Thư Viện Hoa Sen

Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự, Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát

24/05/201012:00 SA(Xem: 9361)
Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự, Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
PHÁP HOA ĐỀ CƯƠNG
Hòa Thượng Thanh Đàm
Chùa Bích Động, Ninh Bình 1820
Việt Dịch: Thích Nhật Quang - Tu Viện Chân Không 1973

 PHẨM DIỆU TRANG NGHIÊM VƯƠNG BẢN SỰ

 Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương. Đây là dặn phải khéo hộ trì tâm ấy, biện rành tà chánh. Chớ cho được như thế là tự đủ, rồi sanh lười nhác. Hoặc bị ấm ma hoặc loạn, hoặc bị thiên ma nhiễu hại, hoặc lại giữa đường thành cuồng, hoặc lạc nơi đường tà, hoặc do đắm yêu chỗ tập từ trước ôm giữ trong lòng, mà sanh tăng thượng mạn, hoặc là chìm không, hoặc lại kẹt tịch, dừng nghỉ ở hóa thành, chẳng có thể lại tiến lên. Do các duyên này v.v... nên chẳng có thể tiến đến Bảo sở.
 Xét thấy vua Diệu Trang Nghiêmtượng trưng cho người tu hành, là tâm vương của chính mình. Phu nhân Tịnh Đứctượng trưng cho chánh trí tuệ. Tịnh Tạngtượng trưng cho chánh tri. Tịnh Nhãntượng trưng chánh kiến. Nghĩa là người tu hành hay nương nơi chánh trí tuệ, chánh tri, chánh kiến, lấy đó làm thiện tri thức căn bản. Do thiện tri thức căn bản này, khéo gìn giữ lòng mình. Trong khi thiền định, phàm có thấy nghe hiểu biết, tất cả hiện tượng, cảnh giới lành dữ, lòng chớ tham trước, chớ khởi thánh giải, cho đến cũng chớ sanh lo mừng cùng các tâm như đã nói trên.
 Chỉ dùng trí tuệ quán sát nơi không tịch, thì tất cả cảnh giới hiện ra đó, liền khi ấy tự nhiên tiêu diệt. Khiến cho hành giả chẳng thoái chuyển nơi đạo vô thượng chánh chân. Đây nhằm phá lớp vọng tưởng võng tượng hư vô điên đảo của thức ấm thứ năm vậy.
 Nên biết văn trong tiết này, đồng với kinh Lăng Nghiêm phần nói về năm ấm, năm vọng tưởng, xuất hiện năm mươi lớp cảnh giới ma. Muốn biết việc ma thế nào, xin đọc kinh Lăng Nghiêm quyển 9, quyển 10 thì rõ, đây chẳng thuật hết.
 Kệ rằng:
 Vô thủy luân hồi, ái là căn,
 Đuổi theo tà ác, thọ sanh thân,
 Xoay về tịnh tạng gieo lời thỉnh,
 Khéo độ trang nghiêm tin chánh nhân,
 Chẳng lại tự theo tâm hạnh ác,
 Từ nay nguyện thích Phật năng nhân,
 Đấy nêu gặp được chân tri thức,
 Hay chuyển Bồ-đề bất thoái luân.
 Vô thủy luân hồi ái dục căn,
 Tùy tà trục ác thọ sanh thân,
 Hồi quang tịnh tạng đầu thân thỉnh,
 Thiện hóa trang nghiêm tín chánh nhân,
 Bất phục tự tùy tâm hạnh ác,
 Tùng kim nguyện nhạo Phật năng nhân,
 Thử minh đắc ngộ chân tri thức,
 Năng chuyển Bồ-đề bất thoái luân.

 PHẨM PHỒ HIỀN BỔ TÁT KHUYẾN PHÁT

 Phổ Hiền là tâm nghe thấu suốt khắp mười phương, không chỗ nào mà chẳng đến. Đây là nhiếp phẩm Diệu Trang Nghiêm ở trước, khi được vị thiện tri thức căn bản nắm tay dắt đi, khiến chẳng lạc vào các nẻo tà hiểm mà được thấy Phật. Bởi Phổ Hiền dùng tâm nghe mà được chứng, tức biểu trưng cho kinh lúc đầu lấy nhãn căn thấy tánh để khai thị, khiến ngộ nhập bản tâm. Kế lại, từ tánh nghe của nhĩ căn mà tu. Đến đây đã vào trong tánh nghe, công năng rất là cùng cực, tự thấy tâm thể trong sạch xưa nay của mình. Mới biết chính thật là tâm nghe, chẳng phải tai nghe vậy.

