Thư Viện Hoa Sen

63. Kinh Bệ-bà-lăng-kỳ[1]

31/05/201112:00 SA(Xem: 41530)
63. Kinh Bệ-bà-lăng-kỳ[1]
Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Câu-tát-la[2].

Bấy giờ Đức Thế Tônđại chúng Tỳ-kheo cùng đi trên đường; giữa đường, Ngài mỉm cười rạng rỡ. Tôn giả A-nan thấy Thế Tôn mỉm cười, liền chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch:

“Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì Thế Tôn mỉm cười? Các Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, nếu khôngnhân duyên gì, thì không bao giờ cười suông. Con mong nghe được ý nghĩa ấy.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, chính trong xứ sở này, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, ngồi tại nơi đây mà nói pháp cho các đệ tử.”

Lúc đó Tôn giả A-nan, ngay tại chỗ ấy, liền nhanh chóng trải chỗ ngồi, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch:

“Bạch Thế Tôn, cúi mong Thế Tôn cũøng ngồi nơi đây mà nói pháp cho các đệ tử. Như vậy, chỗ này là sở hành của hai Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ mà Tôn giả A-nan đã trải. Sau khi ngồi xuống Ngài bảo:

“A-nan, ở trong xứ sở này, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có giảng đường. Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, sau khi ngồi ở trong đó, bèn giảng pháp cho các đệ tử nghe. Này A-nan, trong xứ sở này, xưa kia có thôn ấp, tên là Bệ-bà-lăng-kỳ[3], giàu có cùng cực, dân chúng đông đúc. Này A-nan, trong thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ, có Phạm chí đại trưởng giả tên là Vô Nhuế, giàu có tột đỉnh, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi, không thể tính toán, phong hộ, thực ấp đầy đủ mọi thứ.

“Này A-nan, Phạm chí đại trưởng giả Vô Nhuế có người con tên là Ưu đa-la Ma-nạp[4], được cha mẹ nuông chìu, thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ, chủng tộc không tuyệt, đời đời không ác, học rộng, nghe nhiều, đọc hết bốn điển kinh[5], thấu triệt nhân duyên, chánh văn, hí là năm, cùng với cú pháp và thuyết văn[6].

