Thư Viện Hoa Sen

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Vị Trưởng Lão Uyên Bác, Viên Tịch Ở Tuổi 81

24/11/20239:33 SA(Xem: 5032)
  • Tác giả :
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Vị Trưởng Lão Uyên Bác, Viên Tịch Ở Tuổi 81
blank.
HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ,

VỊ TRƯỞNG LÃO UYÊN BÁC,
VIÊN TỊCH Ở TUỔI 81


Thich Tue Sy (Ảnh VOA)
Ảnh: VOA
Đại lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, vị trưởng lão nổi tiếng uyên bác, thông tuệ của Phật giáo Việt Nam đồng thời được xem là lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vừa viên tịch sau một thời gian lâm bệnh nặng.

Báo Giác Ngộ, tờ báo của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã viên tịch vào lúc 16 giờ chiều ngày 24/11 năm 2023 tại chùa Phật Ấn, tỉnh Đồng Nai, nơi ông về cư ngụ trong những năm cuối đời.

Hòa thượng đã ngã bệnh kể từ đầu tháng 9 và đã được đưa vào Bệnh viện Quốc tế Mỹ ở Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh để điều trị.

Hồi tháng 9 năm ngoái, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã công bố di chúc của Đức Đệ Ngũ Tăng thốngĐại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ - về việc tái lập Hội đồng Giáo phẩm Trung ương. Sau khi tái lập, cơ quan này đã suy cử ông làm Chánh Thư ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – tổ chức không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.

Kể từ đó, ông đã lãnh đạođiều hành mọi công việc của Giáo hội, trong đó chủ yếu là chọn lọc và bổ sung thêm thành viên cho Hội đồng Phiên dịch Đại Tạng Kinh để tiếp tục công việc dịch kinh điển Đại thừa. Dưới sự lãnh đạo của ông, Hội đồng đã dịch và in xong 29 tập của bộ Thanh Văn Kinh, một phần của Đại Tạng Kinh, và đã cho công bố hồi đầu năm nay.

Sinh năm 1943 tại Paksé, Lào, có nguyên quán tại tỉnh Quảng Bình, Hòa thượng Tuệ Sỹ có con đường tu học trải từ Sài Gòn đến Huế và Nha Trang. Ông thọ giáo với những vị trưởng lão hàng đầu của Phật giáo Việt Nam như Thích Thiện Siêu và Thích Trí Thủ.

Ông được biết đến là một trong những vị cao tăng thông tuệ nhất của Phật giáo Việt Nam với những công trình nghiên cứu, khảo luận về Thiền họcPhật học. Cả cuộc đời ông chủ yếu tập trung vào các sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy và dịch kinh điển Phật giáo ra tiếng Việt.


Hòa thượng tốt nghiệp Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn và sau đó là Viện Đại học Vạn Hạnh khi mới 22 tuổi, và được Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, đặc cách bổ nhiệm làm giáo sư khi mới 27 tuổi – giáo sư trẻ nhất vào lúc đó – và làm tổng thư ký tạp chí Tư Tưởng của Viện.

Bên cạnh là nhà nghiên cứu, nhà giáo, dịch giả, Hòa thượng Tuệ Sỹ còn là nhà thơ, nhà văn có nhiều tác phẩm đã xuất bản, trong đó nổi bật như ‘Triết học về tánh Không’, ‘Đại cương về thiền quán’, ‘Tổng quan về nghiệp’, ‘Thiền định Phật giáo’, ‘Huyền thoại Duy-ma-cật’, ‘Du-già Bồ-tát giới’, ‘Tô Đông Pha, Những phương trời viễn mộng’ và những tập thơ như ‘Giấc mơ Trường Sơn’, ‘Thiên lý độc hành’, ‘Hoàng cầm tình khúc’…

Các bộ kinhHòa thượng đã dịch và được phổ biến rộng rãi đến các Phật tử trong đó chủ yếu tạng kinh A-hàm bao gồm các bộ Trường A-hàm, Trung A-hàm và Tạp A-hàm. Ông thông thạo tiếng Phạn, tiếng Tạng, tiếng Hán, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức…

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ từng bị chính quyền cộng sản bắt vào năm 1984 tại chùa Quảng Hương Già Lam ở Gò Vấp và bị kết án tử hình 4 năm sau đó về tội ‘Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ cùng với Hòa thượng Thích Trí Siêu. Nhưng đến năm 1998, nhờ áp lực quốc tế, ông được thả.

Ông từng bất đồng với tôn sư của ông là Hòa thượng Thích Trí Thủ - người dẫn đầu công cuộc vận động thống nhất Phật giáo vào năm 1981và sau này trở thành Chủ tịch Hội đồng Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Nhà nước thành lập.

Hòa thượng Thích Minh Tâm, viện chủ chùa Phật Ấn và là người gần gũi săn sóc Hòa thượng Tuệ Sỹ lúc cuối đời, từng kể với VOA rằng ông ‘luôn trăn trở về sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn còn nội ma ngoại chướng nhiều’.
(Tin Việt Ngữ Đài phát thanh VOA)




Tạo bài viết
22/11/2021(Xem: 3878)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: