- Phẩm 1 Tựa
- Phẩm 2 Phương Tiện
- Phẩm 3 Thí Dụ
- Phẩm 4 Tín Giải
- Phẩm 5 Dược Thảo Dụ
- Phẩm 6 Thọ Ký
- Phẩm 7 Hóa Thành Dụ
- Phẩm 8, 9 Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký, Thọ Học Vô Học Nhơn Ký
- Phẩm 10 Pháp Sư
- Phẩm 11 Hiện Bảo Tháp
- Phẩm 12 Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13 Trì
- Phẩm 14 An Lạc Hạnh
- Phẩm 15 Tùng Địa Dũng Xuất
- Phẩm 16 Như Lai Thọ Lượng
- Phẩm 17 Phân Biệt Công Đức
- Phẩm 18 Tùy Hỷ Công Đức
- Phẩm 19 Pháp Sư Công Đức
- Phẩm 20 Thường Bất Khinh Bồ Tát
- Phẩm 21 Như Lai Thần Lực
- Phẩm 22 Đà La Ni
- Phẩm 23 Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự
- Phẩm 24 Diệu Âm Bồ Tát
- Phẩm 25 Phổ Môn
- Phẩm 26 Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự
- Phẩm 27 Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
- Phẩm 28 Chúc Lụy
Hòa Thượng Thích Trí Quảng
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam - TP. Hồ Chí Minh 2011
Phẩm 12
ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA
I. LƯỢC VĂN KINH
Phật bảo các Bồ tát và tứ chúng : “Trong vô lượng kiếp quá khứ, ta đã cầu kinh Pháp Hoa không biết mỏi mệt. Trong nhiều kiếp, ta thường làm vua phát nguyện cầu đạo Vô thượng bồ đề, không thối chuyển. Vì lòng ưa thích pháp cao tột, ta nhường ngôi cho thái tử và truyền rằng ai giảng pháp Đại thừa cho ta nghe, ta sẽ trọn đời hầu hạ. Bấy giờ có một vị Tiên cho biết nếu không trái ý ông, ông sẽ dạy pháp Đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa kinh. Ta liền theo hầu vị Tiên rất cực khổ đến 1.000 năm. Nhà vua thuở ấy là ta, còn vị Tiên là Đề Bà Đạt Đa. Ta nhờ thiện tri thức ấy mà nay thành Vô thượng đẳng giác. Trong vô lượng kiếp sau, Đề Bà Đạt Đa sẽ thành Phật hiệu là Thiên Vương, nước tên Thiên Đạo”.
Phật bảo các Tỳ kheo trong đời vị lai nếu có người nào nghe phẩm Đề Bà Đạt Đa, sanh lòng kính tin sẽ không đọa vào ba đường ác, được sanh về nước Phật, thường được nghe kinh Pháp Hoa. Nếu sanh vào cõi Trời người, được hưởng vui sướng tột cùng.
Bồ tát Trí Tích, thị giả của Phật Đa Bảo xin Ngài trở về nước. Đức Thích Ca liền bảo Bồ tát Trí Tích chờ giây lát, sẽ có Bồ tát Văn Thù đến luận nói pháp mầu. Ngay lúc đó, Bồ tát Văn Thù và các Bồ tát tùy tùng ngồi hoa sen báu từ cung rồng Ta Kiệt La bay đến núi Linh Thứu, từ hoa sen bước xuống đảnh lễ Phật Đa Bảo và Phật Thích Ca và hỏi thăm Trí Tích Bồ tát.
Trí Tích hỏi Văn Thù hóa độ được bao nhiêu chúng sanh ở cung rồng. Văn Thù vừa dứt lời, vô số Bồ tát ngồi hoa sen đến núi Linh Thứu. Những vị này do Ngài giáo hóa. Văn Thù cho biết Ngài ở biển thường giảng nói kinh Pháp Hoa.
Trí Tích Bồ tát hỏi : “Vậy có chúng sanh nào tu theo kinh này mau thành Phật không ?”. Văn Thù đáp : “Có con gái của Long Vương 8 tuổi đầy đủ trí đức có thể đến Bồ đề”. Bồ tát Trí Tích không tin. Bỗng nhiên Long Nữ xuất hiện đảnh lễ và xưng tán Phật.
Xá Lợi Phất liền nói với Long Nữ : “Thân gái nhơ uế có 5 điều chướng và Phật đạo dài xa phải trải qua vô lượng kiếp mới thành tựu mà ngươi nói không bao lâu chứng được Vô thượng đẳng giác, làm thế nào tin được ?”.
Long Nữ liền biểu diễn cho thấy Ngài thành Phật còn nhanh hơn động tác Ngài dâng hạt châu cúng Phật. Toàn chúng hội lặng thinh tin nhận khi thấy Long Nữ thoạt nhiên biến thành thân nam tử đủ hạnh Bồ tát, qua cõi Vô Cấu phương Nam ngồi hoa sen báu, thành bậc Đẳng chánh giác.
II. GIẢI THÍCH
Công hạnh của Đức Đa Bảo là công hạnh của Bồ tát thuần thiện khiến cho người tăng trưởng niềm tin. Bất cứ nơi nào có trì tụng Pháp Hoa, Ngài hiện ra yểm trợ việc tu hành của họ. Hạnh nguyện của Đề Bà Đạt Đa thì hoàn toàn trái ngược với Phật Đa Bảo. Ngài chỉ làm những việc xấu ác. Nhưng dưới kiến giải của Đại thừa, việc làm ác của Ngài là pháp tu bất khả tư nghì của Bồ tát.
Trong quá trình hành đạo Bồ tát, Đề Bà Đạt Đa luôn có những hành động chống trái Phật Thích Ca. Ngay trong hiện thế, lúc Phật Thích Ca hiện thân thái tử Sĩ Đạt Ta, Đề Bà Đạt Đa xuất thân là con Học Phạn Vương, em ruột của Tịnh Phạn Vương, tức Đề Bà Đạt Đa là em chú bác với Phật.
Hai người có tính khí trái ngược nhau. Trong mọi cuộc tranh tài, lúc nào thái tử Sĩ Đạt Ta cũng nổi bật hơn. Đề Bà Đạt Đa có ác cảm với thái tử ngay từ lúc Ngài chưa xuất gia và khi thành đạo, Đề Bà Đạt Đa là người phá Phật nhiều nhất. Đặc biệt khi vua Tần Bà Sa La ở thành Vương Xá cúng dường và xây tịnh xá Trúc Lâm cho Phật, Đề Bà Đạt Đa đến dụ dỗ A Xà Thế soán ngôi.
Vương tử A Xà Thế nghe lời xúi giục của Đề Bà Đạt Đa, bắt vua cha hạ ngục để chiếm ngôi, xây lại thành Vương Xá và thu hồi hết của cải nhân dân. Lên ngôi rồi, việc làm đầu tiên của A Xà Thế là thu hồi ruộng đất, lúa gạo dự trữ của chư Tăng kiết hạ trên núi. Đức Phật nói đó là quả báo của chư Tăng, nhưng chỉ phải chịu trong ba tháng.
Sau đó, A Xà Thế có con bị mụt liền kê miệng hút mủ cho con. Mẹ A Xà Thế thấy vậy, bà khóc và bảo : “Ngày xưa bệ hạ còn nhỏ trên vai cũng có mụt, chính Tần Bà Sa La kê miệng hút mủ cho bệ hạ”. A Xà Thế thức tỉnh, chạy đến ngục thăm cha, nhưng Tần Bà Sa La đã chết. Và người có công nhất là Đề Bà Đạt Đa liền bị nhốt vào ngục. Sau khi hạ ngục Đề Bà Đạt Đa, vua A Xà Thế đảm nhận vai trò của Tần Bà Sa La trước đây, phát tâm kéo gạo lên núi cúng dường chư Tăng.
Phật giảng đến phẩm này, Ngài sai A Nan là em ruột của Đề Bà Đạt Đa đến thăm Đề Bà Đạt Đa. Đề Bà Đạt Đa thấy A Nan đến, mỉm cười nhờ em chuyển lời thăm Phật cùng Thánh chúng và nói Đề Bà Đạt Đa ở đây cũng giống như ở cõi trời Hữu đảnh. Sự thật trong thời gian ở địa ngục, Đề Bà Đạt Đa tiến tu đạo nghiệp, cảm nhận được hạnh nguyện và việc làm của mình từ nhiều đời trước.
Trong phẩm này, Phật nói về sự liên hệ giữa Ngài và Đề Bà Đạt Đa từ vô lượng kiếp trước. Đề Bà Đạt Đa chính là người ơn của Phật, giúp Ngài mau thành Vô thượng đẳng giác. Việc làm của Đề Bà Đạt Đa khó nhất trong các hạnh của Bồ tát. Vì làm thiện để tích tụ công đức tương đối dễ. Lăn lộn với đời làm việc xấu ác mà thực sự tâm vẫn thanh tịnh, không đơn giản. Khi cùng tu với Phật, Đề Bà Đạt Đa có nguyện làm đối tượng cho Phật thành đạo, tạo môi trường thử thách để Phật tiến tu đạo hạnh. Tất cả việc làm ác của Đề Bà Đạt Đa đều nhằm mục đích trưởng dưỡng thiện căn, giúp Phật mau đạt đạo chứng quả, không phải là hành động phát khởi từ tham sân si như thế nhân.
Thuở quá khứ, tiền thân Phật là thái tử Tu Đại Noa, nguyện tu hạnh bố thí bất nghịch như ý. Đề Bà Đạt Đa đến xin tất cả, xin luôn cái đầu của thái tử. Trong tâm niệm thánh thiện nhất, việc làm của Đề Bà Đạt Đa đã nâng tâm của thái tử lớn lên đến độ cao nhất, thành tựu pháp bố thí ba la mật. Phải có người làm hạnh ác như Đề Bà Đạt Đa đến xin mới có dịp bố thí, tạo môi trường cho Bồ tát hành đạo.
