VIÊN GIÁC SỐ 258 THÁNG 12 NĂM 2023
TẠP CHÍ CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ PHẬT TỬ VIỆT NAM
TẠI CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC
Zeitschrift der Vietnamesen und buddhistischen Vietnamesen
in der Bundesrepublik Deutschland
CHỦ TRƯƠNG (HERAUSGEBER):
Congr. d. Verein Vietn. Buddh. Kirche e. V.
Karlsruher Str.6 - 30519 Hannover - Deutschland
CHỦ NHIỆM SÁNG LẬP: Hòa Thượng Thích Như Điển
CHỦ BÚT: Nguyên Đạo Văn Công Tuấn
QUẢN LÝ TÒA SOẠN Thị Tâm Ngô Văn Phát
Viên Giác Số 258 Tháng 12 Năm 2023
THƯ TÒA SOẠN
Kinh Anapanasatti Sutta (An Ban Thủ Ý Kinh) được nói ra từ chính kim khẩu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy về hơi thở Chánh Niệm (Majjihima Nikaya 118) là Kinh căn bản trình bày chi tiết về Thiền Chánh Niệm, đếm hơi thở vào ra của hành giả khi thực tập Thiền Định. Kinh nầy có số hiệu 602 thuộc Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, quyển thứ 15 thuộc Kinh Tập Bộ nhị, từ trang 163 đến trang 172. Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh dịch ra tiếng Việt ở tập thứ 58 thuộc Bộ Kinh Tập V, trang 813 đến trang 856. Đời Hậu Hán, Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, người nước An Tức dịch từ tiếng Phạn sang Hán Văn. Kinh nầy có lời tựa do Ngài Khương Tăng Hội (?-280) viết. Thân phụ của Ngài là người nước Khương Cư (Sogdiana), mẹ là người Giao Chỉ. Ngài được sinh ra tại đây và theo Thiền Sư Thích Nhất Hạnh trong quyển Việt Nam Phật Giáo Sử luận cho rằng Ngài là sơ Tổ của Phật Giáo Việt Nam.
Theo Thanh Văn Tạng do Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ làm Chủ Tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng đã xuất bản 24 tập và 5 quyển Tổng Lục thì Kinh nầy thuộc về Trung A Hàm Tổng Lục trang 140, phần thứ 8. Anapanasasstisuttam (M.118. Nhập Xuất Tức Niệm Kinh). Đại Chánh Tạng, Tập I; TN.96: Trị Ý Kinh. Kinh nầy thuộc A Hàm bộ thượng (chữ Hán) từ trang 919 đến trang 921(thất dịch). [Tham chiếu thêm: Trường A Hàm - Tổng Lục trang 110: Anapana, xuất nhập tức (thở ra vào)].
Kinh An Ban Thủ Ý, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã dịch ra tiếng Việt và dạy cho các Tăng Ni sinh Làng Mai cũng như người ngoại quốc rất thành công. Thầy gọi là Thiền Chánh Niệm. Cũng còn dịch là “quán niệm hơi thở Chánh Niệm” qua các giai đoạn của sổ tức, tương tùy, chỉ, quán, hoàn và tịnh; nhưng có lẽ dịch như vậy thì người thực tập dễ nắm bắt hơn.
Người xuất gia cũng như người tại gia dẫu cho tu pháp môn nào đi chăng nữa như: Thiền, Mật, Tịnh thì 37 phẩm trợ đạo gồm: Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần và Bát Thánh Đạo Phần vẫn là những phần giáo lý căn bản của Nam Truyền lẫn Bắc truyền và kể cả Kim Cang Thừa và Thiền quán niệm về hơi thở rất quan trọng để chúng ta đạt đến cảnh giới không sanh, không diệt.
Kinh số 593 trong Đại Chánh Tạng là Kinh nói về: Phật vì Thiên Tử Thắng Quang nói về cách trị dân trị nước. Ngài Nghĩa Tịnh đời Đường đã dịch Kinh nầy từ chữ Phạn sang Hán Văn. Kinh chép rằng: ”Thiên Tử Thắng Quang là Quốc Vương của nước Kiều Tát La cùng với đoàn tùy tùng rời khỏi thành La Phiệt hướng đến rừng Thệ Đa nhằm ra mắt cung kính cúng dường Đức Phật và nhân đây vua bạch Phật rằng: ‘Nguyện xin Đại Sư khai ngộ cho con, khéo chỉ dạy về pháp của bậc quốc vương, khiến cho đời hiện tại được an lạc, sau khi mạng chung được sinh lên cõi trời, cho đến tâm Bồ Đề luôn được nối tiếp’“.
Đức Phật bảo rằng: ”Này Đại Vương! Lành thay, lành thay! Đại Vương nên nhất tâm lắng nghe, đây là việc rất hiếm có ai có thể thưa hỏi để cầu đạt những hành trang thù thắng thì nên thuận theo pháp mà hành hóa, diệt trừ việc ác. Vì sao? Này Đại Vương! Nếu vua và Đại Thần bỏ pháp lành, thực hành theo pháp ác thì ở đời hiện tại người khinh chê, không dám gần gũi, đều sinh tâm nghi hoặc, thường thấy ác mộng, có nhiều kẻ oán thù, lại sinh hối hận, sau khi chết đi bị đọa vào địa ngục... Nầy Đại Vương! Làm Thiên Tử cũng như vậy. Đối với quần thần cho đến người hầu, muôn dân trong nước đều dùng bốn nhiếp pháp mà giáo hóa họ. Đó là: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự. Lúc đó vị vua ấy ở trong cõi nước có thể tạo được nhiều lợi ích lớn như vậy, thì thành tựu những việc như: Cha Mẹ thương con không khác; được muôn dân trong nước tự xem mình là con vua, hết lòng trung hiếu”... (Trích LSPBĐTK tập 58 trang 633-635).
Đức Phật tự ngàn xưa đã giáo hóa cho vua chúa Đại Thần nước Ấn Độ như vậy; còn ngày nay chúng ta đang chứng kiến chiến tranh, giặc giã nổi lên khắp nơi trên thế giới. Kẻ mạnh đánh kẻ yếu, dựa vào quyền lực sẵn có để đi xâm chiếm khắp nơi, nhằm tạo uy thế cho nước mình. Chung cuộc cũng chỉ vì lợi dưỡng và tiếng tăm, địa vị; không màn đền nỗi khổ của người dân ở trong cũng như ngoài nước, khiến họ phải bị chết oan nghiệt dưới lằn tên mũi đạn như ở Ukraine, Nga Sô, Trung Đông v.v... Ai đúng, ai sai - lịch sử đã và sẽ chứng minh điều đó; nhưng vấn đề căn bản là những người lãnh đạo quốc gia thiếu tư duy, chánh niệm cũng như không áp dụng Tứ Nhiếp Pháp vào việc chăn dân trị nước nên thế giới ngày nay mới phát sinh những chướng nạn như vậy.
Báo Viên Giác bắt đầu từ số 258 nầy, theo đề nghị của tân Chủ Bút, Ban Biên Tập quyết định có một số thay đổi về hình thức cũng như nội dung để bước vào năm thứ 45 phát hành Báo. Ví dụ như đã thiết lập mẫu bìa ngoài mà quý vị đang thấy, cũng như bên trong cách trình bày layout cũng có một số thay đổi cho phù hợp với kỹ thuật điện toán mới; đồng thời về nội dung cũng có vài cải tiến, như tăng cường thêm một vài trang ngoại ngữ, hay các mục thường xuyên như Y học và Đời sống, Phật giáo và Tuổi trẻ, Truyện cổ Phật giáo v.v... để cố gắng đáp ứng phần nào các nhu cầu mới cho nhiều giới độc giả - đặc biệt là giới trẻ ở các thế hệ tiếp theo sinh ra và lớn lên ở hải ngoại – cốt sao để mọi người có thể dễ dàng đón nhận tờ báo trong thời đại báo điện tử đang phát triển quá nhanh.
Tuy vật giá leo thang, lạm phát khắp nơi trên thế giới, giá in ấn và bưu điện đã tăng liên tục; nhưng để duy trì nền Văn Hóa của Phật Giáo và của Dân tộc Việt Nam, chúng tôi vẫn mong quý độc giả đóng góp cho các chi phí báo như giá biểu cũ, nghĩa là trong nước Đức mỗi năm chỉ xin đóng góp 20 Euro và ở ngoài nước Đức xin ủng hộ 30 Euro là đủ để chúng ta có thể tồn tại nhiều năm tháng nữa. Đây chỉ là chi phí tượng trưng vì lẽ cũng có nhiều độc giả không những chỉ đóng góp số căn bản ấy mà còn ủng hộ gấp nhiều lần hơn như thế nữa. Nhờ vậy mà tờ báo Viên Giác mới còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Xin niệm ân tất cả chư tôn đức Tăng Ni và Quý vị Văn, Thi hữu khắp nơi trên thế giới lâu nay đã đóng góp bài vở cho Viên Giác mà không có một điều kiện nào đi kèm, cũng như Quý độc giả không vì lý do báo giấy không còn ưa chuộng nhiều nữa mà quên đi tờ báo vốn có duyên với Quý vị độc giả đã gần 45 năm mà vẫn còn tồn tại trên thế giới với chúng ta cho đến ngày hôm nay.
Kính chúc chư Tôn Đức Tăng Ni và Quý Vị luôn được vô lượng an lạc, vô lượng cát tường trong năm mới 2024.
Ban Biên Tập Báo Viên Giác
Xem các năm trước:
Tạp Chí Viên Giác Số 247 Tân Niên Nhâm Dần 2022
Tạp Chí Viên Giác Số 248 Tháng 4 Năm 2022
Tạp Chí Viên Giác Số 249 Tháng 6 Năm 2022
Viên Giác Số 250 Tháng 8 Năm 2022
Viên Giác Số 251 Tháng 10 Năm 2022
Viên Giác Số 252 Tháng 12 Năm 2022 Xuân Quý Mão 2023
Viên Giác Số 253 Tháng 1 Năm 2023
Viên Giác Số 254 Tháng 4 Năm 2023
Viên Giác Số 255 Tháng 6 Năm 2023
Viên Giác Số 256 Tháng 8 Năm 2023
Viên Giác Số 257 Tháng 10 Năm 2023
Viên Giác Số 258 Tháng 12 Năm 2023
- Từ khóa :
- Viên Giác Số 258
- ,
- Tháng 12 Năm 2023