- Lời Đầu Sách
- Lược Khảo Lịch Sử Kinh
- Phẩm 1: Phẩm Tự
- Phẩm 2 Phương Tiện
- Phẩm 3 Thí Dụ
- Phẩm 4 Tín Giải
- Phẩm 5 Dược Thảo Dụ
- Phẩm 6 Thọ Ký
- Phẩm 7 Hóa Thành Dụ
- Phẩm 8 Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký
- Phẩm 9 Phẩm Thọ Học Vô Học Nhơn Ký
- Phẩm 10 Pháp Sư
- Phẩm 11 Hiện Bảo Tháp
- Phẩm 12 Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13 Trì
- Phẩm 14 An Lạc Hạnh
- Phẩm 15 Tùng Địa Dũng Xuất
- Phẩm 16 Như Lai Thọ Lượng
- Phẩm 17 Phân Biệt Công Đức
- Phẩm 18 Tùy Hỉ Công Đức
- Phẩm 19 Pháp Sư Công Đức
- Phẩm 20 Thường Bất Kinh Bồ Tát
- Phẩm 21 Như Lai Thần Lực
- Phẩm 22 Chúc Lụy
- Phẩm 23 Dược Vương Bồ Tát Bản Sự
- Phẩm 24 Diệu Âm Bồ Tát
- Phẩm 25 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- Phẩm 26 Đà La Ni
- Phẩm 27 Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự
- Phẩm 28 Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
- Toát Yếu Toàn Bộ
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
GIẢNG GIẢI
Hoà thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Chân Không
PHẨM 20 THƯỜNG BẤT KINH BỒ TÁT
Thường Bất Khinh Bồ-tát là vị Bồ-tát tên Thường Bất Khinh. Ngài có tâm hạnh kính trọng tất cả mọi người, không có một niệm xem thường ai cả, vì Ngài thấy ai ai cũng có Phật tánh, và sẽ thành Phật.
CHÁNH
VĂN:
1.- Lúc bấy giờ, Phật bảo ngài Đắc Đại Thế đại Bồ-tát rằng:
- Ông nay nên biết! Nếu có
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nào thọ trì kinh Pháp Hoa này được
công đức như trước đã nói, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân cùng ý thanh tịnh, như có
người nói lời thô ác mắng nhiếc, chê bai, mắc tội báo lớn cũng như trước đã nói.
GIẢNG:
Đoạn này Phật lặp lại ý trước với Bồ-tát Đắc Đại Thế rằng
người thọ trì kinh Pháp Hoa thì được công đức sáu căn thanh tịnh. Ngược lại,
người nào chê bai kinh Pháp Hoa thì chịu quả báo không tốt. Như vậy, chúng ta
thấy ai tùy thuận kinh Pháp Hoa thì sẽ được thanh tịnh, ai chống ngược lại thì
chịu khổ họa. Tại sao như thế? Vì người không chịu trở về với Tri kiến Phật
thanh tịnh sáng suốt, thì người đó đang mê mờ loạn động, sáu căn chạy theo sáu trần
tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử nên khổ đau. Còn nếu trở về sống với Tri
kiến Phật, thì người đó luôn tỉnh giác, nên sáu căn cũng thanh tịnh, ngang đó
dứt nghiệp, không tạo nhân đi trong luân hồi sanh tử được giải thoát.
CHÁ�NH
VĂN:
2.- Đắc Đại Thế! Về thuở xưa quá vô lượng vô biên bất khả tư nghì vô số kiếp,
có Phật hiệu là Oai Âm Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc,
Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư,
Phật Thế Tôn.
Kiếp đó tên là Ly Suy, nước đó tên là Đại Thành. Đức Oai Âm Vương Phật trong đời đó vì hàng trời, người, a-tu-la mà nói pháp, vì người cầu Thanh văn mà nói pháp Tứ đế, thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, rốt ráo Niết-bàn; vì người cầu Bích-chi Phật mà nói pháp Mười hai nhơn duyên; vì các Bồ-tát nhơn Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà nói Sáu pháp ba-la-mật rốt ráo trí huệ của Phật.
Đắc Đại Thế! Đức Oai Âm Vương Phật đó sống lâu bốn mươi vạn
ức na-do-tha hằng hà sa kiếp, chánh pháp trụ ở đời kiếp số như vi trần trong
một Diêm-phù-đề; tượng pháp trụ ở đời kiếp số như số vi trần trong một
Diêm-phù-đề; tượng pháp trụ ở đời kiếp số như số vi trần trong bốn châu thiên
hạ. Đức Phật đó lợi ích chúng sanh, vậy sau mới diệt độ. Sau khi chánh pháp,
tượng pháp diệt hết, trong cõi nước đó lại có Phật ra đời, cũng hiệu là Oai Âm
Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn, cứ thứ
lớp như thế có hai muôn ức đức Phật đều đồng một hiệu.
