18. Tưởng Nhớ Sư Ông Nhẫn Tế

05/05/20219:27 SA(Xem: 4812)
18. Tưởng Nhớ Sư Ông Nhẫn Tế

TỪ HUYỀN THOẠI TỚI TÂM KINH

NGUYÊN GIÁC
Nhà Xuất Bản Ananda Viet Foundation 2021

18

TƯỞNG NH

SƯ ÔNG NHN T

 

Khi tôi đến với Chùa Tây Tạng Bình Dương, Sư Ông đã viên tịch từ lâu rồi. Nhưng hành trạng của Sư Ông vẫn còn in dấu nhiều nơi trong chùa. Không chỉ trong cách truyền dạy Phật pháp một cách kỳ lạ từ hai đệ tử lớn của Sư Ông – tức bổn sư của anh em tôi là Thầy Tịch Chiếu, và vị sư thúc là Thầy Thường Chiếu – mà cũng trong các lời huyền ký, hoặc dặn dò bằng lời hoặc ghi lại trong cuốn Nhật Ký Sư Ông, sau được ấn hành với tựa đề là “Sự Tích Tây Du Phật Quốc.”

Tuổi trẻ vốn ưa thích huyền bí, thêm nữa, tôi vốn xuất thân từ chú thuật ngoại đạo nên nghe hai âm thanh “Tây Tạng” là mê ngay rồi. Nhưng Thầy Tịch Chiếu nói với tôi rằng Thầy dạy Tổ Sư Thiền. Tôi hỏi, tức là tu làm sao. Thầy đáp, phải Thấy Tánh.

Tôi nghĩ, vậy, Sư Ông ngày xưa dạy những gì… Tôi không hỏi chỗ này, nhưng tâm vẫn nghi nghi ngờ ngờ. Bí hiểm nữa: tôi dẫn hai đứa em lên chùa quy y, và Thầy dạy mỗi đứa một khác.

Thầy bảo đứa em kế tôi là Nhàn, phải niệm Phật trọn ngày, bảo đứa em khác là Vân phải trì tụng Bát Nhã Tâm Kinh liên tục, nhớ trong tâm nghiền ngẫm mãi Tâm Kinh. Tôi hỏi, con phải tu học ra sao? Thầy Tịch Chiếu nói, không có pháp nào cho con hết. Nhưng hễ tôi nói gì sai, Thầy đều bác. Tôi mê Thiền một cách tự nhiên, nên tự học Thiền Chỉ Quán, theo một cuốn sách nhỏ của một vị sư Trung Hoa. Có lần tôi nói, con ngồi Thiền, thấy là phải giữ tâm vô tâm; thầy nói không phải, và Thầy im lặng.

Một lần, khoái trá, tôi làm được bài thơ bát cú chữ Hán Việt dâng Thầy, bây giờ còn nhớ hai câu: Nhược đắc vạn niên an nhất niệm, nhi thành diệu sắc tại bào thân… (Nếu an được vạn năm trong một niệm, sẽ thành thân diệu sắc trong thân bọt nước này). Không hiểu chữ đâu cứ tuôn ra mãi trên giấy như thế, hệt như có ai đọc trong đầu cho tôi viết xuống, vì bản thân vốn là dốt chữ Hán, học nhiều chẳng nhớ bao nhiêu. Thầy cũng lắc đầu.

Một lần, có bữa tiệc chay ở nhà anh Hiền (vị đại cư sĩ này đã mất lâu rồi), với khoảng 7 hay 8 bạn cư sĩ. Không nhớ nguyên do gì có tiệc, chỉ biết lúc đó anh Hiền thỉnh Thầy Tịch Chiếu về Sài Gòn.

Tôi nói, Thưa Thầy, Kinh Kim Cang nói, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai, Kinh Lăng Nghiêm lại nói toàn tánh tức tướng, toàn tướng tức tánh… vậy là thế nào. (Diễn lại cho dễ hiểu: Kinh Kim Cang nói, nếu thấy các tướng không phải tướng, tức là thấy Như Lai, còn hiểu là thấy Tánh; Kinh Lăng Nghiêm nói, tất cả tướng là tánh, tất cả tánh là tướng…)

Thầy Tịch Chiếu cầm một miếng bánh lên, nói con biết bánh ngon thì ăn đi.

Thầy Thường Chiếu cũng dạy một cách dị kỳ.

Cả hai Thầy đều được lời huyền ký từ một vị La HánTây Tạng nói với Sư Ông.

Một điểm ghi nhận rằng, Sư Ông được dạy ở Tây Tạng bằng phương pháp tiếp điển. Vị La Hán hiện ra trong thiền định nói tiếng Ấn Độ với Sư Ông. Có thể hiểu rằng, Sư Ông chỉ giỏi tiếng Hán, tiếng Pháp khi rời Việt Nam sang Ấn Độ năm 1935, và nơi đây học tiếng Ấn Độ và tiếng Anh để đủ giao tiếp. Sư Ông bắt đầu học tiếng Tây Tạng từ tháng 2-1936, và tới Lhassa, thủ đô Tây Tạng, ngày 28-6-1936.

Bắt đầu tiếp điển, được vị La Hán dạy và dặn dò từ tháng 9-1936. Nhờ dặn dò khi tiếp điển, mấy hôm sau, vào ngày 15-9-1936, Sư Ông ra một góc núi tìm vị La Hán.

Vị này nói tiếng Ấn Độ, nói rằng Ngài truyền “pháp môn Đạt Ma chính lý” và rồi giảng bài Tâm Kinh Bát Nhã.

Sư Ông ghi lại sau khi được giảng Tâm Kinh Bát Nhã:

Ôi nhờ Ngài chuyền tư tưởng mở cả trí não của bần-đạo, làm cho bần-đạo đoạt lý tâm kinh, mới biết đó là đại-thần-chú của tam thế chư Phật. Đảnh lễ cảm ơn giáo hóa.

Ngài cười rồi đứng dậy rờ đầu bần-đạo rằng: Nhân duyên trong đạo nhiều kiếp qua rồi, nay gặp nhau cũng còn dìu dẫn... rồi ngài móc một cục đất dưới chơn (đất mềm), bèn nắn ra hình một cái chén, đoạn Ngài thổi một hơi khô queo. Ngài hỏi cái chi? Bần-đạo nói: Đất... Ngài nói: Đúng lắm... trước nó đất, bây giờ ra hình là cái chén... Kinh Kim Cang Phật dạy có khác nào... Đoạn Ngài ngó bần đạo làm phép chuyền trí, như mấy lần trước làm cho bần-đạo thấu đáo Kim Cang kinh nghĩa lý nhiệm màu. Ôi! tu trong mấy kiếp, đoạt lý một giờ.” (hết trích)

Nhật Ký Sư Ông viết về ngày 16-9-1936: “Tiếp điển: Lời căn dặn: Cư-sĩ đệ tử sẽ tấn phát nhờ đức lực, ngươi sẽ thấy tự nhiên...”

Nhiều đêm sau, Sư Ông vẫn được tiếp điển dặn dò. Cũng có đêm dạy thần chú qua tiếp điển. Ngày 12-10-1936, vị La Hán tiếp điển dặn Sư Ông là sẽ có ba đại đệ tử từ Miền Trung tới (sau này, tôi được cho biết đó là 3 Thầy: Tịch Chiếu, Thường Chiếu, Viên Chiếu)…

Ngày 13-10-1936, vị La Hán tiếp điển, dạy Sư Ông cách vào Tứ Thiền, rồi chuyển sang quán niệm để ngộ vô sanh.

Ngày 20-10-1936, vị La Hán tiếp điển, Sư Ông ghi lại: “Tiếp điển: 2 giờ khuya. Tự đến chỉ pháp quán Vô sanh rồi dặn rằng: Ba năm sau khi về xứ, hết dư nghiệp. Ngươi sẽ lập Tây-trước-chánh-tông. Y theo bài kệ đã thấy.”

Đó là những cơ duyên tuyệt vời của Sư Ông Nhẫn Tế. Tu trong mấy kiếp, đoạt lý một giờ.

Tôi may mắn siêng học Anh ngữ từ nhiều năm nay, say mê đọc kinh điển bằng tiếng Anh, miệt mài đọc sách về Phật giáo Tây Tạng, cũng có khi đối chiếu xem tương ưng với những lời dạy nào từ Thầy Tịch Chiếu và Thầy Thường Chiếu. Trong tận cùng, tôi nghiệm ra rằng 3 cách Thầy Tịch Chiếu dạy - niệm Phật, trì tụng Bát Nhã Tâm Kinh, phải Thấy Tánh – không có gì dị biệt nhau. Nói theo Thầy Thường Chiếu là đi tới đỉnh cao đầu sào trăm thước xong, hãy bước thêm một bước.

Bản thân tôi không có gì tu học thâm sâu, chỉ hiểu Sư Ông qua cách tiếp cận đơn sơ của mình: Sư Ông là ngón tay chỉ vào mặt trăng của Tánh Không, của Duyên Khởi, của Vô Ngã…

Năm nay 2015 là tròn 80 năm: Sư Ông nộp đơn ở Sài Gòn ngày 1 tháng 4-1935, để xin giấy thông hành xuất dương. Những dòng chữ này được viết với trọn lòng biết ơn Tam Bảo để kính dâng Sư Ông Nhẫn Tế.

GHI CHÚ: Bài trên của Cư sĩ Nguyên Giác đăng nơi trang 91-93 trong ấn phẩm “Thiền Sư Nhẫn Tế: 80 Năm Kỷ Niệm Tây Du Phật Quốc” in năm 2015 do NXB Tôn Giáo, nội dung do tứ chúng Tây Tạng Tự (Bình Dương, Việt Nam) thực hiện. Bản trên mạng có thể đọc ở đây:

https://thuvienhoasen.org/a23463/thien-su-nhan-te-80-nam-ky-niem-tay-du-phat-quoc

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
08/01/2015(Xem: 10563)
01/12/2014(Xem: 10787)
16/10/2014(Xem: 25824)
Trong tập san Sagesses bouddhistes (Trí tuệ Phật giáo) của Tổng hội Phật giáo Pháp, số mới nhất tháng tư năm 2024, với chủ đề Tìm kiếm một nền hòa bình cho mình, cho thế giới (Trouver la paix pour soi, pour le Monde), trong mục ‘Tin ngắn’ có nêu lên hai mẫu tin đáng cho chúng ta suy nghĩ. Mẫu tin thứ nhất như sau :
Hôm nay, 29-4 (21-3-Giáp Thìn), tại chùa Thiên Mụ (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), môn đồ đệ tử Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu đã trang nghiêm tổ chức tưởng niệm 32 năm ngày ngài viên tịch. Đông đảo chư Tăng Ni, Phật tử đã đến tham dự, đảnh lễ tưởng niệm.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang ngày 26/4 khởi tố bị can và bắt tạm giam Facebooker Dương Hồng Hiếu, 46 tuổi, về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Khoản 2, Điều 331 của Bộ luật Hình sự vì chỉ trích một chức sắc cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.