BÃO TỐ XÃ HỘI
Drukpa Việt Nam
Sự việc xảy ra hôm 14 tháng 12 tại Mỹ và Trung Quốc chắc hẳn đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với nhiều bậc cha mẹ trên khắp thế giới. Lúc đầu, tôi đã được thỉnh cầu nguyện cho 20 trẻ em và 8 người lớn đã bị sát hại trong trận xả súng thảm sát tại trường tiểu học ở Mỹ. Rồi ngay sau đó tôi lại được thỉnh để cầu nguyện cho 22 em nhỏ đã bị tàn sát dã man bởi một kẻ điên đã chém giết hung bạo tại một ngôi trường ở Trung Quốc. Tất cả các kênh truyền hình trong vài giờ và vài ngày sắp tới sẽ tập trung đưa tin về vụ thảm sát ở Mỹ, vì 20 em nhỏ tuổi từ 5 đến 10 đã thiệt mạng trong trận xả súng vừa qua. Trái tim của tôi dành trọn cho những em nhỏ và những thầy cô giáo vô tội đã bị sát hại tại Mỹ, cũng như những em nhỏ đã bị sát thương một cách dã man ở Trung Quốc. Lẽ ra nếu mọi chuyện yên lành, những em nhỏ này đã phải có một cuộc sống tốt đẹp, có ích cho xã hội và thậm chí còn có thể mang lại lợi ích cho cho chúng sinh. Không những nhiều mạng sống đã bị sát hại, cùng theo đó là cả những cơ hội để các em có thể sống lợi ích cho mình và cho mọi người cũng đã bị tước đoạt, đây thực sự là điều khiến cho tôi cảm thấy rất đau lòng. Tôi xin gửi tất cả những lời chia buồn và cầu nguyện tự sâu thẳm trái tim tới gia đình và bạn bè của các nạn nhân. Chư ni của tôi ở Tự viện Núi Amitabha cũng đã bắt đầu các khóa lễ cầu nguyện cho những người tử nạn và hồi hướng để những em nhỏ bị sát thương sẽ nhanh chóng bình phục. Chúng ta cần phải hiểu rõ nguyên nhân dẫn tới những bi kịch này, chứ không chỉ dừng ở những cảm giác đau buồn hay bàn tán về việc đó. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể tránh được không tái phạm những sai lầm về sau. Điều này vô cùng quan trọng. Tôi gọi đó là “bão tố xã hội”. Cũng giống như những cơn bão do việc tàn phá môi trường gây ra, những bi kịch này xảy ra bắt nguồn từ rất nhiều bất ổn trong xã hội cũng như sự thiếu sót trong giáo dục. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã phải tiếp xúc với rất nhiều thông tin tiêu cực và tiếp cận với bạo lực. Hầu hết các trò chơi điện tử và các phim ảnh ngày nay, bằng cách này hay cách khác, đều đưa các em tới tiếp cận với bạo lực, bởi nếu không thì những trò chơi đó sẽ không thể bán được. Chính từ những biến cố vừa qua, chúng ta cần phải hiểu rõ đã có bao nhiêu con vật đáng thương phải gánh chịu đau khổ giống như chúng ta, chính những con vật đó cũng có gia đình. Giống như chúng ta, chúng cũng rất muốn được hạnh phúc, chúng cảm nhận được đau đớn, chúng cảm nhận được tình yêu thương và thù hận. Chúng ta cần phải hiểu được điều này và chia sẻ, nếu như không phải là tất cả tâm từ bi của chúng ta, thì ít nhất cũng dành 15% nguồn năng lượng từ bi và yêu thương của chúng ta hướng tới những con vật đang bị hành hạ hoặc xả thịt vào mỗi buổi sáng, mỗi giờ phút để hiến thịt cho bữa ăn của chúng ta, để trở thành áo quần, thành vật tế thần trong các nghi lễ tôn giáo, để chúng ta khoe khoang sự giàu có v.v. Đối xử tốt và công bằng đối với các chúng sinh khác không chỉ là một pháp thực hành hạnh từ bi, mà còn vì chúng ta không muốn bản thân mình bị đối xử tàn tệ ở bất cứ nơi đâu, vào bất kỳ lúc nào. Trừ khi chúng ta muốn chịu đau khổ giống như chính những chúng sinh đang bị chúng ta làm cho đau đớn và khổ sở, còn nếu không, nhất định chúng ta phải chuyển hóa tâm mình, chuyển hóa động cơ tác ý của mình trở nên từ bi không làm tổn hại hữu tình khác, đồng thời chấm dứt bất cứ hành động nào gây tổn hại tới chúng sinh. Những lời chia sẻ của tôi không phải bắt nguồn từ Phật giáo hay từ triết lý Phật giáo, mà thực chất là bắt nguồn từ quan điểm hợp đạo lý con người. Nếu chúng ta không hề có đạo lý và trí tuệ của con người, thì đương nhiên chúng ta sẽ không thể biết và chúng ta có thể tự nhận rằng mình vô minh. Song chúng ta là người, chúng ta được cho là có đầy đủ trí tuệ và thông minh hơn mọi loài sinh vật sống khác, vậy thì chúng ta cần biết kiểm soát mình để đừng hành xử thấp kém phi nhân tính. Thật không may, ngày nay có rất nhiều hành động của con người ngày nay còn tồi tệ hơn cả loài thú, thậm chí còn tệ hơn các loài động vật ăn thịt cả 100 lần. Bạn hãy thử hình dung xem, những còn vật đó sẽ cảm thấy thế nào, rồi còn cha mẹ và thân quyến của những con vật đó sẽ ra sao khi nhìn thấy con cái chúng bị xử thịt hoặc ngược đãi. Nếu điều đó khiến chúng ta khó chịu và đau lòng thì đối với chúng cũng như vậy. Chúng chẳng được quyền lựa chọn và cũng chẳng thể nào phản đối.
Để tóm lược lại, hai thảm họa xảy tới cho những em nhỏ tại hai ngôi trường ở hai quốc gia hoàn toàn khác nhau, cần phải được coi là bài pháp đối với chúng ta, chứ không chỉ là một chủ đề cho chúng ta thương cảm. Dưới đây là một số thông tin mà tôi tham khảo được từ trang web của một tổ chức có mục tiêu cao cả tên là PETA. Tôi mong rằng họ sẽ cho phép tôi đăng lải ở đây để chia sẻ. Tôi khẩn thiết khuyến cáo mọi đệ tử và bạn hữu thân thiết của tôi, hãy suy nghĩ và phát nguyện trường chay vì lợi ích của mọi người và của chính mình. Hận thù sẽ không bao giờ nuôi dưỡng được tình yêu thương nhưng chí có tình yêu thương mới chấm dứt được hận thù.
|