CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO
PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức
NHÌN QUA SỰ PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO TRÊN THẾ GIỚI
SUY NGHĨ VỀ CON ĐƯỜNG HIỆN ĐẠI HOÁ CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả (Hoa Kỳ)
I.- MỞ ĐẦU:
Là một Phật tử sinh ra và trưởng thành trong thế kỷ 20, đã trải qua những thăng trầm của vận nước nổi trôi, đã từng bị cuốn lôi trong cuộc chiến hai miền Nam-Bắc; giờ đây tuổi đã vào Thu, muốn được cống hiến chuỗi ngày còn lại cho việc hộ trì Phật pháp và phụng sự nhân sinh. Để làm tròn ý hướng tự nguyện này, chúng tôi phải tìm học và tu hành một cách nghiêm túc mới mong đạt được kết quả tốt đẹp.
Khi đi vào thực tế, điều đầu tiên đòi hỏi chúng tôi là phải có cái nhìn chính xác và tư duy đúng đắn. Từ đó nhìn vào chính mình và nhìn đến các nhân duyên kết hợp, cùng môi trường sống chung quanh từ gần đến xa khiến chúng tôi có rất nhiều điều trăn trở và thao thức. Nào là suy nghĩ về tinh thần phục vụ cá nhân đến việc Phật pháp phục vụ dân tộc, rồi xa hơn nữa là Phật giáo làm thế nào để chuyển hóa được con người thời đại, đem lại hòa bình và hạnh phúc thực sự cho nhân loại.
Những thao thức này, đối với một cá nhân thì có vẻ lớn lao như chuyện "đội đá vá trời”; nhưng với một tập thể, một cộng đồng tôn giáo thì là việc bình thường. Và cuộc Hội thảo khoa học với chủ đề “Phật Giáo Trong Thời Đại Mới: Cơ Hội Và Thách Thức” cũng không ngoài mục đích tìm giải pháp đóng góp của Phật Giáo Việt Nam "để ứng xử với tiến triển của thời đại và trả lời các nhu cầu của dân tộc" như đã ghi trong thư mời gửi đến chúng tôi.
II.- CÁI NHÌN TỔNG QUAN
Ở vị trí của một Phật tử hải ngoại, chúng tôi có cái nhìn bao quát về sự phát triển Phật giáo bên ngoài và ngay chính tại địa phương của mình cư ngụ, hơn là nhìn về Phật giáo trong nước. Chúng tôi chỉ nhận xét về bối cảnh chung, để vẽ ra một bức tranh toàn cảnh khiến cho Phật tử trong nước có sự hiểu biết tương đối trung thực và cập nhật về tình hình Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại nói riêng trong hoàn cảnh hiện tại. Từ đó mới tìm ra câu trả lời về “Vai trò của Tôn giáo trong đời sống nhân loại – đặc biệt là Phật Giáo – là gì? và làm gì ?” trong thiên niên kỷ thứ ba này.
Vì phạm vi bài tham luận không cho phép chúng tôi đi vào các chi tiết lịch sử với đầy đủ năm tháng như một bài nghiên cứu. Cho nên, chúng tôi chỉ trình bày tổng quát và so sánh sự tiến triển bằng những con số để dẫn chứng.
Nói chung thì từ sau Thế Chiến II, bắt đầu vào hậu bán thế kỷ 20 vừa qua Phật giáo dần dần có mặt ngày một nhiều và đi vào quần chúng ở hầu khắp các châu lục, điển hình tại Âu Châu và Mỹ Châu. Trước đó, Phật giáo chỉ được một số nhỏ trí thức Âu-Mỹ biết, qua sự nghiên cứu như một loại triết học và Đạo học Đông phương. Công đầu về việc truyền bá Phật giáo tại Âu, Mỹ phải kể đến các thiền sư Nhật Bản trong đó có Ngài D.T. Suzuki là năng động nhất. Kế đến hai thập niên 60 và 70 của Thế kỷ 20 là các Lạt Ma Tây Tạng. Sau nữa là sự có mặt của Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam. Có thể nói rằng vào 20 năm cuối của Thế kỷ 20, đạo Phật đã nở rộ khắp nơi như một hiện tượng rồi khởi đầu bắt rễ vào các miền đất mới và phát triển hội nhập một cách êm ả vào xã hội phương Tây.
Chúng tôi xin dẫn chứng ở Âu Châu trước và lấy nước Ý là nơi toàn tòng Ki-tô-giáo cũng vào khoảng thập niên 90 đã có 39.000 Phật tử phần đông là trí thức với:
- 4 ngôi chùa (1 ngay tại thủ đô Rô-ma)
- 2 tu viện (1 cho tăng, 1 cho ni)
- 35 thiền viện.
- 18 trung tâm văn hóa
- 6 tiệm kinh sách Phật Giáo (2 ở thủ đô)
- 6 thư viện (1 tại thủ đô)
- 3 tờ báo Phật Giáo (2 ở thủ đô)
Vào tháng 11 năm 1991, chính phủ Ý chính thức công nhận Phật giáo là một trong 5 tổ chức tôn giáo được hoạt động hợp pháp gồm: Công Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo, Do Thái Giáo và Phật Giáo. Ngoài ra ngày Phật Đản cũng được công nhận là ngày lễ Tôn Giáo và nước Ý là thành viên thứ 21 gia nhập Liên Đoàn Phật Giáo Âu Châu. Thật ra thì Phật giáo ở Pháp, Anh và Đức nhiều hơn (như Phật tử Pháp nay đã đến con số 6 triệu trên 60 triệu dân). Sở dĩ chúng tôi lấy nước Ý làm thí dụ vì nước nầy đứng đầu Công giáo toàn cầu và Tòa Thánh Vatican ở đó. Cho đến nay thì số Phật tử đã tăng lên gấp 4, 5 lần và hoạt động nhất là Phật giáo Tây Tạng. Chỉ một mình Lạt Ma Gangchen đã có 5 trung tâm, 1 tại Roma, còn lại tại 4 thành phố lớn khác như Torino, Livorno, Milano và Perugia.
Ngoài các nước Tây Âu, nhìn sang các nước Đông Âu kể cả nước Nga, Phật giáo cũng đã có mặt và bắt đầu sinh hoạt từ năm 1990. Tại Trung Âu như nước Hungary đã có những hoạt động Phật giáo bên cạnh Công giáo, Tin lành, Hồi giáo. Vào đầu năm 1992, Giáo Hội Phật Giáo Hungary đã thành lập trường cao đẳng Phật Pháp gọi là “The Gate of Dharma Buddhist College” ngay tại thủ đô Budapest, với 120 sinh viên ghi danh học khóa đầu. Ở nước này, còn có Viện Phật Học Alexander Csoma de Krosos, chuyên nghiên cứu và phổ biến kinh sách Phật giáo. Chúng tôi không có số liệu về các hội đoàn Phật giáo cùng số lượng tín đồ. Nhưng với dẫn chứng trên đã cho ta thấy Phật giáo có mặt, dù với những kiến thức mang tính kinh viện.
Nhìn chung, ở toàn bộ Âu Châu, Phật giáo đang bén rễ và bắt đầu phát triển mạnh như một cây Bồ Đề đang lớn tỏa ra cành lá trùm khắp các quốc gia.
Tại Úc Châu chỉ kể từ năm 1986 số người bản xứ theo đạo Phật là 80.387 và theo tạp chí Sun Herald ngày 30 tháng 3 năm 1991 thì số tín đồ Phật giáo là 200.000, như thế là trong 5 năm tăng lên 250%, với hai trường Cao Đẳng Phật Học và 190 cơ sở Phật giáo, chưa kể số chùa và Phật tử Việt Nam chúng tôi sẽ nói sau.
Ở Phi Châu thì hiện chỉ có Phật giáo Tây Tạng và Đài Loan cùng Nhật Bản có mặt, nhưng chúng tôi không có số liệu chính xác để trình bày.
Trở về Châu Mỹ thì các nước Nam Mỹ cũng có mặt các Lạt Ma Tây Tạng, các Tu sĩ Phật giáo Nhật và Đài Loan, nhưng số lượng chưa nhiều. Điển hình ngay tại thủ đô của nước Brazil có một trung tâm Phật giáo của Lạt Ma Gangchen mà chính người viết bài này đã có dịp thăm viếng vào năm 1994 khi vị Lạt Ma nói trên đến đó dạy Đạo. Các nước Nam Mỹ hiện giờ là nơi tranh chấp quyết liệt giữa Tin Lành và Công Giáo từ 20 năm nay. Ở khu vực này các tín đồ Công Giáo đổi sang Tin Lành ngày càng đông, Phật giáo đến đây chỉ mới làm quen bước đầu nên các cơ sở chưa đáng kể.
Trở về Bắc Mỹ gồm hai nước Hoa Kỳ và Canada thì Phật giáo đang phát triển tốt. Nhưng Canada còn kém Hoa Kỳ nhiều, chúng tôi sẽ chứng minh khi nói về sự phát triển của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại trong phần sau.
Tóm lại, qua cái nhìn tổng quan toàn thế giới, chúng tôi thấy đạo Phật đang phát triển tốt ở khắp nơi, đặc biệt là Âu Mỹ. Chúng ta sẽ phân tích xem “Cơ hội” ở đâu và có những “Thách thức “ gì?
III.- TÌM HIỂU VỀ HIỆN TƯỢNG PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI HẢI NGOẠI
Chúng tôi thấy chủ đề cuộc hội thảo được đặt ra mang một phạm vi rất rộng. Những đề tài gợi ý gồm 41 vấn đề trong đó 16 vấn đề mang tính quốc tế và 25 vấn đề chuyên về Việt Nam. Đọc xong 41 chủ điểm, chúng tôi không chọn được đề tài cho mình trong khuôn khổ đề nghị mà tự tìm ra điều muốn trình bày với ý nghĩ là thế giới cùng đất nước có liên hệ chặt chẽ đến nhau và nhờ nhìn ra bên ngoài mà bên trong thấy được con đường, tìm được giải pháp để cùng hiểu, cùng làm trong việc hoằng dương chánh pháp trong thời đại này.
Từ sự suy nghĩ đó, chúng tôi đã quyết định trình bày sự phát triển của Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại để nhìn hiện tượng mà tìm bản chất, vì thông qua Phật Giáo Việt Nam sinh hoạt tại hải ngoại đã nói lên thực trạng vấn đề Phật giáo cả trong lẫn ngoài.
Trong cuốn Beyond Dogma khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đựợc hỏi về thế giới hiện tại, Ngài đã nhận xét “Thế giới hôm nay cho thấy trái đất của chúng ta trở nên nhỏ bé hơn và tất cả mọi người, tất cả mọi quốc gia đều phải sống nương tựa chặt chẽ vào nhau. Thế nhưng về mặt tâm linh, về mặt tinh thần có vẻû như chúng ta chưa được chuẩn bị để theo kịp với thực tế, cho nên đã không hòa điệu được với khuynh hướng phụ thuộc ngày càng gia tăng.” Đây là vấn đề “tương liên, tương tức” của Phật giáo mà Ngài muốn nhắc nhở người đời.
Bây giờ trở lại với tình hình phát triển của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại trong đoạn đường 30 năm qua, phải vừa xây dựng cơ sở để đáp ứng nhu cầu hoằng pháp, vừa hội nhập với nền văn hóa bản địa, chúng ta thấy gì ? Chúng tôi xin đưa ra đây những con số mới nhất tương đối đầy đủ, tuy chưa hoàn toàn chính xác 100%, nhưng đủ để chúng ta nhìn hiện tượng mà tìm hướng đi.
Theo thống kê của Giáo Hội Khất Sĩ Việt nam tại Hoa kỳ thì tính đến cuối năm 2005 tổng số các cơ sở Phật giáo Việt nam tại hải ngoại như tu viện, chùa, đạo tràng v.v... được ghi nhận đến con số 480 chia ra như sau:
- Mỹ: 298
- Âu Châu: 76
- Canada: 48
- Úc: 42
- Á Châu: 16
Ở Mỹ thì California nhiều nhất với con số 113
Ở Âu Châu thì Pháp nhiều nhất với con số 38
Ở Á Châu 16 là kể các chùa Việt Nam ở các nước khác ngoài Việt Nam
Con số thống kê vừa trình bày trên cho thấy ở Hoa Kỳ các cơ sở Phật giáo Việt Nam nhiều nhất. Điều này nói lên cái gì và cho chúng ta những suy nghĩ gì ?
Chỉ nhìn vào số lượng về các cơ sở Phật giáo Việt nam phát triển tại hải ngoại thì cũng lạc quan, nhưng nếu nhìn sâu hơn thì hiện tượng này là do nhu cầu tự phát chứ chưa ổn định. Đây chỉ là giai đọan xây dựng ban đầu, còn phải qua thời kỳ ổn định và phát triển. Kinh nghiệm, tại California chiếm hơn 1/3 số cơ sở Phật giáo trên toàn quốc Hoa Kỳ, nhưng phần lớn đều lập ra theo kiểu “cải gia vi tự”, nên chỉ mang tầm vóc một tịnh thất hay đạo tràng. Lại thường sinh hoạt, cúng bái khó khăn, vì ở vào khu dân cư nên làm phiền hàng xóm, nhất là những người không cùng tôn giáo.
Phật giáo Việt Nam có mặt hiện nay trong 43 trên 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, trừ 7 tiểu bang chưa có chùa Việt là Arkansas, Delaware, Idaho, Montana, North Dakota, South Carolina và Wyoming vì những nơi nay không có nhiều Phật tử Việt.
Các cơ sở Phật giáo Việt nam tại Hoa Kỳ phát triển nở rộ trong hai thập niên gần đây tuy là một điều mừng, nhưng hầu hết được duy trì nhờ vào sự đóng góp của Phật tử Việt nam ở mỗi địa phương, đa số là người lớn tuổi, còn tuổi trẻ thì tham gia rất ít. Nếu nhìn về đường dài thì đây là một sự bấp bênh. Phật giáo Tây Tạng tuy phát triển với số lượng ít hơn nhưng họ đi vào quần chúng Mỹ, nhờ vậy mà bền vững hơn.
Nói đến đạo Phật Việt nam tại Mỹ, thiết tưởng cũng nên điểm qua sự phát triển của Công Giáo và Tin Lành Việt Nam trong thời gian qua.
Hiện nay theo thống kê mới nhất vào cuối năm 2005 thì trong toàn quốc Hoa Kỳ riêng bên Công Giáo Việt Nam có
- 20 cơ sở dòng tu Nam
- 64 cơ sở dòng tu Nữ
tuy là ít nhưng có tổ chức và sinh hoạt rất vững vàng.
Về số lượng Linh mục người Việt có 722 vị và khoảng hơn một ngàn nữ tu. Còn về phía Tin Lành thì các mục sư người Việt cũng trên 2.000, còn tín đồ Việt Nam thì nhiều lắm, thường ở rải rác các tiểu bang. Vì khi họ di tản đến Mỹ thường được nhà thờ Tin Lành nhận tiền của chánh phủ để lo ăn ở lúc ban đầu, rồi khuyên theo đạo luôn.
Trên đây là bối cảnh phát triển ban đầu của một vài tôn giáo có liên hệ mật thiết hay ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người Việt tại hải ngoại. Để hiểu rõ hơn sự phát triển của Phật giáo tại những xứ sở xa quê hương, thiết tưởng chúng ta cần nhìn qua các con số.
IV.- NHẬN XÉT TỪ MỘT VÀI CON SỐ TIÊU BIỂU:
Để đánh giá về sự phát triển của các tôn giáo, không gì bằng nhìn qua các bảng thống kê tăng, giảm của tín đồ, kế đến là tìm hiểu về tổ chức, sau nữa mới là vấn đề giáo lý. Đây là cách đánh giá thông thường mang tính xã hội của người đời. Còn, nếu đánh giá tôn giáo khởi sự từ giáo lý rồi đến tổ chức, sau mới về số tín đồ thì là sự đánh giá của những nhà trí thức và các người thật tu, chỉ nhắm đến phẩm chất chứ không đánh giá qua số lượng.
Một thí dụ về khuynh hướng đánh giá theo số lượng thường được Tòa Thánh Vatican công bố tính đến cuối năm 2005, số tín đồ Thiên chúa giáo gồm cả Công giáo, Tin Lành, Chính Thống giáo và Anh Quốc giáo là 1 tỷ 98 triệu so với năm 1978 chỉ có 757 triệu như vậy là tăng được 12%. Trong khi đó thực tế bên Âu Châu là thành trì và đầu não của tôn giáo này thì suy sụp đến độ nhiều nhà thờ phải đóng cửa, số tu sĩ giảm, giáo dân không đi nhà thờ. Nhưng, ở các nơi khác như châu Phi, Nam Mỹ và châu Á thì lại tăng. Sau đây là vài con số của Công Giáo trong bản tổng kết cuối năm 2005 về sự tăng giảm khi lấy số Linh mục làm tiêu biểu:
giảm: Âu Châu: 20% , Bắc Mỹ: 13% (riêng Hoa Kỳ: 20%)
tăng: Nam Mỹ: 29% , Phi Châu: 84% , Á Châu: 74%
về số giáo dân cũng vậy: (Tính theo thời gian từ 1978 đến 2005)
Tại Âu Châu giảm nhưng không cho biết con số
Tại Mỹ Châu tăng 50%
Tại Á Châu tăng 80%
Tại Phi Châu tăng 172%
Qua những số liệu trên, chúng ta thấy về mặt chiến lược bành trướng sang Á Châu và Phi Châu của Tòa Thánh Vatican đã thành công.
Về cách đánh giá theo chất lượng nghĩa là về mặt giáo lý đem áp dụng thực tiễn vào cuộc đời thì chỉ có Phật giáo, hiện giờ đang được một số trí thức Âu Mỹ theo, ủng hộ và thực sự tu tập. Bảng thống kê mới nhất của riêng nước Mỹ do Ủy Ban Tôn Giáo Liên Hiệp Quốc ghi nhận về số người theo Phật giáo tại Mỹ:
- Năm 1990 là 401.000 người
- Năm 2005 là 1.527.019 người
Như vậy là tăng 170%, và với đà này Phật giáo sẽ còn tăng nữa. Số lượng hơn 1 triệu tín đồ Phật giáo nầy chưa kể các người gốc Á Châu trong đó có người Việt cư trú tại Hoa Kỳ.
Trở lại việc phát triển Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại căn cứ theo các cơ sở Phật giáo được thành lập rải rác khắp các nước, có thể nêu ra vài con số tiêu biểu như sau:
- Mỹ: 298 cơ sở (riêng California 113)
- Canada: 48
- Úc: 42
- Pháp: 38
- Đức: 07
- Đan Mạch: 07
- Anh: 05
- Na Uy: 05
- Thụy Sĩ: 04
- Thụy Điển: 03
- Tân Tây Lan: 03 v.v.,
Còn một số quốc gia Âu Châu khác thì chỉ có một chùa Việt Nam, kể cả Nga.
Qua bảng phân tách trên, ta thấy ở Mỹ có con số cơ sở Phật giáo Việt Nam nhiều nhất ở hải ngoại. Lý do có nhiều, không phải chỉ vì người Việt nam ở Mỹ đông hơn các nơi khác, mà nó còn ảnh hưởng từ các vấn đề khác như kinh tế, chính trị và xã hội cùng văn hóa nữa. Nếu ta xét về sự phát triển của tôn giáo mà không tìm hiểu qua các vấn đề trên thì cái nhìn còn phiến diện. Sau cùng, người nghiên cứu, tìm hiểu không được bỏ qua các vấn đề nhân tâm với hình thức tổ chức, rồi vấn đề giáo lý nữa.
Chúng tôi xin lấy nước Mỹ làm chủ điểm để nghiên cứu vì chúng tôi đang sống ở đây, đang thấy và đang là nhân chứng của sự phát triển tôn giáo một cách đa dạng, không riêng gì Phật giáo Việt Nam, nên xin có những nhận định sau đây.
V.- ĐẶC TÍNH CỦA XÃ HỘI MỸ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN TÔN GIÁO
Dưới đây là những đặc điểm của Mỹ qua sự nhận xét của các thức giả:
Hoa Kỳ tuy là một nước mới lập quốc chưa đầy 300 năm, nhưng có một truyền thống tín ngưỡng nên là mãnh đất mầu mỡ của sự phát triển tôn giáo.
Chính quyền Hoa Kỳ thường không can thiệp đến tín ngưỡng riêng của các công dân mà để tùy nghi phát triển, nếu không làm mất an ninh và gây rối trật tự xã hội và làm mất thuần phong mỹ tục.
Hoa Kỳ chấp nhận cho các tôn giáo phát triển tự do, nên sự lớn mạnh tùy thuộc khả năng và thực chất của tôn giáo đó.
Nước Mỹ hình thành bởi di dân, tồn tại bởi di dân và lớn mạnh bởi di dân nên mang một sắc thái đa văn hóa, đa tôn giáo.
Dân tộc Mỹ sống với tinh thần thực dụng nên hành xử và tư duy luôn thay đổi, vì vậy tôn giáo cũng mang nhiều sắc thái ứng dụng, điển hình là đạo Tin Lành có hơn ba trăm hệ phái.
Nước Mỹ chủ trương giáo quyền và thế quyền phải tách rời nhau theo Tu Chính Án số 1 của Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ là nước pháp trị, tôn trọng tự do và nhân quyền nên có sự phát triển văn hóa đa dạng mà tôn giáo là một thành phần của môi trường sống đó.
Hoa Kỳ là nơi mà sự phát triển về khoa học kỹ thuật cao nhất thế giới nên niềm tin tôn giáo mang tính thần quyền đang gặp nhiều thử thách căn bản.
Hoa Kỳ là quốc gia có nền kinh tế và kỹ thuật cao nên vấn đề áp dụng tôn giáo trong đời sống không thể tách rời hai vấn đề này.
Hoa Kỳ có mức sống vật chất cao, xã hội hiếu động, căng thẳng thần kinh, do đó mất quân bình về mặt tinh thần, nên họ đang đi tìm một hướng tâm linh mới.
Qua mười đặc điểm vừa kể trên, chúng ta đã hiểu được phần nào về sự phát triển của đạo Phật Việt Nam tại Hoa Kỳ mạnh hơn các nơi khác. Bây giờ chúng ta bàn qua tổng quát về vấn đề phát triển của Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại nói chung.
VI.- SỰ HỘI NHẬP CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI
Qua những con số mà chúng tôi đưa ra trong bài này đã nói lên một sự thật về việc hình thành một cộng đồng Phật giáo Việt Nam hải ngoại đang có mặt khắp nơi và đang ổn định cùng lớn mạnh.
Phật giáo Việt Nam cũng như Tây Tạng đã bung ra trên toàn thế giới là do một biến cố chính trị dẫn đến một khúc quanh lịch sử dân tộc, tuy hoàn cảnh khác nhau nhưng giống nhau về mặt tác động tinh thần, nên đã tạo ra cơ hội để hai cộng đồng Phật Giáo lan xa, mở rộng khắp năm châu như một kỳ tích Phật sự không thể nghĩ bàn.
Không bàn về Phật giáo Tây Tạng, chúng ta chỉ nói về Phật Giáo Việt Nam hải ngoại.
Sự có mặt của Phật giáo Việt Nam ở khắp nơi, đó là “Cơ Hội”, nhưng khi hội nhập với văn hóa bản địa mà muốn tồn tại và phát triển thì sẽ gặp nhiều “Thử Thách”. Trước hết xin nói về đặc tính hình thành và duy trì của Phật giáo hải ngoại hiện thời. Đặc biệt là ở Mỹ, lấy California làm thí điểm, còn các nơi khác thì có thể khác biệt tùy hoàn cảnh địa phương.
Chúng tôi nêu ra đây chỉ là những nét tổng quát mà thôi:
Sự hình thành các cơ sở Phật giáo ở đây đều vì nhu cầu tự phát, thường do một vị Tăng hay Ni Cô với một số Phật tử lập nên.
Nhiều nơi thành lập một cách tùy duyên, gấp gáp, thiếu chuẩn bị, chỉ cần gấp để có nơi sinh hoạt.
Hầu hết đều chưa định hình, định tính. Chưa định hình vì nhiều nơi không có dáng dấp cơ sở Phật giáo. Chưa định tính là chỉ để cầu an, cầu siêu chứ không tu tập và giảng Pháp.
Dựa vào cộng đồng mà tồn tại. Nhờ vào tiền của Phật tử Việt nam đóng góp để duy trì.
Mang căn cước di dân nên sinh hoạt co cụm, tách rời với người bản địa, không có người Mỹ tham gia.
Mang nặng hình thức và truyền thống cũ nên khó hội nhập vào văn hóa địa phương, đặc biệt về lễ nghi còn dùng tiếng Hán-Việt.
Không vượt qua được những hệ lụy cũ mang theo nhất là về quan điểm chính trị.
Còn nặng tinh thần bảo thủ nên không bắt kịp được hoàn cảnh mới, khiến thành phần trí thức và thế hệ trẻ: con, cháu ngày một xa rời. Các chùa có Gia Đình Phật Tử nhưng không có hình thức sinh hoạt mới.
Đa số mỗi thầy một chùa, không đào tạo người kế tục nên nếu vị trụ trì mất thì chùa có thể ngưng sinh hoạt.
Thiếu tổ chức và hòa hợp thành không có một tổng lực. Về mặt tổ chức vẫn theo kiểu chùa quê không khoa học tân tiến. Các chùa không đoàn kết và hỗ trợ nhau. Ở Mỹ có tới 7 Giáo Hội và rất nhiều chùa độc lập.
Qua những nhận xét trên đã cho ta thấy các cơ sở tuy nhiều nhưng chưa ổn định về sinh hoạt, chưa vững vàng về tổ chức, chưa hội nhập được để phát triển.
Cũng từ những nhận định vừa kể trên đã dẫn đến rất nhiều thử thách cho các Thầy, Cô cùng các Phật tử nếu muốn tồn tại và phát triển trên đất Mỹ nói riêng và ở hải ngoại nói chung.
Hầu hết các cơ sở Phật giáo hải ngoại chỉ được thành hình khoảng trên dưới 20 năm nay, nên đây chỉ là giai đoạn hình thành và xây dựng. Bước qua giai đoạn ổn định và phát triển sẽ có những vấn đề khác.
VII.- NHÌN VỀ TƯƠNG LAI
Chúng tôi muốn nói đến giai đoạn ổn định và phát triển của Phật giáo Việt nam tại hải ngoại. Bởi vì, những điều mô tả bên trên là hiện trạng, là bức tranh hiện thực ở đây, lúc này.
Nhìn về tương lai là quán chiếu những diễn tiến sẽ xảy ra trên đường dài và vai trò sẽ đóng góp của Phật giáo Việt nam tại hải ngoại không chỉ có hôm nay mà cả ngày mai nữa.
Không ai có thể chối bỏ được hiện tượng nở rộ và lan xa của Phật giáo Việt Nam tại khắp nơi trên thế giới hiện nay. Chúng tôi cho rằng đây là một “Cơ Hội” ngàn vàng của “Dân tộc và Đạo Pháp” mang tính lịch sử. Về mặt nổi thì đây là một điều mừng và hãnh diện cho toàn thể Phật tử Việt nam, tăng cũng như tục, ở trong cũng như ngoài nước. Nếu như người Phật tử nào còn phân biệt “trong và ngoài” thì người đó đã tự mình tách khỏi truyền thống dân tộc và cắt đi nguồn sống Phật giáo. Bởi vì, từ hàng ngàn năm nay Phật giáo đã đồng hành với dân tộc, đã trở thành mạng mạch của cuộc sống Việt nam. Điển hình là ở mỗi làng quê đều có một Đình, một Chùa trong nếp sống dân gian.
Về chiều sâu thì giáo lý Phật giáo là một nền khoa học tâm linh có thể đáp ứng với tri thức thời đại và bổ túc cho khoa học thực nghiệm hiện hành. Ngày nay các khoa học gia Âu Mỹ, các giáo sư tâm lý học, các bác sỹ tâm thần đều tìm đến Phật giáo để tìm giải đáp các thắc mắc tâm linh. Điển hình là Đức Đạt Lai Lạc Ma cùng Thiền sư Nhất Hạnh đã được những giới khoa học này phỏng vấn tham khảo hàng trăm hàng ngàn lần. Ngay vào tháng 10-2006 sắp tới tại Làng Mai Thiền Sư Nhất Hạnh cũng mở một khóa tu cho các khoa học gia về thần kinh học.
Như vậy, cơ hội thứ hai cho chung Phật giáo trong đó có Phật giáo Việt nam, đó là thời đại của Phật học và khoa học cùng phụng sư nhân sinh bắt đầu. Phật giáo Việt nam không thể bỏ lỡ cơ hội này, vì nếu hụt mất thì đoàn tàu cứ đi mà chúng ta đứng lại vì bị lỡ chuyến tàu.
Cuộc khủng hoảng tôn giáo hiện nay bắt nguồn từ quan niệm “Duy vật chất” và “Duy lý trí”. Rất nhiều nhà trí thức đã công khai hay mặc nhiên chối bỏ tôn giáo truyền thống thần quyền, vì tôn giáo này đã không giải đáp được những thắc mắc về nhân sinh và vũ trụ cho họ, mà còn áp đặt những giáo điều và đức tin lỗi thời không đủ tính thuyết phục.
Phật giáo Việt Nam phải đi vào nguồn sống nhân loại, phải nỗ lực chuyển hóa con người thời đại.
Tóm lại Phật giáo có câu trả lời cho nhân sinh nhưng chưa thực sự đi vào dòng tri thức chính và chưa đủ mạnh để phát động một cuộc vận động lịch sử thay đổi bộ mặt xã hội toàn cầu.
Trở về Phật giáo Việt nam, từ đây chúng tôi coi là một, không còn hải ngoại và quốc nội nữa, mà chỉ còn bốn chữ Phật Giáo Việt Nam.
Phật Giáo Việt Nam ngày nay, muốn bắt kịp thời đại, muốn không bị lỡ chuyến tàu thì phải biết thích nghi với hoàn cảnh, biết đổi thay cùng những diễn biến chung, biết tăng trưởng cùng sức sống mới của nhân loại đang tràn dâng, biết tiếp nhận những nhân duyên mới và buông đi những chấp nhặt lỗi thời, biết trao kinh nghiệm cho lớp trẻ và dọn đường cho họ vươn lên để lúc nào đạo Phật cũng sinh động đầy sức sống không bị già nua làm chậm bước tiến.
Nhìn chung thì cơ hội đã đến và thuận lợi cũng nhiều, nhưng thử thách không ít. Nói đến thử thách thì có thử thách riêng và thử thách chung. Thử thách riêng là tùy hoàn cảnh, thí dụ như ở Mỹ này thì có ba vấn đề nổi bật, đó là ngôn ngữ, hội nhập văn hóa và tiền bạc để duy trì cơ sở và sinh hoạt của tổ chức. Thử thách chung nổi bật nhất là làm sao đáp ứng được nhu cầu thời đại mà phải bắt kịp thực tế cuộc sống.
Đạo Phật của hôm nay và ngày mai là phải đi vào hướng thực tiễn và hiện đại. Đây chính là chủ trương tỉnh thức của Đạo Giác Ngộ. Phương cách hành xử là đối diện thực tại mà xây dựng đời sống. Rồi từ đó vươn lên mà thăng hoa cuộc sống để đáp ứng nhu cầu Tâm linh nhân loại.
Để kịp đáp ứng thời đại ngày nay, chúng ta phải bắt tay ngay vào việc đào tạo và giáo dục Tăng Ni Phật tử, phải biên soạn kinh sách bằng ngôn ngữ thời đại. Và nhất là phải chuyển hướng tư duy mới để đem Đạo vào Đời.
Thế giới ngày nay đang nỗ lực để tiến tới:
- Toàn cầu hóa về kinh tế
- Đa cực hóa về chính trị
- Đa dạng về văn hóa và
- Khoa học hóa về kiến thức.
Đòi hỏi Phật giáo Việt nam nói riêng và Phật giáo nói chung phải có một hướng đi mới, hướng hành hoạt mới đặt căn bản lấy “Bồ Tát Hạnh” mà hành Đạo, cứu Đời.
Từ nhiều thập niên qua, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hành đạo ở Âu Mỹ bằng sự tuyên dương con đường “Bồ Tát Hạnh”. Hiện giờ người Âu Mỹ đang thực hành nên có một vấn đề nổi bật được đặt ra, đó là “Vai trò của người Cư Sĩ trong thời đại mới”. Ngưòi cư sĩ Tây phương vừa hộ Đạo, vừa hành Đạo rất hiệu quả. Về hộ đạo thì họ giúp giải quyết rất nhiều khó khăn về mặt tổ chức và xây dựng cơ sở. Về hành đạo thì họ tổ chức thành từng nhóm học Pháp và thực hành Bồ Tát Đạo. Phần lớn những người đến với đạo Phật đều là trí thức, tu hành rất đứng đắn. Về đường dài, khi đạo Phật bành trướng ở Âu Mỹ thì chính những cư sĩ sẽ bảo vệ tổ chức, phát triển rộng rãi sau này. Sự hành hoạt của các cư sĩ này nói lên tinh thần phụng sự con người của đạo Phật và mang lại giá trị đích thực của cuộc sống theo tinh thần Phật giáo. Nhìn người mà nghĩ đến ta, chúng tôi cũng mong rằng vấn đề “Cư sĩ Việt nam” sẽ được đặt đúng với giá trị và trách nhiệm như thời Đức Phật. Theo cái nhìn của chúng tôi thì rồi đây ở Âu Mỹ vai trò cư sĩ sẽ rất quan trọng trong việc phát triển Phật Pháp.
VIII.- KẾT LUẬN
Dường như chúng ta đang ở vào thời kỳ mà tôn giáo muốn tích cực phụng sự con người thì phải “Đem Đạo vào Đời” và người tín đồ thì phải “Sống Đạo trong Đời”. Khuynh hướng của thời đại mới không còn nặng về nghi thức và lễ lạy. Ở Hoa Kỳ này vì tinh thần thực dụng nên các lễ nghi tôn giáo đều giảm thiểu và đơn giản hóa, hơn nữa các ngày kỷ niệm vì nhu cầu công việc nên đều dời lại cuối tuần, kể cả ngày Phật Đản. Như vậy, chúng tôi thấy việc thực hành đem Đạo vào Đời cũng rất linh động, đôi khi bị hạn chế vì đời sống bận rộn.
Chuyện áp dụng Đạo vào đời sống nếu linh động quá thì không còn là đem Đạo vào Đời mà thực ra là Đời đang đổi Đạo! Cho nên người hành đạo thời nay áp dụng cái “Tùy duyên” của chúng ta là cho hợp thời đại, hợp con người và môi trường sống. Và cái “Bất Biến” trở thành không xa Chánh Pháp nhưng thực dụng và lợi ích mọi người.
Phật tử Việt Nam nhìn ra thế giới, quan sát rõ ràng rồi tự đặt câu hỏi xem nhân loại sẽ đi về đâu và đang cần món ăn tinh thần gì để mà định hướng đi. Phật giáo Việt Nam cũng vậy, hiện thời có hai hướng song song cần hướng đến, đó là: Hướng hội nhập thế giới và hướng phụng sự dân tộc.
Kết hợp hai hướng nầy là con đường hoằng pháp tốt nhất để chuyển hóa con người Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung hầu tiến tới một đời sống an bình và hạnh phúc thực sự trong tinh thần Phật giáo. Được như vậy thì Phật giáo mới làm tròn chức năng chuyển hóa con người và mới thực sự đúng là Đạo Giác Ngộ Tỉnh Thức.
Tôi viết bài này với tất cả nhiệt tình để cúng dường chư Phật, để cống hiến cho Đạo Pháp và Dân Tộc, cùng làm quà tặng gửi đến các đạo hữu xa gần dù chưa quen biết, vì:
Tôi vẫn yêu đời, thương quê hương,
Vẫn cười nhân thế, ngắm vô thường.
Vẫn mong Đạo Phật trường tồn mãi,
Vẫn thấy Mộng Đời quá dễ thương !
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
California, ngày 15 tháng 6 năm 2006