KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương II:
CHÁNH THÍCH KINH VĂN
(Chánh thức giải thích kinh văn)
(khởi sự thuyết pháp nhân duyên)
Kinh văn
1. Phiên
âm:
Nhĩ thời, Phật
quán chư Đại Phạm Thiên Vương võng la tràng, nhơn thị thuyết vô lượng thế giới
do như võng khổng, nhứt nhứt thế giới, các các bất đồng, Phật giáo môn diệc như
thị.
2. Dịch nghĩa:
Lúc bấy giờ,
nhân khi xem mành lưới bảo tràng của Đại Phạm Thiên Vương, Đức Phật vì đại
chúng mà giảng kinh Phạm Võng. Ngài dạy rằng: “Vô lượng thế giới dường như lỗ lưới.
Mỗi mỗi thế giới đều khác nhau, khác nhau đến số vô lượng. Giáo pháp của Phật
cũng lại như vậy”.
Lời giảng
Đoạn kinh văn
nói trên, nói rõ do nhân duyên nào Đức Phật khởi sự thuyết pháp. Điều này trong
phần giải thích đề mục đã nói rõ:
Nhân lúc ngự
trong cung của Đại Phạm Thiên Vương, Đức Phật giảng pháp môn Tâm Địa. Khi ấy,
quý Đại Phạm Thiên Vương mang mành lưới bảo tràng đến để cúng dường Đức Phật và
chư vị có ý muốn gần gũi Đức Phật để nghe tuyên pháp yếu.
Bấy giờ, Đức
Phật nhân dịp xem mành lưới bảo tràng của Đại Phạm Thiên Vương, Ngài phát sanh
cảm nghĩ sâu xa và vì đại chúng tuyên nói những sự sai biệt của vô lượng thế
giới trong mười phương giống như lỗ lưới.
Mỗi thế giới đều
khác nhau, khác nhau đến vô lượng. Sự an lập của các thế giới đều bất đồng. Có
thế giới ngửa, có thế giới úp, có thế giới thanh tịnh, có thế giới uế trược...
trong đồng có biệt, trong biệt có đồng. Đồng, biệt nương nhau mà an lập sát
võng.
- Chữ Sát thuộc
Pháp chỉ cho vô lượng quốc độ thanh tịnh, uế trược khác biệt nhau, không thể
dùng lời mà có thể giảng nói đến cùng tột.
- Chữ Võng thuộc Dụ, nghĩa là mành lưới, là sự an lập bất đồng của vô lượng quốc độ trong mười phương cũng như vô lượng lỗ lưới trong một mành lưới, nên gọi là Sát Võng.
Ở đây về năng dụ, duy nhất chỉ có mành lưới bảo tràng của Đại Phạm Thiên Vương. Về sở dụ thì có hai loại là thế giới và pháp môn của Phật.
Thế giới sở dụ ý chỉ căn cơ sở bị (sở bị đồng nghĩa với “sở nhiếp”, ý chỉ căn cơ của chúng sanh đã được thu phục, đưa vào trong giáo pháp của Phật).
Giáo pháp sở dụ ý chỉ pháp môn năng bị. Đứng về phương diện pháp tánh bình đẳng mà nói, thì không thể có các thứ sai khác. Nhưng vì căn cơ thọ giáo của chúng sanh có ngàn muôn sai khác, nên pháp môn của Như Lai thi thiết đương nhiên cũng có nhiều thứ bất đồng.
Về căn cơ sở bị, sở dĩ không gọi là chúng sanh, lại gọi là thế giới, vì thế giới là y báo của chúng sanh. Thế giới y báo này có thể trùm nhiếp cả chúng sanh chánh báo trong ấy.
Trong kinh thường nói Thập Giới là ý bao gồm từ Phật Giới đến Địa Ngục Giới vậy. Sở dĩ Đức Phật đặc biệt dùng mành lưới bảo tràng làm thí dụ vì những lỗ lưới ở mành lưới này rất nhiều, có thể nói là trùng trùng muôn mắt, vô lượng sự sai biệt khác mà vẫn xâu mắc được vào nhau một cách xuyên suốt không ngăn ngại.
Chư Phật tùy theo căn cơ của chúng sanh mà thi thiết những pháp môn sai khác vô lượng, mà vẫn giao suốt nhau không ngăn ngại. Vô lượng thế giới trong mười phương có tịnh, có uế, có ngửa, có úp, nhưng nương theo các duyên hòa hợp mà thành, mặc dù có vô lượng sai khác, nhưng vẫn giao suốt nhau không ngăn ngại.
Hoặc có nơi cho rằng lỗ lưới của mành lưới bảo tràng lớn, nhỏ, vuông, tròn, bất đồng, cũng như thế giới cùng chúng sanh thân tâm cũng sai khác, nên Đức Phật dùng pháp môn giáo hóa, dẫn dắt chúng sanh cũng phân ra thành nhất thừa, tam thừa sai khác nhau.