Ấn-hoa Chạy Đua: Phật Giáo Toàn Cầu Hóa

10/07/20211:00 SA(Xem: 4391)
Ấn-hoa Chạy Đua: Phật Giáo Toàn Cầu Hóa

ẤN-HOA CHẠY ĐUA: PHẬT GIÁO TOÀN CẦU HÓA
Nguyên Giác

 

mot vanh dai mot con duong
Lộ trình dự kiến của “Một vành đai, một con đường”.

Nhà nước Trung Quốc đang bơm tiền cho chiến lược Nhất Đới Nhất Lộ, còn gọi là Con Đường Tơ Lụa Mới, ra sức đầu tư để ảnh hưởng vào gần 70 quốc gia và tổ chức quốc tế. Tiếng Anh gọi chiến lược gây ảnh hưởng này là "Belt and Road Initiative" và tiếng Việt gọi là "Một vành đai, Một con đường" -- trong đó, Phật Giáo là một phần tiếp cận để chinh phục nhân tâm. Đó là nhận định của tác giả P. Stobdan trên các báo Ấn Độ.

Tên đầy đủ của nhà bình luận này là Phunchok Stobdan, nguyên là đại sứ Ấn Độ tại Kyrgyzstan các năm 2010–2012. Là một nhà ngoại giao kỳ cựu, nhưng cũng là học giả chuyên về nghiên cứu, Stobdan từng làm trong Ban nghiên cứu của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Ấn Độ (National Security Council Secretariat, NSCS), học giả trong Viện Nghiên Cứu và Phân Tích Quốc Phòng Ấn Độ (Institute for Defence Studies and Analyses), và là người sáng lập viện nghiên cứu Ladakh International Centre.

Trong những ngày cuối tháng 5/2021, Stobdan có hai bài phân tích trên các báo Ấn Độ, liên hệ tới chiến lược Hoa Lục mượn chiếc dù Phật Giáo để bay ngược theo con đường tơ lụa cũ, nhằm chinh phục lòng người Phật Tử. Nếu chỉ để chinh phục lòng người, tất nhiên sẽ là vô hại. Nhưng sẽ là cực kỳ tai hại nếu chính phủ Bắc Kinh từ đó lại thò tay lung lạc, chi phối, chiếm ngự kinh tế hay lãnh thổ nước khác.

Bài viết của học giả Stobdan đăng trên báo Financial Express ngày 25/5/2021, có nhan đề "New front for India vs China tussle: Coming battle over future Buddha Maitreya" (Mặt trận mới để Ấn-Hoa tranh chấp: Trận đánh sắp tới về Đức Phật Di Lặc tương lai).

Bài kế tiếp đăng ngay sau đó một ngày, cũng của Stobdan, trên báo The Tribune ngày 26/5/2021, nhan đề "China’s Buddhism card: The fear is that it will translate its economic weight into spiritual might" (Lá bài Phật Giáo của Trung Quốc: Nỗi sợ sẽ chuyển từ sức nặng kinh tế sang quyền lực tinh thần).

Một chiến lược lớn của Hoa Lục là tìm cách làm phai nhạt ảnh hưởng Ấn Độ trên Phật Giáo, để thay vào đó là hình ảnh Trung Quốc như một trung tâm Phật Giáo mới cho thế kỷ 21. Một chính sách sẽ là mượn huyền thoại về Đức Phật Di Lặc, theo cả kinh điểntruyền thuyết sẽ là vị Phật kế tiếp tới hoằng pháp nơi cõi này. Ngài có tên Di Lặc, tiếng Sanskrit là Maitreya, tiếng Pali là Metteyya, nghĩa là Đấng Từ Thị (người có lòng từ), có sách gọi ngài Vô Năng Thắng (tiếng Sanskrit là Ajita), phiên âm Hán-Việt là A-dật-đa. Danh xưng thường gặp là: Long Hoa Giáo chủ Đương Lai Hạ sanh Di Lặc Tôn Phật. Bao giờ Đức Phật Di Lặc tới cõi này hoằng pháp? Nếu dựa vào kinh điển, sẽ thấy rằng ngày đó còn rất là xa, xa thật xa, chúng ta trong kiếp này không gặp được. Nhưng với ý nghĩa tượng trưng, khi hiểu chữ Phật là Giác Ngộ như Thiền Tông thường nói, thì Đức Phật không lìa xa chúng ta, như lịch sử đã gọi ngài Trần Nhân TôngĐức Phật Hoàng.

P Stobdan
Phunchok Stobdan

Tuy nhiên, học giả Ấn Độ Stobdan trong các bài viết chỉ muốn nhìn về chính sách TQ muốn gây ảnh hưởng trên đất Ấn Độ và trên các nước nơi vành đai Nhất Đới Nhất Lộ. Cũng nên suy nghĩ: tác giả Stobdan viết cho độc giả Ấn Độ (đăng ở hai báo Ấn Độ) và cho các Phật Tử quan tâm đọc bản Anh văn. Người Ấn Độ và người Trung Hoa nhìn nhau hẳn là qua nhiều thành kiến, vì đường biên giớiHy Mã Lạp Sơn vẫn không ngừng xích mích. Trong khi chúng ta luôn luôn nghĩ rằng Phật Giáo khác biệt với Ấn Độ Giáo, nhiều học giả Ấn Độ lại cố ý cho rằng Phật Giáo chỉ là một chi nhánh Ấn Độ Giáo và đưa ra lý thuyết [sai lầm] rằng Đức Phậthóa thân thứ 9 của Thần Vishnu; nghĩa là, một số học giả Ấn Độ cũng dùng Phật Giáo trong cách riêng để có lợi đoàn kết chính trị cho dân tộc Ấn Độ. Chiều ngược lại, nhiều học giả Trung Hoa nhìn về Ấn Độthể không hảo cảm, thậm chí có thể nghĩ rằng chính phủ Ấn Độ đón nhận Đức Đạt Lai Lạt Ma sang tỵ nạn hẳn là đầu tư chính trị. Nhìn cho trong sáng, hẳn chỉ có các tăng ni và các cư sĩ thật tâm muốn chính pháp hưng thịnh. Trong bài do Stobdan viết, có điểm khả vấn khi ông nói rằng Đức Phật A Di Đà (Amitabha Dhyani Buddha) có một hóa thânĐức Phật Thích Ca Mâu Ni (who’s earthly manifestation was Shakyamuni Buddha). Có thể Stobdan cố ý viết sai vì mục tiêu phân tích chính trị Ấn-Hoa? Ý này sẽ lược đi. Thực ra, bài phân tích của Stobdan là nhận định chính trị, không có ý nói về triết lý Phật học.

Chỗ này, cũng nên ghi nhận rằng ông Narendra Modi, nhậm chức Thủ Tướng Ấn Độ từ 2014 tới nay, tuy theo chủ nghĩa Quốc Gia Ấn Độ Giáo (Hindu Nationalism) nhưng lại rất thân thiện với Phật Giáo. Khi khai mạc Đại Lễ Phật Đản năm 2018 do International Buddhist Confederation tổ chức, Thủ Tướng Modi nói rằng Ấn Độ không phân biệt tôn giáo và có truyền thống nhiều ngàn năm là “không tấn công các nước khác hay tấn công các trường phái tư tưởng”, hình như ý này là ám chỉ Trung Quốc hay là các nước Hồi Giáo lân bang. Trong buổi lễ, Thủ Tướng Modi cũng ca ngợi giáo lý từ bi của Đức Phật và nói thế kỷ 21 còn cần thông điệp từ bi hơn bao giờ hết.

Gần hơn, báo The Hindu trong ấn bản ngày 21/12/2020 loan tin rằng trong hội nghị viễn liên qua video, nói chuyện trước hội nghị lần thứ 6 của Indo-Japan Samwad Conference (IJSC), Thủ Tướng Modi đề nghị xây dựng một thư viện tại Ấn Độ chuyên về lưu giữ kinh điểnvăn học Phật Giáo, nói rằng thư viện sẽ là một nền tảng cho nghiên cứu và đối thoại. Modi cũng ca ngợi diễn đàn IJSC đã thực hiện nhiều công trình để quảng bá các tư tưởnglý tưởng của Đức Phật, đặc biệt quảng bá trong giới trẻ, “Và hôm nay, tôi muốn đề nghị thiết lập một thư viện lưu giữ tất cả các kinh điểnvăn học Phật Giáo truyền thống. Chúng tôi sẽ rất hạnh phúc để thiết lập một thư viện như thế ở Ấn Độ và sẽ cung cấp các nguồn lực và tài nguyên cho nơi này.” Thủ Tướng Modi nói thư viện này sẽ tìm góp và lưu giữ các bản sao kỹ thuật số tất cả văn học Phật Giáo từ các nước khác nhau, sẽ thông dịch ra và sẽ cho sử dụng miễn phí đối với tất cả các tăng nihọc giả về Phật Giáo. Modi nói, thư viện sẽ không chỉ là nơi lưu giữ, nhưng cũng sẽ là một không gian để nghiên cứu và đối thoại.

