Theo đó, lúc sinh tiền, ngài đã khẩu dụ: "Sau khi tôi theo hầu Phật Tổ thì không được tổ chức tang lễ linh đình, nghi lễ hết sức giản đơn, ngắn ngày theo truyền thống đạo Phật và tổ chức tại chùa Viên Minh. Đề nghị không vòng hoa phúng điếu, không tiểu sử dài dòng, không tiêu tốn thời gian và tổn hại công đức của Tăng Ni và Phật tử. Nếu quý vị tưởng nhớ tới tôi thì niệm danh hiệu Phật và tụng thời kinh tại trụ xứ của mình hồi hướng công đức cho thế giới hoà bình, nhân sinh an lạc".
Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ, ngài từng cho biết: “Chùa to cảnh lớn dù sao cũng chỉ là phương tiện, nên không quan trọng trong việc quyết định thành tựu của người tu. Tôi cũng được người ta mời trụ trì một vài ngôi chùa lớn, hoặc những ngôi chùa ở trong nội thành Hà Nội với lời khuyên rằng: Hòa thượng già rồi, nên ở những ngôi chùa trong thành phố, gần các bệnh viện lớn để tiện theo dõi, chăm sóc sức khỏe. Nhưng tôi từ chối hết”.
Tại thời điểm phỏng vấn của Báo Giác Ngộ, ngài đã 99 tuổi, nói về “bí quyết trường thọ”, ngài dạy: “Tôi không có bí quyết gì. Tuổi thọ không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo. Ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệp thì bất khả tư nghì. Tôi trụ thế đến nay 99 năm, ở chùa 94 năm, thụ Đại giới được 78 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương, khi nào chư Phật, chư Tổ cho gọi thì về thôi”.
Thông bạch đặc biệt của Giáo hội cho biết: Thể theo di nguyện trên của Đức Pháp chủ và trước bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN quyết định tổ chức Lễ truy điệu tưởng niệm và Lễ nhập bảo tháp Đức Pháp chủ theo hình thức trực tiếp (đối với Tăng Ni trên địa bàn TP.Hà Nội) và trực tuyến tới trụ sở GHPGVN các cấp, tới các chùa, cơ sở tự viện cả nước trong cùng thời gian.