Về thăm quê Phật

05/05/20191:02 SA(Xem: 5126)
Về thăm quê Phật

VỀ THĂM QUÊ PHẬT
Nam Phương

    

Bồ Đề Đạo Tràng
Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Phật thành đạo

Đúng 30 ngày trong chuyến thăm Á châu vừa qua, chúng tôi đã đến đất nước Campuchia thăm 2 ngôi đền thờ nổi tiếng Angkor Wat, Angkor Thom, rồi cũng có duyên được đến thăm ngôi Trường tiểu học trên bè nổi và ủy lạo thực phẩm cho những người VN sinh sống ở vùng Biển hồ Tonglesap. Được về Hà nội, được lên đỉnh núi Trúc Lâm Yên tử, có mây trắng lững lờ, có cây sứ già 700 năm tuổi và thăm ngôi chùa Hoa Yên, nơi có tháp thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người cũng đã từ bỏ ngai vàng đến đây tu tập. Thăm Chùa Bái Đính và xuống thuyền đi khám phá chín hang động tự nhiên của khu di tích Tràng An (Ninh Bình), với khung cảnh núi trời hùng vĩ, mây thấp ngang đầu, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Thăm Vịnh Hạ long với những ngọn núi lớn nhỏ, nằm giữa biển khơi mang nhiều hình dáng kỳ vĩ khác nhau. Tất cả dệt nên một khung cảnh u huyền, mờ ảo bởi những hạt bụi mưa rất nhỏ vì tiết trời đang là mùa xuân, khiến du khách tưởng chừng như đang lạc vào chốn không gian ảo huyền nửa hư nửa thực. Nhưng rồi tất cả những hình ảnh tuyệt đẹp ấy cũng đi vào ký ức. Điều đặc biệt mãi mãi còn lại và cũng là mục đích chính của chuyến đi này là được về thăm đất Phật. Qua chuyến đi đầy mãn nguyện này đã để lại rất nhiều dấu ấn cũng như những bài học và cảm xúc thật nhiều, khiến cho chúng tôi không thể không ghi lại những cảm xúc ấy như là một sự lưu giữ trân quý cho chính cuộc đời của mình. Tất cả những gì rồi cũng sẽ đi qua mà cơ hội gặp lại lần nữa chắc là không dễ.

    Đã từ rất lâu với ước mong một lần được về thăm quê hương của Đức Phật như lời dạy của Ngài trong kinh Đại Bát Niết Bàn trước khi nhập diệt. Lúc ấy Đại Đức Ananda đã hỏi Đức Phật nhiều câu hỏi để làm sáng tỏ thêm những điều trong giáo pháp cho các hàng đệ tử không còn hoài nghi. Trong những câu hỏi đó, Anan đã hỏi Đức Phật về cách thức sau này mỗi khi tưởng nhớ đến Đức Thế Tôn hàng tứ chúng có thể làm gì, thì được Đức Phật dạy rằng : Này Anan, các hàng tứ chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, thiện nam, tín nữ trong đời nên có một lần đến 4 nơi này để chiêm báitôn kính Như Lai. Bốn nơi ấy là

1/ Đây là nơi Như Lai đản sanh  (Lumbini )
2/ Đây là nơi Như Lai chứng ngộ Chánh đẳng chánh giác ( Bodhigaya )
3/ Đây là nơi Như Lai Chuyển pháp luân vô thượng ( Lôc uyển Isipatana )
4/ Và đây là nơi Như Lai diệt độ, nhập vô dư y Niết bàn ( Kushinagar )

    Này Anan ! những ai đến viếng bốn Thánh tích này (hay còn gọi là Tứ động tâm) hãy với tâm thâm tín hoan hỷ, để tinh tấn hành trì tu tập sẽ được nhiều phước báu giải thoát.

   Bốn Thánh tích này, ngoài là nơi để người Phật tử đến chiêm báitôn kính Đức Phật, còn mang một ý nghĩa rất sâu xa về sự hiện diện chắc thật của một bậc vĩ nhân, đó là Đức Phật. Một con người bình thường, không phải là Thần thánh vô hình hay tưởng tượng mà có quê cha đất tổ, có dòng tộc cội nguồn. Con người chân thật ấy với tâm chí vượt bậc vĩ đại, đã vượt thoát hết những ràng buộc vật chất thế gian, mở toang các cửa ngõ, xa lìa mọi ái trước, phiền não.

    Nói đến Ấn độ, ai cũng biết rằng đây là miền đất không an toàn về nhiều mặt mà qua sách vở, những bài viết hay kinh nghiệm của những người đã từng đến thăm đất Phật trước đây làm cho chúng tôi cũng khá hoang mang và lo lắng. Thế nhưng thật là nhiều thiện duyênmay mắn chúng tôi đã có một chuyến đi thực tế hết sức toàn hảo cả về tinh thần lẫn vật chất. Vì vậy trên tinh thần tri ân tất cả những gì mình có được, những niềm vui hạnh phúc trong chuyến đi, phải thành thật cảm ơn tất cả mọi người. Trước tiên xin kể đến Thầy Minh Hiếu, người đã nhiệt tình lo thủ tục ghi danh, đóng tiền, đi họp đoàn, nhận vé và chương trình tour đầy đủ rõ ràng, để biết mình ở nhóm nào và xe Bus số mấy trong suốt chuyến hành trình, cũng như được biết tên người trưởng đoàn của mình là ai, khi chúng tôi còn đang ở Mỹ. Bởi vì về đến VN chỉ một ngày sau, ngày 25-2-2019 chúng tôi phải trở lại phi trường Tân sơn nhất để đáp chuyến bay đi Ấn độ. Có lẽ đây là chuyến cuối cùng cho chương trình du lịch Ấn độ vì trong một năm thời tiết tốt nhất để đến đây chỉ từ tháng 11 đến tháng 3 mà thôi.

     Buổi sáng hôm ấy tại phi trườngTSN chúng tôi gặp trưởng đoàn và được phát ngay một tay nải còn gọi là ‘túi tăng’ hay ‘cái dèm’ màu nâu rất tốt, may thật đẹp là quà tặng của Việt travel dành cho du khách. Một tay nải đựng đầy những vật dụng cần thiết cho chuyến đi mà nhà tổ chức đã chu đáo sắp sẵn cho mọi người. Trong đó có một áo tràng màu lam, 1 cuốn kinh Phổ môn, một chuỗi tràng hạt, một mũ rộng vành, 1 mũ lưỡi trai, một quạt lụa vải với những câu thư pháp thật hay, một tọa cụ mỏng để ngồi lễ Phật và một đôi dép để đi trong chùa. Chuyến đi lần này khá đông khoảng 150 người nên Việt travel thuê bao hẳn một chuyến bay của Viêt nam Airline, với một tấm pano thật lớn ghi hàng chữ “Chuyến hành hương tâm linh”. Quả đúng như vậy bởi chuyến đi toàn là những người Phật tử thuần thành, mang theo tâm hồn của những người con kính mộ Đức Phật, nên hầu như ai cũng mặc những bộ đồ pháp phục trang nghiêmchúng tôi cũng vậy, đã chuẩn bị sẵn những bộ quần áo tự may thích hợp cho chuyến đi này. Đến mỗi nơi Thánh tích khi hành lễ tất cả mọi người đều phải mặc áo tràng nghiêm chỉnh vì vậy chuyến đi thật sự mang đúng ý nghĩa tâm linh của nó.

