Chương Iii: Miên Man Tình Mẹ

06/05/201212:00 SA(Xem: 19608)
Chương Iii: Miên Man Tình Mẹ

DU HÓA TẬP 2
Huệ Giáo
PL. 2555 - DL. 2011

CHƯƠNG III
MIÊN MAN TÌNH MẸ

LỜI RU CỦA MẸ

Dưới trần gian này, tôi nghĩ sẽ không có bài hát nào hay hơn bằng lời ru của Mẹ. Nói như thế, không biết là tôi có chủ quan lắm không? Nhất là đối với những người chưa làm Mẹ. Người ta có thể hát vang để ca ngợi về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi trai gái, tình yêu non sông gấm vóc, hát về một anh hùng dân tộc, về một chiến công lịch sử vẻ vang, hát về tình yêu thiên nhiên, về biển rộng sông dài, và cho đến tình yêu của loài hoa cỏ dại. Người ta có thể hát với tất cả những gì đang dâng trào trong cảm xúc vô hạn của con người. Tuy nhiên, vẫn không có lời ca nào du dương vút ngàn tâm huyết, tha thiết nghĩa nặng, trọn vẹn ngọt ngào tình sâu bằng Lời Ru Của Mẹ.

Tại sao lại thế? Chỉ đơn giản thôi, bởi vì những bài hát đó, giọng ca đó sẽ bị thời gian phôi phai, và nó sẽ không còn ý nghĩa trong một ý niệm tiếp đến. Ý tứ và nội dung của bài hát, thêm giọng ca vàng của một danh ca nào đó, chỉ phù hợp với giới hạn thời gian nhưng không thể là vô tận. Ở một thời điểm này, lời bài ca đó có thể sâu thẳm làm rung động trái tim của rất nhiều người, nhưng với quốc độ khác nó không có ý nghĩa, nếu không muốn nói nó chẳng có giá trị gì hết với một số người khác, cũng giống như lời khuyên của một người Mẹ hiền về quan niệm tình yêu nam nữ đến với một người con dù trai hay gái. Tình yêu đó đúng với người Mẹ nhưng không thể phù hợp với người con, người con trai mới bước chân vào đời đối tượng trong tình yêu lý tưởng của họ là một người con gái đẹp lỗng lẫy, nhưng kinh nghiệm của người Mẹ thì con người đẹp bởi cái nết chứ không phải bởi sắc đẹp, và đức hạnh đó mới là sợi dây nối kết lâu dài của tình yêu vợ chồng, cho nên ông bà ta có câu cái nết đánh chết cái đẹp, đây là một kinh nghiệm mà những người đã đi qua mới biết được, nhưng để nói với những người chưa từng bước qua để chấp nhận là một việc khó. Thế mới biết tất cả chỉ dựa trên những yếu tố kinh nghiệm của đời sống, và nhất là dựa trên định luật vô thường của lời Phật dạy thì đó mới chính là sự thật, cái gì rồi cũng trôi đi theo năm tháng nhưng cái tâm sẽ đi theo ta mãi. Cho nên, tôi mới bảo rằng không có lời ca nào vô tận bằng Lời Ru Của Mẹ.

Tình yêu của người Mẹ dành cho con cái là tình yêu thương chứa đựng sự hy sinh bất tận, tình yêu này không biến đổi theo thời gian, vượt ngoài áp lực cuộc sống, thoát qua hoàn cảnh khó khăn, dù ở đất nước nào chăng nữa, cung cách biểu lộ tình yêu thương của Mẹ đối với con có khác nhau từ nhiều truyền thống, nhưng tình thương của Mẹ dành cho con thì bất cứ ở đâu và nơi nào đều có một mẫu số chung: Ngọt ngào và bất tận. Đó là, tình yêu của Mẹ dành cho con không có giới hạn, vô điều kiện và không có tình yêu nào có thể đánh đổi. Lòng mẹ thương con không những khi con còn nhỏ, khi con mới chập chững vào đời, mà cho đến khi con cùng với Mẹ đã răng long tóc bạc, tình yêu đó vẫn không biến đổi. Tình yêu của mẹ dành cho con, không những nó chỉ ngọt ngào trên văn tự, ý lời mà còn hàm chứa tất cả những tấm lòng, bao trọn một trái tim, đầy máu huyết và trọn vẹn sự hy sinh. Cho nên, chúng ta thấy rằng lời ru của Mẹ, dù bất cứ nơi đâu, bất cứ ở thời gian nào, khi tình cờ hay vô tình, hoặc cố ý nghe được đâu đó, tiếng ngân nga lời ru ấy, thì trái tim của mỗi con người bỗng dưng thổn thức và lắng đọng nhớ về những quá khứ xa xôi mà cảm thấy lòng mình luôn luôn thiếu vắng, canh cánh nỗi hoài vọng nhớ thương, khó có điều gì có thể bù đắp.

Ngày xưa, trước năm 1975, tôi có xem một vở kịch mang tựa đề: Lá Sầu Riêng. Nội dung vở kịch viết rất hay, kịch bản đầy ý tứ và chứa đựng dạt dào tình cảm, được diễn xuất với những giọng ca ngọt ngào tài ba, dàn dựng công phu, hoành tráng, nhưng cảm động và hay nhất có lẽ là thế này. Nghệ sĩ ưu tú Kim Cương nói: Tại sao lúc còn nhỏ mẹ chỉ cho con một cây kẹo mà con quấn quýt bên mẹ suốt cả ngày không muốn rời xa, còn bây giờ con lớn khôn rồi, mẹ đã cho con cả cuộc đời của mẹ mà con vẫn chối từ. Nghe câu nói này của Nghệ sĩ Kim cương, mặt dầu chỉ là trên sàn diễn, nhưng thật hư hư thật như giữa cuộc đời, cả rạp hát đông nghẹt người thưởng lãm, ai nấy đều im lặng cảm xúc dâng trào, nước mắt đầm đìa, đổ lệ. Mọi người trong rạp hát có cùng một nỗi niềm, thế thì không gian bỗng nhiên yên lặng và chỉ nghe tiếng thổn thức liên hồi từ trái tim nhỏ bé. Vậy, mới biết rằng ngôn ngữ loài người không nói được lên lời khi trái tim dạt dào tình yêu của Mẹ. Và như vậy, trí óc tôi nhớ mãi câu này theo năm tháng.

Thật vậy, tình mẫu tử bao la vô cùng tận, ai cũng đã từng làm con và ai cũng đã từng trải qua làm Mẹ mới biết rằng tình yêu và lời ru đó bất tận, nó vượt không gian bờ bến, nó vượt thời gian giới hạn chi phối. Sự hy sinh của Mẹ đã hình thành nên hoa trái yêu thương, không nhân cũng không quả, có cho chứ chưa hề nhận lại. Sự hy sinh của mẹ vượt qua thời gian thì lời ru của mẹ vĩnh cửu miên viễn, sẽ không còn bài hát nào hay hơn những lời tâm tình chứa đựng toàn bộ tâm khảm của Mẹ, diễn tả hết toàn diện một trái tim bao la nhân hậu. Những bài hát, những lời ru vượt thời gian và sâu đậm nhất là những lời ca chứa đựng tình yêu thươnghiện tạimuôn vàn điểm tựa ở tương lai, chỉ khi nào con người ra đi vĩnh viễn thì những lời ru ấy mới chấm dứt sứ mệnh của nó, như những người lái đò âm thầm đưa mọi người sang sông.

Mẹ đã cho con cuộc đời thì không còn gì để nói, còn những người làm con có nhận thấy được điều đó hay không, hoặc chối từ tình thương của Mẹ, thì bổn phận làm con tự mỗi người phải biết, nhưng bản thân mẹ thì không có sự hy sinh nào mà đòi hỏi phải có sự trả ơn. Thế mới biết, bao nhiêu đắng cay giữa cuộc đời Mẹ đã nhận hết và chỉ mong muốn một điều con mình được nên người và có hạnh phúc giữa cuộc đời bao la.

Vậy ai đó đã từng từ chối sự hy sinh của mẹ, hay chưa nhận thấy được công ơn cao cả đó thì giờ này cũng là những phút giây để tỉnh ngộ, rằng Mẹ chưa bao giờ bỏ đàn con mà chỉ có những người con bỏ mẹ ra đi.

 

 


TẢO MỘ

 

Khác với mọi khi, sáng hôm nay Bà chuẩn bị đi chợ rất sớm. Nói là rất sớm, nhưng cũng đã gần chín giờ, thay vì mỗi ngày Bà ta có thói quen đi chợ khi mặt trời lên hẳn trên cao và các gian hàng trong siêu thị phải sắp đặt đâu vào đó, xét ra cũng đã gần đến trưa. Không biết Bà muốn mua cái gì, nhưng một vài người quen đi chợ thấy Bà cứ đi tới lui suốt vòng ngoài của siêu thị, rồi đứng lại, ngắm nhìn nơi khu vực đặt những chậu bông hoa đẹp bày bán. Nhìn ngó, rồi đi ra vào, như chưa có cái gì vừa ý để bà quyết định mua cả, mỏi chân thì Bà đến ghế ngồi. Nói đến hoa ở xứ lạnh thì quá tuyệt, khó có thể diễn tả hết cảm nhận những gì thiên nhiên ban tặng, nhất là vào mùa hè khi thời tiết có nhiệt độ ấm, ôn hòa, bông hoa màu nào thì ra màu đó, không pha lẫn tạp sắc, hoại sắc, nhiều lúc thoạt nhìn khó phân biệt đâu là hoa giả là thật.

*

* *

Ô hay! Bà vẫn đang chờ xem cô gái chăm sóc gian hàng hoa quả có còn mang những giỏ hoa đẹp ra nữa hay không. Cô ta đi tới lui, tưới nước, sửa cây này tỉa nhánh kia, chuyển chỗ chậu nọ, sắp đặt, nhặt lá vàng, vuốt ve những nhánh hoa yếu ớt, nâng đỡ những cành lá bị lấn áp, đè bẹp, để có được một vườn hoa chậu xinh đẹp, bắt mắt khách hàng, và những người yêu quý hoa. Theo kinh nghiệm của Bà, những chậu, lẵng hoa đẹp thường thì họ đem ra rất muộn, muốn mua hoa đẹp phải biết chờ đợi và kiên nhẫn ngắm nhìn, cẩn thận, lựa chọn mới có được, chút kinh nghiệm thế thôi chứ bà chẳng có hiểu đôi mắt thẩm mỹ là thế nào, hay năng khiếu nghệ thuật gì cả.

*

* *

Bà mua hoa để đi tảo mộ. Một thói quen và tập tục của người Việt Nam, nhất là người Việt gốc Hoa, mặc dầu bà hiện nay không còn sống ở quê nhà nữa, nhưng đến đâu thì phải nhập gia tùy tục, thói quen tìm cái gì đó trông giống như mình là thói quen muôn thưở của con người, như họ đang tìm lại một quá khứ xa xôi nào đó, rơi động trong kí ức và sâu lắng trong chiều sâu tâm khảm. Ở quê nhà ngày tảo mộ thường là cuối năm, hoặc vào tháng thanh minh rơi trong những ngày tháng ba hoặc tháng hai âm lịch, không nhất định ngày nào, muốn biết thì cứ theo dõi lịch, khi khí trời còn ấm áp tiết xuân. Trong những này, mọi người rủ nhau đi tảo mộ của Ông Bà nhiều thế hệ, cha mẹ và những người thân đã quá vãng, coi như là một cử chỉ chăm sóc ngôi nhà của người thân, một ý nghĩa sâu xa nữa là sự biết ơn và tỏ lòng thương yêu trân quý, một ý nghĩa khác là một sự tiếp nối của quá khứhiện tại.

Phương tây có ngày tảo mộ nhưng rơi vào tháng 11 mỗi năm. Mọi người đều tranh thủ dành ngày nghỉ để đi tảo mộ, phần lớn là những người đứng tuổi về hưu. Hình như người già họ sống thiên về quá khứ nhiều hơn, tâm trí của họ nhớ những chuyện đã qua nhanh hơn, là những gì sẽ thấy và đang thấy, thế mới biết người lớn tuổi họ nói về quá khứ hay hơn là hiện tại. Nếu có người trẻ tuổi đi cùng thì đó cũng chỉ là cử chỉ nối tiếp, ban ân huệ do sự nhờ vả của người khác, chứ không phải tâm niệm hiếu thảo đến ông bà cha mẹ. Người phương tây họ đi tảo mộ không phải ồn ào như mình, nghĩa trang đối với họ cũng là nơi chốn thiêng liêng, để cầu nguyện, là nơi cần phải gìn giữ và bảo quản, sạch đẹp. Nói đến đây, tưởng nhớ lại nghĩa trang của chúng ta thật là một nơi chốn hỗn tạp, là nơi xả rác đúng nghĩa, mặc dầu ai cũng muốn ngôi nhà của người thân mình nằm đó luôn sạch đẹp, nhưng họ không thắng nổi bản tính cẩu thả, thiếu cẩn trọng và hiểu rằng đó cũng là nơi chốn cần phải tôn nghiêm.

*

* *

Bó hoa, hộp đèn cầy, và một thỏi socola, vài quả táo, lê cằm trên tay, Bà lặng lẽ đặt trước phần mộ của người thân, và im lặng. Thay gì, Bà phải nhổ cỏ, vun đất, và lượm rác như một thói quen đã làm từ lâu, nơi đây bà không cần làm gì thêm, vì nó đã quá sạch, công việc đó dành cho những người phụ trách, trông coi nghĩa trang. Bà cũng tò mò xem, những người đi tảo mộ họ có làm gì không, để làm theo, vì trong tâm trí của bà hình như còn thiếu cái gì đó thật là quan trọng. Sự tĩnh lặng của không gian nghĩa trang, sự kính cẩn đến mức im lặng của người đi tảo mộ đã làm cho mọi ký ức của bà dừng lại, không cho phépsuy nghĩ miên man.

Hình bóng người nằm dưới lòng đất sâu đã gần mười năm rồi, bắt đầu hiện hữu trong ký ức. Mặc dầu, bà vẫn thường xuyên đến thăm và đốt hương chứ không phải chỉ đến ngày tảo mộ. Nhưng hôm nay khác biệt lạ thường. Nỗi đau của bà được tăng lên, tăng lên với bao nhiêu tâm niệm khác của tất cả mọi người cùng đến đây, hội tụ lại. Những ngày kia, là những ngày đi đến theo thói quen và đến vì thương nhớ con, còn hôm nay là một lễ hội. Có thể nói không gian của lễ hội, đã làm cho ký ức của bà trở về từ muôn kiếp. Hình bóng người con trai út cứ diễn ra, nào nụ cười, tiếng nói, những lúc vui đùa, những ngày bệnh tật, hầu hết sở thíchtính nết của con bà được hiện hữu mồn một trong ký ức. Từ ngày dắt nó trên tay, lăn lộn qua xứ người, chăm sóc nó mỗi ngày hai bữa, để nó đến trường, trong dõi theo nó khi nó xách cặp ra khỏi nhà. Thế mà, bây giờ, bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hy vọng dành cho nó, đều chôn nhau dưới nắm mồ lạnh buốt này, thì có nỗi đau nào đau hơn nữa không.

Sự yên tĩnh lặng lẽ của nghĩa trang, cộng với sự im lặng của tâm trí và nỗi đau, nó trở nên khúc khuỷu, và biến thành những giọt nước mắt trôi lăn trên má của bà. Những giọt nước mắt của người Mẹ, khóc con cũng da diết và buồn thảm làm sao, nó nặng hơn và tức tưởi hơn những tiếng khóc của trẻ thơ than khóc khi buồn xa vắng Mẹ. Đôi tay gày guộc, rung mạnh khi bà lần tìm chiếc khăn nhỏ trong túi áo để che dấu nỗi xót xa của mình, khó có thể chia xẻ cùng ai. Ai có thể hiểu và đồng cảm nỗi đau này, và nhất là có ai hiểu được tình thương của Mẹ dành cho con.

*

* *

Mỗi khi chùa có lễ vào ngày chủ nhật, Bà là người thường xuyên đến trễ, ban đầu mọi người còn thắc mắc, về sau thì ai cũng biết, Bà phải đi thắp nhang cho con Bà, sợ nó nằm một mình lạnh lẽo, do đó chuyện Bà đi đến chùa trễ thét hồi là chuyện bình thường. Câu chuyện mà Bà có thể kể thường xuyên với mọi người không gì khác, chỉ xung quanh chuyện đứa con đã chết của Bà. Mới đầu thì mọi người còn hỏi han, chia sẻ, về sau ai cũng im lặng, vì không ai muốn khơi lại nỗi đau của Bà. Thế mới biết Bà thương con đến chừng nào, và tình mẹ bao la thế giới hạn hẹp khó có thể diễn tả hết nỗi.

đau khổ lắm, nghe đâu thời gian con Bà mới mất, bà như người điên dại, khóc cười khó hiểu. Ai an ủi vỗ về cũng khó làm cho tâm trí của Bà ngây ngủi. Nhớ có lần, một vị Thầy chủ giảng cho buổi lễ Vu lan. Thầy giảng pháp ca ngợi về tình cha nghĩa mẹ, nhắc nhỡ mọi người tưởng nhớ đến ân đức sâu dày của hai đấng sanh thành, và nghĩa hiếu của người con. Bổng nhiên bà òa khóc, Thầy tưởng đâu bà nhớ đến Cha mẹ, hỏi thăm mới biết rằng Bà còn cha mẹquê nhà. Bà chỉ nhớ con!

Nhân đó, Thầy kể cho Bà nghe về câu chuyện trong quá khứ, có một người Mẹ như thế vào thời đức Phật còn tại thế: “Người Mẹ đó cũng điên dại khi đứa con cưng của Bà không may qua đời, khóc than luôn ngày lẫn đêm. Đức Phật dùng phương tiện thiện xảo, khuyến dụ Bà đi tìm một ngôi nhà nào mà không có người chết, xin cho Ngài một nắm đất, rồi mang về, để Ngài làm phép cho Bà con Bà sống dậy. Bà liền nghe theo đi tìm khắp nơi, không có nhà nào lại không có người chết. Nhân đó, đức Phật nói cho Bà nghe về sanh lão bệnh tử, đó là những sự thật của cuộc đời, con người không ai tránh khỏi điều này, vô thường sống chết, còn mất là sự thật đau khổ, người đã mất thì không thể than khóc mãi rồi người đó có thể sống lại được, hãy nên làm một việc gì đó để người chết có được ích lợithanh thản hóa kiếp”. Câu chuyện Thầy kể xong, bà nghe rồi im lặng, hết khóc, nhưng không biết bà nghĩ ra được điều gì.

*

* *

Sau buổi giảng, mọi người trở về nhà kết thúc một ngày tu học tại chùa, tâm thái được thấm nhuần an lạc, đạo lý tình người dạt dào được soi sáng tâm can. Riêng bà, đoạn đường phía trước đi về thật là mênh môngcô đơn quá, cái lạnh của mùa tuyết đông càng lạnh hơn khi ngôi nhà vắng tanh, không có tiếng nói cười của những người con khi cha mẹ ở tuổi xế chiều. Mới biết rằng người già họ có cần gì đâu, mong muốn gì cao siêu nữa. Chỉ mong rằng trái tim được sưởi ấm bởi lòng hiếu thảo và nhớ nghĩ đến cha mẹ của những người con.

Con đường mòn đi ngang qua cánh rừng yên tĩnh, mùa thu lá vẫn rơi, đông đến cây yên giấc, hè sang trăm hoa trổ cánh, ngôi nhà nguyện im lìm trong một góc nhỏ ven rừng luôn mong chờ những tâm hồn đang cần sưởi ấm, trấn tĩnh, bảng chỉ dẫn đường đến nghĩa trang vẫn là lối đi nẻo về thường ngày của bà, nếu không đến thì sự thiếu thốn và trống vắng tràn ngập trong trái tim người Mẹ. Nỗi thiếu vắng khi mất con, đến khi nào được phủ lấp, mặc dầu lễ hội đã đi qua, mới biết rằng: “Mẹ già hơn trăm tuổi vẫn thương con tám mươi. Ân ái có đoạn chăng, chỉ hơi thở cuối cùng”.

 


KHÚC RUỘT CỦA MẸ

 

Cách đây hơn hai mươi năm, ba mẹ con của họ dẫn nhau đến Thuỵ Sĩ, không biết họ tới đây tỵ nạn trong hoàn cảnh nào, có gặp hoạn nạn trên đường đi hay không, những dấu ấn trong cuộc đời tha phương của họ có tan thương dàn dụa, hay ngọt ngào, như bao nhiêu hoàn cảnh của đoàn người tị nạn khác. Nhưng bây giờ thì họ đã hòa nhập với đời sống mới, bà Mẹ thì đã già đi theo năm tháng, người con gái thì có gia thất sanh con đẻ cái, người con trai thì vẫn đơn côi một mình một bóng, giữa bình minh và cũng giữa đêm tàn. Bà mẹ thì càng thấm thía với thời gian hơn, vì con bà càng lớn nỗi lo càng nhiều, rồi nỗi quạnh hiu cũng lắm, âu cũng là một đời người trong kiếp tang bồng, làm mẹ và làm con, ở cái xứ người giàu tiền lắm của mà cũng quá nghèo nàn tình thương.

Cứ mỗi ngày thấy thằng con trai đi về trong im lặng, nó chẳng nói tiếng nào, nó không vui và không hăng say như thưở nó mới lớn, là bà Mẹ thấy buồn, nó cũng có nhiều bạn bè đấy chứ, nó đi học tại Kantonschule. Ai mà vào được trường này cũng đâu phải đơn giản, cũng phải có khả năng và có điều kiện lắm mới vào được, nhất là những người thuộc diện tị nạn và Châu Á, nếu không có chí học hành, không đủ chỉ số thông minh thì chỉ học hết lớp chín thì phải đi học nghề, để tìm được cái nghề, rồi kiếm sống. Chắc là cuộc đời nó thay đổi, thay đổi theo cái kiểu mà người ta gọi là tuổi dậy thì mới lớn, hay trưởng thành gì đó, nói chung là khó hiểu, vì nó có nói gì đâu, không khéo hỏi nó thì thêm bực mình, nó mắng cho, chỉ biết giúp nó được gì thì giúp, lo cho nó hai bữa cơm để nó đi học cho đàng hoàng là tốt rồi, bà Mẹ nghĩ vậy.

Bà chỉ nghĩ được vậy thôi, vì thế giới này hình như không hạnh phúc lắm cho người già, người già khổ lắm, không biết tiếng, không giao thiệp rộng rãi, không có nhiều phương tiện đi tới lui. Muốn gặp được người Việt Nam, người thân quen thì phải đến chùa, hay đến nhà thờ vào mỗi chiều thứ bảy và chủ nhật tùy theo tín ngưỡng, trong thời gian đó cũng không có nhiều thời gian để nói hết chuyện, tới chùa mà nói chuyện thế gian nhiều quá cũng không được, không khéo thì mang tiếng nhiều chuyện, ồn ào, nói cũng phải cẩn trọng, ý tứ cứ nói thoải mái như ngoài đường thì không được, nên cũng hạn chế thôi. Hơn nữa, đời sống xứ người, con người văn minh lịch sự giàu có, khoa học hiện đại, thì người già càng mù tịt chẳng biết cái gì nữa, mua cái vé xe buýt đi nhiều lúc cũng chẳng biết mô tê, chỉ biết sống nhờ cho qua ngày với công việc lặt vặt, xin làm được gì thì làm, cho khỏi mang cái nghiệp ăn không ngồi rồi là được, và cũng giữ được một chút thể diện cá nhân lặt vặt khỏi phải mang tiếng ăn bám vào xã hội.

Có ai gặp người Mẹ hỏi thăm thằng con trai bà lúc này thế nào, nó có nghề nghiệp gì chưa, có vợ có con gì không, nó có thường về thăm bà không? Bà ngậm ngùi trả lời! Nó đang học nghề không muốn học lên đại học, nó bảo rằng học lên cao quá càng khó kiếm việc làm, chẳng ai thuê cái thằng có bằng cấp học vấn cao làm gì để trả lương chẳng kinh tế chút nào. Vừa có sức mạnh và vừa có được nghề là được gì, và vậy nó chẳng thèm học cao, và mỗi ngày nó tập thể hình, bây giờ trong nó giống tây lắm, cao to và khỏe nữa, nhưng nổi khổ nó ù ù, lì lì chẳng biết ra làm sao.

*

* *

Ai đó không biết, bảo rằng thôi bà coi kiếm vợ cho nó đi, con trai bên này mà không có vợ con chắc là nó buồn, không khéo nó đi chơi hoang, bài bạc, rượu chè, thì chết nữa. Cái xứ này, thì đâu có làm như vậy được, nó muốn có vợ thì tự nó đi tìm, rồi mình cứ việc đồng ý gả là xong, chứ có muốn và không muốn đâu có được, trên mười tám tuổi rồi thì nó tự quyết định mà. Nói vậy chứ, Bà Mẹ cũng suy nghĩ miên man.

Về Việt Nam, về lại nơi xóm làng của mình ngày trước, ngoài việc đi thăm nơi chôn cất Ông bà tổ tiên, thăm bà con họ hàng. Việc nữa cũng thăm dò thăm cẳng coi thử có đứa con gái của người đó trong xóm làng, nhìn được thì hỏi thăm cho thằng con, coi như là duyên và nợ của nó, nhưng mình làm mẹ cũng phải tạo cho nó cái duyên này, may ra gặp được thì cũng là phúc vì trọn cái bổn phận làm cha mẹ, gả vợ gả chồng cho con cái, cũng là hoàn thành lời hứa của mình với Cha nó khi ông sắp hấp hối, em nhớ nuôi con và giáo dưỡng nó. Miên man suy nghĩ, bà lấy khăn tay trong túi, chậm vài giọt nước mắt nhè nhẹ rơi trên gò má nhăn nheo, chứa đựng niềm xót xa tận cùng của kiếp người.

Gọi điện hỏi thăm thằng con trai, thấy nó trả lời cộc lốc, con khỏe, bà đi về Việt Nam vui không. Khi nào con rảnh thì đến thăm Mẹ, đây là câu nói luôn thường nghe mỗi khi gặp con trên điện thoại. Thét rồi bà cũng quen, con cái xứ này hầu hết là vậy, khi nào thì khi nào, chỉ là dài cổ mà thôi. Người xưa người ta thường nói, đợi chờ một điều gì đó như trong đợi Mẹ đi chợ về, nghĩ mà thiết tha tình Mẹ làm sao, con luôn luôn khát khao được ở bên mẹ, trông đợi từng giờ, ở đây thì ngược lại, trông đợi con cái như trông đợi ông bà tổ tiên đã quá vãng trở về. Chuyện vợ con của nó, tự nhiên quên mất tiêu, không muốn nói ra lúc này. Nhưng bà vẫn sung sướng lân lân và đang nuôi hy vọng là mình đã tìm cho nó được người bạn đời, chỉ cần nó đồng ý thì là tốt rồi, xong ý nguyện.

Bà nhờ những người quen biết, rành chuyện xã hội bên này làm giúp cho một tờ giấy bảo lãnh một nguời con gái từ Việt Nam sang, và rất vui nói với mọi người rằng con dâu tương lai. Ai trong cộng đồng người Việt, nhất là những người thân của bà, đều biết chuyện này, có người rất vui và chia xẻ với bà, người thì cười cho thằng con trai mắc dịch, không biết phận nam nhi, nhưng bà thì chẳng cần thị phi, miễn sao con mình vui là được.

Một cô gái từ Việt Nam sang, nhìn bề ngoài thì đẹp ra phách, gái mới lớn, ở quê sông cửu long phì nhiêu, ai nhìn vào cũng đánh giá hiền lành, chất phác và mặn mà như cát phù sa bên bờ sông hậu. Cô gái biết rất rõ trách nhiệm của mình, sang nước ngoài chuyến này là để nhìn mặt chồng tương lai và để chồng tương lai nhìn mặt, chứ không có một ý định hay cơ hội nào khác, có thể ở lại nước ngoài. Như vậy, thế chủ động để lấy được cảm tình của người con trai phải nắm chắc trong tay cô gái này, có thể nói phải dùng hết tất cả công lực, dùng hết tất cả những bình sinh hơi thở để làm việc này, mặc dầu chưa biết có thành công hay không, người con trai xa lạđồng ý mình hay không, và có chấp nhận thành thân với mình, dĩ nhiên là tình yêu chưa có một chút lửa nào cả, đây cũng là lẽ thường đối với những cô gái ngày xưa ở quê, cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đó, chưa yêu thì tư từ sẽ yêu, có con rồi sẽ yêu thương nhau không muộn, nhưng phần lớn họ cũng sống với nhau đến răng long tóc bạc đấy chứ, con cái đùm đề, mặc dầu rất là cổ hữu với tuổi trẻ hôm nay, chắc có lẽ nhu cầu và lý lẽ tình yêu họ ít, hay là tình yêu với họ không so đo tính toán lắm.

Ngày đầu tiên, thằng con trai rất ngạc nhiên trong nhà mình có một người con gái, chẳng phải là người thân, chỉ là quen biết với Mẹ mà thôi. Nó chẳng cần phải biết cô gái này đến từ đâu và ở với Mẹ mình khi nào, chỉ biết là nó vừa gặp, và trong lúc này, nó cũng chẳng có ý niệmlý do cô gái này xuất hiện trong nhà mình. Và chắc là vô tâm như vậy, nó cũng qua loa cho khoảng thời gian nó về thăm mẹ, nó cũng có dịp đi ngay vì Mẹ nó cũng đã có người tâm sự.

Rồi nhiều lần, nó lại trở về, lúc này thì nó về thường hơn, nó nghe mọi người xầm xì, bản chất tò mò trong con ngườibộc phát rõ rệt, nhưng chuyện này cũng đáng tò mò lắm chứ, nhất là chuyện đời của nó. Nhưng rõ ràng nó chẳng có chút quan tâm nào về vấn đề này, vì nó chưa bao giờý tưởng lấy vợ khi nó đang còn quá trẻ, con trai bên xứ này là vậy, không có ai muốn cột chân mình khi còn nhiều việc phải làm.

Rồi bà mẹ cũng phải nói thật thôi, nói một cách nghiêm túc, như đem hết ruột gan còn lại để nói chuyện với con. Sao mà khó khăn đến thế này nhỉ, nuôi nó đến hơn hai mươi tuổi đâu có khó khăn vậy đâu, vậy mà bây giờ nói chuyện cưới vợ cho nó lại thấy khó khăn thật sự. Nhưng rồi Mẹ nói: Cô gái này, Mẹ đem từ Việt Nam sang, chúng con tìm hiểu nhau đi, nếu hợp thì thành vợ chồng, bây giờ con đã lớn rồi, mà bên xứ này con gái lại ít, lấy gái tây thì chẳng hợp rồi khổ, nó nghe vậy đứng dậy đi một lèo, để lại một khoảng không nối dài. Bà Mẹ khuyên cô gái, chúng ta hảy kiên nhẫn dừng buồn và hãy kiên nhẫn chờ đợi kết quả như chúng ta đang kéo gỗ để tìm lửa vậy.

Thời gian rồi thời gian, nó đến và nó đi, nó về rồi nó ngủ, thằng con trai vẫn như ngày nào, không phản ứng những trái ngang trong nhà, không nhắc đến chuyện vợ chồng, xem sự hiện diện của cô gái chỉ là để cho Mẹ vui, không thay đổi tính tình và sự im lặng đáng sợ của nó, lâu lâu chắc là nó trở về con người thật của nó, nên cũng thỉnh thoảng đưa cô gái đi chợ và dạo phố. Nó cũng đáng yêu đấy chứ, cũng mạnh mẽ đầy nam tính, nhất là nó cũng thông minh và đầy cảm xúc, không như bề ngoài của nó làm cho người khác hiểu lầm. Đi bên nó, cô gái thấy ấm áp, và dễ dàng thân thiện. Tình yêu đã bắt đầu chớm nở trong lòng cô ta, nhưng đối với nó thì thật là khó hiểu.

Nó báo cho Mẹ nó biết rằng, nó sẽ về dùng cơm tối và nói chuyện với Mẹ cuối tuần. Nghe tin vậy, lòng bà mẹ vui ra mặt, chuyện nó về nhà thì cũng đâu có gì đặc biệt, nhưng hôm nay lại khác hẳn, bà mẹ nghĩ rằng nó đã đồng ý, vì bà ta cũng có theo dõi đấy mà. Bà cũng vui những lúc hai đứa dẫn nhau đi chơi. Cô gái cũng vui lây, vì ít nhiều hôm nay cũng có kết quả cho thân phận con gái mười hai bến nước của mình.

Nó về không những một mình, lại còn mời thêm cả Chị Hai và anh rể của nó nữa, coi như là cả nhà sum họp, và có được một ngày vui trong gia đình. Mẹ nó thì mừng toát lên vì ít nhiều bà hy vọng có thêm được lời nói vào vẫn tốt hơn, nó cũng vui vẻ hẳn ra, chắc là nó đã có quyết định làm cho tinh thần nó nhẹ nhàng hơn.

Ăn cơm xong, chẳng kịp dọn dẹp bàn ăn, nó trịnh trọng đứng lên tuyên bố một cách đàng hoàng, làm như là từ trước đến giờ nó chưa có ngày nào được nói như hôm nay.

Nó bảo:

Mẹ à! con không có thể lấy vợ bây giờ. Con cần có nhiều thời gian để tự tin hơn, và để xây dựng sự nghiệp, cuộc đời của con. Con chỉ nói vậy để Mẹ, Anh Chị và cô bạn từ Việt Nam sang hiểu được ý con, và như vậy là con hết lời.

Nó lại nói thêm:

Tôi chỉ mong rằng Mẹ và mọi người hiểu cho, đừng có lãng phí thời gian, tâm trí vào những chuyện hệ trọng này vô ích. Hắn cũng không quên xoay sang hướng cô gái nói lời trịnh trọng chứa đựng đầy thân thiện, ngay từ giờ phút này chúng ta xem như là những người đã quen biết, và là những người bạn tốt.

Coi như là một gánh nặng trong lòng của nó lâu nay như đã được tháo gỡ, giống như vừa mới cắt một cục thịt dư trên thân thể bỏ đi và nó chẳng bao giờ luyến tiếc những dư thừa đó. Người mẹ, thì lặng yên, tim của bà như ngưng động, gánh nặng lại chồng chất lên tấm thân già. Bữa tiệc tàn trong một niềm đau xót còn trải dài phía trước, như cuộc đời của Mẹ đã dầm nắng dãi mưa theo con từng bước chân. Người con gái từ Việt Nam sang đáng thương từ giờ phút đó đã trở thành đứa con gái nuôi của Mẹ, với một chút bùi ngùi rơi lệ. Mẹ lại đi tìm mối để gả con gái nuôi của Mẹ.

*

* *

Từ ngày đó, nó đi mãi không biết là nó đã đi đâu, ở phương nào, chẳng biết đường trở về cố quận, nó cũng không mấy lần về thăm mẹ, chỉ thỉnh thoảng gọi điện thăm hỏi. Mẹ nó đã già đi và bệnh hoạn theo tuổi tác, bà ta được những người đỡ đầu gửi vào trong một viện dưỡng lão, để được chăm sóc kỹ lưỡng hơn. Có người nghe đâu nó bị bệnh nặng, có lúc phải đưa vào bệnh viện, với nhiều lý do vớ vẩn. Nó bị thất tình lục dục, cô gái nào đó đã phản bội tình cảm nó dành cho, rồi nó mỗi ngày càng nặng hơn. Có người tới thăm mẹ nó kể với bà rằng lúc này nó tửng tửng làm sao, nói lảm nhảm một mình lúc say lúc tỉnh chẳng biết thế nào mà mò và có thể hiểu được nó. Tóc tai nó để bù xù chẳng giống ai cả, không giống nó như ngày nào, như một người mất hồn. Lòng mẹ lại thắt lên như khúc ruột của mình bị thôi hóa trầm trọng. Đúng như vậy, nó được đưa vào nhà thương điên trầm trọng, qua một sự cốva chạm với người chủ hãng bị đuổi việc, rồi tranh cãi với những người hàng xóm. Vậy là tin đồn về nó càng trở thành sự thật, gia đình lại thêm một gánh nặng, Mẹ nó thì ruột gan càng tím bầm hơn nữa. Nhưng làm sao để cứu con mình đây, cái nghiệp của con người ai làm nấy chịu, mà nhất là cái khổ trầm kha của thất tình lục dục, bản chất của nó càng khó chữa trị nữa chứ. Người Mẹ, chỉ ngày đêm mong ngóng đợi tin con.

Cũng có lúc nó về thăm mẹ nó tại viện dưỡng lão, Mẹ con gặp nhau chẳng nói được điều gì, thân hình nó chẳng giống thằng con yêu quý ngày nào, tới gần mẹ mà tâm trí của nó chẳng mấy tỉnh táo, cũng nói xàm nói gở. Mẹ lãng trí, con lãng thần đành phải ngậm ngùi nhìn nhau rơi hang nước mắt. Nó nói sàm như mấy người đồng bóng, riết hồi nhân viên viện dưỡng lão cũng không còn tin cậy gì đến người con trai khi mẹ nó đau nặng, trở trời, họ chỉ nhờ cậy vào sự an tâm của hội đoàn Phật giáo, nhờ sự giúp đỡ của quý Thầy an ủi cho bà Cụ.

Có lúc mọi người đang ở tại phòng của Mẹ nó nói chuyện thì nghe tiếng ồn ào bên ngoài, khi ra mới biết là nó đang kình cãi với những người nhân viên và bác sĩ viện dưỡng lão. Nó không muốn ai tới thăm mẹ nó, nó bảo với nhân viên dưỡng lão rằng ai đến thăm Mẹ nó thì phải cho nó biết và phải có quyết định của nó. Nghe ra cũng buồn cười thật, làm những người muốn thăm Mẹ nó cũng phải động lòng và cũng không muốn phiền phức lấy mình, đành hạn chế đến thăm bà Cụ. Mẹ nó đã cô đơn, một mình trong viện dưỡng lão chẳng biết tiếng tăm và chẳng biết nói chuyện với ai, chẳng biết nói với ai hiểu mình đang cần gì và đang đau cái gì, lại càng cô đơn hơn nữa khi nó cấm mọi người tới thăm bà Cụ.

*

* *

Ở cái xứ mà ai cũng bận rộn, ai cũng đầu tắt mặt tối đi làm, chỉ có thời gian rảnh rỗi vào những ngày cuối tuần, họ còn phải lo cho công việc riêng tư nên cũng không mấy ai rảnh rỗi để đến thăm bà Cụ, nên bà cô đơn lắm, lại nỗi cô đơn nhớ con lo cháu, sức khỏe của bà yếu đi thật, yếu thật nhanh như một chiếc lá vừa xanh, nhưng cũng chóng úa vàng. Bà đã qua đời lặng lẽ trong một chiều đầu thu se lạnh bên cạnh một người già Thuỵ Sĩ, chân bước đi chậm chạp vừa chỉ tới được để gọi nhân viện dưỡng lão.

Đám tang của mẹ nó cũng được sắp đặt theo phương cách của xã hội hiện tại, bỏ vào phòng lạnh, và chuẩn bị vài thủ tục để thiêu hỏa. Rất may, bà ta cũng được sự hộ niệm của chư Tăng trong giờ phút cuối cùng của đời người, và một vài người bạn thương cảm với vừa nghe tin, con gái của bà cũng ngậm ngùi trong nước mắt, nhưng cũng khá bình tĩnh để sắp đặt mọi việc, con gái nuôi cũng vừa đến kịp, để tiễn đưa một người mẹ thứ hai trong thời gian thật ngắn ngủi.

Sáng ngày chuẩn bị làm lễ thiêu hỏa cụ bà, chỉ không quá người đến để tiển đưa bà ta, ai cũng thấy một người thanh niên trang phục một cách sặc sỡ và đáng sợ, không nhiều người nhận ra đó là con trai bà, và chẳng mấy ai để ý. Nhưng khi thỉnh thoảng thấy người đàn ông đó đến bên xác bà già lấy tay để trên ngực, hình như xem thử có còn hơi ấm hay không, với những hành động gây chú ý nhiều người thì lúc ấy mọi người mới nhận ra rằng, đó là con trai duy nhất của bà ta. Thật là tội nghiệp cho cả Mẹ lẫn con. Nó đang làm gì vậy? Tìm lại hơi ấm chăng? Hay là nó vẫn còn tin mẹ nó đang ngủ chưa chết. chưa thật sự chết, hay nó cũng biết ít nhiều về lời Phật dạy xem thử Mẹ nó sẽ trút hết hơi ấm vào điểm nào để biết được Mẹ nó sẽ thác sanh vào đâu. Nó chạy tới chạy lui, lúc này thì mới thấy Mẹ nó tỉnh ra, và mới biết rằng nó cũng thương Mẹ nó lắm chứ, chẳng phải như người ta đồn đại, nó là thằng con bất hiếu, suốt ngày liêu lỏng. Nó chẳng nói ai lời nào, cũng chẳng cần hỏi thăm, chào ai cả, bất kể đó là người già người trẻ, cả đại đức hay hội trưởng gì hết, nó chỉ biết chỉ có Mẹ và xác Mẹ lạnh ngắt mà thôi. Nó lẩm bẩm cái gì đó, nó đi ra đi vào chẳng ai biết nó muốn gì, ai nhìn cũng phát sợ tránh xa, sợ nó gây chuyện bất tử. Có người lại lo lắng không biết là nó có để yên cho mọi người làm lễ kỳ siêu Mẹ nó không nữa.

*

* *

Không nó thật ngoan ngoãn, chẳng làm phiền ai. Nó chỉ gây sự khi Chị của nó vào để làm lễ, câu hỏi đầu tiên nó trách rằng tại sao không cho nó biết khi Mẹ nó chết. Mà nó thì đi đâu chẳng ai biết. Vậy mà nó chẳng trách lấy nó. Rồi nó lại trách Chị nó đã làm cho Mẹ nó chết, vì đã không nghe lời nó là để nó mang Mẹ về nhà nuôi thay vì để trong viện dưỡng lão. Mà chính nó thì lại thất thường, nhiều lúc Mẹ nó tưởng chừng đứng tim vì cái bệnh điên của nó trỗi dậy. Nó trách Chị nó cũng có lý lẽ đó chứ, vì có lần Mẹ nó bệnh vì ăn thứ gì trong viện dưỡng lão không phù hợp, nó nghe tin như vậy, từ đó nó đã biết nó sợ mất mẹ, nên cũng từ đó nó không muốn ai vào bên cạnh mẹ nó, và luôn cả Chị nó cũng thế. Cho nên tình yêu và nỗi sợ hãi mất mẹ của nó là động cơ Mẹ nó cô đơn không người đến thăm khi sống, không người đưa tiễn khi chết. Nhưng mẹ nó có biết được điều đó hay không, chắc là đã biết vì khúc ruột của Mẹ. Có lần thấy nó đối xử với mọi người như vậy, có người hỏi bác có nhớ đứa coi trai của bác hay không, bà Cụ trả lời trong niềm thương xót vô hạn. Nhớ lắm chứ. Nó thường đến đây lắm. Tình thương mẫu tử vượt qua suy nghĩ của con người. Khúc ruột của Mẹ dầu thế nào chăng nữa cũng là máu là mủ của Mẹ ra cả mà.

 

 


MẸ - VÀ MỘT CHUYẾN ĐI

 

Mẹ nghe Bà nói con sắp phải lấy chồng. Mẹ nghe và cũng nghe như thế. Mẹ đâu bao giờ nghĩ rằng lấy chồng là một việc rất hệ trọng, vì Mẹ nghĩ rằng con gái khi đến tuổi trưởng thành ai cũng phải lấy chồng. Mẹ không đi ra khỏi quy luật tự nhiên đó, vậy lấy chồng cũng là chuyện bình thường đối với Mẹ, và cũng như bao nhiêu người con gái khác sống giữa cuộc đời.

Ngày về nhà chồng, sống trong sự chung đụng với một hoàn cảnh mới, không đơn giản như đang ở nhà với Bà. Mẹ mới ngộ ra rằng, việc gia đình chồng con không như những gì Mẹ đã hiểu, có quá nhiều trọng trách lớn lao nằm gọn trong một thân thể con người nhỏ bé, như vừa làm vợ, làm con, làm em, làm chị và làm Mẹ. Làm Mẹ là công việc, công việc đặc biệt hết sức thiêng liêng, nặng nhọc. Thiêng liêng cho đến nỗi con người không thể diễn tả hết trọng trách này theo dòng ý thức của mình, do vậy, người xưa mới dành cho công việc làm Mẹ một vị trí hết sức trân trọng, và cũng thật khắc nghiệt đó là một thiên chức. Thiên chức làm Mẹ. Không phải người phụ nữ nào cũng có thể gìn giữ, và làm tròn trách nhiệm thiên chức cao quý ấy. Mẹ suy nghĩ như vậy và nói rằng đây là Một Chuyến Đi.

*

* *

Một chuyến ra đi dài đăng đẳng, đi cả một cuộc đời, và luôn cả nhiều đời sau nối tiếp. Nhưng chỉ hiểu được một đời thôi, thì đó cũng rất mênh mông, sâu thẳm, nặng trĩu hơn cả một chuyến tàu lịch sử chở người đi dân, nơi những chiến trường khốc liệt, đã làm thay đổi cả một giai đoạn lịch sử của một quốc gia, dân tộc, và đây là cả một đời người. Một chuyến đi, ra khỏi nhà, ra giữa biển đời đầy sóng gió và bão tố, trong đó ngày khó nhọc nhiều hơn giờ hạnh phúc. Mẹ tưởng nhớ lại, ngày nào ôm chăn gối và những đồ dùng cần thiết theo Bà để rời khỏi nhà tìm đường mưu sống, mặc dầu cũng mịt mù không biết phía trước là thế nào, nhưng cũng còn có con đường tự do. Nhưng, chuyến đi này, dù đã định hướng, dù đã được sắp đặt, được tiếp đón long trọng nhưng thật vô cùng gay go. Gay go không phải vì khổ nạn, nghèo đói, túng thiếu mà chính là không còn tự do, đồng nghĩa một chuyến đi bị trói buộc. Do đó đức Phật đã từng dạy: “Chúng sanh không có nỗi khổ sở nào bằng sự trói buộc của nghiệp lực”. Chuyến ra đi của Mẹ chính là sự bước lên chuyến tàu của nghiệp lực mới.

*

* *

Bổn phận làm một con người, làm một người vợ hiền, đảm đang, làm dâu hiếu thảo, làm người Mẹ tần tảo lo cho con và gia đình, không phải là một sự trói buộc khủng khiếp sao? Mẹ nhớ lại vào cái thời con gái, khi còn là một người độc thân, ăn chưa no lo chưa đến, thảnh thơi với suy nghĩ của mình. Mẹ thèm khát được tự do như ngày nào, giống như con thuyền cứ muốn rẽ sóng vượt trùng đại dương không có gì cản trở. Bây giờ, Mẹ cũng là một con thuyền, nhưng con thuyền không còn tự do, thênh thang trôi trên dòng sông vắng lặng, phải chuyên chở cả một cuộc sống, vừa là người cầm lái và cũng là người thuyền trưởng cần phải tài ba để lèo lái thuyền vượt biển đi trong bến bờ vô hạn, một chuyến đi chưa biết ngày chấm dứt, và đâu là bến đỗ an toàn, giống như người ta thường diễn tả thân phận con gái mười hai bến nước không biết bến nào đục, bến nào trong.

*

* *

Nghĩ đến như thế, Mẹ mới giật mình ra rằng chuyến đi này là một chuyến đi lịch sử nó chuyển tải một định mệnh. Chuyến đi lịch sử bởi từng ngày mới của Mẹ như là một trang sử. Những trang giấy được viết lên tất cả những sự kiện, một cách trân trọng và khách quan. Chuyến đi định mệnh vì cuộc ra đi của mẹ không chỉ hôm nay, hay một đời này mà mang cả một quá khứ xa xăm để hình thành trong cái gọi là hiện tại đầy đủ mọi duyên tố tạo thành một tương lai trong nhiều ước vọng. Chuyến đi của mẹ, không chỉ dành riêng cho Mẹ mà đó chính là tiếng nói đại diện của con người ai đã từng có mặt trong cuộc đời này. Nó không chỉ đơn thuần của một cá nhân nào mà đó là một sự hỗ tương, sự tương tục trong một kiếp sống. Phải chăng chuyến đi của Mẹ là hình ảnh, là tiếng nói chung cho tất cả mọi người sanh ra giữa cuộc đời.

*

* *

Mẹ đi ra khỏi nhà để đến với một môi trường mới, chính ra sự hiện hữu của một con người, một chúng sanh được thoát ra bởi một thai tạng. Thai tạng này là chơn như tự tánh hay vùng sâu của ô nhiễm, tất cả đều phụ thuộc vào ước vọng, khao khát hiện hữu của chúng sanh, hay từ nguyện lực thị hiện của một vị Bồ tát hóa thân để cứu giúp đời.

Con đường của Mẹ ra đi, bởi do một nguyên nhân đưa đẩy thì đó chính là biểu hiện của sự mất phương hướng hoàn toàn. Và ngược lại có sự lựa chọn của Mẹ thì đó là tín hiệu hướng thượngtrưởng thành từ một ý niệm tuyệt đối. Con đường đau khổ hay hạnh phúc trong chuyến đi của Mẹ, tất cả đều phụ thuộc bởi những ý niệm này. Nó vừa là một sự dĩ nhiên không lựa chọn, cứ để vòng quay của các sự ràng buộc tạo nên cuốn theo và vận động, hoặc là ý thức sẽ đi theo chiều ngược lại, để phá vỡ mọi trật tự được hình thành qua nhiều thế hệ như là một sự bùng nổ trong tâm thức để tháo gỡ mọi mắt xích trong con đường tìm kiếm tự dohạnh phúc.

Mẹ ý thức được rằng chuyến đi này sẽ là vô tận cả chiều rộng và chiều sâu trong ý nghĩa của nó, những gì đã có được hôm nay chính là nhân tố và kết quả của hôm qua và ngày mai. Đau khổ hay hạnh phúc cũng xuất phát từ ý niệm tương tác của vô số nội ngoại duyên. Niềm tin vào cuộc sống và niềm tin vào những sự sống xung quanh chính là yếu tố quan trọng để Mẹ thực hiện hoàn thành thiên chức của mình, thiên chức làm mẹ. Mẹ như đất; Mẹ là sự sống. Mẹ như đất chính là nơi dung chứa mọi cặn bã, tốt xấu. Mẹ là sự sống nghĩa là từ nơi đây tất cả đều trưởng thànhthành tựu, không có lựa chọn, không có phân biệt và không có ý niệm từ khước dù chỉ trong ý niệm.

*

* *

Sự bình anthanh thản để Mẹ thực hiện được thiên chức của mình và hoàn thành được một chuyến đi, chính là sự nhận thức nếu không có sự ràng buộc thì sẽ không có tự do, không có trách nhiệm trong mối tương duyên thì không có trật tự trưởng thành của một kiếp sống và không có đích đến của nó. Tựa như con người không thể thực hiện được lý tưởng của mình khi không có tác động của hoàn cảnh xung quanh và không có khát khao sáng tạo.

Lời nói của bà chính là động lực để mẹ thực hiện được những gì là sự thật lập lại và không bước ra khỏi nguyên lý của nó, nếu muốn thành tựu mọi sở nguyện trong cuộc sống. Chuyến đi của Mẹ là hình ảnh của con thuyền đi giữa đại dương bao la. Bến lái chính là niềm tin vững chắc vào những điều tốt đẹp từ cuộc sống mang lại.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
13/12/2016(Xem: 9825)
28/01/2017(Xem: 13018)
01/09/2015(Xem: 17457)
05/03/2014(Xem: 48225)
01/08/2014(Xem: 13847)
04/12/2012(Xem: 55827)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.