GIẢNG:
Phật dẫn lại chuyện xưa, vô số kiếp về trước, có đức Phật
đầu tiên ra đời tên là Oai Âm Vương. Sau khi Phật Oai Âm Vương đầu tiên diệt
độ, thì tuần tự như thế có hai muôn ức đức Phật ra đời, cùng một hiệu là Oai Âm
Vương, Phật Oai Âm Vương ra đời trước tất cả chư Phật, nên có câu là: "Oai
Âm Vương dĩ tiền vô Phật chúng sanh danh, tư thời chánh thị đạo", nghĩa là
trước Phật Oai Âm Vương không có tên Phật tên chúng sanh, chính khi đó mới là
đạo. Tại sao vậy? Vì có tên Phật tên chúng sanh, là có thấy phân biệt đối đãi,
mà thấy phân biệt là vô minh. Trước khi khởi niệm phân biệt đối đãi, lúc ấy tâm
vô niệm là đang sống với Tri kiến Phật. Phật Oai Âm Vương là chỉ cho Tánh giác
có sẵn nơi mỗi người chúng ta từ thuở nào.
CHÁNH VĂN:
3.- Đức Oai Âm Vương Như Lai dầu hết diệt độ rồi, sau lúc chánh pháp đã diệt
trong đời tượng pháp những Tỳ-kheo tăng thượng mạn có thế lực lớn.
Bấy giờ, có vị Bồ-tát Tỳ-kheo tên Thường Bất Khinh. Đắc Đại Thế! Vì cớ gì tên là Thường Bất Khinh? Vì vị Tỳ-kheo đó phàm khi ngó thấy hoặc Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, hoặc Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, thảy đều lễ lạy khen ngợi mà nói rằng: "Tôi rất kính quí Ngài chẳng dám khinh mạn. Vì sao? Vì quí Ngài đều tu hạnh đạo Bồ-tát sẽ được làm Phật."
Mà vị Tỳ-kheo đó chẳng chuyên đọc tụng kinh điển, chỉ đi lễ lạy, nhẫn đến xa thấy hàng tứ chúng, cũng cố qua lễ lạy, ngợi khen mà nói rằng: "Tôi chẳng dám khinh quí Ngài, quí Ngài đều sẽ làm Phật." Trong hàng tứ chúng có người lòng bất tịnh sanh giận hờn buông lời ác mắng nhiếc rằng: "Ông vô trí Tỳ-kheo này từ đâu đến đây tự nói ta chẳng khinh Ngài, mà thọ ký cho chúng ta sẽ được làm Phật chúng ta chẳng dùng lời thọ ký hư dối như thế."
Trải qua nhiều năm như vậy, thường bị mắng nhiếc chẳng
sanh lòng giận hờn, thường nói: "Ngài sẽ làm Phật." Lúc nói lời đó,
chúng nhơn hoặc lấy gậy cây, ngói đá để đánh ném. Ông liền chạy tránh đứng xa
mà vẫn to tiếng xướng rằng: "Ta chẳng dám khinh quí Ngài, quí Ngài đều sẽ
thành Phật." Bởi ông thường nói lời đó, nên hàng tăng thượng mạn Tỳ-kheo,
Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di gọi ông là Thường Bất Khinh.
GIẢNG:
Đây giải thích công hạnh của một vị Bồ-tát, và nhân
Bồ-tát thực hành công hạnh ấy nên đặt thành tên. Vậy Ngài tu hạnh gì? Bồ-tát
Thường Bất Khinh không siêng trì tụng, lễ bái, giảng nói kinh Pháp Hoa... mà
chỉ đi lễ lạy người và nói rằng: "Tôi không dám khinh quí Ngài, quí Ngài
đều sẽ thành Phật." Như vậy Bồ-tát Thường Bất Khinh có trì kinh Pháp Hoa
không? Như chúng ta đã biết, chư Phật ra đời chỉ có mục đích duy nhất là chỉ
cho chúng sanh nhận ra Tri kiến Phật có sẵn nơi mình. Chúng sanh biết mình có
Tri kiến Phật, tức là đã có Phật nhân, nếu khéo tu sẽ thành Phật quả. Ngài
không lễ lạy, trì tụng giảng nói bộ kinh Pháp Hoa văn tự in bằng giấy mực gồm
bảy quyển. Mà chỉ đi gieo rắc niềm tin ở mọi người, khiến cho mọi người tin rằng
mình sẵn có Tri kiến Phật, nếu tu sẽ được thành Phật. Như vậy, Ngài có dạy
người trì kinh Pháp Hoa chưa? Việc làm của Ngài có đúng với bản hoài của chư
Phật không? Rõ ràng Ngài thực hành không sai yếu chỉ mà Phật đã dạy. Sở dĩ Ngài
nói như vậy, là vì mọi chúng sanh ai ai cũng có sẵn Tánh giác, nhưng vì vô minh
che phủ nên quên không chịu nhận. Vì vậy Ngài phải khơi dậy, phải đánh thức cho
mọi người biết và nhận ra cái sẵn có nơi mình, để tu hành thành Phật. Câu nói
của Ngài tuy đơn giản ngắn gọn nhưng nêu rõ bản hoài của mười phương chư Phật.
Ngài nói tuy ngắn gọn nhưng thực hành không phải dễ, người ưa thì im lặng vâng
làm, người không ưa thì mắng nhiếc đánh đập Ngài. Mặc dù vậy, với lòng từ bi
rộng lớn, Ngài không nản lòng thối chí, chấp nhận mọi sự khó khăn, vui vẻ đi
khắp nơi, khơi dậy niềm tin ở mọi người, để cùng tu tập tiến đến quả Phật.
CHÁNH VĂN:
4.- Vị Tỳ-kheo đó lúc sắp chết, nơi giữa hư không nghe
trọn hai mươi nghìn muôn ức bài kệ kinh Pháp Hoa của đức Oai Âm Vương Phật đã
nói thuở trước, nghe xong đều có thể thọ trì, liền được nhãn căn thanh tịnh,
nhĩ, tỹ, thiệt, thân cùng ý căn thanh tịnh như trên. Được sáu căn thanh tịnh đó
rồi lại sống thêm hai trăm muôn ức na-do-tha tuổi, rộng vì người nói kinh Pháp
Hoa đó.
Lúc đó hàng tăng thượng mạn Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, khinh
tiện vị đó đặt cho tên "Bất Khinh", nay thấy vị đó được sức thần
thông lớn, sức đại thiện tịch, nghe vị đó nói pháp đều tin phục tùy tùng.
Vị Bồ-tát đó giáo hóa nghìn muôn chúng khiến trụ trong Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác. Sau khi mạng chung được gặp hai nghìn ức Phật đều hiệu Nhựt Nguyệt
Đăng Minh, ở trong pháp hội đó nói kinh Pháp Hoa này. Do nhơn duyên đó lại gặp
hai nghìn ức Phật đồng hiệu là Vân Tự Tại Đăng Vương, ở trong pháp hội của các
đức Phật đó thọ trì, đọc tụng, và hàng tứ chúng nói kinh điển này, cho nên được
mắt thanh tịnh thường trên đó, tai, mũi, lưỡi, thân cùng ý các căn thanh tịnh,
ở trong bốn chúng nói pháp lòng không sợ sệt.
Đắc Đại Thế! Vị Thường Bất Khinh đại Bồ-tát đó cúng dường
bao nhiêu đức Phật như thế, cung kính tôn trọng ngợi khen, trồng các cội lành.
Lúc sau lại gặp nghìn muôn ức Phật, cũng ở trong pháp hội các đức Phật nói kinh
điển này, công đức thành tựu sẽ được làm Phật.
GIẢNG:
Bồ-tát Thường Bất Khinh do gieo rắc lòng tin nơi mỗi
người, nên khi Ngài sắp tịch được nghe kinh Pháp Hoa do Phật Oai Âm Vương nói,
sáu căn Ngài liền thanh tịnh và sống thêm hai trăm muôn ức na-do-tha kiếp, vì
người nói kinh Pháp Hoa. Tại sao lúc Ngài còn khỏe mạnh không được nghe và thọ
trì kinh Pháp Hoa, mãi đến lúc sắp tịch mới được nghe kinh Pháp Hoa và sống
thêm. Như vậy là ý nghĩa gì? Như đã nói, thọ trì kinh Pháp Hoa là xoay lại sống
với cái bất tử là Tri kiến Phật. Bất tử thì không chết. Vì vậy mà Ngài được tất
cả công đức như sáu căn thanh tịnh v.v... Rồi những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni,
Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di trước khinh chê Ngài, nay tin phục theo Ngài tu hành.
Bồ-tát Thường Bất Khinh giáo hóa vô số chúng trụ trong Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác. Sau khi mệnh chung, được gặp hai ngàn ức Phật đều
hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh và lại gặp hai ngàn ức Phật đồng hiệu Vân Tự Tại
Đăng Vương. Bồ-tát Thường Bất Khinh nhờ tu hạnh ấy, sau công đức viên mãn thành
tựu trí tuệ Phật.
CHÁNH VĂN:
5.- Đắc Đại Thế! Ý ông nghĩ sao? Thường Bất Khinh Bồ-tát thuở đó đâu phải người
nào lạ, chính là thân ta. Nếu ta ở đời trước chẳng thọ trì, đọc tụng kinh này,
vì người khác giải nói đó, thời chẳng có thể mau được Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác. Vì ta ở chỗ các đức Phật thuở trước thọ trì, đọc tụng kinh này vì
người khác nói, nên mau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
GIẢNG:
Bồ-tát Thường Bất Khinh là tiền thân của Phật Thích-ca.
Phật nói sở dĩ Ngài được thành Phật là do thời quá khứ, Ngài thọ trì đọc tụng
kinh Pháp Hoa. Chúng ta thấy lúc tu nhân Ngài không đọc tụng văn tự kinh, mà
Ngài nhận ra nơi Ngài có sẵn Phật tánh, rồi đi lễ bái mọi người, nhắc cho mọi người
nhớ biết nơi mình cũng có Phật tánh, nếu khéo tu thì sẽ thành Phật, do huân tu
hạnh này dần dần công đức viên mãn nên thành Phật.
CHÁNH VĂN:
6.- Đắc Đại Thế! Thuở đó bốn chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc,
Ưu-bà-di, do lòng giận hờn khinh tiện ta, nên trong hai trăm ức kiếp thường
chẳng gặp Phật, chẳng nghe pháp, chẳng thấy Tăng, nghìn kiếp ở địa ngục A-tỳ
chịu khổ não lớn. Hết tội đó rồi lại gặp Thường Bất Khinh Bồ-tát giáo hóa đạo
Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đắc Đại Thế! Ý ông nghĩ sao? Bốn chúng thường khinh vị Bồ-tát thuở đó đâu phải người nào lạ, chính là nay trong hội này bọn ông Bạt-đà-bà-la năm trăm vị Bồ-tát, bọn ông Sư Tử Nguyệt năm trăm vị Tỳ-kheo, bọn ông Ni-tư Phật năm trăm Ưu-bà-tắc, đều bất thoái chuyển ở nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đắc Đại Thế! Phải biết kinh Pháp Hoa này rất lợi ích cho các vị đại Bồ-tát, có thể làm cho đến nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên các vị đại Bồ-tát sau khi Phật diệt độ phải thường thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép kinh này.
Khi đó, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
7.-Thuở quá khứ có Phật
Hiệu là Oai Âm Vương
Sức trí thần vô lượng
Dìu dắt tất cả chúng
Hàng trời, người, long, thần
Đều chung nhau cúng dường.
Sau khi Phật diệt độ
Lúc pháp muốn dứt hết
Có một vị Bồ-tát
Tên là Thường Bất Khinh.
Bấy giờ hàng tứ chúng
Chấp mê nơi các pháp
Thường Bất Khinh Bồ-tát
Qua đến chỗ của họ
Mà nói với đó rằng:
Ta chẳng dám khinh Ngài
Quí Ngài tu đạo nghiệp
Đều sẽ đặng làm Phật.
Những người đó nghe rồi
Khinh chê thêm mắng nhiếc
Thường Bất Khinh Bồ-tát
Đều hay nhẫn thọ đó.
Tội Bồ-tát hết rồi
Đến lúc gần mạng chung
Đặng nghe kinh pháp này
Sáu căn đều thanh tịnh
Vì sức thần thông vậy
Sống lâu thêm nhiều tuổi
Lại vì các hạng người
Rộng nói kinh pháp này.
Các chúng chấp nơi pháp
Đều nhờ Bồ-tát đó
Giáo hóa đặng thành tựu
Khiến trụ nơi Phật đạo
Thường Bất Khinh mạng chung
Gặp vô số đức Phật
Vì nói kinh này vậy
Đặng vô lượng phước đức
Lần lần đủ công đức
Mau chứng thành Phật đạo.
Thuở đó Thường Bất Khinh
Thời chính là thân ta
Bốn bộ chúng khi ấy
Những người chấp nơi pháp
Nghe Thường Bất Khinh nói:
Ngài sẽ đặng làm Phật
Do nhờ nhơn duyên đó
Mà gặp vô số Phật,
Chính trong pháp hội này
Năm trăm chúng Bồ-tát
Và cùng bốn bộ chúng
Thanh tín nam nữ thảy
Nay ở nơi trước ta
Nghe kinh Pháp Hoa đó,
Ta ở trong đời trước
Khuyên những hạng người đó
Nghe thọ kinh Pháp Hoa
Là pháp bậc thứ nhứt
Mở bày dạy cho người
Khiến trụ nơi Niết-bàn
Đời đời thọ trì luôn
Những kinh điển như thế.
Trải ức ức muôn kiếp
Cho đến bất khả nghì
Lâu lắm mới nghe đặng
Kinh Diệu Pháp Hoa này,
Trải ức ức muôn kiếp
Cho đến bất khả nghì
Các đức Phật Thế Tôn
Lâu mới nói kinh này
Cho nên người tu hành
Sau khi Phật diệt độ
Nghe kinh pháp như thế
Chớ sanh lòng nghi hoặc.
Nên phải chuyên một lòng
Rộng nói kinh điển này
Đời đời đặng gặp Phật
Mau chứng thành Phật đạo.
GIẢNG:
Bồ-tát Thường Bất Khinh khi đi gieo rắc lòng tin ở mọi
người. Người hoan hỉ tin theo được gặp Phật, người không tin mắng chửi lại, sau
cũng được gặp Phật. Người hoan hỉ tin theo nên được Phật trực tiếp giáo hóa,
tiến tu thành Phật. Còn người không tin mắng chửi lại, tuy họ mắc tội bị đọa
một thời gian để trả quả, nhưng rồi cũng trở lại gặp Phật giáo hóa nương theo
mà tiến tu, sau cũng thành Phật. Chúng ta thấy ý nghĩa này rất thâm trọng. Khi
vị Bồ-tát đi giáo hóa luôn đem điều lành điều tốt đến với mọi người, người kính
mến tin và làm theo, đó là đã kết duyên thuận với Bồ-tát để tu. Còn người không
ưa mắng chửi đánh đập Bồ-tát, bị đọa trả quả cũng kết duyên mà duyên nghịch.
Nên sau khi thọ quả báo rồi, cũng gặp Bồ-tát, nhận sự giáo hóa của Ngài để tiến
tu. Duyên thuận hay duyên nghịch, trước sau gì cũng gặp nhau, vì đã kết duyên rồi.
Thông thường chúng ta thấy người mà mình thương thì tìm đến để gặp nhau, người
mà mình ghét cũng có chuyện tìm gặp để phân bua cãi vã. Vì sao? Vì người thương
nhiều thì luôn nghĩ tới, mà người ghét nhiều cũng không quên được. Bởi nhớ nhau
nên gặp nhau. Thế nên, các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, mắng chửi
đánh đập Bồ-tát Thường Bất Khinh, mắc quả báo đọa địa ngục, trả quả xong, trở lại
gặp Bồ-tát nhận sự giáo hóa của Ngài, vì còn nhớ Ngài. Như vậy, ngày nay chúng
ta đi giáo hóa nếu người nghe thực hành theo, thì biết người này sẽ gặp lại
mình, tiếp tục giáo hóa nữa. Nếu gặp người mắng chửi mình, thì cũng biết rằng
người này sẽ gặp lại để mình giáo hóa, tuy có cách thời gian thọ quả báo nhưng
rồi cũng gặp nhau. Thế nên, đừng giận họ vì họ sẽ làm đệ tử dưới sự giáo hóa
của mình. Nếu mình buồn giận họ, thì chẳng lẽ họ tạo nghiệp xuống địa ngục,
mình cũng đi theo họ xuống địa ngục sao?
Thế nên, kẻ chống đối, người mến thương, Bồ-tát đều có tâm bình đẳng giáo hóa, không chối bỏ người nào. Như vậy, chúng ta đã thấy, Bồ-tát Thường Bất Khinh trì và truyền bá kinh Pháp Hoa như thế nào rồi. Việc làm của Ngài quá đơn giản, nhưng hợp với lý kinh, nên lợi ích không thể nghĩ lường. Còn chúng ta một ngày tụng hết một bộ Pháp Hoa hai mươi tám phẩm, mà không biết Phật dạy cái gì, tu hành ra sao, tham sân si phiền não vẫn còn nguyên vẹn, không giảm chút nào, như vậy là chưa trì kinh Pháp Hoa!