hỏi trong khi nó đấm đá trên Hỗn độn.[3]

Tuy không có giải đáp nào thỏa đáng, nhưng ai cũng xông xáo tìm cầu và trong thâm tâm hi vọng mình là người đầu tiên, và duy nhất, đạt được giải đáp đó. Thế là đưa tới thái độ tích cực của Đức Phật Thích Ca khi được yêu cầu cho một giải đáp của Ngài: “có biết từ đâu tới hay sẽ đi về đâu cũng chẳng giải quyết được vấn đề cấp thời, trước mặt, ngay bây giờ: đó là ‘đời là khổ’ ”.[4]  Truyền thống tôn giáo Tây phương thì quan niệm rằng “Chúa” tạo dựng nên con người, – mỗi người do Chúa nhào nặn, sống chỉ một đời, sau khi chết trở về với Chúa –, cho nên Kazantzakis cứ mãi vật lộn với sự hiện hữu của Chúa,[5] để rồi tìm kiếm, để rồi khước từ, rồi lại đối diện với Ngài, trăn trở triền miên, không dứt bỏ được, cũng không cúi đầu tuân phục được; ông bác bỏ ý niệm về Chúa:

 Ta không phải là Cha, là Con hay là Thánh thần.

Bởi vì, Chúa không thể nhào nặn con người tùy thích tùy hứng:

Ngươi không phải là nô lệ của ta, cũng không phải là món đồ chơi trong tay ta. Ngươi không phải là bạn ta, ngươi không phải là con ta.

Cho nên, đặt lại vấn đề. Trước tiên, Kazantzakis không phải là Thiền sư theo nghĩa truyền thống; xưa nay không ai gán cho ông danh nghĩa này. Chính ông cũng không tự nhận mình là người nghiên cứu Phật học hay thực tập thiền định gì cả, mặc dầu ông từng du hành sang Trung hoa và Nhật bổn. Lại nữa, nguyên tác của Nikos Kazantzakis là “Ασκητική”, đúng nghĩa là “Thao tác tâm linh”, mà tiếng Anh là “Spiritual Excercises”.[6] Không hiểu tại sao mà dịch giả Kimon Friar khi xuất bản sách lại đề tựa là: “The Saviours of God”, Những vị Cứu Tinh của Chúa. Có lẽ ông bị đoạn cuối của tác phẩm này ám ảnh, nơi đó ghi là “chúng ta phải cứu Chúa”, sau khi Nikos đã kinh nghiệm qua những cơn thống khổ, dằn vặt, những cuộc nổi loạn ngoan cường chống đối sự hiện hữu của Chúa, hay chăng?[7] Cho nên ở đây, ghi rằng “Huyền linh Tâm pháp” có lẽ gần và đúng với đề tựa của nguyên tác hơn.

Kazantzakis tự thuật về mình: “Họ nghĩ tôi là một học giả, một nhà trí thức, một nhà văn. Tôi thì không phải là ai trong họ cả. Khi tôi viết, những ngón tay tôi không phải dính đầy mực, mà là dính đầy máu. Khi tôi suy nghĩ, tôi không gì hơn là: một tâm hồn ngoan cường.[8] Cái tâm ngoan cường đó của Nikos, không phải là cái tâm bình thường nhị nguyên lăng xăng rắm rối, mà là cái Tâm thực tại, cái Chơn Tâm, cái Tâm mà Tuệ Khả đã được Tổ Bồ-đề Đạt-ma ‘an’ cho rồi, để trở thành đệ nhị tổ của Thiền tông Trung hoa. Cái Tâm đó, Nikos nói: “Chúa ơi, các ông giáo hoàng nói gì lạ thế? Thiên đường là đây, này bằng hữu. Chúa ơi, đừng cho tôi thiên đường nào khác!”[9]

Ngày nay, ai tu thiền cũng ngợi ca Tuệ Năng, cũng chê bai Thần Tú, cũng ngở mình lợi căn đốn ngộ, đâu phải thuộc hàng tiệm ngộ độn căn. Có biết đâu, tất cả mọi hành giả, kể cả Ẩn sĩ Cù Đàm,[10] nói gì đến Bách Trượng, Mã Tổ, Hoàng Bá, v.v., tất cả đều cũng phải trãi qua một thời gian, dài ngắn tùy căn cơ, quán sát cái tâm lăng xăng cái ý rối rắm,[11] bắt nó lại, cột nó lại, đào luyện cho nó thuần thục, cho nó thuần phục, rồi mới có thể ‘bị đạp một cái’[12] thì giác ngộ. Giai đoạn quán sát, tiến trình đào luyện cái tâm đó, hầu như chưa có văn bản nào ghi lại. Ta có Pháp Bảo Đàn kinh, có Chứng Đạo Ca của Huyền Giác, có Lâm Tế lục, có Vô Môn Quan của Tuệ Khai,[13]Lamrim của Tông Khách Ba,[14] v.v., tất cả đều là những ngữ lục để đời, những công án lừng danh, nhưng đều là biểu lộ của những bậc đã chứng đắc rồi, đã bước vào bên trong cửa Giác Ngộ rồi, rồi lại bước ra, để diễn tả ‘điều đó’ bằng nhiều phương cách của riêng từng người họ, như đánh hét, công án, như trong Bích Nham lục, v.v. Còn tâm trạng của các ngài trước khi đến để bước qua được ngưỡng cửa giác ngộ đó, không ai biết được.

Chỉ có Nikos là bước vào rồi trở ra để mô tả cho chúng ta những gào thét trong tâm hồn, những vật vả oằn oại của trí não muốn nổ tung, những kinh nghiệm tâm linh khốn khổ cuồng quay mà ông đã đi qua trên đường đưa đến cánh cửa Giác Ngộ đó, để lưu lại cho chúng ta một tuyệt tác mà John R. Mabry không ngần ngại tuyên bố đấy là: Quyển Thánh kinh của Văn học Hậu hiện đại: “Huyền linh Tâm pháp”.[15]

Nội dung của “Huyền linh Tâm pháp” có lẽ, và chắc chắn, là văn bản duy nhất mô tả cái kinh nghiệm khốn khổ dằn vặt của hành trình tu tập này, nhưng lại là một tác phẩm Tây phương, không thuộc trong truyền thống văn học Trung hoa hay Nhật bổn hay Ấn độ, lại dùng ngôn từ Tây phương, cho nên mãi đến nay vẫn chưa được nghe biết đến. Chưa được không có nghĩa là không có. Cho nên mới gọi Nikos là Thiền sư; Huyền linh Tâm pháp của ông là một bản Chứng Đạo Ca tuyệt vời, là “Thiền trình Chứng đạo” của Thiền sư Nikos Kazantzakis.

Hãy tóm thâu lại trong tim ngươi tất cả những hãi hùng, biên soạn lại tất cả chi tiết.

Thật ra, không cần tiếp xúc với bất kỳ hình thức nào của Phật giáo hay Thiền tông, một người hướng nội, biết suy tư siêu việt những ước lệ của cuộc sống đóng khuôn, luôn chiêm nghiệm về cái ‘tôi’ nhỏ bé hạn cuộc[16] trong tương liên với sự hiện hữu của vũ trụ bao la,[17] cũng đều có thể trãi qua những kinh nghiệm tâm  linh như Nikos cả. “Spiritual Excercises” chính là quá trình ghi nhận những diễn tiến trong nội tâm của ông trong cuộc đi tìm mục đích của đời người, những dằn vật, những thống khổ, những sảng khoái, những oằn oại tâm linh, y như là:

Hãy đi nhón gót trên bờ mõm đá đứng sừng sững nhô ra biển chạy dài vô cùng tận và phấn đấu để ra lịnh cho viễn ảnh của ngươi. Hãy kéo lên cánh cửa sập muôn màu của sự huyền bí – những hành tinh, đại dương, con người, tư tưởng; tạo hình tượngý nghĩa cho vô lượng vô biên những điều vô hình, vô tâm,

 mà tất cả những bậc Đại đạo sư, từ Đông sang Tây, từ mấy ngàn năm trước cho đến bao ngàn năm sau, đều phải trãi qua. Sử chép trong đêm Thành Đạo, Ẩn sĩ Cù Đàm đã bị Ma vươngđám Ma nữ đầy quyến rũ kéo đến quấy phá. Có phải chăng đấy là trận chiến cuối cùng, là những cơn sóng gió mưa bão cuồn cuộn kéo đến từ trong nội tâm, phấn đấu, tiến lui, trồi sụt, để vượt cho qua từng chập từng hồi những lôi cuốn mạnh bạo cuồng nhiệt như Ma vương của vật chất thể xác hiện hình, để đánh tan cặn bả của những dục vọng, những tham muốn, những tâm tư rối rắm còn sót lại trong con người của nhà Ẩn sĩ đang chuyễn dậy, nổi lên để lôi cuốn Ngài, một lần sau hết, lôi kéo Ngài trở lại với thế giới của phiền não cõi ta bà:

Một thế lực mạnh lớn hơn đi xuyên qua [Chúa], đập vở thân xác và tâm linh của Ngài, thét lên: “Đánh cuộc hiện tại và tất cả những gì đích xác, đánh cuộc chúng với tương lai và những gì không đích xác! Đừng ôm giữ điều gì cả. Ta thích nguy hiểm! Chúng ta có thể lạc lỏng, chúng ta có thể được cứu vớt. Đừng hỏi. Hãy đặt toàn thế giới vào lòng bàn tay của nguy hiểm trong từng giây phút một.