“Này A-nan, đồng tử Ưu-đa-la có người bạn lành làm thợ đồ gốm tên là Nan-đề-bà-la[7] thường được đồng tử Ưu-đa-la yêu thương, tưởng nhớ, ưa gặp gỡ không chán. Này A-nan, thợ đồ gốm Nan-đề-bà-la quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ Ba ngôi tôn quý[8], không nghi hoặc Khổ, Tập, Diệt, Đạo; có tín, có giới, học rộng, ưa bố thí, thành tựu trí tuệ; xa lìa sát sanh, đoạn trừ sự sát sanh, xả bỏ đao gậy, biết hổ, biết thẹn, có tâm từ bi, làm lợi ích tất cả cho đến loài côn trùng; đối với tâm niệm sát sanh, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lấy của không cho, đoạn trừ việc không cho mà lấy, cái gì cho mới lấy, vui lòng nhận những gì được cho; thường thích bố thí, hoan hỷ không bỏn sẻn, không mong báo đáp; đối với tâm niệm không cho mà lấy, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, siêng tu phạm hạnh, tinh tấn tu diệu hạnh, thanh tịnh, không ô uế, lìa dục, đoạn dâm; đối với tâm niệm phi phạm hạnh, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ đồ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, nói chân thật, ưa chân thật, an trú nơi sự chân thật không chút di động, hoàn toàn đáng tin cậy, không lừa dối thế gian; đối với tâm niệm nói dối, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi, tu hạnh không nói hai lưỡi, không phá hoại ai, không nghe chuyện người này rồi mách lại người kia, xúi dục phá hoại người này, không nghe chuyện người kia, rồi mách lại người này, xúi dục phá hoại người kia, ai chia lìa thì làm cho hòa hợp, ai hòa hợp thì làm cho hoan hỷ, không lập bè đảng, không ưa bè đảng, không khen ngợi bè đảng; đối với tâm niệm nói hai lưỡi, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác. Nếu có những lời thô bạo, hung ác, trái tai, khiến mọi người không hoan hỷ, mọi người không thương mến, khiến người khác khổ não, không được định tĩnh, vị ấy đoạn trừ lời nói như vậy. Nếu có những lời hòa nhã, nhu thuận, lọt tai, vừa lòng, khiến được hoan hỷ, được mến thương, khiến người khác an lạc, âm thanh rõ ràng, không làm người sợ, khiến người khác định tĩnh, vị ấy nói những lời như vậy; đối với tâm niệm ưa nói thô ác, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, nói đúng lúc, nói chân thật, nói về pháp, nói về nghĩa, nói về chỉ tức, nói về việc ưa chỉ tức, nói việc thuận thời, thích hợp, khéo dạy, khéo quở trách; đối với tâm niệm ưa nói thêu dệt, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc kinh doanh buôn bán, đoạn trừ việc kinh doanh buôn bán, xả bỏ đong lường và đấu hộc, xả bỏ việc nhận hàng hóa, không cột trói người, không trông mong sự đo lường tà vạy, không vì chút lợi nhỏ mà lấn lướt, lừa dối người; đối với tâm niệm kinh doanh buôn bán, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nhận đàn bà góa, đồng nữ, đoạn trừ việc nhận đàn bà góa, đồng nữ; đối với tâm niệm nhận đàn bà góa, đồng nữ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận nô tỳ, đoạn trừ việc nhận nô tỳ; đối với tâm niệm nhận nô tỳ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận voi, ngựa, trâu, dê, đoạn trừ việc nhận voi, ngựa, trâu, dê; đối với tâm niệm nhận voi, ngựa, trâu, dê vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận gà, heo, đoạn trừ việc nhận gà, heo; đối với tâm niệm nhận gà, heo, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận ruộng đất, quán xá, đoạn trừ việc nhận ruộng đất, quán xá; đối với tâm niệm nhận ruộng đất, quán xá, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận nếp, lúa, đậu sống, đoạn trừ việc nhận nếp, lúa, đậu sống; đối với tâm niệm nhận nếp, lúa, đậu sống, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc uống rượu, đoạn trừ việc uống rượu; đối với tâm niệm uống rượu, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc dùng giường sang, cao rộng, đoạn trừ việc dùng giường sang, cao rộng; đối với tâm niệm dùng giường sang, cao rộng, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc đeo vòng hoa, đeo chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, đoạn trừ việc đeo vòng hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn; đối với tâm niệm đeo vòng hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc ca múa, xướng hát hoặc đến nghe, xem, đoạn trừ việc ca múa, xướng hát hoặc đến nghe, xem; đối với tâm niệm ca múa, xướng hát và đến xem, nghe, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận vàng, bạc, châu báu, đoạn trừ việc nhận vàng, bạc, châu báu; đối với tâm niệm nhận vàng, bạc, châu báu, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la lìa việc ăn quá ngọ, đoạn trừ việc ăn quá ngọ, thường ăn một bữa, không ăn ban đêm, học hạnh ăn đúng thời; đối với tâm niệm ăn quá ngọ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la trọn đời tay không cầm cuốc, không tự tay đào đất, cũng không bảo người khác đào; nếu đất ở đê chận nước lở ra, hoặc đất do chuột đào lên thì lấy làm đồ gốm đưa lên và nói với người mua rằng: ‘Các ngài, nếu có đậu oản[9], gạo giẻ, lúa mạch, đậu ma lớn nhỏ, đậu bệ và hạt cải, sau khi trút xuống rồi, ngài cứ mang gốm này mà đi, tùy theo ý muốn[10]’.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la trọn đời hầu hạ cha mẹ, cha mẹ mù lòa chỉ trông cậy vào vị ấy; cho nên vị ấy phải hầu hạ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la vào một sáng sớm, đi đến trước Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác; sau khi đến, vị ấy đảnh lễ Ngài, rồi ngồi qua một bên. Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp cho vị ấy, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho vị ấy, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ xong, Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ngồi im lặng.

“Này A-nan, sau khi được Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ rồi, thợ gốm Nan-đề-bà-la từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Ngài, đi quanh ba vòng, rồi lui ra.

“Bấy giờ đồng tử Ưu-đa-la cưỡi xe ngựa trắng, cùng với năm trăm đồng tử nữa, vào lúc vừa sáng, từ thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ ra đi, đến một chỗ vô sự[11], muốn giáo hóa các đệ tử từ nhiều nước đến, dạy chúng đọc sách Phạm chí[12]. Bấy giờ đồng tử Ưu-đa-la từ xa trông thấy thợ gốm Nan-đề-bà-la đi đến; thấy rồi liền hỏi:

“– Nan-đề-bà-la, anh từ đâu đến?”

“Nan-đề-bà-la đáp:

“– Hôm nay tôi từ chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, sau khi cúng dường lễ bái Ngài xong thì đến đây. Này Ưu-đa-la, bạn có thể cùng với tôi đến chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác để cúng dường, lễ bái Ngài?

“Khi ấy, đồng tử Ưu-đa-la đáp:

“– Này anh Nan-đề-bà-la, tôi không muốn thấy Sa-môn trọc đầu. Sa-môn trọc đầu không thể đắc đạo, vì đạo khó chứng đắc.

“Rồi thì, thợ gốm Nan-đề-bà-la túm lấy chỏm tóc của đồng tử Ưu-đa-la kéo xuống xe. Lúc đó đồng tử Ưu-đa-la nghĩ: ‘Anh thợ gốm Nan-đề-bà-la này không bỡn cợt, không khùng, không si, nay kéo tóc mình chắc có điều gì?’ Nghĩ xong liền bảo:

“– Này anh Nan-đề-bà-la, tôi đi theo anh, tôi đi theo anh!

“Bấy giờ Nan-đề-bà-la hoan hỷ nói rằng:

“– Lành thay, chúng ta đi.

“Thợ gốm Nan-đề-bà-la và đồng tử Ưu-đa-la cùng nhau đến chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Đến nơi, hai người đảnh lễ rồi ngồi qua một bên. Thợ gốm Nan-đề-bà-la bạch Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác rằng:

“– Bạch Thế Tôn, đồng tử Ưu-đa-la này là bạn của con. Bạn này thường ưa đến thăm, thường thích đến thăm con, không hề nhàm chán, nhưng không có lòng tincung kính đối với Thế Tôn. Mong Thế Tôn khéo léo thuyết pháp cho bạn con, hoan hỷ, khởi lòng tincung kính.”

“Bấy giờ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp cho thợ gốm Nan-đề-bà-la và đồng tử Ưu-đa-la, khuyến khích, phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho hai vị ấy, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ xong, Đức Thế Tôn ngồi im lặng. Bấy giờ, sau khi được Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ, hai vị liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Ngài, đi quanh ba vòng, rồi lui ra.

“Lúc trở về, đi chưa bao xa, đồng tử Ưu-đa-la lại hỏi:

“– Này anh Nan-đề-bà-la, anh đã được nghe pháp vi diệu như thế từ Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tại sao anh còn ở nhà, không thể lìa bỏ để học Thánh đạo?

“Bấy giờ thợ gốm Nan-đề-bà-la đáp:

“– Này Ưu-đa-la, chính bạn đã biết tôi phải trọn đời hầu hạ, nuôi nấng cha mẹ; vì cha mẹ tôi mù lòa, chỉ trông cậy ở mình tôi. Tôi vì hầu hạ phụng dưỡng cha mẹ vậy.

“Bấy giờ đồng tử Ưu-đa-la hỏi:

“– Này Nan-đề-bà-la, tôi có thể theo Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc, làm Tỳ-kheo, tu hành phạm hạnh được chăng?

“Lúc đó, thợ gốm Nan-đề-bà-la và đồng tử Ưu-đa-la từ nơi ấy quay trở lại chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đến nơi, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi qua một bên. Thợ gốm Nan-đề-bà-la bạch Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác rằng:

“– Bạch Thế Tôn, đồng tử Ưu-đa-la này trở về chưa bao xa, lại hỏi con rằng: ‘Này anh Nan-đề-bà-la, từ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, anh được nghe pháp vi diệu như thế; tại sao anh còn ở nhà, không thể lìa bỏ để học Thánh đạo?’ Bạch Thế Tôn, con đã trả lời rằng: ‘Chính bạn đã rõ, tôi phải trọn đời hầu hạ, phụng dưỡng cha mẹ. Cha mẹ tôi mù lòa, chỉ trông cậy vào một mình tôi. Như vậy, tôi phải hầu hạ, phụng dưỡng cha mẹ’. Ưu-đa-la lại hỏi: ‘Này anh Nan-đề-bà-la, tôi có thể theo Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, xuất gia học đạo, thọ cụ túc giới, làm Tỳ-kheo, tu hành phạm hạnh được không?’ Bạch Thế Tôn, mong Ngài độ cho bạn con xuất gia, học đạo, truyền trao giới cụ túc cho bạn con được làm Tỳ-kheo.

“Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác im lặng nhận lời của Nan-đề-bà-la. Sau khi biết Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác im lặng nhận lời, thợ gốm Nan-đề-bà-la từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Ngài, đi quanh ba vòng rồi lui ra.

“Sau khi Nan-đề-bà-la đi chưa bao lâu, Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác độ cho đồng tử Ưu-đa-la xuất gia, học đạo, truyền trao giới cụ túc. Sau khi cho Ưu-đa-la xuất gia, cho thọ cụ túc xong, Ngài ở thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ vài ngày, rồi mang y, cầm bát cùng với đại chúng Tỳ-kheo du hành, muốn đến ấp Ba-la-nại, nước Ca-tư[13]. Đến Ba-la-nại, Ngài trú trong vườn Lộc dã tại Tiên nhân trú xứ[14].

“Bấy giờ, vua Giáp-bệ[15] nghe Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đang du hành trong nước Ca-tư, cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đến Ba-la-nại, trú trong vườn Lộc dã tại Tiên nhân xư.ù Nghe rồi, vua bảo người đánh xe:

“– Ngươi hãy sửa soạn xe, hôm nay ta muốn đi đến chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.

“Người đánh xe kia vâng lời vua bảo liền sửa soạn xa giá, sửa soạn xong, tâu với vua rằng:

“– Con đã sửa soạn xe đẹp, xin tùy ý Thiên vương.

“Vua Giáp-bệ, ngồi xe đẹp, từ Ba-la-nại ra đi, đến vườn Lộc dã, chỗ trú xứ Tiên nhơn. Từ xa, vua Giáp-bệ thấy, giữa rừng cây, Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác trang nghiêm đẹp đẽ như vầng trăng giữa vòm sao, chói lọi sáng ngời như núi vàng, tướùng tốt vẹn toàn, oai nghi lồng lộng, các căn vắng lặng, không bị ngăn che, hoàn toàn tự chế ngự, lắng tâm tĩnh mặc. Sau khi thấy, vua xuống xe, đi đến chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đảnh lễ, rồi ngồi qua một bên. Sau khi nhà vua ngồi xuống, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho nhà vua, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu hoan hỷ rồi, Ngài ngồi im lặng. Sau khi được Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu hoan hỷ rồi, nhà vua liền đứng dậy, kéo lệch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Phật và bạch:

“– Mong Thế Tôn cùng với đại chúng Tỳ-kheo ngày mai nhận lời mời của con!

“Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, im lặng nhận lời mời của vua Giáp-bệ. Sau khi biết Đức Như Lai đã im lặng nhận lời, nhà vua cúi đầu đảnh lễ, đi quanh ba vòng rồi lui ra, trở về nhà.

“Đêm ấy, vua hạ lệnh sắp sửa đủ các món ăn, thức uống ngon lành, sạch sẽ, mỹ diệu, với đủ các thức ăn loại cứng, loại mềm. Việc bày biện đã xong ngay đêm ấy. Lúc tảng sáng, vua trải giường ngồi, rồi sai người đến bạch Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn, nay giờ đã đến, thức ăn đã sẵn sàng, mong Thế Tôn đến đúng thời’.

“Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác mang y, cầm bát và có chúng Tỳ-kheo theo sau, đi đến nhà của vua Giáp-bệ, ngồi vào chỗ ngồi phía trên chúng Tỳ-kheo. Vua Giáp-bệ thấy Phật và chúng Tỳ-kheo ngồi xong, tự tay múc nước rửa, tự tay bưng hầu các thức ăn, thức uống, đầy đủ các món ngon, sạch, mỹ diệu, khiến các Ngài ăn no. Ăn rồi dọn bát, lấy nước rửa xong, nhà vua lấy ghế nhỏ ngồi riêng một bên để nghe pháp. Vua Giáp-bệ ngồi xong, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp cho vua, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho vua, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ xong rồi, Ngài ngồi im lặng. Sau khi được Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ rồi, vua Giáp-bệ từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo lệch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Như Lai và bạch:

“– Mong Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo nhận lời của con mà an cư mùa mưa tại Ba-la-nại này. Con xin xây cất năm trăm gian phòng, năm trăm giường nệm và cúng thí các vật dụng[16], cung cấp nếp trắng và đủ các món thực phẩm của vua, để cúng dường Ngài và chúng Tỳ-kheo.

“Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác bảo nhà vua:

“– Thôi, thôi, Đại vương, chỉ cần có tâm hoan hỷ là đủ.

“Ba lần như thế, vua Giáp-bệ chắp tay hướng về Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thưa:

“– Mong Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo nhận lời mời của con mà an cư mùa mưa tại Ba-la-nại này. Con xin xây cất năm trăm gian phòng, năm trăm giường nệm, và cúng thí các vật dụng, cung cấp nếp trắng và các món ăn thực phẩm của vua để cúng dường Phật và chúng Tỳ-kheo.

“Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác cũng ba lần bảo:

“– Thôi, thôi, Đại vương, chỉ cần có tâm hoan hỷ là đủ.

“Bấy giờ vua Giáp-bệ không nhẫn được, không vừa ý, tâm rất ưu sầu, nghĩ rằng: ‘Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác không nhận lời mời của ta mà an cư mùa mưa tại Ba-la-nại này cùng với chúng Tỳ-kheo’. Nghĩ xong, nhà vua bạch Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác:

“– Bạch Thế Tôn, có kẻ bạch y tại gia nào phụng sự Thế Tôn giống con chăng?

“Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đáp:

“– Có, và ở tại thôn Bệ-bà-lăng-kỳ giàu có, hoan lạc tột cùng, nhân dân đông đúc, thuộc lãnh thổ của Đại vương. Này Đại vương, ở trong thôn Bệ-bà-lăng-kỳ ấy có thợ gốm Nan-đề-bà-la; này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo, không hoài nghi Ba ngôi báu, không nghi hoặc Khổ, Tập, Diệt, Đạo, có tín, trì giới, học rộng, ưa bố thí, thành tựu trí tuệ, xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, xả bỏ dao gậy, biết hổ thẹn, có tâm từ bi, làm lợi ích cho đến cả tất cả loài côn trùng. Đối với tâm niệm sát sanh vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lấy của không cho, đoạn trừ việc không cho mà lấy, cái gì cho mới lấy, vui lòng nhận những gì được cho; thường thích bố thí, hoan hỷ không bỏn xẻn, không mong báo đáp; đối với tâm niệm không cho mà lấy, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, siêng tu phạm hạnh, tinh tấn tu diệu hạnh, thanh tịnh, không ô uế, lìa dục, đoạn dâm; đối với tâm niệm phi phạm hạnh, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ đồ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, nói chân thật, ưa chân thật, an trú nơi sự chân thật không chút di động, hoàn toàn đáng tin cậy, không lừa dối thế gian; đối với tâm niệm nói dối, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi, tu hạnh không nói hai lưỡi, không phá hoại ai, không nghe chuyện người này rồi mách lại người kia, xúi dục phá hoại người này, không nghe chuyện người kia, rồi mách lại người này, xúi dục phá hoại người kia, ai chia lìa thì làm cho hòa hợp, ai hòa hợp thì làm cho hoan hỷ, không lập bè đảng, không ưa bè đảng, không khen ngợi bè đảng; đối với tâm niệm nói hai lưỡi, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác. Nếu có những lời thô bạo, hung ác, trái tai, khiến mọi người không hoan hỷ, mọi người không thương mến, khiến người khác khổ não, không được định tĩnh, vị ấy đoạn trừ lời nói như vậy. Nếu có những lời hòa nhã, nhu thuận, lọt tai, vừa lòng, khiến được hoan hỷ, được mến thương, khiến người khác an lạc, âm thanh rõ ràng, không làm người sợ, khiến người khác định tĩnh, vị ấy nói những lời như vậy; đối với tâm niệm ưa nói thô ác, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, nói đúng lúc, nói chân thật, nói về pháp, nói về nghĩa, nói về chỉ tức, nói về việc ưa chỉ tức, nói việc thuận thời, thích hợp, khéo dạy, khéo quở trách; đối với tâm niệm ưa nói thêu dệt, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc kinh doanh buôn bán, đoạn trừ việc kinh doanh buôn bán, xả bỏ đong lường và đấu hộc, xả bỏ việc nhận hàng hóa, không cột trói người, không trông mong sự đo lường tà vạy, không vì chút lợi nhỏ mà lấn lướt, lừa dối người; đối với tâm niệm kinh doanh buôn bán, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nhận đàn bà góa, đồng nữ, đoạn trừ việc nhận đàn bà góa, đồng nữ; đối với tâm niệm nhận đàn bà góa, đồng nữ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận nô tỳ, đoạn trừ việc nhận nô tỳ; đối với tâm niệm nhận nô tỳ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận voi, ngựa, trâu, dê, đoạn trừ việc nhận voi, ngựa, trâu, dê; đối với tâm niệm nhận voi, ngựa, trâu, dê vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận gà, heo, đoạn trừ việc nhận gà, heo; đối với tâm niệm nhận gà, heo, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận ruộng đất, quán xá, đoạn trừ việc nhận ruộng đất, quán xá; đối với tâm niệm nhận ruộng đất, quán xá, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận nếp, lúa, đậu sống, đoạn trừ việc nhận nếp, lúa, đậu sống; đối với tâm niệm nhận nếp, lúa, đậu sống, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc uống rượu, đoạn trừ việc uống rượu; đối với tâm niệm uống rượu, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc dùng giường sang, cao rộng, đoạn trừ việc dùng giường sang, cao rộng; đối với tâm niệm dùng giường sang, cao rộng, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc đeo vòng hoa, đeo chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, đoạn trừ việc đeo vòng hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn; đối với tâm niệm đeo vòng hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc ca múa, xướng hát hoặc đến nghe, xem, đoạn trừ việc ca múa, xướng hát hoặc đến nghe, xem; đối với tâm niệm ca múa, xướng hát và đến xem, nghe, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận vàng, bạc, châu báu, đoạn trừ việc nhận vàng, bạc, châu báu; đối với tâm niệm nhận vàng, bạc, châu báu, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la lìa việc ăn quá ngọ, đoạn trừ việc ăn quá ngọ, thường ăn một bữa, không ăn ban đêm, học hạnh ăn đúng thời; đối với tâm niệm ăn quá ngọ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la trọn đời tay không cầm cuốc, không tự tay đào đất, cũng không bảo người khác đào; nếu đất ở đê chận nước lở ra, hoặc đất do chuột đào lên thì lấy làm đồ gốm đưa lên và nói với người mua rằng: ‘Các ngài, nếu có đậu oản, gạo giẻ, lúa mạch, đậu ma lớn nhỏ, đậu bệ và hạt cải, sau khi trút xuống rồi, ngài cứ mang gốm này mà đi, tùy theo ý muốn’.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la trọn đời hầu hạ cha mẹ, cha mẹ mù lòa chỉ trông cậy vào vị ấy; cho nên vị ấy phải hầu hạ.

