PHÒNG NGỪA BỆNH UNG THƯ
BẰNG THỰC PHẨM RAU ĐẬU CỦ QUẢ (Tâm Diệu biên soạn) Các nhà khoa học cho rằng ăn uống thiếu hợp lý là con đường
nhanh nhất dẫn con người đến bệnh ung thư vì nó chiếm tới
khoảng 40% - 60% nguyên nhân mắc bệnh. Ăn uống như thế nào là hợp lý? Đó là ăn nhiều
thực phẩm rau đậu củ quả, cân bằng chế độ dinh dưỡng, hạn chế chất béo, chất
thịt và thực phẩm ít chất xơ. GIỚI THIỆU Năm 1954, bác sĩ Denham Harman thuộc Viện Đại Học California, Berkeley, là khoa học gia đầu tiên khám phá ra sự có mặt của free radical (gốc tự do) trong cơ thể con người với nguy cơ gây ra những tổn thương cho tế bào. Trước đó, người ta cho là gốc này chỉ có ở môi trường ngoài cơ thể. FREE RADICALS LÀ GÌ Free Radicals là những độc tố (toxic oxygen molecules) có cấu trúc hóa học không ổn định và rất dễ gây phản ứng, vì ở lớp ngoài của nó có một điện tử đơn độc, luôn luôn đi tấn công các phân tử kế cận để cặp đôi với một điện tử khác, do đó phát sinh ra phản ứng hóa học "ốc xy hóa", và các phân tử bị tấn công lại biến thành gốc tự do khác, sinh ra phản ứng dây chuyền. Thêm vào đó, free radicals còn tấn công các enzyme và các protein của tế bào, gây tổn thương DNA. Các họat động rối loạn này của gốc tự do làm cho các tế bào suy yếu, do đó khả năng chuyển hóa năng lượng suy giảm và cuối cùng sinh ra bệnh. Tính phá hoại của gốc tự do đối với toàn bộ các thành tố tế bào, đóng vai trò chủ yếu trong quá trình suy yếu, sinh bệnh và lão hóa con người. FREE RADICALS TỪ ĐÂU PHÁT SANH Free Radicals được tạo ra bằng nhiều cách, từ trong cơ thể và từ môi trường bên ngoài. Nó có thể là sản phẩm của khói thuốc lá, khói xe, không khí ô nhiễm, tia nắng mặt trời, tia quang tuyến x-rays, sự căng thẳng tâm thần (stress), mệt mỏi, thực phẩm có chất mầu tổng hợp, thịt cá nướng cháy, dầu mỡ chiên rán nhiều lần, nước có nhiều chlorine và phó sản của tiến trình chuyển hóa năng lượng (by-product of our metabolism) trong cơ thể chúng ta. PHYTOCHEMICALS May mắn thay, thiên nhiên đã cho chúng ta một nhóm hóa chất có chứa trong rau, trái cây, củ và đậu hạt, có khả năng phòng vệ cho cơ thể chúng ta tránh được nhiều thứ bệnh trong đó có bệnh ung thư và tim mạch và làm chậm tiến trình lão hóa. Đó là chất phytochemicals có khả năng chống oxy hóa (beta-caroten, lycopen, lutein, vitamin C, vitamin E). Phytochemical (còn gọi là phytonutrient) là những chất hóa học tự nhiên có sẵn trong các loại thực vật, nhằm giúp cho chúng có mầu sắc, mùi vị, và bảo vệ cho chính chúng tránh khỏi sự ác nghiệt của thời tiết và các chứng bệnh. Đối với con người, phần lớn phytochemicals hoạt động chống lại sự ốc xy hóa (antioxidants), bảo vệ các mô tế bào và các bộ phận cơ thể chúng ta tránh bị tàn phá bởi gốc tự do. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Các nghiên cứu khoa học cho biết, phytochemicals hiện diện trong mọi giai đoạn của tiến trình phát triển ung thư. Một số hoạt động ngay ở giai đoạn đầu tiên bằng cách ngăn không cho enzyme kích thích các genes ung thư hoặc phòng vệ không cho một số chất thành lập các mầm gây ung thư. Một số khác ngăn cản không cho các mầm ung thư đã phát sinh phá hoại các mô tế bào, các bô phận cơ thể, hay giúp cơ thể sản xuất các enzymes cần thiết để phá hủy các mầm ung thư. Phytochemicals cũng giúp cơ thể chống lại các bệnh liên hệ đến tim mạch. Một vài loại phytochemicals có khả năng làm giảm áp huyết máu và lượng cholesterol trong máu, cũng như ngăn không cho ốc xy hóa chất cholesterol xấu LDL, ngăn ngừa sự hư hại hay tắc nghẽn động mạch. Trong thập niên 1970s, Lee Wattenberg, PhD, của trường đại học University of Minnesota, đã khám phá những con chuột bạch được nuôi sống bằng broccoli, Brussels sprouts, và các loại rau thuộc họ bắp cải (cabbage family) đã có tỷ lệ mắc bệnh ung thư thấp hơn nhóm những con chuột bạch khác. Cũng tương tự, các nhà khoa học tại John Hopkins University đã tìm thấy những con vật ăn rau giảm 90 phần trăm bệnh ung thư sau khi chúng được cho nhiễm ung thư. Cũng vậy, trong những năm 1970s, các khoa học gia người Đức đã khám phá ra rằng những người Nhật tiêu thụ đậu hũ và các sản phẩm biến chế từ đậu nành, mà trong đó có chất genistein, đã có tỷ lệ thấp bị bệnh ung thư so với chế độ ăn uống không có đậu hũ của người Tây phương. Các chất phytochemicals tìm thấy đã được các nhà khoa học đặt tên và phân thành bốn nhóm: (1) Nhóm thanh lọc độc tố: Giúp tế bào nhận diện, phá hủy và thải hồi các chất độc trong cơ thể. Các độc tố này do nguồn thức ăn (các thứ phân bón, thuốc trừ sâu, chất thải thẩm thấu...), do nước uống, do khói thuốc, và do không khí ô nhiễm. Nhóm này bao gồm limonenes trong cam, chanh, bưởi, isothiocynates trong họ rau cải, ally sulfides trong tỏi, hành, hẹ. (2) Nhóm chống ốc xy hóa: là những đội quân tác chiến chống lại sự gây rối loạn của các gốc tự do, không cho chúng có cơ hội kích thích, tác động các mầm ung thư nảy sinh. Nhóm này bao gồm carotenoids trong cà rốt, cà chua, bí ngô, khoai lang, lutein trong các lá rau có mầu xanh đậm, lycopen trong cà chua. (3) Nhóm điều hòa tế bào: kiểm soát sự phát triển các tế bào nảy u (tumor), ngăn cản không cho chúng tăng trưởng. Thí dụ như genistein trong đậu nành. (4) Nhóm điều hòa kích thích tố: giúp điều hòa hệ sản xuất kích thích tố, ngăn cản không cho sản xuất khi lượng lên cao hơn bình thường và tăng sản xuất khi lượng xuống thấp. Thí dụ như isoflavones trong đậu nành và indoles trong nhóm rau cải cruciferous vegetables (các rau thuộc họ hoa thập tự như cải bắp, súp lơ, cải xoong, cải bruxen, cải xoắn). Dưới đây là một số phytochemicals chính: Allium compounds (trong hành và tỏi): Một nghiên cứu rộng lớn với 41,000 phụ nữ, được biết đến với tên là Iowa Women's Health Study đã tìm thấy một chế độ ăn uống bao gồm rau, trái cây và tỏi đã giảm mức lâm bệnh ung thư kết tràng (colon cancer) đến 35 phần trăm. Một nghiên cứu khác ở thành phố Quảng Đông, Trung Hoa cho biết những người ăn hành và tỏi thường xuyên giảm mức lâm bệnh ung thư dạ dầy đến 40 phần trăm. Lycopenes (trong cà chua và những rau quả có mầu đỏ và mầu da cam): Một nghiên cứu của viện y tế Ý Đại Lợi với 5.500 người, đã tìm thấy ăn cà chua là phương pháp hữu hiệu nhất phòng ngừa các bệnh ung thư, nhất là ung thư nhiếp hộ tuyến. Những người ăn cà chua ít nhất 7 lần trong một tuần đã giảm 50 phần trăm mức nguy hiểm lâm bệnh ung thư so với những người chỉ ăn có một lần trong một tuần. Những nghiên cứu khác cũng cho những kết quả tương tự. Một nghiên cứu kéo dài sáu năm tại viện đại học Harvard Medical School, với 48.000 đàn ông, tuổi từ 40 đến 75, đã cho biết những người ăn cà chua từ bốn đến bẩy lần trong một tuần đã giảm thiểu mức độ lâm bệnh ung thư nhiếp hộ tuyến đến 22 phần trăm và những người ăn nhiều hơn mười lần một tuần giảm đến 35 phần trăm. Beta carotene (trong các trái cây mầu đỏ, mầu da cam và rau mầu xanh đậm): Nhiều nghiên cứu khoa học cho biết tiêu thụ nhiều loại rau có chứa chất beta carotene này, đã giảm thiểu mức độ lâm bệnh tim mạch đến 33 phần trăm. Lutein and zeaxanthin (chất carotenes trong rau mầu xanh đậm): Một nghiên cứu gần đây đã thấy những người ăn các loại rau xanh, như spinach và collards, ít nhất năm lần trong một tuần đã giảm mức độ nguy hiểm của chứng bệnh mờ võng mạc của mắt đến 50 phần trăm, so sánh với những người ăn ít hay không ăn. Hai chất carotenoids, lutein and zeaxanthin, có tác dụng bảo vệ võng mạc mắt. The National Health and Nutrition Examination Survey tìm thấy ở những người ăn nhiều rau và trái cây cũng có kết quả tương tự. Indole tìm thấy trong bắp cải, có tác dụng giảm nguy cơ ung thư vú. Hợp chất saponin trong các loại hạt ảnh hưởng đến quá trình tái tạo DNA, do đó ngăn cản sự tăng sinh của các tế bào ung thư. Capsaicin có trong ớt bảo vệ được DNA từ sự tấn công của các tác nhân gây ung thư. Genistein (trong đậu nành, đậu xanh và giá alfalfa sprouts): Nhiều nghiên cứu cho thấy đậu nành có chứa nhiều chất có khả năng chống ung thư rất cao, bao gồm các hóa chất phytates, protease inhibitors, phytosterols, saponins and isoflavonoids. Các nghiên cứu khoa học cho biết tiêu thụ nhiều thực phẩm đậu nành đã có tác dụng giảm bệnh ung thư vú và ung thư nhiếp hộ tuyến ở Nhật Bản. Ở Trung Hoa vùng dân số tiêu thụ nhiều thực phẩm đậu nành có tỷ lệ bị bệnh ung thư vú, bao tử, kết tràng, và phổi ít hơn 50 phần trăm vùng dân số ăn ít hay không ăn. Theo nghiên cứu của Viện Ung thư Thượng Hải, Trung Quốc: Trong 1.700 phụ nữ ở độ tuổi 30 – 69 được nghiên cứu, một nửa được chẩn đoán là bị ung thư tử cung, số còn lại hoàn toàn khỏe mạnh. Sau 5 năm nghiên cứu, về mức ăn thực phẩm có nguồn gốc từ đậu nành của số người này, các chuyên gia nhận thấy, nhóm bị bệnh ăn ít đậu nành hơn nhóm còn lại. Một công trình nghiên cứu kéo dài 10 năm của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Ung thư Tokyo,Japan, với 25.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 40 – 69 trên toàn nước Nhật. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm phụ nữ có lượng genistein cao thường ít bị ung thư vú hơn (tỷ lệ mắc ung thư vú thấp hơn 3 lần) so với nhóm phụ nữ có lượng genistein thấp. Sữa đậu nành đã được chứng minh là có tác dụng tích cực đối với hầu hết các căn bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ như ung thư vú, ung thư màng tử cung, ung thư buồng trứng hay ung thư dạ dày. Chuyên gia dinh dưỡng Justine Gayer (Hoa Kỳ) cho biết, sữa đậu nành không chỉ có tác dụng tốt với các chị em phụ nữ mà còn tốt đối với cả nam giới trong việc phòng ngừa bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Được biết thực phẩm có nguồn gốc từ đậu nành như đậu hũ và sữa đậu nành rất giầu chất isoflavones, genistein và diadzein. Những chất isoflavonoids này ngăn cản sự phát triển các mầm mống ung thư. KẾT LUẬN Tóm lại, các nhà nghiên cứu khoa học ngày nay đã xác nhận vai trò của phytochemicals trong việc gìn giữ sức khỏe. Vậy chúng ta ăn uống thế nào để có đủ các chất “phytochemicals”? Các thực phẩm chứa “phytochemicals” mà chúng tôi liệt kê trên, thường nên là một phần của bữa ăn hàng ngày. Có thể nói hầu hết thực phẩm gốc thực vật đều có chứa “phytochemicals”. Cách dễ nhất để có thể cung cấp nhiều chất “phytochemicals” là ăn nhiều quả (cam, chanh, bưởi, dâu tây, nho) và các loại rau (bông cải, bắp cải, cà rốt, bông cải xanh broccoli, cải xoắn, spinach...) mỗi ngày. Rau quả cũng chứa nhiều vitamin, chất khoáng, chất xơ và rất ít chất béo bão hòa (là chất béo loại không tốt đối với sức khoẻ). Riêng đối với phụ nữ nên ăn thường xuyên 7 loại thực phẩm sau để ngăn ngừa ung thư vú và ung thư cổ tử cung: (1) Rong biển là thực phẩm hàng đầu phòng chống ung thư vú. Rong biển không chỉ giàu vitamin E và chất xơ, mà còn phong phú về hàm lượng iodine. Các nhà khoa học tin rằng thiếu hụt iodine là một trong những yếu tố nguy cơ của ung thư vú, do đó, ăn rong biển có thể giúp ngăn ngừa ung thư vú. (2) Đậu hũ (đậu phụ) và sữa đậu nành (đậu tương), có chứa genistein, isoflavone và lignans có khả năng ngăn chặn sự phát triển khối u, ức chế sự phát triển của ung thư cổ tử cung, ngăn chặn di căn và chặn lưu lượng máu đến các khối u không cho nó phát triển thêm. (3) Hạt Lanh (Flaxeed) và hạt Chia, các nhà khoa học gọi thứ này là “nhà máy siêu thực phẩm mạnh mẽ nhất” của cơ thể trong công cuộc chống lại ung thư vú. Nghiên cứu tại trường đại học University of Toronto, Canada, cho biết các khối u đã bị thu hẹp sau khi cho thử nghiệm với lignans của Flaxeed. (4) Củ nghệ là thực phẩm phổ biến trong ẩm thực Ấn Độ, nghệ là một chất chống viêm mạnh hơn gấp 300 lần với thành phần chủ yếu là vitamin E và C. Ngoài ra nghệ còn có tác dụng cắt giảm một nửa nguy cơ ung thư vú nếu như được sử dụng đều đặn hàng ngày trong nhiều năm. Nó cũng kích thích men gan, giúp cho cơ thể loại bỏ các độc tố estrogen xấu. (5) Bông cải xanh, súp lơ, cải bắp, rau cải, cải xoăn, cải Brussels giúp làm chậm sự phát triển của các estrogen xấu - nguyên nhân trực tiếp gây sự phát triển các khối u trong tế bào. (6) Cà chua cũng là thực phẩm phòng ngừa ung thư cổ tử cung tốt. (7) Dầu ôliu rất tốt cho sức khỏe, trong đó đáng kể đến việc ngăn chặn một gene trong DNA tham gia vào sự phát triển khối u của cơ thể. Tâm Diệu biên soạn (10-2012)
Phụ Đính: Bảng kê khai chi tiết những nhóm thực phẩm
có chứa nhiều chất phytochemicals nhất:
Source: (1) UC Berkeley Wellness Letter, April 1999: Beyond Vitamins: The New Nutrition Revolution (2) The Wellness Encyclopedia of Foods and Nutrition, University of California at Berkeley, 1992 SOURCES: |