Sn 4.9 – MAGANDIYA SUTTA
KINH VỀ KHÔNG GIỮ QUAN ĐIỂM NÀO
Duyên khởi kinh này, theo chú giải, là do ông Magandiya ngỏ ý muốn gả cô con gái xinh đẹp cho Đức Phật. Trong bài Kệ 835 đầu kinh, Bhikkhu Bodhi không dịch ba chữ Tanha, Arati, Raga và ghi chú rằng đó là tên ba cô con gái của Mara; các bản của Bhante Varado, của Müller & Fausboll cũng làm như Bodhi. Trong khi đó, bản của Fronsdal dịch là craving (tham), aversion (sân), lust (sắc dục); các bản của Thanissaro Bhikkhu, Khantipalo, Pannobhasa Bhikkhu dịch bằng các chữ tương đương.
Đức Phật nói trong bài Kệ 839 rằng thanh tịnh (hiểu là giải thoát) không thể tới từ quan điểm (kiến, giáo thuyết), từ việc học (cái ngoài tâm mình), từ kiến thức (cái biết của quá khứ), từ giới luật, từ nghi thức tôn giáo.
Đức Phật cũng trong bài kệ đó, nói giải thoát cũng không phải là khi bác bỏ giáo thuyết, bỏ việc học, bỏ kiến thức, bỏ giới luật, bỏ nghi thức tôn giáo.
Điểm quan trọng không phải là học hay không học, không phải là giữ giới hay phá giới, không phải là tụng kinh hay không tụng kinh, không phải là nắm giữ Pháp Phật hay rời bỏ Pháp Phật… Mà là không nắm giữ gì (vô sở trụ).
Khi nghe Đức Phật dạy như đoạn trên, Magandiya nói rằng ông có cảm giác lời Đức Phật dạy là hoàn toàn rối bời (bản dịch Bodhi: utterly confused), ngốc nghếch (bản Fronsdal: foolish), rất mờ ảo (bản Khantipalo: very deluded)… Nghĩa là, nói theo Thiền Tông, một khi tay hoa chuyển, tứ chúng đều mờ mịt.
Ngôn phong bài này y hệt như Long Thọ trong Trung Luận. Nghĩa là, Đức Phật nói, ta không một pháp dạy cho người.
Tuy nhiên, phải tin sâu nhân quả, để không bao giờ làm gì sai trái.
Đặc biệt, lời Đức Phật nói ở câu đầu trong bài Kệ 847 gợi nhớ pháp tu vô niệm của Thiền Tông, khi dạy là phải xa lìa tưởng. Tưởng là khởi đầu, trước khi dẫn tới niệm (xin mời xem phân tích chi tiết ở Kinh Sn 5.13 trong Phẩm Qua Bờ Bên Kia).
-- Câu đầu bài Kệ 847 ở bản Khantipalo dịch là: For one detached from perception, there exist no ties.
-- Bản Thanissaro: For one dispassionate toward perception, there are no ties.
-- Bản Bodhi: For one detached from perception, there are no knots.
-- Bản Fronsdal: Someone freed from concepts has no ties.
-- Bản HT Minh Châu: Người không ưa thích tưởng, không có bị trói buộc.
-- Nơi đây, sẽ dịch là: Với người đã xa lìa tưởng, sẽ không còn gì trói buộc
Tóm lược ý kinh: Lìa ái dục, bỏ tranh cãi. Không nắm giữ một pháp nào. Y hệt như người lên tới đầu sào trăm trượng và bước thêm một bước vào chỗ không gì nương tựa.
Kinh này gồm các bài kệ từ 835 tới 847.
835
(Đức Phật nói)
Đã thấy Tham, Sân, và Sắc Dục
ta không ham muốn tình dục chút nào.
Cái thân gì đây – đầy những nước tiểu và phân –
ta không muốn, ngay cả đưa bàn chân ta chạm tới.
836
(Magandiya nói)
Nếu Ngài không muốn viên ngọc như thế này,
một thiếu nữ được nhiều quân vương thèm muốn,
xin cho biết Ngài thuyết giảng gì về quan điểm,
giới luật, nghi lễ tôn giáo, nếp sống, muốn tái sinh về đâu.
837
(Đức Phật nói)
Xem các giáo thuyết người ta nắm giữ,
ta không thuyết một pháp nào cho đời nắm giữ
Nhìn vào các quan điểm, ta không nắm giữ gì (vô sở trụ)
Khảo sát, ta nhìn thấy bình an nội tâm.
838
(Magandiya nói)
Ngài nói về không nắm giữ gì (về vô sở trụ)
với những thuyết đã được dựng lập
Nhưng bình an nội tâm có nghĩa là gì?
Làm sao người trí có thể tuyên thuyết nó?
839
(Đức Phật nói với Magandiya)
Ta nói rằng thanh tịnh không thể tới từ quan điểm,
học hỏi, kiến thức, giới luật, và nghi lễ tôn giáo;
cũng không thể tới từ thiếu vắng quan điểm,
học hỏi, kiến thức, giới luật, và nghi lễ tôn giáo.
Nhưng chỉ là khi buông xả hết, khi không nắm giữ gì hết,
thì sẽ bình an (không dựa vào đâu), không còn muốn sanh hữu nữa.
840
(Magandiya nói)
Nếu thanh tịnh không tới từ quan điểm, việc học,
kiến thức, giới luật, nghi lễ tôn giáo
mà cũng không phải không quan điểm, không việc học,
không kiến thức, không giới luật, không nghi lễ tôn giáo
Tôi nghĩ đó là lời dạy rất mực rối bời;
một số người dựa vào quan điểm (giáo thuyết) để tịnh hóa.
841
(Đức Phật nói)
Ngươi hỏi liên tục là dựa vào các quan điểm của ngươi
và thấy rối bời vì chính do các thứ do người nắm giữ
Ngươi không nhận ra một chút ý nào ta nói
do vậy ngươi thấy rất mực rối bời.
842
Khi có ai suy nghĩ rằng họ ngang bằng, cao hơn, hay thấp hơn
là tự họ rơi vào tranh cãi.
Với người không lay động về 3 xếp loại đó
sẽ không suy nghĩ gì về ngang bằng hay cao hơn.
843
Tại sao người Phạm hạnh đó nói ‘cái này đúng’?
hay là với ai, người này cãi rằng ‘cái này sai’?
Đã không thấy cả ‘bằng nhau’ và ‘không bằng nhau’
với ai mà người này còn tranh cãi nữa?
844
Đã xuất gia, làm người du sĩ không nhà
không thân cận với dân làng nào
xa lìa ái dục, không ưa thích mong đợi gì
Bậc trí sẽ không tranh cãi gì với ai.
845
Không dính mắc, vị đó lang thang trong thế giới này
bậc long tượng đó không nắm giữ và cũng không tranh cãi gì
hệt như bông sen mọc lên trong nước
không nhiễm cả nước lẫn bùn
như thế, vị này bênh vực hòa bình, xa lìa tham,
không nhiễm gì với lạc thọ và thế giới này.
846
Không vì có quan điểm hay vì có ý kiến gì
mà bậc trí tuệ trở nên kiêu hãnh
vì vị này không thấy cái gì là “của tôi” nữa.
Không bị nghiệp và kiến thức (cái đã học) dẫn đi nữa,
vị này sẽ không bị kéo về bất kỳ chỗ nào nữa.
847
Với người đã xa lìa tưởng, sẽ không còn gì trói buộc
Với người giải thoát bởi trí tuệ sẽ không lầm lạc hư ảo nữa.
Với người nắm giữ các tưởng và quan điểm
họ sẽ xô xát tranh cãi khi đi trong thế giới này.
Hết Kinh Sn 4.9