KINH PHÁP CÚ TÂY TẠNG
Tôn giả Pháp Cứu (Dharmatrāta) tuyển soạn
Nguyên Giác dịch và ghi nhận
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation
Phẩm 30
AN LẠC
_____________________________________
Ghi nhận: Bài kệ 10 và 11 được bản Rockhill ghi chú rằng có khi bố thí và gây chiến tranh ban đầu do cùng một nguyên nhân: muốn nổi tiếng và kiếm lợi. Bản Sparham ghi rằng hai bài kệ đó là từ chuyện một thương gia vào kho tìm vải để cúng dường chư tăng, khi gặp một tấm vải quá đẹp, thương gia này khởi tâm muốn giữ lại. Bài kệ 12 nói rằng bố thí mà trong tâm không dính mắc là tuyệt vời nhất.
Bài kệ 15, theo Sparham chú giải, nói rằng tuệ quán siêu thế (tức qua bờ) là nhận ra Tứ Diệu Đế, con đường diệt khổ.
Bài kệ 17, 18 nói rằng người trí vui với thiền định, tứ niệm xứ, thất giác chi, bát chánh đạo, khất thực, vượt tham và sợ hãi, sống trong vô tạo tác, thành tựu Niết bàn.
Bài kệ 21 được Sparham chú giải rằng hạnh phúc lớn nhất là khi nhìn các uẩn (thân/tâm) và không thấy gì là “tôi” nơi đó.
Bài kệ 29 được Rockhill và Iyer dịch là “khó gặp bậc thánh,” nhưng bản Sparham dịch là “khó gặp ngựa giỏi,” và ghi chú là người trí dù sinh trong vương tộc hay gia đình nô lệ, thân nhân cũng đều hưởng phước, an vui.
Bài kệ 34 nói rằng hạnh phúc là quăng bỏ gánh nặng, chữ gánh nặng ám chỉ ngũ uẩn (thân/tâm).
Bài kệ 39 nói về người đã thấy tâm bất động, sẽ lìa cả Có và Không, lìa Hữu và Phi Hữu (who has left existence and not existence). Chúng ta nên nhìn như Thiền Tông, rằng cảnh giới thiền này có thể hình dung tâm mình như tấm gương: khi chim bay tới thì hiện ra ảnh, gọi là Có; khi chim bay mất thì ảnh vắng, gọi là Không; khi chim kêu, tâm hiện ra tiếng, gọi là Có; khi chim hết kêu thì bặt hết tiếng, gọi là Không. Trong mọi trường hợp, gương tâm vẫn bất động, vẫn lặng lẽ, bất kể chim tới hay đi, kêu hay không. Nhận ra cái bất động và lặng lẽ đó của tâm, Thiền Tông gọi là nhận ra bản tâm, hay là ngộ. Từ sau khi nhận ra, chỉ cần sống liên tục với cái bất động và lặng lẽ đó.
Đức Phật nói bài kệ số 53 để ca ngợi rằng bậc thánh sống không mừng rỡ, không trầm cảm, xa lìa cả hai đầu vui/buồn (vui vì thấy có cái tôi vừa ý, buồn vì cái tôi bất như ý), vì an lạc thực sự có, nhưng không có cái ngũ uẩn tôi nào trong đó. Nghĩa là, tất cả những gì không bình thường đều sai. Chỉ có tâm bình thường, tịch lặng, không vướng cả hai đầu nhị biên mới hợp đạo. Lời dạy hãy giữ tâm bình thường, xa lìa thực/hư với chơn/vọng, được Thiền sư Tịnh Không đời nhà Lý ghi trong bài kệ: “Người trí không có chuyện ngộ đạo, Ngộ đạo tức là kẻ ngu thôi. Khách nằm thẳng duỗi chân, Nào biết chi về ngụy và chơn -- Trí nhân vô ngộ đạo / Ngộ đạo tức ngu nhân / Thân cước cao ngọa khách / Hề thức ngụy kiêm chân.
1 (201) Thắng sinh ra thù oán, bại sẽ chịu khổ đau. Hãy buông bỏ cả thắng và bại, để sống tịch tịnh an lạc.
2 (291) Làm khổ cho người khác để kiếm lợi riêng mình, sẽ mang sầu khổ tới cho cả bạn và thù.
3 (131) Người tìm an vui, nhưng lại làm hại và đánh đập người khác cũng đang tìm an vui, sẽ không thấy hạnh phúc trong đời sau.
4 (132) Người tìm an vui, nhưng không hại và đánh đập người khác cũng đang tìm an vui, sẽ tìm thấy hạnh phúc trong đời sau.
5 (169) Hãy nghiêm giữ giới luật, chớ làm điều ác – người giữ giới hạnh sẽ có hạnh phúc đời này và đời sau.
6 Sống theo chánh pháp sẽ hạnh phúc; người giữ giới sẽ được chánh pháp canh giữ; sống theo chánh pháp sẽ không sanh vào đường ác, đó là lợi ích sống theo pháp.
7 Sống theo chánh pháp sẽ được pháp che chở, như trong mùa hè được dù lớn che; sống theo chánh pháp sẽ không sanh vào đường ác, đó là lợi ích sống theo pháp.
8 Người phóng dật không sống theo pháp, bất kể ai, đều sẽ tái sanh đường dữ; người không sống theo pháp chắc chắn sẽ bị diệt, y như thò tay chụp giữa thân rắn.
9 Phần thưởng của người thiện và người bất thiện khác nhau; người bất thiện sẽ vào địa ngục, người thiện sẽ thấy đường an lạc.
10, 11 Khi một người bố thí, và khi một người gây ra chiến tranh, nếu được biết rõ nguyên nhân ban đầu của hai hành vi như nhau, hãy cẩn trọng trong cả hai trường hợp và chớ dựa vào tâm bất thiện. Tương tự, một người đơn độc, có vũ trang, sẽ đánh thắng nhiều người không binh khí; do vậy một món quà nhỏ được bố thí với tâm từ bi sẽ mang quả báo hạnh phúc cho tận kiếp sau.
12 Người chiến thắng trong một trăm trận đánh, và người đánh bại tất cả kẻ thù, cũng không phải là người chinh phục vĩ đại. Ta nói, những kẻ đó cũng không vĩ đại bằng người bố thí với tâm không dính mắc.
13 Phần thưởng của giới hạnh là an lạc; người lấy đây làm mục tiêu sẽ nhanh chóng tìm thấy an nghỉ hoàn toàn và Niết bàn.
14 Không ai có thể làm hại những người sống giới hạnh. Chúng sinh từ cõi chư thiên và từ cõi Ma vương cũng không có thể hại người giới hạnh.
15 Người trí, tinh tấn với từ bi và trí tuệ, đoạn tận phiền não là nhờ tuệ quán siêu thế (qua bờ khổ).
16 Người tín tâm vui sống trong chánh pháp sẽ tìm thấy an lạc; người trí luôn luôn vui sống trong chánh pháp do bậc thánh truyền dạy.
17, 18 Tâm người trí vui trong thiền định, sống với vô tạo tác, vui với tứ niệm xứ, thất giác chi, tứ thiền, bát chánh đạo, mặc áo chánh pháp, sống khất thực.
19 Họ đi bình an ở núi và rừng, hạnh phúc trên đường tìm an lạc, bỏ sầu khổ lại để tìm Niết bàn. Họ bỏ sau lưng sân hận và sợ hãi, và vượt qua cõi sinh hữu này.
20 Hạnh phúc là nghe chánh pháp, nhận biết chánh pháp, và sống vui cô tịch; đối với tất cả chúng sinh trong cõi này, chân hạnh phúc là hiểu toàn triệt cảnh giới bất tử.
21 Hạnh phúc là ly tham, thoát khỏi mê đắm trong thế giới; hạnh phúc lớn nhất là không thấy niệm nào về “cái tôi” khởi lên.
22 (333) Hạnh phúc là người già sống giới hạnh, là người đời sống trong chánh tín, là người ưa thích ngôn ngữ trí tuệ, là người không làm ác.
23 (332) Hạnh phúc trong cõi này là người hiếu kính cha; hạnh phúc là người hiếu kính mẹ; hạnh phúc là người tôn kính các sa môn; hạnh phúc là người tôn kính các bậc hiền thánh.
24 (194) Vui thay, Phật ra đời! Vui thay, Pháp được giảng! Vui thay, Tăng hòa hợp! Hòa hợp tu, vui thay!
25 Hạnh phúc là gặp người giới hạnh; hạnh phúc là gặp người nghe pháp nhiều; hạnh phúc là gặp vị A La Hán sinh hữu đã tận.
26 Hạnh phúc là tới bờ sông bên kia; hạnh phúc là người thành tựu thanh tịnh; hạnh phúc là đắc trí tuệ; hạnh phúc là đoạn tận cái chấp về có “tôi.”
27 (206) Hạnh phúc là gặp bậc thánh nhân; hạnh phúc là thân cận người thiện; luôn luôn hạnh phúc là không gặp kẻ bất thiện.
28 (207) Sầu khổ lớn là sống chung với kẻ ngu, y như sống bên kẻ thù; sẽ ân hận lâu dài khi sống với kẻ ngu.
29 (193) Khó tìm bậc thánh nhân, không phải nơi nào cũng có. Hạnh phúc là gần người tinh tấn, như gặp bà con thân nhân; nơi nào người tinh tấn ra đời, người thân cận sẽ thấy hạnh phúc.
30 Bậc thánh đã lìa khổ, thấy an lạc toàn hảo; người đã ly tham, không còn hành nghiệp, giải thoát hoàn toàn.
31 Người lìa tất cả tham, đã làm sạch tất cả lậu hoặc, đã có bình an trong tâm, và trong bình an là hạnh phúc.
32 (290) Nhờ từ bỏ lạc nhỏ, thấy được lạc lớn hơn. Bậc trí bỏ lạc nhỏ, thấy được lạc lớn hơn.
33 Niềm vui cõi người và niềm vui cõi trời không bằng tới 1/16 hạnh phúc từ đoạn tận tham ái.
34 Người trước giờ sầu khổ vì gánh nặng, hạnh phúc sẽ là quăng bỏ gánh nặng; người buông bỏ gánh nặng (ngũ uẩn) tương lai sẽ không mang gánh nặng nào nữa.
35 Người đã đoạn tận tất cả dính mắc, người đã rời bỏ tất cả những luyến ái, người đã hiểu hoàn toàn các uẩn [là vô ngã], sẽ không còn rơi vào tái sinh nữa.
36 Hạnh phúc là thân cận những người mang tới cho mình lợi ích lớn; hạnh phúc là sống giới hạnh trong các hoàn cảnh khác nhau; hạnh phúc là biết đủ với cả thiếu thốn; hạnh phúc là đoạn tận tất cả sầu khổ.
37 Sắt đã nung trên lửa, khi bị búa dập sẽ bị phá hủy; tương tự như thế, kẻ ngu cũng sẽ bị hủy diệt.
38 Người trí sau khi vượt qua dòng sông đục của tham ái, sẽ thấy cảnh giới bất động của Niết bàn, sẽ không còn gì ghìm giữ người đã giải thoát hoàn toàn.
39 Người thấy tâm mình bất động, không còn gì làm dao động, người đã lìa cả Hữu và Vô, đã lìa sợ hãi, không còn sầu khổ, nhìn thấy hạnh phúc, ngay cả chư thiên cũng không hiểu niềm hạnh phúc này.
40 Hạnh phúc lớn không gì so sánh được là trong thế giới này được nghe pháp và hiểu pháp; trong khi người ta mê đắm thân, hãy nên thấy là thân dễ dàng bị hủy diệt.
Kệ 41 lập lại bài kệ 40.
42 Người đã hiểu rằng không có gì đáng ca ngợi nơi cõi người, sẽ hạnh phúc khi sanh đã tận; trong khi người ta mê đắm thân, hãy nên thấy là thân dễ dàng bị hủy diệt.
43 Hạnh phúc lớn là khi mình làm chủ chính mình, sầu khổ là khi phải lệ thuộc vào những gì khác; điều khó là khi rời bỏ dính mắc, và đoạn tận cội nguồn phiền não.
44 (199) Ah! Hãy sống đời cực kỳ hạnh phúc, sống không tham; giữa những người tham, sống không tham giữa những người tham.
45 (198) Ah! Hãy sống đời cực kỳ hạnh phúc, sống không bệnh; giữa những người khổ vì bệnh, sống không bệnh giữa những người bệnh.
46 Ah! Hãy sống đời cực kỳ hạnh phúc, sống không sân hận; giữa những người sân hận, sống không sân hận giữa những người sân hận.
47 Ah! Hãy sống đời cực kỳ hạnh phúc, sống không niệm thô ác; giữa những người niệm thô ác, sống không niệm thô ác giữa những người niệm thô ác.
48 Ah! Hãy sống đời cực kỳ hạnh phúc, sống không giận dữ; giữa những người giận dữ, sống không giận dữ giữa những người giận dữ.
49 Ah! Hãy sống đời cực kỳ hạnh phúc, cho dù thị trấn Mithila cháy, ta không có gì để cháy vì không có gì.
50 (200) Vui thay chúng ta sống. Không gì gọi là của ta. Ta sẽ hưởng hỷ lạc, như chư thiên Quang Âm.
51 Ah! Hãy sống đời cực kỳ hạnh phúc, không dựa vào các hư vỡ. Không có gì là của ta, ta sẽ hưởng hỷ lạc.
52 Khi hậu quả của tâm dính mắc hiển lộ, khổ hiện ra; người có tâm không dính mắc (tâm vô sở trụ), sẽ không có gì dẫn được tới khổ. Người đã dứt cả hai phía (tâm dính mắc và hậu quả tâm dính mắc) sẽ an lạc, sẽ không gặp sầu khổ dù sống ở rừng hay trong làng mạc.
53 Trong cõi này, bậc thánh không mừng rỡ hay ưu trầm với vui hay buồn; tinh tấn không dao động khi đối cảnh gợi tham, bậc thánh buông bỏ tất cả.
Hết Phẩm 30, về An Lạc