    Khi chuyến bay VN Airline đáp xuống phi trường Gaza lúc 10 giờ sáng, là một phi trường nhỏ nên thủ tục nhập cảnh cũng khá mất thời gian do máy móc check in cũ kỹ. Lúc mọi thủ tục đã hoàn tất chúng tôi được hướng dẫn đến xe Bus số 2 thì thấy trên xe đã có 2 vị thầy. Chúng tôi ngồi hàng ghế phía sau 2 thầy và được biết một vị là Hoà thượng Thiện Ý, Trụ trì chùa Linh Xuân quận 3 ở SG, sẽ phụ trách về nghi lễThượng tọa Thích Kiến Tuệ Trụ trì chùa Vạn Thông thuộc tỉnh Bà rịa Vũng tàu chuyên trách về thuyết giảng cho cả chuyến đi, nên cũng thật là hữu duyên được nghe nhiều bài pháp từ 2 vị trong suốt chuyến hành trình.

   

Đức Phật nhập niết bàn
Nơi Đức Phật Niết Bàn

Chương trình tour không dài, chỉ có 6 ngày 5 đêm nhưng rất đầy đủ và thật sự thoải mái với những khách sạn 4 sao, với 3 bữa ăn mỗi ngày ở nhiều nhà hàng khác nhau. Ngoài ra Việt travel còn cho mang theo nhiều món ăn chay, cả gạo VN nữa để nhà hàng nấu phục vụ thêm cho những du khách khó tính, có cả những hủ chao làm từ khoai môn thật ngon và cũng không thiếu cả ớt cho những người ghiền ăn cay. Mặc dù trước khi đi chúng tôi cũng đã chuẩn bị đủ thứ thức ăn kể cả mì gói để phòng bị mà rồi không hề phải dùng đến. Điều đặc biệt hơn nữa còn có một số nhân viên chuyên phụ trách hương đăng, mang theo rất nhiều những thùng trái cây, đèn, hương hoa quả, bánh kẹo để đến mỗi nơi Thánh tích đều thiết bàn thờ lễ bái trang nghiêm, lại có hai vị Thầy hướng dẫn cho mỗi khóa lễ nên thật là cảm kích, xúc động vô cùng. Sau mỗi buổi lễ tại mỗi nơi, các thứ trái cây thanh long, xoài, táo, quýt cam, bánh kẹo được Thầy phát lộc cho mọi người, nhiều đến nỗi suốt 6 ngày trên đất Ấn không hề thiếu trái cây mà cuối cùng còn phải đem tặng lại cho tài xế và hướng dẫn viên địa phương.

    Chuyến đi thật sự hoàn mãn tốt đẹp bởi tất cả mọi người đều vui vẻ, hoan hỷ không ai bị ốm đau, bệnh hoạn hay phiền lòng là một thành công cho ban tổ chức, đồng thời còn làm tăng thêm tín tâm cho người Phật tử. Viet travel cũng là nhà tổ chức chuyên nghiệp, chu đáo đến nỗi trong lần trên chuyến đi dài từ Bodhigaya đến Kushinagar bị kẹt xe rất lâu đến gần 10 giờ tối mới về đến khách sạn Mahabodhi Inn. Biết trước như vậy nên ban tổ chức đã liên lạc với chùa Kiều Đàm Di, một ngôi chùa VN to đẹp trên đường đi của Ni sư Khiết Minh, cho chúng tôi ghé vào ăn một bữa bún Huế buổi tối hôm đó thật là ngon vì ai cũng đói bụng và người nào cũng được mời ăn thêm cho no nên có người thoải mái ăn đến 2-3 tô. Các Ni sư trẻ VN trên đất Ấn thật giỏi, thật dễ thương, phục vụ hết cho tất cả các chuyến xe mà thức ăn vẫn không hề thiếu.

     Riêng với cá nhân chúng tôi thật sự còn thêm cảm nhận rằng mình có quá nhiều may mắnthiện duyên khi được tham dự chuyến đi này. Thiện duyên bởi tất cả 5 chuyến xe Bus của đoàn thì xe chúng tôi có được 2 vị Thầy, không những được nghe Pháp rất nhiều mà khi Thầy được nghỉ ngơi lại có anh hướng dẫn viên tiếp tục nói đạo cho cả đoàn nghe, cũng rất hay với nhiều kiến thức khá sâu về Phật Pháp. Ngoài ra trên xe còn có các nhân vật trong giới nghệ sĩ như cô diễn viên Hồng Trang, 2 em nghệ sĩ hài tên Huỳnh Trung và Kim Đào, có cả em người mẫu Thùy Trang cao 1m8 làm đoàn chúng tôi lúc nào cũng nổi bật, có vị giáo sư ở SG 79 tuổi biểu diễn Armonica và còn nhiều nhiều nữa những người không phải nổi tiếng nhưng hết sức dễ thươngthân thiện, làm ai cũng có cảm tưởng đi cùng những người bạn thân đã lâu năm lắm. Vì vậy mà có những ngày với chuyến đi dài như từ Bodhigaya đến Kushinagar là 320km hay từ Kushinagar trở về Varanasi đoạn đường dài 231km, hoặc có đoạn ngắn nhất từ Kushinagar đến Lubini là nơi Đức Phật Đản sinh nằm trên đất nước Nepal cũng 180 cây số mà xe thì phải chạy trên những con đường đất nhỏ hẹp, gồ ghề, bụi bặm, kẹt xe lại có những đoạn quanh quẹo chật chội đến nỗi 2 xe phải nhường nhau khoảng cách vài tấc đường mới có thể lách qua được. Vậy mà các bác tài ở đây vẫn nhẫn nại, hiền hòa vui vẻ, không thấy họ sân si hay gây gổ. Một phần nữa trên xe ngoài thời gian được nghe Pháp còn có chương trình văn nghệ, hát những bản nhạc đạo, nhạc quê hương, diễn kịch, tấu hài, cho dù xe có qua những đoạn ổ gà làm các em nghiêng ngã vẫn dựa vào thành xe tiếp tục trình diễn thật là dễ thương. Trên xe không lúc nào ngớt tiếng cười nên chẳng ai cảm thấy mệt mỏi. Bác tài cứ nhẫn nại làm công việc của bác còn chúng tôi thì ngồi trong máy lạnh coi chương trình live show thật vui và thoải mái. Thời gian tuy ngắn ngủi đi qua nhưng tình cảm lâu dài để lại cho nhau. Tất cả chúng tôi cùng hát bài Tạm biệt ‘Gặp nhau đây rồi chia tay, đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy…’ trong niềm vui và cả sự lưu luyến. Sau chuyến đi mọi người đều thấy gần gũi, thân thiết nhau hơn để đến bây giờ vẫn giữ liên lạc, vẫn  thường xuyên gặp gỡ nhau trên facebook.

    Đến nay thì những bài viết hay những lời đồn đại về các chuyến đi đến Ấn độ khó khăn, vất vả, bệnh hoạn, thiếu tiện nghi đã không còn là những trở ngại với chúng tôi. Nhưng thật sự đối diện với một đất nước Ấn độ đông đảo, nhếch nhác, nghèo khổ ở những vùng quê nghèo khó xứ Ấn mà chúng tôi đã nhìn thấy trên suốt đường đi, quả thật đã khiến cho lòng mình chùng xuống bao nhiêu lại càng thương Đức Phật bấy nhiêu. Hình ảnh đầu tiên về giai cấp nặng nề còn tồn tại ở đất nước này đã tác động đến tâm lý chúng tôi rất nhiều khi bước lên xe Bus. Nhìn thấy người tài xế ngồi trong cabin phía trước với một chiếc quạt nhỏ, còn phần xe của khách ngồi phía sau được ngăn bằng vách kiếng có cửa đóng kín để mở máy lạnh, làm tôi ngạc nhiên hỏi anh hướng dẫn viên vì sao lại không mở máy lạnh cho cả xe, thì được biết tài xế là giai cấp thấp, giai cấp phục vụ, không được quyền hưởng những dịch vụ cao cấp này. Chúng tôi chỉ biết lắc đầu không hiểu được, thấy thật tội nghiệp cho bác tài khi phải lái xe căng thẳng, đường phố chật chội lại phải chịu nóng bức và cũng không được vào nhà hàng ăn uống như chúng tôi. Chừng đó đã cho thấy sự bất công vô lý của xã hội Ấn độ, nói gì đến giai cấp bần cùng nghèo khổ Thủ đà la hay Chiên đà la. Rồi suốt mấy ngày qua trên dọc đường đi đã cho chúng tôi chứng kiến nhiều thêm nữa và cũng cảm nhận được nhiều hơn nữa lý do vì sao người dân Ấn vẫn còn quá nghèo và quá khổ.

    Khổ không tưởng được vì cuộc sống của họ không thể gọi là của con người dù rằng họ mang thân xác của người, nhìn cuộc sống của họ chẳng khác gì những con thú sống chung quanh họ: bò, trâu, dê, chó…cùng loanh quanh trong những căn nhà bằng đất lợp rơm thấp lè tè, không cửa nẻo không đồ đạc, trông chẳng khác gì cái hang hay cái chuồng mà cả người và thú vật vào ra không phân biệt. Các con vật tự do phóng uế chung quanh họ, nằm ngồi ngỗn ngang quanh họ, hay tự do đi lại bất cứ nơi đâu chúng muốn, thậm chí cả trên đường phố hay vào những khu chợ đông người cũng chẳng có ai phàn nàn hay xua đuổi. Cho đến tận bây giờ, thế giới đã tiến bộ đến đâu mà ở nơi làng quê Ấn độ vẫn còn cảnh những người phụ nữ ngồi trộn phân bò, nắm bằng tay gắn chung quanh vách nhà hay phơi trước sân cho khô dùng để nấu thay cho than củi.

    Ngay từ buổi chiều ngày thứ nhất khi đến thăm ngôi làng của tín nữ Sujata, người dâng cúng bát cháo sữa đầu tiên cho Đức Phật, sau khi Ngài xuống tắm ở dòng sông Niranjana (Ni liên thiền) để chấm dứt 6 năm khổ hạnh. Thì tại nơi đây chúng tôi bắt gặp những con người cùng khổ đã ngồi la liệt để xin ăn. Đủ mọi thành phần già trẻ lớn bé khó mà phân biệt được bởì sự đen đũi, nhếch nhác của họ. Nhìn những con người khốn khổ ấy ai cũng chạnh lòng, nhưng anh trưởng đoàn đã dặn dò cẩn thận, còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần là không thể phát tiền cho những người này được vì chỉ làm khổ họ bởi sự tranh giànhcuối cùng thì chính mình sẽ bị khổ vì không thoát ra được vòng vây của họ. Thế là mọi người đành ngậm ngùi nghe những lời than van xin xỏ mà không thể làm gì được. Ấn tượng đầu tiên ấy làm chúng tôi thấy ngỡ ngàng và buồn thật. Nhưng có lẽ cũng chưa thật sự khủng khiếp cho bằng ngày thứ hai khi đến thăm Núi Linh Thứu (Gridhakuta Peak) nơi mà Đức Phật đã thuyết giảng nhiều bộ kinh quan trọng và cũng là nơi trong những thời gian lưu trú ở đây Ngài phải tự mình xuống núi để đi khất thực mỗi ngày. Chúng tôi nhìn thấy con đường dốc quanh co khúc khuỷu đi dần lên đỉnh núi cao bằng những đoạn đường thoai thoải hay những bậc tam cấp, thì ở đó đã có không biết bao nhiêu con người, nhiều không thể tưởng, ngồi dọc theo triền núi trên những bậc thang lên đến tận những hang động mà Đức PhậtThánh chúng trú ngụ cách đây 2500 năm. Có một điều khủng khiếp ở đây là những chúng sinh ấy phần lớn là phụ nữ, những người già tàn tật và thậm chí đau lòng hơn nữa với những đứa bé chỉ 2-3 tháng tuổi, oặt oẹo, đen đũi như những con khỉ nhỏ được bà mẹ gầy guộc bế trên tay van nài xin xỏ. Bên cạnh những hình ảnh thương tâm ấy còn có cả các em nhỏ chỉ vài ba tuổi hay mới vừa biết nói, với một thân thể gầy còm, khô đét thảm hại. Thật là khó để diễn tả được cảm xúc của chúng tôi khi ấy. Một cảm giác ngậm ngùi chua xót cho thân phận một con người và cũng không hiểu ai đã dạy cho những người này, cả những đứa bé 2-3 tuổi học thuộc lòng câu Nam mô A Di Đà Phật để luôn miệng râm ran trong khi hai tay thì chắp lại vái lạy liên tục để xin tiền.

   Sự nghèo khổ quá mức ở đây đã khiến cho những người đàn ông cũng như những bé trai nghĩ ra cách kiếm tiền bằng việc học thuộc vài câu kinh tiếng Pali, rồi tìm mua những bộ y của các Tăng sĩ Phật giáo mặc vào với hy vọng được du khách cúng dường tiền cho họ, mà thật sự họ chẳng phải là Tăng sĩ Phật giáo nên chẳng hề biết đến giới luật của Phật là gì. Cho nên mới 5-6 giờ sáng, trời còn mờ tối, khi chúng tôi ra xe Bus để tiếp tục chuyến đi đã thấy rất đông những người này, họ đến chật sân khách sạn tụng kinh inh ỏi. Hoàn toàn không có oai nghi gì cả, ngoài bộ y mặc trên người. Thấy thì rất thương nhưng biết làm sao được khi cái nghiệp nghèo cùng khốn khổ không buông tha họ đã mấy ngàn năm nay. Cũng như những đức tin mù quáng không rời xa, vẫn bám rễ ăn sâu trong đầu óc của họ từ rất lâu đời, nên hằng ngày vẫn đến ngụp lặn dưới sông Hằng khi sáng sớm, lúc chiều hôm để mong được tẩy rửa tội lỗi mà thật sự chẳng có ai rửa tội hay cứu rỗi cho họ đưọc cả. Họ mang nghiệp khổvô minh, ái dục cho dù ánh sáng trí tuệ của Đức Phật đã chiếu rọi trên chính quê hương của họ mà chẳng ai tin nhận. Vì thế mà những tín điều của đạo lõa thể, thần lửa, thần Shiva hay nhiều loại thần thánh khác, thậm chí thờ cả súc sinh như con bò vẫn còn tồn tại mạnh mẽ ở đây. Cũng bởi vô minh như vậy nên cứ 12 năm một lần đến kỳ lễ hội Kumbh Mela vẫn có hàng triệu triệu con người kéo nhau về đây, nhúng mình xuống dòng sông Hằng đầy ô nhiễm mà họ tin là linh thiêng để được rửa sạch tội lỗi. Thật sự nhìn những ông đạo sĩ lõa thể, mặt trét đầy bột phấn với đầu tóc rối bù không tắm gội, bẩn thỉu cùng những bộ râu dài quấn thành từng bó thả trước ngực, thấy đã sợ mà vẫn được người ta quỳ lạy để xin ban phước, nghĩ thật cũng lạ.  

   Đức Phật cũng là người Ấn độ, nhưng nhìn những giáo chủ của các đạo giáo trên đất Ấn cho ta thấy cả một trời khác biệt. Đức Phật thì oai nghi, tăng tướng đẹp đẽ, trang nghiêm, nét mặt trong sáng, từ hòa vậy mà Ngài còn chỉ cho mọi người thấy cơ thể con người toàn là bất tịnh, là nơi tập hợp của 32 thể trược, đứng đầu là tóc, lông, móng, răng, da…Nên trong đêm khi rời Thành Ca-tỳ-la-vệ điều đầu tiên Ngài làm là cắt bỏ mái tóc, tiếp theo là trút bỏ bộ quần áo hoàng gia để đổi lấy vải màu hoại sắc, là thể hiện một sự quyết tâm, dứt khoát để đi đến tận cùng của con đường giác ngộ. Con đường này là con đường cứu khổ vạn loại chúng sinhĐức Phật đã chứng đạt và trao truyền cho nhân loại.

   Nên hôm nay được đến đây, được chiêm bái những Thánh tích, còn cho chúng tôi cảm nhận nhiều thêm nữa những điều kỳ diệu khi Đức Phật gọi đây là ‘bốn chỗ động tâm’, mà chỉ khi đặt chân đến đây mới thật sự thấu hiểu. Rất nhiều người với lòng tin quy kínhtri ân Đức Phật đã không khỏi rơi lệ khi đến những nơi này. Đứng ở đây, nơi Bồ đề đạo tràng với một không khí trang nghiêm, thanh tịnh dù có rất đông người vẫn tỏa ra một luồng năng lượng vô hình, khiến ai cũng phải bật khóc vì cảm kích xen lẫn những thương cảm khi tưởng nhớ đến Đức Phật, đến công hạnh và sự hy sinh vô bờ bến của Ngài. Rồi đến Kushinara, nơi bên trong tháp thờ đặt pho tượng Phật Niết bàn lớn, chỉ vừa bước vào bên trong bỗng dưng cảm xúc cũng dâng tràn, không hiểu tại sao. Đến Núi Linh Thứu cũng vậy, khi nhìn con dốc núi cao, hình dung mỗi ngày Đức Phật ôm bình bát đi khất thực cùng với những cảnh tượng nghèo khổ như chúng sinh ở đây, trong khi Ngài có dư thừa đời sống cao sang tột bậc thì lại khước từ, làm sao không khỏi động tâm cho được.

     Ngoài bốn Thánh tích như Bodhigaya, Kushinagar, Lumbini hay Sarnath (Lộc Uyển) là những địa điểm hành hương lớn, được chính phủ trùng tu, gìn giữ đôi chút vì lợi nhuận du lịch. Phần còn lại những nơi mà chúng tôi đi qua như Trúc Lâm Tinh xá, trường Đại học cổ xưa nhất Nalanda, Tháp Trà tỳ (Rammala Slupa),  dòng sông Ni Liên, làng Sujata, thành Vương xá, thành Ca tỳ la vệ hoặc đến thăm Thành phố Varanasi ( Ba la nại )… thì ở mỗi nơi ấy cũng chỉ là những phế tích hoang tàn với tường cũ, nền xưa cùng những hàng cây cổ thụ già nua nhiều năm tuổi. Mặc dù vậy những nơi này vẫn để lại trong lòng chúng tôi nhiều dấu ấn và đầy cảm xúc bởi đây là nơi đã từng in dấu những bước chân của Phật.

  Trong suốt 45 năm chỉ với đôi chân của mình Đức Phật đã đi bộ không biết bao nhiêu dặm đường từ Bodhigaya nơi Ngài Thành đạo, đến Lộc Uyển để hóa độ năm anh em Kiều Trần Như, rồi đi khắp các nẻo đường trên đất nước Ấn độ để truyền bá giáo phápcuối cùng về đến Kushinagar để Nhập Niết bàn khi Ngài đã 80 tuổi. Nếu không đến đây không thể nào hình dung được quãng đường dài mà Đức Phật đã đi qua trong suốt 45 năm, nếu không đến đây trái tim cũng không thể chạm đến được những cảm xúc sâu thẳm nhất mà cho đến bây giờ mỗi khi nghĩ lại vẫn còn thấy cay cay nơi mắt và có đến đây mới thấu hiều, mới cảm thông được những xúc cảm chân thành, thống thiết mà Ngài Huyền Trang đã ghi lại :

“ Phật tại thế thời ngã trầm luân                   
Kim đắc nhân thân, Phật nhập diệt              
Áo não thử thân đa nghiệp chướng            
Bất kiến Như Lai kim sắc thân”.                 
( Phật tại thế, con chìm đắm mãi
 Được thân người, Phật lại Niết Bàn
Tủi mình nghiệp chướng đa mang
Nên không thấy được thân vàng Như Lai ).                        
California, 10-4-2019
 Nam Phương

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
05/08/2010(Xem: 69578)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.