Một buổi trưa tôi dùng cơm chay ở quán Huế Thương (đường Bà Triệu, TP.Huế), thật bất ngờ khi thấy các em sinh viên xếp hàng mua vé, nhận cơm, đông vui và trật tự...
Từ “hiểu thương” đến… Huế Thương
Tôi đã dùng cơm ở quán chay này cách đây mấy năm khi quán còn ở đường Tố Hữu, TP.Huế. Lời anh La Thế Quang còn vang trong tôi: “Thấy nhiều em học sinh, sinh viên nghèo khổ nhưng vẫn nỗ lực học tập, mình không khỏi chạnh lòng. Vì vậy, ý tưởng giúp các em vững bước học tập và trong cuộc sống, không gì thiết thực hơn để các em ấm lòng chính từ những bữa ăn thường nhật”.
Dạo đó, tôi có làm một bài thơ lục bát những từ đầu là chữ “hiểu thương”, hiện nay, còn treo trên tường phòng ăn quán Huế Thương: “… Trao nhau một chút ân tình/ Hiểu thương cảnh khổ lung linh tình đời... Nâng tay dâng chén cơm đầy/ Gieo muôn hạnh phước mai này nở hoa”.
Đây là một quán cơm chay trong số hơn mười quán cơm chay ở Huế, không đặt nặng vấn đề kinh doanh, mục đích tạo một điểm phục vụ cho học sinh, sinh viên nghèo đang học tập trên địa bàn thành phố. Chính vì thế, quán chỉ thu một suất ăn 5.000 đồng, một ly sữa đậu nành 1.000 đồng. Nếu các em mua về phụ thu thêm 1.000 đồng, tiền hộp xốp. Các em có thể ăn thêm 1 chén cơm nếu chưa no.
Nhân viên ở quán gồm hai chị nấu bếp, chị Thanh Nhàn và chị Hòa. Chị Thanh Nhàn trước đây là giáo viên THCS, chị nghỉ hưu làm ở quán từ hồi quán mới mở ở đường Tố Hữu. Và, năm sinh viên nam thường trực ở quán, cùng các em sinh viên tình nguyện. Các em lo xay đậu nành làm sữa, quét dọn, trông coi quán trong giờ quán đóng cửa, rồi cùng ba em sinh viên tình nguyện ở các cư xá đến.
Các em làm trong giờ nghỉ học, đến bán vé chia cơm, phục vụ cho các em sinh viên ngày hai bữa ăn chính. Bình quân mỗi ngày quán bán được hơn hai trăm suất cơm, trong đó còn có 10 đến 15 suất cơm miễn phí cho các cô chú bán vé số và các mệ (bà) neo đơn cơ nhỡ có nhu cầu ghé quán ăn cơm.
Tôi ngồi ăn chung với chị Nguyễn Thị Hoa - chị làm nghề bán vé số, nhà chị ở chợ Sam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang. Chị đi loanh quanh bán vé số, đúng bữa ghé ăn một suất cơm và 1 ly sữa, ngày hai bữa. Chị nói: “Chị là hộ nghèo, chồng chết nên phải một mìnhvất vả nuôi hai con ăn học. Sư côPhước Thiện bảo lên đây ăn cơm miễn phí”. Cạnh bàn chúng tôi có các em sinh viên năm thứ II, Khoa Du lịch, Đại học Huế. Em Hồng Thương nói: “Cơm ngon, giá rẻ ”. Em Huỳnh Anh Tuấn, sinh viên năm thứ I, Đại học Y Dược Huế nói thêm: “Đồ ăn ngon, phong phú”. Sau khi ăn xong, tất cả mọi người đều tự tay rửa chén bát, sắp xếp gọn gàng rồi mới rủ nhau về cư xá nghỉ ngơi.
Chung sức vì ngày mai
Tôi trực tiếp gặp em Hoàng Thị Dạ Thảo, sinh viên năm thứ II, Đại học Sư phạm Huế đang bán phiếu cơm. Em nói: “Con là sinh viên tình nguyện, con nghỉ buổi sáng nên ghé quán lặt rau, sơ chế, dọn dẹp rồi ngồi bán phiếu cơm, ăn trưa xong con đạp xe đi học. Có khi vụng về, con cũng bị la nhưng con không buồn vì đó là các cô dì chỉ dạy cho con”.
Trước đây, quán cơm chay Huế Thương do thầy Từ Thông ở chùa Từ Hiếu (TP.Huế) thành lập, đi vàohoạt động từ quý III - 2012, từ ý tưởng muốn trợ giúp cho các sinh viên nghèo hiếu học. Đến tháng 9-2014, thầy Từ Thông bận công tác Phật sự ở Thái Lan nên đã bàn giao cho SC.Thích nữPhước Thiệnquản lý.
Sư côPhước Thiệncho biết: “Hiện nay, quán đã được nâng cấp lên nhiều mặt, hàng tháng đều có ít nhất là 4 mạnh thường quân hỗ trợ tài chính để quán tiếp tụcduy trì, phát triển bền vững hơn. Đặc biệt là sự chung tay góp sức rất hiệu quả của đội tình nguyện viên chính là các bạn sinh viên đến từ các trường đại học thuộc Đại học Huế. Ngoài năm sinh viên nam thường trực, ăn ở tại đây, quán còn có một lực lượng tình nguyện viên lên đến cả chục người”.
Bình quân mỗi tháng, quán tiêu thụ 800kg gạo và khoảng 1.200 kg thực phẩm rau, củ, quả. Để có nguồn kinh phí ổn định, giúp quán hoạt độngbền vữnglâu dài luôn là bài toán nan giải, làm người quản lý phải luôn tìm tòi, suy nghĩ để có hướng đi thích hợp. Và, duy trì được một quán chay từ thiện có chất lượng, phải có những người giàu lòng từ bi như SC.Phước Thiện cùng hai chị đầu bếp giỏi là chị Hòa, chị Thanh Nhàn.
Các chị luôn sáng tạo ra những món ăn ngon, từ đó thực đơn cho sinh viên và khách hàng có thêm nhiều món ngon, rất phong phú. Được biết, chị Hòa trước khi đến với quán, chị đã tụng một biến kinh từ rất sớm, trong ngày nghỉ cuối tuần chị thường được mời đi tụng kinh ở các đạo tràng, hay nấu cơm chay cho khóa tu Bát quan trai ở chùa hoặc đám giỗ chay. Chị nói: “Tôi tự học nấu chay ở sách vở và ở những lần đi nấu thực tế với mục đích tự hoàn thiện mình để phục vụcơm chay cho sinh viên ngày càng tốt hơn”.
SC.Phước Thiệncho biết thêm: “Chúng tôi đang tính đến việc thuê thêm tầng trên để mở rộng diện tích, đáp ứng nhu cầu phục vụ các cháu sinh viên nghèo ngày một tốt hơn. Tất cả vì một hạnh nguyện góp phần nhỏ bé giúp các sinh viên nghèo có thêm nghị lực học tốt, để sau này thành người có ích cho quê hương, đất nước”.
Tạm biệt quán cơm chay Huế Thương, trong lòng tôi còn lưu giữ hình bóng trong sáng của các em sinh viên tình nguyện. Các em tất tả chia phần cơm, chạy tới chay lui, nhiệt tình phục vụ cho các bạn cùng lứa tuổi ăn cơm với gương mặt đầy hoan hỷ. Các em chung sức vì ngày mai tươi sáng…
Nguyễn Nguyên An | Giác Ngộ
Ấm lòng cơm chay Huế Thương
TP - Mỗi suất cơm chay chỉ 5.000 đồng dành cho sinh viên và hoàn toànmiễn phí đối với người lao động nghèo, người bán vé số, trẻ bán hàng rong…, quán cơm chay Huế Thương (số 96 đường Bà Triệu - Huế) đang trở thành địa chỉ nhân ái thầm lặng trên đất Cố đô.
Những bữa cơm giá rẻ tiếp sức cho sinh viên nghèo
Cơm chay trợ giá giúp sinh viên
Ra đời vào tháng 7/2013, những người tổ chức chỉ mong muốn giúp đỡ được nhiều học sinh, sinh viên, người lao động nghèo có những bữa cơm no để lao động, học hành.
Nhiều người con xứ Huế đang sống, làm việc ở trong và ngoài nước thông qua sự vận động của một vị tăng sĩ xứ Huế đã cùng nhau đóng góp kinh phí để mở quán cơm chaynhân ái Huế Thương.
“Từ sáng sớm cho đến chiều tối, mỗi ngày quán đón tiếp hàng trăm thực khách và phục vụ 300-350 suất cơm cho nhiều đối tượng khác nhau…”, anh Nguyễn Văn Sung, quản lý quán cơm chay Huế Thương, cho biết.
Tiếng là cơm giá rẻ hoặc miễn phí, nhưng nhìn mỗi suất ăn được phục vụ chu đáo, ít ai nghĩ rằng đó là thực phần giá chỉ 5.000 đồng, vì trong thực đơn luôn có ít nhất 3 món… được bày biện bắt mắt, hấp dẫn.
Để phục vụ tốt nhu cầu của khách, nhiều tình nguyện viên phải thức đêm, vượt gần 10km để đến chợ đầu mối thường họp vào buổi khuya, chọn mua nguyên liệu rau củ làm cơm chay.
Cứ 10 giờ sáng mỗi ngày, quán cơm trở nên rộn ràng, khi dòng thực khách từ nhiều nơi lại tấp nập đổ về để ghi phiếu và lấy cho mình một suất cơm giá rẻ. Có người chỉ mua 1 suất nhưng có thực khách lại đặt 10-20 phần cơm để bạn bè và người thân cùng ăn.
Cũng từ địa chỉ Huế Thương, nhiều bạn sinh viên đã trở thành những tình nguyệnviên phục vụ tự nguyện tại quán. Từ hơn 3 tháng nay, Nguyễn Bích Hạnh (quê ở Nghệ An, sinh viên năm thứ 3, Học viện Âm nhạc Huế) đã làm thuần thục các công việc phục vụ như lấy cơm, thức ăn và bê cơm khi khách gọi.
“Nghe bạn bè giới thiệu có quán chay vừa rẻ, vừa ngon lại hợp với túi tiền của sinh viên, nên em đã tìm đến ăn thử. Sau nhiều lần đến đây, em không biết mình đã gắn bó với quán từ khi nào nữa”, Hạnh chia sẻ.
Những suất cơm “đặc biệt”
Cầm trên tay xấp vé số vẫn chưa bán hết, hai cụ bà Nguyễn Thị Tư (68 tuổi, ngụ xã Phú Hồ, huyện Phú Vang) và Nguyễn Thị Cược (76 tuổi, quê Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, TT-Huế) cùng nhau đi vào quán cơm giữa trưa.
Đã thành thói quen như ở nhà, hai cụ bà đến bên bàn lấy phiếu có ghi dòng chữ “suất cơm miễn phí” để làm thủ tục nhận suất ăn. Vì các cụ là khách quen, nên các tình nguyện viên luôn lấy thêm cơm và phục vụ chu đáo như những người cháu chăm lo cho bà mình vậy.
Cụ Cược kể: “Gần 3 tháng trước, đang đi bán vé số thì được người mua vé số đưa đến đây để ăn cơm miễn phí. Lúc mới vào ăn, nghe nói không phải mất tiền thì tui mừng lắm, không ngờ lại có nơi tốt như thế này”.
Được nhiều người cùng bán vé số dạo giới thiệu, bà Nguyễn Thị Tư cũng trở thành khách quen của quán. Hằng ngày, công việc bán vé số dạo chỉ giúp bà kiếm được vài chục ngàn đồng. Có cơm chaymiễn phí, nên bà Tư đỡ đi một khoản tiền ăn hằng ngày.
“Không chỉ được ăn cơm miễn phí ở đây, đôi khi tui còn nhận được cả gạo từ các nhà hảo tâm gửi cho mang về nhà nữa”, bà Tư cho biết.
"Không chỉ có cơm chaymiễn phí cho người nghèo trên địa bàn thành phố Huế, cứ vài tháng, nhóm thiện nguyện quán cơm Huế Thương còn dành tiền quyên góp hay trích quỹ bán cơm để tổ chức tặng quà (gồm gạo và quần áo) cho người nghèo vùng khó khăn thuộc hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị."
Kính gửi : Chư tôn Hòa thượng Trưởng lão,Chư Hòa thượng,Chư Thượng tọa, Đại đức Tăng ni,Quý Phật tử trong vả ngoài nước : THÔNG BẠCH ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2569 của HĐGPTƯ Chánh thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống,Tỳ kheo Thích Đức Thắng
Khởi sự với lòng từ mong muốn đem nguồn nước của đức “Đại Bi” khơi nguồn nơi khô cằn sỏi đá và thiếu nguồn nước vào mùa khô ở Đăk Nông, từ ngày 19 tháng Giêng năm Ất Tỵ (19/2/2025) chúng con đã đi tiền trạm, khảo sát các trường học/ khu dân cư cần giếng nước sạch ở Đăk Nông. Sau khi tiến hành khảo sát đợt 1 vào ngày 19/2/2025 và đợt 2 vào ngày 17/3/2025, chúng con đã chọn lọc trong số các trường đã khảo sát và quyết định tặng 18 giếng nước/công trình lọc nước phèn/máy phát điện cho 20 trường học thuộc tỉnh Đăk Nông (có 4 trường trong cùng khuôn viên đất ở 2 địa điểm sẽ sử dụng chung công trình được tặng).
Chúng con, chúng tôi Như Nhiên-Thích Tánh Tuệ là trưởng ban điều hành Hội từ thiện Trái Tim Bồ Đê (Bodhgaya Heart Foundation) xin được công bố tất cả các khoảng Tịnh tài bà con thương gửi cứu trợ nạn nhân động đất xứ Miến. (Nếu có bị thiếu sót tên các vị đã đóng góp, xin liên lạc cho chúng tôi biết để bổ sung. Danh sách này sẽ được cập nhật (Update) 1 lần nữa trước ngày kết thúc các chuyến cứu trợ vào 5/5/2025.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.