Tiếng gọi của con người

12/08/20174:14 SA(Xem: 5472)
Tiếng gọi của con người

TIẾNG GỌI CỦA CON NGƯỜI
(THƯ GỞI NHỮNG NGƯỜI BẠN TRẺ)
Nhất Tâm – Quyết Vãng Sanh.

 

nguoi khiem thiLàm việc để sống.

Sống để hưởng thụ.

Nhất là hưởng thụ trong một môi trường văn hoá, như vậy, chúng ta đã được gọi là một Con Người đích thật, hay là chưa?

Có lẽ bạn sẽ ngần ngừ do dự, hơi bối rối một chút, và không dám buông một câu trả lời khẳng định là “đã” hoặc là “chưa”. Tại sao?

Ví dụ: bạn cũng như chúng tôi, trong một ngày nghỉ lễ hoặc trong những giờ phút xả hơi, chúng ta tham gia một cuộc đi chơi dã ngoại, hoặc cùng “trà đạo” với bạn bè hay cà phê với người yêu, hoặc trong buổi chè chén “ngàn vàng mua lấy trận cười như không”, bất chợt chúng ta dừng lại, cảm thấy trống vắng đến lạ kỳ.

Chúng ta bỗng dưng ngó lại mình và đột nhiên nhận ra rằng, dường như thiếu sót một cái gì, cần thực hiện thêm một điều gì đó để mình có thể sống trọn vẹn hơn, “ra vẻ con người” hơn, và tự làm cho bản thân trở nên đầy đủ nhân tính hơn. Nhất là, nhìn xung quanh chúng ta thấy còn có lắm con người kém may mắn, khốn quẫn hơn mình, đau khổ hơn mình.

Bạn ơi!

Một cuộc sống hưởng thụ cao cấp đi nữa, dù sao cũng vẫn là một cuộc sống ích kỷ, hời hợt, thiếu sót – bởi vì chỉ biết lo nghĩ đến bản thân, đến gia đình mình và những gì liên hệ đến mình mà thôi. Trong khi, SỐNG có nghĩa là SỐNG CÙNG, SỐNG VỚI. Và đã là con người thì  không ai có thể sống một mình, và cũng không có ai có khả năng cắt đứt mọi quan hệ với xã hội xung quanh được.

Con người, là con người của xã hội, nếu không thuộc xã hội này thì cũng thuộc xã hội khác, chẳng ai có thể tách riêng để sống trơ trọi một thân một mình cả, ngay những bậc ẩn sỹ trong rừng rậm Ấn độ ngày xưa đi nữa.

Đến đây, có lẽ sẽ có vài bạn sẽ cười mũi:

- Ồ, chúng tôi sống và làm việc theo hiến pháp và  pháp luật, nộp thuế đầy đủ, như vậy chưa xứng đáng được gọi là Người hay chăng?

Nếu vậy, mời bạn cùng đi với chúng tôi đến một vài nơi mà có lẽ sau khi thăm viếng xong, bạn sẽ thay đổi quan điểm sống của mình.

nguoi khiem thi 3
Các học sinh tại Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu

Chúng ta sẽ ghé một địa điểm cách thành phố không xa lắm. Nơi đây gọi là “Trung tâm Dạy nghề cho người Khiếm thị”. Mời bạn bước vào.

Nghe tiếng xe máy nổ phành phạch, một số người vội vã đi ra. Một vài tiếng xì xào đâu đó: “Có khách đến!”.

Những bàn tay chìa ra bắt tay bạn và tôi. Tươi cười. Hồn nhiên. Họ chỉ biết nhận dạng “đối tượng” bằng cách sờ nắn bàn tay chúng ta hoặc chong đôi tai lắng nghe và ghi nhận tiếng nói của chúng ta.

Bạn sẽ tiếp xúc với một cậu bé chừng mười lăm tuổi. Bạn sẽ thân mật hỏi: “Em tên chi? “

Cậu bé nói giọng buồn buồn:

- Em tên là Dũng, người Quảng Trị. Em bị mù bẩm sinh. Vừa mới sinh ra là đã không hề biết ánh sáng là gì. Ước mơ duy nhất và lớn lao nhất của em là “Mong được sáng mắt dù chỉ giây lát để được nhìn khuôn mặt thân yêu của Cha Mẹ và những người thân”, thế mà vẫn không bao giờ thỏa mãn.

nguoi khiem thi 2Bạn sẽ gặp gỡ những em bé khác:

-Em được sinh ra bình thường như những người khác vậy, nhưng khi vào khoảng năm bảy tuổi, bất ngờ đụng phải một tai nạn bom mìn sót lại từ thời chiến và ra thân mù lòa từ độ ấy. Cha mẹ nghèo quá, không kham nổi và cuối cùng được vào đây. Hiện em đang bắt đầu học chữ nổi (chữ Braille) để có thể đọc sách đọc báo ...

Đây là nơi tập trung những con người không may buộc phải nói lời từ biệt với ánh sáng, với màu sắc, với những thứ vô giá mà đôi mắt đã từng ban tặng. Họ đã nếm mùi vị tuyệt vời của cuộc sống dưới ánh sáng mặt trời, đã thưởng thức vẻ đẹp bao la của đất trời, đồng ruộng, núi sông, cây cỏ, đã nhìn thấy dung nhan cha mẹ anh em, ... cho nên sau khi bị hỏng đôi mắt, đánh mất ánh sáng thì họ trở nên khốn khổ vô cùng.

Bạn sẽ làm gì để họ có thể vơi bớt niềm đau khổ do số phận mang lại?    

Các học viên trại tâm thần ngơ ngác nhìn đời qua song sắt
Các học viên trại tâm thần ngơ ngác nhìn đời qua song sắt ...

Rồi sau đó, chúng ta sẽ đi tới một nơi gọi là TRẠI TÂM THẦN.

Bạn sẽ gặp những con người thoạt trông như chúng ta vậy, nhưng bị giam giữ trong những khu nhà riêng biệt. Tại sao? Họ đâu có mang tội gì mà bị đối xử khắt khe như vậy?

Không.

Họ chẳng vi phạm pháp luật hoặc chưa hề bị kết án lần nào, nhưng, xã hội buộc phải chăn giữ tại nơi đây để chữa trị cho họ, bởi vì... đơn giản họ là những bệnh nhân tâm thần, còn gọi là Những người bị mất trí, điên loạn. Những người chỉ ngắm nhìn bầu trời qua khung cửa sắt, giới hạn chiêm ngưỡng cuộc đời qua những mảnh sân vườn bé nhỏ và cùng với tiếng xích sắt vang lên nghe leng keng.

Mời bạn ghé thăm từng khu khác nhau. Dù là Khu Nhẹ hay Khu Nặng, dù là Khu Nam hay Khu Nữ, bất cứ khu nào mà bạn ghé thăm, bạn đều sẽ chứng kiến những người bất thường đến độ tội nghiệp. Họ khóc la không ngớt, họ cười ré lên từng hồi dài, tóc tai rối bời, áo quần lôi thôi, thậm chí tại Khu Nặng, bạn sẽ thấy không ít người trần truồng chẳng manh áo che thân. Tại sao như vậy? Chính họ đã xé nát áo quần của mình rất nhiều lần. Các vị Y Tá phân phát áo quần cho họ vào ngày hôm nay, thì ngày mai họ đã tự xé ra thành những mảnh vụn. Cuối cùng đành phải để họ trong tình trạng tự nhiên thoải mái như...  con người thuở hồng hoang!       

 

Bạn sẽ làm gì để họ có thể vơi bớt niềm đau khổ do số phận mang lại?

Trong cuộc sống, còn gì tuyệt vời hơn khi mỗi buổi sáng ta thức dậy, bước ra ngoài và ngắm nhìn mọi vật xung quanh với đôi mắt thanh thản, cùng một tâm hồn cảm thấy tự do. Được ngắm nhìn cây cối mơn mởn xanh tươi, nhìn bầu trời trong xanh, và mỗi mai thức dậy được ngắm những người thân yêu của chúng ta đang sống quây quần chung quanh… chỉ thế thôi cũng cảm thấy “trời đất” đã ban cho chúng ta vô  số món quà cuộc sống nhiều hơn những người khác nhiều lắm rồi. Nhưng, bạn có đành tâm hưởng thụ khi xung quanh mình đang hiện diện những người đau khổ như vậy?

Xin hãy cùng nhau chia sớt một ít quà tặng mà trời đất đã hào phóng ban cho chúng ta. Ấy chính là cùng chia sẻ với những con ngườichúng ta cảm thấy bất hạnh hơn ta, với một tấm lòng bao dung và sự cảm thông…

Và xin hãy cho đi, hãy cho với niềm vui và niềm vui ấy là phần thưởng chung của mọi người.

Kahlil Gibran nói :

- Chúng ta cho khi được hỏi xin thì rất quí, nhưng tốt hơn nên cho mà chẳng đợi hỏi xin, hãy cho qua sự  cảm thông. Và với bàn tay mở rộng, sự cho để người khác được nhận ấy là niềm vui lớn hơn sự cho.

Xin hãy cùng nhau tăng sản lượng Hạnh Phúc của nhân loại lên một chút để chúng chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn.

Và thưa các bạn, cái khao khát “phải làm một cái gì đó cho những người đau khổxung quanh mình”, chính là Tiếng Gọi Nhân Ái, hoặc còn gọi là hành vi đáp lại Tiếng gọi của Con người trong chúng ta...

Wilf Allan, một nhà xã hội Canada đã phát biểu:

-Khi tôi bỏ một đồng tiền vào cái bát của những người nghèo khó, tôi thầm cảm ơn họ rất nhiều, bởi vì họ đã cho tôi một cơ hội làm việc thiện.

Jean Paul Sartre, nhà văn kiêm triết gia Pháp thế kỷ 20, đã nói trong dịp ra mắt tác phẩm La Nausée:

-Mỗi khi tôi trao tặng một món quà cho các anh chị em nghèo thiếu, tâm hồn tôi vô cùng xúc cảm. Qua việc làm ấy mà trái tim tôi trở nên cao đẹp hơn, tràn đầy nhân ái hơn. Và trong niềm rungđộng ấy, tôi phải ghi ơn họ vô  cùng sâu đậm, vì họ đã mang tôi trở lại với chính tôi, với bản chất Con người của mình.

Khi “Tiếng gọi của Con người trong chúng ta” cất lên tha thiết, chúng ta sẽ trả lời bằng cách thực hiện một việc thiện nào đó, như là đang thốt lên: “Vâng, tôi đã nghe!”

 

ĐÔI DÒNG CẢM NIỆM

Tôi ghé lại nơi này:
“Nghĩa Trang Cô Mộ”
hơn hai ngàn nấm mồ vô chủ
hơn hai ngàn mầm non mới nhú
đã héo khô giữa sa mạc lòng người
bị lãng quên cùng mộng mị tàn phai
của những trái tim dửng dưng bổn phận!
đòng đòng tóp teo,
nên cây lúa tiêu điều bên ruộng cạn
lương tri bơ phờ nên mạch máu hắt hiu
 
tôi chắp tay thinh lặng
vầng khói nhang thì thào giữa cỏ cây hoang vắng
bay sật sờ trên những tiếng nấc âm thầm
những tiếng khóc hờn căm
những lời oán than câm nín
đang uất nghẹn giữa không gian tím lịm
của những bé thơ hụt cẳng bước rong chơi
 
“dẫu trăm năm không mấy ngọt bùi”
nhưng các bé thơ vẫn chưa một lần hít thở!
chưa hề diễm phúc
được đón chào trên bàn tay Bà Mụ
hiên ngang cất tiếng thét oa oa!
Ai đã từng làm mẹ làm cha
hãy buông giọt nước mắt
cho những linh hồn ngủ vùi trong đêm tối!
 
xin cho tôi một lần sám hối
giùm những bà mẹ trẻ
chẳng cam chịu đớn đau trên giường đẻ
sau cơn mê rời rã cuộc vui
đã chối từ một sinh linh chưa trọn vẹn hình hài
rũ  bỏ đứa con chưa hề thấy mặt!
 
gió chiều thổi u u qua làn nước mắt
tôi vẫn đứng chắp tay
khấn nguyện chân thành
mong Bàn Tay Đời thấm ngọt kiếp nhân sinh
 
này chị này anh
này em này bạn
hãy ghé lại nơi đây
thắp nén nhang cho những cô hồn
đang lạnh giá, đói rách, rét run
co ro không chiếu chăn
không một lời han hỏi
đôi mắt đau đáu vẫn hướng về một cõi
chân trời ảm đạm
vẫn le lói đốm lửa ban sơ
để các bé thơ
chuyển hoá tâm hồnchấp nhận thứ tha
cho những lỗi lầm
của những kẻ nghiến răng cắt lìa sự sống
để các bé thơ
chắt chiu niềm hy vọng
sớm thác sanh về cảnh giới an lành
 
cây đời trổ lá màu xanh
để bông hoa nở trên cành khoan dung
cảm xúc nói mấy khôn cùng
thì xin dâng nén tâm hương, để mà
mạch đời tát sạch xót xa
cho lòng chín đỏ sắc hoa nguyên tuyền
bé thơ, chừ hãy ngủ yên
mong em qua tới một miền thanh lương
cùng tôi tròn một niềm thương
 
Tôi ghé lại nơi kia:
 “Trại Tâm Thần”
nơi tập trung chữa trị bệnh nhân thần kinh phân liệt
nơi triển hạn trầm luân
cho những tâm hồn dùng dằng đi vào cõi chết
 
Ôi,
những con người đang tồn tại mà luôn vắng mặt
sằng sặc cười như mếu
bâng quơ hát như gào
nói những gì không ai hiểu
kêu những gì không ai nghe
bước đi lêu khêu như bị bóng đè
nhảy nhót trần truồng như đười ươi vào phố chợ
đây Khu Nam, Khu Nữ
tóc tai bù xù
thân hình mụt ghẻ
đây Khu Nặng, Khu Nhẹ
bàn tay lóng cóng
năm ngón loe ngoe
chià qua cửa sổ
gầm gừ hỷ nộ
 
cũng mang thân người sao đành đoạn thế a?
cũng có mẹ cha
sao bơ vơ không lý lịch?
sống bên hiên đời? hay dân giang hồ tuyệt tích?
cũng có tuổi tên, sao mãi mãi vô danh?
cũng khao khát yêu thương,
sao bị gia đình ghét bỏ, họ tộc chối từ?
tình người nhem nhọ, bè bạn khinh nhờn?
tìm trầm xác thịt ngấy mùi thơm
ngậm ngãi bờ môi càng đắng chát
 
chưa hề hầu Toà dù là giây lát
sao vẫn mang thân tù tội?
không lãnh án chung thân
sao vẫn bị giam giữ trọn đời?
mang vóc dáng con người
sao bị láng giềng làm mặt lạ?
 
nhưng tại nơi đây,
bao nặng nhọc trút lên bờ vai Y Tá
bàn tay Điều Dưỡng siêng năng
Bác Sỹ quan tâm,
thuốc thang, chăm sóc
Hộ lý đùm bọc,
Bảo vệ tận tình
Ơn Người vỗ giấc lênh đênh
kiếp ni mong được tái sinh một lần
 
cùng mang thân phận đàn ông
sao anh cam chịu điên khùng xác xơ?
cùng chung số kiếp đàn bà
tại sao chị phải vật vờ cuồng ngây?
 
ai đem ai đến chốn này?
ban đêm thì tối ban ngày thì mê
cười là tiếng khóc ê chề
lời ru lạc lõng, nẻo về là đâu ...
 
các bạn ơi, hãy đến mau
cùng nhau chia sớt nỗi đau không lời
 
món quà mọn, những bàn tay
nên trao tặng gấp, kẻo ngày tháng trôi!
cùng nhau tưới tẩm tình người
cơi lên bếp lửa giữa đời co ro
nhanh nhanh,
chớ có chần chừ
thời gian lỡ dịp hẹn hò lâu xa
chữ Tâm há dễ ru mà!

                                      Nhất Tâm – Quyết Vãng Sanh

 

Tạo bài viết
29/10/2019(Xem: 12658)
19/12/2014(Xem: 4806)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…