DỰ BÁO CÁC SỰ KIỆN
ĐÁNG CHÚ Ý TRONG NĂM 2021
Đỗ Kim Thêm
Tháng 1: Bồ Đào Nha đảm nhận chức vụ Chủ tịch Liên minh châu Âu, Tổng thống mới của Hoa Kỳ nhậm chức và Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIIIChâu Âu
Kể từ ngày ngày 1 tháng 1 năm 2021, Bồ Đào Nha đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu. Trước Bồ Đào Nha, Đức đã giữ chức này và sau Bồ Đào Nha, Slovenia sẽ nhậm chức vào tháng 7 năm 2021. Sự thay đổi luân phiên này theo một chu kỳ cố định, cứ sáu tháng một lần.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, chương trình của Liên Âu là lo đối phó với đại dịch Covid-19 và các hậu quả về kinh tế, xã hội và y tế. Hai trọng tâm khác là Liên Âu đạt đuợc Thỏa thuận Brexit với Vương quốc Anh và Thỏa ước Đầu tư với Trung Quốc vào cuối năm 2020. Doanh nghiệp của Liên Âu có triển vọng thâm nhập thị trường dịch vụ bảo hiểm, y tế và ngân hàng của Trung Quốc. Qua sự lãnh đạo của tân Tổng thống Joe Biden, Liên Âu hy vọng mối bang giao với Hoa Kỳ sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
Về mọi mặt, Pháp và Ý chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của cơn đại dich, Đức bị ít nhờ có khả năng trang thiết bị phòng chống cao hơn. Nhưng khả năng hồi phục cho châu Âu còn nhiều bất trắc. Giới nghiên cứu lạc quan dự báo là thị trường chứng khoán không ảnh hưởng và còn hoạt động khởi sắc, mọi doanh nghiệp sản xuất sẽ hoạt động trở lại bình thường vào cuối mùa hè, trong khi quan điểm bi quan cho là dịch bịnh còn kéo dài, nên các doanh nghiệp bán lẻ sẽ lâm cảnh phá sản ồ ạt, chỉ có thương vụ online là phát triển vượt bực và chính quyền còn mạnh tay hơn trong các biện pháp hạn chế tự do cho đến cuối năm.
Nhìn chung, đa số dân chúng không còn tin tưởng là Liên minh châu Âu sẽ hoạt động hữu hiệu, mà việc giải quyết vấn đề tỵ nạn là một thí dụ thất bại điển hình.
Hoa Kỳ
Ngày 20 tháng 1 năm 2021, Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Trong cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11, Joe Biden giành được nhiều phiếu phổ thông, cũng như cử tri đoàn. Đương kim Tổng thống Donald Trump không công nhận kết quả bầu cử mà còn cáo buộc Joe Biden gian lận. Với một số vụ kiện, Trump đã không thành công.
Có nhiều tiên đoán về tình hình bất ổn trước ngày đăng quang của Joe Biden: Sau ngày 6 tháng 1, Trump sẽ ban bố tình trạng khẩn trương, thiết quân luật và tiếp tục tranh tụng trước Tối cao Pháp Viện. Số lượng 74 triệ người ủng hộ Trump (Biden có hơn 81 triệu phiếu bầu) sẽ làm mọi yêu sách biến thành các cuộc bạo động xã hội khó lường đoán.
Do tình hình dịch bịnh còn đang hoành hành và xáo trộn chung, nên buổi lễ nhậm chức Tổng thống ở Washington lần này, nếu có thể xảy ra, cũng sẽ bị thu hẹp.
Việt Nam
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII sẽ diễn ra từ ngày 25 tháng 1 đến ngày 2 tháng 2 năm 2021 ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội. Có khoảng 1.590 Đại biểu tham dự Đại hội sẽ đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII (2016–2020), kết quả lãnh đạo, đề ra mục tiêu và nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025.
Hiện nay, dân chúng quan tâm nhất là vấn đề Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, cụ thể là trong năm 2020, Trung Quốc đã có 20 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 9 cuộc ở vịnh Bắc bộ và 5 cuộc ở Hoàng Sa, trong khi phản ứng “thành công ngoại giao“ của Đảng là kiên trì trong im lặng.
Về mặt an ninh nội chính trong năm qua, vụ án Đồng Tâm là một vết nhơ cho Đảng và nền tư pháp Việt Nam. Trên thế giới văn minh hiện đại, chưa có một tranh tụng pháp lý đất đai nào mà khi chưa có chung quyết của Toà án lại phải đi đến một kết cục bi thảm và vô nhân đạo như xảy ra tại Đồng Tâm.
Thực ra, mục đích chính của Đại hội không phải là lo cho các vấn đề quốc phòng và nội an mà giải quyết vấn đề nhân sự và phân phối chức vụ. Để tránh mọi xáo trộn thông tin trước Đại hội, chính quyền ra quyết định xếp các thông tin về chính sách ngoại giao, biên giới, chủ quyền lãnh hải vào nhóm thông tin “Tuyệt mật”. Đây là một hình thức chính quyền muốn hình sự hoá các tin tức nhiễu loạn do các phương tiện truyền thông xã hội loan ra.
Nhìn chung, Việt Nam lãng phí nhiều thời gian và năng lực, nên mọi nỗ lực bị trì trệ, đã đến lúc nên cảnh tỉnh là cải cách hệ thống chính trị và giáo dục con người càng bức thiết hơn bao giờ hết. Việt Nam đang thiếu một bối cảnh và ý chí chính trị thích hợp cho việc cải cách toàn diện và triệt để. Đó là lý do tại sao dân chúng không tin tưởng hệ thống chính quyền và uy lực pháp quyền. Do đó, Đại hội không phải là cơ hội cho giới lãnh đạo chúc tụng nhau, chia ghế, giành quyền và giúp nhau tẩu tán tài sản ra ngoại quốc mà phải thảo luận về lòng bất mãn cao độ của toàn dân với các chủ trương của Đảng.
Cuối cùng, trong khi tình hình thế giới và đất nước biến chuyển dồn dập, Đại hội không có dấu hiệu nào là sẽ đem lại một bước đột phá về cải cách thể chế. Dân chúng sẽ còn lo âu nhiều hơn khi bất hạnh cho dân tộc còn kéo dài, trong khi Đảng hân hoan trước nhiều thắng lợi bất ngờ: Hào khí chuyển lửa đấu tranh từ người Việt hải ngoại về cho quê hương lụn dần và phong trào đấu tranh dân chủ của người Việt trong nước sẽ không còn bộc phát dữ dội.
Tháng 2: Đức hủy bỏ lễ Karnaval
Do Covid-19 không có dấu hiệu thuyên giảm, chính quyền Đức quyết định thu hẹp mọi sinh hoạt xã hội và hạn chế các sự kiện lớn trong năm 2021. Các lễ hội hoá trang và diễn hành trên đường phố bị hủy bỏ vào mùa xuân năm 2021. Tháng 2 năm 2020, lễ hội hóa trang ở Heinsberg đã bùng phát trận dịch bịnh lớn đầu tiên ở Đức.
Tháng 3: Nhật kỷ niệm 10 năm tai hoạ Fukushima, Đức bầu cử Quốc hội tiểu bang, Hà Lan và Bulgaria bầu cử Quốc hội
Nhật
Ngày 11 tháng 3 năm 2011, một tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Nhật do một trận động đất mạnh và gây ra sóng thần. Một số lượng phóng xạ khổng lồ đã nổ ra. Có sáu lò phản ứng nước sôi cung cấp lượng điện 4,7 GW, nhà máy là một trong 25 nhà máy điện lớn nhất trên thế giới.
Tai hoạ của Nhật lại ảnh hưởng đến chính trị của Đức trẩm trọng. Do dân chúng kịch liệt phản đối, Quốc hội Đức quyết định rút khỏi chương trình phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vào năm 2022.
Cuối năm 2021, các nhà máy điện hạt nhân Đức ở Brokdorf, Grohnde và Gundremmingen phải đóng cửa.
Đức
Ngày 14 tháng 3, Đức có các cuộc bầu cử tiểu bang Baden-Württemberg và Rheinland-Pfalz.
Năm 2021 là một năm nhộn nhịp ở Đức với các cuộc bầu cử, không chỉ riêng Hạ viện Berlin, mà còn Quốc hội tại 7 tiểu bang. Baden-Württemberg và Rheinland-Pfalz sẽ là hai tiểu bang đầu tiên bầu vào ngày 14 tháng 3.
Hà Lan
Ngày 17 tháng 3, Hà Lan bầu Quốc hội. Thủ tướng Mark Rutte hiện đang cầm quyền và lãnh đạo một liên minh bốn đảng. Sinh hoạt đảng phái ở Hà Lan cực kỳ phân hoá. Trong cuộc bầu cử cuối cùng vào năm 2017, 13 đảng đủ loại đã lọt vào hai viện của Quốc hội.
Trong khi đất nước cần thực thi các biện pháp mạnh để cải cách, đoàn kết trong sinh hoạt chính trị là một hy vọng mơ hồ. Luật bầu cử Hà Lan không có điều khoản ngưỡng rào cản 5% như tại Đức.
Bulgaria
Ngày 28 tháng 3 năm 2021, Bulgaria bầu Quốc hội. Trong mùa hè năm 2020, chính phủ đương nhiệm chịu áp lực nặng nề do có nhiều cuộc biểu tình và cáo buộc tham nhũng. Vào mùa thu, trong cuộc họp về dự thảo ngân sách, Liên minh Châu Âu cũng lên tiếng chỉ trích Bulgaria vi phạm nguyên tắc nhà nước pháp quyền.
Tháng 4: Đức bầu cử Quốc hội
Ngày 25 tháng 4, Thuringia bầu cử Quốc hội tiểu bang. Tháng 10 năm 2019, Thủ hiến Bodo Ramelow (cánh tả) đã mất vị thế đa số để nắm quyền do xung đột các đảng cực kỳ gay gắt.
Tháng 2 năm 2020, Thomas Kemmerich (FDP) đã bất ngờ được bầu làm Thủ hiến với số phiếu ủng hộ của AfD (Đảng cực hữu). Một ngày sau cuộc bầu cử, Kemmerich bị áp lực phải từ chức.
Tháng 3 năm 2020, Ramelow được bầu làm Thủ hiến cho thiểu số gồm cánh tả, SPD và đảng Xanh. Vì đại dịch corona kéo dài và xung đột chính trị chưa giải quyết, hiện đang có nhiều đề xuất xin hoãn ngày bầu cử.
Tháng 5 Vương quốc Anh bầu khu vực
Ngày 6 tháng 5, Vương quốc Anh có các cuộc bầu cử khu vực khác nhau. Wales và Scotland bầu cử quốc hội. Vì lý do Brexit, London và Brussels nóng lòng trông đợi kết quả bầu cử ở Scotland.
Thủ tướng Nicola Sturgeon đang chuẩn bị cho một cuộc trưng cầu dân ý về quy chế tự trị sau khi Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu. Ngày 6 tháng 5, Luân Đôn cũng sẽ bầu thị trưởng mới.
Tháng 6: Tiểu bang Sachsen-Anhalt (Đức) bầu cử Quốc hội, Kỷ niệm 80 năm ngày Đức tấn công Liên Xô
Ngày 6 tháng 6 năm 2021, Tiểu bang Sachsen-Anhalt (Đức) sẽ bầu Quốc hội. Kể từ năm 2017, Thủ hiến Reiner Haseloff (CDU) cầm quyền với liên minh các Đảng CDU, SPD và Xanh. Gần đây, liên minh gặp nhiều tranh chấp do các đảng không đồng thuận kế hoạch tăng thu lệ phí cho các đài truyền hình công.
Ngày 22 tháng 6 năm 1941, Quân đội Đức tấn công Liên Xô. Đức Quốc Xã, với mật danh “Barbarossa“ và hơn 3 triệu quân, tấn công trên một mặt trận rộng lớn giữa Biển Baltic và Hắc Hải mà không có lời tuyên chiến. Cuộc tấn công chớp nhoáng này khởi đầu cho một cuộc chiến tiêu diệt khốc liệt chưa từng có.
Tháng 7: Thế vận hội Olympic ở Tokyo khai mạc
Thế vận hội Olympic XXXII sẽ diễn ra tại Tokyo từ ngày 23 tháng 7 đến ngày 8 tháng 8 năm 2021. Dự kiến ban đầu là từ ngày 24 tháng 7 đến ngày 9 tháng 8 năm 2020, do đại dịch Corona đã bị hoãn lại gần một năm.
Đây là lần đầu tiên Thế vận hội Olympic diễn ra ngoài chu kỳ thông thường 4 năm. Trước đây, khi chiến tranh Trung-Nhật bùng nổ vào ngày 16 tháng 7 năm 1938 làm cho Thế vận hội phải đình chỉ.
Do bị trì hoãn đến năm 2021, nên tổng chi phí cho Thế vận hội ước tính sẽ lên tới hơn 12,6 tỷ euro. Ban Tổ chức cho biết, sẽ chi thêm khoảng 2,3 tỷ euro cho các biện pháp ngăn ngừa Corona và bởi việc trì hoãn gây ra, khoảng 130 triệu euro cho lễ khai mạc và bế mạc.
Trong một cuộc thăm dư dò luận gần đây của đài truyền hình Nhật Bản NHK, đa số người Nhật cho rằng do tình hình dịch bịnh ngày càng khó kiểm soát, Thế vận hội Tokyo nên hủy bỏ, 31% cho là nên hoãn lại, 27% nghĩ rằng nên diễn ra theo kế hoạch.
Tháng 8: Đức kỷ niệm 60 năm ngày xây dựng bức tường Berlin
Ngày 13 tháng 8 năm 1961, Cảnh sát Biên phòng của CHDC Đức bắt đầu xây dựng bức tường Berlin theo lệnh của Ban lãnh đạo Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức (Sozialistische Einheitspartei Deutschlands, SED).
Ban đầu, các biên giới với Tây Berlin được phong tỏa bằng hàng rào thép gai và một thời gian sau bằng các bức tường. Mặc dù Ban lãnh đạo Đảng SED gọi là “Bức tường bảo vệ chống Phát xít”, mà thực ra chủ yếu nhằm chấm dứt làn sóng di cư ồ ạt của dân chúng ra khỏi CHDC Đức. Cho đến năm 1989, theo một ước tính, ít nhất 140 người đã chết khi vượt qua bức tường Berlin.
Tháng 9: Tưởng niệm vụ khủng bố New York, Đức bầu Hạ viện Berlin và Quốc hội của tiểu bang Mecklenburg-Vorpommern, kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Tòa Bảo Hiến Liên bang
Mỹ
Vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã làm rúng động toàn thế giới. Các thành viên thuộc nhóm khủng bố Hồi giáo Al-Qaeda đã cướp 4 máy bay chở khách và cố tình dùng làm phương tiện khủng bố trên đất Mỹ.
Hai máy bay lao vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, một chiếc máy bay thứ ba đâm vào Lầu Năm Góc ở Washington D.C và chiếc thứ tư bị rơi ở Pennsylvania. Hơn 3.000 người thiệt mạng và ít nhất 6.000 người bị thương. Để ứng phó tình hình an ninh nguy ngập, George W. Bush tuyên bố “Cuộc Chiến chống Khủng bố” khởi đầu.
