Mai Diệu
1. Năm 2010, tôi bị sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị tại một bệnh viện ở quận Gò Vấp - TP. Hồ Chí Minh. Trong những ngày nằm viện, tôi và mấy bệnh nhân chung phòng bất đắc dĩ phải "tiếp" một người phụ nữ.
Chị ta đến với một gương mặt thiểu não và bộ dạng thảm thương. Chị ta cho biết mình đang bị bệnh tim nhưng vì nhà nghèo không có tiền để mổ nên chị đành phải đi ăn xin, kiếm tiền để mổ.
Nghe chị ta trình bày về hoàn cảnh thương tâm của mình, nhiều bệnh nhân cũng như những người đi thăm nuôi bệnh đã chia sẻ bằng những đồng tiền có thể của mình với phương châm "lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn". Tuy nhiên, khi chúng tôi đem câu chuyện này ra kể với mọi người thì chị T - vợ của một bệnh nhân ở phòng bên cạnh khẳng định: "Các anh đã bị lừa!". Qua miêu tả của chúng tôi về người phụ nữ có hoàn cảnh đáng thương đó, chị T quả quyết: "Chính tôi đã mắc lừa người phụ nữ đó!".
Chị T kể: Trong một lần chị nuôi chồng bị bệnh tại bệnh viện này, chị cũng gặp người phụ nữ ấy. Chị ta cho biết mình đang bị bệnh tim trong khi chồng vừa bị chấn thương sọ não sau vụ tai nạn giao thông và đang nằm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực. Xót xa trước hoàn cảnh " thảm thương" của chị ta, chị T vét sạch túi được hơn 2 triệu đồng và đem số tiền đó "giúp đỡ". Nào ngờ, mấy hôm sau, chị T gặp lại người phụ nữ đó ở căng-tin của bệnh viện khi chị ta đang "vẽ" ra những hoàn cảnh "bi thương" khác. Biết mình đã bị lừa nhưng chị T vẫn bình tĩnh đến tìm hiểu thực hư thế nào. Khi chị T đặt vấn đề "chồng của cô hiện nằm ở khoa nào thì hãy đưa tôi đến thăm, tôi sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí điều trị?". Biết không qua mặt được chị T, người phụ nữ có hoàn cảnh "thảm thương" kia chỉ còn biết quỳ xuống cầu xin chị T tha thứ. Chị T đành báo cho bảo vệ của bệnh viện để "trục xuất" chị ta ra khỏi bệnh viện.
2. Rằm tháng Giêng vừa qua, gia đình tôi vào chùa Phổ Quang để lễ Phật. Như thường lệ, đứa con trai 10 tuổi của tôi đem những đồng bạc nhỏ nhoi do cháu góp được hàng ngày để giúp đỡ những người ăn xin. Lễ Phật xong, chúng tôi ra về. Bất ngờ, con tôi thốt lên: "Ủa! Sao ăn xin mà cũng có điện thoại di động ?!" Để xác minh tính xác thực của điều cháu vừa nói, tôi hỏi: "Con có chắc không?". Chỉ tay về phía "ông cụ" đang nói chuyện điện thoại phía ngoài cổng chùa, con tôi bảo: "Đúng rồi! Lúc nãy con mới cho ông cụ đó 2.000 đồng mà". Quan sát lại một lần nữa, con tôi khẳng định: "Ông cụ này thường ngồi xin ở phía trước nơi đặt tượng Quan Thế Âm Bồ tát và lần nào đi chùa con cũng gặp".
Những ngày đầu năm 2011, dư luận đã một phen "choáng" khi cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng gia đình của một người phụ nữ ăn xin "triệu phú". Tổng tài sản gồm tiền mặt và vàng bạc mà người phụ nữ ăn xin này có được trong tay lên đến 100 triệu đồng - một số tiền mà nhiều người dân lao động bình thường phải mơ ước. Phương châm "làm việc" của chị ta là dắt hai đứa con nhỏ với bộ dạng rách rưới nằm ở các ngã ba, ngã tư đường để ăn xin. Chị ta đã đánh vào tâm lý "thương người" của mọi người để trục lợi.
3. Đang cùng gia đình ngồi xem phim ngày Chủ nhật thì anh H (ngụ ở Gò Vấp - TP.Hồ Chí Minh) nghe tiếng gõ cửa. Mở cửa ra, anh H thấy trước mắt mình là một người trong y phục của một vị sư. Vị "sư" niệm Phật rồi giới thiệu với anh H là mình tu tại chùa X nào đó, hôm nay đến nhà để phát lộc. "Lộc" được đựng trong bao giống như bao lì xì, bên trong chứa một tờ 2.000 đồng và một tấm hình nhỏ màu vàng có in Đức Phật. Phát "lộc" xong, "sư" đề nghị anh H bốc số may mắn. Tin lời, anh H bốc được số 25! Vị " sư" đề nghị anh H mua 25 bó nhang và tính tiền thành 500.000 đồng! Sau này nghĩ lại, anh H mới biết mình bị những kẻ lợi dụng hình thức tôn giáo, giả sư để lừa mua nhang với giá trên trời. Tương tự, anh Th ở quận Tân Phú cũng được một vị "sư" đến nhà phát "lộc", "bốc số" và đề nghị mua nhang. Khi anh Th từ chối mua nhang với lý do nhang ở trong nhà đang còn nhiều thì vị "sư" hù dọa với những lời lẽ hết sức mê tín dị đoan và thu hồi "lộc" đã phát.
Lâu nay, các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo Giác Ngộ đã đề cập nhiều đến vấn đề "sư" giả. Với bộ quần áo nâu sồng, các "sư" giả đã rong ruổi khắp các con phố, khắp các điểm dân cư để "khất thực", để làm "việc thiện" và kêu gọi sự đóng góp, hỗ trợ của mọi tầng lớp nhân dân. Có nhiều cách để các nhà sư giả trục lợi nhưng phương thức hoạt động chủ yếu của nhóm "sư" giả là "phát lộc", " bốc số" và bán nhang hoặc xem bói rồi "phán" rằng gia đình gia chủ đang gặp rắc rối cần phải "cúng", phải "giải hạn" bằng cách đưa tiền và lễ vật cho "thầy". Nếu gia chủ không làm theo sự chỉ bảo của "sư" thì sẽ bị "trên" trừng phạt như làm ăn không gặp may mắn, gia đình sẽ gặp hoạn nạn và ngược lại, nếu làm theo lời "thầy" thì sẽ được "trên" phù hộ, sẽ gặp được nhiều may mắn.
Tinh thần "tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách" là một trong những truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Tuy nhiên, một số kẻ xấu đã lợi dụng tinh thần đó để trục lợi, để làm những việc trái với luân thường, đạo lý của dân tộc Việt nói chung và tinh thần từ, bi, hỷ, xả của Phật giáo nói riêng. Hành vi lợi dụng lòng tốt của mọi người để trục lợi của các đối tượng trên không những vi phạm nghiêm trọng đến nền đạo đức xã hội mà còn đánh mất đi lòng tự trọng, danh dự của chính bản thân họ cũng như chà đạp lên lòng tốt của người khác. Mặc dù trong xã hội hiện nay còn rất nhiều hoàn cảnh, nhiều mảnh đời bất hạnh, đáng thương cần được sự quan tâm giúp đỡ, cần được chở che bởi lòng tốt của mọi người. Khi niềm tin đã bị đánh cắp, khi "trắng đen lẫn lộn, thật giả khó lường" thì hậu quả thật khôn lường, trong đó hệ lụy nhãn tiền có thể nhận thấy là con người ngày càng trở nên vô cảm.
Mong Giáo hội có những thông tri, nhờ các phương tiện thông tin đại chúng chuyển tải đến với đông đảo quần chúng, để họ hiểu và có thái độ dứt khoát trước những kiểu lợi dụng lòng tin, đặc biệt là tín ngưỡng đạo Phật để trục lợi, nhằm loại trừ những hiện tượng "giả sư" làm ăn phi pháp, làm tổn thương đến niềm tin tôn giáo, ảnh hưởng xấu đến sự trang nghiêm của Giáo hội nói riêng và Phật giáo nói chung.
Thiết nghĩ, việc làm này cần được các cấp Giáo hội làm ngay và làm một cách triệt để, đó cũng là một trong những việc làm hộ pháp - giữ gìn sự tôn nghiêm của Tăng đoàn - hình ảnh tiêu biểu của Phật giáo.
Mai Diệu (Giác Ngộ)
Chú thích:
Hình bên trên: Một sư giả đứng bên người ăn xin ở Dinh Bà Cố (BR-VT) - Ảnh: Thiện Đông: http://www.giacngo.vn/tuvien/2011/03/20/72E448/
Xem các bài báo viết về nạn sư giả tại Việt Nam:
Mạnh tay" với những hình ảnh không đẹp (Giác Ngộ)
Ưu tư về nạn sư giả (Giác Ngộ)
Sư giả ở lễ hội chùa Bà, Bình Dương (Đạo Phật Ngày Nay)
MỘT VÀI HÌNH ẢNH
Hàng năm, đúng vào ngày rằm, du khách từ bốn phương lại kéo nhau về chùa Bà Thiên Hậu (thị xã Thủ Dầu Một) để thắp hương dâng lễ cầu phúc, cầu lộc, may mắn cho năm mới. Cũng ngày này, trước cửa chùa Bà, xuất hiện đội ngũ "sư" xếp hàng dài xin bố thí.
Tôi tiếp cận, giương máy ảnh chính diện chụp ông Sư - Lực sỹ này. Vị này chột dạ, bối rối một chút rồi bỏ khu Lò Đúc lẩn rất nhanh qua khu Thi Sách hành nghề tiếp