“Này Đại vương, Ta nhớ lúc xưa có lần du hành tại thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ. Này Đại vương, bấy giờ vào lúc sáng sớm, Ta mang y, cầm bát vào thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ khất thực; khất thực theo thứ tự, Ta đến nhà thợ gốm Nan-đề-bà-la. Lúc đó, vì bận chút việc, nên Nan-đề-bà-la đi vắng. Đại vương, Ta hỏi cha mẹ Nan-đề-bà-la rằng:

“‘– Này Trưởng lão, thợ gốm bây giờ ở đâu?’

“Cha mẹ người ấy đáp:

“‘– Bạch Thế Tôn, đứa hầu vì bận chút việc nên tạm thời đi khỏi, không ở nhà. Bạch Thiện Thệ, đứa hầu ấy vì bận chút việc nên tạm thời đi khỏi nhà, không có ở nhà. Bạch Thế Tôn, trong rá có cơm gạo tẻ, trong chảo có canh đậu. Mong Thế Tôn thương xót chúng con, lấy dùng theo ý Ngài’.

“Này Đại vương, Ta liền thọ nhận pháp Uất-đơn-viết[17], lấy cơm canh ở trong rá rồi đi. Thợ gốm Nan-đề-bà-la, sau khi trở về nhà, thấy cơm trong rá còn ít, canh trong chảo giảm bớt, hỏi cha mẹ rằng:

“‘– Ai lấy bớt cơm canh?’

“Cha mẹ đáp:

“‘Này con, hôm nay Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đến đây khất thực. Ngài lấy cơm và canh trong rá, trong chảo rồi đi’.

“Thợ gốm Nan-đề-bà-la nghe xong liền nghĩ rằng: ‘Ta có lợi ích lớn lao, có công đức lớn lao. Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đối với nhà ta, Ngài tùy ý tự tại’. Nhờ đó vị ấy hoan hỷ, ngồi kiết già lắng tâm tịnh mặc suốt bảy ngày, mười lăm ngày sau vẫn còn hoan lạc. Cha mẹ trong gia đình ấy suốt bảy ngày cũng được hoan hỷ.

“Lại nữa, này Đại vương, Ta nhớ xưa có lần du hành tại thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ, bấy giờ vào lúc sáng sớm, ta mang y, cầm bát vào thôn Bệ-bà-lăng-kỳ khất thực. Khất thực theo thứ tự, ta đến nhà thợ gốm Nan-đề-bà-la. Bấy giờ Nan-đề-bà-la vì bận chút việc nên đi vắng. Này Đại vương, ta hỏi cha mẹ Nan-đề-bà-la rằng:

“‘– Này Trưởng lão, thợ gốm bấy giờ ở đâu?’

Hai người ấy đáp:

“‘– Bạch Đức Thế Tôn, đứa hầu ấy vì bận chút việc nên tạm thời đi khỏi, không ở nhà. Bạch Đức Thiện Thệ, đứa hầu ấy, vì bận chút việc, đi khỏi một lát, không có ở đây. Bạch Đức Thế Tôn, trong chảo lớn có cơm nếp, trong chảo nhỏ có canh; mong Đức Thế Tôn thương xót chúng con, lấy dùng theo ý của Ngài’.

“Này Đại vương, Ta liền thọ nhận pháp Uất-đơn-viết, lấy cơm canh trong chảo lớn và chảo nhỏ rồi đi. Sau khi trở về nhà, thợ gốm Nan-đề-bà-la thấy cơm trong chảo lớn còn ít, canh trong chảo nhỏ giảm bớt, hỏi cha mẹ rằng:

“‘– Ai lấy cơm trong chảo lớn, lấy canh trong chảo nhỏ?’

“Cha mẹ đáp:

“‘– Này con, hôm nay Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đến đây khất thực. Ngài lấy cơm trong chảo lớn và chảo nhỏ rồi đi.’

“Nghe xong, thợ gốm Nan-đề-bà-la nghĩ rằng: ‘Ta có lợi ích lớn lao, có công đức lớn lao. Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đối với nhà ta, đã tùy ý tự tại’. Nhờ đó, vị ấy hoan hỷ, ngồi kiết già lắng tâm tịnh mặc suốt bảy ngày, mười lăm ngày sau vẫn còn hoan lạc; cha mẹ trong gia đình ấy suốt bảy ngày cũng được hoan lạc.

“Lại nữa, này Đại vương, Ta nhớ xưa kia có lần an cư mùa mưa tại thôn Bệ-bà-lăng-kỳ. Bấy giờ Ta mới làm nhà chưa kịp lợp. Nhà làm gốm cũ của thợ gốm Nan-đề-bà-la vừa mới lợp. Này Đại vương, Ta bảo các Tỳ-kheo đang đứng hầu rằng: ‘Các ông hãy đến dở nhà cũ làm đồ gốm của thợ gốm Nan-đề-bà-la đem về lợp nhà Ta’. Tỳ-kheo hầu hạ vâng lời Ta dạy, liền đến nhà của Nan-đề-bà-la và dở nhà cũ làm đồ gốm, bó lại rồi mang về lợp nhà của Ta. Cha mẹ thợ gốm Nan-đề-bà-la nghe dở nhà cũ làm đồ gốm liền hỏi:

“‘– Ai dở nhà cũ làm đồ gốm của Nan-đề-bà-la đó?’

“Các Tỳ-kheo đáp:

“‘– Trưởng lão, chúng tôi là các Tỳ-kheo hầu Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đến dở nhà cũ làm đồ gốm của Nan-đề-bà-la bó lại, mang về lợp nhà của Ngài’.

“Cha mẹ của thợ gốm bảo:

“‘– Chư Hiền, chư Hiền hãy đem đi theo ý muốn, không có ai ngăn cản đâu’.

“Sau khi trở về, thợ gốm Nan-đề-bà-la thấy nhà cũ làm đồ gốm bị dở, liền hỏi cha mẹ:

“‘– Ai dở nhà cũ làm đồ gốm của mình vậy?’

“Cha mẹ đáp:

“‘– Này con, hôm nay các Tỳ-kheo hầu Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đến dở nhà cũ làm đồ gốm, bó lại, đem về lợp nhà của Ngài’.

“Nghe xong, Nan-đề-bà-la nghĩ: ‘Ta có lợi ích lớn, có công đức lớn lao. Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đối với trong nhà ta, đã tùy ý tự tại’.

“Vì việc ấy, vị ấy hoan hỷ, ngồi kiết già lắng tâm tĩnh mặc suốt bảy ngày; mười lăm ngày sau vẫn còn hoan lạc. Cha mẹ trong gia đình ấy suốt bảy ngày cũng được hoan lạc.

“Này Đại vương, nhà cũ làm đồ gốm của thợ gốm Nan-đề-bà-la suốt bốn tháng mùa mưa hoàn toàn không bị dột. Vì sao như vậy? Vì nhờ oai thần của Phật. Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la không có điều gì không nhẫn được, không có điều gì không thích thú, nên tâm không ưu sầu, đã nghĩ rằng: ‘Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đối với gia đình ta đã được tùy ý tự tại’.

“Này Đại vương, Đại vương có điều không nhẫn được, có điều không thích thú, nên tâm quá ưu sầu, đã nghĩ rằng: ‘Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác và chúng Tỳ-kheo không nhận lời mời của ta mà an cư mùa mưa tại Ba-la-nại này’.

“Bấy giờ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp cho vua Giáp-bệ, khuyến khích phát lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho vua, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ xong, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

“Khi Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ra đi chưa bao lâu, vua Giáp-bệ hạ lệnh cho người hầu cận: ‘Các ngươi dùng năm trăm cỗ xe chất đầy gạo, nếp và đủ các món thực phẩm của vua, chở đến nhà thợ gốm Nan-đề-bà-la và nói với Nan-đề-bà-la rằng: ‘Này Nan-đề-bà-la, năm trăm cỗ xe này chất đầy gạo trắng, và đủ các món thực phẩm mà vua thường dùng, do vua Giáp-bệ bảo chở đến tặng cho ông. Mong ông thương xót; hôm nay xin ông nhận cho’. Lúc đó, người hầu cận vâng lời vua, dùng năm trăm cỗ xe chất đầy gạo trắng, và đủ các món thực phẩm của vua, chở đến nhà thợ gốm Nan-đề-bà-la. Đến nơi, vị ấy nói:

“– Thưa thợ gốm Nan-đề-bà-la, năm trăm cỗ xe này chất đầy gạo trắng, và đủ các món thực phẩm của nhà vua dùng, do vua Giáp-bệ bảo chở đến biếu tặng ông. Mong ông thương xót; hôm nay, xin ông nhận cho.

“Bấy giờ thợ gốm Nan-đề-bà-la từ chối, không nhận và nói với các người hầu vua rằng:

“– Chư Hiền, vua Giáp-bệ phải lo đại sự cho nước nhà nên chi phí nhiều. Tôi biết như vậy, nên không thọ nhận.”

Đến đây, Đức Phật bảo A-nan:

“Này A-nan, ý ông nghĩ thế nào? Đồng tử Ưu-đa-la lúc bấy giờ, ông cho là người nào chăng? Chớ nghĩ vậy. Nên biết rằng chính là Ta vậy. Này A-nan, Ta lúc bấy giờ đã làm lợi ích cho chính mình, cũng làm lợi ích cho người khác, làm lợi ích cho mọi người, thương xót thế gian. Vì loài trời và loài người mà Ta đã cầu nghĩa, cầu sự lợi ích, an ổn khoái lạc. Lúc bấy giờ ta thuyết pháp không được rốt ráo, không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo phạm hạnh. Không rốt ráo phạm hạnh, nên bấy giờ ta không xa lìa được sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khóc lóc, cũng không thoát được mọi khổ đau. Này A-nan, nay Ta xuất hiện ở đời, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu. Hôm nay ta đã làm lợi ích cho chính mình, cũng làm lợi ích cho người khác, lợi ích cho nhiều người, thương xót thế gian. Vì trời và người mà Ta tìm cầu nghĩa, tìm cầu sự an ổn khoái lạc. Nay Ta thuyết pháp được rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Do rốt ráo phạm hạnh, Ta đã lìa khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khóc lóc. Nay ta đã thoát được mọi khổ đau.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
 

Chú thích

[1] Bản Hán, quyển 12. Tham chiếu Pāli, M. 81. Ghaṭīkāra-sutta, kinh Thợ Gốm.

[2] Câu-tát-la 拘薩 羅. Pāli: Kosala.

[3] Bệ-bà-lăng-kỳ 鞞婆 陵 耆. Pāli: Vebhaḷinga.

[4] Ưu-đa-la Ma-nạp 優多 羅 摩 納. Pāli theo đây là Uttramāṇava, thay vì là Jotipāla-māṇāva trong bản Pāli tham chiếu.

[5] Tứ điển kinh 四典 經, chỉ bốn bộ Veda. Bản Pāli: tiṇṇaṃ vedānaṃ pāragū, thông suốt ba bộ Veda.

[6] Hán: thâm đạt nhân duyên chánh văn hý ngũ cú thuyết 深達 因 緣 正 文 戲 五 句 說. Pāli: sanighaṇḍu-keṭubhānaṃ sākkharappabhedānaṃ itihāsa-pañcamānaṃ padako veyyākaraṇo, tinh thông ngữ vựng, nghi quỹ, phân tích âm vận, và thứ năm (kể luôn cả tinh thông Thánh điển Veda) là truyền thuyết lục, giỏi ngữ cú, văn pháp. Tham chiếu, No.99 (600) Tạp 23, kinh 600: tụng thuộc các kinh điển, danh tự của vật loại, phẩm loại sai biệt của vạn vật, phân tích và kết hợp tự loại, và thứ năm là lịch thế bản mạt. Trong bản Hán, nighaṇḍu (ngữ vựng) được hiểu là nidāna (nhân duyên). Pāli: keṭubha: sách về nghi quỹ, hay nghi thức; trong bản Hán: chánh văn. Pāli: itihāsa, truyền thuyết lục, hay truyện truyền kỳ; bản Hán: (chuyện cười).

[7] Nan-đề-bà-la đào sư 難提 波 羅 陶 師, theo đây Pāli là Nandipāla. Nhưng bản Pāli tham chiếu: Ghaṭīkāra (thợ gốm).

[8] Hán: tam tôn三尊.

[9] Hán: oản đậu 豌豆, giống đậu Hà-lan.

[10] Hình thức kinh tế trao đổi. Pāli: ettha yo icchati taṇḍulapabhivattāni (-pavibhattāni, paṭivibhattāni) vā muggapabhivattāni va kāḷāyapabhivattāni vā nikkhipitvā yaṃ icchati taṃ haratū’ti, “ai cần cái gì (đồ gốm), sau khi để lại đây những thứ dư thừa như gạo, đậu xanh, đậu oản, hãy lấy thứ cần (đồ gốm) ấy đi”.

[11] Hán: vô sự xứ 無事 處, chỉ khu rừng yên tĩnh. Pāli: arañña.

[12] Phạm chí thư 梵志 書, sách của Bà-la-môn.

[14] Tiên nhân trú xứ Lộc dã viên 仙人 住 處 鹿 野 園. Pāli: Isipatana-migadāya.

[15] Giáp-bệ 頰鞞; Tống-Nguyên-Minh: tần-bệ 頻鞞. Pāli: Kikin.

[16] Hán: thí câu chấp施拘 執, không rõ thí vật gì.

[17] Viết曰; bản Minh: việt越.

Tạo bài viết
23/04/2023(Xem: 34554)
30/06/2017(Xem: 19507)
07/06/2010(Xem: 89814)
07/06/2010(Xem: 77482)
11/03/2017(Xem: 48803)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: