- Chương I. CHÁNH KIẾN – Giới thiệu
- Chương II. RÈN LUYỆN CÁ NHÂN – Giới thiệu 63
- Chương III. ĐỐI TRỊ SÂN HẬN - Giới thiệu
- Chương IV. CHÁNH NGỮ
- Chương V. TÌNH BẠN TỐT ĐẸP – Giới thiệu
- Chương VI. LỢI LẠC CHO MÌNH và LỢI LẠC CHO NGƯỜI KHÁC - Giới thiệu
- Chương VII. CỘNG ĐỒNG THÀNH LẬP CÓ CHỦ ĐÍCH - Giới thiệu
- Chương VIII. TRANH CHẤP
- Chương IX. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
- Chương X. THIẾT LẬP MỘT XÃ HỘI CÔNG BẰNG
- LỜI KẾT
6. LOẠI TRỪ SÂN HẬN
(1) Mười cách loại trừ sân sận
“ Này các Tỷ-kheo, đây là mười cách để loại trừ sân hận. Thế nào là mười ?
(1) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó đã hành động để làm hại ta, nhưng ta đâu có làm gì được về chuyện này ? người ấy loại trừ sân hận’ .
(2) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó đang hành động để làm hại ta, nhưng ta đâu có làm gì được về chuyện này ? người ấy loại trừ sân hận’.
(3) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó sẽ hành động để làm hại ta, nhưng ta đâu có làm gì được về chuyện này ? người ấy loại trừ sân hận’.
(4) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó đã hành động …’.
(5) … ‘Chúng nó đang hành động…
(6) …‘Chúng nó sẽ hành động để làm hại người ta yêu mến, nhưng ta đâu có làm gì được về chuyện này ?, người ấy loại trừ sân hận’’.
(7) Nghĩ rằng: ‘Chúng nó đã hành động ….
(8) … ‘Chúng nó đang hành động …
(9) … ‘Chúng nó sẽ hành động để làm lợi cho kẻ dễ ghét và đối nghịch với ta, nhưng ta đâu có làm gì được về chuyện này ?, người ấy loại trừ sân hận’. (10) Và người ta không thể nào tức giận mà không có lý do.
Này các Tỷ-kheo, đó là mười cách để loại trừ sân hận.”
(Tăng Chi BK IV, Ch.10 (80), tr 442 )
(2) Đức Phật dạy năm phương cách
“ Này các Tỷ-kheo, có năm phương cách để loại trừ sân hận mà vị Tỷ-kheo cần phải áp dụng để loại bỏ hoàn toàn sân hận mỗi khi nó khởi lên đối với bất cứ ai. Thế nào là năm ?
(1) Hành giả cần phát triển tâm từ đối với người mà vị ấy sân hận; bằng cách này, hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy.
(2) Hành giả cần phát triển tâm bi mẫn đối với người mà vị ấy sân hận; bằng cách này, hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy.
(3) Hành giả cần phát triển tâm xả đối với người mà vị ấy sân hận; bằng cách này, hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy.
(4) Hành giả cần phải làm ngơ, không để ý đến người mà vị ấy sân hận; bằng cách này hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy.
(5) Hành giả cần phải áp dụng ý tưởng ‘chủ nhân của nghiệp’ đối với người mà vị ấy sân hận, như sau: ‘Vị này là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp của nó; vị này có nghiệp là nguồn gốc, nghiệp là bà con, nghiệp là nơi nương tựa; vị này sẽ là kẻ thừa kế bất cứ nghiệp nào mà vị ấy đã tạo, tốt hay xấu.’ ; bằng cách này, hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy.
Đây là năm phương cách mà vị Tỷ-kheo cần phải áp dụng để loại trừ hoàn toàn sân hận mỗi khi nó khởi lên với bất cứ ai.”
(Tăng Chi BK II, Ch.5, (XVII):161, tr 613-564)
(3) Tôn giả Sāriputta (Xá-Lợi-Phất ) dạy năm phương cách
Tôn giả Sāriputta nói với các Tỷ-kheo :
“ Này chư hiền, có năm phương cách để loại trừ sân hận mà vị Tỷ-kheo cần phải áp dụng để loại bỏ hoàn toàn sân hận mỗi khi nó khởi lên đối với bất cứ ai. Thế nào là năm ?
(1) Ở đây, nếu một người có cách hành xử về thân ( thân hành) không thanh tịnh, nhưng cách hành xử về lời nói ( khẩu hành ) thì thanh tịnh; hành giả cần phải loại trừ sân hận đối với người ấy.(2) Nếu một người có cách hành xử về lời nói không thanh tịnh, nhưng cách hành xử về thân thì thanh tịnh; hành giả cần phải loại trừ sân hận đối với người ấy.(3) Nếu một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều không thanh tịnh, nhưng thỉnh thoảng người ấy có được tâm rộng mở, tâm an tịnh; hành giả cần phải loại trừ sân hận đối với người ấy.(4) Nếu một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều không thanh tịnh, và thỉnh thoảng người ấy không có được tâm rộng mở, tâm an tịnh; hành giả cần phải loại trừ sân hận đối với người ấy.(5) Nếu một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều thanh tịnh, và thỉnh thoảng người ấy có được tâm rộng mở, tâm an tịnh; hành giả cần phải loại trừ sân hận đối với người ấy.
(1) “ Này, chư hiền, thế nào là cần phải loại bỏ sân hận đối với người có cách hành xử về thân không thanh tịnh, nhưng cách hành xử về lời nói thì thanh tịnh? Giả sử một vị Tỷ-kheo mặc y vá rách rưới thấy một tấm vải rách trên lề đường . Vị ấy sẽ lấy chân trái chận tấm vải lại, chân phải trải nó rộng ra, rồi xé phần vải còn nguyên vẹn và đem về .’ Cũng vậy, khi một người có cách hành xử về thân không thanh tịnh, nhưng cách hành xử về lời nói thì thanh tịnh, trong trường hợp đó, hành giả không nên quan tâm đến cách hành xử không thanh tịnh thuộc về thân của người ấy, thay vào đó chỉ nên quan tâm đến cách hành xử thanh tịnh về lời nói của người ấy. Bằng cách này, hành giả sẽ loại bỏ sân hận đối với người ấy.
(2) “ Này, chư hiền, thế nào là cần phải loại bỏ sân hận đối với người có cách hành xử về lời không thanh tịnh, nhưng cách hành xử về thân thì thanh tịnh? Giả sử có một hồ nước phủ đầy rêu và cây lau nước. Rồi một người đi đến, bị hơi nóng bức bách làm khổ não, mệt mỏi, khát nước và khô cổ . Người ấy sẽ lội xuống hồ nước, khoác tay xua rong rêu và cây lau nước, úp hai tay múc nước uống, xong rồi ra đi. Cũng vậy, khi một người có cách hành xử về lời không thanh tịnh, nhưng cách hành xử về thân thì thanh tịnh, trong trường hợp đó, hành giả không nên quan tâm đến cách hành xử không thanh tịnh thuộc về lời nói của người ấy, thay vào đó chỉ nên quan tâm đến cách hành xử thanh tịnh về thân của người ấy. Bằng cách này, hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy.
(3) “ Này chư hiền, thế nào là là cần phải loại bỏ sân hận đối với một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều không thanh tịnh, nhưng thỉnh thoảng người ấy có được tâm rộng mở, tâm an tịnh ? Giả sử có một ít nước trong một vũng nước. Rồi một người đi đến, bị hơi nóng bức bách làm khổ não, mệt mỏi, khát nước và khô cổ. Người ấy nghĩ rằng: ‘Có một ít nước trong vũng nước này, nếu ta cố gắng uống nước này bằng cách úp hai tay lại để múc nước hay múc bằng cái chén, ta sẽ quậy nước lên, làm vẫn đục nước, làm cho nước dơ không thể uống được. Ta hãy quỳ xuống bằng cả hai chân và hai tay, và hớp nước uống như một con bò, xong rồi ra đi.’ Thế rồi người ấy quỳ xuống bằng cả hai chân và hai tay, và hớp nước uống như một con bò, xong rồi ra đi. Cũng vậy, khi một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều không thanh tịnh, nhưng thỉnh thoảng người ấy có được tâm rộng mở, tâm an tịnh, trong trường hợp đó, hành giả không nên quan tâm đến cách hành xử không thanh tịnh thuộc về thân và lời nói của người ấy, thay vào đó chỉ nên quan tâm đến tâm rộng mở, tâm an tịnh mà thỉnh thoảng người ấy có được. Bằng cách này, hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy.
(4) “ Này chư hiền, thế nào là là cần phải loại bỏ sân hận đối với một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều không thanh tịnh, và thỉnh thoảng người ấy không có tâm rộng mở, không có tâm an tịnh ? Giả sử có một người bị ốm, đau đớn, bệnh nặng đang đi trên đường dài, ngôi làng cuối cùng ở phía sau anh ta và ngôi làng trước mặt anh đều rất xa. Anh ta sẽ không có được thức ăn thích hợp, thuốc men hay một người giúp đỡ thích hợp nếu anh ấy không được đưa đến gặp vị trường thôn. Một người khác cũng đang đi trên đường ấy, có thể thấy anh ta và khởi tâm từ, động lòng thương xót, quan tâm đến anh ta, nghĩ rằng: ‘ Ôi,cầu mong anh này có được thức ăn thích hợp, thuốc men hay một người giúp đỡ thích hợp! Cầu mong anh ấy được đưa đến gặp vị trường thôn! Vì sao? Để cho anh này không gặp phải tai họa và thảm nạn ở dây. ’ Cũng vậy, khi một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều không thanh tịnh, và thỉnh thoảng người ấy không có tâm rộng mở, không có tâm an tịnh, trong trường hợp đó hành giả nên khởi tâm từ, động lòng thương xót, quan tâm đến anh ta, nghĩ rằng:’’ Ôi, cầu mong tôn giả này từ bỏ cách hành xử về thân không thanh tịnh, và tu tập cách hành xử thanh tịnh về thân; cầu mong tôn giả này từ bỏ cách hành xử về lời nói không thanh tịnh, và tu tập cách hành xử thanh tịnh về lời nói; cầu mong tôn giả này từ bỏ những tâm hành không thanh tịnh, và tu tập các tâm hành thanh tịnh! Vì sao ? Để cho khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người này sẽ không bị tái sanh vào cõi khốn khổ, cảnh giới bất hạnh, đọa xứ, địa ngục.’ Bằng cách này, hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy.
(5) “ Này chư hiền, thế nào là là cần phải loại bỏ sân hận đối với một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều thanh tịnh, và thỉnh thoảng người ấy có được tâm rộng mở, tâm an tịnh ? Giả sử có một hồ nước trong sáng, ngọt ngào, mát dịu, sạch sẽ, với hai bờ mượt mà bằng phẳng, là một nơi đẹp đẽ có nhiều loại cây cho bóng mát. Rồi một người đi đến, bị hơi nóng bức bách làm khổ não, mệt mỏi, khát nước và khô cổ. Sau khi xuống hồ ngâm mình trong nước, người ấy sẽ tắm và uống nước, rồi sau khi ra khỏi hồ, người ấy sẽ ngồi hay nằm xuống dưới bóng cây ngay tại đó.Cũng vậy, khi một người có cách hành xử về thân và cách hành xử về lời nói đều thanh tịnh, và thỉnh thoảng người ấy có được tâm rộng mở, tâm an tịnh, trong trường hợp đó, hành giả nên quan tâm đến cách hành xử thanh tịnh thuộc về thân và lời nói của người ấy, và nên quan tâm đến tâm rộng mở, tâm an tịnh mà thỉnh thoảng người ấy có được. Bằng cách này, hành giả sẽ loại trừ sân hận đối với người ấy. Này, chư hiền, nhờ có một người khơi dậy niềm tin bằng mọi cách, tâm sẽ đạt được niềm tín.
“ Này chư hiền, đây là năm phương cách để loại trừ sân hận mà vị Tỷ-kheo cần phải áp dụng để loại bỏ hoàn toàn sân hận mỗi khi nó khởi lên đối với bất cứ ai.”
( Tăng Chi BK II, Ch5, (XVII ): 162; tr. 614-620 )