Cuộc Hành Trình Dharamsala - Ngày Trở Lại New Delhi (Bài 4/4) - Bích Phụng

28/07/201112:00 SA(Xem: 66419)
Cuộc Hành Trình Dharamsala - Ngày Trở Lại New Delhi (Bài 4/4) - Bích Phụng

CUỘC HÀNH TRÌNH DHARAMSALA (Bài 4/4)
(Ngày trở lại New Delhi)

Bích Phụng

Hôm nay là ngày 12-3-2011, mọi người thức dây thật sớm để sửa soạn cho một ngày dài về lại New Delhi. Không khí ban mai se lạnh nhưng trong lành, chúng tôi ra ngoài sân khách sạn cố hít thở những làn không khí tươi mát trên núi cao cùng ngắm nhìn khách sạn và cảnh vật xung quanh lần cuối.

Rời khách sạn Hoàng Gia để xuống bến xe bus khi trời vừa ửng sáng. Đoàn xe con uốn lượn qua những con đường hẹp ven sườn núi để lại đằng sau thành phố trên cao. Thôi giã từ Dharamsala, giã từ Đức Đạt Lai Lạt Ma, đấng thánh thiện tôn quý, giã từ những người anh em Tây Tạng lưu vong vẫn đang mong chờ ngày trở về cố hương bên kia dãy núi.

Hôm nay xe chạy vào ban ngày nên chúng tôi được ngắm nhìn cảnh núi rừng, những đỉnh núi tuyết xa xa cùng phố xá hai bên đường. Cuộc hành trình, theo dự kiến sẽ kéo dài từ sáng sớm đến tối mịt mới tới New Delhi.

Đoàn xe đi qua nhiều thị trấn nhỏ nghèo, nhà cửa đơn sơ, lụp xụp, cánh đồng đất đai khô cằn. Chúng tôi thấy vài ngôi nhà xây dở dang. Nghe nói đời cha không đủ tiền xây, để lại đời con tiếp tục và cứ như thế, một ngôi nhà có thể vài đời mới xây xong. Thỉnh thoảng lại thấy những người phụ nữ Ấn với hai bàn tay trần ngồi trộn phân bò với rơm làm thành từng bánh, phơi khôi để nấu bếp thay than đá hay dùng để đắp lên tường nhà làm vật cách nhiệt. Nơi xứ này bò, chó và người cùng nhau chung sống hòa bình.

dharamsala-105smXe tiếp tục chạy, khi qua một thị trấn, chúng tôi thấy hai bên đường dân chúng đang đào mương đắp đất. Có những phụ nữ gầy ốm đội những thúng đất hay đá trên đầu làm những công việc nặng nhọc, trông rất vất vả. Hình ảnh này chúng tôi cũng thấy ở nhiều nơi khác trên đất Ấn. Tuy có một điều làm tôi nhớ mãi là cho dù bất cứ nơi đâu, đi dạo ngoài đường phố, đi làm việc đồng áng, công trường xây cất hay đi ăn xin, phụ nữ Ấn Độ cũng đều mặc trang phục sari truyền thống mầu sắc sặc sỡ.

Trời xế trưa, đoàn xe dừng lại ở một quán ven đường. Một người trong đoàn vừa cười vừa nói: “lại vào nhà hàng năm sao nữa rồi, bà con ơi mang theo mì li vào sắp hàng mua nước sôi….” Chúng tôi ai cũng cười, mặc dầu vừa đói vừa mệt. 

dharamsala-104-smSau bữa ăn trưa chúng tôi tiếp tục lên đường về New Delhi, đi ngang qua thành phố Chandigarh, một thành phố khá lớn, khang trang, sạch sẽ mà tour guide cũng như người tổ chức không hề cho biết sơ qua về thành phố này. Nhưng trong xe có một cô Phật tử từ Canada đã từng đến đây du lịch cho biết Chandigarh là một thành phố kiến trúc mang dáng dấp quốc tế, hiện đại, dân số gần một triệu người mà đa số người mang họ Singh theo đạo Sikh [1]. Hai bên đường có những ngôi đền của đạo Sikh to lớn tráng lệ. Ông Manmohan Singh, Thủ tướng Ấn hiện nay cũng xuất thân từ thành phố này. Nghe nói thành phố có ba cái nhất, số người biết chữ nhiều nhất, có lợi tức đầu người cao nhất và sạch sẽ nhất ở Ấn Độ. Thành phố lại có luật cấm hút thuốc lá và sử dụng bao plastic đựng đồ nhằm tránh gây ô nhiễm môi sinh.

dharamsala-101Một người bạn hỏi tôi, chị thấy Ấn Độ chưa và có gì khác giữa Dhramsala và New Delhi? Quả thật một câu hỏi khá bất ngờ. Về xứ Ấn, thấy thì thấy rất nhiều trong suốt cuộc hành trình hơn 20 ngày qua nhưng chỉ thấy nhiều cảnh nghèo khổ cơ cực của người dân Ấn. Còn sự khác biệt giữa Dharamsala và New Delhi! Có chứ! ở Dharamsala, tôi chưa thấy một người Tây Tạng nào đi ăn xin hay ngủ ngoài hè phố, có thể vì thời tiết trên núi cao chăng? Ngược lại ở New Delhi và những nơi tôi đã đi qua, gặp rất nhiều những phụ nữ bồng bế con, các người già nghèo khổ cùng các trẻ em đi ăn xin. Những em bé này đều ở trong độ tuổi cắp sách đến trường, thân thể gầy yếu, quần áo lôi thôi lếch thếch vây quanh những người hành hương cố xin tiền. Đa số họ đều thuộc câu “NamA Di Đà Phật”, phát âm bằng tiếng Việt rõ ràng. Nhìn chúng, tôi thật thương cảm, không biết tương lai các em rồi sẽ thế nào? Tôi tự hỏi những người dân quá nghèo khổ như thế, việc kiếm sống hàng ngay cũng đã khó khăn, làm sao có cơ duyên học hỏi đạo pháp để chuyển hóa nghiệp lực, cho nên nghèo quá hay giầu quá cũng khó tu. Và nước Ấn Độ một cường quốc với hơn một tỷ dân, sở hữu bom nguyên tử, tầu sân bay và hỏa tiễn bắn tầm xa lại là một nước nghèo đến thế sao? Hay có lẽ những điều tôi thấy biết chỉ là một phần nhỏ mà không phải là toàn cảnh của xứ Ấn.

Trong suốt cuộc hành trình dài khoảng tám ngàn cây số vừa qua, ngoài hai chuyến xe lửa đêm, còn lại chúng tôi đi toàn bằng xe buýt, việc di chuyển rất vất vả và mất quá nhiều thời giờ, một phần vì đường quá xấu, phần khác vì nạn kẹt xe. Khởi hành từ thị trấn Dharamsala khi trời vừa sáng mà mãi đến gần khuya mới về tới New Delhi. Điều đầu tiên, đập vào mắt tôi khi trở lại thành phố là New Delhi là bụi rác và đông người. Mặc dầu về đêm nhưng vẫn còn nhiều xe đủ loại tranh nhau trên đường phố. Thành phố ô nhiễm đến độ nhìn vào khoảng không chỉ thấy một màu mờ mờ dưới ánh đèn vàng. Không khí khó thở và ngột ngạt. Thật quả là nếu chưa đến New Delhi, chắc chắn khó mà tưởng tượng nổi một thành phố như vậy. Thành phố Sài Gòn có thể kết nghĩa anh em với New Delhi được.

Về đến khách sạn, tôi thấy mệt rã rượi cả người. Một ngày dài đã trôi qua từ lúc sáng sớm tới gần nửa đêm. Tôi thầm nghĩ là chuyến hành trình khó nhọc đi Dharamsala đã qua rồi nhưng cũng may gặp được Đức Đạt Lai Lạt Ma và được ngài ban cho những lời dạy vô cùng quý giá để mang về thực hành trong cuộc sống, làm hành trang tu tập trong đời

 

Thực tình mà nói, chuyến đi Ấn Độ nhiều vất vả nhưng cũng học được nhiều điều, nhất là được nhìn lại chính mình, xem trình độ tu tập, xem tâm buông xả của mình tới đâu khi chạm phải thực tế với những điều bất như ý từ những người bạn đạo hay từ những tăng ni trong đoàn. Ngoài ra còn ghi nhận được nhiều cảnh đời xót xa từ gần đến xa, từ khách sạn đến ngoài đường, ngoài phố. Bây giờ tất cả đã trôi qua như những giấc mơ.. Tôi thầm đọc bài kệ trong kinh Kim Cang [2], “Nhất thiết hữu vi pháp, Như mộng huyễn bào ảnh, Như lộ diệc như điện, Ưng tác như thị quán” và ….ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

******

Sáng thức dậy thấy mọi người lục tục kéo hành lý ra quầy tiếp tân, biết là hôm nay là ngày cuối trả phòng để đi thăm bảo tàng viện và quảng trường India Gate rồi đợi đến chiều tối ra phi trường trở về Mỹ. Thế là hoàn tất chuyến hành hương Ấn Độ, Nepal và Dharamsala với nhiều kỷ niệm khó quên. Hơn ba tuần lễ đã thoáng qua, tuy không dài, nhưng cái bóng của thời gian ấy đã ghi đậm trong tâm tôi. Tôi có duyên may được đi trên những con đườngđấng Thế Tôn đã đi qua trong cuộc hành trình của Ngài đi tìm con đường giác ngộ giải thoát cho chúng sinh. Tôi đã trở về thăm quê hương Ngài, chiêm bái Tứ động tâm, bốn thánh tích đã làm rung động trái tim nhân loại. Tôi và đoàn hành hương cũng được Đức Đạt Lai Lạt Ma trực tiếp khuyên nhủ rằng: “Đừng xem Đức Phật như một đấng tạo hóa thần linh đầy quyền năng sáng tạo, có quyền ban phước giáng họa cho muôn loài. Đừng cầu xin van lạy Ngài mà phải nỗ lực tinh tấn tự thân tu tập hàng ngày, nỗ lực phát triển tâm từ, tâm bi.” 

Nếu Đức Phậtquyền năng thay đổi được nghiệp của chúng sinh thì Ngài không chờ được chúng sinh lễ lạy mới cứu giúp. Ngài không thể vượt qua được quy luật nhân quả, nên đã dạy chúng sinh phải tự tu để chuyển nghiệp cho bản thân. Ngài cũng dạy chúng ta không nên quan niệm Đức Phật nơi sắc tướng bên ngoài, không nên quan niệm khi thấy được hình dung gọi là thấy Phật [3]. Phật không phải ở bên ngoài. Phật thật phải chính ở nơi bản tâm mình. Khi nào tâm mình lặng hết vọng tưởng, tâm thanh tịnh, tâm sáng suốt thì ngay đó Phật thật của mình mới hiện ra, khỏi cần tìm kiếm ở đâu xa.

Biết ơn Đức Phật thì phải hành trì lời Phật dạy: “không làm điều ác, siêng làm việc lành, tự thanh tịnh tâm.”[4] để bước đi trên con đường giác ngộ giải thoát.

Nói tóm lại, là Phật tử ai trong chúng ta cũng ao ước có được một lần về thăm quê hương Đức Phật, nếu chúng ta có được duyên lành và sức khỏe tốt đến tận Ấn Độ chiêm ngưỡng các thánh tích, được đi trên những con đườngxưa kia Đức Phật đã đi qua là điều rất quý. Tuy nhiên, con đường trên mặt đất đó chỉ là hình tướng, hàng ngày có thể có cả ngàn người đi qua lại. Con đườngĐức Phật chỉ dạy cho chúng ta bước theo Ngài là CON ĐƯỜNG TÂM, cho nên những ai hành trì theo lời Ngài dạy, thì dù ở khắp bốn phương trời hay chưa từng tới Ấn Độ cũng vẫn được giác ngộ giải thoát, ví dụ như chư Tổ Thiền Tông: Đức Lục Tổ Huệ Năng, Tổ Lâm Tế…, hoặc Tổ Trúc Lâm của Việt Nam.

Bích Phụng


[1] Trước tên của người Sikh Ấn Độ (đối với nam giới) thường mang dòng họ Singh (last name) khi rửa tội để theo đạo Sikh. Tập tục này có từ năm 1669. Ngoài ra, một số người dùng làm tên đệm (middle name) nhằm biểu hiệu hay có liên hệ đẳng cấp cao trong xã hội ở một số vùng lãnh thổ.
[2] Dịch nghĩa là: Tất cả các pháp hữu vi, sanh diệt / Đều như mộng huyễn, bọt, ảnh / Như sương mai, và cũng như ánh chớp / Hãy nên luôn quán chiếu như thế.

[3] Kinh Kim Cang: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai”. Nghĩa là: phàm cái gì có hình tướng đều là hư dối, nếu thấy các tướng, chẳng phải tướng thật, chính đó mới thấy được Như Lai. Như laibất sanh bất diệt, còn các tướng đều sanh diệt hư dối không thật. Phật dạy, ngoài tâm mà cầu Phật đó là ngoại đạo.

[4] Câu kệ trong Kinh Pháp Cú: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo”.

DƯỚI ĐÂY LÀ CHÙM ẢNH

dharamsala-104

Nhà hàng ăn trưa trên đường trở lại New Delhi

dharamsala-109

Phụ nữ Ấn đang gặt lúa trên cánh đồng

dharamsala-105

Phụ nữ Ấn đang làm việc nơi công trường xây cất (đàn ông đâu nhỉ)

dharamsala-107

dharamsala-102

Quang cảnh phố đêm tại Delhi

dharamsala-108

Homeless bên đường phố

dharamsala-106

Cảnh ô nhiễm trên đường phố New Delhi vào ban đêm lúc chúng tôi trở lại thành phố

Xem thêm:

CUỘC HÀNH TRÌNH DHARAMSALA (Bài 1) Ngày lên Dharamsala

CUỘC HÀNH TRÌNH DHARAMSALA (Bài 2) Tham dự lễ kỷ niệm Ngày Đồng Khởi

CUỘC HÀNH TRÌNH DHARAMSALA (Bài 3) Hội kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma

CUỘC HÀNH TRÌNH DHARAMSALA (Bài 4) Ngày trở lại New Delhi  

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/07/2013(Xem: 12943)
21/07/2013(Xem: 12909)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.