Kinh Khemaka: Ưng Vô Sở Trụ

21/10/20153:34 SA(Xem: 12130)
Kinh Khemaka: Ưng Vô Sở Trụ

KINH KHEMAKA: ƯNG VÔ SỞ TRỤ
Nguyên Giác

 

kinh sachPhật Giáo là đạo giải thoát, vượt bờ sinh tử, xa lìa muôn kiếp mê lầm bể khổ. Đức Phật thường nói rằng chỉ có một cách duy nhất vượt qua bờ phiền não là: xa lìa tham sân si. Và ngài nói, chìa khóa xa lìa phiền nãotam học: giới định huệ. Như thế, cả phiền nãoxa lìa phiền não đều là tâm. Ngắn gọn, Phật Giáo là pháp tu tâm.

Câu hỏi nơi đây là, tu tâm như thế nào? Kinh Phật đã kể ra nhiều trường hợp, cho thấy có nhiều lối vào đạo. Trong đó, có ít nhất hai kinh ghi cụ thể là “giáo pháp ngắn gọn” (Dhamma in brief) chỉ đơn giản là:

Trong cái nhìn, chỉ là cái được nhìn; trong cái nghe, chỉ là cái được nghe…

Cả hai kinh ngắn gọn đều không bàn gì khác, không bảo phải tu chỉ, không bảo phải tu quán, chỉ nói hãy “sống cái như thị” (chớ có ưa hay ghét, chớ có thêm hay bớt). Đó là Kinh Bahiya (1) và Kinh Malunkyaputta (2). Đặc biệt, Kinh Bahiya cho thấy du sĩ ngoại đạo Bahiya nghe lời Đức Phật dạy xong, và giây phút sau đã đắc quả A La Hán mà không cần tới ngồi xuống, không cần hít thở chỉ với quán.

Có nghĩa là, tự trong cái thấy, cái nghe đã có sẵn giới định huệ. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn đã ghi lời ngài Huệ Năng rằng đó là tự tánh giới, tự tánh định, tự tánh huệ.

Trong Thiền sử Việt Nam cũng có lời dạy như thế. Thiền sư Thích Thanh Từ thường trích dẫn bài thơ của ngài Phước Hậu:

Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,

Học hành không thiếu cũng không dư,

Năm nay nghĩ lại chừng quên hết,

Chỉ nhớ trên đầu một chữ "Như"... (3)

Chữ “Như” trong thơ của ngài Phước Hậu chính là Kinh Bahiya, là Kinh Malunkyaputta. Lối vào đạo này là cửa tâm, là không có cửa để vào, vì tức khắc các pháp đã sẵn đủ.

*

Có một cách tiếp cận khác, từ Kinh Kim Cang, còn gọi là Kinh Kim Cương. Đặc biệt, Kinh Kim Cang có nhiều liên hệ tới văn học Việt Nam. Vì lý do nào, Kinh Kim Cang được giới trí thức, văn nghệ sĩ VN ưa thích? Không rõ. Phải chăng lời dạy “không nên trụ vào bất kỳ sắc thanh hương vị xúc pháp nào”… là thích nghi nhất, vì giới trí thức, văn nghệ sĩ vốn rất mực nhạy cảm với sắc thanh hương vị xúc pháp, vì đó là duyên để sáng tác văn học? Không rõ.

Câu chuyện nổi bậtthi hào Nguyễn Du trong thời gian đi sứ bên Trung Hoa đầu thế kỷ thứ 19, khi hành hương Phân Kinh Thạch Đài, nhìn thấy cảnh sau ngàn năm hoang phế, đã làm bài thơ “Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài,” trorng đó có lời tâm sự:

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,

Kỳ trung áo chỉ đa bất minh

Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ,

Chung tri: vô tự thị chân kinh.

Dịch  nghĩa:

Ta đọc kinh Kim Cương hơn ngàn lần

Ý nghĩa uyên áo trong kinh, phần nhiều không hiểu

Tới khi đến dưới đài Phân Kinh này,

Mới biết rằng kinh không chữ mới thật là chân kinh…

Hay như, Thầy Tuệ Sỹ, trong bài viết tựa đề "Ý Nghĩa Đề Kinh Kim Cang" đăng trên tập san Pháp Luân 58, ghi nhận về sức mạnh của kinh này:

"Với những ai có mắt để thấy, có tai để nghe, Kinh Kim cang sẽ chỉ đường để đối diện với ảo ảnh của cái tôi, và chỉ cách vận dụng kim cang xử đập vỡ vỏ trứng vô minh bao bọc tự ngã."

Trong khi đó, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc, trong "Gươm Báu Trao Tay," đã kể về kinh nghiệm với Kinh Kim Cang, trích:

"Một lần nọ, tôi hỏi một vị Sư “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” có phải là câu hay nhất trong kinh Kim Cang không thì Sư nhẹ nhàng bảo không, trong kinh Kim Cang câu nào cũng hay cả! Quả thật dần dần tôi cũng thấy ra kinh Kim Cang chỗ nào cũng hay cả, mà hình như ngày càng hay hơn, nhất là khi… áp dụng vào đời sống hằng ngày, đúng như Edward Conze nói. Cách viết, cách trình bày từng chữ từng câu trong kinh Kim Cang chặt chẽ, thuyết phục và nói chung là… hấp dẫn! Tôi bị cuốn hút vào Kim Cang cũng như trước kia với Tâm Kinh..." (4)

Như thế, Kinh Kim Cương như dường đã gắn liền với một phần của văn học dân tộc…


*


Kinh Kim Cương khá dài, chứa đựng nhiều lời dạy. Nơi đây, chúng ta chỉ dẫn ra một cửa vào đạo thường được nói tới: ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm.

Kinh nói, chớ nên trụ vào sắc thanh hương vị xúc pháp mà sanh tâm. Hãy giữ tâm không chỗ trụ. Tức là, chớ có trụ tâm vào bất kỳ pháp nào, như thế diệu tâm mới hiển lộ.

Chữ “sanh” đây nên hiểu là “hiển lộ” -- và không nên nghĩ là cái gì sanh ra cái gì. Cũng như gương sáng, không sanh ra cảnh gì hết, nhưng chỉ nên nói là cảnh hiển lộ ra, khi bụi không còn.

Một phiên bản rất ngắn của Kinh Kim Cương, chỉ dài chưa tới một trang, là Bát Nhã Tâm Kinh. Trong đó dạy rằng hãy quán sát năm uẩn – sắc thọ tưởng hành thức – là không, nhưng đây không phải hư vô luận, vì Tâm Kinh nói rằng quán như thế mới “viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.”

Tới đây, chúng ta thử nêu một câu hỏi: Kinh Kim Cương thường được Phật Giáo Bắc Tông xem như giáo pháp ngắn gọn cho Thiền Tông. Quý thầy thường kể rằng, khi ngài Huệ Năng nghe ngài Hoằng Nhẫn giảng tới câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” là hốt nhiên hiểu hết, không còn thắc mắc gì về Kinh Phật nữa. Nhưng lời dạy này khác hẳn lời dạy chữ “Như” ghi lại trong Kinh Bahiya.

Có nơi nào trong Tạng Pali nói rằng “ưng vô sở trụ” là pháp ngắn gọn để qua bờ sinh tử hay không? Kinh Khemaka Sutta có kể tương tự như thế. Rằng “bất kỳ uần nào trong sắc thọ tưởng hành thức không nên được nhìn như ‘cái tôi’ hay liên hệ tới ‘cái tôi’…” Nghe một môn đệ của Đức Phật nói xong như thế, khoảng 60 vị tỳ kheo lập tức đắc thánh quả -- theo các dịch giả Anh dịch và bản chú giải Tích Lan, tất cả 60 vị tỳ kheo nghe xong là đắc quả A La Hán.

Tóm gọn lại kinh này, bất kỳ uần nào cũng không là ngã (tôi) hay ngã sở (của tôi). Kinh Phật có sức mạnh tuyệt vời như thế. Vừa nghe xong, đắc thánh quả ngay. Khi nói tức khắc, có nghĩa là tự tâm đã sẵn đủ.

Năm uần là quốc độ của sự chấp thủ cái tôi, cái của tôi;  là nơi trú ẩn của chấp giữ “cái tôi” và “cái của tôi”… Trong ngũ uần, có lẽ sắc uẩn có sức lôi cuốn nhất, vì sắc uẩn bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý… và chúng ta ai cũng mắt ưa thấy đẹp, tai ưa nghe du dương…

Kinh Khemaka Sutta có nhiều điểm đặc biệt. Kinh không do Đức Phật thuyết, chỉ do ngài Khemaka trùng tuyên. Lúc đó, ngài Khemaka đã vào quả vị thánh, theo các nhà phân tích, có thể là ở quả vị Bất Lai.

Ngài Piya Tan phân tích, rằng ngay cả một vị thánh (chỉ trừ bậc A La Hán) cũng vẫn còn khái niệm về “cái tôi” nhưng không hề xem có cái tôi nào hết, không hề xem bất kỳ (hay tất cả) các uần (sắc thọ tưởng hành thức)_ hay  bất cứ những gì ngoài đó là “tôi” hay “của tôi”…

Kinh kể rằng các vị sư cao niên đang ngụ ở Ghasita’s Park, gần Kosambi, gửi nhà sư Dasaka tới thăm bệnh nhà sư trưởng lão Khemaka đang ngụ trong một cánh rừng ở Jujube Park. Nhà sư Dasaka đi tới đi lui 4 lần trong một ngày để chuyển lời nhắn giữa nhà sư Khemaka và nhóm 60 vị sư. Như thế, nhà sư Dasaka đi đường dài khoảng 2 yojanas (22.5 km = 14 miles).

Lý do chư tăng không tới thăm ngài Khemaka vì chỗ của ngài Khemaka hẹp, trong khi 60 vị sư quá đông. Cũng không thỉnh ngài Khemaka tới, vì ngài Khemaka đang bệnh nặng. Nhưng ngài Khemaka biết ước mơ trong tâm chư tăng, nên cuối cùng gượng bệnh để tới.

Kinh Khemaka có nói tới hương của hoa. Ngài Bodhi phân tích rằng nhóm 60 vị sư chưa hề đắc quả thánh nào, nên ngộ nhận rằng ngài Khemaka đã đắc quả A La Hán vì được nghe rằng ngài đã rời 5 hạ phần kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham và sân), nhưng ngài Khemaka cho biết rằng ngài tuy không chấp thủ uần nào là tôi hay của tôi, nhưng dù với thánh vị Bất Lai cũng vẫn còn “mùi hương chủ thể” – mùi hương về cái tôi dựa vào năm uần còn lảng vảng trong kinh nghiệm (Even for the non-returner, an “odor of subjectivity” based on the five aggregates still lingers over the experience).

Trong lời bình của Trưởng Lão Thi Kệ, cho biết nhà sư Dasaka trong một kiếp trước đã ra lệnh cho một vị A La Hán làm một số việc cho nên kiếp này sinh làm nô lệ, sau mới có cơ may xuất gia. Piya Tan ghi chú rằng nhà sư Dasaka bị xem là lười biếng, ưa ngủ. Trưởng Lão Thi Kệ cho biết, Đức Phật từng khiển trách nhà sư Dasaka, và rồi ngài Dasaka tinh tấnđắc quả A La Hán.

Ghi nhận rằng chỉ trong một ngày liên lạc giữa Đại sư Khemaka và nhóm 60 vị sư, ngài Dasaka đi bộ (hiểu là đi nhanh, có chỗ trong Kinh Khemaka nói là ngài Dasaka chạy) xa tới 22.5 km, nghĩa là ngài đã vượt qua thời kỳ làm biếng. Và khi được đưa vào Trưởng Lão Thi Kệ, có nghĩa là ngài Dasaka đã đắc quả A La Hán, và nhân duyên tuy không được nói minh bạch, nhưng hiểu là từ Kinh Khemaka Sutta, vì ngài Dasaka là một trong nhóm “khoảng 60 nhà sư” tức khắc đắc quả A La Hán cuối bài Kinh này.

Có một chi tiết để ghi nhận: ngay cả một vị đã đắc thánh quả thứ ba, tức quả Bất Lai, vẫn còn phảng phất dư vị khái niệm ‘Tôi là,” và Kinh này dạy rằng hãy chăm chú quan sát tâm, nhìn vào chỗ tập khởi và biến diệt – thế rồi, tự nhiên các chấp thủ “Tôi là” sẽ bị bật hết gốc rễ.

Kinh Khemaka Sutta có nhiều bản Anh dịch, hẳn cũng là vì lời dạy “vô sở trụ” (không trụ vào đâu hết, non-clinging) có sức mạnh rất là độc đáo. Nối kết các bản dịch đó sẽ ghi cuối bài này (5).


*


Sau đây là bản dịch Kinh Khemaka Sutta, chủ yếu dựa theo bản Anh dịch của Đại sư Bodhi.

 

Saṃyutta Nikāya 22
Kinh dạy về các uẩn
89. Khemaka

 

Một hôm, nhiều vị sư cao niên đang ngụ cư ở Kosambi tại Ghosita’s Park. Lúc đó, Đại sư Khemaka đang ngụ cư ở Jujube Tree Park, bệnh nặng, đau đớn, suy kiệt.

Rồi, vào buổi chiều, các vị sư cao niên rời các nơi ẩn cư, nói với Đại sư Dasaka rằng: “Bạn hiền Dasaka ơi, hãy tới Đại sư Khemaka và nói với sư: ‘Các sư cao niên nói với hiền hữu Khemaka rằng: Chúng tôi hy vọng rằng sư sẽ khỏe lại, đỡ hơn. Chúng tôi hy vọng rằng cảm thọ đau đớn của sư giảm bớt và không tăng, và rằng thọ giảm đau đó sẽ được nhận ra.’”

“Xin vâng, quý bạn hiền.” Đại sư Dasaka đáp, và đi tới gặp Đại sư Khemaka và nói lời nhắc.

Đại sư Khemaka trả lời: “Quý bạn ơi, tôi không thấy đỡ chút nào. Cảm thọ đau đớn đang tăng mạnh hơn trong tôi, không giảm, và thọ đau tăng này, không phải giảm, được nhận ra (tuệ tri).”

Đại sư Dasaka trở lại các vị sư cao niên, nói lời Đại sư Khemaka đã nói. Các sư cao niên nói với Đại sư Dasaka: “Bạn Dasaka ơi, hãy tới sư Khemaka và nói: ‘Các sư cao niên nói với ngài, hiền hữu Khemaka. Nhóm năm uẩn này ưa làm chấp thủ (subject to clinging), bạn ơi, Đức Phật đã nói như thế; rằng sắc uẩn ưa làm chấp thủ, thọ uẩn ưa làm chấp thủ, tưởng uẩn ưa làm chấp thủ, hành uẩn ưa làm chấp thủ, thức uẩn ưa làm chấp thủ. Đại sư Khemaka có xem bất cứ thứ gì như là ngã  hay ngã sở trong nhóm năm uần ưa làm chấp thủ này không?”

“Vâng, quý bạn hiền,” Đại sư Dasaka trả lời, và tới Đại sư Khemaka và nói lời nhắn.

Đại sư Khemaka trả lời: “Nhóm năm uần này ưa làm chấp thủ đã được Đức Phật nói tới; rằng, sắc uẩn ưa làm chấp thủ… thức uẩn ưa làm chấp thủ. Trong nhóm năm uẩn ưa làm chấp thủ, tôi không xem bất cứ gì là tôi hay của tôi.”

Rồi Đại sư tới các vị sư cao niên và nói lại những lời Đại sư Khemaka nói. Họ trả lời: “Đại sư Dasaka ơi, hãy tới Đại sư Khemaka và nói với ngài: ‘Các sư cao niên nói với hiền huynh Khemaka rằng: huynh ơi, nhóm năm uẩn ưa làm chấp thủ đã  được Đức Phật nói tới; rằng, sắc uẩn ưa làm chấp thủ… thức uẩn ưa làm chấp thủ. Nếu Đại sư không xem bất cứ gì trong nhóm năm uần ưa làm chấp thủ như là ngã hay ngã sở, rời thì ngài là một vị A La Hán, người đã phá hủy mọi phiền não.”

“Xin vâng,” Đại sư Dasaka trả lời, và tới Đại sư Khemaka và nói lại như thế.

Đại sư Khemaka trả lời: “Nhóm năm uẩn ưa làm chấp thủ này đã được Đức Phật nói tới; rằng sắc uẩn ưa làm chấp thủ… thức uẩn ưa làm chấp thủ. Tôi không xem bất cứ gì trong nhóm năm uẩn ưa làm chấp thủ là ngã (tôi) hay ngã sở (của tôi), nhưng tôi chưa là một vị A La Hán, bậc đã phá hủy mọi phiền não. Các bạn ơi, khái niệm ‘Tôi là’ vẫn chưa biến mất trong tôi trong liên hệ tới nhóm năm uẩn ưa làm chấp thủ này, nhưng tôi không xem bất cứ gì trong đó là ‘Đây tôi là.’”

Rồi, Đại sư Dasaka tới các vị sư cao niên, và kể lại những gì Đại sư Khemaka đã nói. Các sư trả lời: “Bạn Dasaka ơi, hãy tới Đại sư Khemaka và nói với ngài: ‘Các sư cao niên nói với ngài, hiền huynh Khemaka: Hiền huynh Khemaka, khi nài nói về cái “Tôi là” – cái gì mà huynh nói về như “Tôi là” chớ? Ngài nói về sắc như “Tôi là,” hay ngài nói về “Tôi là” xa lìa khỏi sắc? Ngài nói về thọ… về tưởng… về hành… về thức như “Tôi là,” hay ngài nói về “Tôi là” xa khỏi thức? Khi huynh nói về cái “Tôi là,” huynh Khemaka ơi, cái gì là cái huynh nói về như là “Tôi là”?”

“Xin vâng,” Đại sư Dasaka  trả lời, và tới Đại sư Khemaka và nói lại như thế.

“Đủ rồi, huynh Dasaka ơi! Tại sao huynh cứ chạy mãi tới lui? Mang gậy của tôi tới nhé, huynh ơi. Tôi sẽ tự tới gặp các sư cao niên.”

Rồi, Đại sư Khemaka, chống gậy, tới gặp các sư cao niên, nói lời chào mưng, và ngồi xuống một bên. Các sư cao niên nói với ngài: “Huynh Khemaka ơi, khi ngài nói về cái ‘Tôi là’… cái gì ngài đang nói về như là ‘Tôi là’?”

“Các huynh ơi, tôi không nói về sắc như ‘Tôi là,’ cũng không nói về ‘Tôi là’ xa lìa khỏi sắc. Tôi không nói về thọ như ‘Tôi là’… cũng không về tưởng như ‘Tôi là’… cũng không nói về hành như ‘Tôi là’… cũng không nói về thức như ‘Tôi là,’ cũng không nói về ‘Tôi là’ xa lìa khỏi thức. Các huynh ơi, mặc dù khái niệm ‘Tôi là’ chưa biến mất trong tôi liên hệ tới năm uẩn này ưa làm chấp thủ, tôi vẫn không xem bất cứ thứ gì trong chúng như ‘Đây tôi là.’

“Các huynh ơi, hãy giả dụ như có mùi hương của một bông sen xanh, đỏ hay trắng. Có ai sẽ nói là đúng nếu người đó sẽ nói, “Mùi hương là thuộc vào các cánh hoa,’ hay ‘Mùi hương là thuộc vào cọng hoa,’ hay ‘Mùi hương là thuộc vào nhụy hoa’?”

“Không phải, huynh ơi.”

“Và như thế nào, các huynh ơi, để trả lời nếu muốn trả lời cho đúng?”

“Huynh ơi, trả lời cho đúng thì  nên là: “Mùi hương là từ hoa.”

“Quý huynh ơi, cũng như thế, tôi không nói về sắc như ‘Tôi là,’ không nói về ‘Tôi là’ xa lìa khỏi sắc. Tôi không nói về thọ như ‘Tôi là’… không về tưởng như ‘Tôi là’… không nói về hành như ‘Tôi là’… không nói về thức như ‘Tôi là,’ không nói về ‘Tôi là’ xa lìa khỏi thức. Quý huynh ơi, mặc dù khái niệm ‘Tôi là’ chưa biến mất trong tôi trong liuên hệ tới năm uẩn này ưa chấp thủ, tôi vẫn không xem bất cứ gì trong chúng như là ‘Đây tôi là.’

“Quý huynh ơi, mặc dù một vị thánh đệ tử đã rời bỏ năm hạ phần kiết sử, dù vậy trong liên hệ tới năm uẩn ưa làm chấp thủ, vẫn còn lảng vảng trong vị đó khái niệm sót lại ‘Tôi là,’ một thèm muốn ‘Tôi là,’ một khuynh hướng ẩn tàng ‘Tôi là’ mà chưa bị nhổ hết gốc rễ. Có lúc nào sau đó, vị này chú tâm quan sát sự tập khởi và biến diệt trong nhóm năm uần ưa chấp thủ: “Sắc như thế, khởi lên như thế, biến diệt như thế; thọ như thế… tưởng như thế… hành như thế… thức như thế, khởi lên như thế, biến diệt như thế.’ Khi vị này chú tâm quan sát sự tập khởi và biến diệt trong năm uẩn ưa chấp thủ, khái niệm sót lại của ‘Tôi là,’ cái tham muốn ‘Tôi là,’ cái khuynh hướng ẩn tàng ‘Tôi là’ trước đó chưa bị nhổ hết gốc rễ -- lúc đó sẽ bị nhổ bật gốc rễ.

