19. Đi Khất Thực
Khi Đức Thế Tôn chưa ra đời thì bên Ấn Độ đã có các hàng Bà-la-môn ngoại đạo đi khất thực. Thái tử Sĩ-đạt-đa đi dạo mấy cửa thành, thấy một vị Sa-môn khất thực, Thái tử mới khởi tín tâm. Sau khi thành tựu đạo nghiệp rồi, Đức Phật cũng dùng phương pháp khất thực.
Dân xứ Ấn Độ rất kính những người hành pháp khất thực, ngược lại, qua Trung Hoa, đời của Hoàng hậu Võ Tắc Thiên thì đi khất thực là không hợp pháp, cho nên những tùng lâm lớn được lập ra. Xứ mình bây giờ vẫn còn rải rác. Lên Sài gòn cũng thấy có một số vị đi khất thực, như bên hệ phái Khất sĩ, Nam Tông họ cũng đi khất thực.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Khất là xin, thực là ăn. Có nghĩa là trên thì cầu xin giáo pháp của mười phương chư Phật, dưới thì cầu xin nhiếp phục tâm kiêu mạn của chính mình.”
Nếu còn tâm mắc cỡ, thì quý thầy đi khất thực không được. Đến trước nhà người ta, có lúc họ không cho gì hết, chứ không phải mình đến là họ cho liền. Cho nên, đi khất thực để nhiếp phục tâm ngã mạn.
Vào thời Đức Phật chỉ ăn một bữa ngọ. Thầy Tỳ-kheo sáng ôm bình bát đi khất thực, giữa trưa về thọ trai xong rồi cất bình bát luôn chứ không được đi nữa.
Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm quyển 47 có ghi rõ về phương pháp khất thực:
Một thời Phật ở tại thành Xá Vệ, trong vườn Kỳ Thọ ông Cấp Cô Độc, bấy giờ Thế Tôn nói với các thầy Tỳ-kheo:
– Ta thường ăn một lần ngồi nên thân thể nhẹ nhàng, khí lực khỏe mạnh. Tỳ-kheo các ông cũng nên ăn một bữa, thân thể nhẹ nhàng, khí lực khỏe mạnh để có thể tu phạm hạnh.
Một số thầy Tỳ-kheo phản đối, nói rằng sức thanh niên, một ngày ăn một bữa thì không chịu nổi. Trong lục quần Tỳ-kheo, có một thầy Tỳ-kheo tên là Ca-lưu-đà-di đi khất thực vào canh chiều. Buổi chiều đó trời mưa rất lớn thêm có sấm chớp, thầy Ca-lưu-đà-di da rất đen, nên khi người vợ đang mang thai của một vị trưởng giả nhìn thấy thầy, tưởng là quỷ, bà la lên nên bị sẩy thai. Dân thành Xá Vệ phao tin là các thầy Tỳ-kheo ăn suốt ngày, không lo tu phạm hạnh nên mới xảy ra trường hợp này. Câu chuyện đến tai Đức Thế Tôn, Ngài liền đi đến giảng đường, ngồi xuống giữa, nói với các thầy Tỳ-kheo:
– Chư Phật trong thời quá khứ xa xưa đều chỉ ăn một lần ngồi, các Thanh văn cũng ăn một lần ngồi, chư Phật và các đệ tử trong tương lai cũng ăn một lần ngồi. Vì sao? Vì đó là pháp yếu để hành đạo. Hãy ăn một lần ngồi! Nếu ai có thể ăn một lần ngồi, thân thể nhẹ nhàng, tâm được mở tỏ. Do tâm được mở tỏ mà được các thiện căn, do được các thiện căn mà đắc tam muội, do đắc tam muội mà như thật biết. Như thật biết những gì? Như thật biết về Khổ, về Tập, về Diệt, về Đạo.
Sau khi Đức Phật nghe dân Xá Vệ phao tin như thế, ngài họp các thầy Tỳ-kheo và dạy chỉ ăn một lần ngồi, nghĩa là “nhất tọa nhất thực.” Nhưng khi qua xứ Trung Hoa, chư Tổ thấy chúng sanh vào thời tượng pháp và mạt pháp thân thể yếu quá, không bằng người xưa nên các ngài khai ra, các ngài chế cho ăn buổi sáng. Bên Trung Hoa buổi sáng ăn cháo, bữa trưa là bữa ăn chính, buổi chiều uống bột hoặc uống sữa. Những Tùng lâm có làm việc thì khai ra, cho ăn buổi chiều nhưng cảm thấy rất là hổ thẹn, giống như mình đang uống thuốc.
Đức Phật dạy, chỉ ăn một lần ngồi không phải do ức thuyết mà ngài chứng nghiệm được bằng Phật nhãn. Đức Phật sáu năm khổ hạnh, ăn ngày chỉ có một hạt mè nên không đạt được đạo quả. Ngài nói, người hưởng thụ dục lạc nhiều quá cũng không đạt được đạo quả. Cho nên Đức Phật lìa hai bên, đi thẳng con đường trung đạo. Ba đời chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai cũng chỉ ăn một lần ngồi, đó là pháp yếu để hành đạo. Thân thể nhẹ nhàng, tâm được mở tỏ thì được các thiện căn, có nghĩa là lục căn được thanh tịnh, thanh tịnh thì dễ đi vào chánh định.
Chẳng hạn, chiều nay làm mệt, rồi mình ăn một tô cơm thì bảo đảm ngồi thiền không được mà sẽ bị hôn trầm. Hôn trầm thì không biết được như thật, là không biết về Khổ. Tinh thần nhà Phật, nêu ra cái khổ không phải để chúng ta chết chìm, hay để chúng ta sầu ưu bi khổ não về cái khổ, mà để nhận chân được là tại sao khổ. Đức Phật nêu ra, do Tập tức là do tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Biết được như thật rồi thì chúng ta tu tập được an ổn, được chánh định. Cho nên Phật nói, chư Phật trong thời quá khứ xa xưa đều chỉ ăn một lần ngồi.
Nếu chúng ta ít làm thì ăn bữa sáng, bữa trưa, chiều uống sữa là khai ra. Nhưng với điều kiện quý thầy ráng cố gắng một lần ngồi một lần ăn, đứng lên rồi là không ăn nữa thì đúng. Ngồi trên quả đường buổi trưa, ăn xong xuống nhà bếp thấy cái gì ngon lại ăn nữa thì sai pháp.
– Các ông những thiện gia nam tử đã xuất gia học đạo, xả bỏ tám nghiệp ở đời mà không biết thời tiết, vậy có khác gì với những con người tham dục kia.
Cạo tóc xuất gia, mặc áo nhuộm khác người thế tục là khác cái gì? Đừng nói nội tâm gì hết, mình khác người thế tục trong việc ăn, uống, ngủ, nghỉ. Người đời ăn sáng, trưa, chiều, tối. Ngủ thì có khi bảy, tám giờ mới dậy. Còn mình, ngủ ba giờ mười lăm dậy là khác rồi. Ăn tiết chế cũng khác với người đời. Họ làm như thế không được cho nên họ mới cúng dường để mình tu học.
Chúng tôi kinh nghiệm bản thân, từ ngày giữ được giới pháp của mười phương chư Phật, việc tu hành rất an ổn. Những hạt giống tham dục ngày càng giảm, rất dễ vô chánh định. Ngồi thiền những vọng tưởng lăng xăng không còn như ngày xưa nữa mà bớt rất nhiều. Đức Phật chỉ phương pháp này là ngài đi bằng con đường chứng nghiệm, thực nghiệm, không phải lý thuyết suông. Tin lời Phật dạy, mình tu đúng pháp thì rất có kết quả.
Phật nói, nếu ăn uống nhiều thì không khác những người tham dục kia. Sở dĩ mình khác những người thế tục là mình ăn có tiết chế, tiết độ.
“Phạm Chí có pháp riêng của Phạm Chí, ngoại đạo có pháp riêng của ngoại đạo.”
Mỗi vị có pháp riêng. Pháp thù thắng của mười phương chư Phật, trong luật gọi là “nhất tọa nhất thực”. Một lần ngồi một lần ăn, đứng lên rồi là không ăn nữa thì đúng pháp yếu của mười phương chư Phật.
Lúc bấy giờ Ưu-ba-ly bạch với Đức Phật:
– Chư Phật trong quá khứ và Chư Phật trong tương lai đều ăn một lần ngồi, cúi mong Thế Tôn hạn định thời gian ăn cho các Tỳ-kheo.
Thế Tôn nói:
– Như Lai cũng đã có nhận thức đó nhưng vì chưa có người sai phạm, phải đợi khi ngay trước mắt có người phạm tội ta mới chế giới luật.
Vào thời Đức Phật, Thánh chúng và những vị tu phạm hạnh rất nhiều, cho nên ban đầu Phật không chế giới. Về sau, có các thầy Tỳ-kheo vào mà nhận thức xuất gia ban đầu chưa có nên rất dễ phạm giới. Vì vậy, Tôn giả Ca-lưu-đà-di thị hiện phạm giới này để Phật chế.
Pháp này là pháp của Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo nào ngồi ăn xong, đứng dậy rồi ăn nữa là phạm luật ba-dật-đề. Cho nên ăn là phải tác pháp Yết-ma trước đại chúng, rằng hôm nay mình bận việc gì đó thì được khai, với điều kiện phải là tri sự hoặc là những vị làm nhà khách. Chẳng hạn, thầy tri sự đang ngồi ăn mà xe gỗ về, thầy phải đứng lên ra đón thì khai ra. Hoặc thầy tri khách đang ăn, khách đến phải bỏ đứng dậy, sau đó ăn tiếp thì không phạm. Còn người ăn trên quả đường, ăn xong rồi xuống ăn tiếp lần thứ hai nữa thì phạm giới, Phật chế giới luật rất là rõ.
Rồi Thế Tôn nói với các thầy Tỳ-kheo:
– Ta chuyên ăn một lần ngồi, các ông cũng nên ăn một lần ngồi. Nay các ông chỉ ăn giữa ngày mà không được quá thời, các ông cũng nên học pháp khất thực. Tỳ-kheo học pháp khất thực như thế nào? Ở đây Tỳ-kheo chỉ vì mục đích duy trì mạng sống, được cũng không vui mà không được cũng không buồn.
Không đi khất thực nhưng mình nên học qua pháp này. Đức Phật dạy, Tỳ-kheo chỉ vì mục đích duy trì mạng sống, nếu mình nhịn không ăn gì thì sao mình sống, sao mình tu?
Bên xứ Tây Tạng lương thực rất khan hiếm, họ tu trên núi cao, nếu ăn suốt ngày thì lương thực đâu mà có? Các vị ẩn sĩ, một tuần lễ họ ăn có ba bánh bột mà họ vẫn sống, tu trên núi tuyết, tuyết đổ xuống mà họ ngồi kiết già không mặc áo.
Lúc còn ở ngoài đời, chẳng hạn như bản thân chúng tôi, ăn buổi sáng, trưa, chiều, rồi tối ăn nữa mà yếu đuối, bệnh tật rất nhiều. Từ khi xuất gia chỉ ăn hai buổi sáng, trưa, buổi chiều nhịn nhưng đâu có bị gì, cũng tu, cũng học, cũng làm việc bình thường.
Ở đây Tỳ-kheo chỉ vì mục đích duy trì mạng sống. Ăn ba buổi quen rồi mà bữa nào không có thì quý thầy cảm thấy đói. Đói do cái gì? Nghiên cứu kỹ, đói là do vọng tưởng, vì mình tác ý đến thì cảm thấy đói. Nhưng nếu tu đúng pháp, là tu con đường thiền định của chư Phật dạy thì ăn, mục đích là duy trì mạng sống, được thì không vui, không được cũng không buồn. Chẳng hạn, bữa nay được người ta cúng giỗ, có món ngon vật lạ thì vui, cười hỉ hả, còn bữa nào không có gì ngon thì mình buồn, đó là tu trật đường.
“Khi được thức ăn hãy tư duy mà ăn.”
Có nghĩa là tư duy thức ăn này từ đâu đến, công của mình nhiều hay ít?
“Ăn không với tâm tham đắm mà chỉ cốt giữ cho thân này được tồn tại, trừ khử bệnh cũ không gây thêm bệnh mới, khiến cho khí lực sung túc, Tỳ-kheo như vậy gọi là khất thực.”
Pháp khất thực dạy, ăn để mà tu, tu để trừ khử bệnh cũ. Quý thầy đừng nghĩ bệnh cũ là bệnh từng mắc trên thân. Trừ khử bệnh cũ, nghĩa là trừ khử những hạt giống bệnh trong thời quá khứ còn tồn đọng lại, đó là bệnh tật đố, ích kỷ, xan tham… Không gây thêm bệnh mới, nghĩa là mình tu tập theo con đường thiện pháp, Thánh pháp của Đức Phật. Được an ổn, bớt rồi thì khí lực được sung túc. Hôm nào không có điều gì thì rất thư thái an ổn, còn hôm nào bị phiền não, ăn vàng ròng quý thầy cũng thấy buồn. Có những người nghèo khổ, chỉ ăn nước tương, rau luộc nhưng gia đình hạnh phúc thì họ cũng cảm thấy an ổn. Cho nên cái ăn không quá quan trọng.
“Tỳ-kheo các ông hãy ăn một lần ngồi. Tỳ-kheo! Thế nào là ăn một lần ngồi? Đã đứng dậy rồi ăn xong không ăn trở lại nữa, nếu ăn là phạm, Tỳ-kheo như vậy gọi là ăn một lần ngồi.”
Rồi Thế Tôn nói bài kệ:
Sanh tử không đoạn tuyệt,
Thảy đều do tham dục.
Oán ghét thêm lớn ác,
Điều người ngu thường làm.
Trong kinh diễn tả, người sắp chết, cận tử nghiệp sắp đến mà khát ái về ăn uống thì người này tức khắc sa đọa ba đường ác. Không chỉ về ăn uống, khát ái bất cứ cái gì thì cảnh đó biến hiện ra để mình tái sanh vào. Cho nên Phật dạy, thiểu dục tri túc thì sanh tử đoạn tuyệt. Không đoạn tuyệt thảy đều là do tâm tham dục của mình.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Khất thực nghĩa là các thức ăn có tận, khất thì vô cùng. Đệ tử Phật thọ thức ăn vô cùng này để tu cái pháp vô tận.”
Kinh Duy Ma Cật kể về hai vị Tôn giả đi khất thực là Tôn giả Ca-diếp và Tôn giả Tu-bồ-đề. Tôn giả Ca-diếp chuyên đi khất thực nhà nghèo, ngược lại Tôn giả Tu-bồ-đề thì đi khất thực nhà giàu. Tại sao các Tôn giả đã chứng quả vị A-la-hán rồi mà còn tâm như thế. Sở dĩ Tôn giả Ca-diếp chuyên khất thực nhà nghèo bởi vì ngài nghĩ, họ nghèo khổ là do trong thời quá khứ họ không biết bố thí cúng dường, nên ngài đến để họ kết duyên lành được sanh về cảnh giới tốt. Trong kinh diễn tả, có một người già cô đơn cúng dường Tôn giả Ca-diếp một thau nước cơm ôi thiu, sau khi Tôn giả Ca-diếp thọ nhận rồi, thì tối hôm đó bà chết sanh về cung trời Đao Lợi. Nhờ phước lực của người chứng quả A-la-hán mà người cúng dường được kết quả thù thắng.
Trong kinh nói, chư thiên thường hay giả dạng những người nghèo khổ xuống thế giới ta bà để cúng dường Tôn giả Ca-diếp. Một hôm Tôn giả Ca-diếp đang đi khất thực thì chư thiên Đế Thích, giả một người nghèo khổ đến cúng dường, lúc này Tôn giả chưa tác ý đến. Sau khi thọ nhận thức ăn, Tôn giả tác ý đến thì biết đây là trời Đế Thích, ngài quở:
– Những người nghèo khổ thiếu phước người ta cúng dường cho có phước, ông thì đầy đủ phước lực mà ông còn giả dạng.
Đế Thích nói:
– Ở trên cảnh trời đó, nếu người nào cúng dường Tôn giả Ca-diếp thì hào quang càng sáng tỏ hơn, sắc thân thù diệu hơn.
Tôn giả Tu-bồ-đề thì cho rằng người nghèo, thiếu thốn, không đủ ăn mà còn phải cúng dường nên ngài đi khất thực những nhà giàu có dư dả.
Cả hai trường hợp Phật đều cấm. Phật dạy đi khất thực là phải bình đẳng, tức là mình đi thong thả, gặp người giàu hay người nghèo cúng dường cũng được.
Sa Di Học Xứ ghi:
Lại có bốn nghĩa:
1- Phước lợi cho chúng sanh.
Người đi khất thực là phước cho chúng sanh. Còn bây giờ không đi mà ngồi tại chỗ được người cúng dường thì cũng giống như đi khất thực.
2- Chiết phục ngã mạn.
Tôi có quen một thầy, ba tháng an cư thầy hay lên Trúc Lâm nhập hạ. Thầy kể, có lần đi khất thực đến nhà một người tín thí, bà này cũng nghèo, bà ra vườn hái một trái đu đủ thật lớn bỏ vô bình bát. Đầy vun rồi khất thực gì nữa, cho nên phải đi về.
Em ruột tôi tu pháp khất thực, kể lại, có một bữa đi khất thực, đến nhà kia họ ra cúng một trái dừa khô. Quý thầy nhớ, pháp khất thực, bữa đó về không được ăn cơm mà ăn nguyên trái dừa khô! Nếu trong lúc đó mà có tâm ngã mạn, tâm sân hận thì sao mình nhiếp phục chúng sanh được. Cho nên khất thực là chiết phục tâm ngã mạn.
3- Biết thân có khổ.
Đi khất thực, không phải bước ra đường là có người cúng dường liền. Có những bữa mười một giờ trưa rồi mà chưa có một hạt cơm trong bình bát, chính em tôi kể lại. Lúc này mới cảm thấy cái thân là khổ, mới quán chiếu được sâu sắc lời Phật dạy. Cho nên biết thân là khổ.
Pháp khất thực nếu chịu tu cũng hay, có một cái gì đó để nâng cấp độ sự tu hành của mình lên. Còn mình, mở mắt ra có cơm ăn, có áo mặc, mà tu tập nhiều khi cũng còn yếu nữa. Tự mình đi mới biết phước lực mình như thế nào. Có những vị thầy thiếu phước đi khất thực không có gì hết.
Vào thời Đức Phật, có một vị đệ tử của ngài Xá-lợi-phất đi khất thực là không bao giờ có. Khi tín thí đến nhìn bình bát thì thấy cơm đầy rồi nên người ta không cúng nữa, nhưng vì nghiệp lực, về tới nhà là cơm biến mất. Mỗi người có nghiệp riêng, phước riêng. Có những người phước lực kém, mỗi khi cúng đám, họ ăn chỉ được một chén, đến chén thứ hai tự nhiên đau bụng không ăn được nữa.
Cùng nhau ăn uống, người nào nghiệp kém, phước kém thì nhờ đại chúng. Phước kém mà quý thầy ra cất thất thì không có ai hộ. Nhờ Hòa thượng, nhờ thầy Trụ trì, phước lực của các ngài mạnh quá cho nên người ta đến cúng dường, mình thọ hưởng chung rồi tu tập, chứ một mình ở ngoài thì ít người cúng dường lắm.
4- Trừ bỏ bệnh chấp trước.
Vì thế Phật chế ra pháp đi khất thực này.
“Phải cùng bậc lão thành đồng đi.”
Đi khất thực theo những vị thầy lớn trong chúng thì mới có thức ăn. Ở Thiền viện Trúc Lâm, không đi khất thực, mà nương bóng của các ngài cho nên mình tu học được. Phật tử đến Thiền viện Trúc Lâm không ai biết mình, chỉ biết Hòa thượng, biết Thầy trụ trì thôi.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Người trì giới có thể tin. Đi cùng người này thì chẳng có sanh tội lỗi.”
Đi khất thực với người trì giới thanh tịnh thì tâm thức được an ổn. Còn đi với người phạm trai phá giới nhiều khi họ rủ mình phạm chung nữa.
Trong Thánh Giáo Luận có ghi:
“Khất thực năm chỗ chẳng có thể trụ:
Học qua để chiêm nghiệm. Không phải đi khất thực nhưng đi thành phố trị bịnh mình cũng không được ghé những chỗ này.
1- Nhà hát xướng: Nghĩa là nhà hát xướng chỉ chấp giữ các sự vui thích, hay loạn thiền định.
Những nơi ca, múa không được vào.
2- Nhà dâm nữ: Nghĩa là đi đứng chẳng thanh tịnh, thanh danh bất chánh, chướng căn bổn đạo nghiệp.
Nhà dâm nữ lại càng không đến, bởi vì thanh danh bất chánh. Dầu cho giữ giới thanh tịnh tới đâu đi nữa mà mình đến những nhà này thì người ta nghi kỵ, lại phá kiến chúng sanh, chướng căn bổn đạo nghiệp.
3- Nhà bán rượu: Nghĩa là rượu là nhân duyên khởi tội hay phá hoại thiện pháp, cho nên không được ghé.
4- Cung điện nhà vua: Nghĩa là chỗ nội đình nghiêm cấm chẳng có thể mạo hiểm vào.
5– Nhà hàng thịt: Nghĩa là sát tâm rất mạnh.
Thấy người từ tâm không có tín căn, nếu không có bậc lão thành đồng đi phải biết lìa năm cái nhà này.”
Năm nhà này là không được đến, dầu không đi khất thực cũng không được đến.
“Nhà không có con trai chẳng được vào cửa, thứ nhất là khiến người nghi chê, thứ hai là phòng cái nạn phạm hạnh.”
Quý thầy chắc ai cũng nhớ câu chuyện của Tôn giả A-nan. Hôm ấy Tôn giả A-nan đi xa về không được theo thứ lớp khất thực, tức là không được theo những bậc trưởng lão đi khất thực mà đi một mình. Trên đường về tôn giả khát nước, nhân đi ngang một cái giếng, tôn giả thấy một cô gái dòng hạ tiện đang kéo nước, ngài ghé vào xin nước uống. Cô gái, tên là Ma-đăng-già, sau khi gặp và dâng nước cho tôn giả A-nan, cô khởi tâm tham dục, về nhà mắc bệnh tương tư. Cô nhờ mẹ dùng bùa chú dụ Tôn giả A-nan vào định phá phạm hạnh của ngài.
Ma-đăng-già là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Chơn tâm, nói khác hơn là Phật tính. Có nghĩa là từ con đường mê muội, từ con đường tham dục xấu ác, nếu một phen chuyển hóa nhận diện ra được thì tức khắc trở thành thánh nữ. Sau khi nghe Đức Phật thuyết một bài pháp: Dục là khổ, dục là nạn chướng thì tức khắc bà chuyển hóa thành thánh nữ A-la-hán, trước Tôn giả A-nan.
Câu chuyện của Tôn giả A-na-luật:
Tôn giả A-na-luật đi khất thực, khuya quá ghé nhà dâm nữ nghỉ. Tối đến dâm nữ xuống để phá phạm hạnh của Tôn giả thì ngài trổ nóc nhà bay lên hư không.
Cho nên Phật chế giới từ đây sắp lên, nếu nhà nào không có con trai thì chẳng được vào cửa.
“Hoặc muốn ngồi, trước phải coi chỗ ngồi, có đồ đao binh không nên ngồi, có vật báu không nên ngồi, có đàn bà may vá áo chăn không nên ngồi.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Nhà không có con trai chẳng có thể vào cửa. Dù có con trai cũng phải quán sát chỗ ngồi. Dao búa, cung tên ngồi thời chắc có hại hoặc khiến người sanh tâm buồn và giận cho nên chẳng nên ngồi. Vật báu và đàn bà may vá áo chăn ngồi thời khiến người chê, và người chủ kia sau này có mất món chi họ đổ thừa nghi cho mình lấy.”
Nhà nào có vật báu hay đàn bà mình phải tránh.
“Khi muốn nói kinh phải biết thời đáng nói và thời không đáng nói. Chẳng được bảo cho ta ăn khiến người được phước. Phàm đi khất thực, chẳng được năn nỉ xin hoài. Chẳng được rộng nói nhân quả mong người cúng nhiều. Được của cúng nhiều đừng sanh tâm tham đắm, được ít chớ có ý buồn.”
Muốn nói kinh phải biết thời, đáng nói thì nói mà không đáng nói thì nín. Đến nhà tín thí mình không được nói bây giờ cho tôi ăn đi, cúng dường được phước như thế này thế nọ, được sanh thiên… Nói như thế là phạm vào giới luật của Phật. Cũng không được nói về nhân quả, cúng dường được cái gì, mà để người ta tự phát tâm, chừng nào người ta phát tâm cúng xong, rồi người ta tha thiết nhờ mình nói một bài pháp ngắn nói thì không phạm.