Thủ Tướng Modi nói trong hội nghị viễn liên đó, “Yêu cầu nghiên cứu cũng sẽ bao gồm cả việc khảo sát xem thông điệp của Đức Phật có thể hướng dẫn thế giới hiện đại của chúng ta đối phó với các thách thức đương đại,” và Modi dẫn ra các thách thức như nghèo khó, kỳ thị sắc tộc, chủ nghĩa cực đoan, kỳ thị tính phái, biến đổi khí hậu và nhiều nữa. Modi nói rằng ánh sáng thông điệp của Đức Phật đã từ Ấn Độ tỏa sáng ra nhiều phần trên thế giới. Modi nói, “Tuy nhiên, ánh sáng này không thụ động đứng lại. Tại mỗi nơi mới đi tới, tư tưởng Phật Giáo tiếp tục lưu chuyển hội nhập qua nhiều thế kỷ. Nhờ thế, kho tàng vĩ đại của triết họcvăn học Phật Giáo có thể tìm ở nhiều tu viện khác nhau hiện nay, trên khắp nhiều quốc giangôn ngữ khác nhau.” Modi nói, tất cả các văn bản đó chính là một kho tàng cho nhân loại, nói chung. Ghi nhận rằng, Thủ Tướng Modi nói như thế là tháng 12/2020, trong mùa đại dịch. Do vậy, chuyện thư viện và các dự án Ấn Độ có thể hỗ trợ sẽ còn xa. Nhưng thấy rõ là Thủ Tướng Modi muốn Ấn Độ phải là trung tâm nghiên cứu và đối thoại của Phật Giáo toàn cầu. Trong khi đó, Chủ Tịch Tập Cận Bình lại có chính sách toàn cầu hóa kiểu khác cho Phật Giáo Trung Quốc.

Bản dịch hai bài bình luận của đại sứ Stobdan, sẽ chiếu thêm ánh sáng qua các khía cạnh chính trị.

.

--- MẶT TRẬN MỚI để Ấn-Hoa tranh chấp: Trận đánh sắp tới về Đức Phật Di Lặc tương lai

Báo Financial Express, ngày 25/5/2021. Tác giả: Đại sứ P. Stobdan.

Huyền thoại Trung Hoa ghi rằng Đức Phật Di Lặc tương lai sẽ giáng thế tại Trung Quốc, trong vùng đất của Đức Phật A Di Đà (Amitabha Buddha) hay là trong Tịnh Độ Tây Phương, gọi là cõi Cực Lạc như người Trung Hoa mô tả.

Trong khi thế giới mừng Đại Lễ Phật Đản thứ 2565, Trung Quốc như dường đang tác chiến trong một trận đánh dày đặc lý thuyết về Đức Phật Di Lặc, người chưa giáng thế trên địa cầu. Huyền thoại về Đức Phật Di Lặc cũng xưa như Phật Giáo – được đưa ra từ tiên tri trong cả 3 truyền thống Phật Giáo: Theravada, Đại ThừaKim Cang Thừa. Theo niềm tin Phật Giáo, ngài Di Lặc giáng thế sẽ là hóa thân của Phật Amoghasiddhi Dhyani Buddha (Bất Không Thành Tựu Phật) trong cõi sambhogakaya (báo thân).

Huyền thoại Trung Quốc nói rằng Đức Phật Di Lặc tương lai sẽ giáng thế tại Trung Quốc – trong vùng đất của Đức Phật A Di Đà hay trong Tịnh Độ Tây Phương – cõi Cực Lạc (Sukhavati) như người Trung Quốc mô tả.

Truyền thống người Trung Hoa thường nói đã có các hóa thân của Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Kim Cang Thủ và các vị khác [từng giáng thế vào đất TQ]. Sự kiện rằng Đức Phật Thích Ca và nhiều vị Bồ Tát khác đã được người Trung Hoa, người Nhật Bản, người Hàn Quốc và người Đông Nam Á hiện nay tôn kính nhiều hơn là người Ấn Độ. Họ tin rằng các vị Bồ Tát từ bi như Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Địa Tạng và các vị khác vẫn đang tới cứu độ các chúng sinh đau khổ kể từ khi Đức Phật Thích Ca viên tịch.

Một vài tông phái cổ Trung Hoa như Tịnh ĐộThiền Tông có một vài liên hệ Ấn Độ được nói là sẽ công nhận một vị Phật tương lai tại Trung Quốc. Nỗ lực mới nhất trong các học giả TQ là làm việc về Kinh Maitreya Vyakarana Sutra (có lẽ là Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật?), bản kinh tiếng Sanskrit đầu tiên được soạn tại TQ. Các dự án có thể có sự hỗ trợ của CPC (Đảng CSTQ).

Tại sao Trung Quốc vội vã đón nhận Đức Di Lặc? Hiển nhiên, như thế là cứu Phật Giáo ra khỏi tình trạng suy yếu hiện nay và đưa Phật Giáo ra khỏi thế độc quyền sở hữu của các nước khác. Với số lượng Phật tử đông đảo, có lẽ là hơn nửa tỷ Phật tử, Trung Quốc muốn nắm quyền sở hữu Phật Giáo. Khi hướng về Đức Di Lặc là muốn thay thế Đức Phật Thích Ca lịch sử bằng vị Phật tương lai, hay là để làm giảm tầm ảnh hưởng Đức Phật lịch sử. Nghĩa là, dần dần sẽ làm nhạt màu sắc Ấn Độ trong Phật Giáothiết lập Trung Quốc như suối đầu nguồn của Phật Giáo Nhân Gian (Human Buddhism) vượt qua vị trí [quốc gia] thứ nhì trong Phật Giáo.

Người Trung Quốc đã tuyên bố thành lập một Bodhimanda (Bồ Đề Đạo Tràng) cho Đức Phật Di Lặc tại tỉnh Guizhou. Nơi đây gọi là Fantian Jingtu (Phạm Thiên Tịnh Độ) trên núi Mount Fanjing (Phạm Tịnh sơn) nơi Liên Hiệp Quốc công nhậnDi Sản UNESCO Thế Giới năm 2018. Thấy rõ rằng, Hội Phật Giáo Trung Quốc (Chinese Buddhist Association - CBA) có một kế hoạch đã công bố từ năm 2017 nhằm vẽ ra lằn ranh tác chiến mới giữa Tianzhu Fojiao (Phật Giáo Thiên Trúc, tức PG Ấn Độ) và một Zhongguo Fojiao (Phật Giáo Trung Quốc) mới, được đề nghị liên kết bởi Phật Tử ở Hoa Lục, Đài Loan, Hồng Kông và Macao xuyên qua Diễn Đàn Phật Giáo Thế Giới (World Buddhist Forum - WBF) tổ chức năm 2006.

Trung Quốc đã thiết lập đại học Phật Giáo có tên là Nalanda University tại khu du lịch văn hóa Sanya Nanshan Cultural Tourism Zone năm 2017. Nơi này kiểm soát toàn vùng núi Mt Kailash, được ca ngợi như núi Meru (núi Tu Di) trong truyền thống Phật GiáoẤn Độ Giáo. Trận chiến cũng về chuyện cây. Trong khi hình ảnh Đức Phật Thích Ca gắn liền với Cây Bồ Đề (Peepal Tree, còn gọi là Ficus religiosa), Đức Phật Di Lặc được tin tưởngliên hệ tới cây Vấp (Nagakesara, hay cây Mesua ferrea).

Tất cả những chuyện đó diễn ra trong khi Ấn Độ quan sát. Dĩ nhiên, khi TQ vươn lên trong không gian văn hóa riêng, chuyện này làm Ấn Độ quan ngại. Thủ Tướng Narendra Modi đã nhanh chóng đo lường tầm quan trọng của Phật Giáo sau khi nhậm chức năm 2014, và còn đưa vấn đề này vào trung tâm các chính sách ngoại giao của ông với các quốc gia Châu Á chính yếu. Nhưng rồi sau 6 năm, ý tưởng sáng suốt của ông như dường đã bị những người muốn sử dụng Phật Giáo như một công cụ địa-chính-trị để kình chống TQ chứ không phải để hồi phục Ấn Độ như trung tâm của Phật Giáo.

Tệ hơn nữa, nhiều chiến lược gia Ấn Độ còn ưa so sánh việc mở rộng Phật Giáo với khuynh hướng Phật Giáo Tây Tạng (có lẽ vì họ không hiểu rõ) mà không nhận ra rằng Phật Giáo Tây Tạng trong truyền thống đã là một công cụ mạnh mẽ trong tay các triều đình Trung Quốc --- nhà Nguyên, nhà Minh và nhà Thanh. Biến thể Tây Tạng của Phật Giáo bây giờ đã bị TQ kiểm soát chặt chẽ.

Phần đối trọng Ấn Độ đối với Diễn Đàn PG Thế Giới (World Buddhist Forum - WBF) do TQ lãnh đạo là Liên Minh Phật Giáo Quốc Tế (International Buddhist Confederation - IBC) do chính phủ Ấn tài trợ được thành lập năm 2011. Tổ chức IBC đã tổ chức nhiều sự kiện, nhưng lại thiếu vắng các kế hoạch có chiều sâu triết lý.

Nỗi ám ảnh Ấn Độ hiện nay có vẻ như đang làm việc cho chuyện tái sanh sắp tới của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng, trong tất cả mọi khả thể, tiến trình lựa chọn đang nằm trong tay những vị có truyền thống khái niệm hóa định chế Đạt Lai Lạt Ma trong thế kỷ 17, khi mà vị lãnh đạo Tây Tạng nằm trong quyền bảo trợ của triều đình nhà Thanh của TQ. Bất kỳ chệch hướng nào ra ngoài truyền thống sẽ hệt như ném em bé vào chậu nước tắm – cũng sẽ chỉ hại cho người Tây Tạng.

Như dường, quyết định về tương lai Đức Đạt Lai Lạt Ma là một chủ đề nhỏ trong chiến lược Trung Hoa lớn hơn trong việc tự thiết lập như một siêu cường Phật Giáo. Đức Đạt Lai Lạt Ma được xem là một hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm.

Ấn Độ cần phải làm mới di sản Phật Giáo của họ, vì Phật Giáo vẫn còn định ra các nền tảng đạo đức chính yếu của các xã hội Châu Á và tương giao với các mạch kinh tế, chính trị và xã hội của nhiều quốc gia.

Phật Giáo có thể vẫn còn giữ một vai trò quân bình mãnh liệt, nhưng để Ấn Độ trở thành một lãnh đạo thế giới, Ấn Độ cần phải rời bỏ phương pháp thiển cận vừa làm hạn chế sức mạnh ngoại giao Phật Giáo của chính mình, vừa có rủi ro làm suy yếu chính di sản Phật Giáo của mình.

Hiện nay, Ấn Độ thiếu nghiêm trọng năng lượng để xoay bánh xe chánh pháp của chính mình, chớ đừng nói gì tới làm mới năng lượng đó cho nước khác. Nơi đây, Ấn Độ thiếu trầm trọng các định chế [học thuật] uy tín; không hề có một người Ấn Độ nào được vào danh sách các vị Thầy Phật Giáo hàng đầu thế giới. Trong năm 2007, Ấn Độ khởi động việc hồi phục đại học Nalanda University với hỗ trợ từ các nước trong Thượng Đỉnh Đông Á. Nhưng không ai biết trình độ của nó [của đại học này]. Với tốc độ chậm như thế, chỉ thêm vài năm nữa là Ấn Độ sẽ tự cô lập trong thế giới  Phật Giáo.

Cùng lúc đó, việc tìm cách đối nghịch với Trung Quốc về Phật Giáo, như nhiều người có ý như thế, có vẻ như đặt sai chỗ phần nào. Thay vào đó, nỗ lực nên là nên tìm cách vươn tay tới con số Phật tử khổng lồ ở Trung Quốc, như Thủ Tướng Modi đã làm bằng cách tiếp cận với Phật Tử TQ qua mạng Weibo [của TQ] trong Đại Lễ Phật Đản năm 2015.