“Các huynh ơi, hãy giả như một tấm vải dính đất và có vết bẩn rồi, và chủ tấm vải đưa cho người thợ giặt. Người thợ giặt sẽ chà sát vải bằng muối giặt, nước tẩy, hay phân bò, và xả bằng nước sạch. Mặc dù rằng tấm vải sạch và tinh tuyền lại, nó sẽ vẫn còn phảng phất mùi sót lại của muối giặt, nước tẩy hay phân bò trước đó chưa biến mất đi. Người thợ giặt sẽ trao vải lại cho người chủ. Người chủ sẽ cất vào một hòm ủ mùi hương, và mùi sót lại của muối giặt, nước tẩy hay phân bò trước đó chưa biến mất rồi sẽ biến mất.

“Quý huynh ơi, cũng như thế, mặc dù một thánh đệ tử đã rời bỏ năm hạ phần kiết sử, nhóm năm uẩn ưa làm chấp thủ vẫn còn phảng phất trong vị đó khái niệm còn sót lại ‘Tôi là,’ một niềm tham muốn ‘Tôi là,’ một khuynh hướng ẩn tàng ‘Tôi là’ mà vẫn chưa bị nhổ bật gốc rễ… Khi vị này chú tâm quan sát sự tập khởi và biến diệt trong năm uẩn ưa làm chấp thủ, khái niệm sót lại ‘Tôi là,’ niềm tham muốn ‘Tôi là,’ khuynh hướng ẩn tàng ‘Tôi là’ trước đó chưa bị nhổ bật gốc rễ -- lúc đó sẽ bị nhổ bật gốc rễ.”

Khi nghe thế, các vị sư cao niên nói với Đại sư Khemaka: “Chúng tôi không nêu câu hỏi để làm bận tới Đại sư Khemaka, nhưng chúng tôi nghĩ rằng Đại sư Khemaka có khả năng giải thích, giảng dạy, tuyên thuyết, thiết lập, làm sáng tỏ, phân tích và làm dễ hiểu lời dạy của Đức Phật một cách chi tiết. Và Đại sư Khemaka đã giải thích, giảng dạy, tuyên thuyết, thiết lập, làm sáng tỏ, phân tích và làm dễ hiểu lời dạy của Đức Phật một cách chi tiết.”

Đó là những gì Đại sư Khemaka đã nói. Các vị sư cao niên vui mừng, hạnh phúc khi nghe Đại sư Khemaka tuyên thuyết. Và trong khi kinh này được tuyên thuyết, tâm của 60 vị sư cao niên, và của Đại sư Khemaka được giải thoát toàn triệt nhờ tâm không chỗ trụ, tâm không bám dính.

 

GHI CHÚ:

(1) Kinh Bahiya. Xem : http://thuvienhoasen.org/a14273/bai-phap-khan-cap-bahiya-sutta 

(2) Kinh Malunkyaputta. Xem: http://thuvienhoasen.org/a23653/kinh-malunkyaputta-va-giao-phap-ngan-gon

(3) Tiến Thẳng Vào Thiền Tông. Xem:

http://www.thuong-chieu.org/uni/KinhSachThiKe/Thien/TienThangVaoThienTong/Html/05.htm

(4) Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm. Xem: http://thuvienhoasen.org/a17122/ung-vo-so-tru-nhi-sanh-ky-tam  

(5) Các bản Anh dịch Kinh Khemaka Sutta.

Bản Thanissaro Bhikkhu:

http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn22/sn22.089.than.html

Bản Maurice O'Connell Walshe:

http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn22/sn22.089x.wlsh.html

Bản Bhikkhu Bodhi:

https://suttacentral.net/en/sn22.89

Bản Piya Tan:

http://dharmafarer.org/wordpress/wp-content/uploads/2009/12/14.13-Khemaka-S-s22.89-piya.pdf

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/08/2017(Xem: 8115)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.