 Than ôi ! Chúng sanh vọng sanh phân biệt, cho tánh nghe thuộc lỗ tai. Ngoài thì, niệm niệm rong ruổi theo thinh trần, trong lại bời bời phan duyên dấy khởi. Lẫn theo những phải quấy của thinh tướng, vọng tưởng phiền não loạn khởi. Chẳng biết tánh nghe ấy chính là tâm, sẵn có hạnh lớn Phổ Hiền. May mắn được khai thị, mới hay ngộ nhập ý nghĩa tâm nghe Phổ Hiền.Nói tâm nghe tức là nhĩ thức, nhĩ thức chính là tâm linh, diệu dụng khắp suốt mười phương pháp giới. Tâm khắp mười phương, thì nghe cũng khắp mười phương. Nghe khắp mười phương, thì biết cũng khắp mười phương. Biết khắp mười phương thì tâm thức thấu suốt pháp giới, thành Tạng Đại Quang Minh vậy.

 Nói khuyến phát, nhằm bày tỏ chớ lấy trí nhỏ cho tự đủ, phải phát khởi tiến lên, cầu đạo Bồ-đề vô thượng. Nghĩa là dù đã sạch hết năm ấm, năm vọng tưởng diệt, vượt ngoài năm trược, thoát khỏi ba cõi, thức tâm tròn sáng, hàm dung pháp giới, mới có thể lãnh ngộ yếu chỉ tâm nghe, nhưng vẫn chưa phải là tâm rốt ráo tịch diệt Niết-bàn. Thế nên cần phải khuyến phát tâm Bồ-đề, tu hạnh Phổ Hiền, thẳng vào biển lớn Tỳ-lô hoa tạng, soi thấy đạo tràng trong sạch xưa nay, thân cận bản tôn Quang Minh Biến Chiếupháp thân thanh tịnh Như Lai Tỳ-lô Giá-na trọn thành vô thượng Bồ-đề, trở về chỗ không sở đắc. Đây mới chính thật tỏ rõ tạng thức Đại Quang Minh vậy.

 Hỏi: Phát tâm Bồ-đề là thế nào ?Đáp: Bồ-đề có vô lượng nghĩa. Tất cả ba tạng, mười hai bộ kinh, đều là nghĩa của Bồ-đề, nên chẳng thể thuật hết. Nay xin lược lấy một vài lối giải thích rất gần mà chỉ ra đó thôi.Bồ-đề, đây nói là tánh giác. Lại, bồ là chiếu, đề là kiến. Nói chung là tánh giác chiếu kiến. Tánh giác chiếu kiến này là tri kiến Phật.Phát là mở ra, bày ra. Lúc còn mông muội mà phát minh ra. Ví như các cảnh giới thấy trong mộng, đều chẳng rời giấc mộng. Lúc biết là cảnh mộng, toàn thể đều là không. Biết rõ ràng cảnh mộng đều không, đó là nghĩa phát giác.Lại như lúc còn mông muội chưa sáng, thì tánh giác bị bóng dáng duyên theo sáu trần làm mờ tối. Phàm đã thấy biết, đều như cảnh mộng, dù có tri kiến ấy, đều là mông muội, đó chỉ cho tri kiến của chúng sanh. Nếu lúc ngộ, thì bóng dáng duyên theo sáu trần, toàn thể đều không. Đã biết rõ trần ảnh đều không, thì tri kiến đó là tri kiến Phật, cũng gọi là phát tâm Bồ-đề và là tâm phát giác vậy.


 Lại phát tâm Bồ-đề là biết rõ tất cả chư Phật, cùng các chúng sanh, đồng một giác nguyên, mình người một thể. Chỉ chúng sanh bị thức tâm vọng tưởng duyên theo bóng dáng sáu trần làm mê hoặc, nên chẳng hay biết. Ta đã tự giác, lại hay giác ngộ cho chúng sanh, nguyện khắp chúng sanh đều thành chánh giác. Đấy gọi là phát tâm giác cho tất cả vậy.

 Nhưng phát tâm Bồ-đề là chỉ cho người tu hành, tâm ban đầu được phát giác. Bởi ta cùng chúng sanh từ vô thủy đến giờ, trái giác hợp trần, chấp bốn đại năm uẩn cho là thân tâm. Niệm niệm duyên theo trần cảnh, phân biệt các ảnh sự, chưa từng có một niệm hồi quang, chẳng biết đến bao giờ tâm mới có thể phát giác !

 Thế nên, tâm ban đầu được phát giác này, là việc rất khó ! Người xưa trèo non vượt biển, chỉ vì cầu “Tâm ban đầu phát giác” đó thôi.Nói phát giác tức là tự thấy Phật tánh. Phật tánh chính là tự thể tánh giác. Có thể thấy được tự thể tánh giác này, thì tất cả việc làm đều là Phật sự. Cần thiết chớ nhận lầm thức tâm vọng tưởng duyên trần cho là tự mình, thì thức tâm như huyễn, việc tu hành cũng đều như huyễn.

 Kinh nói: “Nhận giặc làm con” là đấy !Nhưng tâm ban đầu phát giác đó, đã như ở trước, phần Tổng nêu pháp dụ đề mục của kinh và trong phẩm Tựa có nói rồi. Đến sau phần Bạt dẫn Tông chỉ, lại sẽ chỉ rõ hơn.

 Hỏi: Làm thế nào tu hạnh Phổ Hiền ?

 Đáp: Hạnh đầy khắp pháp giới, gọi là Phổ. Vị gần kề Á thánh, ấy là Hiền. Hạnh thì như mười đại nguyện vương trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Bất Tư Nghì Giải Thoát Cảnh Giới nói: Một sắc một hương đều khắp pháp giới.

 Nói tóm lại là:Các đìều ác chớ làm,Vâng làm các việc lành.Đấy gọi là hạnh Phổ Hiền.Nhưng người tu hành học theo hạnh Phổ Hiền, tức là dùng yếu chỉ lỗ tai nghe, từ nhĩ thức mà vào. Chỉ dùng nhĩ thức theo niệm phân biệt, soi khắp quần cơ, lựa hạnh lành của Phổ Hiền kia mà tu, để tròn đầy tuệ tự tại, thành tựu trí nhất thiết chủng.

 Hỏi: Từ trước, quở chê thức tâm, bảo là huyễn vọng. Đến đây, cớ sao lại nói nhĩ thức là hạnh lớn chân thật.

 Thế ấy đâu khỏi trước sau có thủ xả ư ?

 Đáp: Quở chê ở trước, đó là thức tâm duyên trần. Nếu ngoài hiện sáu trần, thì trong khởi thức tâm, vọng sanh phân biệt. Trần qua thì thức phân biệt tự không, vì thế bảo rằng huyễn vọng cần phải bỏ. Nay thức này là dụng của nhĩ căn, đầy khắp mười phương, tùy lúc nghe, tùy lúc nhận thức, tùy lúc phân biệt, nó trạm nhiên thường trụ. Như ánh sáng của mặt gương, tức thức tánh trong kinh Lăng Nghiêm, nói “Minh tri giác minh, chân thức diệu giác trạm nhiên, biến chu pháp giới, dung nhập Như Lai tạng tánh, Diệu liên hoa tâm”. Thế nên, đáng phải giữ lấy mà tu. Đức Di Lặc cũng do tròn thành Tam-muội thức tâm này, mà tương lai sẽ làm Phật.
 Trong kinh Phổ Hiền cũng nói: “Nếu có người thọ trì đọc tụng hiểu nghĩa thú kia, người đó lúc mạng chung, được một ngàn vị Phật đưa tay xoa đầu. Khiến lòng không sợ hãi, chẳng lạc vào nẻo ác, liền sanh lên cung trời Đâu Suất, chỗ Bồ-tát Di Lặc đang ở”.Đây cũng chính bày tỏ đã hội được nhĩ thức kia, mà trở về tánh thức Như Lai tạng vậy.Lại, phẩm này cũng nói Đà-la-ni là biểu lộ thể tâm nghe này, tổng trì tất cả công đức của pháp thân chư Phật, hiện khắp tất cả đạo tràngBồ-đề của chư Phật, rộng làm việc Phật, lợi ích chúng sanh, là con của đấng pháp vương vậy.

 Kệ rằng:

 Đầu nói Hoa Nghiêm, đây Pháp Hoa,
 Trước sau thuần một Diệu Liên Hoa,
 Văn Thù trí gốc, đơm Phật tuệ,
 Phổ Hiền tâm nghe, trổ giác hoa,
 Thâm ngộ Đà-la-ni mật ý,
 Trên gần Di Lặc, thức tâm hoa,
 Tương lai đồng đến Long Hoa hội,
 Nhân quả hợp nhau, gốc Pháp Hoa.
 Sơ thuyết Hoa Nghiêm thử Pháp Hoa,
 Thủy chung thuần nhất Diệu Liên Hoa,
 Văn Thù bản trí khai Phật tuệ,
 Phổ Hiền tâm văn, phát giác hoa,
 Thâm ngộ Đà-la-ni mật ý,
 Thượng thân Di Lặc thức tâm hoa,
 Đương lai đồng đáo Long Hoa hội,
 Nhân quả tương phù bản Pháp Hoa.

 Nguyên lai kinh này là gồm chứa hải tạng của Hoa Nghiêm, nhiếp thu tông hiến của các kinh, tóm lãnh nhân duyên xuất thế của chư Phật, bày tỏ tri kiến Nhất thừa của chúng sanh. Chỉ hơn sáu muôn lời, mà lý hàm súc vô tận, có hai mươi tám phẩm, mà nghĩa sâu kín khôn lường.

 Tôi dù làm Đề Cương này, như loài muỗi nhặng uống nước biển cả. Trí hẹp biết lờ mờ chỉ thú, khác nào lấy ống tre dòm trời cao. Tuy chẳng suốt thấu huyền vi, cũng chẳng dám trái thánh chỉ. Hoặc có kẻ lại bảo: Văn từ này, chẳng thấy hiện có trong kinh kia, nên nghi.Xin hãy xem lại thật kỹ trong kinh, xét cho chín chắn lời lẽ của mỗi phẩm. Nghĩa trong lời, lý trong nghĩa, uẩn trong lý, áo trong uẩn, khả dĩ hội ý mới hiểu. Chớ đem kiến giải ngoài da, mà mờ mịt đối với cốt tủy trong kinh.

 Kinh nói:

 Tạng kinh Pháp Hoa này,
 Sâu xa bền kín lắm,
 Không người có thể đến...

 Đã bảo rằng sâu xa bền kín thì chẳng thể dùng văn nghĩa cạn cợt bên ngoài mà có thể tột cùng nguồn đáy kia. Nhưng người xưa có dạy: “Nói pháp chẳng lìa tự tánh, lìa tự tánh nói pháp tức thành ma nói.”Xin hiểu Đề Cương này của tôi, cũng là lời lời chỉ tánh, câu câu sáng tông, mà chẳng lìa nơi tự tánh vậy. Hoặc có trái lầm, xin cho sám hối. May được khai thị, để cứu lỗi kia. Nếu hợp lời kinh, mong đem lưu thông rộng rãi hầu ích lợi cho khắp chúng sanh.
Tạo bài viết
07/06/2010(Xem: 60602)
09/06/2010(Xem: 33441)
Kính thưa chư Tôn thiền đức, quý Phật tử và quý độc giả, Như chúng tôi đã bố cáo trên Facebook vào thời điểm một nhà sư Việt Nam sửa soạn bộ hành khất thực từ Gia Lai đi Ấn Độ, website Thư Viện Hoa Sen đã bị một thế lực đen tối dấu mặt đánh sập liên tiếp nhiều lần. Tất cả các cuộc tấn công đều theo mô thức DDoS (Distributed Denial of Service) nhắm vào cơ sở hạ tầng mạng làm quá tải và hư hại máy chủ. Sau mỗi lần tấn công, chúng lại dùng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra các cách tấn công mới hơn và thông minh hơn, vượt qua tất cả những biện pháp phòng ngừa truyền thống. Về nguyên nhân chúng tôi đã thưa trong những lần bố cáo trước. Hiện nay hệ thống máy chủ của Thư Viện Hoa Sen đã được sửa chữa và tăng cường thêm nhiều trang thiết bị mới nhằm ngăn ngừa các cuộc tấn công trong tương lai. Kính thưa quý vị,
Kính thưa quý vị khá thính giả của chương trình Phố Bolsa TV. Hiện nay tôi đang có mặt ở tỉnh Surin Thái Lan cùng đòan bộ hành với sư Minh Tuệ đi Đất Phật Ấn Độ và hôm nay nơi giữa đường thì chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp với sư Minh Tuệ. Những câu hỏi đã được tôi soạn ra trước nhưng không hề có việc gửi tới trước cho Sư hoặc là cho anh Đoàn Văn Báu (Trưởng đoàn)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!