- Phẩm 1 Tựa
- Phẩm 2 Phương Tiện
- Phẩm 3 Thí Dụ
- Phẩm 4 Tín Giải
- Phẩm 5 Dược Thảo Dụ
- Phẩm 6 Thọ Ký
- Phẩm 7 Hóa Thành Dụ
- Phẩm 8, 9 Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký, Thọ Học Vô Học Nhơn Ký
- Phẩm 10 Pháp Sư
- Phẩm 11 Hiện Bảo Tháp
- Phẩm 12 Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13 Trì
- Phẩm 14 An Lạc Hạnh
- Phẩm 15 Tùng Địa Dũng Xuất
- Phẩm 16 Như Lai Thọ Lượng
- Phẩm 17 Phân Biệt Công Đức
- Phẩm 18 Tùy Hỷ Công Đức
- Phẩm 19 Pháp Sư Công Đức
- Phẩm 20 Thường Bất Khinh Bồ Tát
- Phẩm 21 Như Lai Thần Lực
- Phẩm 22 Đà La Ni
- Phẩm 23 Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự
- Phẩm 24 Diệu Âm Bồ Tát
- Phẩm 25 Phổ Môn
- Phẩm 26 Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự
- Phẩm 27 Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
- Phẩm 28 Chúc Lụy
Hòa Thượng Thích Trí Quảng
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam - TP. Hồ Chí Minh 2011
Phẩm 28
I. LƯỢC VĂN KINH
Lúc bấy giờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ pháp tòa đứng dậy hiện thần thông lớn, dùng tay mặt xoa đầu vô lượng đại Bồ tát và nói rằng : “Ta đã tu tập pháp Vô thượng chánh đẳng giác trong vô lượng kiếp, rất khó được. Nay đem giao cho các ông. Các ông nên hết lòng truyền bá cho được lợi ích”.
Đức Phật xoa đầu các Bồ tát và lập lại câu trên ba lần : “Như Lai là đại thí chủ của tất cả chúng sanh. Các ông nên học theo pháp Như Lai, không nên sanh lòng bỏn sẻn. Đời sau, nếu có người tin trí tuệ của Như Lai thì các ông nên vì họ nói kinh Pháp Hoa. Nếu gặp chúng sanh không tin kinh này, các ông phải dùng pháp khác chỉ dạy cho họ lợi ích an vui. Làm như vậy là báo ơn Phật”.
Các đại Bồ tát nghe xong hết sức vui mừng chắp tay bạch Phật : “Chúng con sẽ làm đầy đủ như lời đức Thế Tôn dạy, kính xin Ngài chớ lo”. Sau đó, Đức Phật Thích Ca nói với các phân thân và tháp Đa Bảo hãy trở về bổn độ.
II. GIẢI THÍCH
Đức Phật phô diễn kinh Pháp Hoa ở thế giới siêu thực và phú chúc cho các Bồ tát siêu hình bằng pháp không lời ở phẩm Như Lai Thần Lực xong. Ngài thu thần lực trở về thực tế, đối trước chúng hội cần phải diễn tả pháp chân thật bằng lời nói. Đức Phật đưa ra hình ảnh các vị đại Bồ tát kiểu mẫu như Dược Vương, Diệu Âm, Quan Âm, Phổ Hiền… Các Ngài thể hiện được sự hành đạo tự tại, giáo hóa chúng sanh Ta bà dưới mọi dạng hình không chút chướng ngại.
Đức Phật nêu lên những mô hình tiêu biểu giữ được pháp chân thật tồn tại lợi lạc ở Ta bà. Đại chúng cảm nhận được hạnh nguyện và việc làm kiên cố của chư Bồ tát trên bước đường hoằng hóa độ sanh. Đức Phật từ pháp tòa bước xuống xoa đảnh các Bồ tát và phú chúc rằng Đức Phật tu trải qua vô số kiếp đạt được pháp ít có khó được. Nay đem phú chúc cho các ông. Các ông phải học theo hạnh Như Lai, mang tư tưởng này truyền dạy mọi người, đừng nên bỏn sẻn.
Về vấn đề phú chúc, ở đây có sự khác biệt giữa hai bản kinh Pháp Hoa. Bản Hán dịch 28 phẩm của Ngài Cưu Ma La Thập ghi Đức Phật xoa đảnh phú chúc các Bồ tát. Trong khi bản dịch chữ Anh ghi Đức Phật phú chúc bằng cách bắt tay các Bồ tát.
Đức Phật đưa một tay bắt toàn bộ tay của các Bồ tát, nhằm gợi cho chúng ta hiểu sự tương quan liên hệ mật thiết giữa Ngài và mọi người. Đức Phật không đơn thuần đóng khung trong tính chất một chúng sanh cá biệt riêng rẽ. Ý này ứng với phân thân Phật trong phẩm Hiện Bảo tháp, ở trạng thái siêu hình biến hóa không tính lường được.
Đức Phật bắt tay từng người và đưa vào tay mỗi người để họ nắm bắt tiếp thu được những gì Ngài trao cho, mới thực sự thể hiện ý nghĩa phú chúc. Nói cách khác, Đức Phật truyền Như Lai lực hay pháp sống thực cho các Bồ tát, không phải truyền mớ giáo điều khô chết.
Như Lai lực tuy vô hình, không diễn tả được nhưng thể hiện sâu sắc rõ nét, hoàn toàn đầy đủ trong suốt cuộc đời hoằng hóa của Phật, luôn luôn là tấm gương sáng chói. Ngài đem cả cuộc đời siêu tuyệt bất tử này phú chúc cho hành giả Pháp Hoa lập thân hành đạo.
Lúc phú chúc cho các Bồ tát cựu trụ, chúng ta thấy Phật phóng quang. Nhưng nay đối với chúng đương cơ và chúng đời sau, Phật chỉ nói Ngài đem phú chúc pháp ít có khó được. Những hành giả Pháp Hoa đang dấn thân trên lộ trình Bồ tát đạo chắc chắn cảm nhận sâu sắc lời Phật dạy về giáo pháp Ngài đạt được quả thật ít có khó gặp trên thế gian. Duy nhất hiện hữu một Đức Phật Thích Ca và mãi đến nay không có một Đức Phật thứ hai nào.
Tuy Phật không nói rõ pháp khó gặp là pháp gì, nhưng chúng ta có thể căn cứ vào đoạn kinh kế tiếp để phát hiện pháp Ngài chứng được và truyền trao cho ta : “Đức Như Lai có lòng từ bi lớn, không có tính bỏn sẻn cũng không sợ sệt, có thể cho chúng sanh trí tuệ của Phật, trí tuệ của Như Lai, trí tuệ tự nhiên”.
Qua đoạn kinh trên, chúng ta nhận thấy Phật sẵn sàng cho hành giả Pháp Hoa ba pháp là Phật huệ, Như Lai huệ, Tự nhiên trí. Chúng ta học Phật, làm tất cả việc, cũng chỉ nhằm để phát sinh ba huệ này.
Tự nhiên trí hay vô sư trí mà Phật đạt được do pháp quán mười hai nhân duyên. Với Tự nhiên trí Ngài biết rõ chính xác sinh hoạt biến dạng, đổi thay của con người và vũ trụ. Trải vô số kiếp tu quán pháp này và thấy biết đúng như thật muôn sự muôn vật, Phật bình thản trước mọi sóng gió cuộc đời. Trong lòng Ngài vắng lặng hoàn toàn, không còn gợn chút phiền não. Vui buồn vinh nhục thế gian như dòng nước ao tù, chẳng bao giờ đến gần Ngài được. Với tâm hoàn toàn như như bất động, Phật trụ pháp vô vi, muôn việc đều trôi chảy giải thoát.
Như Lai huệ thể hiện rõ nét qua hình ảnh Phật phú chúc cho các Bồ tát. Ngài ngồi yên mà ánh quang phóng đi soi rọi mười phương, truyền trao chân thật pháp cho các Bồ tát cựu trụ, khiến chư Thiên phải phát tâm. Với huệ Như Lai trang trải cho đời, Ngài sống rất bình thản tự tại trên cuộc đời ô trược. Nhưng giữa đức Phật và mọi loài hiện hữu một tương quan mật thiết kỳ diệu.
Ngoài ra, Phật được tôn xưng là bậc Toàn Giác, Thế Gian Giải hay Chánh Biến Tri vì đạt được Phật huệ hay sự hiểu biết toàn diện chính xác.
Khi nhận chân rõ thế nào là Phật huệ, Như Lai huệ và tự nhiên trí, chúng ta tự xét khả năng mình còn cách xa ba phần trí huệ này. Thật vậy, mỗi chúng ta còn tồn đọng quá nhiều vô minh phiền não, chẳng những Như Lai huệ không có, mà tự nhiên trí cũng không được, huống chi là Phật huệ.
Về mặt vô hình, Phật phú chúc cho các Bồ tát cựu trụ Tùng địa dũng xuất. Các Ngài nghe được, hiểu được, mới nhận lời giữ gìn kinh Pháp Hoa và phát nguyện xin làm đầy đủ. Đối với chúng ta chưa nghe, chưa hiểu và phần phú chúc cho các Bồ tát, chúng ta cũng không tìm thấy trong kinh, nên phần này có tác dụng gợi ý cho ta đó là Pháp Hoa. Và hành giả cần nương theo pháp phương tiện chưa phải là Pháp Hoa mà Phật phú chúc cho các Bồ tát hữu hình, để thâm nhập vào các pháp mầu khác.
Trên phương diện nhân gian, Phật phú chúc cho các Bồ tát đương cơ và cũng phú chúc cho chúng ta. Nhưng khi sanh lại trên cuộc đời này, chúng ta bị thân ngũ ấm ngăn che, sai sử, mãi lo làm nô lệ cho nó, quên mất lời dặn dò ủy thác của Ngài. Tuy nhiên, khi tâm hồn thật lắng yên, hành giả bắt gặp sự truyền trao của Phật. Nhờ đó, thôi thúc chúng ta vững tiến trên đường Bồ tát đạo, duy trì mạch sống đạo lưu xuất mãi trong nhân gian.
Sự tương quan mật thiết sâu xa giữa Phật và hành giả Pháp Hoa là một sự liên hệ hỗ tương hai chiều. Nếu không có sự hộ niệm của các Ngài, chúng ta không thành tựu công đức lành. Ngược lại, không có chúng ta, các Ngài cũng không nương đâu mà tỏa sáng chánh pháp.
Mọi nơi, mọi chỗ đều vang lên pháp âm. Nhưng hành giả không có khả năng trực nhận, nên giữa Phật và chúng ta muôn trùng xa cách. Phật là Phật, chúng sanh là chúng sanh.
Tóm lại, kinh Pháp Hoa là bộ kinh tối yếu. Không riêng Đức Phật Thích Ca mà tất cả ba đời mười phương chư Phật đều lấy kinh này làm phương hướng tu hành và truyền đạo trên lộ trình dẫn dắt chúng sanh đến quả vị Nhất thiết chủng trí.
Trong một quá trình lịch sử truyền bá kinh Pháp Hoa dài lâu, chỉ xuất hiện vài vị Thánh Tăng siêu việt sử dụng được trọn vẹn mười phần công đức của kinh Pháp Hoa, ngang hàng với Bồ tát đệ thập địa. Ở Trung Hoa thì có Ngài Thiên Thai Trí Giả đại sư, hay ở Nhật Bản có Nhật Liên Đại Thánh nhân.
Tuy nhiên trong thế giới phàm phu tội lỗi, trong những người đui mù không Đạo sư, chúng ta là những người may mắn được thọ trì kinh Pháp Hoa, kết duyên được với kinh Pháp Hoa. Tuy chúng ta còn bị phiền não trói buộc, ba điều kiện trong phẩm Pháp Sư : vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai chưa tròn đầy miên viễn. Thỉnh thoảng, chúng ta cũng chợt bắt gặp được những âm thanh kỳ diệu của Phật. Dù kinh Pháp Hoa ta nghe được văng vẳng, vẫn còn hơn là những kẻ trăm ngàn muôn kiếp chưa nghe đến tên Tam Bảo.
Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề… là những chúng kết duyên từ thời Phật Đại Thông Trí Thắng, nên bây giờ được thọ ký. Chúng ta là những người kết duyên ở hội Linh Sơn, nên ngày nay tuy còn sống trong nhà lửa tam giới, vẫn an nhiên tu học nhân hạnh Pháp Hoa, nhận được ít nhiều công đức.
Càng đọc tụng lễ lạy kinh Pháp Hoa, Phật càng gần gũi chúng ta. Chẳng những Ngài mà cả mười phương chư Phật, đều lần lượt hiện ra trước mặt chúng ta. Các Ngài an ủi và ấn chứng cho lời phát nguyện của những hành giả Pháp Hoa sơ phát tâm đang cố gắng noi theo lời Phật dạy, làm việc khó làm trong cõi đời ác trược.
Đạt được độ cảm này, chúng ta lướt qua mọi chông gai khó khăn, tiến bước trên con đường hiểm 500 do tuần đến bảo sở, mà không thấy cô độc và chán nản. Nhờ lực gia bị của chư Phật, chư Bồ tát và độ cảm sâu xa với các Ngài, chúng ta tiếp tục tiến tu đạo hạnh, một lòng một dạ thọ trì kinh Pháp Hoa. Lần lần huân tập vào tạng thức những hạt giống Bồ đề vô lậu và trải rộng cuộc sống dưới bốn dạng giáo, lý, hạnh, quả. Chúng ta thể hiện thành những kết quả giải thoát sáng suốt, sống thực trong từng việc làm lợi lạc cho đời.
Đến một ngày nào đó, nghiệp chủng tử hoàn toàn thuần thiện, trang nghiêm đầy đủ đạo hạnh Bồ tát, Đức Thế Tôn sẽ xoa đầu thọ ký cho chúng ta. Bấy giờ, đoạn đường dẫn đến thế giới Pháp Hoa chân thật đảnh lễ chư Phật mười phương, làm bạn lữ với Bồ tát Tùng địa dũng xuất chỉ trong gang tấc vậy.
NAM MÔ TỐI THƯỢNG THỪA VIÊN GIÁO DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH
PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT.