với nghệ thuật kiến trúc chùa tháp Đại thừa
Thanh Huyền
Lễ hội chùa Phú Tằng tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 14 đến hết ngày 16 tháng Giêng âm lịch hằng năm). Vào hội chùa, người dân nơi đây và nhân dân các vùng xung quanh đều sửa lễ về chùa dâng hương cúng Phật rất đông...
Người Việt có câu “Đất vua, chùa làng”. Vì vậy tự ngàn đời, trong tâm thức của con dân nước Việt, ngôi chùa chính là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để lương dân ngưỡng vọng, thờ phụng giữ gìn lẽ sống từ bi. Với người Việt, đạo Phật không chỉ là một tôn giáo hay tín ngưỡng mà từ lâu còn là một nét văn hóa. Tuy mỗi chùa có một vẻ khác nhau không chùa nào giống chùa nào nhưng có một điểm chung là đều có một khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng như muốn đưa con người vào cõi thiền để tu nhân tích đức, làm điều thiện, tránh cái ác. Bao đời nay, tiếng mõ cầu kinh, tiếng chuông chùa đã để lại ấn tượng mạnh trong tâm khảm con người Việt Nam, vừa có ý nghĩa tâm linh vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và Sùng Quang tự cũng là một trong những ngôi chùa như thế.
Sùng Quang tự hay còn gọi là chùa Phúc Tằng (gọi theo tên thôn), xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là công trình tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân địa phương ngôi chùa này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về giáo dục truyền thống và nghiên cứu lịch sử văn hóa, mỹ thuật cổ truyền dân tộc. Đây là ngôi cổ tự được nhân dân địa phương xây dựng với quy mô bề thế mang tính chuẩn mực của nghệ thuật kiến trúc chùa tháp theo tông phái Đại thừa ở miền Bắc Việt Nam. Chùa hiện còn lưu giữ nhiều tài liệu hiện vật quý, đó là: Hệ thống tượng Phật được tạo tác đẹp, quy chuẩn có giá trị nghệ thuật cao, bia đá tạo dựng vào triều vua Lê Thần Tông niên hiệu Đức Long năm thứ 3 (1631) cách ngày nay 380 năm. Là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ lâu đời, Sùng Quang tự hiện còn lưu giữ được một tấm bia có tên gọi là “Trùng tu Sùng Quang tự bi” tạo lập năm Đức Long thứ 3 (1631) có đoạn viết:… Phúc Tằng, Phúc Long đẳng xã có chùa Sùng Quang là nơi cổ tích danh lam, phía trước có dãy núi lớn Chu Tước hình thể đẹp đẽ, phía sau Huyền Vũ suối nước xanh xanh uốn lượn. Tả Thanh Long dẫn dòng nước đăng khoa như dải hoa bạc bao quanh. Hữu Bạch Hổ dãy núi xanh như hình giá bút ngọc chầu về. Ở giữa mở ra một khu đất Phật cao sáng, thiêng liêng, là nơi quốc dân thường đến cầu khẩn từ lâu rất linh thiêng, ứng nghiệm…Vào năm Canh Ngọ (năm 1630), chúa Thanh Vương Trịnh Tráng đứng đầu hưng công cùng với các quan đại thần đầu triều và các thiện nam, tín nữ công đức tiền của mua vật liệu quý, mời thầy giỏi, chọn ngày 15 tháng 12 khởi công trùng tu chùa cổ Sùng Quang với quy mô lớn: Xây dựng thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hậu đường, tả hữu hành lang đẳng tòa, xây dựng tam quan cùng với tường hoa bốn phía…”. Cũng theo nguồn di sản Hán-Nôm khắc ghi trên các cấu kiện kiến trúc ở tòa tiền đường chùa Phúc Tằng cho biết: Vào mùa Xuân năm Tự Đức thứ 34 (1881), khởi tạo điện gác chùa Sùng Quang; Tháng 4 năm Duy Tân thứ 5 (1911), chùa được trùng tu, tôn tạo. Như vậy, với niên đại trùng tu, tôn tạo cụ thể có nội dung rõ ràng, với các mảng chạm khắc mang dấu ấn đặc trưng của từng thời kỳ thể hiện rõ nét trên các cấu kiện kiến trúc hiện có trong di tích là căn cứ có giá trị khoa học giúp các nhà nghiên cứu nhận diện dòng chảy nghệ thuật điêu khắc truyền thống dân tộc.
Tọa lạc trên khuôn viên đất có tổng diện tích 4.482,9m2; Các hạng mục của chùa Phúc Tằng đều ngoảnh hướng Nam ghé Đông, được tạo bởi 3 công trình chính: Tòa Tam bảo, nhà tổ, vườn tháp. Tòa Tam bảo chùa Phúc Tằng có bình đồ kiến trúc hình chữ đinh (J), gồm 5 gian 2 chái tòa tiền đường và thượng điện 5 gian, mái lợp ngói mũi, bờ nóc, bờ chảy gắn gạch rỗng hoa chanh; tường xây gạch chỉ, bắt mạch để mộc.
Tòa tiền đường được tạo bởi 5 gian 2 chái, 8 mái, với 8 đao cong. Chính giữa đắp nổi đề tài Lưỡng long chầu nhật. Hai đầu hồi đắp nổi hai con kìm, miệng há rộng ngậm vào bờ nóc. Các đầu đao được tạo tác theo đề tài Long giỡn thủy tạo cho chùa một vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng. Trên bờ chảy đắp nổi hình con nghê ở tư thế đang chạy ngược xuống đầu đao. Giữa hiên và nội tự là hệ thống cửa bức bàn. Kết cấu chịu lực bên trong tòa tiền đường được tạo bởi 8 vì mỗi vì 5 hàng chân cột. Các vì tiền đường được gắn kết theo 2 kiểu thức: Hai vì gian giữa kết cấu kiểu giá chiêng trốn cột, các vì gian bên kết cấu vì theo kiểu con chồng giá chiêng. Vì nách gắn kết kiểu con chồng. Đầu dư phía trước được chạm đầu rồng với râu và đao mắt có hình lưỡi mác tù, tàu đao, lá mái được đặt trên đầu của các bẩy. Các cấu kiện được tạo bằng gỗ tứ thiết chắc khỏe, bào trơn, đóng bén, soi gờ, kẽ chỉ. Trên các con chồng ở vì nóc, vì nách đều chạm nổi hình hoa văn lá cúc lật, vân xoắn vân mây. Giữa các vì được liên kết với nhau bởi hệ thống xà thượng, xà trung và hạ cùng hệ thống hoành, dui mè.
Vuông góc với tòa tiền đường là thượng điện 5 gian, kết cấu khung mái là 6 vì nối, bờ hồi xây giật cấp kiểu tam sơn, gắn dải gạch rỗng hoa chanh, đắp nổi hoa văn lá lật, hoa văn kỷ hà. Đầu hồi đắp nổi hình hổ phù, hoa văn lá lật và hoa văn kỷ hà. Dòng lạc khoản cho ta biết công trình này đã được trùng tu năm Nhâm Ngọ (2002). Kết cấu chịu lực bên trong tòa thượng điện tạo bởi 6 vì, mỗi vì 4 hàng chân cột. Các vì nóc đều có chung kiểu thức thượng chồng rường, giá chiêng, hạ kẽ. Vì nách của hàng vì số 1 và 2 từ ngoài vào tạo kiểu ván mê được chạm nổi, chạm thủng, bong kênh với nhiều đề tài phong phú: Lân ở nhiều tư thế và kiểu dáng khác nhau vô cùng sống động, vân mây hình lưỡi mác tù, các đấu kê vê tròn nổi khối theo hình đào tiên. Trên các vì thượng điện đều trang trí cửa võng với đề tài tứ linh, tứ quý và các bức hoành phi câu đối. Hệ thống bài trí tượng trong chùa đều được đặt trên các bục xây gạch và phủ vữa. Trong thượng điện hệ thống tượng Phật được bài trí cao dần từ ngoài vào trong gồm 7 hàng tượng: Bộ tượng Tam Thế, bộ tượng Di Đà Tam Tôn, bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh, Di Lặc Tam Tôn, tượng Quan Âm, tòa Cửu Long và hai bên hành lang là bộ tượng Thập Điện Diêm Vương. Phía trước thượng điện đặt nhang án thờ chạm khắc nhiều đề tài phong phú, bên cạnh đặt cây nến, mâm bồng, lư hương, đỉnh hương. Hệ thống tượng Phật và các câu đối, hoành phi, cửa võng đều được chạm khắc tinh xảo, sơn thếp lộng lẫy.
Nằm sát phía bên trái chùa là nhà tổ, gồm 3 gian xây bình đầu bít đốc, tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, bờ nóc lợp ngói bò, bờ hồi xây gạch ngoài phủ vữa. Kết cấu chịu lực bên trong bởi 4 vì, mỗi vì 2 hàng chân cột, các vì nóc đều có kết cấu chung theo kiểu kèo kìm cánh báng. Hệ thống tượng thờ các sư tổ đều được đặt trên bục: Gian giữa đặt tượng Sư tổ Đạt Ma, bên trái đặt 3 pho tượng tổ chùa, bên phải là tượng mẫu. Phần hiên nhà tổ đặt 2 bia đá hai bên. Bên trái là bia đá niên hiệu Đức Long thứ 3 (1631) nói về nội dung trùng tu chùa; bên phải đặt bia Thần Tích niên hiệu Tự Đức thứ 29 (1876). Chùa Phúc Tằng xưa có 2 vườn tháp: Một vườn tháp ở vườn Cống (thuộc thôn chùa) nay không còn do bị bom Mỹ phá hoại, chỉ còn lại 3 ngôi tháp ở vườn chùa được xây bằng gạch, là nơi đặt xá lị của các vị tổ chùa.
Lễ hội chùa Phú Tằng tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 14 đến hết ngày 16 tháng Giêng âm lịch hằng năm). Vào hội chùa, người dân nơi đây và nhân dân các vùng xung quanh đều sửa lễ về chùa dâng hương cúng Phật rất đông, cầu cho một năm mới sức khỏe dồi dào, phong đăng hòa cốc và ngôi cổ tự này thu hút rất đông các Tăng, Ni Phật tử trong vùng về bái Phật.
Có thể nói, giá trị lớn nhất của di tích chùa Phúc Tằng là giá trị kiến trúc nghệ thuật. Nếu tòa tiền đường với lối kiến trúc chồng diêm tám mái với các mảng chạm nổi hoa văn lá cúc lật, vân mây, các vân xoắn hình chữ “S” hay hình dấu ngã (~), hỏi (?) được chạm nổi khối to mập mang phong cách đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc thời Nguyễn (thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX), thì tòa thượng điện các đề tài chạm khắc trên vì nóc, vì nách, đầu các kẽ, bẩy là những chú lân ngộ nghĩnh được thể hiện với nhiều kiểu dáng, trạng thái, kích cỡ khác nhau: Hai vì nách đầu tòa thượng điện là hình ảnh hai chú lân ngồi nghiêm trang, tư lự mắt nhìn thẳng, tai vểnh cao như muốn kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương trước khi vào bái Phật; các đầu kẽ, bẩy là những hoạt cảnh các chú lân đang nô đùa, đuổi bắt nhau ẩn hiện trong các dải mây có hình lưỡi mác tù. Trên các đầu dư phía trước tòa tiền đường, được chạm đầu rồng với râu và đao mắt có hình lưỡi mác tù bay ngược ra đằng sau, miệng rộng, mũi sư tử, răng nanh to nhọn, nhìn rất dữ tợn. Các nghệ nhân dân gian áp dụng phổ biến thủ pháp chạm kênh bong-là sự kết hợp của hai thủ pháp chạm nổi và chạm lộng, tạo thành nhiều lớp, nhiều không gian ngay trên một khối gỗ, một đề tài. Thủ pháp đồng hiện được áp dụng rất phổ biến. Các đề tài, hoạt cảnh được thể hiện đồng thời, không có sự ngăn cách tách bạch một cách rõ ràng, dứt khoát giữa các đồ án trang trí dù cùng được thể hiện trên một mảng. Từ đề tài trang trí đến thủ pháp thể hiện mang đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII-XVIII.
Vẻ đẹp kiến trúc và mỹ thuật điêu khắc Sùng Nham tự (chùa Phú Tằng) đã tạo nên sức hấp dẫn khách thập phương ở trong và ngoài tỉnh, đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển du lịch tỉnh nhà, giới thiệu với các tỉnh bạn nét độc đáo của văn hóa Bắc Giang. Trách nhiệm của mỗi người làm công tác quản lý di tích là phải giữ gìn những di sản văn hóa đó, càng giữ nguyên trạng càng tốt, nhất là khi trùng tu tôn tạo. Kiến trúc và điêu khắc ở mỗi ngôi chùa được bảo tồn và giữ nguyên trạng càng tôn thêm vẻ đẹp cổ kính đầy bản sắc của các ngôi chùa trên đất Bắc Giang nói riêng và những ngôi chùa xứ Bắc nói chung.
● "Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay - số 13