Trong phẩm này, Phật tán thán công đức bất khả tư nghì của thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa. Trong vô lượng kiếp quá khứ, Ngài đã từng học kinh Pháp Hoa với Đề Bà Đạt Đa. Lúc ấy, Ngài là vua chuyên tu hạnh bố thí rất giàu có gọi là Đàn Vương (vua bố thí), ai xin gì cũng cho. Ý này nhằm diễn tả Bồ tát dư thừa phương tiện giáo hóa chúng sanh, mới thực là hành giả Pháp Hoa thỏa mãn được yêu cầu của mọi người. Còn chúng ta có quá nhiều yêu cầu không được thỏa mãn, làm gì đáp ứng được yêu cầu của người khác.
Trong nước của Đàn Vương trù phú thái bình, không có giặc giả, cũng không có thiên tai. Tất cả thần dân đều quy ngưỡng đấng Thánh vương này. Chánh báo và y báo của vua chứng tỏ Ngài đầy đủ phước đức, cảm hóa dân bằng đức, không dùng thủ đoạn mưu kế để chinh phục.
Trong điều kiện sống tốt đẹp dư thừa như vậy, đối với tâm lý phàm phu thường sẵn sàng an hưởng. Trái lại, Ngài xem ngôi vua như chiếc giày rách, muốn bỏ lúc nào cũng được. Tuy đầy đủ mọi thứ nhân gian ưa thích, Ngài tự nghĩ nếu cứ sống hưởng thụ để thỏa mãn xác thân này, đến ngày nào đó hết phước báo, cũng rớt vào sanh tử luân hồi. Vì vậy, Ngài vẫn khao khát tìm con đường giải thoát cho Ngài và cho mọi người, để có một đời sống vĩnh cửu vượt ngoài kiếp sống hạn hẹp của con người.
Vua nghe trường thọ Tiên sống trên 100 tuổi, có pháp giúp người ra khỏi sanh tử, vua liền theo học. Đây là tâm trạng của Bồ tát quá dư thừa phước đức, sẵn sàng mang toàn bộ tài sản để đổi pháp vô thượng, nói lên ý niệm cầu kinh Pháp Hoa là cầu cái gì cao tột nhất.
Vị Tiên sống trên 100 tuổi chứng tỏ ông không chết, mới có tư cách nói pháp dạy cho người thoát chết. Và pháp bất tử của Tiên nhân dạy, gợi cho chúng ta suy nghĩ chắc chắn đây không phải là kinh Pháp Hoa bằng ngôn ngữ văn tự chúng ta thường đọc tụng, mà vẫn kẹt trong sanh già bệnh chết. Vị Tiên nhân đó chính là tiền thân của Đề Bà Đạt Đa.
Tiên nhân ra điều kiện nếu Đàn Vương không trái ý ông, ông sẽ cho Diệu Pháp. Vua bằng lòng ngay, ông liền giao nước cho thái tử, rồi theo Tiên nhân về núi tu học Diệu Pháp Liên Hoa. Nhưng chúng ta đọc trong kinh, chỉ thấy ghi vua phải gánh nước, bửa củi trải qua 1.000 năm bị Tiên nhân hành hạ đủ điều, không hề oán than. Nhờ đó, vua luyện được tâm tánh, thuần được ba pháp ấn tiêu biểu cho hành giả Pháp Hoa phải dấn thân vào đời, chịu đựng tất cả khổ nhục, đạo tâm mới lớn.
Vua đã học Pháp Hoa hay giáo lý vô thượng với Đề Bà Đạt Đa mà người chung quanh không bao giờ thấy được bằng mắt phàm. Cũng như Huệ Năng học đạo và đắc đạo với Tổ Huỳnh Mai bằng bí mật tạng. Người xung quanh quan sát chỉ thấy Ngài giã gạo, bửa củi.
Đối với người tầm thường, việc hành hạ của Tiên ông thật đáng sợ. Dưới kiến giải của Bồ tát, Tiên nhân là người trao cho Pháp Hoa. Hay nói cách khác, trong hành động ác của Tiên nhân đã ngầm chứa hạt nhân thiện.
Đối với giáo lý Tiểu thừa phân biệt thiện ác, thì Đề Bà Đạt Đa là người ác thực. Nhưng quan niệm Đại thừa nhìn sự vật cả hai mặt, thấy trong thiện có ác và trong ác có thiện. Cuối cùng kết hợp được hai phần thiện ác trong một thể thống nhất gọi là bất nhị pháp môn hay đỉnh cao của tinh thần Pháp Hoa. Theo Đại thừa, việc làm ác của Đề Bà Đạt Đa thực sự thiện, vì mang lại tác dụng thiện, kết quả thiện. Làm ác của Đề Bà Đạt Đa cũng thành Phật, gợi cho chúng ta thấy đó là phương tiện hành đạo của Bồ tát, cũng như trường thọ Tiên nhân sử dụng phương tiện, dạy vua tu pháp bố thí.
Điều quan trọng Phật dạy là phải nhìn sự vật đúng như thật. Bồ tát hành đạo trước nhất thấy rõ căn tánh hành nghiệp chúng sanh và tùy theo đó ứng dụng pháp giáo hóa. Nếu là một người nào khác, không phải là hành giả Pháp Hoa, không phải là trường thọ Tiên nhân, khi được vua theo, họ sẽ lợi dụng vua cho một mưu đồ nào đó hoặc đòi hỏi vua phải cung ứng mọi quyền lợi. Tuy nhiên, vị Đạo sư dạy Pháp Hoa ở đây là trường thọ Tiên nhân đã đắc đạo, sống trên thể bất nhị, không còn ham muốn, chỉ có mục tiêu độ thoát ông vua giàu lòng bố thí. Tiên nhân vận dụng đúng pháp và vua đắc đạo, vì thế pháp bửa củi, gánh nước ông dạy là pháp đúng đắn nhất cho Đàn Vương.
Thực ra, nghĩ cho cùng, nhờ vua làm việc lao động bửa củi, gánh nước, chắc chắn không được kết quả bằng mượn người khác. Đã là Tiên nhân bất tử thì Ngài không thiếu gì, đến nỗi phải bắt vua hầu hạ gánh nước, bửa củi. Theo tôi, vua bửa củi gánh nước mang ý nghĩa hành giả Pháp Hoa muốn thể hiện chân lý phải giáp mặt cuộc đời, phải thực hiện trong cuộc sống mới biết rõ tường tận. Bắt vua làm những việc khó nhọc ông chưa từng làm hay những nghịch cảnh xảy ra để hành giả tự kiểm tra tâm mình có thật sự cầu đạo không. Trong thử thách khó khăn, mới luyện được ý chí và nó là môi trường cần thiết cho sự tăng tấn đạo hạnh của chúng ta, biết được mức độ dẹp bỏ tham sân phiền não của ta đến đâu. Tuy nhiên, khó khăn tốt nhất là vừa sức mình để đời sống thăng hoa, không bị nhận chìm.
Người hành đạo Bồ tát, mỗi niệm liên tục khéo điều chỉnh thân tâm vượt qua mọi xấu ác trên nhân gian cho đến ngày thành Vô thượng chánh giác. Chỉ trong môi trường nhơ xấu, hành giả Pháp Hoa mới thể hiện trọn vẹn tinh thần trong sáng.
Muốn thành tựu Thánh hạnh, phải bình an ngay trong nghịch cảnh. Trái lại, luôn nuôi dưỡng trong hoàn cảnh thuận tiện, hành giả dễ sanh tâm tăng thượng mạn hay ngờ nghệch. Khi thông được với Phật, hành giả nhận được hộ niệm của Ngài, vượt qua mọi nguy hiểm; nếu còn tham chấp, bực tức, tất nhiên không đồng hạnh nguyện với Phật thì Phật lực không thể truyền đến được.
Nhà vua muốn trở thành người vô thượng, cầu đạo vô thượng, Tiên nhân đặt những vấn đề hoàn toàn trái ngược cho vua làm. Từ địa vị sung sướng nhất phải chịu cực khổ nhất, nghĩa là tinh thần Diệu Pháp Liên Hoa không rời bản vị giải thoát ở Niết bàn mà vẫn hiện hữu tự tại trong sanh tử. Đầy đủ tốt đẹp cả hai mặt bản thể thường hằng và sanh diệt biến đổi, mới chứng được giáo lý bất nhị.
Giáo nghĩa này không dùng lời nói được, phải thể nghiệm trong cuộc sống. Phải có hai đối tượng thuận nghịch để quan sát, vui chứng thể bất nhị. Khi giàu sang đầy quyền lực xem tâm mình ra sao và lúc trắng tay, hành giả cảm nhận thế nào. Ở trong cùng cực đau khổ có rơi vào tuyệt vọng không ? Gặp cay đắng, hành giả mới có điều kiện điều chỉnh thân tâm.
Phật xác định Đề Bà Đạt Đa là đại thiện tri thức, là thắng phước nhân duyên giúp Ngài mau thành Phật. Ý này trong kinh Duy Ma diễn tả rằng Bồ tát Duy Ma nhận chúng ma làm pháp lữ. Nhờ ma làm đối tượng để phát triển Phật tâm. Vì tu hành không chướng ngại, không thể đắc đạo hay vô ma khảo bất thành đại đạo. Riêng chúng sanh gặp chúng sanh thì vỏ quýt dày móng tay nhọn hay ăn miếng trả miếng.
Phật dạy vì có người ác hại, thiện tâm chúng ta mới phát sinh. Từ vô lượng kiếp đến nay, bên cạnh Phật luôn có Đề Bà Đạt Đa đóng vai mặt đen, để vai Phật sáng lên. Đề Bà Đạt Đa mang mặt quỷ nhưng chứa đựng tâm Phật. Không có Đề Bà Đạt Đa, chúng ta không thấy được tâm từ bi vô lượng của Phật. Thật vậy, sự hiện hữu của một Đề Bà Đạt Đa xấu ác thường song hành bên Đức Phật thuần thiện, đã làm nổi bật trọn vẹn tư cách thánh thiện của Thế Tôn. Nhiều kiếp xa xưa trước, Đức Thích Ca đã nhờ Đề Bà Đạt Đa giáo hóa và hiện kiếp Đề Bà Đạt Đa cũng tạo những chống phá thử thách giúp cho Phật thể hiện lòng từ, thành tựu những hạnh khó làm. Điều này gợi nhắc rằng đối tượng tu hành của hành giả là người tệ ác. Họ càng tệ ác, hành giả càng phát triển đạo đức, mới thực sự tiêu biểu cho hành giả Pháp Hoa kiểu mẫu. Học kinh Pháp Hoa với Tiên nhân hay Đề Bà Đạt Đa, Phật thể hiện tâm từ bi, nhẫn nhục, nhu hòa cao độ, diệt sạch tâm kiêu mạn, mới thành tựu trọn vẹn hạnh Bồ tát.
Đề Bà Đạt Đa bằng lòng đọa địa ngục vì làm việc phá hại xấu ác cho Phật thăng hoa trên đường giác ngộ. Quả thật Ngài là đại ân nhân, là đại thiện tri thức của Phật, đáng được cung kính cúng dường. Ngài thể hiện hình ảnh Bồ tát nghịch hạnh, không phải con người mang tâm ác thực sự như phàm phu.
Trên bước đường tu, khởi đầu chúng ta rất sợ và tránh người ác, vì gần họ ta dễ sân hận. Tuy nhiên, Phật dạy nếu không tu tâm từ, không thương người ác được, dù có tụng ngàn bộ kinh Pháp Hoa, cũng coi như vô ích.
Trong kinh xác định thọ trì được Pháp Hoa là việc khó làm. Khi chưa tu, ta là chúng sanh, nó đánh, ta đánh lại, nói xấu, ta nói xấu lại. Nhưng theo Phật rồi, chúng ta thử nhịn, lấy chúng sanh độc ác làm đối tượng tu hành, sẽ bắt gặp nhiều thú vị. Đối với tôi, nhớ lời Phật dạy rằng nhờ người ác, ta mau thành tựu Pháp thân. Tôi vội gạn lọc thân tâm, không nghĩ đối phó với người ác. Nhưng nghĩ phải đối phó với tâm không lành của chính tôi, đối trị ngay tên giặc ác đang ngự trị trong tâm tôi.
Nhờ có đối phương ác bên ngoài, tôi phát hiện được phiền não tham lam ích kỷ trong tâm tôi. Vì có đối tượng, phiền não mới xuất hiện, chúng ta mới điều chỉnh. Tôi biết nó làm chướng ngăn Thánh đạo, nên đoạn trừ ngay. Tâm nhẹ lần và thiện tâm từ đó dần dần phát sinh để hình thành ông Phật vị lai cho chính mình.
Chúng ta thường rơi vô sai lầm, tuy lạy Phật nhiều, nhưng không chịu điều chỉnh tâm, cũng thành vô ích. Trên bước đường tu, tôi càng gặp khó khăn càng thích thú trong việc làm, càng nỗ lực bấy nhiêu. Từng bước điều chỉnh thân tâm mới hiền ra, khôn ra. Và nhìn lại thử thách mình đã vượt qua, mới biết những người chống phá ta là ân nhân của ta. Tôi lập chí đi lên như vậy, cứ nghĩ mỗi lần vượt qua được một khó khăn lại có khó khăn mới lớn hơn chờ đón chúng ta. Đến cuối cùng còn phải đọ sức với Thiên Ma. Thắng được nó mới thành Vô thượng giác.
Tôi luôn luôn ý thức con đường đến bảo sở còn xa lắm, phải nỗ lực chuẩn bị sức tu, không đủ ý chí không tu được. Khi phá được một tánh ác trong lòng, tướng ác bên ngoài sẽ theo đó mất đi. Hành giả sanh một niệm tâm đại bi, sẽ hiện được một tướng thánh thiện của Phật. Và cuối cùng, toàn thân hành giả hiện hảo tướng Như Lai, tâm đại bi mới viên mãn.
Bồ tát mười phương nghe Phật Thích Ca nói về tiền thân Ngài đã tu hạnh bố thí, thành tựu kết quả ngày nay làm Thích Ca Như Lai. Các Ngài mới vững tâm nghĩ rằng Phật làm được, các Ngài cũng nguyện xin làm theo Phật. Cầu mong mười phương chư Phật phóng quang gia bị.
Nói cách khác, tâm niệm của hành giả Pháp Hoa khi đối đầu với khó khăn chướng ngại, niềm tin phải càng mãnh liệt kiên cố mới tu được, hành đạo được ở Ta Bà. Trong khi đó Bồ tát sơ phát tâm và hàng Nhị thừa Thanh văn vì chạm trán nhiều với khó khăn ác độc, cảm thấy sợ. Bồ tát lớn quan niệm có khó mới khôn. Nhưng đối với Bồ tát nhỏ và Thanh văn thì khó quá thành không khôn.
Từ ý niệm không đủ sức đương đầu với tệ ác ở Ta bà, về sau triển khai thành mười phương Tịnh Độ, theo đó muốn vào Ta bà hành đạo, hành giả phải có gốc. Nói cách khác, hàng Nhị thừa Thanh văn hay Bồ tát sơ phát tâm muốn hàng phục ma, phải mạnh hơn nó, khôn hơn nó. Nếu không đầy đủ đạo lực tất nhiên bị ma vật chết. Bồ tát lớn là sứ giả Như Lai, chúng sanh cang cường, nhưng nhẫn lực Bồ tát cao hơn, mới thừa sức giáo hóa chúng. Vì vậy, hàng Nhị thừa Thanh văn hay Bồ tát sơ tâm phải qua phương Đông học Pháp Hoa với Phật Dược Sư, sang phương Tây học Pháp Hoa với Đức Di Đà, mới trở lại Ta bà hành đạo, tu Pháp Hoa ở môi trường ngũ trược ác thế này được.
Sự liên hệ giữa Đề Bà Đạt Đa và Phật Thích Ca không phải tầm thường. Cũng như hạnh nguyện bất khả tư nghì của Đề Bà Đạt Đa chỉ có Phật thấu rõ. Vì vậy, Ngài được Đức Thích Ca thọ ký thành Phật hiệu là Thiên Vương. Và chỉ có kinh Pháp Hoa mới kiến giải được nghịch hạnh của Đề Bà Đạt Đa. Khi kiết tập kinh Pháp Hoa, phẩm Đề Bà Đạt Đa bị loại ra và mãi đến năm 602 mới được Ngài Cấp Đa sát nhập vào.
Việc Đề Bà Đạt Đa được thọ ký thành Phật nói lên tinh thần bình đẳng tuyệt đối của kinh Pháp Hoa, thiện ác bình đẳng bất nhị. Người ác hay người thiện, đối với chúng ta đều cần thiết cho sự gội rửa thân tâm trên bước đường tu hành, đều là một phần trong Như Lai thân.
Ác hay thiện, tốt hay xấu, thân hay thù đều nằm trong pháp tương đối. Vì trở về chân lý tuyệt đối, tất cả pháp đồng nhất thể, không có hai thể. Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm, tất cả mọi vật trên thế gian do tâm ta tạo ra. Ta nghĩ tốt về tha nhân, họ sẽ trở thành tốt và ngược lại ta nghĩ họ xấu, họ sẽ xấu với ta.
Tâm niệm của con người luôn biến đổi không ngừng. Ngài Trí Giả quan sát trong một niệm tâm có đến 3.000 hình tượng và ý nghĩ khác nhau. Từ một con người ác có thể trở thành con người tốt khi ta hít vào hơi thở từ bi của Phật. Nếu hít vào hình ảnh của ma vương, ta sẽ thành hung ác. Kinh Đại thừa có công năng chuyển hóa con người từ phàm phu biến thành Phật, nên nói Phật là chúng sanh và chúng sanh là Phật, Phật và chúng sanh là một.
Khi Như Lai còn tại thế, đức hạnh và tài năng siêu việt của Ngài cùng hàng đệ tử lỗi lạc tài ba đã nói lên chân lý tuyệt đối, còn có người không nghe. Huống chi Phật vào Niết bàn, ta chỉ có một mình, xung quanh trăm người dữ. Liệu ta có truyền bá nổi pháp chân thật này không ?
Trong khi Xá Lợi Phất và Trí Tích Bồ tát còn do dự trước cái khó vô ngần, thì Văn Thù Sư Lợi Bồ tát xuất hiện giải quyết nghi ngờ cho đại chúng. Thoạt nhiên Ngài từ biển vọt lên, ngồi trên hoa sen 1.000 cánh và vô số Bồ tát ngồi hoa sen đến trước pháp hội.
Mở đầu phẩm Tựa, Ngài Văn Thù giới thiệu Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh và sau đó từ phẩm 2 đến phẩm 10, không thấy nói đến Văn Thù. Như vậy, trong 8 năm Phật giảng kinh Pháp Hoa ở pháp hội thứ nhất cho hàng Thanh văn, không có Văn Thù. Và đến nay, Ngài mới xuất hiện ở pháp hội thứ hai trong phẩm này, nói về việc đến và đi của Văn Thù. Ngài hiện diện hay vắng mặt đều đúng theo yêu cầu của từng nơi, từng lúc và mang ý nghĩa khác nhau.
Văn Thù nói với Trí Tích Bồ tát rằng Ngài vắng mặt ở pháp hội thứ nhất để qua cung rồng Ta Kiệt La giảng kinh Pháp Hoa suốt 8 năm. Trong thời gian này, Ngài giáo hóa chúng sanh với tư cách là Bồ tát, không có Như Lai hiện hữu bên cạnh. Và Ngài giáo hóa ở trong bể khổ, nơi chúng sanh hung dữ tham lam, nhằm khích lệ hành giả Pháp Hoa sau khi Phật vào Niết bàn, vẫn có thể xiển dương kinh Pháp Hoa, với điều kiện trang bị được cho mình một trí tuệ Văn Thù nhìn sự vật đúng như thật.
Ở trong biển khổ của cung rồng Ta Kiệt La, Văn Thù sử dụng trí tuệ siêu việt biến nó thành thế giới thanh tịnh như thế giới của Phật A Di Đà có trăm ngàn Bồ tát vây quanh nghe pháp. Trí Tích còn nghi ngờ về sự kiện Văn Thù là bậc đại Bồ tát, lại mang Pháp Hoa chân thật cao tột vào cung rồng, tiêu biểu cho nơi hạ tiện nhất mà giáo hóa. Thật là vô lý, khó tin, Ngài hỏi Văn Thù số chúng sanh hóa độ được bao nhiêu.
Tức thì có vô lượng Bồ tát không tính kể được, ngồi hoa sen báu từ biển vọt lên đến trụ trước tháp Đa Bảo. Và một lần nữa để chứng minh chân lý nhất Phật thừa, Long Nữ 8 tuổi, con gái của vua rồng Ta Kiệt La xuất hiện trước pháp hội. Long Nữ nghe được kinh Pháp Hoa, thành tựu đạo hạnh Bồ tát và nói kệ hiển bày pháp tánh mà chỉ có Phật Đa Bảo và Phật Thích Ca biết được. Còn chúng hội không hiểu Long Nữ nói gì.
Ngài Xá Lợi Phất, trí tuệ bậc nhất cũng khởi lòng nghi cho rằng thân gái nhơ uế có năm điều chướng không thể thành Phật được. Hiểu theo Xá Lợi Phất như vậy thuộc về hiểu biết của Tiểu thừa. Dưới nhãn quan Đại thừa của Trí Tích Bồ tát, muốn thành Phật, Đức Thích Ca phải trải vô lượng kiếp tu hành đạo Bồ tát. Không có mảy trần nào Ngài không tu, mới thành Phật, nên Long Nữ chắc chắn không thành Phật được.
Riêng chỉ có kiến giải theo tinh thần kinh Pháp Hoa hay hiểu theo Tối thượng thừa viên giáo thì bất cứ người nào cũng thành Phật với điều kiện nắm được yếu chỉ thành Phật. Đến đây, Long Nữ đóng vai tiêu biểu hiển bày pháp khó tin, khó hiểu, là pháp tức thân thành Phật. Trong một sát na, sử dụng trăm ngàn đà la ni môn, thông suốt pháp giới, thoạt nhiên biến thành nam tử qua cõi Vô Cấu ở phương Nam, ngồi tòa sen báu thành Phật.
Ngài Thiên Thai chia ra pháp tướng và pháp tánh Chơn như duyên khởi. Ở trên Chơn như duyên khởi thuộc về tánh Không. Nhưng trên hiện thực cuộc đời có Xá Lợi Phất, Long Nữ, hay mỗi người đều mang hình dáng khác nhau. Tuy vậy, cuối cùng ai cũng đều thành Phật, nếu biết lấy đối tượng Phật tu hành. Vô minh tham ái do mê lầm mà ra. Bỏ mê lầm, trí giác thoạt nhiên sanh, ví như mặt trời lên bóng tối tự mất.
Mọi loài vật trên cuộc đời không tồn tại vĩnh viễn, không có tánh cố định, nên kinh Pháp Hoa gọi là Phật chủng tùng duyên khởi. Nếu nhân duyên gặp Phật ra đời, theo Phật nghe pháp hành giả thành Phật. Gặp và tu theo Bồ tát, hành giả là Bồ tát. Do đó đối tượng tu của ta trở thành quan trọng. Khi lấy Phật làm đối tượng tu hành, quan sát kỹ xem Ngài tu thế nào thành Phật, chúng ta theo đó huân tập những ý tưởng và hành động của Phật. Càng huân tập công đức bao nhiêu, tâm hành giả sáng bấy nhiêu, hạt giống Phật trong tâm càng lớn dần. Ví dụ Phật chan hòa bốn tâm vô lượng từ bi hỷ xả cho tất cả muôn loài. Chúng ta cũng tập mang bốn tâm này vô lòng. Đến ngày nào từ bi hỷ xả thật sự ngự trị trong tâm hồn, trong tư duy, trong thiền định và hành giả thể hiện ra bằng hành động, lời nói, cử chỉ. Toàn thân toàn tâm hành giả không khác Như Lai, hành giả là Phật. Trên lập trường Phật thừa, bất cứ ai suy nghĩ và hành động theo Phật đều thành Phật.
Long Nữ ở thiên cung là Ngọc Nữ, một biểu tượng tôn quý trên cõi Trời, là sự sống của chư Thiên; nhưng khi rớt vào biển khổ là công nương của Ta Kiệt La. Và lúc xuất hiện trước Đức Thích Ca, Ngài thị hiện thân nữ thành Phật. Đây là sự thể hiện tinh thần nam nữ bình đẳng bất nhị hay người ngu và người trí bình đẳng không khác. Đức Thích Ca là bậc Thế Tôn cao quý và Long Nữ tiêu biểu cho một chúng sanh trong biển khổ. Cả hai ở trên chân như môn đều bình đẳng giống nhau không khác.
Sự hiển bày nhiều thân khác nhau của Long Nữ cho thấy rõ Ngài là Phật đã thành. Từ thế giới Phật, Ngài hiện qua thế giới phàm phu và từ thế giới phàm phu trở về thế giới Phật. Giống như ta bỏ chiếc áo rách bên ngoài, nhưng bên trong có sẵn áo Phật vậy.
Hai hiện tượng Đề Bà Đạt Đa và Long Nữ thành Phật nằm ngoài sự hiểu biết thông thường của con người, thuộc phần bí mật tạng. Ngài Xá Lợi Phất đại diện cho Thanh văn và Trí Tích đại diện cho Bồ tát còn không rõ, huống chi là phàm phu chúng ta. Vì vậy Ngài Từ Ân đại sư xếp phẩm này thuộc phần thế giới Thật báo của Phật và Đức Thích Ca Mâu Ni không phải là một vị Phật đơn độc trên thế gian. Ngài là một phân thân của Báo thân viên mãn Lô Xá Na Phật. Các phân thân Phật thuyết pháp mười phương trong tất cả các loài mang hình thù không giống nhau, do bổn Phật này phân ra nói pháp.
Nương theo giáo lý của Phật Thích Ca trên cuộc đời, những người trong pháp hội một mới vào được pháp hội hai, không còn tướng đối đãi tệ ác của chúng sanh. Vì thế, khi Bảo Tháp xuất hiện, Ta bà biến thành Tịnh độ, người được dời đi nơi khác. Ngài Từ Ân gọi đó là Pháp Hoa cảnh, là cảnh giới mầu nhiệm của kinh nói lên tất cả vật đồng nhất thể, tất cả dồn về một chân lý. Ai tu pháp này cuối cùng đều thành Phật, diễn tả năm điều không khác nhau gọi là ngũ trùng bất nhị.
1.- Cổ kim bất nhị : Đức Phật quá khứ Đa Bảo xuất hiện để chứng minh trong thế giới Phật, ý niệm xưa và nay không có. Tất cả đều là hiện tại.
2.- Tịnh uế bất nhị : Thế giới ô uế hay thanh tịnh tùy nơi hành giả. Ta bà và Tịnh độ là một không khác. Phật Thích Ca tập trung phân thân để thấy tháp Đa Bảo, Ta bà liền biến thành Tịnh độ.
3.- Thiện ác bất nhị : Ở trong các pháp, thường Phật dạy làm lành được phước, làm ác sanh tội. Kinh Tiểu thừa quy định Đề Bà Đạt Đa đang thọ báo ở địa ngục. Nhưng đến kinh Pháp Hoa, Phật thọ ký cho Đề Bà Đạt Đa thành Phật, nói lên chân lý thiện ác bất nhị.
Đối với thế giới Phật, tuyệt đối không có quan niệm thiện ác. Và theo Ngài, tất cả hữu tình vô tình đều thành Phật. Đề Bà Đạt Đa thâm nhập vào pháp tánh bình đẳng thì Đề Bà Đạt Đa vẫn là Phật. Ở trạng thái chân tánh bình đẳng, Đề Bà Đạt Đa và Phật không hề thù nghịch hại nhau. Tất cả việc lành trên thế gian đối với thật tướng pháp chỉ là giấc chiêm bao. Trong phẩm Tùy hỷ Công đức, Phật nói nuôi một người cho ăn uống đầy đủ tới 80 tuổi và dạy cho họ đắc quả A la hán, công đức không bằng người thứ 50 tùy hỷ với kinh này. Tác dụng của hành giả trong pháp giới mới thật quan trọng. Còn tác dụng trên hiện thực cuộc đời giống như giọt nước trên mặt biển mà thôi.
4.- Nam nữ bất nhị : Được biểu hiện qua việc Long Nữ mang hình nữ khi thể nhập vào chơn như cũng thành Phật, nhanh hơn động tác dâng ngọc châu cho Phật.
5.- Ấu lão bất nhị : Đạt đến nhất thể, tất cả trở thành bất sanh bất diệt, không còn đối đãi già trẻ.
Tóm lại, bước vào Pháp Hoa cảnh nghĩa là sống trong thế giới chân thật, một thế giới hoàn toàn bình đẳng tuyệt đối, nơi đó bản tâm thanh tịnh mọi người thông suốt nhau. Chỉ khi nào thực sự đặt chân vào thế giới mầu nhiệm này, chúng ta mới biết rõ được ý nghĩa của ngũ trùng bất nhị. Mọi sự phân biệt hiểu biết trên văn tự bằng trí phàm phu chỉ là phương tiện tạm dùng trên bước đường tu tập pháp giải thoát của Như Lai mà thôi.