Chương V: Nghiệp Và Quả

27/09/201312:00 SA(Xem: 7285)
Chương V: Nghiệp Và Quả

CHÁNH KIẾN VÀ NGHIỆP 
Tác giả: Ledi Sayadaw và nhiều Tác giả khác 
Dịch giả: Pháp Thông

CHƯƠNG V:

NGHIỆP VÀ QUẢ

MỘT SỐ GIẢI THÍCH VỀ NGHIỆP - Ashin Janakabhivamsa

Nghiệp Là Gì?

Nghiệp có nghĩa là việc làm hay hành động. Nghiệp có ba loại: thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp. Bất cứ hành động nào bạn làm bằng chân hoặc tay là thân nghiệp. Chẳng hạn giết một chúng sinh, hoặc bố thí,v.v… Khẩu nghiệplời nói bạn thốt ra. Những lối sai khiến như “Hãy giết con vật đó” hoặc “Hãy để bát cho vị sư đó”, được xem là khẩu nghiệp. Các hình thức khác như hô hào, nói dối, thuyết pháp, đều nằm trong phạm trù này. Ý nghiệp là những ý nghĩ nảy sanh trong tâm bạn, nhưng thiếu thân hành hoặc khẩu hành. Những suy nghĩ xấu ác như là “Ồ, ước gì những tài sản của nó thuộc về ta nhỉ!” là ý nghiệp. Lòng trắc ẩn, bi mẫn, hoan hỷ, hành thiền cũng là những hình thức khác của ý nghiệp.

Ai Chịu Trách Nhiệm?

Ba hình thức của nghiệp - thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp - không tự động xảy ra được. Chẳng hạn, trong hành vi giết người, tay nắm lấy con dao, bắt buộc phải có một lực đẩy để con dao cắm vào nạn nhân. Cũng cái lực đẩy ấy làm bạn thốt ra lời nói. Trong lúc bạn đang ngủ, không có ý nghiệp nào nảy sinh mặc dù rất nhiều đơn vị tâm xuất hiện. Bởi thế, chúng ta đi đến kết luận rằng phải có một lực, lực này khác với tâm căn bản (tâm hữu phần cơ bản duy trì kiếp sống), và lực này là cái phải chịu trách nhiệm cho ba hành động kể trên. Tựa như trong mọi tội ác luôn phải có một thủ phạm, ở đây cũng vậy, phải có một thế lực hay một lực thúc đẩy ba hình thức của nghiệp.

Cetanā Là Kẻ Phải Chịu Trách Nhiệm,

Cetanā Là Nghiệp

Kẻ thúc đẩy ba hành nghiệp chính là tư tâm sở cetanā-cetasika, một tâm sở nảy sanh trong tâm của mọi người. Tư tâm sở này được xem là tâm sở bận rộn và năng động nhất trong tất cả các tâm sở (cetasikas). Vì cetanā thúc đẩy bạn thực hiện một hành động, vì cetanā trách nhiệm cho sự hoàn thành của mọi hành nghiệp, nên cetanā được gọi là nghiệp (kamma).

Thức (viññāna) Không Dễ Nhận Ra

Qua kinh nghiệm thực tiễn bạn thấy rằng một số tâm (cittas) và tâm sở (cetasikas) rất dễ nhận thấy, trong khi số khác lại không. Một số tâm (cittas) không hiển lộ ra trong lúc bạn đang ngủ mặc dù dòng tâm thức vẫn diễn tiến. Khi bạn thức cũng vậy, chẳng hạn khi bạn thấy, nghe, ngửi, hoặc xúc chạm một cách lơ đãng, nhãn thức, nhĩ thức, tâm v.v… sanh lên không dễ gì thấy rõ; khi bạn suy nghĩ về điều này điều nọ một cách đãng trí cũng vậy, các trần cảnh đi vào tâm bạn chỉ có tích cách vô tình. Chính do sự thúc đẩy của tư (cetanā) thiện hoặc tư bất thiện, mà những thân nghiệpkhẩu nghiệp xảy ra, nhưng khi xung lực (lực đẩy) của mỗi cetanā đi kèm với tâm thức sanh khởi yếu ớt thì không đưa đến hành động (nghiệp). Những cetanā (tư tâm sở) không có một lực đẩy hay tốc hành tâm (jāvana) để hoàn thành những hành động như vậy xảy ra nhiều nhất trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Bất Thiện (Akusala Cetanā) Nổi Bật

Khi bạn có một ý chí mãnh liệt, chẳng hạn muốn giết một người nào đó, tốc hành tâm sân (dosa javana citta)cetanā (tư bất thiện) cũng trở nên rất mạnh và tràn ngập tâm bạn. Ý nghĩ của bạn lúc đó bận rộn với những toan tính để thực hiện việc sát nhân. Cũng vậy, nếu bạn bị những ý nghĩ xấu xa về nhục dục áp đảo, bạn sẽ phát triển lòng tham hay dục vọng mãnh liệt trong tâm, và thân của bạn cũng trở nên kích thíchhoạt bát hẳn lên, vào những lúc như vậy, nếu hành động, lời nói, và ý nghĩ đều nhằm vào những việc làm xấu ác, thì tư bất thiện bên trong bạn cũng cực kỳ ác. Những tư hay ý chí ác này là những xung lực rất năng động được gọi là akusala-javana-cetanās- tức những ‘tư thúc đẩy tốc hành tâm bất thiện’, và nếu quan sát một cách cẩn thận ta sẽ thấy nó nổi bật và dễ dàng nhận ra so với khuynh hướng tư duy bình thường.

Cetanā Thiện Nổi Bật

Những ý chí có tính đạo đức và thiện được gọi là những tư thiện (kusala-cetanās), những tư thiện này rất tích cực lúc bạn đang hành pháp bố thí (dāna), giữ giới, săn sóc người già yếu, thảo luận pháp (dhamma), hành thiền, và tránh những hành động vô đạo đức. Cetanā thúc đẩy tốc hành tâm thiện (kusala javana cetanā) này rất mạnh mẽ và năng động, và vì thế những hành động, lời nói, và ý nghĩ của bạn cũng trở nên tích cựcnăng động y như vậy.

Hậu Quả Có Khả Năng Kéo Dài Của Nghiệp Trên Dòng Tương Tục Danh Sắc (Ngũ Uẫn)

Những xung lực hay cetanā thúc đẩy các tốc hành tâm thiện (kusala javana cetanā) và tư thúc đẩy các tốc hành bất thiện (akusala javana cetanā) này được gọi chung là nghiệp (kamma), chúng xuất hiện và rồi biến mất, song sức mạnh cùng với ảnh hưởng và những thuộc tính của chúng không biến mất, mà còn lại như thể đã được chôn sâu trong dòng tương tục của ngũ uẩn để tạo ra những quả báo hiện thời hay mai sau. Trong dòng tương tục của ngũ uẩn, vô số các đơn vị tâm cứ sanh và diệt không ngừng. Từ dòng tương tục ấy, các tâm (citta) hoặc tư (cetanās) yếu ớt, không lộ rõ, sẽ không để lại một ấn tượng nào cả trong khi khi các tư (cetanās) mạnh mẽ, nổi bật để lại tiềm lực của chúng trong dòng tương tục. Tỷ như con cháu của những gia đình dân giả không cảm giác được những ảnh hưởng lâu dài của cha mẹ chúng sau khi họ qua đời; ngược lại con cháu của những danh gia vọng tộc tất nhiên sẽ cảm nhận được. Khi các bậc cha mẹdanh tiếng và được tôn trọng qua đời, con cháu họ vẫn cảm nhận được thế lực mạnh mẽ của cha mẹ.

Nghiệp Lực Tiếp Tục Trong Dòng Tương Tục của Ngũ Uẩn

Trong thế giới thực vật, chúng ta quan sát thấy rằng hạt giống của những cây ăn trái có sức mạnh di truyền để cho ra hoa và trái cùng chủng loại. Gien cho trái này có mặt trong từng giai đoạn của các loài ấy, nghĩa là, nó có mặt trong những giai đoạn còn là cây con, cây đã lớn, trái và hạt giống. Mặc dù chúng ta không thể mô tả sức mạnh di truyền này, chúng ta vẫn chắc chắn về sự có mặt của nó. Tương tự, trong dòng tương tục của ngũ uẩn, danh (nāma) và sắc (rūpa) nối tiếp nhau sanh và diệt không ngừng cho đến thời điểm xuất hiện của tâm tử (tâm chấm dứt kiếp sống hiện tại). Sức mạnh của nghiệp hay nghiệp lực lúc nào cũng bám sát theo chúng ta cho đến lúc chết. Ngay cả khi chết, nghiệp lực này vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng trên kiếp sống kế. Những năng lực ngủ ngầm này đi vào đời sống mới bắt đầu với sát na thụ thai, và cứ như vậy hết kiếp này sang kiếp khác. (Ở đây chỉ đề cập đến năng lực của nghiệp chính xác theo nghĩa những lực năng động của các hành động quá khứ, chứ không nói đến những gì thuộc về vật chất).

Người Tác Nghiệp Chịu Hậu Quả Trực Tiếp

Như chúng ta đã thấy, các chúng sinh cứ luân chuyển (tái sinh) mãi trong những kiếp sống mới, hết kiếp này tới kiếp khác. Bởi lẽ những năng lực của nghiệp quá khứ được tạo tác với vô minh (avijjhā) và tham ái (tanhā) từ kiếp trước, đẩy con người vào kiếp sống kế, nên chúng sinh mới không ai khác hơn là chúng sinh cũ từ kiếp trước. Tư (cetanā) của một người trong kiếp này mặc dù diệt liền sau đó, song hậu quả hay ảnh hưởng của tư đó, theo sát dòng tiến sinh của con người cho đến khi hậu quả đó được thể hiện đầy đủ. Như vậy những quả lợi ích của thiện nghiệp đi theo một người để che chở cho họ cũng như bóng đi theo hình, và những quả báo xấu của bất thiện nghiệp cũng không ngừng theo họ như bánh xe lăn theo chân con bò, chờ cơ hội để đưa ra sự trừng phạt xứng đáng. Vì thế, chúng ta phải hiểu rằng quả báo xấu của một hành động sai lầm sẽ trực tiếp đi đến chính người tạo tác chứ không đến với ai khác. Chúng ta không thể nói, “Ta đang sống trong đời này vì thế ta cứ thọ hưởng nó, qua đời sau chúng sinh khác sẽ gánh chịu, lo gì!”. Mỗi người phải có trách nhiệm trực tiếp đối với những hành động sai lầm, với những ác nghiệp của mình. Bạn phải hiểu rằng chính bạn, chứ không phải người khác, phải gánh chịu những ác quả của hành động sai lầm bạn đã làm trong cuộc đời này.

Quả Của Nghiệp Giống Nhau

Trong các chuyện tiền thân (jatakas) chúng ta thấy hai người cùng làm một việc nào đó với nhau và như vậy hưởng cùng một quả báo như nhau trong những kiếp kế. Những người cùng làm việc từ thiện với nhau, như khi người chồng đi làm kiếm tiền còn người vợ ở nhà đi làm từ thiện hay bố thí với số tiền đó, sẽ cùng hưởng những quả lành chung với nhau. Hai người cùng làm những việc thiện với nhau có thể phát triển một sự gắn bó muốn được là bạn lành của nhau và được nghe những lời thiện ngôn của nhau: đây là ước muốn chánh đáng - sammāchanda (dục chân chánh); hoặc sự gắn bó có thể phát sinh do những tình cảm thân mật với nhau nhiều hơn: đây là một ước muốn bất thiện - taṇhā-chanda (ái dục). Hai ước muốn này có thể phát sinh cùng với tâm trước hoặc sau một việc thiện làm cùng nhau. Khi những thiện nghiệp ấy cho quả, những người này có khuynh hướng gặp lại nhau trong những kiếp sống tương lai, thọ hưởng những quả lành của việc làm quá khứ của họ để hoàn thành, hoặc ước vọng chân chánh - sammāchanda hoặc ái dục tanhā-chanda của họ. Điều này thường được gọi là “những quả nghiệp giống nhau”.

Vấn đề thọ hưởng chung những quả nghiệp này có thể thấy rõ qua những kiếp sống của các vị bồ tát (Bodhisatta) và vợ của họ. Những cặp vợ chồng như vậy đã thề nguyện với nhau để được là những cộng sự trung tín trong nỗ lực cao quý (hoàn thành Phật quả). Chẳng hạn, đức bồ tát (sau này là đức Phật Gotama) và công chúa Yasodhara (Dadudālā), trưởng lão Mahākassapa (MahaCaDiếp) và nàng Bhadda (Phát Đa), Đức vua Mahakappina và Hoàng Hậu Anoja,v.v… đã từng là vợ chồng của nhau trong vô lượng kiếp quá khứ đi tìm các pháp balamật (pāramis). Cùng với họ còn có Trưởng lão Xá Lợi Phất, Tưởng lão Mục Kiền Liên, Trưởng lão Anậulâuđà (Anurudha) và Trưởng lão Lahầula (Rahula),Ttrưởng lão ni Khêma (Khema), Uppalavanna (Liên Hoa Sắc), Gotami (Kiều đàm di) - kế mẫu cũng là Dì của Đức Phật, và Đức Vua Tịnh Phạn (Suddhodana); những người này đã từng hợp tác khắng khít với nhau trong việc thực hiện những thiện sự ở các kiếp quá khứ.

Những Người Cùng Làm Chung Ác Nghiệp

Ngược lại, cũng có những người hợp tác với nhau trong việc làm điều ác. Khi những nghiệp bất thiện được làm cùng nhau này chín muồi họ sẽ tái sinh để cùng thọ lãnh những quả báo ác. Xưa có hai vợ chồng kia bị đắm tàu và mắc kẹt trên một hòn đảo. Do đói bụng họ cùng nhau giết chim ăn thịt. Nghiệp bất thiện này đã khiến họ phải cùng chịu khổ trong địa ngục. Và vào thời Đức Phật Gotama của chúng ta, họ trở thành hoàng tử Bodhi (em của vua Utena) và công chúa vợ của hoàng tử. Vì họ đã cùng nhau giết và ăn thịt chim trong kiếp quá khứ, nên cả hai phải chịu cảnh tuyệt tự không có con cái gì cả.

Nếu người vợ hay chồng không tán thành việc giết chim, một trong hai người có thể còn được may mắn có khả năng sinh đẻ. Song vì cả hai cùng cộng tác trong hành động ác, nên cả hai phải chịu số phận không con. Những nghiệp bất thiện được làm cùng nhau sẽ tạo ra những quả ác giống nhau trong các kiếp tương lai. Trong trường hợp của hai vợ chồng trên, nếu hiểu biết, người vợ nên ngăn người chồng làm điều ác hoặc ngược lại. Bằng không, cả hai sẽ phải chịu những quả báo ác cùng nhau.

Lợi Ích Của Thiện Nghiệp Được Thọ Hưởng Chung

Những lợi ích của thiện nghiệp cùng nhau chung hưởng này có thể thấy trong những gia đình, những cộng đồng hay trong các xã hội mà những thành viên của nó đã cùng nhau thực hiện những thiện nghiệp trong quá khứ. Chẳng hạn, ở Tích Lan (Srilanka) trong thời kỳ trị vì của đức vua Bhatika, những người ăn thịt bò đều bị phạt vạ. Ai không có đủ tiền nộp phạt thì phải phục vụ như quét dọn trong hoàng cung. Trong số những người bị lao dịch đó có một cô gái xinh đẹp được đức vua đem lòng yêu mến. Vì thế cô được đặt cho tên là Sāmadevī và được giữ lại trong hoàng cung như thị nữ riêng của vua. Thân quyến của cô cũng được ân xá và được chăm sóc đặc biệt theo tiêu chuẩn hoàng gia. Có thể xem đây là trường hợp của việc chung hưởng những lợi ích do quả nghiệp thiện của một người. Tất nhiên một số người có thể quả quyết rằng những người trong nhóm đó cũng phải có những quả nghiệp thiện của riêng họ mới được hưởng như vậy. Nhưng cần phải hiểu là nghiệp quá khứ của họ chỉ có quả báo rất yếu, nếu không có quả nghiệp thiện quá khứ của Sāmadevī thì cũng sẽ không thể nào kết trái được.

Hậu Quả Gián Tiếp Của Nghiệp Bất Thiện

Đôi khi những bất thiện nghiệp trong quá khứ có thể gián tiếp đem lại ảnh hưởng xấu cho người khác. Vào thời Đức Phật Ca-Diếp (Kassapa) có một Vị Alahán đến tạm trú tại một ngôi Chùa do một vị Sư nọ Trụ trì. Người thí chủ giàu có của ngôi chùa hết lòng đến thăm viếngcung kính vị Alahán, điều này khiến cho vị Sư Trụ trì ganh tị. Một hôm người thí chủ mời cả hai vị Trụ trì và vị Alahán đến nhà để cúng dường bữa ăn sáng, do lòng ganh ghét, vị trụ trì lén đi một mình đến nhà vị thí chủ. Ông cố tình gõ nhẹ vào quả chuông bằng đầu ngón tay của mình để không làm thức giấc vị Alahán. Thậm chí ông còn nói với vị thí chủ rằng Vị Sư khách ham ăn mê ngủ đến nỗi ông không làm sao đánh thức dậy được.

Tuy nhiên, người thí chủ đoán biết được tâm ý của vị Trụ trì và gởi ông một tô cơm mang về cho Vị Alahán. Vị Trụ trì, do lòng ghen tị, đã vứt bỏ tô cơm bên vệ đường. Ông nghĩ rằng nếu vị Sư khách nhận được tô cơm ngon lành thế này thì sẽ ở lại Chùa mình luôn mà thôi.

Nhưng vị Sư khách là một vị thánh Alahán, biết tâm ý của Vị Trụ trì nên đã dùng thần thông bay đi trước khi Vị Trụ trì về đến chùa. Khi Vị Trụ trì không tìm thấy vị Sư khách của mình đâu, lúc ấy ông mới cảm thấy hối hận, lo lắngsầu muộn. Ông đã xử sự quá bất công với vị Sư khách do tính ích kỷ của mình. Vì bị nỗi hối hận cực độ dày vò, cả về thể xác lẫn tinh thần, chẳng bao lâu ông chết và phải tái sinh vào địa ngục. Sau khi chịu khổ trong địa ngục, ông phải tái sinh làm ngạ quỷ năm trăm kiếp, và làm chó năm trăm kiếp, trong cả ngàn kiếp sống ấy ông chẳng bao giờ có đủ vật thực để ăn.

Đến thời Đức Phật Gotama, ông được thụ thai trong lòng một người phụ nữ nghèo khổ tại một làng chài ven biển. Do ác nghiệp quá khứ của ông quá mạnh, cả ngôi làng chài này chịu cảnh nghèo đói ngày một thê lương hơn. Sau đó, ngôi làng này còn phải chịu bảy lần hỏa tai và bị nhà Vua trừng phạt bảy lần.

Cuối cùng, nhờ phương pháp chọn bằng việc loại dần, tức là cứ chia dân trong làng ra hai nhóm, nhóm nào có người xui xẻo sẽ được chia tiếp, cho tới khi người ta phát hiện ra gia đình của đứa bé chưa sinh chính là người đã đem lại mọi vận rủi và đuổi gia đình đó ra khỏi làng. Người mẹ chăm sóc đứa con được vài năm rồi cũng phải bỏ nó (vì không kiếm được miếng ăn hàng ngày do đeo mang đứa bé xui xẻo). Bà để lại cho đứa bé cái bát để ăn xin.

Năm lên bảy, trong khi đang đi ăn xin, đứa bé gặp Trưởng lão Xá-Lợi-Phất và Ngài đã cho cậu xuất gia làm Sa-di. Đúng tuổi hai mươi cậu trở thành một vị Tỳ khưu với pháp danh Losaka Tissa. Từ đó Ngài hành thiền chỉ (samatha) và thiền quán (vipassanā) một cách chuyên cần cho đến khi đắc Alahán, nhờ trong tiền kiếp làm trụ trì Ngài đã giữ giới (sīla) trong sạch.

Tuy nhiên mãnh lực của ác nghiệp quá khứ nghiệt ngã đến nỗi ngay cả khi đã là một vị Alahán, ngài vẫn phải chịu khổ. Ngài chẳng bao giờ có đủ vật thực khi đi bát. Thấy tình cảnh khốn khổ này, thầy của ngài, Trưởng lão Xá-Lợi-Phất đã cùng đi khất thực với ngài. Nhưng khi đi cùng như vậy, bản thân Ngài Xá-Lợi-Phất cũng chẳng có được vật thực, vì thế Ngài lại phải đi khất thực một mình như cũ. Thọ thực xong ngài Xá-Lợi-Phất yêu cầu các vị thí chủ gởi thức ăn đến cho Trưởng lão Losaka Tissa, nhưng người giúp việc được cử đem bát đến cho Ngài Losaka Tissa đã ăn hết thức ăn trên đường đi. Khi Ngài Xá-Lợi-Phất biết được thức ăn đã không đến tay vị sư, ngài liền nhận một bát gồm “bốn món đồ ngọt” (đó là: bơ lỏng, dầu mè, mật ong, mật mía trộn chung với nhau) nơi Đức Vua Kosala và tự tay cầm bát cho vị Alahán (Losaka) ăn vì sợ rằng cái bát sẽ biến mất (do ác nghiệp của Ngài Losaka). Ngài đã thọ dụng thật thoả mãn món ăn tứ vị trộn chung ấy và nhập vô dư Niêt Bàn (Parinibhana) ngay tại chỗ.

Ghi chú

Ở đoạn này ta thấy trong thời Đức Phật Kassapa (Ca Diếp), ác nghiệp của một người đã ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng khi người ấy tái sinh vào ngôi làng đánh cá. Ngay cả thầy Ông, Tôn giả Xá-Lợi-Phất cũng không có được vật thực mỗi khi đi cùng với Ông (Trưởng lão Losaka Tissa, người đã tạo tác ác nghiệp trong quá khứ). Đây là một bằng chứng cho thấy rằng quả báo của người tác nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến những người ở cùng với họ trong nhiều kiếp. Bởi vậy, mọi người nên nghĩ đến sự an sinh của mình trong luân hồi, và để khỏi phải chịu những quả ác gián tiếp, hãy thận trọng tránh xa người ác ít ra cũng ở trong tâm, nếu không tránh bằng thân được, mặc dù họ có thể là quyến thuộc của mình. Chỉ khi đó chúng ta mới thoát khỏi ảnh hưởng xấu của những bất thiện nghiệptrở thành những người có giới hạnh trong các kiếp vị lai.

Những Ảnh Hưởng Xấu Trên Người Khác

Có những trường hợp một người không may phải gánh chịu những quả báo xấu thay cho người đã tạo tác ra ác nghiệp. Trong những trường hợp như vậy người tạo nghiệp kể như thoát khỏi những tác động của ác quả nhờ một hình thức bảo vệ nào đó, nhưng một người khác rất thân thiết với họ như cha mẹ, thầy tổ, con cái, tôi tớ, đệ tử, hoặc thí chủ, sẽ phải chịu thay cho họ. Lúc đó người ta sẽ nói rằng “Kẻ xấu số ấy đã trở thành nạn nhân của nghiệp”. Người tác nghiệp thật sự, người phải chịu trách nhiệm đối với ác nghiệp, cũng sẽ cảm thấy thương hại cho kẻ xấu số mặc dù anh ta đã thoát được quả báo xấu do chính ác nghiệp mình làm. Vì thế, chúng ta có thể thấy rằng anh ta cũng đâu có hoàn toàn thoát khỏi khổ.

(Theo các nhà chiêm tinh, nếu người làm điều ác đang nằm dưới ảnh hưởng của chòm sao may mắn của họ, họ sẽ không phải chịu những quả xấu, quả này đã được chuyển hướng sang một người nào đó trong thân quyến, tôi tớ hoặc gia đình họ).

Nghiệp Đồng, Quả Dị

Trên cõi đời này có những người giới hạnh, hiền thiện, song cũng có những người độc ác xấu xa. Chúng ta hãy giả sử một người hiền thiện và một người xấu ác làm cùng một ác nghiệp nhỏ. Người hiền thiện sẽ không đến nỗi phải khổ nhiều vì thiện nghiệp của họ sẽ thủ tiêu ác nghiệp nhỏ nhoi ấy. Nhưng đối với người xấu ác, vì không có thiện nghiệp che chở, chắc chắn sẽ thọ lãnh trọn vẹn quả báo xấu đó.

Chẳng hạn vào một đêm, con trai của một nhà giàu nọ và một tên nghiện ma túy cùng đi rình để bắt trộm gà. Cậu quý tử thực sự đã trộm được con gà và tẩu thoát nhưng bị chủ nhà bắt được. Thấy cậu ấm, chủ nhà vội thả ra vì y không dám buộc tội nó là kẻ trộm, thậm chí y còn phải xin lỗi cậu ta nữa. Nhưng tên nghiện ma túy lại bị y buộc tội ăn trộm và bị bỏ tù.

Ví như bạn bỏ một nhúm muối vào sông Ayeyawady (một con sông ở Miến), vị của nước sông vẫn không thay đổi. Cũng vậy, nếu bạn phạm một ác nghiệp nhỏ trong khi đã tích lủy được nhiều thiện nghiệp, ác nghiệp nhỏ nhoi ấy sẻ không gây ra một quả báo xấu đáng kể nào. Song nếu bạn bỏ cũng nhúm muối ấy vào bình nước, nước sẻ trở nên mặn. Cũng vậy, nếu bạn chỉ tích tạo được một ít thiện nghiệp, thì một ác nghiệp nhỏ tương xứng sẻ triệt tiêu những thiện nghiệp ấy của bạn.

Thiện nghiệp (kusala kamma) và bất thiện nghiệp (akusala kamma) có thể làm mất tác dụng lẫn nhau. Một ác nghiệp nhỏ không cách nào gây trở ngại cho một khối thiện nghiệp lớn được. Song nếu bạn chỉ có một số ít thiện nghiệp, thì một ác nghiệp nhỏ cũng khiến cho thiện nghiệp của bạn thành vô hiệu lực. Vì thế có thể coi đây là bài học đạo đức cho những người người hiền thiện, hãy cố gắng làm nhiều việc thiệntích lũy thật nhiều thiện nghiệp với hết khả năng của mình.

Lợi Điểm (Sampatti, diều kiện đầy đủ cho sự thành đạt) và Khuyết Điểm (Vipatti, điều kiện đưa đến sự khiếm khuyết bất hạnh)

Nếu những điều kiện hay trợ duyên được đầy đủ và sẵn có, thì gọi là Sampatti - lợi điểm. Khi những điều kiện hay trợ duyên không đầy đủ, gọi là Vipatti - khuyết điểm. Trong vòng tử sinh luân hồi, trải qua vô lượng kiếp sống, mỗi người chúng ta đã tạo tác rất nhiều nghiệp, đã tích lũy không biết bao nhiêu những xung lực tâm lý hay những tốc hành tâm (javana-citta) sẽ cho quả trong tương lai. Những nghiệp này không bao giờ tuyệt diệt và tàn lụi mà không cho quả. Nhưng chúng cũng phải chờ cho đến khi những điều kiện thích hợp cho sự tiến triển của chúng xuất hiện trong một đời sống tương lai nào đó. Có bốn điều kiện cho sự đầy đủ, hay còn gọi là bốn lợi điểm (Sampatti), và bốn điều kiện cho sự khiếm khuyết hay khuyết điểm (Vipatti), đối với mọi chúng sinh trong vòng tử sinh luân hồi. Trong những điều kiện thuận lợi (Sampatti) thiện nghiệp sẻ có cơ hội tạo ra quả thiện. Trong khi gặp những điều kiện khiếm khuyết (Vipatti) các bất thiện nghiệp lại đóng vai trò chủ đạo để tạo ra những quả báo xấu.

Bốn lợi điểm - Sampatti.

1. Gati-sampatti- lợi điểm sanh thú: được tái sinh trong một cảnh giới tốt.

2. Upadhi-sampatti- lợi điểm sanh y : có những nét khả ái (về hình thể)

3. Kāla-sampatti- lợi điểm thời kỳ: sinh ra trong thời kỳ thích hợp.

4. Payoga-sampatti- lợi điểm sở hành: có những phương tiện hay công cụ, có tri kiến chơn chánh và chuyên cần.

Bốn khuyết điểm - Vipatti.

1. Gati-vipatti- khuyết điểm sanh thú: tái sinh trong một khổ cảnh.

2. Upadhi-vipatti- khuyết điểm sanh y: có những nét khó ưa.

3. Kāla-vipatti- khuyết điểm thời kỳ: sinh vào thời kỳ không thích hợp.

4. Payoga-vipatti- khuyết điểm sở hành : không có những phương tiện hay công cụ, thiếu tri thức và thiếu chuyên cần.

Lợi Điểm Sanh Thú - Gati Sampatti

Các cảnh giới cao như cõi người, cõi chư thiên và cõi phạm thiên được gọi là lợi điểm sanh thú. Được tái sinh vào các cõi nầy sẻ có được những cơ hội thuận tiện cho thiện nghiệp tạo ra quả đáng mong ước. Cõi người không hoàn toàn thoát khỏi khổ, còn trong các cõi chư thiênphạm thiên có ít sự lao nhọc hay khổ hơn. Nhưng chúng sinh của cõi lành sẽ được thọ hưởng cuộc sống tốt đẹp với những trần cảnh khả ái. Tái sinh trong một sanh thú thuận lợi như vậy, ít ra họ cũng được bảo vệ khỏi ảnh hưởng xấu của những ác nghiệp quá khứ. Nói đúng hơn, những nghiệp xấu của quá khứ sẽ không có nhiều cơ hội tạo ra quả xấu của chúng.

Cõi người mặc dù không thoát khỏi khổ vẫn được xem là sanh thú thuận lợi, vì so với bốn ác đạo ( địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, và Atula), cõi người được đầy đủ tiện nghi hơn. Cõi người còn cung cấp cơ hội cho những quả của thiện nghiệp kết trái, cơ hội để tránh những trần cảnh xấu và gặp những trần cảnh khả ái.

Khuyết Điểm Sanh Thú - Gati Vipatti

Gati vipatti nghĩa là bốn cõi khổ - địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, và Atula. Những chúng sinh trong cõi địa ngụcngạ quỷ lúc nào cũng phải chịu đau khổđói khát. Vì thế họ thường xuyên phải phơi mình ra để thọ lãnh quả xấu của những ác nghiệp họ đã làm. Nói chung, đời sống của những chúng sinh địa ngụcngạ quỷ là cơ hội thuận tiện để những ác nghiệp quá khứ của họ cho quả bất thiện. Cõi bàng sanh hay súc sanh không đến nỗi đau khổ như hai cõi địa ngụcngạ quỷ, song phải thường xuyên phơi mưa phơi nắng và sống trong nỗi lo sợ bị săn bắn và bị các loài dã thú ăn thịt. Những cái khổ (dukkha) này cho chúng ta thấy rằng khi có cơ hội thuận tiện cho ác nghiệp trổ quả, những chúng sinh phải chịu đựng đau khổ đến thế nào. Hằng ngày những loài sâu bọ phải bị đè bẹp, dẫm đạp bởi con người và xe cộ, dù những chúng sinh này có thể đã từng làm nhiều việc thiện trong quá khứ, song những nghiệp này không có cách nào cứu được họ vì họ đang sống trong cõi khổ là Gati vipatti (khuyết điểm sanh thú), nơi mà những cơ hội được xem là thuận lợi hơn cho ác nghiệp quá khứ của họ trổ quả.

Lợi Điểm Sanh Y - Upadhi-sampatti

Đối với những chúng sinh có được sanh thú thuận lợi (gati-sampatti), đặc biệtcõi người, vấn đề quan trọng là họ cũng phải có được sanh y thuận lợi (upadhi sampatti), tức phải có những nét đáng ưa hoặc cá tính tốt đẹp. Nếu một người có được lợi điểm sanh y, dù cho phải tái sinh trong giai cấp thấp hèn hoặc trong gia đình nghèo khó, họ cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ từ người khác và đạt được thành công trong cuộc đời. Những thiện nghiệp quá khứ của họ sẽ có cơ hội cho quả. Thực vậy một dáng vẻ bề ngoài khả ái là một tài sản to lớn. Cô thiếu nữ nghèo Samadevī kể trên trở thành thị nữ của một vị vua cũng là nhờ sanh y thuận lợi của cô ta, hoặc bà Simson đã chiếm được trái tim vua Edward đệ VIII nhờ nhan sắc của mình.

Nói gì đến con người, một số chúng sinh trong gati vipatti (khuyết điểm sanh thú) như những con thú kia còn nhận được sự bảo vệ, thực phẩm và chuồng trại đàng hoàng nếu chúng xinh đẹp. Chúng ta thấy những con chim xinh đẹp, những con chó dễ thương hay những con cá màu sắc sặc sỡ được những người giàu có nuôi giữ như những con vật cưng trong nhà. Như vậy, có diện mạo xinh đẹp và những nét khả ái, tức có Upadhi-sampatti, rất là quan trọng và lợi ích.

Khuyết Điểm Sanh Y - Upadhi-Vipatti

Những con vật xấu xí, những con thú tật nguyền, v.v… phải chịu cả khuyết điểm sanh thú lẫn khuyết điểm sanh y. Không có cơ hội cho những thiện nghiệp quá khứ của chúng trổ quả trong những điều kiện như vậy. Con người, dù sinh ra trong sanh thú thuận lợi, nhưng nếu xấu xí hoặc dị dạng cũng không thể thọ hưởng trọn vẹn những quả báo của thiện nghiệp. Ngay cả những người thuộc tầng lớp thượng lưu cũng vậy, nếu như họ xấu xí cũng khó chiếm được tình cảm của người khác. Chẳng hạn công chúa Pabhavati, rất xinh đẹp, đã từ chối nhìn mặt hoặc nói chuyện với Đức Vua Kusa (tiền thân của Đức Phật), kiếp đó rất xấu xí. Sanh y khuyết điểm còn lót đường cho nghiệp xấu trổ quả, Vua Kusa xấu xí phải làm việc như một anh đầu bếp, một người thợ đồ gốm, và một người đan chiếu để mong chiếm được lòng thương cảm và tình yêu của nàng công chúa xinh đẹp. Nếu một cặp vợ chồng mà người vợ hoặc chồng xấu xí, họ sẽ chẳng khác gì người đầy tớ, chứ không phải chồng hay vợ gì. Đấy là những bất lợi của khuyết điểm sanh y.

Lợi Điểm Thời Kỳ - Kāla-sampatti

Triều đại của các nhà cai trị có uy đứcsáng suốt được gọi là Kāla-sampatti - lợi điểm thời kỳ. Dưới sự lãnh đạo của những bậc minh quân, biết lo lắng cho sự an sinh của người dân, thúc đẩy cho sự thịnh vượng, sức khoẻ và giáo dục của họ, những quả của thiện nghiệp chắc chắn sẽ có cơ hội để trổ sanh. Vì thế người dân hưởng được một đời sống an lành, bình yên và không phải lo lắng sợ hãi. Thời kỳ như vậy được xem là thời kỳ thuận lợi, trong đó những ác nghiệp quá khứ đúng ra có thể đưa đến nghèo nàn và đói kém, cũng sẽ không thể tạo ra quả tức thời được. Mọi hình thức của bất thiện (akusala) không có cơ hội hoạt động trong thời kỳ của Kāla-sampatti này.

Khuyết Điểm Thời Kỳ - Kāla-vipatti

Sự cai trị của các nhà lãnh đạo độc ác, bất tài được gọi là khuyết điểm thời kỳ. Những thời kỳ chiến tranh và bạo loạn khắp nơi cũng là khuyết điểm thời kỳ. Vào những thời kỳ đen tối như vậy, bất thiện nghiệp sẽ có cơ hội để trổ quả xấu. Vì thế người dân phải chịu cảnh nghèo đói lầm than. Ngay cả những người có đầy đủ thiện nghiệp cũng không thể thọ hưởng những quả lành của họ trong những thời kỳ xấu xa này. Con người sống trong tai ương, người bệnh phải chết vì thiếu thuốc men. Đó là những điều tai ác của khuyết điểm thời kỳ.

Lợi Điểm Sở Hành - Payoga-sampatti

Payoga-sampatti - lợi điểm sở hành là kết quả phối hợp của chú niệm (sati), tinh tấn (viriya) và trí (ñāṇa). Ở đây trí có nghĩa là tri kiến vô hại cũng như thiện tầm (vitakka) vậy. Sự thận trọng, nỗ lực, tỉnh táo, tuệ giác, trí tuệ, và chú niệm đều có nghĩa là lợi điểm sở hành. Trong các cõi chư thiênphạm thiên, lợi điểm sở hành không mấy quan trọng. Nhưng trong cõi nhân loại này nó được xem là quan trọng bậc nhất.

Con người không có những bất thiện nghiệp cực trọng đến độ phải đem lại hậu quả tức thời. Sức mạnh của nghiệp quá khứ còn tùy thuộc vào có hay không có lợi điểm sở hành này để cho ra những quả báo dựa trên mức độ của nó.

Nói tóm lại, hạnh phúc của chúng ta không chỉ cậy vào thiện nghiệp quá khứ, mà cũng còn tùy thuộc vào những nỗ lực chúng ta vận dụng trong kiếp hiện tại. Lợi điểm sở hành sẽ hướng những thiện nghiệp quá khứ của chúng ta chảy theo đúng hướng. Tất nhiên một số thiện nghiệp chúng ta đã làm trong quá khứ sẽ tạo ra những quả lành trong hiện tại, chẳng hạn như trúng số độc đắc hoặc đào được một hũ vàng. Nhưng những sự kiện như vậy rất là hiếm hoi. Trong công việc thương mại, quả của thiện nghiệp quá khứ chỉ giải thích một phần tư sự thành công đã đạt được, ba phần tư còn lại là do lợi điểm sở hành trong đời này.

Lợi Điểm Sở Hành Có Thể Ngăn Được Bất Thiện Nghiệp

Akusala-kamma (bất thiện nghiệp) có thể chia thành hai cấp độ: (1) Nghiệp mãnh liệt hay trọng nghiệp, (2) Nghiệp yếu hay khinh tiểu nghiệp. Lợi điểm sở hành Payoga-sampatti không thể ngăn được những quả xấu của bất thiện nghiệp thuộc loại thứ nhất. Nó chỉ có thể làm giảm nhẹ tai họa đến một mức độ nào đó. Chẳng hạn, đức vua A-xà-thế (Ajatasattu) đã giết cha mình. Do tội ác tày trời này ông chắc chắn phải chịu khổ trong địa ngục Atỳ. Lợi điểm sở hành của ông dù mạnh mẽ cũng không thể cứu được ông. Tuy nhiên, do sự ăn năn và lòng quy kính của ông đối với Đức Phật, ông chỉ tái sinh vào địa ngục đột khởi (Ussada Niraya), một địa ngục nhỏ hơn Atỳ địa ngục và phải thọ khổ ít hơn so với món nợ của ông. Như vậy ngay cả nghiệp bất thiện cực trọng (Garu Akusalakamma) cũng có thể được giảm khinh nhờ lợi điểm sở hành đầy đủ.

Do đó, nếu những ác nghiệp của bạn không quá xấu như ác nghiệp của vua A-xà-thế, bạn có thể làm giảm nhẹ hay ngăn được quả xấu của chúng. Nếu bạn đã tạo những ác nghiệp như mắng chửi thầy tổ, tỏ lòng bất kính đối với cha mẹ và các bậc lớn tuổi, vu cáo các bậc giới đức, bạn có thể ngăn những hậu quả xấu ác không cho xảy đến nhờ thực hành chánh niệm và thực lòng ăn năn hối lỗi. Bạn cũng có thể triệt tiêu những hậu quả xấu ác đó bằng cách phủ phục sám hối trước họ, hoặc nếu họ đã chết, thì cũng làm như vậy trước mộ của họ. Nói chung, lợi điểm sở hành - Payoga sampatti sẽ ngăn được ác quả sắp xảy đến.

Lôïi Ñieåm Sôû Haønh Ñem Laïi Söï Thaønh Ñaït

Những người không có đức tin nơi Tam Bảo (Tiratana) cũng đã tích tạo được những phước báu vì chắc chắn trong những kiếp quá khứ, họ đã làm được những việc thiện. Tài năng của họ, sự chịu khóchuyên cần của họ thật rất đáng khen ngợi. Ngoài hạnh phúc cá nhân, họ còn vận dụng những nỗ lực lớn để bảo vệ xứ sở của họ bằng những phương tiện khoa học kỹ thuật cao. Không ai có thể phủ nhận rằng những nỗ lực này đã đem lại sự phồn vinh và sự phát triển xã hội (mặc dù có số Phật tử chỉ trích những cố gắng của họ là bất thiện).

Chúng ta thấy có những người nước ngoài đến đất nước chúng ta để tìm kiếm sự giàu sangthịnh vượng. Họ rất thận trọng, chịu khó, thông minh và tài giỏi. Tài năng của họ vượt xa chúng ta rất nhiều. Với khả năng nhìn xa thấy trước, họ chọn những địa điểm (patirūpa-desa) thích hợp để kinh doanh vì họ có kinh nghiệmkiến thức rộng rãi. Với sở thành thuận lợi như vậy, thiện nghiệp quá khứ của họ có cơ hội tốt để cho quả, vì thế họ trở nên giàu có rất nhanh là tự nhiên. Nếu người Phật tử chúng ta, những công dân của đất nước Miến Điện này cũng chuyên cầnnỗ lực, chắc chắn cũng sẽ đạt được những thành côngtiến bộ như họ. Mọi người chúng ta nên tìm kiếm kiến thứchọc hỏi kinh nghiệm, kết hợp với sở hành thuận lợi cho sự phát triển của đất nước chúng ta.

Sức Khoẻ Có Được Nhờ Sở Hành Thuận Lợi

Con người sinh ra trong cuộc đời này có được thiện nghiệp (kusala kamma) thì sức khoẻ tốt, còn nhiều bất thiện nghiệp thì sức khoẻ kém. Tuân thủ theo những khuôn phép về sức khoẻ, giữ vệ sinh cá nhân, ngủ nghỉ đầy đủ, chăm sóc y tế tốt, v.v… chung quy là sở hành thuận lợi đưa đến sức khoẻ tốt. Với những người có lợi điểm sở hành như vậy, thiện nghiệp quá khứ của họ chẳng những có tác dụng mà còn làm tăng thêm sức khoẻ cho họ nữa. Vì vậy lợi điểm sở hành là yếu tố chính giúp cho thiện nghiệp trổ quả lành.

Ngoài ra nhờ lợi điểm sở hành mà người ta còn có thể thu thập tri kiến, có được vợ hay chồng xứng đáng, thân cận các bậc thày tài đức và bạn lành, được giàu sang, và có địa vị xã hội. Lợi điểm sở hành cũng hỗ trợ cho việc hoàn thành các pháp Ba-la-mật (Paramis) lót đường đi đến Niết-bàn. Trong các thành tố của lợi điểm sở hành, trước nhất phải kể đến tri kiến hay kiến thức, thứ hai là chánh niệm, và thứ ba là chuyên cần trong tất cả những việc chúng ta làm.

Khuyeát Ñieåm Sôû Haønh - Payoga Vipatti

Lơ đãng, lười biếng, thiếu kiến thức, hay quên, ghen ghét, đố kỵ, nóng tính, huênh hoang tự đắc, v.v… tựu chung là khuyết điển sở hành. Những khuyết điểm ấy ngăn cản sự thành côngthịnh vượng của chúng ta. Trong dòng tương tục của các chúng sinh, những bất thiện nghiệp nghiêm trọng đủ để cho quả thì đã cho quả rồi, mặc dù không phải ai cũng có những nghiệp nghiêm trọng ấy. Tuy nhiên, những ác nghiệp nhỏ hơn lúc nào cũng có mặt trong mọi người và đang chờ trổ quả khi có payoga vipatti - khuyết điểm sở hành xảy ra.

Chẳng hạn con cháu các gia đình hiền lương, sống tốt đẹp nhờ có giáo dục, biết nuôi mạng chân chánh, giữ ngũ giới. Những hành nghiệp thiện này sẽ ngăn những ác nghiệp quá khứ không cho trổ quả. Ngược lại, nếu con cháu họ lười biếng, hành theo tà mạngphá giới, là chúng đang phát triển khuyết điểm sở hành. Điều này dĩ nhiên cũng đang mời những ác nghiệp quá khứ đến để cho quả.

Tóm lại, ngoài những cực thiện nghiệp và cực ác nghiệp ra, các thường nghiệp khác bất luận là gì, tuỳ thuộc vào lợi điểm sở hành và khuyết điểm sở hành này mà có thể hoặc không thể trổ quả. Đối với những người biết trau dồi lợi điểm sở hành, chỉ có thiện nghiệp thường xuyên xảy ra, còn bất thiện nghiệp sẽ không có cơ hội cho quả. Ngược lại, đối với những người có nhiều khuyết điểm sở hành, quả của thiện nghiệp không có chỗ đứng, chỉ có quả của bất thiện nghiệp thịnh hành mà thôi. Những người mà cuộc sống của họ bị bất thiện nghiệp làm hư hoại do khuyết điểm sở hành thắng thế không phải là hiếm. Chúng ta có thể thấy họ ở khắp mọi nơi.

Chúng ta có thể cải đổi được không ?

Trong số bốn khuyết điểm kể trên, một số chúng ta có thể sửa chữa được, số khác thì không.

Về nơi chốn thọ sanh ta không làm gì được để thay đổi. Điều này có nghĩa khuyết điểm sanh thú (gati-vipatti) không thể sửa đổi được. Song một số điều kiện khiếm khuyết của chúng ta có thể cải thiện hoặc sửa chữa. Chẳng hạn, nếu bạn sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, bạn có thể chuyển đến nơi thuận lợi hơn. Chúng ta thấy rất nhiều người nước ngoài đến nước ta tìm cơ hội làm giàu. Những người ở vùng thượng Miến cũng có khuynh hướng tìm về phương Nam, đến vùng hạ Miến với cùng mục đích trên. Các học giả học thức giờ thì tìm đến những vùng có nền giáo dục tốt hơn. Tất nhiên, bạn cũng cần có vài khả năng cơ bản nào đó như thông minh, cần cù mới mong thành công ở những nơi khác. Không có những khả năng cơ bản này có đi đâu cũng vô ích mà thôi.

Trường hợp của lợi điểm sanh y và khuyết điểm sanh y cũng thế, vẻ bề ngoài của thân thể hay diện mạo bẩm sinh thì không thể nào thay đổi được. Nhưng bạn có thể cải thiện dáng vẻ bề ngoài bằng cách ăn mặc y phục cho phù hợp. Về điểm này, khi sử dụng những loại y phục thời trang cần lưu ý sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, đừng để trở thành lố bịch! Các bà mẹ bằng nhiều cách có thể cải thiện cấu trúc xương của em bé, và sửa những dị tật nhỏ của chúng. Ngay cả một số nét xấu xí trên khuôn mặt hoặc mất cân đối ở chân tay cũng có thể được cải thiện bằng cách chăm sóc khéo léo và các phương tiện thích hợp. Sức khoẻ của em bé có thể được duy trì tốt nhờ dinh dưỡng đúng cách. Sự ngu dốt và bất cẩn của bà mẹ có thể gây ra những dị tật nhỏ cũng như tình trạng sức khoẻ xấu cho trẻ sơ sinh. Tóm lại, thiếu lợi điểm sở hành là đã dọn chỗ cho bất thiện nghiệp đến cho quả. Lợi điểm sở hành bao gồm: tri kiến, trí thông minh, và tinh tấn chính đáng. Sự kết hợp của ba yếu tố này có thể sửa chữa được một số khuyết tật.

Đối với khuyết điểm thời kỳ người ta cũng không thể làm được gì nhiều để thay đổi những điều kiện hiện tại. Chỉ các nhà cai trị mới có khả năng làm điều đó. Tuy nhiên, ngoại trừ thời kỳ loạn lạc toàn cầu, còn thì con người vẫn có thể chuyển đến những xứ khác, nơi có các bậc lãnh đạo tài đức hơn. Các nhà lãnh đạo địa phương như những vị đứng đầu một ngôi làng, một cộng đồng, và các vị trụ trì (chùa chiền, tu viện) trong chừng mực nào đó có thể cải thiện những điều kiện trong khu vực của họ.

Đến đây, hẳn bạn đã hiểu rõ ba điều kiện khiếm khuyết của sanh thú (gati), sanh y (upadhi) và thời kỳ (kāla), có thể cải thiệnsửa chữa được ở một mức độ nào đó rồi.

Dễ sửa đổi nhất là sở hành - payoga. Nếu bạn chây lười bạn có thể tự cải đổi mình cho được chuyên cần hơn. Nếu bạn hay quên, hãy cố gắng khép mình vào nếp sống chánh niệm. Nếu bạn nóng tính, bạn có thể hành pháp nhẫn nại để trở thành người trầm tĩnh. Nếu bạn kiêu căng tự phụ, bạn có thể tự cảnh tỉnh mình không nên làm thế. Nếu bạn thiếu kiến thức, bạn có thể tìm học nơi các bậc trí tuệ. Trong một thời gian ngắn chắc chắn bạn sẽ tích luỹ được một số vốn kiến thứctrí tuệ. Những ai luôn cố gắng cải đổi bản thân, sửa chữa những lỗi lầm và khuyết điểm, sẽ đạt được lợi ích không chỉ trong đời hiện tại mà còn cả trong vô lượng kiếp tương lai, tức ngày nào còn trong vòng luôn hồi này.

Không Phải Luôn Luôn Do Nghiệp

Thế giới này có bốn tôn giáo lớn: Ấn giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo, và Hồi giáo. Ấn giáo và Phật giáo tin nơi nghiệp và quả của nghiệp. Thiên chúa giáoHồi giáo tin vào Đấng Sáng Tạo của vũ trụ. Ở đây tôi sẽ không bàn chi tiết đến Tạo Hoá kiến đó, vì bất kỳ ai đọc cuốn sách này sẽ dễ dàng nhận ra niềm tin ấy là sai lầm rồi. Tuy nhiên, những ai tin rằng chỉ duy nhất nghiệp quá khứ và quả của nó quyết định số phận của một chúng sinh thì cũng kể như đang chấp nhận tà kiến gọi là Tiền định kiến - Pubbetahetauṭṭhi. Sở dĩ gọi đây là tà kiến vì nó công bố rằng mọi quả tốt hoặc xấu mà các hữu tình cảm thọ trong đời này chỉ là kết quả của những thiện nghiệp hoặc ác nghiệp họ đã làm trong những kiếp quá khứ mà thôi.

Do đó, những người Phật tử tin rằng chỉ một mình nghiệp quá khứ quyết định cuộc sống hiện tại là đã phạm vào Tiền định kiến. Hãy ghi nhớ bốn lợi điểm và bốn khuyết điểm này, bạn có thể khẳng định rằng những quả của thiện nghiệpác nghiệp lúc nào cũng đang đuổi theo bạn. Nhưng quả của ác nghiệp chỉ có thể trổ sanh khi những điều kiện khuyết điểm thịnh hành. Và quả của thiện nghiệp cũng chỉ đến khi những điều kiện thuận lợi bao quanh. Đây là niềm tin đúng đắn hay chánh kiến.

Cho dù bạn đã tạo những nghiệp xấu trong quá khứ, song nếu bạn chuyên cần tu tập các lợi điểm sở hành (ở đây là tri kiến, chánh niệmtinh tấn), ác nghiệp ấy sẽ không cho quả được. Nếu như trong đời này, bạn nỗ lực hoàn thiện các pháp Balamật như bố thí, trì giới, v.v… bạn sẽ tái sinh vào một cảnh giới cao hơn. Nếu bạn cứ tiếp tục trau dồi lợi điểm sở hành trong mỗi kiếp sống, bạn sẽ mãi mãi hưởng được sanh thú thuận lợi, và bất thiện nghiệp của bạn sẽ không bao giờ có được cơ hội để làm hại bạn cho đến khi bạn chứng đắc Niết Bàn. Vì thế, không cần phải lo lắng đến những nghiệp quá khứ, cái mà bạn vốn không thể thấy hay nhớ lại được. Hãy cố gắng thành đạt một cách chân chánh trong cuộc đời này - cải đổi bản thân và phát triển lợi điểm sở hành đến mức cao nhất để bạn có thể vút lên ngày càng cao hơn trong vòng luân hồi cho đến khi chứng đắc Niết Bàn.


 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.