Ấn Độ nên vui mừng về viễn ảnh hồi phục Phật Giáo tại TQ và ảnh hưởng tích cực như thế có thể có trong quan hệ tương lai của Ấn Độ đối với TQ nói riêng, và với Châu Á nói chung. Mới gần đây, khi một bài viết trên mạng China Weibo giễu cợt về số người chết tại Ấn Độ vì COVID-19, các tổ chức Phật Giáo tại Trung Quốc đã nhanh chóng lên án đó là kiểu tuyên truyền tệ hại.

Ấn Độ cần nghiêm túc tái xác nhận vai trò trung tâm, và hãy ôm choàng lấy truyền thống [của Ấn Độ] về Phật, Pháp, Tăng. Ấn Độ cần có những bước đi tức khắc để hồi phục các khu di tích Phật Giáo từ nhiều ngàn năm đang nằm trong đổ nát. Các khu di tích này trực tiếp nối kết với điểm đến tnh thần của nhiều triệu người. Bằng cách cải thiện hạ tầng cấu trúc và sự nối kết, Ấn Độ có thể thu hút thêm người hành hương Châu Á. Điều này có thể tạo ra thêm việc làm lương cao cho nhiều triệu thanh niên Ấn Độ. Đây là cách duy nhất để chống lại huyền thoại Đức Phật Di Lặc Trung Hoa, một chuyện kể nối kết với nền kinh tế TQ và với cuộc trường chinh tân đế quốc của họ.

.

--- LÁ BÀI Phật Giáo của Trung Quốc: nỗi sợ khi TQ chuyển sức mạnh kinh tế thành thế lực tín ngưỡng.

Báo The Tribune, ấn bản ngày 26/5/2021. Tác giả: Đại sứ P. Stobdan

Trong khi chúng ta mừng Đại Lễ Phật Đản thứ 2565, đã tới lúc phải nhìn lại xem vì sao các ý tưởngbiểu tượng của Đức Phật đã dần dần biến mất khỏi vùng đất, nơi ngài thành tựu giác ngộ.

Đức Phật không xuất hiện trong các ngôi chùa, Phật Giáo cũng không phải là quỳ lạy trước một pho tượng để xin cứu rỗi. Cũng không phải là thực hiện các nghi lễ và cúng tế. Nhưng, điều này có vẻ như kỳ lạ, trong khi Phật Giáo phát triển tăng vọt ở các nơi khác, tôn giáo này lại kém quan trọngẤn Độ.

Ấn Độ cần phải nghiêm túc tái xác nhận vai trò trung tâm, và hãy ôm choàng lấy truyền thống [của Ấn Độ] về Phật, Pháp, Tăng. Nhưng buồn thay, Ấn Độ đã tách xa Phật Giáo, và ý nghĩa lịch sử này có thể làm hại nhiều hơn cho hình ảnh Ấn Độ trên toàn cầu, vì thế giới bên ngoài vẫn tiếp tục nối kết sự vĩ đại của Ấn Độ, bất kể các thành tựu thời hiện đại, với trí tuệ của Đức Phật.

Một cách chắc chắn là, những người xây dựng quốc gia Ấn Độ ý thức rõ về giá trị cốt tủy. Ngài Nehru đã đặc biệt tự nâng hình ảnh của ông lên xuyên qua Phật Giáo --- sáp nhập các đặc trưng và biểu tượng Phật Giáo để làm thành quốc gia Ấn Độ. Theo sử gia Madhavan Palat, Nehru nhìn Gandhi như một hóa thân của Đức Phật, và tự nhìn ông như một tái sinh của vua Ashoka (vua A Dục). Cả hai (Đức Phật, vua A Dục) đều bác bỏ các tín điều, nhưng chỉ bảo vệ luật của sự thật (chánh pháp). Phương pháp đạo đứclý vô thường của Đức Phật đã ảnh hưởng sâu sắc Nehru. Trong khi Đức Phật đã cho Ấn Độ một thiết tha với hòa bình, Nehru ứng dụng điều đó vào chính sách ngoại giao --- để tránh xa các cuộc chiến và tránh cạnh tranh với các nước.

Nhưng, bây giờ là vấn đề của quyền lãnh đạo. Trong khi Ấn Độ đã mất hầu hết các di sản, Trung Quốc đang nắm quyền lãnh đạo đối với Phật Giáo thế giới. Và, như Trung Quốckế hoạch trở thành một siêu cường Phật Giáo cùng với móng vuốt chính trị, tài chánh và tiếp thị của họ, chuyện đó sẽ tới như nỗi sợ tệ hại nhất của Ấn Độ.