Cho nên Ẩn sĩ Cù Đàm đã điểm mặt chúng, điểm danh chúng, diệt tận chúng, một lần sau cùng, để vượt thoát tất cả, – tất cả, không còn một chút cặn bã nào – để vươn lên, sừng sững, chói lòa, tiến đến đích điểm tuyệt đỉnh cuối cùng của tâm linh: Giải Thoát, Đại Giác Ngộ, Thành Phật.

Tổ Tuệ Năng, sau khi được ngũ tổ Hoằng Nhẫn ấn chứng rồi, nửa đêm xuôi nam, ẩn thân trong rừng sâu mười mấy năm mới xuất sơn, lừng danh về chuyện “phướn động hay gió động”; trong mười mấy năm trường đó, ngài làm gì, đốn củi độ nhựt thiệt tình hay sao? Còn những thiền giả khi biết rằng mình sắp đến cửa giác ngộ mà còn bị vướn mắc một chút gì đó, chưa thông đạt, đi hỏi thiền sư hướng đạo thì không được câu trả lời theo ý muốn, nên phải đi ‘hành cước’; đi để làm gì, để ngắm trăng sao mây nước hay chăng?

Hãy nhìn thẳng vào biển cả tối om mà không lảo đảo, đối diện với hố thẳm từng giây phút một mà không mang một ảo tưởng trân tráo hay sợ hãi nào. Nhưng vẫn chưa đủ, phải tiến thêm bước nữa: chiến đấu để tìm cho ra ý nghĩa cho cuộc vật lộn rối rắm của con người.

Đấy, họ, tất cả, không ngoại lệ, đã phải dùng thời gian ẩn thân này, thời gian đi đây đi đó này, để mà tiếp tục chiêm nghiệm, để mà tiếp tục quán sát cái tâm, để mà lắng nghe, nghe những tiếng gào, tiếng thét, như Nikos cũng từng lắng nghe:

… tiếng Thét không phải bên ngoài chúng ta, nó không đến từ một tầm xa vô cùng để mà ta có thể chạy trốn được nó. Nó ngồi ngay chính giữa của trái tim chúng ta, và thét gào lên.

Đó là một bãi chiến kinh hồn; hành giả là một chiến sĩ dũng cảm lúc nào cũng phải tinh tấn, cũng phải cảnh tỉnh, cũng phải sẵn sàng tư thế, như lời Phật dạy: “Phải giữ tâm như người chiến sĩ bảo vệ tường thành, không cho quân địch quấy phá”.[18] Cho nên, khi Nikos kêu gọi ‘vũ trang’, ‘chiến đấu’, hay nhắc tới ‘chém giết’, v.v., không phải là ông kêu gọi một cuộc bạo loạn trong xã hội, trên thực tế, có bên này chém giết bên kia, máu chảy thành sông, v.v., mà chỉ là một cuộc nổi loạn nội tâm:

Hãy sống trong tình trạng chiến tranh. Tiếng Thét trong tôi là một tiếng thét ra lệnh vũ trang. Nó thét lớn: “Ta, tiếng Thét, là Chủ tể Chúa của ngươi! Ta không phải là nhà thương điên, ta không phải là hi vọng, không phải là tổ ấm.

Hãy giết kẻ thù không chút xót thương. Hãy nghe tiếng Chúa kêu thét bên trong thân xác của kẻ thù : “Hãy giết thân xác này đi! Nó chướng ngại ta! Hãy giết nó để ta mới có thể thoát ra!”

Những kinh nghiệm tâm linh này, thiền gia gọi là đi tìm cái “bản lai diện mục”, hay là thiền quán để phá vở cái màn vô minh đã che lấp Phật tánh tiềm tàng sẵn có trong mỗi một sanh thể.[19] Không như các tôn giáo Tây phương chủ trương chỉ có một cuộc đời này, con người chết đi thì linh hồn lảng vảng đâu đó ngàn năm đợi chờ Ngày Phán Xét,[20] Nikos thông hiểu rõ ràng ý niệm về sanh tử luân hồi, về Nghiệp và nhất là về bản lai diện mục vốn là nguyên nhân khiến ta hiện hữu bây giờ ở đây và là mục đích mà thiền giả phải luôn quán tưởng để đạt đến:

Từ giống nòi mà ngươi đến đây là cả một khối lượng khổng lồ của quá khứ, hiện tại và tương lai. Đấy chính là khuôn mặt tự nó; ngươi chỉ là một thể hiện thoáng qua. Ngươi là hình bóng theo sau; nó mới là chủ yếu.

Đấy, Nikos quả đã nhận diện được cái ‘khuôn mặt trước khi sanh ra’ rồi đó, không mời ông vào bàn tiệc ‘chứng đạo’ ngồi ngang với Huyền Giác, với Lâm Tế, với Hàn Sơn, Thập Đắc, v.v., thì quả là một mất mát lớn cho nền văn chương thiền học của nhân loại. Thế nhưng, Nikos thì lại không dùng ngữ từ của Thiền môn để mô tả những kinh nghiệm tâm linh của mình, mà Nikos đi tìm Chúa, không phải là một Chúa Giê-su bị đóng đanh trên thập tự giá, cũng không phải là một Chúa Cha toàn năng sáng thế, bởi vì đã có hàng trăm ngàn thuộc tính để nói về Chúa: Chúa của Israel,[21] Chúa của Abraham,[22] Chúa của Moses,[23]  Chúa của Sinai, Chúa Mặt trời,[24] Chúa của Chiến tranh,[25] Chúa của Aristotle, Chúa trong Thánh kinh,[26] Chúa của Nietzsche, Chúa của dân Hi lạp,[27] Chúa của Philo of Alexandria (kh. 30 ttl-45 stl), v.v.[28] Còn Chúa của Nikos Kazantzakis thì:

Chúa của tôi không “toàn-năng, bởi vì “mỗi một giây phút nào ngài cũng gặp hiểm nguy”; “ngài không toàn năng, để chúng ta có thể khoanh tay, đợi chờ cuộc chiến thắng chắc chắn.”

Chúa của tôi không “toàn-thiện, bởi vì “ngài đầy dẫy hung tàn và công lý man dại, và ngài chọn những gì tài giỏi nhất một cách tàn nhẫn”; “ngài không toàn-thiện, để chúng tathể tín cẩn chờ đợi ngài thương xót và cứu vớt chúng ta.”

Chúa của tôi không “toàn-tri, bởi vì “bộ óc của ngài là một mớ bòng bong của ánh sáng và bóng tối”.

Ba thuộc tính toàn hảo của Chúa – ‘toàn năng, toàn thiện, toàn tri’ –, đã bị Nikos đả kích triệt để, thì Chúa còn là gì? Rồi Nikos giáng thêm một đòn chí tử:

Chúng ta với Ngài là một!

Chỉ có Đức Phật là “cho phép”[29] người tu đúng theo con đường chỉ dẫn của Ngài là sẽ được thành Phật như Ngài; còn những tôn giáo khác thì tín hữu chỉ được phép lên thiên đường quây quần chung quanh, phủ phục đấng thiên tôn của họ. Thành Phật rồi thì ai cũng như ai, cũng ngang hàng nhau, Đức Phật Thích Ca còn đâu bộ hạ sì sụp vái lạy tung hô Ngài nữa. Bởi thế cho nên Tây phương khi nghiên cứu kinh Pháp Hoa, đến chương Đức Phật thọ ký cho các đại đệ tử như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, ngay cả đến Đề Bà, v.v., rồi cũng sẽ thành Phật, họ đã sửng sốt kêu lên: “Đức Phật Cù Đàm là một Người Bình Đẳng Nhất trên thế gian này!”[30]

Bởi thế cho nên khi Nikos kêu lên:

Bởi vì chỉ có Một duy nhất là người đang phấn đấu ở cuối tận cùng của đất và trời. Một duy nhất.

thì ông đã được Đức Phật thọ ký rồi, sẽ bình đẳng làm Một với Phật. Bởi vì Nikos đã chứng thực rõ  ràng:

Từ con trùn đui mù ở trong lòng biển sâu của đại dương cho đến vô tận cầu trường của Thiên hà, chỉ có một Người đang phấn đấu và đang bị hiểm họa: Ngài. Và bên trong lồng ngực nhỏ bé trần gian này chỉ có một điều đang phấn đấu và đang bị hiểm họa: Vũ trụ.

Người xưa đã trãi qua kinh nghiệm mà Nikos vừa mới nhận thức được:

Hai thế lực đối chọi nhau này đụng độ nhau muôn đời; chúng gặp nhau, đánh đấu nhau, chinh phục và bị chinh phục, giải hòa nhau trong một lúc ngắn ngủi, và rồi lại bắt đầu trận chiến nữa ở khắp nơi trong Vũ trụ – từ một dòng xoáy vô hình trong một giọt nước cho đến cơn đại biến vô tận của những tinh tú trong dãy Thiên hà,

qua bài kệ bất hủ:

Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung
Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ
Thùy tri phàm thánh dữ tây đông.

Rõ ràng là Nikos đã được ấn chứng bởi thiền sư Khánh Hỷ (1067-1142)  của dòng Thiền Vô Ngôn Thông Việt nam, khi ngài nhìn trong hạt cải và đầu sợi lông cả một vũ trụ huy hoàng:

Nhật nguyệt nằm trong hạt cải,
Càn khôn náu tại đầu lông.
Ai hay phàm thánh, tây đông?
Hiện ra đại dụng trong lòng bàn tay.
[31]

Không những chỉ riêng thiền sư Khánh Hỷ, mà còn cả một loạt những vị chứng đắc khác nữa. Nào là Vĩnh Gia Huyền Giác, trước đó đã từng thốt lên: “Đại thiên sa giới hải trung âu, nhất thiết thánh phàm như điện phất (大千沙界海中漚、一切聖賢如電拂, cõi nước cùng khắp trong bọt biển, hết thảy thánh phàm như điện chớp).[32] Còn một thiền sư ít tiếng tăm khác cũng có câu: “Thu nhiếp tam thiên sát hải ư nhất ấn trung, cụ túc bát vạn pháp môn ư nhất hào thượng (收攝三千剎海於一印中、具足八萬法門於一毫上, thu trọn ba ngàn biển lớn chỉ trong một [tay] ấn, đầy đủ tám vạn pháp môn ở trên một sợi lông).”[33] Nào là thi bá Tô Đông Pha (1037-1101) trong bài thơ Quán Hồ (觀湖) cũng đã  từng hứng tác: “Hồi thủ bất tri sa giới thiểu, phiêu y do giác sắc trần cao (回首不知沙界小、飄衣猶覺色塵高, hồi đầu nào hay sa giới nhỏ, áo bay mới biết bụi trần cao).” Còn Thiền lâm cú tập cũng không quên ghi lại:

Tụ trung nhật nguyệt tàng袖中日月藏
Chưởng nội ác càn khôn.[34] 掌内握乾坤
Nhật nguyệt chui vào áo
Càn khôn nắm tận tay

Nào là William Blake (1757-1827), nhà thơ huyền bí người Anh, cũng vỗ tay ca:

To see a World in a Grain of Sand
And a Heaven in a wild flower,
Hold Infinity in the palm of your hand
And Eternity in an hour
.
Nhìn thấy Thế giới trong một Hạt cát
Thiên đường trong bông hoa dại
Cầm nắm Vô tận trong lòng bàn tay
Vĩnh cửu trong một giờ này.[35]

Nào là Duy Ma kinh, phẩm Bất Tư Nghì: “Lấy núi Tu Di bỏ vào trong hạt cải, lấy nước bốn biển đổ vào chân lông”. Và còn nhiều nữa, nhiều nữa, tìm thấy đó đây trong trọn bộ Đại Tạng đồ sộ của nền văn học Phật giáo.

Nikos thì không biết, hay không cần biết, đến nội dung Đại Tạng hay những vị đắc đạo khác làm gì, bởi vì ông đã trực nhận ra, vị Chúa của ông không ở trên đầu, không ở xa xôi diệu vợi, không ở bên ngoài ông; mà Chúa của ông ở ngay bên trong chính cái thân xác trần tục này, trong đó cuồn cuộn không biết bao nhiêu là ý tưởng trỗi dậy, xấu có tốt có, đớn đau có, an lạc có, trong chính cái tâm ý luôn thắc mắc, luôn thách thức, luôn đặt vấn đề: “ta là ai”, để “thấy” được rằng, điều mà ta tự hào về Chúa của mình, thật ra:

[Chúa] không phải là người gia chủ chánh trực của một gia đình; Ngài không chia đều phần thức ăn và trí óc cho những đứa con. Bất công, Tàn nhẫn, Mòn mõi và Đói khát là bốn con tuấn mã kéo chiếc chiến xa của Ngài trên mặt đất gồ ghề của chúng ta.

Cho nên phải bỏ Ngài lại, phải trút hết những ảo ảnh hồ đồ những thuộc tính gán ghép mà xưa nay ta luôn mù quáng tôn sùng, bởi vì:

Ngày nay Chúa là một công nhân tầm thường trở thành hung dữ bởi lao tác và thịnh nộđói khát. Ngài nặc mùi khói thuốc và rượu thịt. Ngài chửi thề và bị đói khát, và sanh đẻ con cái; ngài không ngủ được; ngài la hét và hăm dọa từ trong những hầm rượu và gác xếp của thế gian.

Những lời sấm sét :

Chúa không hề bao giờ được sáng tạo từ hạnh phúc, hoặc từ nhàn hạ hay vinh quang, mà là từ nhục nhả và đói khát và nước mắt

phải chăng đúng thật theo tinh thầnsanh tử thị Niết Bàn” của nhà Phật? Bởi thế cho nên chúng tôi cũng cuồng ngông đặt tựa cho đây là: ‘Thiền trình chứng đạo’ và xưng tán Nikos Kazantzakis là ‘Thiền sư’.

Thế nào là Thiền sư? Là người chấm dứt cái vòng luân hồi sanh tử ngay tức thời, trong kiếp này, không còn trở lại nữa. Câu hỏi mà các Triết giaTôn giáo luôn hỏi “Chúng ta từ đâu tới? Chúng ta đang đi về đâu?”, còn Thiền gia thì đi tìm “bản lai diện mục”, đều đã được Nikos nhận diện:

Tất cả mọi phấn đấu của chúng ta lại một lần nữa sẽ có một mục đích lớn hơn nhiều đối với chúng ta, nơi mà những lao lực, những khổ tâm và những tội lỗi của chúng ta sẽ trở nên hữu ích và thánh thiện

để đi đến đích:

Mục đích của ngươi, qua chiến trận, cuộc hành quân dâm đãng xuyên qua da thịt, dòng giống, con người, cây cối và thú vật, là gì? Đó là để ngươi có thể đạt đến cái khởi điểm mà từ đó ngươi bắt đầu – khởi điểm phù du, phập phồng, bí ẩn của sự hiện hữu của ngươi – với hai con mắt mới, hai lỗ tai mới, với một cảm nhận mới của vị giác, khứu giác, xúc giác, với những bộ óc mới.

Đích điểm đó, Nikos định danh:

Chúng ta để cửa mở cho tội lỗi [đi vào]. Chúng ta không dùng sáp bịt tai lại để đừng nghe tiếng Còi báo động. Chúng ta không tự cột trói mình, vì sợ hãi, vào cây cột của một tư tưởng vĩ đại; cũng chẳng vì nghe và lao theo tiếng Còi báo động mà phải bỏ cuộc và tự diệt vong. Ngược lại, ta nắm bắt tiếng Còi báo động,[36] và ném chúng vào trong con thuyền của chúng ta để ngay cả nó cũng có thể cùng du hành với chúng ta; và chúng ta tiếp tục lên đường. Đấy, này các bạn, là Chủ nghĩa Khổ hạnh mới, là Huyền Linh Tâm Pháp của chúng ta!

Huyền Linh Tâm Pháp của Nikos Kazantzakis là thế; đáng tiếc là ông lại trưởng thành trong môi trường Ki-tô giáo mà ông không chối bỏ, nhưng chỉ muốn vượt xa hơn, vượt lên trên, những đóng khuôn hạn cuộc của giáo điều, của luật lịnh Giáo hội, để đi tìm một Đấng Ki-tô thật con người, và cũng xuyên qua những kinh nghiệm tâm linh như ông, trên đường đi tìm chân lý vĩnh hằng, mà Phật pháp gọi là Giác Ngộ, cho nên ông mới bị gán danh là kẻ chống Chúa, báng Chúa, phản Chúa, cho nên ông mới bị rút phép thông công, cho nên ông mới bị trục xuất ra khỏi Giáo hội.

Nếu bỏ đi ngữ từ “Chúa” mà ông dùng, đổi thành những ngữ từ mà ông cũng muốn dùng:

Chúng ta đã thấy cái vòng tròn cao đỉnh nhất của những thế lực xoáy ốc. Chúng ta mệnh danh vòng tròn này là Chúa. Chúng ta cũng có thể mệnh danh nó bằng cái tên nào khác mà chúng ta muốn: Vực thẳm, Thần bí, Bóng tối tuyệt đối, Ánh sáng tuyệt đối, Vật thể, Tánh linh, Hi vọng tối thượng, Tuyệt vọng tột cùng, Im lặng. Nhưng chúng ta mệnh danh nó là Chúa bởi vì chỉ có cái danh này, vì những lý do nguyên sơ, mới có thể khiến tim ta rung động sâu đậm. Và cảm giác sâu đậm này vô cùng cần thiết nếu chúng ta phải chạm xúc, bằng thân thể này với thân thể kia, với bản chất đáng sợ vượt ngoài lôgít.

ta sẽ thấy, những ngữ từ mà Kazantzakis thường lập đi lập lại trong Huyền linh Tâm pháp này, mỗi khi ông đương đầu với một khúc mắc trong hành trình đi tìm Chúa, đều là những ngữ từ đồng nghĩa nhau: Chúa. Bởi vì ông mệnh danh những điều đó là Chúa, cho nên ông mới bị trục xuất ra khỏi Giáo Hội, rút phép thông công, còn Huyền linh Tâm Pháp thì bị Giáo hoàng Phaolồ XII (Pope Pius XII) nhốt vào trong “Thư viện Sách Cấm[37] vào năm 1954, – cùng với The Last Temptation of Christ –, và làm đề tài cho bao nhiêu bút mực về sau, viết về vị “Chúa” của ông.

Thế nhưng, tất cả chỉ là danh từ:

Nhưng mà [Chúa] không thể bị trì giữ trong 26 vần chữ mà chúng ta mệnh danh thành hàng hàng danh nghĩa;[38] chúng ta biết rằng những chữ nghĩa đó, những biểu tượng đó, những ý tưởng đó, và những thần chú đó, lại một lần nữa không là gì ngoài là một cái mặt nạ mới được dùng để che dấu  Hố thẳm.

bởi vì:

Mọi thứ trong thế giới này đều ẩn tàng một ý nghĩa… Con người, thú vật, cây cối, tinh tú, tất cả đều là những tượng hình.[39] Khi anh thấy chúng, anh không hiểu chúng, anh nghĩ rằng chúng thật sự là con người, thú vật, cây cối, tinh tú. Chỉ khi trãi qua nhiều năm trường về sau, anh mới hiểu.

phải chăng đây cũng chính là cảm giác siêu việtTô Đông Pha đã kinh nghiệm, là ý nghĩa nhận thức bản thể qua hiện tượng, qua bài thơ tuyệt tác của ông:

Lô sơn yên toả Chiết giang triều, 
Vị đáo bình sanh hận bất tiêu, 
Đáo đắc bản lai vô biệt sự, 
Lô sơn yên toả Chiết giang triều

鑪山煙鎖浙江潮
未 到 平生恨不 消
到得本來無別事
鑪山煙鎖浙江潮

Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết giang,
Chưa đi đến đó hận muôn vàn,
Đi rồi về lại không gì lạ,
Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết giang.[40]

Không gì lạ, bởi vì sóng Triết giang cũng thế, nhưng mà cái ‘nhìn’ đã được đổi thay; đổi thay, vì Nikos đã có được  

hai con mắt mới, hai lỗ tai mới, với một cảm nhận mới của vị giác, khứu giác, xúc giác, với những bộ óc mới.

Cho nên danh từ là điều mà hành giả cần phải vượt thoát, cũng như Nikos đã từng muốn vượt thoát những ràng buộc, những đóng khuôn trong ngôn từ trong khái niệm về Chúa của Ki-tô giáo:

chúng ta khởi sự từ một Hỗn độn toàn năng, từ một Vực thẳm dầy đặc của Ánh sáng và Bóng tối quyện nhau. Và chúng ta phấn đấu – cây cối, thú vật, con người, tư tưởng – giữa chặn đường tạm bợ của cuộc sống riêng biệt, để sắp xếp Hỗn độn cho có thứ tự lại bên trong chúng ta, để tẩy sạch Vực thẳm, để ra sức tẩy sạch Bóng tối càng nhiều càng tốt bên trong thân thể chúng ta và để chuyển hóa nó thành Ánh sáng.

Nói cách thiền: ‘đem tâm bất an của ngươi lại đây!’ ‘con chẳng tìm thấy tâm bất an của con đâu cả’ ‘ta đã an tâm cho ngươi rồi đó’.[41] An nhiên, tự tại, không mong cầu, không sợ hãi, giác ngộ, giải thoát.

Thế nên, khi Nikos nhắc đến ‘đang đi nhón gót trên bờ Vực thẳm’, hay ‘đứng trước Bóng đêm dày đặc’:

Chúng ta hãy cúi rạp xuống tới buồng tim của mình và trực diện với Vực thẳm một cách anh dũng,

đấy là lúc ông đã đạt đến đích điểm mong muốn: sắp sửa phá tung được chướng ngại cuối cùng như vực thẳm hiểm nguy như bóng đêm cám dỗ để tức khắc nhập thể làm Một với Chúa! Vị Chúa tồn tại bên trong bộ óc, bên trong con tim,[42] bên trong cái tâm ngoan cường mà hành giả nào cũng phải luôn phấn đấu vượt mọi chướng ngại để tìm cho ra, để thấy cho được, để bốc cho thoát, điều mà nhà Thiền gọi là ‘bản lai diện mục’, là Phật tánh, là chơn tâm, v.v., còn Nikos thì nỗi loạn mệnh danh là để ‘giải phóng’ Chúa:

Chúng ta hãy nặn đúc thêm một lần nữa, với da thịtmáu mủ của chúng ta, gương mặt của Chúa đương đại, tân thời.

Từ nơi vật thể và da thịt, từ nơi đói khát, từ nơi sợ hãi, từ nơi đức hạnhtội lỗi, hãy luôn luôn phấn đấu để sáng tạo Chúa.

Theo truyền thống tôn giáo Tây phương thì Chúa sáng tạo con người, làm gì có chuyện con người sáng tạo Chúa? Nikos quả là cuồng ngông, bị Giáo Hội rút phép thông công là phải.[43]

Các nhà phê bình nhắc đến việc Kazantzakis cầm lên rồi để xuống không biết là bao nhiêu lần tác phẩm này, trước khi ông hoàn thành. Vì không phải là tiểu thuyết, tự truyện hay sáng tác theo đam mê văn nghệ, mà đây là một tự thuật, tự thuật những kinh nghiệm tâm linh trong tiến trình đi tới, đi tìm cái gọi là Chúa, cho nên mỗi lần cầm lên là có nghĩa là một lần ông ghi chép lại những kinh nghiệm tâm linh đó, sau một khoảng thời gian hoặc ngắn hoặc dài suy tưởng triền miên mà trong nhà Thiền gọi là thiền quán: quán tưởng những kinh nghiệm tâm linh, của cái ‘tâm viên ý mã’ trong lúc hành thiền, có khi tiến bộ (thăng hoa, đi lên), có khi thụt lùi (hạ giáng, đi xuống);

Ta đi về đâu? Đừng hỏi! Thăng hoa, rơi tuột. Không có bắt đầu và không có chấm dứt. Chỉ có gian kỳ ngay lúc này là hiện hữu, đầy dẫy đắng cay, đầy dẫy ngon ngọt,

cho nên ông cầm lên để ghi chép, rồi để đó, buông xuống, rồi đào luyện tâm linh thêm, rồi ghi chép nữa. Điều đáng kểít nhất ông hoàn thành nó, sau mấy năm khốn khổ vì nó, để cho ta một tuyệt tác mà Mabry gọi là “quyển Thánh kinh của Văn học hậu hiện đại”, quả thật không sai.

Thật ra, Nikos không phải là người đầu tiên đặt vấn đề về sự hiện hữu của Chúa và những thuộc tánh của ngài; tổng số sách vở chống đối phê phán viết cách nghiêm túc về Chúa có thể nhiều hơn tổng số tuyên dương Ngài, nhưng thường là bị Giáo Hội La mã hủy diệt hay liệng vào Thư viện Sách Cấm, còn thì dĩ nhiên là không có một quyển nào được dịch sang Việt ngữ để những ai thực sự muốn trực tiếp thông linh với Chúa chí tôn mà không cần thông qua Giê-su hay Giáo Hội, được đọc cả. Viết về Chúa, nổi tiếng nhất tất nhiên là Nietzsche, với câu bất hủ “Chúa đã chết”,[44] nhưng hầu như không có ai, chưa có ai, dám đồng đẳng Chúa ngang hàng với con người trần tục, với sinh hoạt con người trần tục, như làm tình với vợ – cũng một cách rất trần tục –:

Phu nhân của Chúa tôi là vật thể; họ vật lộn với nhau, họ cười và khóc, họ kêu thét trên chiếc giường động phòng của da thịt.

Đôi khi yếu đuối, mệt mõi,

Ngài chẳng là gì cả, bây giờ chẳng qua chỉ là một con ngựa uể oải, chân ngài không còn có thể đi theo nhịp đập trái tim của con. Con đang gấp rút, thưa Cha, con sẽ leo xuống ngựa, con sẽ leo lên một thân thể khác, và con sẽ bỏ ngài lại trên đường,

nhất là “kêu cứu”:

Chúa kêu gọi đến tim tôi: “Cứu ta!”

Thế là Kimon Friar đã vội dịch “Spiritual Exercises” là “Những vị Cứu thế của Chúa” hay đúng hơn, theo ý nghĩ của ông, “Những vị cứu Chúa”, kéo theo một tràng không biết bao nhiêu là những nhà nghiên cứu văn học hay tôn giáo, những nhà thẩm bình được xem như là chuyên gia về Nikos Kazantzakis, như Dombrowski trong Kazantzakis and God,[45] mang hình ảnh “kêu cứu” này để mà dẫn dắt độc giả đi lòng vòng, đi tìm Chúa dùm cho Nikos! Thật là một điều lầm lỗi, sai lạc hoàn toàn, không một chút nào hiểu được tâm trạng thống khổ của Kazantzakis cả. Khi Chúa kêu cứu, chẳng qua là đến giai đoạn cuối cùng, Tự Tánh đang vùng vẫy, đang phấn đấu để đập tan những ràng buộc của chất thể để thoát ra, để bước đến bước cuối cùng: giác ngộ.

Chúa kêu gọi đến con người, thú vật, cây cối, vật chất: “Cứu ta!”

Không ai có thể cứu Chúa, Chúa cũng chẳng cần ai cứu, mà đó là cả một trận chiến sanh tử để đắc đạo. Và để minh chứng điều đó, Nikos lại ban cho chúng ta một câu Thoại đầu đầy thiền vị, qua tiếng thét lạnh trời:

Cứu rỗi là một vòng tròn; đóng nó lại!

Thay “cứu rỗi” bằng đạt ngộ, chứng đắc; thay Chúa bằng Đại Giác, bằng Phật Tánh, Tự Tánh, bằng Như Thị, Tánh Không, bằng Phật tại tâm, không bị thần tánh ảnh hưởng, mục đíchthiền quán đưa tới, v.v., thì sẽ không thấy có gì là xúc phạm đến “Chúa” theo quan niệm là một chủ tể tuyệt đối của giáo điều Ki-tô nữa. “Chúa” này bị nhân cách hóa, trong lúc, trên thực tế, thì Giê-su (Jesus) chỉ tự gọi mình là “Con của Người” (bar nasbar, Son of Man), bởi vì Ngài cũng có những yếu tố thành hoại và tắc tử[46] của điều kiện con người. Ngài là một nhân sanh yếu đuối mà một ngày nào đó sẽ thống khổ và chết. Nếu bỏ qua ý tưởng về Chúa toàn năng, mà như Giê-su chỉ là một nhà Tiên tri (messiah), ta thấy quả nhiên có rất nhiều điểm giống Phật pháp, bởi vì, Chúa là vấn đề thuộc tâm linh, còn Giáo hộivấn đề thuộc tổ chức. Tâm linh thì siêu nhiên, vô hình, vô thể; nên con người mới có thể thông linh trực tiếp với Ngài. Tổ chức thì có hình thức, có điều kiện, thuộc vật thể:

một lần từ lâu lắm rồi thì chính những nhà tu, những ông vua, hạng quí tộc hay dân trưởng giả là những người tạo ra văn minh và thả cho thánh thể được tự do.[47]

Nói theo nhà Phật, tâm linh thuộc vô sắc giới; vật thể thuộc dục giới; ấy thế mà dục giới lại cưỡng chế không cho con người tu tập để thông đạt đến cõi vô sắc, tức giải thoát, không qua một trung gian nào. Cũng vì thế mà Đạo Phật ngày nay được Tây phương trân trọng, nghiên cứu (pháp học) tại các đại học lớn khắp thế giới, tu tập nghiêm cẩn (pháp hành) với các thiền sư chân chánh thuộc mọi hệ phái Nam Bắc Tông. Do đó mà ai có ý thức một chút cũng phải nổi loạn, cũng phải tự mình đi tìm và tự mình chứng đắc, không cần thông qua những hình thức tôn giáo nghi lễ tuế toái, bởi vì ngay chính Đức Phật ngày xưa cũng đã cho phép Phật tử không cần phải sùng bái một vị giáo chủ nào cả, theo như trong kinh Kàlama, mà chỉ cần “lấy Giới Luật làm  Thầy”.[48]

Tôn giáo nào duy trì chủ trương sùng bái một trong những khía cạnh nguyên thủy của Chúa là thu hẹp con tim và tâm linh của chúng ta.

Theo truyền thống tôn giáo Ki-tô,[49] Chúa tạo nên con người qua hình ảnh của Ngài. Cho nên Nikos nổi loạn:

Tôi hỏi hoài, và hỏi nữa, đấm thụp lên Hỗn độn: “Ai trồng ta lên mặt đất này mà không xin phép ta? Ai nhổ ta khỏi mặt đất này mà không xin phép ta?” 

Theo Đức Phật thì không ai trồng ta hay nhổ ta – hình ảnh của sanh và tử – mà là nghiệp lực của chính ta khiến phải quanh quẩn trong vòng sanh tử luân hồi; cho nên chỉ có chính ta là trách nhiệm cho sự tồn tại của chính mình ở đời hiện tại này, là do kết quả của nghiệp lực bao kiếp trước, và là nguyên nhân cho bao kiếp sống đời sau.[50] Những hình ảnh biểu tượng như thế, đầy dẫy trong văn từ của Nikos, hay của dịch giả Friar; những ngữ từ hình ảnhhai nghĩa: dụ như, ‘race’: là cuộc đua, hay giòng giống? Hiểu theo nghĩa nào cũng được, nếu là ‘cuộc đua’ thì ở đây, nhìn theo đôi mắt của Thiền gia, hành giả lúc nào cũng phải tinh tấn, dấn thân đi tới, trong cuộc đua tận diệt phiền não nghiệp dĩ từ vô lượng kiếp trước đến vô vàn muôn kiếp về sau; nếu là ‘giòng giống’ thì là mỗi người đều bị những yếu tố của nghiệp báo mà Nikos gọi là ‘tổ tiên di truyền’ để hiện hữu theo dòng luân chuyển hồi hoàn muôn thuở, là hình ảnh của ông bà kiếp trước và của con cháu về sau. Như thế là Nikos đã mặc nhận định lý căn bản của Đạo Phật: luân hồi sanh tử. Mặc nhận, vì tôn giáo Tây phương chủ trương chỉ có một kiếp này mà thôi; Chúa tự tiện nhào nắn con người trong cơn bốc đồng theo ý thích tức thời của Ngài, rồi sau khi chết linh hồn lẫn quẫn đâu đó chờ Ngài phán xét vào Ngày Tận thế:[51]

Tự ngã, giòng giống,[52] nhân loại, đất đai, lý thuyết và hành động, Chúa – tất cả chúng đều là những ảo ảnh tạo thành bởi đất sét và khối óc, chỉ tốt cho những con tim giản dị đang sống trong sợ hãi, chỉ tốt cho những linh hồn tự mãn tưởng tượng rằng chúng đang mang thai.

Thế là Thiền sư Nikos lật ngược ván cờ:

Chúa là đất sét trong mười ngón tay của tôi, và tôi nhào nặn ngài [theo ý mình].[53]

Mặc nhận, vì có thể ngay chính Nikos cũng không biết đến định lý căn bản này, nhưng mà ông đã lãnh hội được nguyên do hiện hữu của mình một cách trực nhận, bởi vậy cho nên ông mới thật sự là Thiền sư; bởi vì ông đã nhận ra:

Ai đó trong tôi đang vất vả nâng cao một sức rất nặng, vứt thải cái tâm và xác thịt bằng cách khắc phục những thói quen, lười biếng, nghèo khó;

Nhận ra rằng:

Mỗi một lời nói, mỗi một hành động, mỗi một ý nghĩ là tấm mộ bia nặng nề mà y muôn đời cố gắng nhấc cao. Và thân xác của chính tôi và tất cả thế gian hữu hình, tất cả trời đất, đều là tấm mộ bia mà Chúa đang cố gắng nhất bổng lên cao.   

Để rồi cũng chính Nikos đã tự thân khám phá ra sự thật, một Chân Lý tuyệt vời: xưa nay ta lăn trôi trong vòng sanh tử bởi vì ta sống trong cái thế giới nhị nguyên, có sanh tử, có phải quấy, có trắng đen...

Ngài vừa là nam vừa là nữ, vừa là người trần thế vừa bất tử, vừa nhơ bẩn vừa tánh linh. Ngài ban cho sự sống, thụ thai, tàn sát, – sự chết và thần tình ái trong cùng một thể  –  và rồi ngài sanh sản và lại tàn sát một lần nữa, khiêu nhảy rộng rãi vượt ngoài những hạn cuộc của một lôgít không còn bao hàm được những xung đột tương phản.

Đập tan cái nhị nguyên đó rồi,[54] ngã và pháp trở thành Một, thì không còn gì ngăn ngại nữa, con người giải thoát, y như bao thiền sư xưa nay, y như Kazantzakis:

Người nào hoặc còn hi vọng về thiên đường hay sợ hãi địa ngục thì không thể có tự do. Thật xấu hỗ nếu chúng ta vẫn tiếp tục bị say đắm trong những quán rượu của hi vọng hay hầm rượu của sợ hãi.

Và để đạt được đến hiện trạng tâm linh không hi vọng không sợ hãi này, những người con Phật[55] đều phải tu tập cho đến tự thân kinh nghiệm thực chứng rằng, đời là Khổ:[56]

Chúng ta, như là những con người, đều là những người khổ sở, vô tâm, nhỏ mọn, tầm thường.

Tại sao? Vì những ‘tập hợp’[57] của bao nhiêu duyên nghiệp tiền khiên, mà, theo như Phật dạy, căn bản là do ái dục, lửa ái dục, nguồn gốc của sanh tử luân hồi:

Tánh Linh của Con Người là một ngọn lửa, một con hỏa điểu nhảy nhót từ cành này sang cành khác, từ ngọn này sang ngọn kia, và thét lớn: “Ta không thể đứng im, ta không thể bị thiêu đốt, không ai có thể dập tắt lửa ta.”

Dập tắt rồi thì giải thoát: Chứng Đạo Ca của Nikos Kazantzakis là đây!

Và ngọn lửa bên trong tôi nhảy phựt lên để trả lời: “Chắc chắn một ngày nào đó lửa sẽ tinh lọc đất.  Chắc chắn một ngày nào đó lửa sẽ hoàn toàn tiêu diệt đất. Đó là ngày Chúa quang lâm.”[58]

Ngày Chúa quang lâm là ngày Nikos thấu rõ Chơn lý thứ ba[59] của Tứ Đế một cách tận tường, quyết liệt: 

Chúa hét lớn: “Đốt cháy nhà chúng ngươi đi! Ta đến đây! Ai mà còn nhà thì không thể tiếp đón ta!”; “Đốt rụi những tư tưởng của các ngươi, đập tan những suy nghĩ của các ngươi đi! Ai mà tìm được giải đáp thì không thể tìm thấy ta! ”

Tìm thấy Chúa là tìm đến được ngưỡng cửa giác ngộ:

Rồi thì cùng một lúc nhịp điệu của thế gian trở thành một cơn chóng mặt, thời gian biến mất, thời khắc xoay vòng, trở nên bất diệt, và mỗi một điểm trong không gian – sâu bọ hay tinh tú hay tư tưởng – cùng đồng nhau nhảy múa.

Thế nhưng, để đến được trước cửa giác ngộ này, hành giả vẫn còn phải luôn đi tìm, vượt lên, cố gắng mãi, phấn đấu triền miên:

Chúng ta chạy. Biết rằng chúng ta chạy đến chết, nhưng chúng ta không thể ngừng. Chúng ta chạy.

Nhưng mà rồi có một lúc nào đó, mệt quá, chạy hoài mà chẳng thấy đích điểm đâu, sanh ra hoang mang, giải đãi, lười biếng, muốn bỏ cuộc:

Chúa của tôi vẫn tiếp tục phấn đấu một cách vô vọng. Ngài sẽ chiến thắng chăng? Ngài sẽ bị chinh phục chăng? Không có gì trong Vũ trụchắc chắn cả.[60] Ngài lao xả vào trong vô định; ngài đánh cuộc tất cả vận mạng của ngài từng giây phút một.

Những lúc như thế, hành giả lại phải cố gắng vươn lên, hành thiền nữa, quán sát nữa, nhiều lần nữa, không biết bao nhiêu lần nữa, trọn đời cũng nên, vô lượng kiếp cũng có thể. Thế nhưng, chỉ trong đời này, mà Nikos đã có thể ghi nhận lại những vùng vẫy thét gào đó, để cho ta được có quyển ‘Thánh kinh Văn học’ này; bằng không, chắc chắn chúng ta – những người đã tuôn chảy không biết bao nhiêu bút mực về nó – không còn có gì để mà múa bút nữa cả.

Mở mắt ngươi ra,” Chúa thét lên; “Ta muốn thấy! Vãnh tai ngươi ra, ta muốn nghe! Hãy tiến đến hàng ngũ phía trước: ngươi là cái đầu của ta!”

Bên trong cái đầu, khi quán sát thực tại, bổng nhiên có một ý tưởng nhảy vụt ra, một chuyện gì trong quá khứ ầm ầm kéo đến, một tâm tình sùn sụt xông vào ‘cái đầu của Chúa’, như muốn xông ra khỏi khối óc bừng bừng, muốn nhảy ra khỏi cái sọ cồm cộp kia:

Cái sọ của ngươi là vực sâu đầy máu mà hình bóng ma quỷ quay quần thành vô số đám đông kéo đến uống máu ngươi để được sống lại.

Nikos không phải là người đầu tiên nói về cái sọ, tuy rằng, đối với ông, khi đó, cái sọ chính là bộ óc, hay cái Tâm theo nhà Phật, đang chứa đựng không biết bao nhiêu là dòng tư tưởng, bao nhiêu là suy tư, bao nhiêu là cảm giác. Chư Tổ ngày xưa[61] đã từng có câu: “Độc lâu thường can thế giới, tỷ khổng ma xúc gia phong, vạn lí thần quang đảnh hậu tướng, trực hạ hội đắc, chuyển phàm thành Thánh chỉ tại phiến thời (髑髏常干世界、鼻孔摩觸家風、萬里神光頂後相、直下會得、轉凡成聖只在片時, đầu lâu thường chạm thế giới, lỗ mũi xát đụng gia phong, vạn dặm hào quang sau đỉnh đầu, ngay đó ngộ được, chuyển phàm thành Thánh chỉ trong phút chốc).”[62] Đông Tây gặp nhau ở đây, tuy rằng Nikos phải hơn ngàn năm sau mới nhận thức được điều mà chư tổ đã khám phá ra hàng ngàn năm trước.

Xông không ra, nhảy không khỏi, cho nên chỉ còn có thể dùng ngòi viết để ghi lại những gì mà nó nói lên, thét lên, cho rung chuyển cả vũ trụ mênh mông để chỉ cần tuôn ra hai chữ: giải thoát!

Mỗi một người, siêu việt bên trên và bên ngoài cái đầu của chính y, chạy thoát khỏi bộ óc nhỏ bé của y, bộ óc vốn dầy đặc những rối rắm phức tạp.

Và Nikos đã đạt đến đích điểm chạy thoát khỏi cái đầu cái bộ óc nhỏ bé đó:

Từ bên trong bãi lầy nhân cách, chứa đầy những bài ca siêu phàm, những tư tưởng vĩ đại, những tình yêu điên cuồng, những cuộc tấn công không ngủ nghỉ đầy bí ẩn, không có bắt đầu cũng không kết thúc, không có mục đích, bên ngoài mọi mục đích.

Có thể nói Thiền trình chứng đạo của Kazantzakis cũng giống như Thiện Tài đồng tử đi tìm Chân Lý trong kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm được xem là kinh quan trọng nhất trong Phật giáo, cho nên khi Mabry so sánh Huyền linh tâm pháp của Nikos là quyển “Thánh kinh của Văn học hậu hiện đại” thì không còn gì tuyệt hảo hơn. Thiện Tài đồng tử (Sudhana) đi tìm đạo dưới sự hướng dẫn của bồ tát Văn-thù (Mañjuśrī), tham vấn 53 vị Thánh nhân, kể cả bồ tát Di-lặc (Maitreya), vị Phật tương lai. Nikos, ngược lại, ông đi tìm một mình, và một mình ông tự biết:

Tôi biết rồi: Tôi không hi vọng nơi điều gì cả. Tôi không sợ hãi điều gì cả, tôi đã giải thoát khỏi cả hai tâm thức và con tim, tôi đã trèo cao hơn nữa, tôi đã tự do.

Đây là trạng thái mà các thiền giả nhập định vào các tầng thiền của dục giớisắc giới đã phải trãi qua, và sắp sửa vói bắt Phật tánh, đạt Phật quả, đắc đạo, giải thoát. Những diễn đạt trong tiết này là những hiện tượng sống động trong tâm của Nikos, sắp sửa nhập thể làm Một với Chúa nội tại. Cho nên ở chương cuối cùng, Lặng Im, là đích điểm mà Thiền sư Kazatnzakis đã đạt đến:  

Đấy là nhà tù, và nhà tù bị đập nát, những thế lực ghê tởm bên trong nó được thả tự do, và cái điểm của không gian đó không còn hiện hữu nữa, nơi mà y không còn phấn đấu hay la hét nữa, nơi y hoàn toàn chín muồi trong im lặng, một cách bất khả hoại diệt, miên viễn, với toàn thể Vũ trụ.

Nhà tù, bị nhốt, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, là nơi mà những phiền não triền phược trói buộc chúng ta, là nơi chôn chặt cái ‘ngã’ mà ta tưởng là có thật, cho nên phải đập nát chúng, mới giải thoát. Ngay cả Chúa, tức Phật tánh, Tự tánh, hay Phật tâm, cũng bị phiền não lấp che, cho nên “Chúa” cũng kêu cứu, cũng phải vùng vẫy để vượt thoát, mới được giải thoát. Cả hai cùng phấn đấu để Phật trong tâm phát hiện ra. Thật không còn diễn đạt nào khác có thể mô tả tâm trạng mà hành giả đã đến trước cửa của giải thoát, của giác ngộ, như Kazantzakis:

Tất cả mọi hi vọng mọi thất vọng đều tan biến vào trong cơn lốc ngấu nghiến quay cuồng của Chúa.

Tan biến, bởi vì Nikos đã đập tan màn vô minh; đắc ngộ rồi thì im lặng, vắng bặt nói năng. Nhà Thiền gọi đó là giai đoạn: “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”, dứt đường nói năng, bặt nơi tâm làm:[63]

Ngươi không bao giờ có thể thiết lập bằng ngôn từ rằng ngươi đang sống trong trạng thái xuất thần nhập định đó.

Bởi thế cho nên:

Giai đoạn tuyệt đỉnh của Huyền linh Tâm pháp của chúng ta gọi là Im lặng. Không phải là vì nội dung nó là tuyệt vọng bất khả tư nghị tuyệt đỉnh hay sung sướng và hi vọng bất khả tư nghị tuyệt đỉnh. Cũng chẳng phải đó là trí tuệ tuyệt đỉnh vốn không thèm hạ mình để nói, cũng chẳng phải là ngu dốt cùng cực không thể nói được.

 Im lặng có nghĩa là: Mỗi một con người, sau khi hoàn tất sự phục vụ của y trong mọi lao động, cuối cùng đạt đến đỉnh cao nhất của nỗ lực, siêu vượt mọi lao lực, nơi mà y không còn phấn đấu hay la hét nữa, nơi y hoàn toàn chín muồi trong im lặng, một cách bất khả hoại diệt, miên viễn, với toàn thể Vũ trụ.

Bia minh của ông ghi rằng “Tôi không mong cầu gì. Tôi không lo sợ gì. Tôi đã tự do” (Δεν ελπίζω τίποτε. Δεν φοβάμαι τίποτε. Είμαι λεύτερος; I hope for nothing. I fear nothing. I am free). Đấy là do người sau nghĩ về ông, tuy rất chính xác, nhưng ngay chính ông thì:  

Bên trong niềm Lặng Im thâm sâu, sừng sững, không biết sợ, trong đớn đau và trong đùa bởn, luôn vượt lên từ đỉnh này đến đỉnh khác, biết rằng chiều cao này không hề chấm dứt, hãy hát vang câu thần chú ẩn mật đầy tự hào trong khi ngươi treo lơ lửng vào Vực thẳm:

NGAY CẢ ĐIỀU ĐÓ CŨNG KHÔNG HIỆN HỮU!

Không có gì hiện hữu! Ngay cả sự sống và sự chết.[64]

***

Một vài dẫn chứng nêu trên, chọn lọc từ trong “Thiền Trình Chứng Đạo”, để dẫn nhập đến tâm trạng của một Thiền sư đã bước vào trong cửa Giác Ngộ rồi, rồi trở ra, của một hành giả Nikos tuyệt vời. Phải đọc Kazantzakis bằng một tâm hồn sảng khoái, siêu việt khuôn khổ đức tin – kể cả đức tin Phật giáo – , bằng trực ngộ của một Thiền gia thâm hậu, bằng kiến thức về Duy thức học Phật giáo cách nghiêm túc, mới có thể thưởng thứccảm ứng với những kinh nghiệm tâm linh mà Nikos Kazantzakis đang trãi qua.

Đấy là nội dung của Huyền linh Tâm pháp. Không phải mô tả tâm trạng đã chứng đạo rồi, như Đàn kinh, như Vô môn quan, như Lâm Tế lục, v.v., mà là mô tả tuyệt vời một trận chiến quyết liệt trong nội tâm. Bao nhiêu là tư tưởng loay quay, bao nhiêu dục tính xấu tốt cuồn cuộn kéo đến, đánh vật nhau, lôi kéo nhau, dằn vật nhau, tranh hơn nhau, tàn sát nhau, quyết liệt, không nhân nhượng, để đi đến đích điểm cuối cùng mà Nikos gọi là ‘Nhập thể làm Một với Chúa’.

Như Pantelis Prevelakis, một văn hào triết gia khác của Hi lạp và là người bạn thân của Nikos, nhận định về nội dung của tác phẩm này: “Phải là cả một cố gắng siêu nhân mới có thể ghi nhận lại được những kinh nghiệm tâm linh rộng sâu như vậy.”[65]

Như Fitting, người làm luận án về Nikos, cũng xác chứng rằng: “[giải thoát] chỉ được thực chứng từ nội tại khi mà hành giả đã loại trừ tất cả mọi phân biệt theo cảm giác hay bị cảm xúc.”[66]

Bạn đang cầm trong tay bản Chứng Đạo Ca của Nikos Kazantzakis, một Thiền sư Tây phương tiên phong trong hành trình đạt đến cái Tâm Giác Ngộ của nhà Phật.

 

Tuệ Hạnh

cảm đề

10-11-2011/2017.

 

Trích từ sách: Huyền Linh Tâm Pháp - Thiền Trình Chứng Đạo



[1] Bản Anh dịch: Zorba the Greek. Việt: Alexis Zorba, con người hoan lạc. Dương Tường dịch. nxb. Trẻ, 1989. Nếu nhớ không lầm, thì đã có một bản dịch trước đó, kh. cuối thập niên1960’, nhưng tên người dịch đã quên.

[2] Thiện hữu Trần Văn Duy sưu tập: 1. Vườn đá tảng (Le Jardin des Rochers), Bửu Ý dịch, nxb. An Tiêm, 1967; 2. Xin chọn người yêu là thượng đế (Saint Francis), Nguyễn Yến Anh dịch, nxb. Kinh Thi, 1974; 3. Cám dỗ cuối cùng của Chúa (The Last Temptation of Christ), Bích Phượng dịch, nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 1988; 4. Tự do hay là Chết (Freedom or Death), Từ Vũ dịch, nxb. Văn Học, 1985; 5. Thủ lĩnh Misen, Hoàng Nguyên Kỳ dịch, nxb. Văn học, 1997. 2 tập. Thành thật cám ơn.

[3] Tất cả những đoạn văn riêng biệt in nghiêng trong bài này là trích dẫn từ Huyền Linh Tâm Pháp.

[4] Kinh Mũi Tên (Sallasutta), thuộc Tiểu Bộ kinh (Khuddhaka Nikaya. HT Thích Minh Châu dịch, ch. 3, Đại phẩm, đề mục 8).

[5] Theo truyền thống Do thái-Kitô và Hồi giáo, Gia-vê (Yaveh), Thiên Chúa (God) hay Allah, được sùng bái là đấng Sáng thế, một hữu thể độc lập và ngoại tại đối với sự sáng tạo của chính Ngài.  Thần học Do thái-Kitô giáo cho rằng chính Thiên Chúa là sức mạnh chủ yếu, con người chỉ là phụ thuộc. Khi người tín hữu hoàn toàn qui thuận Thiên Chúa, sống theo “thánh ý quan phòng”, khi ấy, tín hữu  được hội nhập vào sức mạnh vô song của Thiên Chúa. 

[6] nguyên tác Hi lạp ngữ xuất bản năm 1927, Kimon Friar dịch sang Anh ngữ, đặt tựa là ‘The Saviours of God: Spiritual Exercises, phát hành năm 1960. “Ασκητική”  âm dịch Ascesis, do từ Askesis, huấn luyện (training), hay Askein, tập luyện (exercises), có nghĩa là phương pháp đào luyện (practices) tự chế nghiêm túc với mục đích tinh thần thuộc tôn giáo; do đó mà tác phẩm này được dịch đúng cách là “Thao tác tâm linh”. Cám ơn hai đạo hữu Luba và Vanya đã cung ứng thông tin chính xác này.

[7] Cũng cần ghi nhận thêm rằng, tôn giáo Tây phương tôn thờ "God the Saviour" (Chúa, vị Cứu thế [hay Cứu tinh của nhân loại]), chớ có bao giờ Chúa cần "the Saviours of God" (những vị  Cứu tinh của Chúa) đâu.

[8] Những dòng chữ Nikos Kazantzakis tự mô tả mình, vào năm 1950, trích dẫn từ tiểu sử của ông.

[9] trích dẫn Freedom and Death, một tác phẩm nổi tiếng khác của Nikos Kazantzakis.

[10] Cù Đàm (Gautama) là họ, Sĩ Đạt Ta (Siddharta) là tên, Thích Ca (Sakkya) là dòng tộc, của Đức Phật (Buddha), cho nên trước khi đạt Đại Giác Ngộ, trong thời gian 6 năm tu khổ hạnh, chúng tôi gọi Ngài là Ẩn sĩ Cù Đàm.

[11] tâm viên ý mã 心猿意馬.

[12] Có một vị tăng, có thể là Thiền sư Tiếu Ẩn Đại Hân, sau khi hỏi  Mã Tổ về chân lý Thiền, bị đạp cho một cái, đã vui mừng phấn khích kêu lên: “Lạ thay, tất cả chân lý trong kinh đều hiện ra trên đầu một sợi lông!” (Thiền tông Trung hoa).

[13] Vô Môn Tuệ Khai (無門慧開, 1183-1260), phái Dương Kì tông Lâm Tế, Trung hoa. Sơ lược tiểu sử các nhân vật Thiền gia nêu đây được ghi nơi phần Phụ lục.

[14] Lama Tsong Khapa (1357–1419, Lama Tông Khách Ba, Sơ Tổ phái Gelug, Tây Tạng). Lamrim  (Thubten Jinpa dịch Anh ngữ: Song of Experience or Lines of Experience, Chứng Đạo Ca).

[15] John R. Mabry. Kazantzakis: Những vị Cứu tinh của Chúa, quyển Kinh Thánh của Văn học Hậu Hiện đại. 1994. Xem bản dịch ở chương sau. Tuy nhiên, John Mabry trích dẫn hơi quá nhiều và quá dài, mà không dám phân tách. Hay đúng hơn, Mabry chỉ đứng về phía Giáo Hội La mã (Roman Church), đại diện Gia-tô giáo, nhẹ nhàng điểm qua một vài đoạn mà ông đắc ý. Trong khi đó, Dombrowski, được xem như là chuyên gia về Kazantzakis, lại cứ loanh quanh lẩn quẩn về ý nghĩa “Chúa”, theo truyền thống Hi-La, cho nên tuy ông viết rất nhiều về Kazantzakis, vẫn chưa ‘thấy’ được Nikos ở đâu.

[16] Phật: ngã

[17] Phật: pháp

[18] Kinh Pháp Cú, phẩm Địa ngục, kệ 10//315

[19] nhà Phật có từ ‘chúng sanh’ (living beings) để chỉ tất cả mọi sanh thể, hữu hình (form) hay vô hình (non-form), hữu tình (sentient beings) hay vô tình (non-sentient beings), của ba cõi; ‘chúng’ luôn theo nghĩa số nhiều, nên dùng ‘một chúng sanh’ là trái nghĩa. Ở đây, ‘a/one being’ được tạm dịch là ‘một sanh thể’, ‘một hữu thể’, ‘một con người’, ‘một sanh vật’, v.v.

[20] Judgement Day, ngày đấng Ki-tô sống dậy để phán xét, cho con người lên thiên đường hay đày xuống địa ngục.

[21] God of Israel

[22]  King James Bible.  Matthew 22:32. I am the God of Abraham, the God of Isaac, and the God of Jacob. 

[23] Exodus 32:4. Khi Moses đi lên Mount Sinai, dân Do thái bèn thờ bái Con Bò Vàng (golden calf,עֵגֶּל הַזָהָב ‘ēggel hazāhāv), cho nên về sau một số người tin rằng Chúa của Israel (God of Israel) có liên hệ đến, hoặc được vẽ hình tượng như là Ngưu Thần.

[24] Sun God, như Thái Dương thần nữ trong huyền thoại Nhật bổn.

[25] God of War. Huyền thoại Trung hoa sùng bái Quan Thánh Đế Quân là vị thần Chủ tể của Chiến tranh.

[26] God of the Bible.

[27] Armstrong, Karen. A History of God, the 4000-year Quest of Judaism, Christianity and Islam. New York, Knoff, 1994. tr. 18-23;

[28] như trên. tr. 68-69

[29] Danh từ nhà Phật: thọ ký

[30] Jacobson, Nolan Pliny. Buddhism, the Religion of Analysis. Carbondale, IL: Southern Illinois University Press, 1974.

[31] Nhật Chiêu dịch, bài  Nằm Trong Hạt Cải, trong Văn Hóa Phật Giáo, số Tháng Một, 2008

[32] Vĩnh Gia Chứng Đạo Ca (永嘉證道歌, Đại Tạng tập 48, mục số 2014

[33] Tiếu Ẩn Đại Hân Thiền Sư Ngữ Lục (笑隱大訢禪師語錄, 卍Tục Tạng tập 69, mục số 1367) quyển 2. Trích: Tự Điển Phật Học, của Thích Nguyên Tâm.

[34] Nhật nguyệt ẩn tàng trong ống tay áo này, Càn khôn nắm trong lòng bàn tay đây.

[35] Trích Nhật Chiêu, bđd.

[36] Sirens: còi báo động như của xe cứu thương, xe chửa lửa; còn có nghĩa là Mỹ nhân ngư, nữ thần mình người đuôi cá trong thần thoại Hi lạp

[37] Index of Forbidden Books.

[38] Thiền: ngôn ngữ đạo đoạn, vắng bặt nói năng.

[39] tượng hình: hieroglyphics, những biểu tượng gợi ý nào đó, không phải là sự thật tự nó.

[40] Tuệ Sỹ dịch

[41] đối thoại lừng danh giữa tổ Bồ-đề Đạt-ma và tổ Tuệ Khả

[42] Nikos Kazantzakis còn phân biệt giữa bộ óc (brain), con tim (heart) thuộc chất thể và tâm (mind), trong khi triết đạo Đông phương chỉ bàn đến cái tâm thuộc tinh thần.

[43] Ex-communicatio, tuyệt thông, bị đuổi ra khỏi Giáo Hội, bị loại khỏi cộng đoàn, một hình phạt tâm linh nặng nề nhất đối với Ki-tô hữu.

[44] xem Phụ lục về Nietzche.

[45] Dombrowski, Daniel A. Kazantzakis and God. Albany: State University of New York Press, 1997. Dombrowski, được xem như là chuyên gia về Kazantzakis, lại cứ loanh quanh lẩn quẩn về ý nghĩa “Chúa”, theo truyền thống Hi-La, cho nên tuy ông viết rất nhiều về Kazantzakis, vẫn chưa ‘thấy’ được Nikos ở đâu.

[46] ‘mortal, tắc tử’: rồi cũng phải chết, đối tác với ‘immortal’: bất tử.

[47] Đại đế Constantine (Constantine the Great, tại vị 306–337 sau tl), là người đầu tiên đưa Ki-tô giáo (Christianity) từ là một phong trào tín ngưỡng địa phương nhỏ bé lên thành quốc giáo của toàn đế quốc La mã (Roman empire), từ đó tín ngưỡng này phát triễn thành tôn giáo lớn nhất toàn cầu.  

[48]Lấy Giới luật làm Thầy” (Vinayo Sasanassa Ayu – The Rule is the Life of the Teaching).

[49] Ki-tô giáo: Christianity, gồm: i. Gia-tô giáo (Catholicism), còn gọi là Giáo Hội La mã (Roman Catholic Church); ii. Giáo Hội Chính Thống (Orthodox Church); và iii. Giáo Hội Tin Lành (Protestant Church).

[50]Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị; dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị” (欲知前世因、今生受者是、欲知來世果、今生作者是, muốn biết gieo nhân đời trước ra sao, thì rõ đời nay thọ nhận gì; muốn biết đời sau kết quả thế nào, hãy nhìn đời nay tạo tác gì), trong Tịnh Độ Chỉ Quy Tập (淨土指歸集, 卍 Tục Tạng Kinh q. 61, mục số 1154) quyển Hạ, chương Chánh Tín Nhân Quả (正信因果).

[51] Chủ trương này, mãi cho đến giữa thế kỷ 20 vẫn có hơn 90% dân Mỹ tin theo; cho đến khi nền triết học Phật giáo được nghiên cứutu tập nghiêm chỉnh 3-4 thập niên qua, bây giờ đã có gần 80% người không-Phật tử nhìn nhận là có sanh tử luân hồi. (theo Thống kê của Liên Hiệp Quốc, thập niên 1980')

[52] nghiệp dĩ tiền khiên.

[53] Odysseus to Kentaur, Book VIII, line 829: "God is clay in my ten fingers, and I mould him!"

[54] Ta cười giữa lằn ranh Hắc Bạch, giữa đôi bờ Trong Sạch-Đục Nhơ, Chánh Tà đều hóa thành thơ  (hạ tải từ mạng, không rõ tác giả, xin lỗi)

[55] Phật tử, đặc ngữ Phật giáo lần đầu tiên được nhắc đến, trong kinh Pháp Hoa, gồm cả 4 chúng đệ tử xuất giatại gia.

[56] Khổ đế; đế lý căn bản thứ nhất của Tứ Diệu Đê`

[57] Tập đế: nguyên nhân của Khổ, đế thứ hai trong Tứ Diệu Đế.

[58] Kinh Hoa Nghiêm – Thích Duy Lực dịch, tr. 13: Tia lửa ánh chớp không kịp nháy mắt.

[59] Diệt đế : đế lý thứ ba

[60] Phật: vô thường

[61] Liệt Tổ Đề Cương Lục列祖提綱錄, 卍Tục Tạng Kinh q. 64, mục số 1260, quyển 11.

[62] Trích: Tự điển Phật học của Thích Nguyên Tâm.

[63] Trích: Hoàng Bá Truyền Tâm Pháp Yếu của Hoàng Bá Hi Vận (? -850).  Xem thêm Phụ lục.

[64] Phật: sanh tử sự đại.

[65] Pandelis PrevelakisNikos Kazantzakis and His Odyssey: a Study of the Poet and the Poem; translated from the Greek by Philip Sherrard. New York, Simon & Schuster, 1961.

[66] Fitting, John Jeffrey. The Taoist Individuation of Nikos Kazantzakis. (Ph.D. dissertation, CIIS, 1976).





 





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/01/2019(Xem: 9745)
04/12/2020(Xem: 6000)
11/01/2013(Xem: 20245)
Ăn thịt chó lâu lâu lại nổi lên như một vấn đề trọng đại của đất nước, kéo theo những cuộc biểu tình, phản đối làm đau đầu chính phủ. Và người ta đã xót xa, lên án những người hành hạ chó hay ăn thịt chó. Đặc biệt trong thế giới Tây Phương và Hoa Kỳ. Mới đây trong cuộc tranh luận với Bà Harris trên đài truyền hình ABC, Ô. Trump nói rằng di dân Haiti ở Tiểu Bang Ohio đã ăn thịt thú cưng (chó mèo) khiến gây phản ứng phẫn nộ, thậm chí dọa giết khiến cộng đồng ở đây vô cùng lo sợ. Thế nhưng theo sở cảnh sát Springfield, nguồn tin trên không có gì đáng tin cậy và không có chuyện thú cưng bị hại hay làm bị thương hay hành hạ bới người dân ở đây. Đấy người ta yêu thú vật như thế đó và sẵn sàng giết người, bạo động để bảo vệ thú vật.
Mới đây, 250 nhà hàng và quán ăn ở phố cổ Hà Nội đã ủng hộ việc không tiêu thụ thịt chó, mèo bằng cách dán các poster tại nhà hàng với thông điệp “Chó mèo là bạn, không phải là thức ăn. Chúng tôi không phục vụ thịt chó mèo tại đây”.
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.