NHÀ SƯ NHẬP THẾ VÀ TRIẾT LÝ BỔN PHẬN
Ai từng có cơ duyên gặp gỡ Thượng tọa Thích Thiện Chiếu, khi hình dung về ông có lẽ sẽ ấn tượng sâu sắc về tính… hồn nhiên. Không trang nghiêm, không đạo mạo, không xa cách cao vời. Vị sư sống, tu tập theo triết lý của riêng ông, hòa mình vào niềm vui con trẻ, vào cây cỏ thiên nhiên và xem việc thiện như bổn phận tất yếu. Cái hồn nhiên chứa đựng sự sâu thẳm của triết lý Phật giáo.
Nhà sư Thích Thiện Chiếu bên những đứa trẻ mà ngài nuôi dưỡng
Thầy Cả của con thơ
Ở Gò Vấp giáp quận 12, TPHCM có đến hai ngôi chùa mang tên Kì Quang 2. Nhưng hỏi bất cứ người dân nào trong khu vực về chùa của Thầy Thích Thiện Chiếu, đều được chỉ dẫn cặn kẽ đường đến.
Vào chùa, hỏi thầy trụ trì, một đám trẻ nhỏ chừng chưa quá 12 tuổi ào đến, đứa nắm tay, đứa nắm áo: “Muốn gặp Cả phải không, đi theo tụi con”. Sư Thiện Chiếu mặc áo cà sa theo kiểu Phật giáo Nam Tông, đi chân đất, đang phát kẹo cho đám trẻ. Trên gương mặt hồn nhiên không có tuổi của ông là nụ cười hết cỡ, rộng rãi, trẻ thơ. Thắc mắc về cách xưng hô “Cả”, ông cười: “Vì thầy là trụ trì, cả chùa gọi là thầy Cả, nên lũ trẻ cứ gọi là Cả từ trước đến giờ”. Thượng tọa giản dị hơn sự hình dung của nhiều người.
Buổi sáng hôm ấy, ông dành thời gian ngồi trong gian phòng thường chơi đùa với lũ trẻ để… đếm tiền. Từng xấp tiền công đức từ hai trăm đồng đến năm, mười ngàn được ông xếp lại ngay ngắn, phẳng phiu. Cái triết lý hiếm gặp ở bất kỳ đâu đếm tiền công đức cũng là một cách lần tràng hạt. Thầy vừa xếp vừa niệm Phật, những đồng tiền này sẽ đem lại may mắn cho những người nghèo khổ nhận được nó. Nhà sư ngồi đó, và lũ trẻ vây quanh ông, đứa ngồi lên đùi, đứa níu tay, đứa leo lên cổ, ríu rít rộn ràng. Ông không có chút giận dữ nào, giải thích rằng trẻ thơ thì phải đùa nghịch, cứ để cho chúng sống vui đúng với tuổi mình.
Tại chùa, thầy Thích Thiện Chiếu nhận nuôi hơn 100 em nhỏ, trong đó, có 54 em lành lặn là trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, 80 em bại não, câm điếc… Những điều nhà sư đã làm, vượt xa khỏi hai chữ “nhận nuôi”. Đó là sự “chăm bẵm, ẵm bồng” từ thưở ấu thơ, pha từng bình sữa, nâng mỗi giấc ngủ, tự mình chăm sóc khi ốm đau… chẳng kém người cha, người mẹ.
Bởi thế, lũ trẻ cũng không đơn thuần coi thầy là một người nuôi dưỡng bình thường. Cứ nhìn cách chúng thi thoảng lại chạy đến rúc vào người ông, nhìn đứa bé trai hơi ngây ngô, chốc chốc lại ôm mặt hôn thầy, vừa hôn vừa xuýt xoa, “thương Cả quá à”, rồi những câu hát vang trong sân chùa “con thương ba vì ba là mẹ/ con thương mẹ vì mẹ là ba” mới hiểu tình gắn bó sâu sắc nhường nào giữa nhà sư và lũ trẻ.
Ông chia sẻ rằng, ông thấy mình may mắn, nhờ có bọn trẻ mà ông dù không mang nặng đẻ đau, đã hiểu cảm giác làm cha, làm mẹ vất vả và hạnh phúc thế nào. Từ đó cũng thấm thía sâu sắc hơn công lao trời biển của đấng sinh thành. Nhìn lũ trẻ lớn lên trong vòng tay mình, ông như thấy lại tuổi thơ trong sáng, đẹp đẽ mà mình chưa tận hưởng hết vì vụt qua nhanh quá, bên chúng, ông thực sự trở lại là thằng bé 10 tuổi quy y, nô đùa trong sân chùa năm nào…
Là một nhà hoạt động xã hội tích cực, khá am hiểu về pháp luật, ông quan niệm, không hiểu luật pháp, thì làm sao giúp đời, giúp người. Những đứa trẻ từ lúc mới nhận về đều được ông làm biên bản nhận con, đi đăng kí khai sinh tươm tất, và đều mang họ gốc của ông, họ Trần.
Nhà sư nhập thế và triết lý bổn phận
Không chỉ nhận nuôi dưỡng đám trẻ mồ côi, khuyết tật, chùa Kì Quang 2 nơi thầy Thích Thiện Chiếu trụ trì còn khá nổi tiếng bởi việc nhận nuôi, đào tạo nghề cho trẻ em mù. Tất cả 110 trẻ mù xuất thân lang thang, cơ nhỡ được nhà chùa mời giáo viên nước ngoài về dạy cho bấm huyệt, mát xa chuyên nghiệp. Mỗi năm, lớp đào tạo tổ chức phát bằng một lần. Thầy chia sẻ trong sự vui mừng, trong đợt phát bằng gần đây nhất, Thầy được biết đã có 40 em được các cơ sở, doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng mời về làm việc với mức lương ổn định.
Theo dòng lịch sử tu tập của chùa, dòng chảy thiện nguyện cũng không ngừng: Tháng 3/1995 đánh dấu sự ra mắt mái ấm tình thương chùa Kì Quang 2; tháng 1/2000, khánh thành phòng thuốc Tuệ Tĩnh tại chùa, chuyên khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân bởi những lương y nổi tiếng, mỗi ngày không dưới 400 lượt người bệnh; năm 2003, Phòng tư vấn chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV được thành lập sau một chuyến đi thăm Thái Lan và mục sở thị của nhà sư Thích Thiện Chiếu. Rồi câu lạc bộ dành cho người cai nghiện, cho người ra tù, gái mại dâm tái hòa nhập cộng đồng cũng được thầy lập nên, sinh hoạt đều đặn tại chùa…
Thượng tọa giản dị, gần gũi, nhưng gặp được ông tại chùa không dễ. Trước đó, ông vừa về từ chuyến cứu trợ lũ tại Chợ Mới, tỉnh An Giang trở về, ba hôm sau lại tất bật ra Hà Nội dư hội nghị về HIV toàn quốc. Những chuyến đi nối nhau bất tận, và nhà sư chia sẻ rằng, đối với ông, nhập thế, giúp đời, giúp người chính là cách tu mà ông lựa chọn.
“Mỗi người sinh ra đều có một bổn phận cho mình. Xã hội ngày nay xuất hiện nhiều oan trái, sự việc đau lòng, đều là do con người nhận thức sai và làm sai bổn phận làm người của mình, để sân si lấn át. Thầy nhập thế, làm nhiều việc, đi nhiều nơi, là muốn đem “hạt mầm cái Thiện gieo thêm cho đời”, là muốn làm đúng bổn phận đã được định cho mình. Hành trình thiện nguyện của thầy còn là quá trình khơi sáng tâm hồn, trừ bỏ những tà niệm, sân si của chính mình mà bản thể mỗi người đều có. Đó cũng chính là hành trình hướng đến Đức Phật ở trong tâm”…
Tâm niệm này, việc làm này của Thượng tọa Thích Thiện Chiếu đã lý giải cho cơ duyên với chiếc Huân chương Lao động hạng Ba mà Chủ tịch nước trao tặng vào tháng 8/2010.
Ngôi chùa “năm không”…
Chùa Kì Quang 2 nơi nhà sư Thích Thiện Chiếu trụ trì là một ngôi chùa nổi tiếng bởi kiến trúc “có một không hai”, do chính thầy trụ trì thiết kế. Chùa không xây cổng, thay vào đó là những bức tượng Phật ngự tại vị trí cổng chùa. Cũng không có cánh cửa nào, không có tường, cột, thay vào đó là những hang động đá. Cũng không có mái, trần chùa vẽ mây và các vì tinh tú. Thượng tòa gọi ngôi chùa của mình là ngôi chùa “năm không”. Đó cũng là một ẩn dụ mà ông gửi gắm: Không mái để nhìn ra “chín phương trời mười phương Phật”, không cửa để đón tất cả chúng sinh, không tường, cột để con người không bị ràng buộc, ngăn trở bởi bất cứ một điều gì trên con đường khơi sáng tâm hồn… Núi non ở chùa chính là “năm non, bảy núi”, theo truyền thuyết về Ngũ Hành và Thất Sơn của nước Nam… |
Ngọc Mai
Pháp Luật Việt Nam