Chắc chắn là, một Trung Quốc gắn liền với Phật Giáo sẽ thành công. Thực sự, trái với niềm tin thường có, Phật Giáo vẫn bắt rễ sâu chắc tại Trung Quốc ngay cả sau khi Đảng Cộng Sản nắm quyền. Trung Quốc chống lại các hành vi dị đoan, nhưng không chống lại tôn giáo. Nhưng, trong các năm gần đây, Trung Quốc chứng kiến nhiệt tâm tăng vọt của vận động hồi phục Phật Giáo. Nền kinh tế thịnh vượng như dường hướng người dân về tới tâm linh nhiều hơn, và Phật Giáo trở lại mạnh mẽ. Nhiều triệu người Trung Hoa đang tìm kiếm nối kết ‘yin guo’ (nhân quả) của họ đối với Đức Phật A Di Đà. Từ sinh viên cho tới doanh nhân, người Trung Hoa đời thường bắt đầu nối kết hạnh phúc cuộc tồn sinh của họ với bản chất tương thuộc của chu kỳ nghiệp quả.

Nhà sư Trung Hoa Jingzong (Tịnh Không) từng nói rằng ý định của Trung Quốc trong nỗ lực thành tựu định phận chính trị và kinh tế sẽ không thấm vào đâu với nỗ lực của nhiều triệu người muốn thành tựu giác ngộ tâm linh. Nhà sư này nói, ông không thể hình dung ra tương lai Trung Quốc mà không có Phật Giáo.

Nhưng, không ai khác hơn là Chủ Tịch Tập Cận Bình, người đã ra sức cho công cuộc toàn cầu hóa Phật Giáo từ khi ông 29 tuổi, khi còn là một cán bộ cấp thấp ở tỉnh Hebei (Hồ Bắc). Tập đã lộ ra cho thấy ông thiên vị, chống lại các ý thức hệ bị cho là ngoại lai, như Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, và chế độ dân chủ. Tập đã giúp xây lại nhiều ngôi chùa nổi tiếng trong quá khứ, nhưng đã ra lệnh gỡ bỏ hàng ngàn cây thập giá ra khỏi các tháp nhà thờ, khi Tập nắm quyền ở tỉnh Zhejiang (Chiết Giang) từ năm 2002 tới năm 2007.

Tập Cận Bình có thể đang theo một chính sách tương tự như chính sách tâm linh của Vladimir Putin trong việc đón nhận Thiên Chúa Giáo chính thống để được trao cương vị lãnh đạo chính thống của thế giới những người dùng hệ ngôn ngữ Slavic (Nga + nhiều nước Đông Âu). Điều đó xảy ra bất kể Điều Khoản 14 trong Hiến Pháp Nga tuyên bố rằng Nga là một quốc gia thế tục.

Không ai biết Tập Cận Bình có phải là một Phật tửtu học không, nhưng vợ Tập là một Phật tử như thế. Tập đã mạnh mẽ đưa Phật Giáo Trung Hoa ra vị trí toàn cầu kể từ năm 2005. Nơi mức độ quốc nội, trông có vẻ như Tập nương vào Phật Giáo không chỉ để củng cố quyền lực riêng, nhưng còn để cứu Đảng không bị sụp đổ, và để nắm giữ các giá trị đạo đức trong mạng lưới xã hội Trung Quốc xuyên qua chiến dịch chống tham nhũng.

Trông có vẻ như Tập đang tái hình dung về tương lai Trung Quốc phù hợp với quan điểm của các vương triều Trung Hoa thời xưa. Với các giá trị Phật Giáo nhân bản lưu chảy trong xã hội, Trung Quốc nhiều phần sẽ thấy trong tương lai những gì chúng ta chứng kiến ở các quốc gia như Thái Lan hiện nay. Chắc chắn là như thế, đó cũng sẽ là kết quả cho phần còn lại của Châu Á, nơi 97% Phật Tử thế giới đang sống và là nơi Phật Giáo được trân trọng lưu giữ làm giá trị căn bản.

