21. Đi Chợ
“Không nên kèo nài mắc với rẻ, phải theo giá đời. Chẳng nên xin bớt kém hao của người, chẳng nên trả giá mắc, lãng phí của tín thí và thường trụ.”
Sau này, quý thầy có đủ duyên làm tri khố, khi đi chợ không nên kèo nài mắc với rẻ. Người ta nói giá mười đồng, mình trả năm đồng hoặc hai đồng thì không được. Nghe như thế rồi người ta nói bao nhiêu, mua bấy nhiêu thì cũng lãng phí của tín thí và thường trụ. Đi chợ, phải khéo để họ bớt giá cho mình. Có lần, chúng tôi đi áp tải gỗ, một chiếc xe người ta tính hai mươi sáu triệu, đưa hai mươi sáu triệu luôn thì tốn hao của tín thí. Tôi tìm được chiếc xe rộng hơn để chở nhiều hơn, chiếc xe bảy thước chở rất hao, tìm chiếc xe mười thước chở được hai đầu, đỡ tốn của Tam bảo. Chứ không phải nghe nói, không kèo nài mắc với rẻ rồi người ta nói bao nhiêu cũng chịu thì rất hao của thường trụ. Ở đây mình phải khéo.
Kinh Tượng Pháp Quyết Nghi nói:
“Trong đời vị lai tất cả người tục khinh thường Tam bảo là do Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni chẳng đúng như pháp, thân mặc pháp phục mà dạo chơi nơi trần cảnh. Hoặc gặp hàng chợ mua rẻ bán đắt, tự mình sinh hoạt. Hoặc lại giao thiệp buôn bán cầu lợi quên mất chánh nghiệp.”
Đức Phật thọ ký đời vị lai, nguyên nhân do Tỳ-kheo Ni và Tỳ-kheo chẳng đúng như pháp, tức là quên mất chánh nghiệp, mà chánh nghiệp là tu tập về thiền định, khiến người cư sĩ tức là người thế tục coi khinh Tam bảo.
Nghiên cứu kỹ Kinh Niết Bàn thấy Phật thọ ký, xây tháp thờ Xá lợi của Phật cũng để cho hàng cư sĩ, tức là bạch y cư sĩ. Còn người xuất gia chuyên về thiền định. Chuyên về thiền định để có năng lực thù thắng, rồi đem năng lực tu tập ra dìu dắt những người khác, đó là chánh nghiệp của người tu. Còn không khéo, mình đi ra chợ mua bán, sinh hoạt theo thế tục thì người tại gia họ coi thường.
“Chớ nên ngồi hàng con gái.”
Quý thầy ra làm trụ trì, hay làm Phật sự phải đi ra chợ. Chư Phật, chư Tổ dạy rất kỹ, thấy hàng con gái mình ngồi vào, mà ngồi vào thì lâu ngày, nhà thiền thường nói: “Tình sanh thì trí cách.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Tiệm mua bán của người nữ chẳng có thể ngồi, nếu ngồi dẫu cho ngọc mà tinh khiết không tỳ vết cũng khó thoát khỏi miệng của thế gian nên chẳng ngồi. Cổ Đức nói: Ngăn ngừa miệng thế gian, hết sức phòng ngừa sân.”
Phần Oai nghi này dạy đi đâu mà gặp hàng con gái là không được ngồi. Có những người, tu một thời gian chán cửa thiền xin hoàn tục, nói là bị ma chướng nhưng thật ra nguyên nhân là do mình. Khi đến hàng con gái nào đó mà ngồi, trong tư tưởng, trong vô thức chưa sạch những hạt giống đó thì tự nhiên nó phóng ra từ trường, và trong tâm vô thức đó tự nhiên nó cảm. Từ cái cảm đó mình không còn tiếp tục tu được nữa.
Ở đây nói rất rõ, dẫu cho ngọc mà tinh khiết, dẫu cho quý thầy giữ giới thanh tịnh cách mấy thì thế gian cũng đâu có biết. Nhiều khi nói mình không cần biết thị phi hay miệng thế gian, nhưng phải tu tập như thế nào đó để giữ cho Tam bảo được thanh tịnh.
Trong kinh Tạp A Hàm quyển 47 ghi rất rõ:
Vào thời Đức Phật có một số thầy Tỳ-kheo đi vào làng xóm khất thực, do không giữ được lục căn nên bị xả giới và thối thất. Lúc này Phật họp đại chúng lại kể một câu chuyện:
“Xưa có một con mèo rất đói khát rình chuột. Một con chuột chạy ngang qua, con mèo nuốt chửng vào bụng. Con chuột cắn nát ngũ tạng của mèo, con mèo chết.”
Phật nói tiếp:
“Cũng vậy, Tỳ-kheo có người ngu si nương nơi làng xóm mà sống. Sáng sớm đắp y ôm bát vào thôn khất thực mà không hộ thân, không giữ các căn, tâm không cột niệm, thấy các nữ nhân khởi tư duy bất chánh, liền nắm bắt tướng sắc mà phát khởi lòng tham dục.”
Cho nên đừng ỷ lại, đừng nghĩ tu hành ở trên núi một thời gian rồi thì không sợ gì nữa. Phật dạy Tỳ-kheo nào chưa chứng quả vị A-la-hán thì đừng tin cái tâm của mình. Có những lúc tâm mình rất thánh thiện, nhưng có những lúc tâm mình bất chánh, cho nên thấy các nữ nhơn khởi tư duy bất chánh, liền nắm bắt tướng sắc mà phát khởi lòng tham dục.
“Khi tham dục đã phát khởi, lửa dục cháy bừng thiêu đốt thân tâm. Khi thân tâm bị thiêu đốt, tâm rong ruổi cuồng phóng, không thích ở Tinh xá, không thích nơi rừng vắng, không thích dưới bóng cây, bị tâm ác bất thiện ăn vào khắp bên trong mà xả giới thối thất.”
Quý thầy đủ phúc duyên nên được ở trong nội viện. Ở trong nội viện, trong tăng chúng tu tập nhưng nếu không khéo mình ỷ lại, không biết chuyển hóa những tập khí xấu ác của mình thì sẽ có lúc quý thầy không còn đủ duyên ở đây nữa. Chẳng hạn như đi xuống phố hay là đi ở những cái cốc, cái hang gì đó. Gặp những trường hợp này mình cũng bị thối thất. Khi thân tâm bị thiêu đốt, tâm rong ruổi cuồng phóng rồi thì không còn thích ở tinh xá, có nghĩa là mình không thích ở thiền viện, không thích ở trong nội viện nữa.
“Người ngu này chịu khổ đau lâu dài. Cho nên Tỳ-kheo cần phải học như vậy, khéo hộ thân mình, giữ gìn các căn, buộc tâm chánh niệm mà vào thôn khất thực.”
Bây giờ, không có pháp khất thực nhưng quý thầy đi vào chợ hay vào trong thôn xóm, nhớ luôn luôn chánh niệm để thu thúc sáu căn.
“Hoặc bị người lấn giành phải phương tiện lánh đi, đừng theo trả giá. Đã hứa mua vật người trước, người sau tuy có rẻ hơn cũng đừng bỏ kia mua đây khiến người chủ có giận.”
“Dè dặt chớ bảo lãnh những người mắc nợ nần.”
Thấy ai thiếu nợ, bị người ta đòi rồi đứng ra lãnh thì không được. Dân gian có câu, trên đời có bốn cái ngu. Cái ngu thứ hai là lãnh nợ. Người tu, tiền đâu mà hứng nợ, cho nên là không khởi lòng từ bi như thế. Nợ nần là do nhân duyên, mình không khéo quán chiếu rồi vô hứng nợ thì trong giới luật không cho phép.