NGƯỜI KHÉO BẮT CHUỘT SẼ KHÔNG LÀM VỞ CÁC CHÉN KIỂU QUÝ GIÁ TRONG NHÀ Nhân vụ mua bán trẻ em xảy ra ở Chùa Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội TT. Thích Nhật Từ Hỏi: Bạch Thày, thời gian gần đây có quá nhiều câu chuyện phiền não liên quan đến các nhà chùa, làm ảnh hưởng không tốt đến lòng tin của người dân nói chung và những Phật tử nói riêng với cửa chùa và các công việc thiện nguyện. Hơn lúc nào hết, con thấy những năm trở lại đây công tác từ thiện được mọi tầng lớp trong xã hội đặc biệt quan tâm và nhiệt huyết. Đáng lẽ ra những việc làm tốt đẹp này sẽ phải được “chắp cánh” để thêm nhân rộng, nhân sâu hơn trong cuộc sống nhưng những thông tin về nơi này nơi kia người ta mượn danh nhà chùa hoặc chính những cơ sở tôn giáo do quản lí lỏng lẻo, vô trách nhiệm (thậm chí có những nơi dung túng cho những hành động sai trái) đã làm cho niềm tin vào Phật giáo và công tác thiện nguyện bị thui chột. Con và bạn bè con – những người luôn mong muốn chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn – những ngày qua vô cùng phiền não và thất vọng. Chúng con thực sự hoang mang và không biết có nên tiếp tục làm từ thiện nữa hay không? Hay chỉ đơn giản nhất, lành nhất là về giúp đỡ chính những người họ hàng ruột thịt hay những người bà con làng xóm của mình – nơi mình biết rõ thực hư ra sao? Chúng con rất mong sớm nhận được lời khuyên của Thày! Con xin cảm ơn Thày! (Hoàng Như Mai, Hà Nội) TT. THÍCH NHẬT TỪ TRẢ LỜI: Đọc những dòng tâm sự của chị về “Câu chuyện phiền não liên quan đến các nhà chùa”, dù chị không nói rõ chùa nào, tôi đoán là chị ám chỉ vụ “bảo mẫu Nguyễn Thị Thanh Trang (viết tắt là bảo mẫu Trang) lợi dụng quản lý lỏng lẻo của chùa Bồ Đề đã buôn bán trẻ em.” Thông cảm với các mối quan tâm của chị cũng như nhiều độc giả khác, tôi mong chị và quý độc giả nên lưu ý những vấn đề sau đây: 1. Nhà dột có nơi Vụ bảo mẫu Trang lợi dụng lỏng lẻo về phương diện quản lý của chùa Bồ Đề đã buôn bán trẻ em, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Phật giáo nói chung và hoạt động từ thiện Phật giáo nói riêng, thực chất chỉ là trường hợp cá biệt. Khái niệm “nhà dột có nơi” là hình ảnh chuẩn xác có thể sử dụng để mô tả về tình trạng buôn bán trẻ em tại một trung tâm từ thiện (dù là của nhà chùa hay nhà nước). “Cơn bảo tố” truyền thông, theo hướng tả thực có, theo cách lợi dụng câu view cũng có, đã lạc dẫn độc giả đến độ, nhiều độc giả, trong đó có chị và nhiều Phật tử lầm nhận rằng đây là hiện tượng phổ quát. Từ sự ngộ nhận ngữ cảnh do tác động lạc dẫn của giới truyền thông, nhiều người “thực sự hoang mang” rồi trở nên hoài nghi khi tự vấn “không biết có nên tiếp tục làm từ thiện nữa hay không?” Thái độ hoài nghi về các hoạt động từ bi, nhân ái và thiện nguyện… có khuynh hướng làm “thui chột” niềm tin cao cả của con người vào việc từ thiện là điều nên tránh. Dầu không thể phủ định trách nhiệm của người đứng đầu chùa Bồ Đề trong việc quản lý lỏng lẻo, dẫn đến sự việc đáng tiếc, các nhà báo và độc giả không nên lầm nhận khi cố tình viết rằng “Chùa Bồ Đề buôn bán trẻ em”! Thực ra trong vụ việc này, bảo mẫu Trang buôn bán trẻ em ở trong Chùa Bồ Đề, chứ Chùa Bồ Đề không làm việc thất đức đó. “Cửa chùa” trong văn hóa Phật giáo Việt Nam còn được gọi là “cửa từ bi và trí tuệ.” Thực hiện mở cửa từ bi, Tăng Ni thường làm các công tác từ thiện, trong đó, cô nhi viện là một hoạt động thiện nguyện, nhằm giúp các mầm non bất hạnh nương cửa Phật từ bi để có một tương lai tươi sáng. Bổ sung cho “cửa từ bi,” chùa còn có “cửa trí tuệ” tượng trưng cho sự dẫn đường soi lối đúng đắn mà trong ứng dụng bao gồm tầm nhìn đúng, nhận thức đúng, phương pháp đúng, quản trị đúng, giáo dục đúng và định hướng nghề nghiệp đúng cho các thành phần bất hạnh. Đừng vì một hiện tượng cá biệt, do ảnh hưởng lây lan của giới truyền thông theo hướng thiên cực, lạc dẫn mà ta trở nên chai sạn trước nỗi khổ niềm đau của các thành phần cơ nhở và bất hạnh. Một người lái xe bị tai nạn giao thông làm cho thương tật, do không tuân thủ luật giao thông, không thể bị cường điệu thành tình trạng “hễ ai tham gia giao thông đều gây tai nạn hay đều trở thành nạn nhân giao thông”. Hàng ngày, do bất cẩn hoặc phạm luật giao thông, nhiều người chết hoặc bị thương vì tai nạn giao thông; không vì thế mà các con đường đều bị đóng, người tham gia giao thông đều bị cấm, hoặc các phương tiện giao thông không được tiếp tục lưu chuyển. Tương tự, sự cố bảo mẫu Trang bán trẻ em xảy ra ở chùa Bồ Đề là một sự cố, phạm tội hình sự, mà Luật pháp nghiêm minh cần nghiêm trị đúng người, đúng tội. Bảo mẫu Trang bị cáo buộc phạm tội bán trẻ em không nên hiểu đồng nghĩa rằng “chùa Bồ Đề bán trẻ em,” hay ngộ nhận tai hại hơn “các tu sĩ Phật giáo trong Chùa Bồ Đề buôn bán trẻ em.” Dù sao, sự việc đau lòng nêu trên là bài học “kiếp nạn cho nhà chùa và ni sư Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề”. Người có lòng từ bi chẳng những không làm thui chột lòng nhân ái, mà còn tin tưởng sâu sắc vào các hoạt động từ thiện xã hội nói chung, từ thiện Phật giáo nói riêng, nhất là khi các công tác thiện nguyện này được làm với tâm từ bi và trí tuệ. Đừng bỏ lở cơ hội và hãy tiếp tục làm việc thiện, góp phần làm vơi đi nỗi khổ niềm đau của những người kém may mắn. Nhịp cầu nhân ái này làm cho tình người được tỏa sáng, cuộc sống này trở nên hiền thiện và yêu thương nhau. 2. Chùa Bồ Đề “không buôn bán” trẻ em Bên cạnh những nhà sư và sư cô thực hành lòng từ bi và nhân ái qua các hoạt động từ thiện như thành lập Tuệ Tĩnh đường, dưỡng lão viện, cô nhi viện… trong xã hội Việt Nam, có hàng triệu tấm lòng sẵn sàng góp bàn tay tình thương nhằm “chắp cánh” các hoạt động thiện nguyện chứa đựng các giá trị nhân văn cao quý. Theo Phật giáo, việc làm thiện cho đời cần được nhân rộng bằng thái độ vô ngã và tâm vị tha, thông cảm nỗi khổ niềm đau của tha nhân như chính vấn nạn bản thân. Các hoạt động từ thiện và nghĩa cử cao thượng đó ít được giới truyền thông giới thiệu, quảng bá. Ngược lại, các thông tin xấu lại được chắp cánh bay xa. Mặt trái của truyền thông theo hướng này là điều thật đáng buồn. Cũng có một số nhà báo lợi dụng vào quyền lực của truyền thông đưa một vài “cái xấu cá biệt” lên ngôi “thượng đế”. Thay vì tán dương cái thiện để cái thiện được xã hội hóa, kẻ làm truyền thông thiếu đạo đức nghề nghiệp thường đánh tráo các khái niệm, chủ ngữ và vị ngữ dẫn đến các ngộ nhận và lạc dẫn một cách đáng tiếc. Trong trường hợp mua bán trẻ em xảy ra ở Chùa Bồ Đề, thay vì thông tin rằng “bảo mẫu Trang bán trẻ em ở chùa Bồ Đề” (bảo mẫu Trang là thủ phạm tội ác), thì một số nhà báo và trang mạng cố tình ghi sai chủ ngữ “chùa Bồ Đề buôn bán trẻ em” (ngụ ý thủ phạm là Chùa Bồ Đề, tức Phật giáo) là một hành động ác ý, có sức mạnh “châm dầu vào lửa” lên chùa Bồ Đề nói riêng và Phật giáo nói chung. Tiêu biểu cho nhóm truyền thông lạc dẫn nêu trên có thể kể bao gồm tinmoi.vn (vụ chùa Bồ Đề buôn bán trẻ em), kenh14.vn (buôn bán trẻ em chùa Bồ Đề), vietnamnet.vn (đường dây mua bán trẻ em qua chùa Bồ Đề), vietbao.vn (sự thật khủng khiếp về chùa Bồ Đề: “kênh” trung gian mua bán con nuôi), dantri.com.vn (Chùa Bồ Đề sau vụ bán trẻ sơ sinh), doisongphapluat.com (vụ mua bán trẻ chùa Bồ Đề), megafun.vn (thực hư tin đồn chùa Bồ Đề mua bán trẻ em bị bỏ rơi), hoặc facebook của cộng đồng nuôi con (thông tin chùa Bồ Đề buôn bán, bỏ rơi trẻ em), và kienthuc.net.vn (tóm gọn bằng chứng sống chùa Bồ Đề buôn bán trẻ em), v.v… Quý độc giả đừng để mình bị lạc dẫn bởi cách tráo đổi chủ ngữ lắt léo của các nhà báo và các trang mạng xã hội, mà kết tội oan trái cho Chùa Bồ Đề ở ngữ cảnh cụ thể và từ thiện Phật giáo ở ngữ cảnh lớn hơn. Các trang mạng xã hội nêu trên đã lắt léo thay đổi chủ ngữ “bảo mẫu Trang” thành “chùa Bồ Đề” buôn bán trẻ em. Xin lưu ý, chùa Bồ Đề không buôn bán trẻ. Ni sư Đàm Lan không buôn bán trẻ em. Ni sư Đàm Lan được giới chức hữu quan và nhóm thanh tra kết luận không liên quan gì đến vụ mua bán trẻ em. Ni sư Đàm Lan và chùa Bồ Đề cũng như các cháu thiếu nhi là nạn nhân của vụ múa trẻ em của bảo mẫu Trang. Xin các anh chị nhà báo của các trang mạng nêu trên đừng giả vờ lẫn lộn chủ ngữ, vì sự lẫn lộn của các quý vị có thể dẫn đến hậu quả “phá nát” hoạt động thiện nguyện chùa Bồ Đề, vốn tồi tệ không thua kém gì việc mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề. “Phá nát” ở đây được hiểu theo nghĩa nhiều nhà thiện nguyện đánh mất niềm tin vĩnh viễn vào Chùa Bồ Đề nói riêng và vào từ thiện Phật giáo nói chung. Tôi không tin rằng các nhà báo thuộc các trang mạng nêu trên thiếu kiến thức về ngôi thứ nhất làm chủ ngữ cho hành động “buôn bán trẻ em” ở ngữ cảnh này là bảo mẫu Trang. Cố tình đánh tráo chủ ngữ trong ngữ cảnh này, từ “bảo mẫu Trang” thành “Chùa Bồ Đề” đã làm làm cho quần chúng đánh mất niềm tin vào việc từ thiện của Phật giáo. Dù là vô tình viết sai chủ ngữ hay cố tình ác ý thì hậu quả nghiêm trọng là các nhà báo này đã làm cho cái thiện tại chùa Bồ Đề nói riêng và từ thiện Phật giáo nói chung bị “đứt cánh”, ít nhất không thể bay được trong một vài năm tới, do sự ngộ nhận và làm mất niềm tin của quần chúng. Thế mới biết, đạo đức trong truyền thông nên trở thành “cán cân lương tâm” của những người tham gia vào lĩnh vực thuộc “quyền lực thứ ba” này. Như người xưa từng nói “nhất ngôn khả dĩ hưng bang, nhất ngôn khả dĩ táng bang”, một ngộ nhận trong truyền thông, dù do sơ suất hay cố tình, có thể tạo ra các bất ổn xã hội lâu dài và rộng lớn. Đây là điều người làm truyền thông không nên quên. 3. Trách nhiệm thuộc về ai? Câu hỏi “trách nhiệm thuộc về ai?” không chỉ có chức năng truy tìm nguyên nhân, mà còn có tác dụng tìm kiếm giải pháp. Đỗ lỗi cho nhau không phải là giải pháp. Do đó, tìm nguyên nhân và giải pháp cho câu chuyện buồn ở Chùa Bồ Đề góp phần chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm mồ côi của nhà nước và thiện nguyện trên toàn quốc. Về vấn đề này, ta thấy trách nhiệm của Phật giáo được thể hiện như sau. Vào ngày 7/8 TT. Thích Đức Thiện, Phó tổng thư ký GHPGVN cho biết Văn phòng 1 GHPGVN đã cử đoàn công tác đến Chùa Bồ Đề làm việc với Ni sư Trụ trì Thích Đàm Lam, đồng thời yêu cầu Ni sư Trụ trì cần tuân thủ quy định của pháp luật về việc nhận nuôi và quản lý trẻ em mồ côi, để hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo không bị ảnh hưởng tiêu cực, tiếp tục tỏa sáng như nó đã từng trong thời gian qua. Cùng ngày, TT. Thích Tiến Đạt, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Pháp chế GHPGVN khẳng định với báo giới rằng “quan điểm của GHPGVN là đề nghị các cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ và có kết luận rõ ràng về việc này, trên cơ sở đó, ai sai đến đâu thì xử lý đến đó.” Nói cách khác, lãnh đạo Phật giáo không bao che, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự tôn trọng luật pháp. Theo BBC Việt ngữ, Ni sư Đàm Lan chính là người đệ đơn yêu cầu các cơ quan chức năng nhập cuộc điều tra, làm rõ trắng đen các cáo buộc “Chùa Bồ Đề buôn bán trẻ em” của một số nhà báo thiếu thiện chí. Điều này cho thấy Ni sư Đàm Lan sẵn sàng chịu trách nhiệm pháp lý về sự quản lý lỏng lẻo của mình. Trong quan hệ tương quan, vụ mua bán trẻ em xảy ra ở Chùa Bồ Đề không thể quy toàn bộ trách nhiệm vào Ni sư Đàm Lan, Trụ trì Chùa Bồ Đề, mặc dù Ni sư Đàm Lan là người phải chịu trách nhiệm chính và trực tiếp. Ở đây, phải nói rằng cũng có sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan nhà nước về các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em một cách thiện nguyện. Đây là bài học quản lý nhà nước về công tác quản lý các cô nhi viện. Đề cập đến trách nhiệm liên quan, chúng ta không thể đổ lỗi toàn bộ vụ việc lên Chùa Bồ Đề, mà không làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan khác. Các cấp chính quyền cần quan tâm, giám sát và hỗ trợ tốt hơn cho các trung tâm thiện nguyện làm tốt lòng từ bi của mình. Bất cứ trung tâm từ thiện nào (chứ không nhất thiết ở chùa Bồ Đề), khi công tác quản lý, kiểm tra, giám sát không đến nơi đến chốn, đều có thể xảy ra những vụ việc buôn bán trẻ em như nhau. Về phía các Trung tâm từ thiện, khi nhận trẻ mồ côi vào Trung tâm, ban giám đốc Trung tâm phải trình báo chính quyền địa phương. Trung tâm nuôi trẻ mồ côi có trách nhiệm lập hồ sơ, đăng ký khai sinh cho các cháu với chính quyền, giám sát các bảo mẫu, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, quyền được chăm sóc, được đến trường học, không bị ngược đãi, không bị xâm hại, không bị lợi dụng mua bán trục lợi... Khi cho ai làm con nuôi phải làm các thủ tục theo quy định của luật pháp, để tránh các đối tượng xấu lợi dụng sơ hở trong quản lý, buôn bán trẻ em. Do kém quản lý của nhà chùa, bảo mẫu Trang và một số nhà báo đánh lận con đen đã tạo ra biết bao nỗi hàm oan cho Ni sư Đàm Lan, Chùa Bồ Đề và Phật giáo. Một trách nhiệm đạo đức và xã hội khác cũng cần nêu ra ở đây. Khi ca tụng các nhà báo và phóng viên chân chính biết soi sáng ngòi bút và ý tưởng của mình bằng đạo đức nghề nghiệp, truyền thông cái đúng và có giá trị, chúng ta không nên dung túng những kẻ lợi dụng sức mạnh truyền thông, lắt léo bẻ cong ngòi bút, cố tình tráo đổi chủ ngữ (theo kiểu “Chùa Bồ Đề buôn bán trẻ em,” mà thực chất là “chỉ có bảo mẫu Trang buôn bán trẻ em” xảy ở Chùa Bồ Đề) dẫn đến nhiều nỗi hàm oan và thiệt hại cho các nạn nhân mà trong câu chuyện “bảo mẫu Trang bán trẻ em ở chùa Bồ Đề”, nạn nhân của truyền thông ở đây chính là Chùa Bồ Đề và đạo Phật. Khi lên án cái xấu và sự phạm pháp, đòi hỏi xử lý nghiêm minh những người vi phạm đúng người đúng tội, giới truyền thông cũng không nên thiếu trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp, để tuyệt đối không làm ảnh hưởng tiêu cực đến truyền thống từ bi và nhân văn tốt đẹp của các cơ sở từ thiện nói chung và của từ thiện Phật giáo nói riêng, chỉ vì một vài cá nhân xấu trục lợi, đánh mất lương tâm. “Người khéo bắt chuột sẽ không làm vở các chén kiểu quý giá trong nhà” là điều mà người làm công tác truyền thông nên lưu tâm! |