KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương III:
CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.1.1.8. XAN TÍCH GIA HỦY GIỚI
(bỏn xẻn lại
thêm hủy báng)
Kinh
văn:
1. Phiên
âm:
Từ câu “Nhược
Phật tử tự xan, giáo nhân xan...” cho đến câu ‘Thị Bồ Tát Ba La Di
tội”.
2. Dịch
nghĩa:
Giới bỏn xẻn
thêm mắng đuổi. Nếu Phật tử tự mình bỏn xẻn, bảo người bỏn xẻn: nhân bỏn xẻn,
duyên bỏn xẻn, cách thức bỏn xẻn, nghiệp bỏn xẻn. Phật tử khi thấy những người
bần cùng đến cầu xin, phải cấp theo chỗ cần dùng của họ. Nếu không như thế lại
đem lòng giận ghét, cho đến không cho một mảy. Nếu có người đến cầu học giáo pháp,
cũng chẳng nói một câu, một kệ, lại còn xua đuổi quở mắng. Phật tử này phạm Bồ
Tát Ba La Di tội.
Lời giảng:
Mục đích của
giới khen mình, chê người là vì muốn mong cầu danh dự, lợi dưỡng; nhưng vì khi
mong cầu chưa được danh dự, lợi dưỡng nên sanh ra thủ đoạn khen mình, chê
người.
Giới bỏn xẻn lại
thêm hủy nhục xuất phát từ nơi lợi dưỡng đã thuộc về phần sở hữu của mình, muốn
cất chứa cho kỹ, bỏn xẻn, yêu tiếc, không chịu bố thí cho người.
Giới trước so ra
có phần thô phù, trong khi giới sau thì có phần vi tế hơn. Vì vậy, nên sắp đặt
thành thứ tự trước sau như vậy.
Trong kinh, Phật
dạy Xan (bỏn xẻn) cùng với Tham có chỗ bất đồng.
Tham là ham muốn
không biết nhàm chán. Khi lợi dưỡng chưa thuộc về mình, cần phải tìm mọi cách
làm sao cho vừa lòng thỏa ý. Thế nên luôn tìm nhiều biện pháp để cầu cho được càng
nhiều càng tốt, không bao giờ cho là vừa đủ.
Xan là bỏn xẻn,
không xả thí. Phàm những tài vật thuộc về phần sở hữu của mình, bất luận tiền
tài, tri thức hay năng lực đều tuyệt đối ôm giữ riêng cho mình. Dù bất cứ ai
đến nhờ mình trợ giúp cũng không bao giờ giúp đỡ cho họ mảy may, hoặc cho chút
ít, cũng thấy đó là mối tổn thất rất to lớn.
Trên đời này,
những hạng người tham không biết đủ thật rất nhiều. Người bỏn xẻn không xả thí
cũng nhiều như vậy và nơi nào cũng vậy. Con người chính là như vậy nên khi được
người đem tài lợi đến thì rất hoan hỷ, còn khi phải đưa ra thì lại không vui
lòng.
Đúng theo lẽ
phải, nhân loại sanh tồn trên thế gian phải giúp đỡ lẫn nhau. Đem chỗ hữu dư bổ
vào phần bất túc. Không nên chỉ biết có sự giàu sang cho mình mà không nghĩ gì
đến sự chết sống của người.
Làm một đại sĩ,
đã phát Bồ Đề tâm, trong khi nhiếp hóa chúng sanh, phải y nơi tâm từ bi của
mình, bố thí những nhu dụng cho tất cả chúng sanh, vì bố thí là cơ bản của muôn
hạnh. Hiện tại nếu người đến chỗ của bạn cầu xin hay khất cầu chánh pháp hoặc
tài vật; nếu bạn không đem hết khả năng của mình cấp cho người vật ấy thì đã là
một việc không nên làm, huống chi lại tỏ thái độ phẫn nộ, hủy nhục một cách vô
tình đối với họ, như vậy làm thế nào gọi là Bồ Tát?
Vì vậy, đối với
Bồ Tát sự bỏn xẻn và hủy nhục là tội rất nặng. Nếu chỉ bỏn xẻn mà không hủy
nhục hay chỉ hủy nhục mà không bỏn xẻn thì chỉ kết tội khinh cấu chứ không phải
là căn bổn trọng tội.
Đối với người
đến cầu xin, mà bỏn xẻn không cho là tham phiền não; đối với người đến van xin
mãi không chịu đi mà nổi giận hủy nhục họ là lỗi của sân phiền não.
Tham hoặc Sân
đều là do vô tri sai sử. Đó chính là si phiền não. Do đó, nếu hủy phạm giới này
tức là gồm đủ ba độc. Nên chẳng những Bồ Tát có thể vi phạm mà cả thất chúng
Phật tử cũng đều khó tránh khỏi. Luận giải về vấn đề này giữa Đại Thừa và Tiểu
Thừa có chỗ bất đồng:
- Theo quan điểm
của Đại Thừa, trách nhiệm của Bồ Tát là lợi tha. Dù mình với người có quan hệ
hay không thì bổn phận của mình vẫn phải giáo hóa. Nên khi có người đến cầu xin
phải bình đẳng bố thí. Nếu không bố thí lại còn hủy nhục thì trái với Tam Tụ
Tịnh Giới của Bồ Tát nên phải phạm trọng tội.
- Còn hành giả
Thanh Văn bên Tiểu thừa vì chỉ trọng nơi tư lợi, nên chỉ có trách nhiệm giáo
hóa, khai thị đối với đệ tử xuất gia của mình. Nếu không đem chánh pháp truyền dạy
đệ tử mới vi phạm giới, nhưng không phạm căn bổn trọng tội, mà chỉ phạm tội
Đột-kiết-la trong Thất Tụ.
Còn trường hợp
thầy không cấp tiền tài cho đệ tử, chưa thấy trong giới luật quy định vào tội
gì. Vì chúng xuất gia lấy việc trì bình khất thực nuôi sống nên bổn phận của
Thầy không cần phải cấp tiền tài cho đệ tử.
Riêng bên Tăng
chúng được tín đồ cúng dường, không cần phải nhờ nơi thầy. Chỉ trong trường hợp
của Ni chúng, trong khoảng thời gian mới xuất gia 2 năm đầu, vì tự mình chưa
thể tự lập, cũng không dễ dàng đi khất cầu được tài pháp, nên phải nhờ sự cung
cấp của sư trưởng. Vì thế, bổn phận làm thầy, nếu không dạy bảo chánh pháp và
cấp cho tiền tài để ni chúng an tâm tu học thì phạm Ba Dật Đề, thiên thứ ba
trong năm thiên. Sau hai năm xuất gia, ni chúng có thể tự mình dần dần tự lập.
Dù thầy không bố thí tài pháp, nhưng cũng không quan hệ lắm.
Sở dĩ Phật chế
ra giới điều này vì Bồ Tát phát Bồ Đề tâm phải lấy việc nhiếp hóa chúng sanh
làm cơ bổn. Mà bố thí tài pháp cho chúng sanh là phương tiện tối thắng cho việc
nhiếp hóa chúng sanh.
Nếu Bồ Tát thật
không có tài pháp để bố thí cho chúng sanh thì phải nhã nhặn nói với chúng sanh
rằng: “Tôi rất lấy làm hổ thẹn vì phước đức của tôi quá kém, không thể làm mãn
nguyện cho quý vị. Lỗi này không phải là lỗi của quý vị, mà thật là lỗi của
tôi. Tôi nguyện cố gắng tu trì, tương lai sẽ làm mãn nguyện cho quý
vị”.
An ủi chúng sanh
và biểu lộ ý khiêm nhường của mình như vậy rồi, nếu không bố thí cho chúng sanh
cũng không phạm tội. Nếu Bồ Tát hiểu biết chánh pháp và thật sẵn có tiền tài,
nhưng vì tánh bỏn xẻn, không lấy tâm từ bi của mình mà thực hành huệ thí, là trái
với đại đạo Bồ Đề của Bồ Tát, nên Phật đặc biệt chế thành trọng tội. Một vị Bồ
Tát nếu bỏn xẻn, không thực hành hạnh bố thí thì tổn thương cho đại hạnh của Bồ
Tát. Cho nên bất cứ trường hợp nào, Bồ Tát đều phải tìm cách bố thí mới hợp với
pháp khí của Đại Thừa.
Nhưng phải tu
tập bố thí cách nào mới là đúng pháp?
Trước tiên phải
nghĩ đến những việc sau đây:
- Sanh mạng nhục
thể này cũng như tiền tài, bảo vật của mình đều như bọt nước, không lâu dài.
Thân này theo thời gian sẽ băng hoại. Tiền tài, bảo vật cũng tùy thời bỏ chúng
ta ra đi. Ngày nay, tài bảo là sở hữu của ta, nhưng biết đâu ngày mai kia sẽ
trở thành của kẻ khác. Và những kim ngân tài bảo đó, không phải vì sự bỏn xẻn
yêu tiếc của ta mà có thể giữ gìn được bên ta vĩnh viễn. Đó là một sự thật muôn
đời, bất cứ nơi nào và bất cứ người nào, không ai có thể phủ nhận điều đó, thì
thử hỏi, bạn bỏn xẻn yêu tiếc kim ngân tài bảo, rốt lại tự mình có lợi ích
gì?
Hành giả Bồ Tát
nếu từng giờ phút tưởng đến điều ấy, tự nhiên thường ưa thích việc bố thí,
không lẫn tiếc chút mảy may.
Suy tư rằng
tài bảo ở thế gian, nhất định không phải là vật sở hữu của riêng ai, mà là vật
của năm nhà:
1. Những đứa con
bất hiếu, xài phí, phá sản.
2. Giặc nhà
vua hung bạo.
3. Giặc giặc
cướp vét sạch đem đi.
4. Khi gặp
tai nạn hỏa hoạn, của cải, tài bảo gia đình thành đống tro tàn.
5. Tai nạn
bão lụt: chỉ trong khoảnh khắc, tài sản bị trôi ra bể cả.
Như thế tại
sao trước khi năm nhà thay thế mình phân tán tài sản, tự tay mình trước không
lo đem của ra bố thí, thực hành việc công đức? Của ấy mới thật là tài bảo vĩnh cửu,
cất kỹ trong kho tàng kiên cố. Khi suy nghĩ như thế, tự nhiên hành giả sẽ rất
ưa thích thực hành công đức bố thí.
Bồ Tát vì
lợi ích chúng sanh, phải thường bố thí cho chúng sanh. Nhưng trên thực tế, nếu
không đủ khả năng bố thí, vì trong thời quá khứ không tu nhân bố thí, nên đời
đời kiếp kiếp bị khổ nghèo cùng không thể tự cứu. Hiện tại nay may mắn sinh ra
trong nhà có sẵn tài bảo, có thể đem ra bố thí mà không bố thí thì chẳng phải
là hành động làm tăng trưởng tâm bỏn xẻn, tham tiếc của cải của bạn hay
sao?
Nếu tập quán
bỏn xẻn tăng trưởng mãi không thôi, do nhân ấy sẽ bị quả nghèo cùng, không thể
tiến hành công đức bố thí rộng lớn. Như vậy làm thế nào thú hướng đến quả đại
Bồ Đề? Huống chi do nghiệp lực bỏn xẻn không xả thí của nhiều kiếp quá khứ,
chúng ta bị khổ quả bần cùng, đói khát. Chính mình ở trong cảnh khổ thì làm sao
có thể đúng như pháp làm lợi ích cho chúng sanh một cách rộng lớn.
Vì thế hiện tại,
chúng ta phải tận lực hành bố thí lợi ích cho chúng sanh. Dù cho mình phải bị
hết sức nghèo cùng, thậm chí vì bố thí mà phải hy sinh cả sinh mạng cũng quyết lòng
không để chúng sanh đến chỗ mình cầu xin phải trở về với hai tay không. Huống
chi chúng ta dù có bố thí cho chúng sanh cũng vẫn còn những tài vật dư thừa để
duy trì sự sống của mình.
Cho nên dù bố
thí mà phải bị nghèo cùng đến thế nào chăng nữa, chúng ta cũng phải nhẫn thọ
cảnh nghèo khổ, mà thực hành những hạnh bố thí cần phải thực hành.
Lại nữa, chúng
ta đã đối trước Đức Phật, đầu tiên phát đại Bồ Đề tâm, lập thệ từ đây về sau sẽ
đem cả thân tâm trong ngoài xả thí. Giờ đây, sao lại có thể vi bội bổn thệ
ấy?
Nếu chúng ta
trái nghịch với bổn thệ, tức đã phụ lòng kỳ vọng của chúng sanh đối với chúng
ta, và cũng là khinh dối mười phương chư Phật, tội lỗi này nặng biết dường
nào?!
Vì thế, bất cứ
phương diện nào, vạn vạn lần chúng ta đều phải giữ gìn lời thệ nguyện chính
mình đã phát. Chẳng những xả thí tài bảo bên ngoài, mà nếu phải hy sinh cả tính
mạng bên trong, cũng không luyến tiếc mảy may.
Tại sao vậy?
Vì nhục thân này
cùng tài bảo đều là vật mong manh, không bền chắc, như vậy chúng ta luyến tiếc
bỏn xẻn để làm gì? Thế nên cần phải đem vật mong manh, không bền chắc đổi lấy
Pháp Thân thanh tịnh, kiên cố mới hợp đạo. Bồ Tát nếu thường tư duy như thế thì
không một tài vật nào không dám xả thí, cũng không bao giờ chính mình hiểu biết
chánh pháp, lại không vì người giảng nói.
Bồ Tát thực hành
bố thí là việc thiên kinh địa nghĩa, không còn giá trị nào hơn. Nhưng vào những
trường hợp nào, Bồ Tát không bố thí mà vẫn không phạm tội?
Phải biết bố thí
chẳng những làm cho chúng sanh được an vui mà còn phải khiến cho chúng sanh
được đại lợi ích.
Nếu Bồ Tát thấy
rõ xả thí chỉ có thể khiến chúng sanh được an lạc, nhưng không giúp cho chúng
sanh được đại lợi ích, hoặc thậm chí an lạc và lợi ích cả hai đều không thì không
nên bố thí.
Hoặc nếu chúng
sanh yêu cầu một cách vô lý như họ khẩn thiết cầu xin bố thí các thứ thuốc độc
để giải quyết mạng sống của chính bản thân họ, hoặc xin gươm dao, súng ống để
hại mạng chúng sanh khác, hoặc đòi rượu thịt để ăn nhậu.... Bồ Tát dù sẵn có
những thứ ấy cũng không nên bố thí chho những kẻ đó. Nếu bố thí cho họ những thứ
trên, thì chẳng những không có công đức, lại còn trái nghịch với bi nguyện độ
sanh của Bồ Tát.
Lại như trường
hợp chúng sanh bị bệnh, đến Bồ Tát cầu xin thuốc để trị bệnh. Bồ Tát tùy theo
khả năng của mình mà bố thí thuốc cho chúng sanh. Nhưng nếu bệnh nhân xin những
vật thực không thích hợp cho sự ăn uống hoặc sử dụng, hoặc nếu họ yêu cầu những
nhu dụng quá mức, thì Bồ Tát không thể cấp thí cho.
Lại có những
hạng chúng sanh đã ăn uống quá no đủ, nhưng vì sự tham lam, thèm muốn mà cầu
xin bạn những thức ăn ngon quý. Bạn dù có sẵn, nhưng nên giữ lại để cấp cho
những chúng sanh khác đang cần hơn. Không nên ban phát cho những hạng chúng
sanh đã no đủ.
Lại nữa, là vị
Bồ Tát mới phát tâm, bạn chưa thể xả thí đầu, mắt, tủy, não, nếu có người đến
xin các thứ ấy, bạn cứ thản nhiên trả lời rằng: “Hiện tôi không thể làm những
việc khó làm ấy, trong tương lai, khi tôi đã thành thục các thiện căn ấy, tôi
sẽ bố thí không luyến tiếc mảy may nào”.
Đức Phật đối với
đại chúng dạy rằng: “Nếu Phật tử là một vị Bồ Tát phải đem tài pháp bố thí để
nhiếp hóa chúng sanh. Đấy là nhiệm vụ đầu tiên và duy nhất của Bồ Tát. Làm Bồ
Tát mà không thực hành bố thí là không phù hợp với tư cách của Bồ Tát. Cho nên,
bất luận tự xan hay giáo nhân xan đều trái với bản thệ của Bồ Tát, và làm bại
hoại Bồ Tát hạnh”.
- Tự xan: tự
mình bỏn xẻn, không đem tài pháp bố thí cho người.
- Giáo nhân xan:
dạy bảo, khuyên người bỏn xẻn, không bố thí tài pháp cho kẻ khác.
Bỏn xẻn không bố
thí là hành động không đúng với tư cách của Bồ Tát, huống chi lại thêm hủy nhục
chúng sanh?
Tục ngữ nói:
“Giúp người khi bận rộn đấy là bổn phận đồng tình, không giúp được người khác
lúc bận rộn đấy cũng là bổn phận”.
Giúp người trong
cơn bận rộn, người sẽ cảm ơn mình. Không giúp được người lúc bận rộn, người
cũng không buồn trách gì mình, nhưng tuyệt đối không nên nói với người những
lời khiếm nhã, khiến họ đau khổ, thậm chí đi đến chỗ tuyệt tình giao hảo. Người
thế gian thông thường còn phải như vậy, huống chi vị Bồ Tát có đủ tâm lượng từ
bi?
Bồ Tát đầu tiên
lúc phát đại tâm là vì muốn cứu hộ chúng sanh, phải giải quyết sự đau khổ khó
khăn cho chúng sanh. Nên nếu trường hợp bạn không đủ khả năng để thực hiện hạnh
nguyện, thì phải tự hổ thẹn, tại sao lại còn có thể chửi bới, mạ nhục những
người đến cầu xin? Chính mình hủy nhục người đến cầu xin đã là một việc không
thể chấp nhận, lại còn xúi bảo người hủy nhục chúng sanh thì còn gì là tư cách
của một vị Bồ Tát?
Bỏn xẻn thêm hủy
nhục người: cả hai trường hợp này tội trạng đồng nhau.
1. Có người đến
bạn để yêu cầu sự giúp đỡ. Bạn không muốn cho họ gì cả, nhưng kẻ ấy vẫn cứ van
nài, và bạn lúc ấy không chút kiêng dè, vị tình, trước mặt kẻ ấy mạ nhục họ một
trận để họ không còn van xin nữa.
2. Hoặc bạn
viết thư bảo người khác bỏn xẻn, mạ nhục những người đến cầu xin, khiến kẻ ấy
có thái độ không tử tế, đôi khi thốt ra những lời lẽ khiếm nhã đối với những
người đến xin giúp đỡ.
Giới này bao
gồm bốn điều kiện: nhân, duyên, pháp, nghiệp, lược giải như sau:
1. Xan nhân
(nhân bỏn xẻn): chúng sanh từ vô thỉ đã sẵn có tâm bỏn xẻn trong tạng thức.
Hiện tại khởi tâm niệm bỏn xẻn, đó chính là nhân, nên gọi là nhân bỏn
xẻn.
2. Xan duyên
(duyên bỏn xẻn): tâm niệm bỏn xẻn tiếp nối không gián đoạn, nên khi có ai đến
khất cầu tài pháp, tâm liền không vui thích, đem che giấu tài vật không cho,
hay không hoan hỷ nói pháp cho người. Đấy là duyên bỏn xẻn.
3. Xan pháp
(cách thức bỏn xẻn): nếu như có người đến, quyết tâm cầu xin. Bạn liền tìm
những phương cách khéo léo để khỏi bố thí tài pháp cho người, ấy là xan
pháp.
4. Xan nghiệp
(nghiệp bỏn xẻn): do ba thứ trên hòa hiệp lại tạo thành nghiệp bỏn xẻn.
Nói một cách
đúng lý là một vị Bồ Tát, đối với tất cả những người bần cùng đến cầu xin, đều
phải theo chỗ cần dùng của họ mà cung cấp một cách vô điều kiện. Tuyệt đối
không nên có hành động làm lưu nạn.
Tất cả những kẻ
bần cùng, nói chung là những người dù có quan hệ thân thiết với mình hay không
có mối liên quan nào cả. Cũng không phân biệt là những người gần gũi bên cạnh hay
những người ở cách xa v.v... chỉ cần những người ấy thật sự có nhu cầu, thì bổn
phận của Bồ Tát là phải đem hết khả năng của mình bố thí cho họ khiến họ được thỏa
mãn theo đúng chỗ mong cầu.
Theo Phật pháp,
người bần cùng có hai loại:
1 Thân bần cùng:
những người nghèo nàn, thiếu thốn, sự sinh sống rất khó khăn, đến nỗi ảnh hưởng
nguy hại đến sự sanh tồn của sanh mạng. Chúng ta nên biết rằng: bất cứ hạng
người nào khi đến người năn nỉ, cầu xin, đều là vạn bất đắc dĩ mới mở miệng. Vì
nếu có thể sống cho qua kiếp sống, quyết không bao giờ họ đến người cầu cạnh,
van xin. Đây là nói những người biết liêm sỉ.
Nhưng cũng có
những hạng người vô lương tâm, không liêm sỉ. Thật sự không ở trong hoàn cảnh
thiếu thốn mà vẫn giả dối cầu xin cho thật nhiều. Do đó, nếu có người đến bạn
cầu xin: Họ cần y phục, bạn nên cấp cho y phục, cần thức uống ăn nên cấp cho
thức uống ăn. Cần chỗ ở nên cấp cho chỗ ở. Cần những nhu yếu phẩm để sinh sống
nên cấp cho họ những nhu yếu phẩm để cho sinh mạng của họ được tiếp tục sinh
tồn.
2. Tâm bần cùng:
những hạng người thiếu thốn về tri thức nội tâm, tinh thần trống rỗng. Chẳng
hạn đối với lịch sử, họ mờ mịt không biết gì, là bị thiếu thốn về kiến thức
lịch sử, bị chứng bần huyết về lịch sử rất nghiêm trọng.
Trường hợp đối với Phật pháp mà mù mờ, không hiểu biết gì, là thiếu tri thức về Phật pháp, mắc phải chứng bần huyết về Phật pháp rất nghiêm trọng. Nếu những người này tự biết Phật pháp vô cùng trọng yếu đối với nhân sanh, nên tìm đến Bồ Tát cầu thỉnh Phật pháp. Bồ Tát phải đem sự hiểu biết về Phật pháp của mình, giảng dạy cho người ấy vô điều kiện.
Nếu là người có căn tánh nhân thiên thừa, Bồ Tát phải đem Phật pháp nhân thiên thừa giảng cho họ nghe.
Nếu là người có căn tánh Thanh Văn thừa đến khất cầu giáo lý Phật pháp, Bồ Tát phải đem Phật pháp Thanh Văn thừa giảng nói cho họ nghe.
Nếu là căn tánh Duyên Giác thừa, phải đem Phật pháp Duyên Giác thừa giảng nói.
Nếu là căn tánh Bồ Tát thừa, phải đem Phật pháp Bồ Tát thừa giảng nói.
Tóm lại:
Bất cứ chúng sanh nào đến cầu tài vật hoặc chánh pháp, Bồ Tát phải theo khả năng của mình cấp cho họ không một niệm bỏn xẻn, luyến tiếc. Đấy là hạnh từ bi lợi tế của Bồ Tát.
Đem tài vật cấp cho chúng sanh là tài thí; đem chánh pháp giảng cho chúng sanh là pháp thí. Thông thường, Phật tử tại gia trọng nơi tài thí, hàng xuất gia trọng nơi pháp thí.
Nhưng đối với Bồ Tát đạo, thì Bồ Tát tại gia chẳng những đem tài vật bố thí mà còn phải bố thí chánh pháp. Còn Bồ Tát xuất gia chỉ đem chánh pháp bố thí, như cấp giấy mực, viết bố thí cho chúng sanh để biên chép kinh điển. Bên ngoài mới xem qua thì cho là tài thí, nhưng thực ra là pháp thí.
Trong kinh Quyết Định Tỳ Ni nói: “Bồ Tát tại gia nên thực hành tài thí và pháp thí; Bồ Tát xuất gia nên thực hành bốn thứ bố thí: giấy, mực, bút, pháp”.
Bồ Tát xuất gia sở dĩ không bố thí tài vật không phải Bồ Tát xuất gia bỏn xẻn tiền tài. Nhưng sự thật vì người xuất gia không có tiền tài. Tuy nói như vậy, nhưng căn cứ vào thực tế, chúng xuất gia theo Đại Thừa Phật giáo ở các nơi thì nhiều vị xuất gia có tiền tài đến số vạn lượng. Có tiền tài mà không xả thí thì không phù hợp với tinh thần của Đại Thừa Phật pháp. Vậy hy vọng quý Bồ Tát xuất gia có sẵn tiền tài nên phát tâm bố thí cho nhiều.
Bồ Tát phàm phu sơ phát tâm dĩ nhiên không thể làm thỏa mãn chỗ mong cầu của chúng sanh, vì khả năng tài vật có giới hạn. Nhưng không thể mượn cớ này mà không bố thí cho chúng sanh.
Xưa nay Phật pháp không bao giờ bắt buộc người đi vào cảnh khó khăn, tùy theo năng lực và bổn phận nhiều ít mà bố thí cho chúng sanh theo đúng khả năng của mình, chớ không bao giờ có quy luật nhứt định. Với những người không có nhiều tài vật, mà bảo phải xuất ra số tiền bao nhiêu đấy để bố thí thì không thể được. Nhưng nếu để cho chúng sanh đến rồi về tay không một đồng xu không xả thí thì trái với tinh thần nên xả thí của tất cả Bồ Tát.
Cho nên kinh Ưu Bà Tắc có dạy: “Khi có người đến cầu xin, tùy theo năng lực của mình mà bố thí nhiều hay ít. Nếu để người ra về tay không thế là phạm tội”.
Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận cũng nói:
“Nếu thấy tất cả người đến cầu xin, tùy theo tài vật của mình sẵn có đem ra bố thí theo khả năng của mình, để xa lìa tâm bỏn xẻn tham lam và khiến người cầu xin hoan hỷ.
Nếu thấy chúng sanh bị tai nạn khổ ách, bị khủng bố bức bách, tùy theo khả năng của mình mà bố thí vô úy cho chúng sanh.
Nếu có chúng sanh khất cầu chánh pháp, tùy theo chỗ hiểu biết của mình mà phương tiện vì người giảng nói”.
Theo lời dạy của kinh luận trên, chúng ta thấy dù là tài thí, pháp thí hay vô úy thí, đều cần phải tùy theo năng lực của mình mà gắng làm. Tuyệt đối không nên có tâm niệm keo kiết, bỏn xẻn.
Hành giả Bồ Tát cần phải thực hành bố thí, điều này các kinh điển Đại Thừa đều nói như vậy. Chỉ có huệ thí một cách chân chánh mới là phong cách của Đại Thừa Bồ Tát.
Nhưng một vị Bồ Tát đã phát Bồ Đề tâm, thấy rõ chúng sanh nghèo cùng không nơi nương tựa, đến mình yêu cầu trợ giúp tiền tài, vật dụng. Nhưng cá tính đối với tiền tài, vật dụng bỏn xẻn vô cùng, nên chẳng những không đem hết khả năng mình mà bố thí, và đối với người cầu xin khởi niệm đồng tình lân mẫn; trái lại, đem lòng giận ghét, ngược đãi chúng sanh, cho đến một đồng hay vật tối thiểu như cây kim, ngọn cỏ cũng không bố thí. Hành giả Bồ Tát bỏn xẻn đến độ ấy thì đối với vị Bồ Tát này còn gì để nói?! Cho đến trường hợp có người đến Bồ Tát khất cầu giáo pháp, vị Bồ Tát đáng lẽ phải đem hết sức hiểu biết Phật pháp của mình giảng nói cho chúng sanh nghe, không giữ lại một điều gì. Nhưng vì tâm tánh của mình đối với chánh pháp cũng vô cùng bỏn xẻn, nên chẳng những không chịu đem hết chỗ hiểu biết của mình khai thị cho chúng sanh, không sanh tâm hoan hỷ vô hạn đối với người đến cầu pháp, mà trái lại sanh tâm sân ác, cho đến “không vì người nói một kệ, một câu” nhỏ như vi trần. Bồ Tát không vì chúng sanh giảng nói chánh pháp như thế, chúng ta đối với vị Bồ Tát này còn hy vọng chi?!
Không bố thí một đồng, không giảng nói một câu giáo pháp đã là việc quá đáng rồi. Trái lại, còn tiến thêm một mức nữa, đối với người đến khất cầu tài pháp, cực lực mắng nhiếc, hạ nhục, khiến cho chúng sanh khổ tâm vô hạn. Hành động như thế chẳng những mất hẳn tư cách của một vị Bồ Tát, lại còn trở thành người phạm tội ác rất lớn.
Vì thế, cuối cùng Đức Phật phán định: “Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La Di tội”. Giới này trong Du Già Giới Bổn gọi là pháp Tha Thắng Xứ thứ hai.
Bồ Tát mới phát tâm dĩ nhiên dùng tiền tài, vật dụng bên ngoài để bố thí làm mục tiêu chánh yếu, nhưng những vị Bồ Tát đã chứng đắc vô sanh pháp nhẫn, ngoài việc dùng tiền tài bố thí cho chúng sanh, còn đem quốc thành, thê tử bố thí. Nếu cần phải xả thí đầu, mắt, tủy, não của mình vẫn không luyến tiếc mảy may.
Như xưa kia, khi đức Bổn Sư Thích Ca lúc hành Bồ Tát đạo, làm Chuyển Luân Vương, nhằm trong năm nước mất mùa, nhân dân bị nạn đại cơ cẩn (mất mùa lúa gọi là Cơ, mất mùa rau gọi là Cẩn), không có cơm ăn. Bồ Tát lập nguyện biến thân mình to lớn như một tòa núi thịt, cấp cho chúng sanh ăn để khỏi nạn đói khổ. Tinh thần hy sinh cá nhân mình để lợi ích cho chúng sanh này hành giả Bồ Tát chúng ta phải bắt chước noi gương. Đức Bổn Sư Thích Ca lúc ở nhân địa, hành Bồ Tát đạo, đã quên mình vì lợi íchh chúng sanh rất nhiều, không sao kể hết được.
Nhưng căn cứ theo Luật dạy, có hai trường hợp người đến cầu xin, không bố thí mà không vi phạm giới này:
1. Người đến khất cầu tài vật, thật sự không phải vì thiếu thốn mà chủ ý muốn xin tiền tài để làm việc tội ác, làm thương hại chúng sanh. Như vậy, đối với cả mình lẫn người đều không lợi ích. Bồ Tát xét như vậy nên không bố thí. Việc này đương nhiên không có lỗi chi, ngay đến nếu có cực lực quở trách nghiêm khắc, cũng không có gì là không đúng.
2. Những người đến khất cầu chánh pháp, sự thật không phải có tâm chân thành vì pháp mà chính là kẻ ngoại đạo muốn trộm pháp của Phật đem về trang nghiêm cho pháp ngoại đạo, và đem pháp ngoại đạo phá hoại Phật pháp. Như thế không lợi ích cho ngoại đạo lẫn cả Phật pháp. Bồ Tát biết rõ như thế, nên không vì chúng sanh ấy giảng nói chánh pháp, lại còn lột mặt nạ và kế ma quỷ của kẻ ấy, chỉ rõ chỗ không đúng của họ. Trường hợp này không phạm giới Bồ Tát.
Trong trường hợp chính bản thân không hiểu tí gì về Phật lý, thật sự không có Phật pháp để giáo hóa dẫn dắt cho người cầu pháp, thì như thế nào?
Trường hợp này chỉ có thành thật nói với người cầu pháp rằng: “Tôi đối với Phật pháp hoàn toàn không hiểu chi hết, không dám tùy tiện vọng nói là hiểu Phật pháp, để rồi giảng nói sai lạc, khiến bạn sanh hiểu lầm đối với Phật pháp thì tôi phải mang tội rất lớn”.
Trong Du Già Bồ Tát Giới Bổn cũng có nói trường hợp không xả thí tài pháp mà không phạm tội như sau:
1. Đối với người đến khất cầu tài vật:
- Nếu bản thân quả thật hiện không có tài vật mà người đến xin, nên bạn không thể bố thí cho họ. Như vậy, trong trường hợp này bạn không phạm tội.
- Nếu người đến cầu xin những vật không hợp pháp như súng đạn, gươm đao, cung tên, lưới bẫy v.v... có thể gây thương hại cho chúng sanh. Vì vậy, bạn không cung cấp cho họ và bạn không bị phạm tội.
Nếu người đến cầu xin những thứ hoàn toàn không thích hợp như rượu thịt, nam nữ, cầm kỳ, khí cụ, bài bạc... bạn không bố thí. Trong trường hợp này, bạn không phạm tội.
- Nếu người đến cầu xin không phải là hạng người lương thiện, mà là loại nguy hiểm. Nếu bạn cung cấp đồ cần dùng cho họ thì không phải là giúp cho họ khỏi khó khăn, túng thiếu mà là giúp cho họ tạo thêm tội ác. Vì thế, không bố thí trong trường hợp này, bạn không phạm tội.
- Nếu người đến cầu xin là một tội nhân phạm pháp luật của quốc gia và sẽ bị trừng trị, bạn vì muốn ủng hộ pháp luật của quốc gia cũng như uy tín của chánh phủ. Trường hợp này, bạn không bố thí sẽ không phạm tội.
Tóm lại:
Nên hay không nên bố thí cần phải xét kỹ tình hình thực tế đương thời.
2. Người đến khất cầu chánh pháp:
- Như người ấy là ngoại đạo, ôm ấp tâm niệm bất lương. Họ vào trong Phật pháp vì muốn tò mò, dò xét những chỗ sở đoản cũng như tội lỗi của Phật tử. Không giảng nói chánh pháp cho họ, bạn không bị phạm tội.
- Hoặc người ấy đối với chánh pháp của Như Lai không có tâm cung kính, tôn trọng, hoặc không có tâm tàm quý, không phù hợp với thái độ oai nghi của người nghe pháp, nên không giảng nói Phật pháp cho hạng người này, bạn sẽ không phạm tội.
- Hoặc người cầu pháp thuộc về hạng độn căn, nhưng lại muốn thỉnh vấn pháp Đại Thừa vô thượng thậm thâm. Nếu bạn giảng nói pháp Đại Thừa, chẳng những họ không tiếp thọ nổi, lại còn sanh tâm thối chuyển, ăn năn vì đã đến với Phật pháp, nên bạn không giảng nói chánh pháp và không bị phạm tội.
Hoặc người cầu pháp thuộc căn cơ hạ liệt, nếu bạn giảng nói Phật pháp cao thâm, chẳng những họ không thể lãnh thọ. Trái lại, còn sanh khởi tà kiến, cho rằng Phật pháp của bạn nói không phải là chánh pháp của Phật. Sanh khởi niệm này tức là tội phỉ báng Đại Thừa, tương lai nhất định sẽ bị đọa lạc vào trong ác đạo thọ khổ quả. Do đó, bạn không giảng nói chánh pháp và không phạm tội.
- Hoặc người ấy thật sự vì cầu pháp mà đến, nhưng Bồ Tát xét người ấy sau khi được Phật pháp rồi sẽ đi giảng nói chánh pháp cho những người tà ác, không đáng nghe. Vì thế, bạn không giảng nói chánh pháp và không bị phạm tội.
Giới này cũng có đủ Tam Tụ Tịnh Giới:
- Tự mình không bỏn xẻn, không bảo người bỏn xẻn, không ác pháp nào chẳng đoạn trừ, thuộc về Nhiếp Luật Nghi Giới.
- Tất cả tài vật cũng như chánh pháp đều cấp cho, không thiện pháp nào chẳng tu, thuộc về Nhiếp Thiện Pháp Giới.
- Đã đoạn ác, tu thiện như thế, tùy theo sự cần dùng của chúng sanh, tài pháp đều xả thí, tức là không chúng sanh nào không độ, thuộc về Nhiêu Ích Hữu Tình Giới.
Nếu tự mình bỏn xẻn, bảo người bỏn xẻn, lại còn thêm mạ nhục chúng sanh tức là vi phạm Tam Tụ Tịnh Giới, mất hẳn tư cách Bồ Tát.
Giới này đầy đủ cả hại tội Tánh và Giá.
- Bỏn xẻn không xả thí, chứng tỏ Bồ Tát không có tâm từ bi, cũng là trái với bản hoài phát Bồ Đề tâm lúc đầu tiên của Bồ Tát, cho nên thuộc về Tánh tội.
- Đức Phật ngăn cấm Phật tử không được vi phạm giới này, nếu trái phạm tức thuộc về Giá tội.
Phạm giới này phải hội đủ năm nhân duyên mới thành căn bổn trọng tội.
1. Thị chúng sanh (chính là chúng sanh):
- Chúng sanh có ba phẩm thượng, trung, hạ. Trường hợp hủy nhục chúng sanh không căn cứ vào phẩm cấp cao hay hạ của chúng sanh mà phải căn cứ vào chúng sanh có giới phẩm hay không để luận tội.
- Nếu đối với chúng sanh có đủ giới phẩm, mà bỏn xẻn, hủy nhục thì phạm căn bổn trọng tội. Còn đối với chúng sanh không đủ giới phẩm mà bỏn xẻn hủy nhục thì chỉ phạm tội khinh cấu.
2. Chúng sanh tướng (tướng là chúng sanh)
* Hai trường hợp này nếu bỏn xẻn, hủy nhục phạm căn bổn trọng tội:
- Thật là chúng sanh mà tưởng thật là chúng sanh.
- Thật là chúng sanh nghi là chúng sanh.
* Hai trường hợp này nếu bỏn xẻn, hủy nhục phạm căn bổn trọng tội:
- Thật là chúng sanh tưởng chẳng phải là chúng sanh.
- Thật chẳng phải là chúng sanh tưởng là chúng sanh.
* Hai trường hợp này nếu bỏn xẻn, hủy nhục phạm tội khinh cấu:
- Thật chẳng phải chúng sanh tưởng chẳng phải chúng sanh.
- Thật chẳng phải chúng sanh nghi chẳng phải chúng sanh.
Như trên là phân biệt tội khinh, tội trọng. Ý ở ba phần Đương, Nghi, Tịch, mỗi phần đều có hai trường hợp, tổng cộng thành sáu trường hợp (Đương, Nghi, Tịch đã giảng ở giới phần thứ nhất, xin xem lại).
3. Xan hủy tâm (tâm bỏn xẻn, hủy nhục):
- Là đối với tài pháp của mình sẵn có, nhưng vì tâm bỏn xẻn xúi giục sai sử nên chẳng những không xả thí vô điều kiện, lại còn khởi ác tâm, sân tâm, đánh mắng cự tuyệt những người đến cầu xin, như thế là đã phạm căn bổn trọng tội.
- Nếu những người đến cầu xin tài vật thuộc về hạng không nên cho, hoặc người đến cầu chánh pháp thuộc về hạng không nên giảng nói. Vì thế, không bố thí tài pháp cho họ, bạn không phạm tội. Nếu cần, bạn nên cực lực quở trách cũng vẫn không phạm tội.
Với những hạng người nào cần quở trách, hủy nhục?
- Những chúng sanh có tâm tánh ngu si, đần độn, bạn nói lời nhã nhặn, hòa hảo, họ không muốn tiếp thọ. Đối với chúng sanh này, bạn trừng trị một cách nghiêm khắc, thì đôi khi trái lại, họ chịu phục tùng cải hối.
- Hoặc những chúng sanh tự cho mình là hào kiệt, bạn càng đối xử tử tế, họ càng sanh tâm tự cao tự đại. Đối với những hạng chúng sanh này, bạn cần phải dùng những phương pháp chiết phục mạnh, thì họ mới trở lại sanh khởi chánh niệm.
- Bỏn xẻn, hủy nhục trong những trường hợp trên, không phải là gây thương tổn cho chúng sanh, mà là muốn thành tựu việc tốt cho chúng sanh, nên không phạm tội.
4. Xan hủy tướng (tướng bỏn xẻn, hủy nhục)
Như thế nào gọi là tướng bỏn xẻn, hủy nhục của Bồ Tát?
- Như sẵn có tài vật mà khi người đến xin lại đem cất giấu không bố thí cho, hoặc tự mình hiểu biết chánh pháp, có người đến cầu pháp lại lẩn tránh, không chịu giảng nói. Tự mình có tài vật, hiểu biết chánh pháp, nhưng đối với người đến cầu xin, nói là không có, không hiểu biết. Đấy là tướng bỏn xẻn, hủy nhục.
- Thêm một mức nữa, đối với chúng sanh đến cầu tài, cầu pháp, chẳng những không sanh khởi niệm đồng tình, đồng loại, thương xót mà trái lại dùng những lời thô ác, mạ nhục, thậm chí còn dùng tay chân đấm đá, xua đuổi người đến cầu tài pháp. Dù tự mình làm hay bảo người làm, đều phạm căn bổn trọng tội.
- Lại còn có những người đến cầu tài, cầu pháp một lần, hai lần, ba lần không được, và tâm bạn hoàn toàn không xúc động đến mức không bố thí cho một xu, một đồng, cũng không giảng nói cho một câu giáo pháp thì đều là phạm căn bổn trọng tội.
5. Tiền nhân lãnh giải (người trước mặt hiểu rõ những lời giảng giải)
Là trường hợp người đến cầu tài pháp biết rõ thái độ bỏn xẻn của bạn và cũng lãnh thọ sự nhục nhã, đánh mắng của bạn. Tùy theo lời nói việc làm của bạn mà kết thành trọng tội.
Nếu kẻ cầu xin sai bảo người đến chỗ ở của Bồ Tát cầu tài pháp, Bồ Tát đối với sứ giả tỏ cử chỉ không chịu thí cho, lại còn mạ nhục, quở trách, nói rằng người ấy không nên sai người đến chỗ ta cầu xin. Kẻ sứ giả nghe những lời quở trách, mạ nhục ấy, vì tự tâm người này không có chỗ yêu cầu chi nên không cảm thấy khó chịu lắm. Còn người sai sứ giả đến, không trực tiếp nghe những lời mạ nhục, dù sứ giả có thuật lại, nhưng sự tổn não cũng không lớn lắm. Cho nên hành giả chỉ bị kết tội khinh cấu, hoặc có nơi cho là phạm trọng tội, nhưng không mất hẳn giới thể Bồ Tát.
Dù là tài hay pháp, cốt yếu là tự mình sẵn có. Khi có chúng sanh đến khất cầu, phải hoan hỷ bố thí cho. Nếu không như vậy, tương lai sẽ bị đọa lạc trong tam đồ.
- Khi thọ khổ trong tam đồ đã mãn, sanh trong nhân gian, nếu bạn là người keo kiết của tiền, thì đời đời kiếp kiếp phải chịu dư báo nghèo cùng, thiếu thốn.
- Nếu bạn xan lẫn chánh pháp thì đời đời kiếp kiếp cảm thọ dư báo đần độn, ngu si. Nên kinh Thiện Sanh dạy: “Nếu có chúng sanh nào đối với của tiền, chánh pháp, thức uống ăn, sanh tâm bỏn xẻn, nên biết chúng sanh ấy ở trong vô lượng đời, phải bị quả báo bần cùng, ngu si”.
Vì thế, tất cả Phật tử, đặc biệt là những vị thọ Đại Thừa Bồ Tát giới, dù ở hoàn cảnh nào, có tài phải bố thí tài, có pháp phải bố thí pháp, không nên có tâm bỏn xẻn và hủy nhục.