Nỗi sợ là Trung Quốc sẽ chuyển sức mạnh kinh tế thành sức mạnh tâm linh. Nước này hiện đang tăng tốc toàn cầu hóa Phật Giáo --- xây dựng các nối kết tâm linh với người ở các nước khác, và thường xuyên chủ tọa các Diễn Đàn Phật Giáo Thế Giới (World Buddhist Forum) nơi đó thu hút nhiều ngàn tăng nihọc giả từ khắp thế giới tới, và đang xây dựng Lingshan (Linh Sơn) như một Vatican của Phật Giáo.

Trung Quốc kiểm soát các cơ chế và Hội Đồng Tăng Già Phật Giáo Thế Giới (World Buddhist Sangha Councils), giúp sửa chữa, tân trang, và dựng lại các định chế Phật Giáo khắp các nước Theravada và Mahayana (Nam TôngBắc Tông), nhiệt tâm tham dự các sự kiện quốc tế lớn, như Đại Lễ Tam Hợp LHQ (UN Vesak Day).

Trở thành một vị hộ pháp cho Phật Giáo đã giúp Tập Cận Bình đưa Trung Quốc thành một cường quốc thế giới có thể chấp nhận được với một hình ảnh mềm dịu. Toàn cầu hóa Phật Giáo giúp Bắc Kinh thúc đẩy các dự án kinh tế --- làm cho nỗ lực ngoại giao dễ dàng hơn đế tranh ảnh hưởng địa chính trị ở Myanmar, Sri Lanka, Nepal, Bhutan, và các nơi khác. Làm theo chiến lược các triều đình xưa, Trung Quốc có thể sử dụng ngay cả các liên hệ Phật Giáo Tây Tạng để mở rộng tầm ảnh hưởng. Cho dù là khẳng định chủ quyền ở Biển Đông hay đang thúc đẩy nối kết theo chương trình BRI dọc theo Con Đường Tơ Lụa, Tập Cận Bình như dường đang làm việc theo [bản đồ] địa lý chính trị của Phật Giáo. Phương pháp của Tập về hướng nối kết thương mại với Phật Giáo như dường lộ ra chính sách đó.

BRI được thúc đẩy vào Nepal với nối kết nơi sinh của Đức Phật Thích Ca, Lumbini (Lâm Tỳ Ni). CPEC đang được gọi là ‘‘Gandhara trail’ (ghi chú: đường mòn Gandhara là tuyến đường hoằng pháp cả ngàn năm trước, hai bên tuyến đường có nhiều tu viện, bây giờ là khu vực Tây Bắc Pakistan) để nối kết Trung Quốc với các trung tâm Phật học như Lahore, Taxila, và Peshawar. Các cổ vật từ khu khảo cổ Taxila đang được gửi tới Sri Lanka để triển lãm cho công chúng xem. Các nhà sư Châu Á, kể cả từ Bhutan, được mời tới tu viện Saidu Sharif tại Swat Valley (nơi sinh của ngài Padmasambhava [Liên Hoa Sanh]).

Ấn Độ cần phải nghiêm túc tái xác nhận vai trò trung tâm, và hãy ôm choàng lấy truyền thống [của Ấn Độ] về Phật, Pháp, Tăng.

GHI CHÚ:

. New front for India vs China tussle: https://www.financialexpress.com/lifestyle/new-front-for-india-vs-china-tussle-coming-battle-over-future-buddha-maitreya/2258486/

. China’s Buddhism card: https://www.tribuneindia.com/news/comment/chinas-buddhism-card-258452

.

PHOTO:

z 1 tap can binh_Modi Hobei_2018Hình 1: Thủ Tướng Ấn Độ Modi thăm TQ năm 2018, được Chủ Tịch TQ Tập Cận Bình mời thăm Bảo Tàng Hồ Bắc.

z 2 tap can binh modi tour 2019Hình 2: Chủ Tịch TQ Tập Cận Bình thăm Ấn Độ năm 2019, được TT Modi mời thăm khu di tích Phật Giáo Ấn Độ.

z 3 modi and mongolia president 2015Hình 3: Thủ Tướng Ấn Độ Modi (trái) và Tổng Thống Mông Cổ Battulga (giữa) trong nghi thức Phật Giáo năm 2019.

z 4 tap can binh and phu nhanHình 4: Chủ Tịch TQ Tập Cận Bình và Đệ nhất Phu nhân Bành Lệ Viên. Đệ nhất Phu nhânPhật tử, nhưng không ai rõ về ông Tập.

 

 

 

 





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
22/11/2021(Xem: 3678)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :