SÁT NA TÂM Mãn Tự
Khi ngài Tu Bồ Đề reo lên “ Hi hữu thay Đức Như Lai Thế Tôn” thì ngài thấy được gì mà tâm ngài hoan hỉ như vậy? Chúng ta không biết chính xác thời gian ngài Tu Bồ Đề đồng hành cùng Đức Như Lai Thế Tôn, có thể là hai hay ba mươi năm gì đó để ngài thấy được bình thường tâm hằng ngày của Đức Thế Tôn. Bình thường tâm không có nghĩa là để đời sống lặng lẽ trôi đi đói ăn, khát uống, mệt nghỉ, buồn ngủ thì ngủ... Mặc cho thời gian trôi đi không có dấu vết ấn tượng nào lưu lại. Nếu như vậy thì chẳng có gì đáng nói và ngài Tu Bồ Đề chẳng phải mất ba mươi năm để nhận ra tâm bình thường đó. “Không biết ta mà khen ta đó là phỉ báng” Thế Tôn dạy như vậy và ngài Tu Bồ Đề biết lắm về lời dạy đó cho nên khi ngài reo lên “Hi hữu thay Đức Như Lai Thế Tôn” . Để tán thán một sự việc bình thường hằng ngày của Đức Thế Tôn là vì ngài thấy được sự “bình thường tâm” sấm sét đó trong suốt thời gian ba mươi năm cùng Đức Thế Tôn du hành. Học những gì chưa thấy chưa biết để được thấy được biết đó là người thông minh hay là người trí tuệ. Còn học được những gì đã thấy, đã biết đó là giác ngộ. Cũng vậy ngài Tu Bồ Đề theo Thế Tôn ròng rã suốt ba mươi năm, ngài cũng chứng kiến bao nhiêu biến cố xảy ra, ngài cũng đã nghe bao nhiêu bài pháp Đức Thế Tôn thuyết giảng và sau cùng ngài ngộ ra một sự tuyệt vời mà trong đời ngài chưa bao giờ có được đó là trạng thái “ Bình thường tâm”. Do thấy được “ Tâm” chính ngài nên ngài nhận ra “Tâm” của Như Lai, vì vậy ngài reo lên “Thật hy hữu” để tán thán khen ngợi. Đó là câu chuyện của ngài Tu Bồ Đề trong kinh Kim Cang, ngài giác ngộ nhờ quán Đức Như Lai mà thấy được “Bình thường tâm” của chính ngài. Câu chuyện của các Thiền sư sau đây cũng vậy. Có nhiều vị tu hành mấy mươi năm mà không giác ngộ, rồi thình lình qua sông thấy bóng mình in trên dòng nước mà ngộ ra, hay có vị tình cờ cuốn rèm cửa sổ mà ngộ ra, hay nhìn thấy hoa đào nở mà ngộ ra... Những câu chuyện giác ngộ đó thật chẳng có gì là bí mật là huyền ảo hết mà đó là những công việc hằng ngày nó rất bình thường đến mức mà ta không nhận ra được sự bình thường của nó. Trong lịch sử truyền thừa, thời gian Đức Thế Tôn đi truyền bá giáo lí Giác ngộ thì ngài phải đối diện với không biết bao nhiêu kiếp nạn, không biết bao nhiêu sự cản trở từ bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong tăng đoàn thì có sự chia rẽ, còn bên ngoài thì có sự thù địch của các Tôn giáo khác, họ liên kết với vua quan cho đến những vị Trưởng giả giàu sang quyền lực thời bấy giờ để ngăn cản và nhiều âm mưu thâm độc khác để hủy diệt mạng sống của Đức Thế Tôn. Cho dù trải qua bao nhiêu biến cố từ sự thù địch, mắng chửi, phỉ báng, vu oan cho đến có thể mất đi sinh mạng. Những biến cố sảy ra đó tầm quan trọng của nó chắc không một vị A La Hán nào nhận lãnh nổi. Tuy nhiên với Đức Thế Tôn thì như không có gì xảy ra hết vẫn an nhiên tự tại, đến giờ ăn vẫn bình thường, đắp y cầm bát đi khất thực từng nhà bất kể sang hèn. Cho dù trước đó có muôn ngàn lời tán tụng ngợi khen của đại chúng từ vua quan cho đến kẻ bần hàn hay trước đó không biết bao nhiêu lời mắng chửi nhục mạ thậm tệ hay phía trước còn có bao nhiêu âm mưu thâm độc muốn hủy diệt thanh danh cho đến sinh mạng của ngài. Là một vị đại A La Hán, một đại đệ tử nên ngài Tu Bồ Đề từng đồng hành cùng Thế Tôn chuyển bánh xe pháp và ngài cũng chứng kiến tận mắt những biến cố quan trong xảy ra trong khi Tăng đoàn du hành truyền bá giáo lí Giác ngộ giải thoát. Nhờ giác ngộ nên ngài Tu Bồ Đề nhận ra rằng chính bản thân ngài hay nói chung những vị A La Hán không có một vị nào đương đầu được với những biến cố xảy ra cho Đức Thế Tôn. Vì vậy ngài mong ước thiết tha muốn biết được làm thế nào, thực hành thế nào để được “Bình thường tâm”. Cho dù có xảy ra bao nhiêu biến cố. Ngài biết lắm với tâm bình thường đó ngài chưa thể học được nhưng với tâm từ bi nên ngài thỉnh cầu Đức Thế Tôn chỉ cho phương pháp biết đâu sau này có người thực hành được. “ Đức Như Lai Thế Tôn hay khéo hộ niệm các vị Bồ Tát hay khéo phó chúc tất cả các vị Bồ Tát. Bạch Đức Thế Tôn khi thiện nam thiện nữ phát tâm Vô Thượng Bồ Đề Chánh Đẳng Chánh Giác thì phải an trụ tâm như thế nào và hàng phục tâm như thế nào?” Trong các bộ Kinh ta thấy thông thường sau một biến cố xảy ra các vị đệ tử chờ thời gian thích hợp bạch hỏi Thế Tôn về nguyên nhân sự việc xảy ra và Thế Tôn nhân đó giải thích bằng cách nói lên một thời pháp liên quan đến biến cố đó. Để dứt sự nghi ngờ để tăng thêm niềm tin về bài pháp thoại Thế Tôn kể cho các vị tu sĩ nghe một câu chuyện về quá khứ. Câu chuyện đó có thể là tiền thân của chính ngài hay các vị Thế Tôn Như Lai trong tiền kiếp hay các vị pháp thân Bồ Tát tu hành hạnh nguyện Bồ Tát. Ba mươi năm theo Đức Thế Tôn ngài Tu Bồ Đề nhiều lần nghe Thế Tôn thuyết giảng về hạnh nguyện của những vị Bồ Tát thực hành tâm từ bi để cứu độ chúng sanh như: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tin tấn, thiền định cho đến trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật. Tuy ngài nghe nhưng không nhận vì ngài nghĩ rằng những hạnh nguyện vĩ đại cùng cực khó khăn, cùng cực vi diệu sâu xa đó sức ngài không thể kham năng gánh vác được. Đối với những vị Thanh văn nhờ nghe pháp tu hành rồi nhờ có nhân duyên mới ngộ được. Tu Bồ Đề ngài cũng vậy có nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng về hạnh nguyện của các vị Bồ Tát nhưng vẫn nghi ngờ vì những hạnh nguyện đó quá ư là siêu việt đối với trình độ và tâm tư của ngài. Cho đến một ngày làm cho ngài, nói theo thế gian là tâm phục khẩu phục và ngài reo lên “ Hi hữu thay Đức Như Lai Thế Tôn” Bốn mươi chín năm du hành rao giảng giáo lý Giác ngộ trong khoảng thời gian đó Thế Tôn đối diện với nhiều kiếp nạn và những sự việc xảy ra đó mà ta cho là kiếp nạn thì ngược lại chính nhờ những kiếp nạn làm nhân tố mà các vị tu sĩ ngộ nhập được đạo quả, từ sơ quả Tu Đà Hoàn cho đến A La Hán. Cũng vậy ngài Tu Bồ Đề là một đại A La Hán được Thế Tôn khen là bậc giải không đệ nhất trong hàng đại đệ tử, vì lí do đó cho nên trong những biến cố bình thường không thể nào làm xao động được tâm của ngài, mà phải là một biến cố vô cùng trọng đại. Biến cố đó nó khuấy động tận cùng sâu thẳm, nó lật ngược lại tâm tư của ngài mà từ lâu ngài vẫn có. Theo sự suy nghĩ của ngài có lẽ sẽ có điều gì quan trọng sắp xảy ra cho tăng đoàn sau biến cố đó. Ngài âm thầm quan sát mọi cử chỉ và hành động của Đức Thế Tôn và ô kìa! đến giờ ăn Thế Tôn như thường lệ đắp y cằm bát đi khất thực từng nhà trở về dùng thực phẩm xong cất y bát rửa chân rồi trải tọa mà ngồi. Lúc đó tâm tư của ngài Tu Bồ Đề đang chờ sự việc xảy ra. Nhưng không ngài quan sát Đức Như Lai vẫn an tường tịch tỉnh, không có một dấu ấn nào lưu lại sự việc đã xảy ra, không có biểu hiện nào sự việc đang xảy ra cũng không có một hiện tượng nào sẽ xảy ra. Lúc ngài Tu Bồ Đề quán sát Đức Như Lai Thế Tôn ba thời bất động như vậy tâm ngài đột nhiên dừng lại và trong một sát na tâm ngài thâm nhập hòa vào tâm của Đức Như Lai. Tuy chỉ một sát na thời gian nhưng ngài Tu Bồ Đề thấy là miên viển với niềm hân hoan vô tận ngài muốn nói lên muôn vạn lời tốt đẹp nhất để tán dương ca tụng Như Lai. Những gì ngài Tu Bồ Đề thấy trong một sát na nó nhiều đến độ không thể diễn tả hết bằng ngôn từ. “Hi hữu” tuy chỉ có hai từ nhưng nó là cô động những gì tốt đẹp nhất mà Tu Bồ Đề nói lên để tán dương Đức Như Lai Thế Tôn. Ba mươi năm hằng ngày mặt đối mặt thấy Thế Tôn qua nhục thể, ngài đinh ninh chỉ có như vậy mà thôi. Và chính ngài cũng được như vậy cho nên có nhiều bài pháp Thế Tôn thuyết giảng về Tánh không, về ý thức, về A lại da thức, về Như lai tạng tâm sâu xa vi diệu. Về bất nhị pháp môn những cảnh giới siêu việt tâm ý thức, vượt lên căn trần thức, những phương tiện bất khả tư nghì của chư vị Bồ Tát độ sanh. Ngài tuy nghe nhưng tâm nghi ngờ, không riêng gì một mình ngài nghi ngờ mà hầu hết các vị A La Hán nói chung cũng cùng tâm trạng như ngài. Tuy được ngộ nhập thấy như vậy nhưng tu học thế nào để được như vậy thì không phải sức ngài làm được nên ngài tha thiết mong cầu thỉnh Đức Như Lai Thế Tôn chỉ dạy làm thế nào để được an tâm và hàng phục tâm như thế nào. Sau này nhà Thiền có câu nói liên quan đến đoạn Kinh này “ Ba mươi năm tôi với anh hằng ngày đối diện nhưng chưa bao giờ gặp mặt” Bài kệ trong Kinh Kim Cang. Lấy sắc thấy Như lai Lấy âm thanh cầu Như lai Người ấy tu sai đường Chẳng thấy Như lai thật Có nhiều vị tu hành lấy bài kệ này làm tâm đắc nhưng thật ra bài kệ này Đức Thế Tôn chỉ nói một nửa mà thôi “Cẩn trọng”. |