Đức
Ngày 26 tháng 9 năm 2021, Đức bầu Hạ viện. Trong khi SPD đã thống nhất đề nghị Bộ trưởng Tài chính Liên bang Olaf Scholz làm ứng cử viên cho chức Thủ tướng. Đảng Xanh và Liên minh CDU/CSU vẫn chưa quyết định ai sẽ là ứng cử viên. Tuy nhiên, điều chắc chắn là Thủ tướng Angela Merkel (CDU) sẽ không còn tranh cử sau 16 năm nắm quyền.
Ngày 26 tháng 9, bầu cử ở Berlin và Mecklenburg-Vorpommern sẽ diễn ra cùng ngày.
Ngày 28 tháng 9, Đức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Tòa Bảo Hiến Liên bang. Từ khi được thành lập vào năm 1951, Toà là một cơ quan tối cao để bảo vệ hiến pháp, giám sát việc tuân thủ Luật cơ bản. Các bản án độc lập của Toà đạt được uy danh pháp quyền không những trong nước và còn quốc tế. Trụ sở của tòa được đặt tại Karlsruhe.
Tháng 10: Cộng hòa Séc bầu Quốc hội, Phóng Kính viễn vọng James Webb
Cộng hòa Séc
Tháng 10, Cộng hòa Séc bầu Quốc hội. Thủ tướng đương nhiệm Andrej Babiš (đảng ANO) tuyên bố sẽ tái tranh cử. Tháng 10 năm 2020, đảng ANO đã thắng trong các cuộc bầu cử địa phương, do đó, có nhiều ưu thế hơn trong năm 2021.
Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, giải quyết các hậu quả kinh tế, xã hội và sức khỏe cho dân chúng là một đề tài thu hút cử tri trong chiến dịch tranh cử sắp tới.
Kính viễn vọng James Webb
Ngày 31 tháng 10, sau nhiều lần trì hoãn, kính thiên văn James Webb sẽ được phóng lên vũ trụ tại Guiana thuộc Pháp. Đây là hậu thân của kính viễn vọng Hubble. Dự án nghiên cứu James Webb do ba cơ quan không gian của Hoa Kỳ, châu Âu và Canada phối hợp tài trợ và thực thi.
Tháng 11: Hội nghị khí hậu LHQ lần thứ 26 tại Glasgow ( Scottland)
Hội nghị khí hậu LHQ lần thứ 26 dự trù diễn ra vào năm 2020, nhưng do Covid-19 đã nên hoãn đến ngày 12 tháng 11 năm 2021. Nhiều nước không đáp ứng các cam kết như đã hứa.
Hội nghị Khí hậu Madrid 2019 cũng đạt được rất ít tiến bộ. Đó là lý do tại sao hiện đang có nhiều lo ngại cho rằng cộng đồng quốc tế có thể không đạt mục tiêu trong Thỏa thuận Paris và đặt nhiều hy vọng cho Hội nghị Glasgow. Ngoài ra, vấn đề trong tương lai Mỹ sẽ tham gia lại Thỏa thuận Paris về Khí hậu hay không, vẫn chưa rõ.
Tháng 12: Kỷ niệm 30 năm ngày Liên Xô giải thể.
Sau khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga chính thức tự giải thể vào tháng 12 năm 1991. Các tổng thống của Nga, Ukraine và Belarus đã thành lập “Cộng đồng các quốc gia độc lập”.
Trong cùng tháng, tám nước cộng hòa khác thuộc Liên Xô gia nhập. Kết quả là, Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang của Liên Xô, Michael Gorbachev, chính thức từ chức vào ngày 25 tháng 12 năm 1991 và chuyển giao quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân của Liên Xô cho Nga.
***
Giới thiệu trang nhà của tác giả: