Người gặp trong bệnh viện (Nguyễn Trọng Hoạt)

02/09/20202:55 CH(Xem: 1614)
Người gặp trong bệnh viện (Nguyễn Trọng Hoạt)
VĂN HÓA PHẬT GIÁO
SỐ 351 SỐ VU LAN 01-09-2020

Người gặp trong bệnh viện
(Nguyễn Trọng Hoạt)

Nhìn tờ giấy theo dõi điều trị kẹp cuối giường bệnh, tôi biết ông cụ nằm cùng phòng và cùng tuổi 80 với bố tôi tên Quốc. Cụ được con đưa đến nhập viện. Đó là chàng trai khoảng ngoài ba mươi, bảnh từ mái tóc đến quần áo, từ chiếc kính đến đôi giày; từ người anh, thoảng mùi nước hoa dìu dịu. Khác với vẻ căng thẳngmệt mỏi của những người có thân nhân nằm viện, anh vẫn cười nói hồn nhiên khi đưa bố vào nhà thương.

** *
Anh vừa chỉ cho bố ngồi xuống chiếc giường có bọc ga trắng muốt thì chuông điện thoại reo. Chẳng cần né ra chỗ khuất, anh đứng giữa phòng thỏa mái chuyện trò với người ở xa. Nghe họ nói với nhau, tôi biết chị gái anh từ nước ngoài gọi về hỏi thăm sức khỏe của bố. Hình như anh cố ý hạ cấp khi mô tả tình trạng sức khỏe ông cụ theo hướng bi quan; ngay sau đó kể lể những khoản chi phí chữa bệnh cao ngất. Giọng anh càng lê thê, não nề khi nói về nỗi vất vả trong chăm sóc người già.

** *
Vẻ mặt u ám bỗng sáng bừng, rạng rỡ sau một lúc trò chuyện; anh rối rít hỏi lại, giọng như hụt hơi:“Chị gửi em bảy ngàn đô để lo cho bố à? Đã chuyển chưa?”.

Nụ cười hể hả và ánh mắt nhấp nháy liên hồi như đang mơ cho biết điều anh nghi vấn đã được khẳng định. Cùng cái vung tay là giọng cao vút: “Thế thì tốt rồi!”.

Liền đó, cuộc đàm thoại chuyển hướng lạc quan bất ngờ. Chàng trai liên tục trấn an chị bằng giọng nhũn nhặn, tha thiết: “Chị cứ yên tâm, yên tâm! Đã có vợ chồng em rồi, chị không phải lo”.

Niềm vui còn cho anh mở rộng tầm nhìn tích cực: “Bố điều trị ở bệnh viện tốt nhất thành phố đấy, chị ạ. Bác sĩ ở đây toàn tu nghiệp Âu-Mỹ”.

Đáp lại lời chị là những tiếng “dạ, dạ” kéo dài hệt như nghệ sĩ trên sân khấu, chứng tỏ anh chấp nhậnđiều kiện những yêu cầu người kia đưa ra. Tắt điện thoại rồi mà niềm vui trên khuôn mặt trẻ vẫn long lanh, chưa tắt.

** *
Chàng trai đi khỏi phòng một lúc rồi xách về lỉnh kỉnh nào nước suối, khăn mặt, giấy vệ sinh, li, chén, phích nước… Theo sau anh là một phụ nữ độ ngoài ba mươi, vừa bước vô phòng đã nở nụ cười cầu thân cùng lời chào mông lung:“Xin chào cả nhà!”.

Đáp lại là những ánh nhìn soi mói thay vì cái gật đầu hay nụ cười lấy lệ như thường thấy. Người mới đến có vẻ sang chảnh nửa vời, với dáng đậm đà bó gọn trong quần bò áo phông cùng khuôn mặt đậm đà son phấn, với lông mày, mi mắt giả lộ liễu và mái tóc như mớ râu ngô. Cô bước lại bên cụ Quốc, đặt tay lên bờ vai gầy: “Đã có cháu đây, cụ yên tâm điều trị, nhá”.

Chàng trai ngừng sắp xếp đồ trong chiếc tủ nhỏ kê sát giường, nhìn bố tươi cười: “Đây là cô Loan, sẽ chăm sóc bố trong những ngày nằm viện”.

Ông cụ ngơ ngác, hết nhìn người quen, lại ngó kẻ lạ; đôi mắt già nua chỉ thoáng qua cô gái rồi nhìn vô định ra khoảng không ngoài ô cửa. Dù hai người trẻ nói cười huyên thuyên, cốt động viên người già yên lòng nhưng chẳng được hưởng ứng, cụ vẫn ngồi bất động, thẫn thờ. Đáp lại sự vồn vã thái quá của hai người trẻ là nét mặt dửng dưng, nhuốm vẻ dè chừng cùng tiếng thở dài của ông cụ.

** *
Thôi chuyện trò với bố, chàng trai quay qua trao đổi với cô gái việc chăm sóc người bệnh, từ những món ăn ưa thích đến tắm giặt, từ thói quen đến những khiếm khuyết của tuổi già, rồi việc mát-xa và tập luyện phục hồi chức năng vận động sau tai biến.

Trước vẻ lo lắng của chàng trai, cô gái trấn an bằng những lời vuốt ve chắc nịch: “Anh yên tâm. Em chăm sóc cụ chu đáo tuyệt vời luôn! Đã chọn nghề này thì phải có lương tâmtrách nhiệm, anh lo gì”.

Trước khi chia tay, họ chốt lại vấn đề “đầu tiên” – tiền đâu. Nghe Loan ra giá 500 ngàn đồng/ngày, chàng trai quyết luôn và hẹn sau bảy ngày sẽ thanh toán. Trước mắt anh ứng cho cô khoản tiền khám chữa bệnh và ăn uống của cụ.

** *
Chàng trai vừa quay lưng thì cô gái cũng biến theo; lát sau trở lại với mớ đồ ăn thức uống trên tay. Cô nói với cụ, đây hộp cơm cho bữa trưa, kia là lọ nước yến uống lúc xế chiều, rồi sữa bột và cam nho…

Cô dặn cụ cẩn thận khi vào nhà tắm rồi dựng thanh chắn hai bên giường lên để người bệnh không lăn xuống đất. Khác với kiểu đãi bôi lúc nãy, cô bất ngờ trở giọng sắc lạnh như mệnh lệnh:“Cụ nằm yên đấy, không được đi đâu”; rồi đột ngột bỏ đi.

** *
Khi người nhà phải ra khỏi phòng bệnh cho bác sĩ làm thuốc, tôi mới biết có nhiều người chuyên chăm sóc bệnh nhân như Loan. Họ tụm lại bên mấy ghế đá đặt dưới bóng cây sung ở góc bệnh viện, vừa tán gẫu vừa chờ việc. Các cô cũng chạy show như ca sĩ nổi tiếng, nghĩa là cùng lúc chăm sóc nhiều người. Chỉ ngồi khoảng hơn tiếng mà tôi thấy Loan tất bật đi ra đi vô các phòng bệnh, tay xách vật dụng thiết yếu cho bệnh nhân.

** *
Quay lại bệnh viện sau giờ nghỉ trưa ở nhà, tôi hốt hoảng nhìn cảnh tượng thương tâm. Cụ Quốc run run nắm chặt lấy thanh giường, mặt mày thất sắc, tay chân đỏ ửng. Nhìn xuống đất thấy phích nước sôi bị vỡ, nước lênh láng trên nền nhà, tôi lờ mờ hiểu ra cơ sự.

Cụ nhăn nhó, ngước đôi mắt sợ sệt nhìn tôi như cầu cứu. Tôi lật đật chạy đi mua thuốc chữa bỏng, lại tìm đá lạnh chườm những chỗ phồng rộp cho cụ rồi quét dọn, lau chùi nền nhà; vừa làm vừa an ủi: “Không sao đâu cụ”.

** *
Vừa lúc Loan mở cửa, xộc vào. Cô trố mặt, lớn giọng: “Sao thế này?”.
Cụ Quốc lắp bắp, nói chưa tròn câu; cô áp chế luôn: “Đã bảo rồi, cứ nằm yên mà không nghe!”. Ông cụ mếu máo: “Nhưng tui đói”.
Cô vặt lại: “Sao cụ không ăn cơm?”.
Đáp lại là lời rên rỉ như sắp khóc: “Cơm nguội và khô, không nuốt được nên tôi pha sữa nhưng lỡ tay…”.

Nữ chăm sóc viên có vẻ động lòng, xuống giọng:

“Lần sau, cụ thích ăn gì thì cứ nói cho dễ chiều”.

** *
Buổi chiều, Loan đáp ứng sở thích của cụ bằng tô phở bò viên nhưng gần bảy giờ tối mới đem đến. Trước đó, chờ mãi không được, cụ đành ăn trái cây, bánh ngọt và uống nước yến; khi nhìn tô phở tỏa hương thơm phức, mắt có vẻ thèm muốn nhưng giọng thì ỉu xìu bất lực: “Thôi, không ăn được nữa!”.

Cô gái năn nỉ nhưng cụ buồn bã lắc đầu rồi quay mặt vô tường. Chẳng cần khách sáo, cô bưng tô phở sì sụp một hơi cho đến giọt nước cuối cùng.

Bất chợt ông cụ xoay người nhìn Loan, nói khẽ:

“Cô tìm cho tôi ít muối hột.”

Chẳng cần hỏi lý do, cô vọt đi; lát sau quay lại với bịch muối bột trên tay. Cụ Quốc nhăn nhó: “Sao lại muối bột, cần muối hột cơ mà!?”.

Đáp lại là giọng xấc xược: “Cụ lắm chuyện, muối nào chẳng là muối!?”.

Ông cụ bực tức nhưng cố dịu giọng: “Khổ quá, cần muối hột để ngậm cho tan đờm, bớt ho, dễ ngủ!”.

vỗ về qua loa: “Thôi, để mai cháu tìm cho”.

** *
Cứ thế, Loan thoắt đến thoắt đi, lúc nào cũng vội vàng như có ai hối thúc sau lưng. Việc chăm sóc người bệnh của cô hóa ra được rút gọn hơn nhiều so với thỏa thuận cùng con trai của cụ.

Đã thế, cụ chẳng màng đến cô và cũng chẳng thể “phản ánh tình hình nằm viện” với con, khi anh này mấy ngày liền không đến thăm bố. Hình như anh khoán trắng việc chăm sóc bậc sinh thành cho kẻ làm thuê.

Thế là ông cụ tự thân vận động trong sự trợ giúp của bố tôi.

** *
Nhiều bữa tôi thấy hai cụ dìu nhau xuống căng- tin ăn cơm, lại cùng ngồi trên ghế đá dưới bóng lộc vừng trong khuôn viên bệnh viện.

Dù phải chống gậy lần từng bước nhưng bố tôi vẫn hăm hở xách bình thủy đi mua nước sôi cho ông bạn già pha sữa. Cụ Quốc bị chứng run tay nên ngay việc vắt quả cam hay mở lọ nước yến cũng nhờ người nằm cạnh. Mỗi lần thấy bạn già vào buồng vệ sinh, bố tôi lại nhắc cẩn thận rồi nhìn mãi về hướng ấy, cứ như sẵn sàng tiếp ứng khi có sự cố.

Những việc ngoài khả năng như mua đồ ăn ở những quán ngon trong thành phố hoặc mua thêm quần áo ấm thì bố tôi lại gọi con. Chỉ sau ba ngày, hai cụ đã tâm đầu ý hợp nên cụ Quốc thoải mái giãi bày tâm sự.

** *
Cụ bảo, ở với con mà thấy mình như người thừa, lại như gánh nặng cho chúng. Lắm lúc nghe cụ chuyện trò, chúng cứ gạt đi hoặc không muốn nghe bằng cách lảng sang chuyện khác.

Khi lời bố khác ý con, chúng còn ngang nhiên xúc phạm: “Cụ già rồi, chấp làm gì!”.

Đã thế, cụ càng lạnh lòng kín tiếng, thấy các con gần đấy nhưng xa đấy, kéo theo là nỗi buồn tủi dâng đầy.

** *
Nằm viện đến ngày thứ năm thì cụ Quốc tự tiện bỏ về. Cụ bảo, rất muốn về dự giỗ đầu cụ bà nhưng con trai không cho, thế là người bố tự quyết.

Cụ nhờ tôi gọi tắc-xi rồi ghé tai bố tôi nói nhỏ:

“Mong ông sớm bình phục nhé. Chắc tôi không quay lại đây nữa đâu”.

Cùng tiếng thở dài là những lời đẫm trong nước mắt: “Con đem cha bỏ chợ thế này…”.

Cụ nắm chặt tay người bạn già, đầu chúi xuống, trông thật thảm thương. Bố con tôi động viên cụ tiếp tục ở viện điều trị nhưng đáp lại là cái lắc đầu mệt mỏi.

** *
Khi Loan quay lại phòng bệnh thì cụ Quốc đã đi rồi. Cô ngơ ngác, xẵng giọng giữa trời: “Đúng là ông già khó tính!”.

Cô đứng nhìn chỗ nằm của cụ một lúc, luôn mồm cằn nhằn. Nghe vậy, bố tôi liền vùng dậy, nhìn thẳng mặt: “Này, cô làm ăn cũng phải có tình người chứ. Đâu phải nhận tiền của người ta rồi quấy quá cho xong việc. Làm thế thì bền sao được!?”.

Cô gái đứng sững, bất ngờ trước những lời sắc như mũi nhọn. Thấy người đối diện không lên tiếng, bố tôi gợi mở, cứ như sẵn sàng cho một cuộc tranh luận: “Tôi nói thế không phải sao?”.

Cô đứng lặng, cúi mặt, lảng tránh ánh nhìn bực tức của bậc cao niên.

** *
Hôm con trai cụ Quốc đến thu dọn tư trang của bố, cũng lầm bầm trách ông cụ. Bố tôi lại lên tiếng, ông kể về những ngày nằm viện buồn tủi của cụ Quốc, cả nỗi cô đơn khi cụ sống gần con cháu…

Chàng trai ngơ ngác, cứ như nghe chuyện của người lạ. Lâu sau, bố tôi nhìn người đối thoại bằng ánh mắt bao dung rồi hạ giọng: “Tiền bạc không thay thế được yêu thương đâu, cậu ạ”.

Chàng trai khẽ “dạ”, mặt man mác buồn.

** *
Cụ Quốc lại vào viện đúng ngày bố tôi ra viện.
Thoáng thấy cụ, bố tôi tròn mắt, reo lên: “Ủa, ông vào đây làm gì?”.

Cụ tươi cười: “Thăm ông chứ làm gì!”.

Hai cụ lập cập ôm nhau, như đã thân từ lâu lắm.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/10/2020(Xem: 6157)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.